Việc chăm sóc trẻ con từ trước đến nay chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Muốn làm tốt điều này, trước tiên cần phải có sức lực vô hạn, kiên nhẫn trăm lần và tâm thái khoan dung.
Nhưng luôn sẽ có một số ít ông bố bà mẹ tương đối may mắn. Ví dụ như Chu Tự Thâm, yêu cầu đối với anh đã giảm một nửa so với những phụ huynh bình thường, còn Khương Gia Di lại chỉ bằng một nửa của anh.
Bởi vì con gái cực kỳ nghe lời, hơn nữa còn rất ngoan ngoãn và ỷ lại vào mẹ.
Đương nhiên, cũng có lúc bé con sẽ không ngoan như vậy. Chẳng qua là những lúc đó cũng không cần cô nhọc lòng.
Ở cái tuổi vẫn chưa biết nói chuyện, người lớn thường rất sợ trẻ con khóc. Bởi vì ngoài những lý do như “đói bụng”, “buồn ngủ”, “thức giấc”, “tè dầm” và “đòi mẹ” thì rất khó đoán nguyên nhân của trận khóc ấy là gì.
Nếu là không khỏe thì càng khó khăn hơn, dù sao thì mắt thường cũng chẳng thể nào đoán được chỗ nào xảy ra vấn đề.
Nhưng ngoại trừ nguyên nhân bị ốm thì yêu cầu duy nhất của bé con khiến Khương Gia Di phải nhọc lòng chính là “đòi mẹ”. Cô chỉ cần ôm cục cưng bé bỏng kia vào lòng, một khi ngửi được mùi của mẹ, nhóc con sẽ từ từ ngừng khóc ăn vạ.
Chiêu này xịn hơn bất kỳ cách nào khác.
“Hình như không công bằng lắm đâu?”
Chu Tự Thâm bất đắc dĩ, giả vờ nghiêm túc ‘so đo’ với hai mẹ con: “Con gái đã quên là ai nửa đêm dựng dậy pha sữa cho mình rồi đúng không?”
Khương Gia Di nhìn ngón tay của mình bị Mãn Mãn nắm chặt, nhón chân hôn lên cằm anh, cười khúc khích: “Con còn bé như vậy làm sao biết được, đợi con lớn một chút sẽ nhớ kỹ anh đối với con tốt thế nào”.
Sau khi sinh Mãn Mãn, cô điều dưỡng thân thể rất tốt, cuộc sống cũng không có chuyện gì phiền lòng nên cơ thể giống như cái cây thấm đẫm dinh dưỡng, khí chất dịu dàng pha lẫn rực rỡ càng khiến cô trở nên ngọt ngào xinh đẹp, tràn đầy sức sống.
Chu Tự Thâm hôn đôi mắt cô, tiếp nhận lời hứa chưa hẹn ngày thực hiện này của cô.
Ôm một lúc, Khương Gia Di nói mỏi tay nên anh duỗi tay ôm con gái. Nào ngờ bé con đang ngủ say lại bị giật mình, lông mày xổ đẩy nhăn lại, bàn tay nhỏ nhắn vô thức nắm giữa không trung.
Đây là điềm báo muốn khóc đây mà.
Chu Tự Thâm hồi hộp thấp thỏm, lập tức bất động. Anh hơi cúi người đến gần Khương Gia Di, mục đích để con gái ngửi được mùi của mẹ, tưởng nhầm mình vẫn còn đang nằm trong vòng tay của mẹ.
Nhưng mà nhóc con cũng không dễ bị lừa như vậy, cảm giác được bố và mẹ ôm hoàn toàn khác nhau.
Bé con vung tay, đột nhiên khóc ré lên, định lấy tiếng khóc để bảo vệ quyền lợi của mình.
“Mãn Mãn…” Khương Gia Di vội dỗ dành con gái, còn cầm bàn tay nhỏ xíu của bé con đang khua khoắng giữa không trung.
Tiếng khóc dừng lại, cứ như ấn nút tạm dừng là im bặt. Mãn Mãn chép miệng mấy cái, không khóc nữa, đôi lông mày nhăn lại cũng giãn ra ngay sau đó.
Rất nhanh, bé con lại ngoan ngoãn thiếp đi.
Chu Tự Thâm cười thở dài bất đắc dĩ.
Khương Gia Di ngước mắt, ánh mắt hai người trao nhau đều mang theo ý cười, ăn ý không nói gì vì sợ đánh thức con gái.
…
Chẳng mấy chốc, Mãn Mãn đã đến tuổi bập bẹ tập nói.
Từ đầu tiên bé con học được là “Mẹ”, thứ hai là “Bố”, thứ ba chính là tên của mình – “Mãn Mãn”. Bởi vì cách phát âm của hai chữ này rất giống “Mẹ”. Khương Gia Di và Chu Tự Thâm lại thường xuyên gọi cô bé bằng cái tên này nên Mãn Mãn tự nhiên học được mà không cần bọn họ cố tình dạy.
Nhũ danh này lấy từ chính chữ cuối trong tên của Khương Gia Di. Chữ Di có nghĩa “Mãn” *, cho nên họ đặt cái tên này vì muốn bé con có một đời mỹ mãn tươi đẹp.
* Chữ Di 弥 và Mãn 满 đều có nghĩa tràn đầy, trọn vẹn.Tên thật của Mãn Mãn là “Chu Tri Hạnh”, ông bà nội ngoại đã đặt cái tên này trước cả khi bé con chào đời. Dự phòng còn có một cái tên cho bé trai, gọi là “Chu Trầm Dũ”.
Cái tên này do Chu Tự Thâm đặt, ngay từ đầu anh không chịu giải thích tỉ mỉ cho cô ý nghĩa của nó. Sau đó, Khương Gia Di làm nũng quấn lấy anh năn nỉ thì anh mới chịu nói cho cô.
“Trầm” tương đương với “Thâm”, có ý nghĩa trầm mê, chữ “Dũ” lại có một ý nghĩa khác như chữ “Di” trong tên cô: Thêm nữa.
Sau khi biết được thâm ý của cái tên này, Khương Gia Di nghĩ bụng anh không chịu nói cho mình có thể là vì quá sến sẩm, mà mấy lời âu yếm sởn da gà thế này cũng không phải phong cách của anh.
Với tư cách người nghe, ngay cả cô cũng thấy ngượng.
Nhưng cô rất thích cái tên này. Mặc dù cô thích con gái nhưng bỏ qua cái tên này vẫn cảm thấy không nỡ.
Những nào ai nói trước được chuyện này? Cô nghĩ, có lẽ tương lai vẫn còn cơ hội dùng đến nó?
…
Học được mấy câu xưng hô, Mãn Mãn bắt đầu muốn thể hiện sự tò mò với thế giới, mỗi ngày bé đều ê a biểu thị mình có thể nghe hiểu được ngôn ngữ. Một loạt âm tiết không rõ thỉnh thoảng sẽ bật ra “Mẹ”, “Bố” hoặc “Mãn Mãn”.
Thời gian dần trôi, Mãn Mãn học được thêm rất nhiều từ mới, bắt đầu dùng mấy từ như “đói”, “cơm” để thể hiện suy nghĩ và nhu cầu của mình.
Lớn hơn một chút, bé con bắt đầu nói được ít câu đơn ngắn gọn.
Người đau đầu nhất trong thời kỳ này chính là Chu Tự Thâm, vì nhóc con rất thích “cãi nhau” với bố.
Thật ra anh rất tình nguyện “cãi” với con gái, dù sao thì anh cũng đã trở thành người tốt bụng và kiên nhẫn nhất trong nhà. Hơn nữa, làm vậy không những có thể tập nói cho con gái mà còn có thể rèn luyện tư duy logic.
Nhưng…
Kho từ ngữ của Mãn Mãn đúng là quá ít, cứ sốt ruột là chẳng nghĩ ra được gì, mà phát âm của bé con cũng yếu ớt chưa rõ ràng, cho nên cô bé rất khó lòng kiên trì “cãi” đến cùng.
Mỗi lần hai bố con đều giao kèo ổn thỏa, cô bé đọc từng chữ thì rất dứt khoát có lực, nhưng cứ ghép vài từ là bắt đầu sụp đổ, cứ như chớp mắt đã biến thành thứ ngôn ngữ thần bí nào đó.
Rõ ràng mỗi chữ đều là phát âm tiếng Trung nhưng ghép vào nhau lại chẳng nghe ra chữ gì.
Ví dụ như lúc này.
“Bố! Hông ăn cái nài đâu!” Mãn Mãn ngồi trên ghế cho trẻ em, lấy chiếc thìa chỉ vào bát của mình.
Chu Tự Thâm cúi người đến, khuỷu tay chống trên đùi, nhìn thẳng vào con gái: “Không ăn cái gì?”
“Rau cải”.
“Không được”. Anh thản nhiên đáp: “Còn nhớ hôm qua mẹ đã nói gì với con không?”
Mãn Mãn chớp mắt, thần thái này và biểu cảm chuẩn bị giả vờ vô tội của Khương Gia Di khi làm chuyện xấu giống nhau như đúc.
“Bố, là rau cần, hông phải rau cải”. Bé con không trả lời có nhớ hay không, chỉ phủ nhận lời mình vừa mới nói.
“Con vừa nói ‘rau cải’, bố nghe rõ”.
“Không phải mà, sai rồi, là rau cần”.
“Một cái là cần, một cái là cải, cứ cho là rau cần thì cũng phải ăn, không được kén ăn”.
Hai chữ phát âm ‘qin’ và ‘qing’ đổi qua đổi lại cho nhau khiến Mãn Mãn hơi váng đầu, không biết là bản thân hai từ này đã khó nhớ hay do thanh quản của cô bé không chịu phối hợp nữa. Cuối cùng, bé con nói lanh lảnh: “Bố độ oan cho con”.
Chu Tự Thâm cười: “Là ‘đổ oan’”.
“Con không nói bố độ oan… rau cải… hông ăn”. Mãn Mãn gấp lắm rồi, câu chữ bắt đầu trở nên hỗn loạn. Cô bé khua ngón tay mấy lần, có vẻ rất nghiêm túc và tận tâm.
Anh sửng sốt, có phần dở khóc dở cười nhưng vẫn kiên nhẫn đợi con gái thao thao bất tuyệt phát biểu xong. Dưới tình huống im lặng không hiểu gì với câu nói của con gái, anh bỗng chốc không biết tiếp lời bé con như thế nào.
Cũng may, Khương Gia Di nghe thấy bèn đến giải cứu cho anh.
“Mẹ!” Mãn Mãn reo lên vui sướng.
Khương Gia Di nhìn con gái vẫn còn thừa hơn nửa bát rau cải và vẻ mặt vừa buồn cười vừa bất lực của Chu Tự Thâm, lập tức đã đoán được vừa rồi đã xảy ra chuyện gì.
“Sao Mãn Mãn vẫn chưa ăn cơm xong vậy?” Cô chống hai tay vào đầu gối, dịu dàng cong lưng hỏi han: “Nhanh ăn hết rau đi, mẹ sẽ kể chuyện cho con coi như khen thưởng được không?”
Người đàn ông bên cạnh đứng lên, bàn tay ôn hòa dừng lại sau lưng cô, một lát sau lại giúp cô vén những lọn tóc xõa phía trước ra sau đầu.
“Muốn mới cơ!”
“Được, chúng ta kể chuyện mới”.
Nghe mẹ nói như vậy, cuối cùng Mãn Mãn cũng chịu ăn hết chỗ rau còn lại trong bát.
Khương Gia Di quay đầu lại, vẻ mặt nhìn Chu Tự Thâm có phần đắc ý đến mức anh không nhịn được mà bật cười.
“Lát nữa anh có bận không?” Cô đột nhiên hỏi.
Anh không trả lời ngay mà hỏi ngược lại cô: “Sao vậy?”
“Hôm nay trời đẹp, nếu anh không bận thì chúng ta có thể đưa Mãn Mãn ra vườn hoa tắm nắng”.
“Không có chuyện gấp cần giải quyết hôm nay, có thể đi chơi trước”.
Nghe vậy, Khương Gia Di vô cùng vui vẻ níu chặt cánh tay anh, thân mật tựa đầu lên vai anh làm nũng: “Gần đây rất mệt, cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi thoải mái một chút”.
Chu Tự Thâm giơ tay nhéo vành tai cô, thuận thế nắm tay cô đưa đến bên môi hôn một cái.
Hôn xong, anh vẫn không buông ra, lơ đãng nhướng mắt lên, vừa hay nhìn thấy Mãn Mãn đang nhét đầy rau trong miệng, còn đôi mắt thì xoe tròn nhìn bố mẹ.
Một lớn một nhỏ bốn mắt nhìn nhau, nhóc con lập tức cười toe toét lộ ra hai chiếc răng nhỏ trắng tinh.
Tinh quái đáng yêu, anh lặng lẽ mỉm cười bất lực với bé con nhà mình.
Đợi Mãn Mãn ăn rau xong, một nhà ba người mang theo trái cây và đồ ăn vặt thím Trương đã chuẩn bị ra vườn hoa.
Nhiệt độ vừa đủ, không nóng không lạnh. Dù là sau giữa trưa nhưng ánh mặt trời cũng không quá chói chang, chỉ khiến mặt cỏ trở nên khô ráo, vừa hay có thể cho Mãn Mãn chạy chơi trên đó.
Nhưng trước khi chạy chơi, bé con vẫn muốn nghe kể chuyện trước.
Mặc dù kể chuyện có vẻ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Đối với Mãn Mãn, chỉ có “chuyện mẹ kể” mới có sức thu hút, bởi chỉ có mẹ mới có thể biến câu chuyện của bạn cũ trở thành câu chuyện đáng yêu động lòng người.
Ngay cả bố cũng chỉ có ưu điểm là giọng nói rất hay mà thôi, còn lúc kể chuyện lại quá nghiêm túc, chẳng hề thú vị sinh động gì cả.
Nghe kể chuyện xong, Mãn Mãn tung tăng chạy quanh chơi.
“… Sao lại nhìn em như vậy?”
Khương Gia Di vừa rời mắt khỏi bóng dáng nhỏ nhắn của bé con, quay đầu lại đã phát hiện Chu Tự Thâm đang nhìn mình suy tư gì đó.
Anh lắc đầu cười.
“Trong đầu em luôn có nhiều ý tưởng đáng yêu như vậy”.
Cho dù tuổi ngày một lớn, đã làm vợ làm mẹ, nhưng sự lãng mạn đặc biệt trong cô vẫn chưa từng thay đổi. Cô giống như một viên kẹo, dù có thả vào nước nhưng vẫn đem đến vị ngọt không thể xem thường.
Nhận được khích lệ, Khương Gia Di chống cằm cười khúc khích, nghiêng đầu lẳng lặng nhìn anh.
Chu Tự Thâm đột nhiên hỏi: “Có nghĩ sẽ viết những câu chuyện đó ra không?”.
“Viết ra?” Cô sửng sốt nhắc lại lời anh.
“Ừ, viết ra, để những đứa trẻ khác cũng đọc được”.
“Anh nghiêm túc chứ? Nhưng em kể mấy chuyện đó chỉ là tùy tiện chơi cho vui thôi, vì muốn dỗ Mãn Mãn mà”,
“Nhưng con bé lại không cho là như vậy đâu”. Anh nắm tay cô, dịu dàng nói: “Mỗi lần con bé khoe với người khác việc em kể chuyện, con bé đều rất kiêu ngạo. Cho nên anh nghĩ, nếu câu chuyện của em có thể khiến nhiều đứa trẻ khác cũng thích thì Mãn Mãn chắc chắn cũng rất vui vẻ”.
Cô nhìn chằm chằm ngón tay thon dài của anh, nghiêm túc nghe anh nói, sau đó ngước mắt nhìn anh: “Em là mẹ của con bé, chắc chắn con sẽ thấy em làm gì cũng tốt”.
Chu Tự Thâm nhướng mày, cười như không cười đáp lại: “Anh là bố của con bé, nhưng con lại ghét bỏ anh kể chuyện không hay hết lần này đến lần khác đấy thôi”.
Khương Gia Di bỗng dưng bật cười.
“Tiểu Di”. Anh lại nói: “Cứ cho em không tin Mãn Mãn thì cũng phải tin tưởng ánh mắt của anh”.
“… Anh thật sự cảm thấy em có thể được sao?”
“Đương nhiên, anh tin tưởng anh. Chúng ta có thể thử trước một lần”.
Anh không muốn cô bỏ lỡ tia sáng chói lóa của chính mình.
Khương Gia Di hơi lay động khi nghe lời nói của anh.
Khi còn nhỏ, cô rất thích các câu chuyện cổ tích đủ thể loại. Lớn lên cũng rất chung tình với các phim điện ảnh cải biên từ các tác phẩm đó, nhưng cô chưa từng nghĩ sẽ tự tay sáng tác ra chúng. Giờ đây, sau khi ý thức được điều này, bỗng nhiên cô không kìm được thấy rung động.
Hơn nữa, anh không nói “em” mà là “chúng ta”. Việc này biểu thị anh sẽ luôn ủng hộ cô, làm hậu thuẫn cho cô.
“Em muốn thử xem”. Sau khi hạ quyết tâm, cô hưng phấn ôm lấy cánh tay anh, hai mắt sáng lên: “Dù sao cũng phải kể chuyện cho Mãn Mãn, coi như em ghi nhớ mấy câu chuyện này, cho dù kết quả thế nào thì sau này con lớn lên cũng sẽ có vật kỷ niệm ý nghĩa”.
Thần thái và giọng điệu của cô rất có sức hút, đáy lòng Chu Tự Thâm bỗng nảy sinh sự thỏa mãn và sung sướng khó giải thích.
Anh nâng má cô, cúi đầu hôn lên đôi mắt.
Khương Gia Di nhắm mắt, lông mi khẽ run rẩy, đợi anh lùi lại mới hôn lên khóe môi anh đáp lễ, còn anh cũng có qua có lại hôn lên chóp mũi cô.
Hôn qua hôn lại, đôi môi bỗng tìm thấy nhau, ấm áp dây dưa như giọt nắng ban trưa.
Bất chợt, anh cười nhẹ một tiếng: “… Mãn Mãn đang nhìn trộm kìa”.
Cô sửng sốt, đỏ mặt ngã gục trong lòng anh, gương mặt dán lên vòm ngực rắn chắc của anh, mặc anh đối phó với nhóc con lém lỉnh.
Chu Tự Thâm cười vỗ lưng cô rồi ngước mắt nhìn Mãn Mãn cách đó không xa. Anh đưa ngón trỏ đến bên môi ra hiệu bé con im lặng.
Năm tháng mài giũa khuôn mặt tuấn tú càng thêm phần sắc nét sâu thẳm nhưng ánh mắt lại vô cùng dịu dàng.
Mãn Mãn làm bộ giơ tay bụm miệng. Đôi mắt xoe tròn rõ ràng chẳng giống anh chút nào nhưng đuôi mắt lúc cười lại giống anh như đúc.
Tiếp đó, bé con cười hì hì chạy đi, bóng dáng nhỏ nhắn tung tăng trên thảm cỏ xanh mướt.
…
Đó chỉ là một buổi chiều đầy nắng bình thường như bao buổi chiều khác. Ánh dương rạng rỡ, vạn vật đều được chiếu rọi dưới sức sống của mùa xuân.
Dường như mở đầu và kết thúc của mọi câu chuyện cổ tích đều ở trong một khoảnh khắc hạnh phúc và bình yên như vậy.
…
Kết thúc.
Hôm nay là Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập Hoài Đại, nghi thức vô cùng long trọng.
Sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp cực kỳ hưng phấn.
Sinh viên mỗi khóa đều biết Khoa Quản lý Công nghiệp có hai cựu sinh viên có thành tựu nổi bật, cũng từng nghe bọn họ có một giai thoại: một vị thương nhân của doanh nghiệp nổi tiếng nào đó, một người khác cũng xuất thân từ ngành này nhưng đồng thời cũng là một tác gia văn học thiếu nhi rất nổi tiếng. Rất nhiều phim hoạt hình nhà nhà đều biết hiện nay đã được chuyển thể từ tác phẩm của cô ấy.
Hai người xuất sắc như vậy, là đàn anh và đàn em trong cùng trường, cùng khoa. Tám năm trước, bọn họ yêu đương rồi kết hôn, sau đó sinh một bé trai một bé gái.
Thầy cô trong trường đều nói bọn họ rất xứng đôi.
Vào lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập trường, cả hai người họ sẽ cùng tham gia một buổi tọa đàm. Trang website chính thức của trường xảy ra tình trạng tranh cướp vé chưa từng có. Một số cơ quan truyền thông đánh hơi được tin tức bèn bắt đầu đưa tin về sự kiện.
Ngày diễn ra buổi tọa đàm, có phóng viên vác theo máy quay và mic đứng canh trước cửa.
Nhưng bọn họ lại chậm trễ không chờ được người muốn gặp.
Không ai biết hai nhân vật quan trọng đã lặng lẽ vào trường từ một cửa khác. Giờ phút này, họ đang nắm tay một bé trai và một bé gái đứng bên hồ, chụp được tấm ảnh một nhà bốn người hạnh phúc viên mãn.
HOÀN TOÀN VĂN