“Bị chọc tức phát khóc sao?”
Khi hai má áp vào cổ anh, hô hấp của Yến Thanh Đường căng thẳng và dồn dập, không khỏi ngửi được một mùi vị ngọt ngào khó tả, mùi này không ngọt như kẹo hay như nước hoa, cũng khác với mùi sữa tắm, Yến Thanh Đường chỉ cảm thấy một sự quen thuộc thuần túy, và xen lẫn một loại cảm giác an tâm kỳ lạ.
Túc Chinh không kịp phòng bị đã bị Yến Thanh Đường ôm chặt lấy, cũng mất trọng tâm theo cô.
Sau khi anh giữ vững thân mình, Yến Thanh Đường có thể thuận lợi nhảy xuống khỏi người anh, thì thấy anh không ném cái hộp của mình đi mà đang gác nó lên trên chân của anh.
Vốn định sẽ buông lời chỉ trích, cuối cùng tất cả hóa thành lời hỏi han dè dặt: “Anh không sao chứ?”
“Không sao cả, giày leo núi khá dày.” Túc Chinh chỉ trả lời đơn giản, vẻ mặt vẫn như thường, tay phải cầm hộp dụng cụ đi lên đằng trước.
Yến Thanh Đường đến sợ sự liều lĩnh của anh, không dám nói thêm lời nào nữa, yên lặng đuổi theo anh, chỉ rõ vị trí cho anh dừng.
Bọn họ đến một khu đất trống khá thưa khách du lịch, Túc Chinh nhìn hoa nghệ tây trắng, đi nhanh lên phía trước, Yến Thanh Đường căng thẳng dặn dò anh: “Túc Chinh, nhìn dưới chân, đi đường vòng đi, đừng giẫm lên chúng nó.”
“Biết rồi.” Túc Chinh thuận miệng đáp lại.
Cô sợ anh trả lời mà không thèm để ý, hành động cẩu thả nên cẩn thận dõi theo hướng mà anh đi.
Còn khi Túc Chinh quay đầu lại, nhìn thấy Yến Thanh Đường đi rất chậm, để tránh gây tổn hại đến những ngọn cỏ mà cô phải đi đường vòng, sẵn lòng đi thêm một đoạn đường dài.
Đối với thực vật, cô có một lòng thương tiếc đặc biệt.
Hai người đi đến một khu vực khá là dày hoa nghệ tây trắng, băng tuyết chỉ mới tan được một nửa, nước tuyết tan chảy chính là chất dinh dưỡng tốt nhất đối với thực vật, những bông hoa nghệ tây trắng muốt dịu dàng và lặng lẽ nở rộ trên mặt băng, chào đón mùa xuân.
Túc Chinh tìm được chỗ bãi đất trống hoa cỏ chưa mọc, giúp cô dọn thùng dụng cụ đựng tiêu bản thực vật ra.
Trong hộp có không ít dụng cụ lặt vặt, tất cả đều được chia thành từng ngăn phân loại, có dụng cụ cắt tỉa, dao nhỏ, kéo cắt cây và xẻng nhỏ, có hộp giữ tươi, hộp thủy tinh, túi niêm phong, bút đánh dấu và nhãn dán, cũng có bản đồ, la bàn, máy đo GPS, kính viễn vọng, kính lúp… thậm chí còn có cả dung dịch formalin.
(*) formalin là chất bảo quản.
“Cô trang bị đầy đủ không thiếu gì cả.” Túc Chinh nhận ra Yến Thanh Đường rất chuyên nghiệp, chỉ chỉ vào một cái giá gỗ chiếm kha khá diện tích, hỏi cô, “Đây là gì?”
“Kẹp đựng tiêu bản.” Yến Thanh Đường lấy tấm gỗ dán dày ra, “Dùng để đựng mẫu thực vật.”
Cô không bắt tay vào thu thập hoa nghệ tây ngay, mà lấy máy ảnh ra. Có được sự giúp đỡ của công nghệ kỹ thuật tiên tiến, nên so với các vị tiền bối thì cô tiện hơn rất nhiều.
Cây hoa nghệ tây trắng rất thấp và nhỏ, Yến Thanh Đường ngồi xổm người xuống, khi chụp ảnh còn hạ thấp thân hơn nữa, gần như đã sắp quỳ rạp trên mặt đất, biểu cảm của cô hoàn toàn nghiêm túc, khi chụp các bộ phận khác nhau của hoa nghệ tây trắng, cô còn điều chỉnh lại tiêu cự của máy ảnh. Dùng cận cảnh để đặc tả hoa và lá, dùng góc rộng để quay lại toàn bộ hoàn cảnh sinh trưởng và cả thân cây hoa.
Như thể còn chưa đủ, sau khi chụp được mấy bức ảnh, cô còn sử dụng tính năng tua nhanh để ghi lại những chuyển động, chụp lại khung cảnh hoa nghệ tây trắng đung đưa trong những làn gió thổi phớt qua cao nguyên Nalati đến từ dưới chân núi Thiên Sơn.
Sau khi chụp xong, Yến Thanh Đường đứng lên, trên quần đã dính bùn đất, thậm chí nước tuyết tan ra còn thấm vào trong vải, song cô lại không chút để ý, cúi đầu xoay người tìm kiếm dụng cụ thu thập mẫu vật của mình.
Túc Chinh thu hết vào trong mắt, chầm chậm nói: “Hóa ra khi cô thật sự làm việc, thì tuyệt không sợ bẩn.”
Người dùng khăn cồn ướt lau bàn khử khuẩn mấy lần ở thành phố nhỏ là cô.
Người nằm bò quỳ gối trên cỏ hoang, cả thân bùn đất cũng là cô.
“Chuyện này không giống.” Yến Thanh Đường cầm cái xẻng nhỏ ngồi xổm xuống đất lại, xới đất quanh khu vực cây nghệ tây trắng, ánh mắt chuyên chú và bình thản, “Thiên nhiên bao dung vạn vật, vậy nên nó chưa bao giờ bẩn.”
Không khí chung quanh tràn ngập mùi đất trong lành và mùi hương cỏ cây, ánh nắng mạ lên trên đất, nung nóng lớp đất khô, tia tử ngoại của vùng Tân Cương rất mạnh, tay Túc Chinh đặt lên lớp đất khô, rất nhanh sau đó đã cảm nhận được độ ấm.
Yến Thanh Đường đã đào được một cây hoa nghệ tây trắng từ trong đất. Thu thập hoa nghệ tây một cách hoàn mỹ, cô không định lấy thêm nữa, thầm ủ bụng chỉ cần một gốc cây này là đủ.
“Túc Chinh, mang nước không?” Yến Thanh Đường đột ngột hỏi anh.
Túc Chinh mở ba lô sau lưng ra, trả lời lại cô: “Có cầm theo, có điều chỉ đủ để uống.”
“Hai chai đúng không?” Yến Thanh Đường đưa tay về phía anh, “Vậy đưa cho tôi chai của tôi.”
Túc Chinh đưa chai nước cho cô, cô mở nắp, một tay cầm chai nước, một tay cẩn thận cầm hoa nghệ tây trắng.
“Tiện không?” Túc Chinh cũng ngồi xổm xuống bên cạnh cô, “Tôi đổ nước giúp cô.”
Đúng là Yến Thanh Đường dùng một tay sẽ không tiện thao tác, vậy nên không từ chối, cô cầm hoa nghệ tây trắng trong tay, Túc Chinh chầm chậm đổ nước lên trên phần rễ cây vẫn còn dính chút bùn đất.
Yến Thanh Đường cẩn thận rửa sạch phần đất bám trên rễ cây, rồi lại dùng khăn giấy lau khô nước, sau đó cầm cái kéo nhỏ cắt tỉa lại lá cây một hồi.
Sau khi làm xong hết những chuyện này, cô lại mở kẹp đựng tiêu bản bằng gỗ ra, đặt thẳng một trong những miếng kẹp gỗ với mặt bên trong hướng lên trên, sau đó đặt lần lượt các tấm cạc tông và những mảnh giấy thấm chuyên dụng theo thứ tự lên.
Cô đặt mẫu hoa nghệ tây trắng mà vừa thu thập được lên giấy thấm nước, sau đó lại lấy thêm vài mẫu giấy thấm nước bọc lên trên hoa nghệ tây trắng, rồi đè tấm cạc tông lên, cô cố gắng kéo thẳng hoa và lá của cây hoa nghệ tây trắng ra hết mức khi ép lại, cuối cùng dùng một tấm kẹp gỗ khác đè lên, dùng chun buộc chặt với kẹp mẫu để cố định.
Sau khi làm xong, Yến Thanh Đường lấy từ trong hộp dụng cụ một quyển sổ ghi chép tiêu bản thực vật, ghi chép lại tên khoa học của hoa nghệ tây trắng, tên tiếng Latin, tên họ, ngày thu thập, người thu thập, địa điểm, kinh độ và vĩ độ, loại thảm thực vật, và tập tính.
“Thế là xong rồi sao?” Túc Chinh hỏi.
“Đương nhiên là không.” Yến Thanh Đường kẹp mẫu vào hộp dụng cụ, “Sau khi mang về khách sạn, còn phải thay giấy thấm nước mỗi ngày. Chờ sau khi khô hoàn toàn mới bắt đầu đóng mẫu tiêu bản.”
Nghe cô nói thế thì hẳn là dày công lắm, hiện tại còn chưa được xem là bán thành phẩm, cảm xúc của Túc Chinh dâng lên, nói: “Không ngờ làm tiêu bản thực vật lại tốn sức đến thế.”
“Cũng không tốn sức lắm.” Yến Thanh Đường nhét cái chai rỗng vào trong túi đeo chéo của mình, “Quen tay hay làm.”
Quả thật là cô đã quen với từng bước thu thập tiêu bản này, động tác vừa rồi lưu loát như nước chảy mây trôi, khiến cho những người vừa nhìn lần đầu tiên đã nảy sinh sự hứng thú. Nhưng lại không hề hay biết, công việc này biến hóa khôn lường, ngoài nhàm chán và buồn tẻ ra thì còn có gì nữa đâu.
“À đúng rồi.” Túc Chinh nhớ đến một chuyện, “Trước khi xuất phát cô dặn tôi mua túi niêm phong, có phải là cũng liên quan đến việc khảo sát thực vật này không?”
“Đoán đúng rồi.” Yến Thanh Đường cười cười búng ngón tay, “Nếu việc thu thập mẫu vật có điều kiện tại chỗ không thuận lợi để chế tạo, thì có thể dùng túi niêm phong bảo quản trước.”
“Đương nhiên, lần này tôi chỉ thu thập một gốc cây nên tạm thời không dùng đến.” Yến Thanh Đường bổ sung.
Trên người cô tràn ngập cảm giác thỏa mãn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ôm hộp dụng cụ đưa sang cho Túc Chinh.
Túc Chinh nhận lấy, liền hỏi cô: “Vậy bây giờ chúng ta sẽ đi về sao?”
“Gấp cái gì.” Yến Thanh Đường cầm máy ảnh trong tay, “Còn sớm mà, tôi muốn ở bên ngoài thêm một lát.”
Vậy là Túc Chinh cầm hộp dụng cụ đi về xe việt dã trước, đóng cửa xe lại rồi đi về phía của Yến Thanh Đường.
Đang giữa trưa, du khách trên cao nguyên Nalati ngày một nhiều, bên cạnh Yến Thanh Đường là một nhóm người đeo máy ảnh trên cổ.
Bọn họ nhìn qua đều là những người già ham mê chụp ảnh, độ tuổi trung bình tầm năm sáu mươi tuổi, lập thành một nhóm, đội trưởng giơ cao một lá cờ tam giác nhỏ, la hét to cho mọi người đằng sau đuổi kịp.
Yến Thanh Đường đứng tại chỗ, ban đầu còn đang vui vẻ quan sát hoa nghệ tây trắng trên băng tuyết. Thời gian nở hoa của nghệ tây trắng rất ngắn, thường chỉ kéo dài mười ngày. Một số bông đã không còn dáng vẻ nở rộ, song thân và lá vẫn cao thẳng như ban đầu.
Bất thình lình có một vài người đàn ông đang đi về hướng những đóa nghệ tây trắng nở rộ, cả đường đi không để ý, cứ thế không kiêng dè gì đạp lên những bông hoa nghệ tây trắng đang nhô lên.
Hoa nghệ tây trắng ngay lập tức nghiêng ngả, rồi nhanh chóng bị mấy người đàn ông đó giẫm nát.
Cô xem hoa cỏ như châu như báu, nhưng trong mắt những kẻ nọ nó không đáng một xu, chỉ cần có thể chụp nên những bức hình đẹp, họ chẳng màng đằng sau đó có bao nhiêu cây cỏ bị hư hại.
“Đừng giẫm!” Yến Thanh Đường không kìm được cơn giận, một mình đi đến trước mặt bọn họ, chỉ vào những đóa hoa nghệ tây trắng cách đó không xa bị giẫm nát, “Có thể để mắt nhìn dưới chân được không?”
Ngoại trừ dì tóc ngắn mặc áo lông màu đỏ ra, không một ai chú ý đến cô. Cô tức giận đi lên ngăn lại, bọn họ nhìn cô với ánh mắt bất lực nhưng vẫn cố tình lách mình đi qua: “Con nhóc này quan tâm nhiều như vậy làm gì? Đây là hoa nhà cô trồng sao?”
Rõ ràng là già mồm át lẽ phải, họ không thèm để lọt mắt một đứa con gái yếu ớt và nhỏ bé như cô, với họ mà nói, cô không hề có sức uy hiếp gì cả.
Yến Thanh Đường đứng trơ trơ ra nhìn cả đám người đó đi lướt qua mình, cũng không nghe lời mà tiếp tục giẫm nát hoa.
Cô vừa tức giận vừa căm phẫn, cảm giác vô lực bó tay dâng lên ngay sau đó, hốc mắt đỏ hoe.
Túc Chinh bấy giờ mới đi đến vỗ nhẹ lên lưng cô thay một lời an ủi. Cô ngẩng đầu nhìn Túc Chinh, người đàn ông bất ngờ mang theo khăn giấy, mở nó ra đưa cho cô, đoạn hỏi cô: “Bị chọc tức phát khóc sao?”
Yến Thanh Đường nhận khăn tay lau khô nước mắt, rồi quay người đi không trả lời.
Anh biết nỗi niềm ấm ức và khổ sở của cô, thả cái túi trên vai xuống chân Yến Thanh Đường, đi về phía đám người kia, sau khi dừng lại thì lạnh nhạt nói: “Các anh chụp ảnh thì cứ chụp, nhưng tốt xấu gì cũng chú ý một chút, không thể giẫm nát hết hoa cỏ dưới chân chứ?”
“Liên quan mẹ g….”
Vẫn là lý do thoái thác ban đầu, nhưng đến khi ngẩng đầu lên nhìn thấy Túc Chinh, liền tự giác nuốt hết những từ cuối cùng.
Ra ngoài cũng chỉ là một đám già đầu, nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi khôi ngô cao lớn như thế, chỉ cần để ý hình thể và biểu cảm của anh là biết, căn bản không phải là một người dễ chọc vào.
Tranh chấp với anh chắc chắn không chiếm được chút của hời nào, mà đảm bảo sẽ chịu thiệt thòi phần hơn.
Những người vài phút trước còn tỏ vẻ kiêu ngạo, lúc này đã an tĩnh lại, không ai bật lại Túc Chinh, cũng không thèm để ý đến anh, chỉ cúi đầu nhìn hoa cỏ bên dưới chân.
“Đúng là bắt nạt kẻ yếu.” Yến Thanh Đường đi đến bên cạnh anh, bực bội hừ một tiếng.
Cũng may cuối cùng đã ngăn được những kẻ không biết bảo vệ thực vật, Yến Thanh Đường yên tâm tiếp tục ngắm hoa của mình.
Nhóm người cao tuổi đam mê chụp ảnh kia thấy Túc Chinh không còn gây sự nữa thì cũng thở phào nhẹ nhõm, bắt đầu chia tốp ba tốp năm ra tìm mục tiêu chụp.
Cả quá trình đều có chú ý dưới chân, không còn tùy tiện như hồi đầu nữa.
Yến Thanh Đường đã quan sát đủ hoa nghệ tây trắng, chuyển sang nhàn nhã dạo bộ.
Sau khi chung quanh đông đúc người, dần dần náo nhiệt hẳn lên, phần lớn du khách thuộc độ tuổi sắp về hưu, ở nhà nhàn nhã vô lo, bèn bắt tay đi du lịch khắp cả nước.
Yến Thanh Đường nghe bọn họ nói chuyện, hóa ra là một hiệp hội tư nhân của những người đam mê nhiếp ảnh, số lượng thành viên không nhiều lắm nhưng đều rất nhiệt tình, thiết bị mang theo cũng là đồ tốt.
Mà trong hiệp hội của bọn họ dường như tất cả đều là thành viên nam, Yến Thanh Đường tìm nửa ngày trời, chỉ thấy có một thành viên nữ, cũng chính là người duy nhất vừa nãy nghe lời Yến Thanh Đường nhắc nhở, chủ động không giẫm đạp lên những bông hoa nghệ tây trắng.
Dì mặc chiếc áo khoác lông đỏ, tóc ngắn hình như đã từng uốn nhưng có vẻ không thành công, nửa thẳng nửa xoăn, không ra hình thù gì.
Nét mặt bà hiền từ, rất thường hay cười, chỉ là có hơi mất tự nhiên, bà không nói không rằng đứng ở giữa đám đàn ông kia, có vẻ không được tự tin.
Khi Yến Thanh Đường đi qua bên cạnh bà, bà đang quỳ trên mặt đất điều chỉnh lại tiêu cự, bên cạnh có một ông cụ hơn sáu mươi tuổi, ra mòi là nồng cốt của hiệp hội này, sau khi nhìn thấy ảnh chụp của bà thì không ngừng lắc đầu, tự làm mẫu cho bà coi.
“Lấy cảnh không thể lấy như vậy được, phải chú ý đến phác họa, bà xem ảnh của bà chụp này, là cái gì vậy? Tất cả đều là rác hết.” Người đàn ông đội mũ đen cười, “Nhìn ảnh của tôi đi, phải chụp thế này, có phải là trông đẹp hơn nhiều không?”
“Để người trẻ tuổi nhận xét xem?” Cụ ông đội mũ đen nhìn thấy Yến Thanh Đường đến gần, đắc ý cười hỏi, “Có phải là ‘thượng hạng’ không? Đẹp hơn nhỉ, rất cao cấp.”
Yến Thanh Đường mang một chiếc máy ảnh Sony kỹ thuật cao trên cổ, người đàn ông đội mũ đen nhìn qua là biết, nên cũng xem trọng cô hơn.
Yến Thanh Đường cúi đầu tỉ mỉ nhìn kỹ hai bức ảnh trên máy ảnh khác nhau của dì áo đỏ và người đàn ông đội mũ đen, cuối cùng chân thành trả lời: “Tôi thấy bức ảnh của ông không có kỹ xảo gì cao siêu cả, ngược lại tôi khá hứng thú với bức ảnh chụp hoa của dì.”
“Không biết thưởng thức!” Người đàn ông đội mũ đen biến sắc, đứng bật dậy khỏi mặt đấy, nhìn thấy Túc Chinh ở đó không xa liền hươ tay bỏ đi, giọng điệu ngày một nhỏ lại, nhưng vẫn mơ hồ vang lên ở đằng sau hai người, “Dùng máy ảnh đắt tiền làm chi vậy? Có biết chụp ảnh không? Phương diện này cần học vấn thâm sâu…”
Yến Thanh Đường nhìn về hướng cụ ta rời đi thì hất tay, như thể ghét bỏ không khí chỗ đó lắm vậy.
“Cô gái nhanh nhạy quá, lão Chung rất hung dữ, bình thường phải nhờ vã thì mới chịu dạy, dì thì lại đầu đất cơ.” Dì nói.
Nghe giọng dì xen lẫn giọng địa phương, Yến Thanh Đường có hơi mơ màng, khẽ nói: “Dì ơi, cháu nghe không hiểu…”
Dì sửng sốt, mới dùng tiếng phổ thông lắp bắp chậm rãi nói lại lần nữa: “Người vừa nãy bọn dì gọi lão là lão Chung, tính tình dữ lắm, nhưng kỹ thuật tốt, bình thường nhờ lão, lão mới chịu dạy dì, mà dì thì rất ngu, không học được. Vừa rồi cháu nói như vậy với lão, rất đã.”
“Kỹ thuật của ông ta chỉ bình thường thôi.” Yến Thanh Đường nghe hiểu xong thì cười cười, “Dì ơi, để cháu dạy dì.”
Vừa tiếp xúc không lâu, Yến Thanh Đường liền nhận ra, dì này có vẻ lóng ngóng giữa nhóm đàn ông, thật ra dì đã nắm được phương pháp chụp ảnh, chẳng qua là vì tiếng phổ thông của dì không chuẩn, nên phải học từ từ, còn chưa có thuần thục.
Yến Thanh Đường giúp dì điều chỉnh thông số, rồi lại dạy dì một số kỹ thuật chụp ảnh, dì học được rồi còn chủ động hỏi Yến Thanh Đường thêm mấy vấn đề.
Vừa hỏi vừa lấy một cuốn sổ da trâu mang theo trong người ra, lấy bút viết nghệch ngoạc.
Yến Thanh Đường khá tò mò với cách thức học chụp ảnh của dì, bèn rướn người qua nhìn, thấy trên sổ dì còn có mấy bức hình vẽ các phím bấm của máy ảnh, dì không hiểu tiếng Anh, không biết cách viết nên từng nét của chữ Tiếng Anh đó góc cạnh và cứng nhắc như chữ Hán vậy.
Dì đang dùng cách thức cứng nhắc này để ghi nhớ lại công dụng và chức năng của các phím.
Sổ da rất dày, rất nhiều trang ghi chép lại bằng tranh và chữ như thế. Yến Thanh Đường càng lật càng cảm thấy xúc động: “Dì ơi, dì thích chụp ảnh đến vậy sao ạ?”
Khác với những người trẻ sử dụng Internet quanh năm, nhìn qua trông dì chừng hơn năm mươi tuổi, là cái tuổi mà khả năng tiếp nhận thông tin yếu hơn, không biết tìm đâu ra giáo trình này, rồi lại dựa vào kinh nghiệm ngày này qua tháng khác tích lũy được ghi vào cuốn sổ.
“Không phải thích chụp ảnh, mà là thích phong cảnh.” Dì đáp lời, “Mang về cho con gái dì xem đó mà.”
“Sao lại không dẫn cô ấy theo cùng vậy ạ?” Yến Thanh Đường nhìn dì với vẻ nghi hoặc.
Xem qua ảnh chụp, làm sao mà bằng nhìn thấy tận mắt chứ.
Dì lắc đầu, ánh mắt cũng ảm đạm dần: “Con bé đã qua đời từ năm chín tuổi rồi, không có cách nào đi theo dì được.”
Yến Thanh Đường không đoán được sẽ chạm phải câu chuyện thương tâm của người xa lạ, cô áy náy và muốn xin lỗi, thì dì đã chủ động kể chuyện mà dì từng trải qua.
Bà tên Vương Xuân Phương.
Sinh ra ở huyện Đài Giang, Quý Châu, đó là một trị trấn nhỏ, một vùng hẻo lánh. Sau khi đến tuổi, bà kết hôn với một người đàn ông bản địa, tình cảm cũng xem là hòa thuận.
Nào biết ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi Vương Xuân Phương hạ sinh một cô con gái, mẹ chồng quở trách bà sao không sinh được con trai, suốt ngày oán giận la mắng.
Chồng bà là người không có trách nhiệm, không giải hòa được mâu thuẫn, cũng không bảo vệ được bà và con gái, sau này lẻn đi ra ngoài làm công, đã ngoại tình…với người phụ nữ khác.
Tính tình Vương Xuân Phương thành thật, chịu khổ chịu nhọc, dẫn theo con gái ly hôn, muốn dựa vào chính bản thân mình nuôi đứa nhỏ, đến thị trấn làm công nhân trong một nhà máy in ấn, chủ động tăng ca xoay ca chỉ vì muốn kiếm thêm tiền.
Con gái ngày một lớn lên, cuộc sống ngày càng khốn khó, mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Nhưng dây thừng thường đức chỗ mỏng, năm con gái bà lên năm, trong một mùa đông bé bị cảm nặng, Vương Xuân Phương đưa con đến bệnh viện lấy thuốc, mới phát hiện con mình mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ nói không trị được, chỉ có thể cố gắng kéo dài sự sống, đến bệnh viện lớn cũng vô dụng, mà bà thì không thể gánh được chi phí.
Vương Xuân Phương không tin con gái mình bị bệnh tim bẩm sinh, tính cách của con gái rất hoạt bát, nhìn đâu có giống như những đứa nhỏ bị bệnh.
Nhưng Vương Xuân Phương không thể lừa được chính mình, sau khi đi bệnh viện về, thân thể con gái ngày một suy yếu đi.
Vì bệnh tình của con gái, Vương Xuân Phương tiêu hết tất cả tiền tích góp được những năm vừa rồi, tìm họ hàng vay mượn rất nhiều tiền, toàn tâm toàn ý lo cho đứa con đang bị bệnh. Bà cũng muốn tiết kiệm tiền, chờ khi có đủ tiền rồi, bà sẽ dẫn con mình đến bệnh viện lớn khám.
Nhưng chưa đầy vài năm sau, lúc con gái bà chín tuổi, vẫn rời xa bà.
Trước đêm con gái rời đi, Vương Xuân Phương nắm tay con gái, nghe những mơ ước còn lại của con sau khi khỏi bệnh.
Bé còn chưa từng được ra khỏi trị trấn nhỏ, bé chưa từng được nhìn thấy những phong cảnh được viết trong sách. Bé còn muốn đi ra khỏi huyện Đài Giang, ra khỏi Quý Châu, đi ngắm nhìn khắp cả nước, đặc biệt là Tân Cương.
Sau khi chôn cất con, thứ còn sót lại là một tấm bia mộ nhỏ nhoi.
Mấy năm nay, vì để chữa bệnh mà mượn một khoản tiền không nhỏ, Vương Xuân Phương tính toán khoản tiền còn dư lại.
Vương Xuân Phương muốn rời khỏi huyện Đài Giang, đi ra ngoài làm công kiếm tiền, nhưng lại sợ họ hàng nghĩ rằng bà chạy trốn, nên bà vẫn kiên trì ở lại huyện Đài Giang.
Bà liều mạng làm việc, bưng bê gạch, vác xi măng, công việc mệt nhọc nào cũng làm cả, có tiếng liều mạng vang khắp huyện Đài Giang.
Vài năm sau bà trả hết nợ nần, nhưng lại không còn mục tiêu, cả ngày ngồi thơ thẩn ở trước bia mộ nhớ về con gái.
Trời hạ xuống một cơn mưa, rơi xuống bia mộ làm lấm tấm bùn, bà lấy tay áo lau đi, nhìn vùng đặt ảnh trống trơn kia.
Nơi đó vốn nên có một tấm ảnh, nhưng con gái bà không để lại một tấm nào cả.
Con gái từng sống trên cõi đời này những chín năm, lại như chưa từng để lại thứ gì.
Vương Xuân Phương ôm mộ khóc nấc lên dưới mưa, khóc đến khi thở không nổi. Sau cùng bà cũng nhớ ra, nguyện vọng mà con gái đã nói trước khi qua đời.
Bé muốn đi ra ngoài, muốn đi khắp cả nước.
Nguyện vọng của con gái trở thành động lực duy nhất để Vương Xuân Phương sống sót.
Vương Xuân Phương muốn đến những nơi gần trước, nhưng bà không có lộ phí, liền dành mấy tháng đi làm các công việc lặt vặt kiếm tiền. Trong lúc đi, không có tiền tiêu dùng thì sẽ đi làm công, làm công nhiều còn có thể bắt gặp được cảnh đẹp.
Giữa các thành phố, bà di chuyển rất chậm, vì nguyên nhân kinh tế nên đi rồi lại ngừng.
Nhưng bà vẫn lặng lẽ tiết kiệm tiền, vì muốn mua một chiếc máy ảnh, muốn chụp lại những phong cảnh đã thấy được, chụp rồi rửa ra, đưa đến trước mộ con, bù đắp vào khoảng không nhỏ trên mộ kia.
Nhờ vào sự kiên trì đó mà nhiều năm sau Vương Xuân Phương đã dành tiền mua được chiếc máy ảnh đầu tiên.
Lại nhiều năm nữa trôi qua, bà đã đi đến Tân Cương, vì con gái mà chụp được ảnh hoa nở trong tuyết, rồi gặp được Yến Thanh Đường.
Sau khi Yến Thanh Đường nghe xong câu chuyện cũ, lòng cô mãi vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Đây chẳng phải là một câu chuyện cũ gì cả, mà là cả cuộc đời đầy gian truân của dì Vương Xuân Phương.
Kiên cường, có đâm xuyên băng tuyết cũng phải nở rộ, đó là hoa nghệ tây trắng?
Và cả Vương Xuân Phương trước mặt nữa.
Tác giả có lời muốn nói:
Đoạn đầu chương này các bé có ngửi thấy mùi gì hông, là mùi hormone đó, là chemistry của hai người hòa vào nhau đó (khà khà)
Trên quốc lộ sẽ không ngừng gặp nhiều người, vậy nên những người như dì Vương Xuân Phương sẽ lục tục xuất hiện.
Love u.