Dốc Quỷ Ám

Chương 29

Chúng ta hãy cùng với lời kể của Diệp Tử Phi trở về với ngày xảy ra sóng thần mười tám năm về trước.

Trong lúc hầu hết mọi người trên đảo đang ngủ say, một tai họa ngập đầu đã ập đến với họ, nước biển lạnh như băng nhấn chìm từng mảng từng mảng các thôn xóm, hàng ngàn người dân trên đảo còn chưa kịp hiểu đã xảy ra chuyện gì, thì ngọn lửa sinh mệnh của họ đã bị dập tắt một cách không thương tiếc. Những người may mắt thoát khỏi kiếp nạn lần này chủ yếu sống ở nơi địa thế khá cao trên đảo, trong số họ thì người cuộn mình trên nóc nhà, người thì bám vào những vật nổi trên mặt nước vùng vẫy, lúc này nước biển vẫn tiếp tục dâng cao, bóp chết lòng tin sống sót của họ. Trong tình hình thiên tai như vậy, sức người tỏ ra vô cùng nhỏ bé, sinh mệnh cũng vô cùng yếu ớt, dường như mỗi người đều bị nỗi sợ hãi làm cho mất hết can đảm, chỉ còn biết run rẩy và cầu khấn sự thương hại của ông trời.

Trước đó một tuần, vợ Vương Thành Lâm vừa mới sinh một đứa con trai. Do có con nhỏ, nên buổi tối người mẹ thường ngủ không sâu, điều này đã giúp bà phát hiện ra tình trạng bất thường khi nước biển tràn vào thôn làng, bà bèn bế đứa nhỏ cùng cậu bé Mông Thiếu Huy kịp thời leo lên nóc nhà, do đó mà thoát khỏi nước biển nhấn chìm trong lúc đang ngủ say.

Vương Thành Lâm đi phố huyện mua đồ dùng cho trẻ sơ sinh, do có việc nên phải ở lại không kịp về trong ngày, nhờ thế mà ông đã thoát nạn. Cũng vì thế mà trọng trách đem hai đứa trẻ đi lánh nạn đã đè nặng lên vai người đàn bà yếu đuối trong gia đình.

Việc duy nhất mà vợ của Vương Thành Lâm –tức mẹ của Mông Thiếu Huy – có thể làm khi đó là chờ đợi trong vô vọng. Nước biển mỗi lúc một dâng cao, bà hi vọng sẽ có người đến cứu hai mẹ con mình. Cậu bé Mông Thiếu Huy vừa tròn bảy tuổi luôn bám chặt ống tay áo mẹ, đây là cách đơn giản nhất để một đứa trẻ giải tỏa nỗi sợ hãi trong lòng.

Chỉ có đứa trẻ mới sinh kia là vẫn đang ngủ ngon lành. Đối với một đứa trẻ vẫn còn ẵm ngửa chưa biết gì, thì vòng tay mẹ chính là tất cả, ngoài điều đó ra bất cứ điều gì khác đều không có liên quan gì đến nó.

Trong quá trình chờ đợi, họ chứng kiến rất nhiều người bị nước cuốn đi đang ôm các vật nổi trên mặt nước trôi qua trước mặt họ. Những người này đã kiệt sức sau một hồi vùng vẫy, hi vọng sống sót trở nên rất mong manh.

Vừa hay dưới nhà có một cây gậy phơi quần áo, mẹ Mông Thiếu Huy lấy cây gậy đưa ra để những người trôi nổi gần đó bám vào. Sau một hồi vất vả, bà đã cứu được ba người lên nóc nhà, ba người đó là Kim Chấn Vũ, Chu Vĩnh Quý và Tang Quân Dũng.

Thôn Thường Kiến ở gần như thấp nhất trên đảo, nhà cửa ông ta ngay sau đó đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn. Nhờ bơi giỏi, Thường Kiến đã kéo cô con gái cùng tuổi với Mông Thiếu Huy bơi thoát ra. Vừa hay lúc đó có một chiếc bè trôi vào trước mặt họ, hai cha con họ nhờ đó mà thoát chết.

Nhưng vợ Thường Kiến đã bị mất tung tích trong dòng nước cuồn cuộn, ông chèo bè sốt ruột đi tìm khắp nơi. Nhưng mãi chẳng thấy tung tích của vợ đâu, ông chỉ còn cách chuyển hướng, chèo bè về phía dãy núi cao an toàn.

Trong quá trình này, hai cha con họ đi ngang qua nhà Mông Thiếu Huy, trông thấy nhiều người đang lánh nạn trên nóc nhà, tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Nóng lòng cứu người, Thường Kiến lập tức lại gần. Đám người vốn đang sợ kinh hồn bạt vía tranh nhau lên bè. Mẹ yếu con thơ tất nhiên không thể tranh được với ba người đàn ông sức dài vai rộng, đợi Kim Chấn Vũ và hai người kia ngồi vững trên bè xong, người mẹ mới có cơ hội để bế Mông Thiếu Huy lên bè, nhưng lúc bà định bế đứa nhỏ lên bè thì bè như muốn chìm xuống vì quá tải.

“Không chở thêm được nữa đâu, bè nhỏ, không tải nổi, sẽ chìm mất!”- người đầu tiên hốt hoảng kêu lên là Chu Vĩnh Quý.

Người đàn bà đành phải trở lại nóc nhà, sau đó nhìn Thường Kiến với ánh mắt cầu cứu, bà biết rằng, lúc này Thường Kiến là chủ nhân của chiếc bè.

Thường Kiến mềm lòng, ông thương lượng với ba người đàn ông khác trên bè: “Các anh ai xuống trước đi đã, để cho người đàn bà này lên, cô ấy đang bế con nhỏ. Để tôi đưa họ đến nơi an toàn rồi quay lại đón.”

Ba người đàn ông lúc này đều đưa mặt đi chỗ khác, lặng im không nói. Bọn họ vừa vật vã thoát khỏi quỷ môn quan, cái chết cận kề đã cướp đi ở họ lòng dũng cảm và trách nhiệm của một người đàn ông. Im lặng hồi lâu, mới thấy Tang Quân Dũng ồm ồm nói: “Ông cũng là đàn ông, sao ông không xuống đi?”

Thường Kiến giận tím mặt. Không sai, ông cũng là đàn ông, bình thường ông sẽ nhường cho mẹ con họ lên bè mà không hề do dự, nhưng lúc này trên bè còn có con gái ông. Ông không thể tưởng tượng được đứa trẻ đã mất mẹ này sẽ đối mặt với hiểm nguy và tai ương thế nào nếu không có ông. Vậy mà kẻ đối diện lại nói với ông những lời bất nghĩa như vậy, Thường Kiến ước gì mình có thể đẩy hắn xuống nước. Nhưng ông biết mình phải kìm chế, vì nếu để xảy ra xung đột lúc này, sẽ đều có một kết cục như nhau.

“Ai đợi thì cũng là đợi. Phải có thứ tự trước sau chứ?” – Kim Chấn Vũ lúc này cũng lên tiếng thể hiện lập trường của mình. Mẹ Mông Thiếu Huy không thể tin là sẽ có tình huống này, bà nhìn ba người đàn ông đang ngồi ung dung trên bè bằng ánh mắt phẫn nộ và khinh bỉ.

“Tôi thật sai lầm khi đã cứu các người!” – cô rít răng nói.

Kim Chấn Vũ và hai người còn lại chỉ biết cúi đầu tránh ánh mắt của người đàn bà. Với họ lúc này khát vọng được sống cao hơn tất cả. Họ sẵn sàng vứt bỏ lòng tự tôn và tính liêm sỉ, thực sự không còn can đảm để quay trở lại dòng nước biển lạnh thấy da ấy nữa.

Mẹ của Mông Thiếu Huy nhận thấy trong tình thế này, muốn cả ba mẹ con cùng đi là điều không thể. Bà cắn môi, đưa đứa trẻ trong tay cho Thường Kiến: “Vậy anh làm ơn đem thằng bé này đi trước, tôi ở đây đợi.”

Đứa trẻ đột nhiên rời khỏi vòng tay ấm áp của người mẹ, lập tức khóc gào lên. Nhưng Thường Kiến không đưa tay ra đón, ông nói với vẻ khó xử: “Thằng bé này tôi không nhận được, nó chỉ có thể ở bên cô, nếu không nó không thể sống được.”

Người phụ nữ chợt vỡ lẽ, điều này thật là dễ hiểu: Nếu mẹ con chia li, đứa bé không được bú mẹ, thì cũng không thể sống nổi. Thế chẳng thà cứ đem con bên mình, biết đâu lại có cơ hội sống sót.

Người đàn bà đành lại bế con vào lòng, nghĩ đến việc một sinh linh nhỏ bé mới chào đời mà đã phải cùng mình giao phó số phận cho sự may mắn, nước mắt không cầm được cứ thế tuôn ra. Mông Thiếu Huy lúc này đứng trên bè, tay cậu nắm chặt lấy tay mẹ, mặt trông hớt hơ hớt hải.

Lúc này, Thường Kiến chợt nảy ra một suy nghĩ. Vào thời khác đó, ông cho rằng suy nghĩ này là đúng đắn và hợp lí, nhưng hậu quả mà suy nghĩ này để lại đã khiến ông từ đó trở đi luôn sống trong nỗi dằn vặt và tự trách.

“Thế này vậy, cô bế đứa nhỏ lên trước, để đứa lớn này ở lại. – ông nói, “Như vậy ít ra cũng cứu thêm được một mạng sống.”

Người đàn bà sững người, hai đứa trẻ này đều là cốt nhục của bà. Nhưng trong lúc này phải để một đứa ở lại trong nguy hiểm, bỏ Mông Thiếu Huy ở lại nghe thì có vẻ hợp lí hơn. Nhưng làm sao mà đành lòng cho được?

Trong lúc người đàn bà đang phân vân, mấy vị khách khác trên bè đã không còn kiên nhẫn.

“Tôi thấy cách này hay đấy, cứ thế mà làm đi!” – Tang Quân Dũng vừa nói vừa bế Mông Thiếu Huy ra khỏi bè, “Mau lên đó đi, đừng làm mất thời gian nữa!”

Mông Thiếu Huy giống như một con rối sống, xuống bè rồi lại bị bế lên, không có bất cứ quyền lợi nào.

Người đàn bà phân vân trong giây lát, cuối cùng, do những người trên bè giục và đứa trẻ trên tay khóc nên bà đã hạ quyết tâm. Bà cúi người ôm chặt Mông Thiếu Huy vào lòng, nước mắt như mưa: “Con à, con đợi ở đây nha, lát nữa mẹ sẽ quay lại đón con…”

Mông Thiếu Huy lờ mờ dự cảm được điều gì đó, mếu máo gào lên: “Không, con không ở lại đâu…” – cho đến lúc người mẹ bước lên bè, cậu bé vẫn bám lấy vạt áo bà, không chịu buông tay.

Người đàn bà lúc này ruột đau như cắt, bà quỳ sụp xuống trước mặt mấy người đàn ông đó, sụt sùi: “Cầu xin các ông đấy… đừng để mẹ con tôi bị chia lìa… cầu xin các ông đấy!”

Nhưng lời khẩn cầu của bà không nhận được bất cứ phản ứng nào, Thường Kiến khẽ thở dài, dằn lòng chèo bè đi.

Mông Thiếu Huy khóc như xé cổ, nhưng mối liên hệ giữa mẹ và cậu cuối cũng đã bị dòng nước lạnh lẽo chia đôi. Người mẹ nhìn cậu với vẻ bất lực và đau thương, cảnh tượng này đã hằn sâu trong tâm trí cậu, khiến suốt đời cậu không thể nào quên.

Tiếng khóc thảm thiết của người mẹ, tiếng khóc xé cổ của đứa trẻ sơ sinh cùng với tiếng gào khản giọng của Mông Thiếu Huy, những âm thanh này đan xen vào nhau, tạo nên một bi khúc đáng sợ nhất trên thế gian, âm thanh ấy vẫn còn văng vẳng bên tai của nhiều người đi thuyền những năm sau đó, như nhắc nhở họ phải tự vấn lương tâm mình.

Sau khi đưa mọi người đến vùng sơn địa an toàn, Thường Kiến lập tức một mình chèo bè quay lại đón Mông Thiếu Huy. Lúc này trời đã mờ sáng, nhà cửa đã bị nước biển nhấn chìm từ lâu. May mà Mông Thiếu Huy đã ôm được một cành cây khô nên mới thoát chết, chỉ để lại một vết sẹo dài trên trán. Thường Kiến cứu cậu lên bè, mừng thầm cho mẹ con họ cuối cùng cũng đã được đoàn tụ. Ông không thể lường được, tấn bi kịch nhân luân thê thảm vẫn đang đợi họ ở phía trước.

Ở trên bè, Mông Thiếu Huy khóc cứ mãi đòi mẹ, tiếng khóc đó đủ làm tan nát lòng bất cứ một ai. Nhưng khi Thường Kiến đưa cậu ta đến chỗ đất cao, được gặp mẹ mình rồi thì cậu lại không khóc nữa. Ngay cả khi được mẹ ôm chặt vào lòng thì nét mặt cậu vẫn ngây ra như gỗ, đôi mắt vô hồn, trong như bị bao phủ bởi một lớp băng tuyết.

Sự thay đổi của đứa con trai khiến người mẹ cảm thấy bất an, nhưng niềm vui gặp lại đã xóa nhòa đi tất cả, bà không thể biết việc xảy ra vừa rồi có ảnh hưởng như thế nào đối với tâm hồn trẻ thơ của Mông Thiếu Huy.

Cuộc vật lộn này khiến ai nấy đều sức cùng lực kiệt, đến nơi tương đối an toàn xong, họ thở phào nhẹ nhõm, người thì dựa người thì nằm, mỗi người đều nghỉ ngơi theo cách của mình. Mẹ của Mông Thiếu Huy cho em bú, ru nó ngủ xong, bà cũng ngủ thiếp đi. Mông Thiếu Huy đứng từ xa chăm chú nhìn, khi ánh mắt dừng lại ở chỗ đứa trẻ, trong lòng cậu lóe lên một suy nghĩ đáng sợ.

Tuy cậu vẫn còn nhỏ, nhưng cũng đã bắt đầu hiểu sự tình. Trong đầu cậu suy nghĩ, đứa trẻ này đã cướp đi tình yêu mà mẹ dành cho cậu, cậu biết trong thời khắc sinh tử chia li vừa rồi, chính vì có đứa trẻ này nên mới khiến mẹ cuối cùng đã bỏ rơi mình.

Mắt cậu ta lóe lên vẻ ganh tị và đau thương, cùng với sự căm ghét không nên có ở lứa tuổi của cậu.

Đợi người mẹ ngủ say, cậu lặng lẽ bế đứa trẻ lên.

Mọi người đều mệt lử, nên không ai để ý đến hành động khác thường này của cậu.

Cậu đem đứa trẻ ra sườn núi, nước biển lúc này đã ngập đến lưng vách núi, sau đó hai tay cậu buông ra, vứt đứa trẻ xuống dưới.

Mông Thiếu Huy vừa mang đứa trẻ đi được một lúc thì linh cảm của người mẹ đã khiến bà thức giấc. Bà mở to mắt, nhìn theo hướng có tiếng khóc trẻ con, vừa hay nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ ấy.

Người đàn bà kêu lên một tiếng thảm thiết rồi lao nhanh ra sườn núi, chỉ trông thấy tã bọc đứa trẻ xoay xoay vài vòng trên mặt nước rồi chìm ngay sau đó.

Người đàn bà nấc lên từng trận, bà nhìn sang Mông Thiếu Huy đứng cạnh đó, thằng bé vẫn ngây như khúc gỗ, trông như người xa lạ. Trái tim bà đã bị xé tan trong chốc lát, bà nhận ra rằng, cùng lúc bà đã mất đi hai đứa con của mình.

Lúc này, Thường Kiến và mọi người thấy có chuyện bất thường, bèn chạy ra vây quanh.

“Chuyện gì thế?” – Thườn Kiến ngạc nhiên hỏi.

Người đàn bà không trả lời mà chỉ dùng ánh mắt đảo qua từng người đàn ông, ấy mắt ấy như dao cắt thấu xương, găm vào lòng họ. Sau đó bà tung người gieo mình xuống làn nước biển dưới vách núi.

Bà tìm thấy con mình dưới nước, cho đến phút cuối trước khi tắt thở bà vẫn ôm chặt đứacon vào lòng.

Trong quá trình chìm xuống, thi thể hai mẹ con họ bị mắc trên chạc cây lưng chừng núi.

Sườn núi này, chính là chỗ về sau gọi là “Dốc quỷ ám”.

Từ đó trở đi, Mông Thiếu Huy trở nên ít nói, không ai biết cậu đang nghĩ gì, nếu cứ thế mãi, chắc cả đời cậu sẽ bị bao phủ bởi nỗi ám ảnh đáng sợ. May mà sau khi cha cậu về, ông tìm được thầy lang Tiết cao tay, sau nhiều tháng chữa trị, Mông Thiếu Huy đã quên đi rất nhiều thứ, sau đó hai cha con họ rời khỏi đảo Minh Trạch, mai danh ẩn tích, sống một cuộc sống hoàn toàn khác.

Sự yếu hèn và ích kỉ khi đứng trước đe dọa của cái chết cùng với hậu quả đáng sợ mà nó đem lại đã trở thành lưỡi kiếm sắc bén treo trong lòng Kim Chấn Vũ và mấy người đàn ông đó. Những tháng ngày sau đó, cùng với sự cắn rứt của lương tâm, đi đâu họ cũng che giấu, sợ bị người khác biết chuyện xấu xa ngày ấy.

Thường Kiến là người chịu áp lực tâm lí lớn nhất. Chỉ vì một đề nghị xuất phát từ lòng tốt mà đã gây nên một bi kịch thảm thương, điều này khiến ông không sao tự giải thoát được. Ông đành xuất gia thoát tục, quanh năm ở bên phần mộ cô quạnh của hai mẹ con họ, để phần nào tìm được sự cứu rỗi trong tâm hồn.

Con gái của Thường Kiến đã tận mắt chứng kiến toàn bộ sự việc, vì vừa bị mất mẹ nên cô cũng cộng hưởng và đồng cảm với Mông Thiếu Huy. Sau đó, cô mãi không quên được cậu con trai ấy, không quên được ánh mắt vô vọng và đau thương của cậu.

Nhiều năm sau, bức thư Vương Thành Lâm viết cho thầy lang Tiết đã đem tới tin tức của cha con họ. Cô gái từ biệt cha mình, đi tìm hình bóng không thể xua tan trong trái tim mình. Để không gợi lại kí ức của người đó, cô đã che giấu thân phận thật của mình, tự đặt cho mình một cái tên mới – Diệp Tử Phi.

Đây chính là câu chuyện xảy ra trước khi chúng tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này.

Sau khi biết được mọi chuyện, trong lòng La Phi nặng trĩu, anh gần như nghẹt thở.

Mẹ bỏ rơi con, anh quăng chìm chết em, đây chính là tấn bi kịch nhân luân khiếp đảm lòng người đã xảy ra vào trận thiên tai năm ấy.

Anh nhớ lại lời Đức Bình nói trước khi chết.

“Anh sẽ hối hận khi biết điều bí mật đó. Anh sẽ không tìm được tội ác mà anh muốn tiêu diệt, anh sẽ nhận ra rằng, đúng vào lúc anh đã dồn hết sức để chuẩn bị ra đòn quyết định cuối cùng, thì đối thủ trong giả tưởng ấy không hề tồn tại. Anh sẽ chỉ nhìn thấy sự bất lực và đau thương, tôi đảm bảo với anh, đó là một trải nghiệm mà không một người nào muốn tiếp xúc và tìm hiểu.”

Đúng vậy, anh thực sự đang hối hận, giá như anh chưa từng đến đảo Minh Trạch, giá như anh chưa từng gặp Mông Thiếu Huy và Diệp Tử Phi, thì anh đâu phải nếm trải cảm giác đau thương không thể chịu đựng nổi này.

“Anh nên hiểu rằng, mọi việc tôi và cha tôi làm, đều là vì Mông Thiếu Huy, để cậu ấy có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Với cha tôi, đây là cách duy nhất để hóa giải nỗi khổ đau trong lòng, còn với tôi, ‘tình yêu’ đủ để lí giải tất cả. Tuyệt đối không thể để Mông Thiếu Huy tiếp xúc với kí ức ngày ấy, điều đó sẽ hoàn toàn hủy hoại cuộc sống sau này của anh ấy.” Diệp Tử Phi nói một cách yếu ớt, “Giờ thì anh có thể nhận lời với tôi là sẽ giữ kín những bí mật này chưa?”

“Nhưng tôi làm sao mà giữ được?” La Phi đau khổ lắc đầu, “Dù thế nào thì cô cũng đã giết chết bốn mạng người, không thể bỏ qua điều đó được, đây là chức trách của tôi.”

“Đúng thế, tôi đã giết người, tội ác phải bị trừng phạt, đó là pháp luật. Nghề nghiệp khiến anh không thể đi ngược lại điều đó.” Diệp Tử Phi cúi đầu im lặng trong giây lát, sau đó cô như đã có một quyết tâm nào đó, ngước mắt ngấn lệ nói với La Phi: “Nhưng, nếu tên tội phạm đó đã bị trừng phạt, cô ta đã chết rồi, thì mọi chuyện chả phải đã kết thúc hay sao?”

La Phi bỗng nhận ra điều gì đó: “Cô…”

Anh chưa kịp nói, thì con dao trên tay Diệp Tử Phi đã đâm ngay vào yết hần, máu tươi đỏ hồng cứ thế phun ra…

--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------

Phần kết

Huyện đã cử tàu phá băng tới, dọn sạch đám băng gần bến tàu, giao thông giữa đảo Minh Trạch và đất liền được nối liền trở lại.

Mông Thiếu Huy đứng trên bờ biển. Cậu đã không còn sợ nước như trước nữa, trong lòng thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Vì cậu biết rằng, mẹ đã không ruồng bỏ cậu.

La Phi nói cho cậu biết rất nhiều chuyện: ngày đó bè nhỏ quá, để bảo toàn cho cậu, mẹ đã bế em ở lại nơi nguy hiểm, cuối cùng đã không may gặp nạn. Lưu lại trong kí ức của cậu cũng vẫn là cảnh mẫu tử chia li, nhưng sự chia li đó là xuất phát từ tình thương của mẹ dành cho cậu.

Điều bí mật xảy ra trên đảo cuối cũng cũng tìm được lời giải, đó là do Kim Chấn Vũ muốn che giấu chuyện bê bối ngày ấy nên đã hạ độc thủ, lần lượt giết chết những người biết điều bí mật đó.

Cuối cùng Mông Thiếu Huy đã giải tỏa được nỗi ám ảnh nhiều năm trong lòng, điều này là nhờ có La Phi đã đưa cậu cùng lên đảo Minh Trạch.

“Cảnh sát La Phi, anh đang nghĩ gì thế?” trông thấy La Phi mặt mày ủ rũ, hình như đang có tâm sự gì, Mông Thiếu Huy không kìm được cuối cùng đã lên tiếng hỏi.

“Ồ, không có gì. Tôi chỉ đang nghĩ, trước khi rời khỏi đây em nên đến thắp hương trước ngôi mộ vong linh.”

“Tất nhiên rồi. Đó là nơi an nghỉ của mẹ em, và cả em trai em nữa, họ đều đã chết vì em.” Mông Thiếu Huy nói một cách xúc động. Nhưng cậu sẽ không bao giờ biết được, còn có một người nữa đang nằm ở đó, người này cũng vì cậu mà chết.

“Anh đưa tôi đến mộ vong linh đi… để tôi được ở bên mẹ và em trai cậu ấy, nếu cậu ấy biết, chắc sẽ… chắc sẽ rất vui.” Đây là lời cuối cũng mà Diệp Tử Phi để lại trước khi từ giã cõi đời.

Khóe mắt La Phi rơm rớm nước mắt, anh không lau đi mà chỉ ngửa mặt lên trời, để cho gió biển thổi khô ngấn lệ.

“Trải qua những việc này, hi vọng em hiểu được rằng, nếu những người yêu thương em mà rời xa em, thì rất có thể là do một nguyên nhân bấc đắc dĩ nào đó. Dù sau này em không gặp lại người đó nữa, dù người đó đã ở một thế giới khác, nhưng tình yêu mà người đó dành cho em vẫn không hề thay đổi.”

Lời cuối truyện

Ngày 1 tháng 9 năm 2004, các phần tử khủng bố đã tấn công trường Trung học số 1 thành phố Beslan của Cộng hòa Bắc Osetiya-Alaniya (Liên bang Nga) và đã bắt cóc một số lượng lớn học sinh, phụ huynh và giáo viên làm con tin. Vụ bắt cóc tiếp diễn đến ngày mùng 3, tổng cộng có 331 người bị thiệt mạng, trong đó 186 người là trẻ em.

Người gặp nạn khiến mọi người đau lòng, người sống sót chưa hẳn đã hạnh phúc.

Trong quá trình diễn ra vụ việc, qua đàm phán, bọn khủng bố đồng ý phóng thích một số phụ nữ và trẻ em, nhưng chỉ cho phép mỗi bà mẹ được đem theo một đứa trẻ.

Khi ấy có một bà mẹ có hai người con, đứa lớn chừng 6 tuổi, chưa hiểu gì nhiều, đứa nhỏ vẫn còn đang ẵm ngửa.

Không biết có trải qua đấu tranh dằn vặt hay không, chỉ biết cuối cùng bà mẹ đã đem theo đứa nhỏ.

Sau khi vụ việc kết thúc, cô con gái lớn đã sống sót trở về bên mẹ, nhưng tình cảm mà cô dành cho mẹ đã hoàn toàn thay đổi.

Tác giả đã nhìn thấy cảnh này trong khi xem thời sự trên TV: cô con gái chơi cầu bập bênh trong sân nhà, trông cô không có gì khác thường, thậm chí miệng còn lẩm nhẩm hát. Nhưng khi mẹ cô đến gần và gọi tên cô, thì không thấy có bất cứ phản ứng gì, “đôi mắt cô vô hồn, trông như bị bao phủ bởi một lớp băng tuyết.”

Và đây chính là điểm xuất phát ban đầu của truyện “Dốc quỷ ám”.

Bản thảo lần 1.

Bắc Kinh, ngày mùng 5 tháng 3 năm 2006

Tác giả: Chu Hạo Huy.
Bình Luận (0)
Comment