Dữ Quỷ Vi Thê

Chương 109

Bà Mai thắp sáng ngọn đèn, ánh đèn vàng vọt chiếu lên cái mơ mơ hồ hồ xung quanh, soi rõ cái âm u lạnh lẽo hướng về nơi tầng ngầm, cái ướt nhợt trên mặt tường xi-măng khi sờ vào như thể rỉ nước ra cả bên ngoài. Căn hầm này chắc là phải xây sâu xuống đất hơn mười mét, chẳng biết năm đó dùng vào việc gì.

Đi đến cuối là một cánh cửa sắt nặng trịch, trên cửa là một cái khóa lớn.

Bà Mai lấy chìa mở cửa, trước khi đẩy cửa thì bảo với Trần Dương, “Cậu hãy suy nghĩ thật kỹ, một khi bắt đầu hỏi âm thì không thể ngừng lại giữa chừng. Mạng chỉ có một, ta cũng không dám cam đoan cậu nhất định sẽ bình an quay về dương thế.”

Nghe ra ý khuyên can trong lời ấy, Trần Dương bèn cười hớn hở nói xàm xiên với bà lão, “Bà ơi đừng khuyên cháu nữa, cháu đã quyết nhất định phải tra ra manh mối sự tình. Có những việc nếu đời này không giải quyết sẽ kéo đến kiếp sau, vì để cho kiếp sau bớt đi vài chuyện, nên dù thế nào đi nữa cũng phải nỗ lực giải quyết ở kiếp này.”

Bà Mai bị anh chọc cười đến mức gương mặt nghiêm nghị nãy giờ hơi dịu đi, bà lắc nhẹ đầu, không nói thêm nữa.

Bên dưới tầng ngầm thắp đầy đèn điện, thế cũng tiện. Căn hầm trống rỗng chẳng có thứ gì, mặt tường trét xi-măng gồ ghề, chắc hẳn lúc xây tường cũng không để tâm lắm, thế nên trông khá xấu xí. Ở giữa xây một cái hồ khoảng một mét vuông, giữa hồ còn cả dòng suối ngầm đang róc rách chảy nước ra ngoài.

Nói cũng lạ, con suối này rõ ràng một phút trước còn đang chảy nước ra ngoài, thế nhưng lại không thấy nước trong ao tràn ra mà cứ lửng nước xâm xấp, vừa không nhiều một chút, cũng không ít một chút. Nước ngầm không gặp mặt trời và không biết từ đâu mà đến, trong truyền thuyết đó là thứ có thể kết nối âm dương.

Bà Mai đưa cho Trần Dương một đồng tiền cổ, kêu anh ngậm vào miệng, “Dù xảy ra bất cứ chuyện gì cũng đừng bỏ đồng tiền này ra. Tới lúc cần rời khỏi, cậu hãy nuốt nó vào.”

Mặt trên đồng tiền là một lớp màu xanh đậm, chẳng biết đã dính thứ gì. Trần Dương vốn định ngậm đồng tiền vào miệng, nhưng ngẫm lại thì làm thế không bảo đảm lắm, lỡ bị khiếp sợ mà không cẩn thận làm rơi hoặc chưa tìm được người đã nuốt xuống, thế chẳng khác nào kiếm củi ba năm thiêu trong một giờ. Thế là anh lấy lưỡi ấn đồng tiền vào sát bên trong má.

Trần Dương cẩn thận nghe lời dặn dò của bà Mai, bà nói tiếp mà mặt không chút biểu cảm nào, “Tới dưới đó, dù có tìm được người không thì chỉ có thể ở lại nhiều nhất bốn mươi lăm phút, quá thời gian đó cậu sẽ mãi ở lại, nên hãy chú ý thời gian, đây thứ này cho cậu.”

Nói xong bà mới đưa Trần Dương một chiếc đồng hồ cát. Thứ mịn nhuyễn trong ấy không giống cát lắm mà cứ như bột phấn. Bà Mai nhìn thoáng qua Trần Dương, chậm rãi nói tiếp, “Cậu nghĩ đúng rối đấy, đây là bột cát dùng tro cốt làm khô.”

Thoắt cái Trần Dương cảm thấy thứ bột phấn xám trắng nhìn hết sức bình thường này cũng u ám và đầy tà khí.

Bà Mai đốt vài ngọn nến sáp ong, đặt lên đất theo vị trí kỳ môn, sau đó kêu Trần Dương quỳ xuống. Tiếp đó bà đặt một tay anh vào cái hồ kia, rồi lấy bùa dán sau lưng Trần Dương, nói một câu, “Khởi.”

Dòng nước ngầm âm lạnh thấu xương, Trần Dương đưa tay chạm vào và bị đông cứng tê dại, hơn nữa thứ tê dại này dần dần truyền khắp toàn thân, ngay cả trí óc cũng trì trệ hẳn. Anh nghe thấy bên tai có người thốt lên một từ “Khởi”, sau đó cả người anh chuếch choáng lảo đảo, nhưng anh không ngã ra sau mà ngã ập vào cái hồ kia.

Nước không ngập quá đầu, tuy hơi sợ hãi nhưng lại chẳng thể quay lại, cảm giác như thể đây mới là nơi trở về.

Thứ Trần Dương có thể nhìn được, có thể cảm giác chỉ là bóng tối tù mù, thứ bóng tối vô biên vô hạn, dày đặc và thẳm sâu. Anh bỗng cảm giác tất cả sao đáng sợ quá, tựa như đang trong hư không nơi vũ trụ, cơ thể lửng lờ bồng bềnh chẳng thể giẫm lên đất bằng.

Trung Quốc có câu châm ngôn rằng, “Cái có sinh ra từ giữa cái không”, không phải cũng chí lý đấy à? Vạn vật trên hư không được sinh ra từ ‘cái không’, tất nhiên sẽ quay trở lại nơi ấy. Cái ‘không’ này chẳng phải thời gian, chẳng phải không gian, mà cũng chẳng thể dùng từ để khái quát được, ngay cả những từ chỉ vô hạn cũng không, ví như mãi mãi.

Không riêng gì con người, ngay cả trời cao trên đầu kia, khi đối mặt với ‘cái không’ này sẽ trở thành nhỏ bé.

Xung quanh là vĩnh hằng, là yên tĩnh chẳng chút tiếng động sự sống.

Trần Dương mù mờ lúng túng giữa ‘cái không’ này. Anh không biết nên đi hướng nào, thậm chí chẳng rõ vì sao mình lại đến đây. Dường như anh đang bước về trước, mà cũng dường như đang đứng im bất động. Chẳng rõ qua bao lâu, tựa thể có đôi tay đẩy mạnh sau lưng anh.

Chắc do ở lại trong bóng tối này lâu quá, hoặc giả do tối tăm lướt qua kia, Trần Dương cảm giác bóng đêm bên cạnh dường như hơi thay đổi. Có vài hình dạng mơ hồ, cả thanh âm khe khẽ đang lạo rạo phát ra, như xa như gần truyền vào tai anh. Anh không tự chủ được bước về phía âm thanh đó.

Dần dà, hiện lên thứ ánh sáng mờ nhạt. Chạy giữa thứ ánh sáng ấy, anh tỉnh tỉnh mê mê, hoàn toàn không nhớ rõ mình vì sao mà đến. Xung quanh dần có thêm người hoặc vài ‘thứ ấy’, cơ thể mờ mờ ảo ảo, lửng lửng lơ lơ. Một cơn gió không biết từ đâu thổi đến.

Ngọn gió ấy khiến thứ ánh sáng xung quanh méo mó, ánh sáng ngày càng nhạt nhòa, còn sương mù mênh mông như thể đã lẫn vào thứ nhạt nhòa ấy. Trần Dương muốn tới cạnh ‘thứ’ đang bên cạnh mình, cái bóng đang bám theo anh. Thế nhưng một khi anh tới gần, cơn gió kia bèn đẩy anh ra.

Thật ra nếu cẩn thận quan sát sẽ phát hiện hết thảy nơi này là ảnh ngược của thế giới thật, chẳng qua do ảnh ngược bị méo mó điên cuồng nên trông như thể bị bóp nát, bị nhào nặn rồi lồng vào nhau.

Trần Dương liếc chiếc đồng hồ cát trong tay, cát đang rơi xuống phát ra từng tiếng lạo rạo. Anh bước tới trước theo trực giác. Có người từng nói với anh, cứ đi theo trực giác sẽ tìm được người mình muốn tìm. Anh chẳng rõ mình đã đi bao lâu, hạt cát cứ không ngừng rơi xuống.

Sắp không kịp nữa rồi, chẳng rõ tại sao, Trần Dương cảm giác nôn nóng vô cùng.

Đúng lúc này, phía trước xuất hiện một bóng người. Cái bóng ấy đứng trước một căn nhà, không động đậy. Trần Dương bước tới vài bước mới nhìn rõ, đó là một bà cụ tóc bạc phơ, cái dáng lưng còng xuống ấy sao quen quá.

Nơi này nhìn rất quen, cái bóng ấy cũng rất quen, anh đã từng nhìn thấy vào mỗi ngày mỗi đêm.

Trần Dương bước tới định thét gọi bà, thế nhưng anh chẳng thể nào cất thành tiếng, chỉ có thể mở miệng, nơi cuống họng phát ra những tiếng lạo rạo như tiếng hạt cát rơi. Anh đang muốn chạm vào bà lão kia thì một cơn gió thổi tới khiến anh lui về sau vài bước.

Lúc này, bà lão đưa lưng về phía Trần Dương như cảm ứng được, chậm rãi xoay người.

Hai tiếng lào khào bật ra khỏi cuống họng Trần Dương, anh đang thét gọi “Nội ơi”. Gương mặt quen thuộc kia là bà nội anh, gương mặt bà đã sạm đen, trên mặt lấm tấm những chấm đen kịt, lớp da nhăn nhúm bọc lấy xương cốt đáng sợ vô cùng. Vậy nhưng trong đôi mắt tối om om đang chăm chú nhìn Trần Dương ấy đang không ngừng chảy nước.

Trần Dương bước về phía bà, nhưng bà nội anh lại phất tay về phía anh.

Bà mở to miệng như định nói gì, nhưng chỉ phát ra những tiếng kỳ lạ hệt như Trần Dương. Không thể phát ra tiếng, Trần Dương chỉ có thể đoán được nội anh đang nói gì qua hình dáng của miệng khi phát âm, “Khánh ——”

Trần Dương luống cuống, anh lại cố đến gần hơn một chút. Đúng lúc này, bên cạnh xuất hiện một đôi tay trắng bệch đầy xương, đôi tay ấy vung lên bắt lấy bà nội anh rồi kéo bà ra xa.

Trần Dương ngẩng đầu, rống lên giận dữ rồi vội đuổi theo.

Xung quanh vừa là hư không lại không phải hư không, vừa là vô biên vô hạn rồi lại dương như có điểm cuối. Đôi tay trắng bệch túm lấy bà nội anh, trong chớp mắt đã biến mất giữa màn sương mông lung rúm ró, chẳng rõ tung tích. Song Trần Dương không bỏ cuộc. Anh quên mất chiếc đồng hồ cát, quên mất chuyện mình cần làm. Hiện trong mắt anh chỉ còn đôi tay trắng bệch đã bắt đi nội anh.

Cát trong đồng hồ ngày một ít đi, ngày càng vơi bớt.

Trần Dương bước đi loanh quanh tìm kiếm. Anh muốn sải bước nhanh hơn nhưng lại vẫn cứ hệt như lúc đầu, vừa giống đi lại không phải đi, vừa giống lướt tới mà cũng chẳng phải lướt tới. Anh xuyên qua một bóng mờ thấp bé rất lớn, cái bóng mờ ấy chắc chừng là thứ gì đó được xây bằng thép xi-măng nơi dương thế, có lẽ là một cây cầu lớn bắc qua dòng sông, sẽ mãi mãi chẳng bao giờ biết được tiếp theo sẽ đi tới đâu.

Xung quanh biến hóa vào mọi thời điểm, cái biến hóa chẳng nắm bắt nổi.

Trần Dương gian nan bước tới trước, trực giác bảo anh rằng nội anh đang ở phía trước.

Đôi tay trắng chạch kia không thể đi xa quá được, nó chỉ đang lẩn núp thôi. Ngay lúc Trần Dương sắp tìm được nội, một bóng người mờ ảo cầm theo lồng đèn giấy trắng xuất hiện cách đó không xa.

Trần Dương dừng lại, không hề cử động nhìn bóng người kia.

Anh biết kẻ đó là ai nhưng chẳng thể gọi tên được, dù rằng hình dáng mơ hồ nhưng vẫn cái vẻ ôn hòa nghiêm trang đó. Kẻ ấy nhấc chiếc lồng đèn lên soi tỏ mặt Trần Dương. Thoáng chốc Trần Dương tỉnh táo hẳn. Anh ở đây làm gì? Rốt cuộc anh định làm gì?

Trần Dương lách người định rời đi, định tiếp tục tìm nội anh, nhưng rồi anh lại bị cái bóng kia giữ chặt.

Anh nghe thấy ai đó thì thầm vào tai anh, “Cậu phải quay về.”

Quay về? Không, anh sẽ không quay về, anh phải tìm bà nội, phải bắt được đôi tay kia, dù có là ai cũng đừng hòng ngăn anh lại. Đây là chấp niệm của anh. Anh muốn đẩy cái bóng trước mặt ra nhưng chẳng cách nào làm được.

Trần Dương rống lên giận dữ với kẻ ấy nhưng chỉ phát ra những tiếng lào khào khe khẽ. Hơn nữa thứ âm thanh đó lại ngày càng nhỏ ngày càng nhẹ đi, tận sâu trong lòng anh cũng có thứ âm thanh đang cảnh báo. Anh nghe mà như không nghe. Anh không muốn đi, anh muốn ở lại nơi này, bên ngoài liệu có thứ gì đáng cho anh lưu luyến? Ở đây lại có gì không tốt?

Ấy thế mà cái bóng ấy không hề buông tha anh, kẻ ấy vẫn đứng chắn trước mặt anh.

Trần Dương nghe có người đang quát lớn vào tai mình, “Nuốt đồng tiền cổ ngay, nuốt ngay.”

Tiền cổ? Tiền cổ gì? Đầu óc Trần Dương ngày càng hỗn loạn, cơ thể ngày một bồng bềnh, cảm giác thoát ly tất cả, vùng vẫy khỏi tất cả này dường như không đáng sợ lắm.

Nhưng vào đúng lúc đó, cái bóng kia kéo mạnh Trần Dương, hơn nửa còn cạy miệng anh ra rồi lần mò vào trong.

Một con gió thổi đến khiến cái bóng trước mắt lắc lư chao đảo kịch liệt, tà áo rộng phấp phới bay lên tựa như sắp bị thổi tan biến. Chiếc đèn lồng trong tay kẻ ấy cũng chập chờn vô cùng, vậy mà ánh đèn leo lắt ấy vẫn kiên trì trong gió, không hề bị dập tắt.

Tự sâu trong tim Trần Dương biết mình muốn làm gì, anh không chống cự lại nữa mà nhìn đăm đăm cái bóng kia, như thể đang nhìn vào giữa lằn ranh sống chết một cách đầy căm hờn và oán hận. Kẻ này muốn kéo anh ra ngoài. Ý thức anh biết thế nhưng cơ thể lại hoàn toàn tương phản, anh biết một khi lưỡi anh chạm phải đồng tiền anh sẽ tự động nuốt đồng tiền ấy xuống.

Phải chết hay phải sống, vào giờ khắc ấy, Trần Dương như bị chia thành hai người riêng biệt.

Một giọng già nua đang hét lớn vào tai anh, kéo những âm thanh thật dài.

“…Giữa có bang quốc, dưới có âm ty… Trăm họ không quay đầu, khổ sở nơi âm phủ… Hồn mau quay về…”

Cơ thể Trần Dương như bị một nguồn sức mạnh túm lấy kéo về sau, tiếp đó trước mắt anh tối sầm. Hét lên một tiếng và mở bừng mắt, anh phát giác mình vẫn nằm tì trên cái hồ kia, tay đã rút ra khỏi ao và nước vẫn còn đang tách tách nhỏ xuống.

Bà Mai mặc sườn xám cau mày đứng bên cạnh nhìn anh. Bà mắng Trần Dương còn đang quỳ trên đất té tát, “Cậu có biết chỉ chút xíu nữa là cậu đã không thể trở về được không? Nếu sớm biết trong lòng cậu nghĩ thế, dù thế nào ta cũng không đồng ý cho cậu hỏi âm.”

Trần Dương khó chịu không nói tiếng nào, anh đứng lên rồi bước tới bên cạnh bà lão, thấp giọng, “Là cháu hiểu sai, bà đứng giận.”

Bà thấy Trần Dương sắc mặt không tốt lắm mà cả người còn đang run rẩy, như đã mất hồn. Bà lắc đầu, thôi cũng là một kẻ số khổ, bà không quở trách anh nữa. Sở dĩ mắng anh vài câu là bởi bà vừa mắt kẻ trước mặt này, chứ với kẻ khác thì đến mắng bà cũng chẳng muốn phí sức.

Trần Dương vẫn có chút thất vọng, bà Mai đưa cho anh thứ gì đó, “Ăn đi.” Anh nghe lời bỏ thứ đen đặc đó vào miệng, còn chưa chạm môi Trần Dương đã ôm chặt cổ nôn thốc nôn tháo. Không chỉ ói ra đồng tiền cổ, anh còn như ói ra hết nước đắng trong túi mật.

Dạ dày kêu òng ọc vang dội, vị thứ này ghê tởm quá, đúng là thứ hung khí giết người.

Sau khi ói xong Trần Dương chảy hết nước mắt. Anh lau khóe mắt. Tuy bị giày vò là thế, nhưng thẫn thờ và sầu não không thể nói rõ ấy đã bị phủi sạch cả, Trần Dương vừa nôn vừa bảo, “Bà, bà à, đây là gì thế?”

Liếc dáng vẻ nhếch nhác vô cùng của anh, bà Mai hơi nhếch môi cười. Già cả thế này rồi, dường như bà rất thích làm khổ những người trẻ tuổi, “Là quả táo gai đắng, có thể tẩy dơ bẩn loại bỏ mấy thứ tà ma. À phải, còn có tác dụng là gây nôn mửa nữa. Cậu đã nuốt đồng tiền cổ được tùy táng, ói ra mới tốt cho cơ thể.”

Trần Dương thở hồng hộc theo bà Mai ra ngoài.

Đến khi trở về phòng sách, cụ già vẫn không nói chẳng rằng đưa trà lên cho anh. Sau khi một nửa dùng để súc miệng còn một nửa uống ngay, rốt cuộc anh mới cảm giác mình đã hoàn toàn về lại dương thế. Trần Dương trò chuyện tán gẫu với bà Mai khiến bà cụ cười mãi không ngừng. Bà giữ anh lại ăn bữa cơm tối, rồi kêu Trần Dương ở lại một đêm. Trần Dương gật đầu bảo, đó là việc anh muốn mà không được.

Sáng hôm sau anh mới về trấn Quảng Tế, chuyện Hai Mập nhờ anh cũng đã làm, nhưng tất nhiên người mời tới không phải là bà Mai mà là một đạo sĩ cũng khá có tiếng ở huyện Chu Nhân. Anh giới thiệu đạo sĩ cho Hai Mập, hắn ta lập tức lôi đạo sĩ đi làm quen.

Trần Dương bật cười. Hai Mập này lạ thật, cứ bảo ông già nhà mình làm việc này không phải được rồi sao, không mời ổng mà lại mời người khác, không sợ ông già nổi giận mắng không biết chăm lo tới việc làm ăn trong nhà hử. Lúc anh nói lời ấy với Hai Mập, hắn ta cười khặc khặc, những thớ thịt béo run bần bật, “Tính ông già tôi thế nào anh biết rồi đó, ổng có để tôi với mẹ tôi vào mắt đâu. Hôm qua sau khi anh đi rồi ổng còn tìm tới đây, tôi nói thẳng với ổng tôi kêu anh tìm người khác rồi không cần nhờ ổng nữa. Ông tức tới mức mặt đổi màu luôn, xong thì bỏ đi mất dạng.”

Trần Dương nghe thế bèn hỏi ngay, “Mày nói chuyện của tao cho chú Khánh?”

Hai Mập vung vẫy cánh tay đầy thịt, “Tất nhiên, chứ không sao ổng bị chọc tức mà đi được. Nhưng mẹ tôi thì cứ bảo tôi đừng như thế với ổng, ôi chao thiệt hết nói. Mẹ cứ luẩn quẩn trong lòng mà ôm hy vọng với ổng, hy vọng ổng biết hối lỗi. Hy vọng mà làm gì, chẳng khác nào tuyệt vọng thì có.”

Những câu sau của Hai Mập Trần Dương không nghe thấy, đầu anh đang kêu ầm ầm, một ý nghĩ bất chợt nảy ra.
Bình Luận (0)
Comment