Đô Thị Quỷ Ký

Chương 10


Dần dần, hồn phách của Đại Tam kéo dài ra, chỉ còn dính với thân xác đang nằm dưới đất ở đôi bàn chân.

Hắn vùng vẫy, khoa chân múa tay, cố gắng bơi trở lại với thân xác nhưng vô ích.

Đúng vào lúc hồn phách sắp rời thân hoàn toàn thì trên bụng hắn có ánh sáng vàng kim phát ra, đó là cây kim trong bộ kim dùng để châm cứu mà hắn vẫn mang theo người.

Về khả năng y thuật thì Đại Tam chỉ biết mỗi châm cứu, mà cái năng lực châm cứu do gia tộc truyền đời này nói rằng tệ thì rất tệ, nhưng nếu nói lợi hại thì cũng rất lợi hại.

Bởi gia tộc hắn chỉ có duy nhất một phép châm cứu gọi là “Cửu Địa Hoàng Tuyền”.

Phép châm này đối với cảm mạo, đau nhức thông thường này nọ thì vô dụng nhưng để cải tử hồi sinh, bổ hồn thu phách lại vô cùng lợi hại.

Người mới chết cũng có thể cứu sống, về phương diện này, trong thiên hạ nếu xưng thứ hai thì không có phép châm nào dám xưng thứ nhất.

Bộ châm của hắn có mười chiếc kim, trong đó có một cây làm bằng vàng, lúc nào cũng lấp lánh tỏa ánh vàng.

Hai chiếc làm bằng bạc, lúc nào cũng tỏa sáng trắng.

Ba chiếc làm bằng đồng đen, lúc nào cũng tỏa ánh u ám.

Bốn chiếc làm bằng thép, vốn không tỏa sáng gì, chỉ toát ra cảm giác lạnh lẽo.

Lúc này cây kim bằng vàng đang phát ra ánh sáng rực rỡ chói mắt, thứ ánh sáng này kéo hồn phách Đại Tam trở lại, nhập lại vào thân xác của hắn.

Nhưng trở lại chưa bao lâu, hồn phách của hắn lại bị kéo ra nữa.

Đại Tam biết mình chỉ có một cơ hội này, vội vàng lấy ra mấy cây kim, nằm sấp người lại, nhanh chóng tự châm vào Bách Hội, Mệnh Môn, Đề Khuyết, để phong bế toàn bộ hồn phách.

Vừa châm xong, thì hồn phách được kéo về lại thân thể, ổn định nằm yên.

Có điều điều này cũng khiến bản thân hắn vô phương nhúc nhích, chỉ có thể nằm im trên mặt đất.


Vốn dĩ phép châm mà hắn vừa sử dụng có tên gọi là “Cố Phách”, dùng để bổ trợ sau khi cải tử hồi sinh cho một ai đó.

Người mới chết sống dậy, thất phách sẽ trở nên vô cùng yếu ớt, dùng “Cố Phách” sẽ phong ấn toàn bộ tam hồn và thất phách của người đó trong cơ thể, đồng thời người đó sẽ giống như một pho tượng, toàn bộ hoạt động cơ thể đều bị giảm xuống tối thiểu, ngay cả hơi thở cũng gần trở nên ngưng đọng, nhìn qua tưởng như đã chết.

Nhưng chỉ cần qua một ngày một đêm, rút kim ra sẽ trở lại khỏe mạnh như thường.

Sương lạnh bắt đầu rơi, Đại Tam nằm úp trên mặt đất, im lìm như một xác chết.

Bỗng có một đám người xuất hiện, tay vài người cầm đuốc sáng rực.

Đám người không dám lại gần, chỉ dám đứng từ xa quăng móc dính vào quần áo Đại Tam kéo ra xa.

Thì ra người đánh xe sau khi bỏ đi, không hiểu sao trong lòng có chút hiếu kỳ, liền quay trở lại, thấy Đại Tam nằm trên mặt đất, tưởng rằng hắn đã trở thành nạn nhân của nơi quỷ quái chết chóc này, nhưng lại không đành lòng bỏ đi, nên đi gọi mấy người ở gần đó đến.

Đám người không dám lại gần cái quán trọ đã trở nên hoang lạnh này nên chỉ dám tung móc kéo Đại Tam ra.

Sau khi xem xét, cho rằng Đại Tam đã chết, liền quyết định đem chôn hắn.

Nhưng Đại Tam là người lạ, đám người này chỉ có thể góp nhau mỗi người một ít, làm qua quýt, mua cái quan tài loại rẻ nhất, lại thuê nhà đòn đem đi chôn vội trong đêm.

Có người cho ý kiến rằng, Đại Tam chết ở nơi quỷ dị này, không nên chôn theo cách thông thường, mà phải chôn đứng để tránh cho xác chết phát sinh biến cố.

Đã thiếu nền tảng mà lại thêm nhiệt tình, sẽ thành là tai họa, bởi lẽ chôn đứng là một trong những cách địa táng dưỡng thi, chôn theo kiểu này là một trong những điều kiện cần thiết cho xác chết phát sinh dị biến.

Tuy vậy mọi người vẫn làm theo, có điều cũng chẳng ảnh hưởng gì vì Đại Tam vốn không phải đã chết.

Nhưng nếu nằm trong quan tài được chôn dưới đất thì sớm muộn gì hắn cũng sẽ chết thật.

Trong lúc cái quan tài bị thả xuống huyệt, một chiếc kim bị rơi ra, nhờ thế Đại Tam đã hồi tỉnh lại một phần, nhưng không thể thoát ra được, dần dần ngạt thở.

May mà trước khi hắn trút hơi thở cuối cùng thì Lữ Thuần Dương đã khai quan, đem hắn trở lại cuộc sống này.


Nghe xong câu chuyện dài dòng, Lữ Thuần Dương thắc mắc: “Vậy là trên người anh còn hai cây kim à?”
“Phải” Đại Tam đáp rồi khẽ nghiêng người rút một cây sau lưng ra, rồi rút tiếp một cây trên đỉnh đầu.

Cây kim trên đỉnh đầu vẫn còn tỏa ánh sáng vàng kim mờ nhạt.

Hôm sau, Lữ Thuần Dương và Ngũ Đại Tam ngủ một giấc rất dài, tới tận khi chiều tà sắp tắt nắng mới thức dậy.

Cả hai bước thấp bước cao ra vườn, thấy Ngọc Ngân và Tử Dung đang dọn bữa tối ra cái bàn đá, còn có cả một nam nhân đang phụ hai cô gái chuẩn bị bữa ăn nữa.

Nghe tiếng chân, nam nhân quay lại, nhìn thấy Lữ Thuần Dương thì kêu lên mừng rỡ: “Đại ca dê núi!”
Thì ra Tử Dung đã tìm được Thiềm Tử rồi dẫn gã về đây, chờ Lữ Thuần Dương ngủ dậy để giúp bỏ đi cái chân dư.

Rất nhanh chóng, Lữ Thuần Dương lôi cây kiếm Sát Đế ra, bặm môi lia một đường, hy vọng củ sâm ba ngàn năm không lừa hắn, mà dù có không phải, đối với Thiềm Tử cũng không kể là một tổn thương gì to lớn.

Cũng may, diễn biến đúng như lời Sâm Vương, cái chân biến mất hẳn.

Thiềm Tử chờ một lúc để chắc chắn rằng cái chân trên mông này không mọc ra nữa, mới mừng rỡ kêu lên: “Đa tạ đại ca, nếu sau này ta có con gái, ngươi có con trai, nhất định sẽ gả con gái ta cho con trai của ngươi.”
Lữ Thuần Dương ngạc nhiên: “Sao ngươi biết là ta có con trai, còn ngươi có con gái?”
Thiềm Tử nhún vai: “Ta bảo chỉ là nếu thôi mà.”
Nhưng chợt Đại Tam cười khà khà xen vào: “Hắn nói đúng đó, tôi xem tướng khuôn mặt anh, chắc chắn anh sẽ có con trai thôi.”
Ngọc Ngân giục: “Thôi, mọi người ngồi xuống dùng cơm nào.”
Sau khi giới thiệu với nhau, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, Tử Dung hỏi Đại Tam: “Sao ngươi lại nhất quyết muốn đem cả cái quan tài về theo vậy?”
Đêm qua, Đại Tam kể xong câu chuyện thì trời cũng gần sáng, mọi người muốn đưa Đại Tam về nhà nghỉ ngơi, Đại Tam tỏ ý muốn đem theo cái quan tài mà hắn đang nằm.

Ngọc Ngân lại dùng hai con voi hình nhân đưa tất cả về, cứ để cả Đại Tam nằm trong quan tài trên lưng voi, hắn lúc tới thế nào, giờ đi lại cũng thế ấy.

Đến nhà, Tử Dung ở chung với Ngọc Ngân bên nhà của cô, còn Đại Tam ở chung với Lữ Thuần Dương bên căn nhà thuê của hắn.

Cái quan tài đặt giữa phòng khách, Đại Tam cứ thế nằm bên trong mà ngủ đến tận chiều.


Nghe Tử Dung hỏi, Đại Tam cười mà đáp: “À, là do ở quê tôi có truyền thống xem quan tài là vật may mắn.”
Cả bọn suýt chút nữa ngã lăn ra đất, Thiềm Tử hóc đồ ăn ho sặc sụa, còn Lữ Thuần Dương vừa vuốt ngực cho trôi miếng cơm đang nuốt giữa chừng vừa hỏi: “Đời thuở nào, quan tài mà là vật may mắn?”
Thiềm Tử ho xong thì cũng thốt lên đầy kinh ngạc: “Người ta chết mới phải chôn trong quan tài, nó thì may mắn chỗ nào cho được?”
Đại Tam xua tay giải thích: “Mọi người thử nghĩ xem, ai rồi cũng phải chết, mà lúc chết thì lo nhất là điều gì? Có phải là lo nhất có đủ tiền mua quan tài không, lo nhất có được một mảnh đất để an táng hay không? Nếu như đã có chuẩn bị từ trước, tích trữ sẵn một khoản tiền để mua quan tài bất cứ khi nào, chuẩn bị sẵn được một miếng đất táng có thể dùng bất cứ khi nào, có phải sẽ cảm thấy rất an tâm không? Kiểu như cảm giác rằng nếu chẳng may có nhắm mắt ra đi bất cứ lúc nào thì đều sẵn sàng mồ yên mả đẹp, không làm bận tâm gì cho con cháu.

Từ đó cái quan tài trở thành biểu tượng giúp con người ta an tâm, bớt đi một điều lo lắng lớn trong đời.”
Ngọc Ngân gật gật đầu: “Nghe cũng có lý.”
Đại Tam hớn hở: “Chưa kể chữ quan có nghĩa thăng quan tiến chức, chữ tài có nghĩa phát tài phát lộc, cái quan tài đại diện cho sự thăng quan phát tài, ai mà lại không muốn thăng quan phát tài chớ? Tôi còn có ý định kinh doanh về mặt hàng này nữa cơ, có thể chế tác được rất nhiều thứ, to lớn như một tấm bình phong hình quan tài đặt trước cửa, vừa vừa như một mô hình quan tài đặt trên bàn làm việc, quầy tiếp khách, trưng bày trong nhà ở cung tài vận, nhỏ xíu như đồ treo chìa khóa, ngọc bội đeo bên người…”
Mọi người không muốn làm mất hứng của Đại Tam nên chỉ gục gặc đầu, riêng Tử Dung vẫn chau mày: “Ta không nuốt trôi được tư tưởng này của ngươi.”
Đại Tam vẫn cười: “Thực chất may mắn hay không là do người ta tự tưởng tượng ra thôi, âm vần nghe may mắn thì nghĩ là may mắn, âm vần xui xẻo thì nghĩ là xui xẻo, bởi vậy thứ quyết định chính là cái miệng, họa từ miệng mà ra, phúc cũng là từ miệng mà ra.”
Lữ Thuần Dương kéo mọi người về lại sự việc chính: “Này Đại Tam, anh nghĩ vấn đề ở quán trọ Phụng Lai là gì vậy? Là thứ gì bên trong đã tấn công anh vậy?”
Đại Tam nhăn trán, nghĩ ngợi: “Tôi cũng không biết, như tôi đã kể có thứ gì đó kéo hồn phách của tôi ra khỏi cơ thể, anh có biết thứ gì lại hút được hồn phách một người đang sống sờ sờ ra đó mà không cần đụng trực tiếp vào hay không?”
Lữ Thuần Dương lắc đầu, rồi nhìn qua Ngọc Ngân, thấy cô đang nhìn cả hai với một ánh mắt rất lạ, bèn hỏi: “Cô nhìn gì vậy?”
“Nghe cách nói chuyện, dường như hai anh chưa phân biệt rõ thế nào là hồn, thế nào là phách thì phải.”
Đại Tam nhún vai: “Không phải đều là một thứ sao?”
Ngọc Ngân không đáp, lấy ra một cái kim nhỏ, chích vào ngón tay nhỏ ra một giọt máu rồi dùng nó vẽ họa ngữ lên mi tâm của Lữ Thuần Dương và Đại Tam, bảo: “Cả hai nhắm mắt lại một chút rồi mở ra.” Rồi cô cũng tự vẽ họa ngữ lên mi tâm của chính mình và chớp mắt.

“Được rồi, mở mắt ra đi.”
Khi Thuần Dương và Đại Tam mở mắt, cả hai thấy khung cảnh trước mặt có khác biệt, Ngọc Ngân giải thích: “Hai anh nhìn xem, trên hai vai và đỉnh đầu của mỗi người ở đây đều có một ngọn lửa phải không?”
Đại Tam và Lữ Thuần Dương gật đầu, Ngọc Ngân nói tiếp: “Ba ngọn lửa đó gọi là tam hồn.

Lửa tam hồn có vai trò là dương khí để duy trì sự sống, nó cũng là linh khí để bảo vệ của mỗi người, ngăn cản các loại tà vật nhập thân.

Người khỏe mạnh, tâm địa lương thiện trong sáng thì ba ngọn lửa tam hồn rất mạnh, đối với các bậc đại sư tu hành, thiền sư, đạo sĩ thì ba ngọn lửa này lại còn có thêm một lớp pháp lực bảo vệ nữa, nên tà vật tuyệt đối không thể xâm phạm.

Người có sức khỏe càng yếu thì lửa tam hồn cũng leo lét, người sắp chết thì lửa tam hồn cũng chỉ còn đóm tàn.

Gió có thể thổi tắt lửa, nhưng lửa tam hồn có đặc điểm không bị ảnh hưởng bởi gió bình thường, mà chỉ có thể bị thổi tắt bởi chính gió từ hơi thở của bản thân.

Tà vật muốn nhập thân một người bình thường thì phải làm suy yếu hoặc làm tắt lửa tam hồn trước, cách đơn giản nhất là khiến người ta giật mình hoặc là hù dọa cho sợ hãi.

Bởi vậy trong một hoàn cảnh nào đó, như trong đêm tối âm u, nghe tiếng ai đó gọi sau lưng, nếu giật mình mà quay đầu lại nhìn qua vai thì ngọn lửa tam hồn trên vai đó sẽ bị suy yếu hoặc tắt mất do hơi thở của chính mình, tà vật dễ dàng nhập thân.

Đi đêm nghe ai gọi thì đừng có quay đầu lại hoặc muốn quay đầu lại thì phải nín thở.”
“Thiềm Tử…?” Một tiếng gọi lạnh lẽo, thê lương cất lên sau lưng Thiềm Tử.

Thiềm Tử không nhịn được, quay đầu lại nhìn, Tử Dung hai tay giơ ra mười ngón tay, mặt giả vờ làm quỷ hồn, miệng thốt ra tiếng gừ gừ.


Ai cũng biết là Tử Dung giả vờ hù dọa, nghĩ rằng trò trẻ con thế thì dọa được ai, không ngờ Thiềm Tử hét to “Ối!” một tiếng, nhảy dựng, ngã bệt xuống đất.

Tử Dung lấy tay che miệng cười khúc khích vì dọa được người ta, ba người còn lại thì trên trán chảy một giọt mồ hôi, không ngờ tên Thiềm Tử này có lá gan nhỏ như vậy.

Đại Tam nhìn Tử Dung và Thiềm Tử, chợt nhận ra điều gì: “Sao lửa tam hồn của hai người họ không phải màu đỏ như chúng ta mà có màu xanh lục vậy?
Ngọc Ngân đằng hắng một tiếng.

Đại Tam không rõ lý do, nhưng đoán chắc mình đã lỡ lời nên ngồi im, không hỏi gì nữa.

Ngọc Ngân nói tiếp: “Bên cạnh lửa tam hồn, hai người nhìn xem, có phải ở hai tay, hai chân, đầu, ngực, bụng của mỗi chúng ta đều có đốm sáng không?”
Lữ Thuần Dương và Đại Tam lại gật đầu.

“Bảy đốm sáng đó chính là tinh phách, là thứ tồn tại vĩnh viễn, luân hồi chuyển kiếp từ kiếp này qua kiếp khác.

Khi một người chết đi, lửa tam hồn sẽ tắt hết nhưng thất tinh phách sẽ thoát ra, đi vào vòng luân hồi theo rất nhiều cách khác nhau tùy vào nhân quả và nghiệp duyên của mỗi người.

Còn nếu không luân hồi thì có thể ở lại nhân gian làm quỷ nếu có tâm niệm sâu nặng, bản chất của quỷ hồn chính là thất tinh phách này.”
“Quỷ hồn không có lửa tam hồn, nhưng sao vẫn có chữ hồn trong tên gọi nhỉ?” Đại Tam thắc mắc.

“Đó là do thói quen dùng từ của chúng ta thôi, chứ lửa tam hồn là phần dương khí, muốn thành quỷ thì phải tắt hết dương khí trước đã.”
“Ồ!” Đại Tam gục gặc đầu.

“Hơn nữa, khác với thất phách là thứ thoát ra khỏi cơ thể khi chết, lửa tam hồn lại chỉ có thể gắn chặt với thân xác, không có khái niệm tam hồn thoát ly thân thể, cái mà chúng ta hay gọi là linh hồn thoát xác cũng chỉ là thói quen thôi, chứ không phải là bản chất.

Vì vậy lúc anh ở quán trọ Phụng Lai, thứ bị hút ra khỏi cơ thể chính là thất phách bị hút ra, thế nên, theo lời anh kể, việc anh dùng thủ pháp châm Cố Phách mới có hiệu quả đến vậy.”
Đại Tam há hốc miệng, trước nay hắn chỉ biết ngọn chứ không biết gốc, hôm nay may mắn gặp được cơ duyên khai thông tuệ căn cho hắn.

“Vậy là thứ gì ở bên trong đã hút thất phách của tôi?”
“Cái đó thì tôi không biết, nhưng nhân gian có bốn hình thái tà vật là quỷ-yêu-thi-linh, mỗi hình thái sẽ có đặc trưng tính cách khác nhau.”
“Khác như thế nào?” Đại Tam rất hiếu kỳ.

“Tuy không phải tất cả đều như vậy, nhưng đại khái thì quỷ vật sẽ có phong thái ghê rợn, dọa người, yêu quái thì có phong thái tà mị, mê hoặc…”
Nói tới đây, Ngọc Ngân khẽ liếc nhìn Tử Dung và Thiềm Tử một cái, thấy hai người họ không có phản ứng gì mới nói tiếp: “Cương thi thì có phong thái man rợ, tàn sát, còn tà linh thì có phong thái bí ẩn, kiêu kỳ.”
“Kiêu kỳ?” Lữ Thuần Dương lẩm bẩm, “Ý của cô là…?”
“Phải” Ngọc Ngân gật đầu, “Cái câu từ bên trong thốt ra “Đã tới đây rồi sao còn không vào”, tôi cảm giác, thứ đằng sau cánh cửa quán trọ Phụng Lai kia, có phong thái kiêu kỳ như kiểu của một tà linh vậy.”

Bình Luận (0)
Comment