Du Vãn Mộ Thừa Ngôn - Khai Tân

Chương 1

Ở thôn trang mười năm, tôi đã không còn nhớ dáng vẻ của cha mẹ mình từ lâu.

Bà vú nói tôi là đích thứ nữ nhà họ Vương, lẽ ra phải được sống trong phú quý cao sang, tất cả chỉ tại gã thầy bói đáng chết kia.

Mỗi lần nhắc tới, bà đều đỏ mắt mà mắng, lời lặp đi lặp lại chỉ có đáng chết, lòng dạ hiểm độc, ruột gan thối nát.

Tôi nép vào lòng bà, mỉm cười ngước nhìn bầu trời, đếm ngón tay xem còn mấy ngày nữa anh trai sẽ về.

Sẽ mang cho tôi đồ chơi hiếm có gì.

Thôn trang này nằm cách kinh thành rất xa. Khi tôi đến đây đã phải ngồi xe ngựa suốt mấy ngày liền. Sau khi đến đây, mấy bà già hung dữ đứng gác cổng, nói rằng theo lệnh lão gia và phu nhân, không được để tôi bước chân ra ngoài.

Ngôi nhà này đã nhốt tôi mười năm.

Tôi không biết chữ, chẳng biết ngâm thơ làm phú, lại càng không biết đàn hát hay nhảy múa. Những việc trong bếp núc, tôi cũng không rành.

Nhưng bà vú vẫn luôn khen tôi ngoan ngoãn, nói rằng tôi trồng hoa rất đẹp, là cô gái tốt nhất trên đời.

Anh trai cũng khen tôi là em gái tốt nhất trên đời.

Anh trai chính là con trai của bà vú, ngày xưa đã cùng tôi đến thôn trang này.

Khác với tôi bị cấm đủ thứ, không ai trông nom anh trai phải làm gì.

Anh ấy lên núi đi săn với thợ săn trong thôn gần đây trước, sau khi học được bản lĩnh thì theo người ta đi áp tải hàng hóa, bây giờ đã lấy vợ sinh con, sống trong thôn.

Chị dâu chính là con gái của người sư phụ thợ săn, hai người tình cảm rất thắm thiết.

“Vú ơi, anh trai còn mấy ngày nữa mới về ạ?”

“Chuyến này đi hơn một tháng rồi, chắc cũng sắp về.”

Tôi ngước nhìn bầu trời xanh thẳm. Vốn bầu trời rộng lớn không cùng tận, nhưng vì tôi bị giam cầm trong nơi nhỏ bé này mà dường như trời cũng hóa nhỏ lại.

Tôi nhớ đến những câu chuyện anh trai kể khi trở về: về sông núi hùng vĩ, rừng rậm bạt ngàn, những con đường đông đúc người qua lại, chợ phiên náo nhiệt, hội hè vui tươi, và vô số món ăn ngon, vật lạ kỳ…

Mười năm rồi.

Cha mẹ chưa từng để tôi trở về, cũng không một lần ghé thăm.

Những thứ tôi ăn, mặc đều là do thôn trang tự sản xuất. Không được hưởng cao lương mỹ vị, chẳng khoác gấm vóc lụa là, nhưng cũng chưa từng để tôi phải đói rét.

Hồi bé, tôi chẳng hiểu “khắc cha khắc mẹ” là gì. Lớn hơn chút, nghe mấy bà già nói chuyện phiếm bảo là “sao chổi”, phải tránh xa để không bị xui xẻo, lúc ấy tôi mới ngộ ra.

Tránh họa, cầu lợi, vốn là lẽ thường tình của con người.

Cha mẹ người thân xa lánh tôi, tôi từng buồn, nhưng hình cũng không phải là quá đau lòng.

Bởi vì tôi có bà vú, có anh trai.

Lần này anh trai trở về mang theo rất nhiều vật lạ, trong đó có một chậu sơn trà héo rũ, bảo rằng tên gì mà “Thập Bát Học Sĩ”.

Tôi chẳng biết cái tên thanh tao ấy, chỉ thấy nó thật đáng thương, liền cẩn thận tỉa rễ, thay đất, tưới nước rồi đặt bên cửa sổ, lấy khăn lau những chiếc lá ít ỏi còn sót lại, đợi nó nảy chồi, mọc lá mới.

“Vú ơi, vú ơi, nó sống lại rồi!”

Tôi thúc giục bà vú đi nói với anh trai rằng cây sơn trà anh ấy mang về đã được tôi cứu sống.

Lúc bà vú gần đi đã sờ khuôn mặt tôi, đỏ mắt nói: “Vú sẽ về ngay, cô ngoan ngoãn ở nhà nhé.”

“Vâng.”

Tôi đã từng vụng trộm chạy ra ngoài, nhưng sau khi bị bắt lại, mấy bà già không phạt tôi mà lại hung hăng ức hiếp bà vú, tôi đánh không lại bọn họ, cũng không làm gì được bọn họ.

Từ đó về sau, tôi chưa từng đi ra ngoài nữa.

Vì tôi biết, nếu tôi làm sai, bà vú sẽ phải chịu khổ.

Ngày người nhà họ Vương đến đón tôi, lá cây sơn trà cũng đã xanh tốt. Tôi nghe thấy người đó nói rất nhiều nhưng không nhớ nổi một câu nào.

Bởi vì bà ta đang nói dối.

Nào là cha mẹ nhớ tôi, đặc biệt sai người đến đón tôi về.

Tôi dù chưa từng trải sự đời, nhưng cũng chẳng đến nỗi ngốc nghếch.

Thật hay giả, tôi vẫn phân biệt được.

Bà vú lại vô cùng vui mừng, nghĩ rằng cuối cùng tôi cũng đợi được đến ngày mây tan trăng hiện.

Tôi không đành lòng nói với bà, rằng lần này trở về, e rằng chỉ là từ chiếc lồng này sang một chiếc lồng khác mà thôi.

Vậy nên tôi không để bà đi cùng, sợ rằng bà sẽ thương xót mà làm ra điều gì không thể cứu vãn.

“Tiểu thư, sao lại như vậy? Vú…”

“Anh trai vì mưu sinh mà thường xuyên phải ra ngoài, chị dâu lại đang mang thai, cháu nhỏ còn quá bé cần có người chăm sóc. Con về nhà là để hưởng phúc, vú không cần lo lắng. Đợi con ổn định xong thì sẽ sai người đón vú và anh trai lên kinh thành đoàn tụ.”

Ngày lên đường, trước khi bước lên xe ngựa, tôi vẫn luôn cười, như thể rất mong đợi được trở về.

Nhìn chẳng khác gì đang thực sự vui vẻ.

Nhưng khi đã ngồi trong xe, nhìn chậu sơn trà nằm trong góc, nước mắt tôi không kiềm được mà tuôn rơi.

Cả đời này, không biết tôi còn cơ hội gặp lại bà vú và anh trai nữa hay không…

*

Quãng đường trở về kinh thành giống hệt ngày rời đi, phải qua mấy ngày đêm ròng rã, cuối cùng cũng đến nơi.

Không có cha mẹ ân cần ra đón, cũng chẳng có kẻ hầu người hạ nào cung kính nghênh chào.

Khi tôi được đưa đến trước mặt mẹ, bà vận trang sức ngọc ngà, lụa là gấm vóc, vẻ ngoài đoan trang, dịu dàng mà cao quý. Bên cạnh bà là một thiếu nữ kiều mỵ, đang kéo lấy tay áo bà, nũng nịu cầu xin.

Một tiếng mẹ ơi mẹ chiều con đi, xin mẹ đó.

Mẹ mỉm cười, véo nhẹ gò má nàng ta, giọng nói vừa dịu dàng vừa đầy yêu thương:

“Được rồi, được rồi, mẹ đồng ý với con. Mai bảo chưởng quầy đến, lấy số đo may y phục mới cho con.”

“Cảm ơn mẹ, mẹ thật là tốt.”

Hai người cứ thế thân thiết với nhau, chẳng màng đến ai xung quanh.

Tôi đứng bên, lặng lẽ không nói một lời.

Tôi cứ ngỡ mình sẽ đau lòng, sẽ buồn tủi, nhưng hóa ra chỉ bình thản đứng nhìn, trong lòng không chút gợn sóng.

Cũng phải thôi, tôi tuy không được cha mẹ yêu thương, nhưng tôi có bà vú, có anh trai.

“Mẹ ơi, nó… là em gái sao?”

Cô gái lụa là gấm vóc bước đến trước mặt tôi, ánh mắt khinh miệt, nhìn từ đầu đến chân.

Tôi mặc y phục vải bông thô, dù là đồ mới, nhưng so với những gì nàng ta đang mặc thì đúng là khác nhau một trời một vực.

Mẹ cũng quay sang nhìn tôi.

Chỉ thoáng qua một ánh mắt, bà đã chau mày, sự ghét bỏ trong đôi mắt ấy quá rõ ràng.

Giọng nói lạnh nhạt vang lên:

“Đúng, là em gái của con đấy.”

Tôi khẽ gọi: “Mẹ ạ, chị ạ.”

“Được rồi, Đan Họa, dẫn nó đến…”

Mẹ ngẫm nghĩ rồi hỏi: “Bên cạnh Du Hân còn trống viện nào không?”

“Thưa phu nhân, viện bên cạnh đại tiểu thư thì biểu tiểu thư đang ở ạ.”

“…”

“Bên phía Đồng Uyển thì còn một viện nhỏ đang trống.” Đan Họa đáp.

“Vậy cho nó ở Đồng Uyển. Đan Họa, ngươi dẫn nó qua đó.”

Tôi không biết Đồng Uyển là nơi nào.

Tôi cũng không có quyền lựa chọn.

Mẹ không thương, chị cả cao cao tại thượng, Đan Họa là một a hoàn cũng không tỏ ra kính trọng tôi.

Khi đến nơi, tôi mới biết, đây là nơi dành cho các thứ nữ của cha.

Viện của tôi không lớn, chỉ có ba gian phòng. Trong phòng có mùi ẩm mốc, Đan Họa gọi người đến dọn dẹp, sai bảo họ khuân đồ vào. Tôi cầm bọc hành lý, đứng yên trong sân, lặng lẽ chờ đợi.

Có người lén lút, rụt rè nhìn tôi rồi nhanh chóng lẩn đi.

Không ai mời tôi qua viện của họ ngồi uống trà.

“Nhị tiểu thư, đã dọn dẹp xong rồi.”

“Ừm.”

Tôi bước vào phòng.

Nói dễ nghe thì là thanh nhã, nói khó nghe thì là nghèo nàn.

Tôi cũng chẳng bận tâm.

“Đến đâu thì hay đến đó.

Tôi thấp cổ bé họng, chẳng thể địch nổi những kẻ quyền thế. Biết điều một chút, an ổn mà sống vẫn tốt hơn là bị đánh đập, phạt đứng hay phạt quỳ.

Không lâu sau, Đan Họa dẫn hai a hoàn và một bà già đến, nói là người hầu hạ tôi, sau này nghe lệnh tôi sai bảo.

Tôi nhìn ra được, họ đều không muốn ở đây nhưng cũng chẳng thể chọn lựa.

Tôi ngồi trong phòng một lúc lâu, cũng không ai vào rót nước cho tôi.

“Tôi nghe nói trong phòng là một sao chổi, khắc chết cả người bên cạnh.”

“Không được, tôi không thể ở đây, nhỡ bị khắc chết thì sao?”

“Tôi cũng không muốn ở lại.”

Hai nha hoàn bỏ chạy, bà già thì chậm rãi bước vào, cúi người hỏi: “Tiểu thư muốn uống nước không ạ?”

Tôi lắc đầu, không muốn làm khó bà: “Bà giúp tôi mang hành lý vào. Tôi có một chậu sơn trà, làm phiền bà mang qua đây trước.”

“Dạ.”

Bà già cúi đầu nhận lệnh rồi rời đi.

Không lâu sau, một a hoàn mặt tròn, dáng vẻ quy củ tiến vào.

“Nô tỳ là Tứ Nguyệt, ra mắt tiểu thư.”

“Miễn lễ.”

Tôi bảo nàng ấy mang nước đến, vì sau chuyến đi dài, tôi chưa được rửa mặt tươm tất.

Tôi muốn rửa mặt rồi ngủ một giấc.

Lúc này, tôi vừa đói vừa khát. Ở chỗ mẹ, tôi không được uống một ngụm nước, càng không có cơm ăn thì đã bị ghét bỏ đuổi đến viện nhỏ này.

Chỉ cần ngủ, sẽ không thấy đói hay khát nữa.

“Dạ.”

Tứ Nguyệt nhanh chóng chuẩn bị một bình trà để tôi uống cho đỡ khát, sau đó mang bánh và hoa quả vào cho tôi ăn lót dạ.

Trong khi bà già chuyển chậu sơn trà và hành lý đến, nước nóng cũng đã sẵn sàng. Sau khi tắm rửa xong, Tứ Nguyệt giúp tôi lau khô tóc.

“Tóc của tiểu thư thật là đẹp.”

Nghĩ đến bà vú đã tốn không ít công sức để chăm chút cho mái tóc này, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc, mỉm cười.

Ngày tôi trở về, không có tiệc đón gió, người trong nhà cũng không đích thân qua thăm. Mẹ không cho tôi một xu để tiêu xài, thưởng tiền hay mua đồ ăn thức uống. Tôi được đối xử như các chị em trong Đồng Uyển, chẳng có gì khác biệt.

Người trong phủ đều biết, nhị tiểu thư là tôi không được cha mẹ thương yêu, càng không được hai anh trai hay chị gái yêu quý.

Tôi cũng chẳng có ý định tranh giành.

Lúc rời đi, anh trai đã đưa cho tôi hai mươi lượng bạc, đủ dùng trong một thời gian dài.

Tôi chỉ lặng lẽ chờ đợi số phận mù mịt phía trước…

*

Nửa tháng sau khi về nhà, Tứ Nguyệt mang đến cho tôi năm lượng bạc tháng.

Tôi cầm bạc mà cười rạng rỡ.

Nếu tôi tiết kiệm, một năm có thể tích góp được sáu mươi lượng, đủ để mua vài mẫu ruộng và xây một căn nhà nhỏ ở quê.

Đến lúc đó, tìm cách nhờ người mang về cho anh trai, nhờ anh ấy sắp xếp sẵn. Lỡ một ngày tôi không nơi nương tựa thì cũng có một chỗ trú thân, không phải phiêu bạt vô định.

Tứ Nguyệt khuyên tôi nên lấy một lượng bạc để thưởng cho người dưới.

“?”

Tôi nhìn Tứ Nguyệt, em ấy lẳng lặng chờ đợi.

“Thưởng cho các em sao?”

Tứ Nguyệt lắc đầu: “Không phải cho bọn em, mà là cho những người bên ngoài Đồng Uyển, như bên bếp, phòng kho, phòng sổ sách, hoặc bên phu nhân…”

Nói rồi, ánh mắt Tứ Nguyệt đầy vẻ thương cảm nhìn tôi.

Tôi hiểu vì sao em ấy lại như vậy.

Tôi không được sủng ái, đành phải phí tâm lo lót, nếu không cơm nước sẽ bị cắt xén, nước nóng cũng chẳng đến lượt, hoặc đồ được phát sẽ hỏng hóc.

Những kẻ tiểu nhân nâng cao đạp thấp, tôi không đắc tội nổi.

Tôi chỉ có thể nhịn cơn đau lòng đưa cho Tứ Nguyệt một lượng bạc.

Tứ Nguyệt nhận bạc rồi rời đi.

Còn một a hoàn khác hiếm khi lộ mặt trước tôi, tôi cũng mặc kệ nàng ta làm gì hay đi đâu.

Bà già họ Hoàng, ngoài việc quét dọn thì cũng không trò chuyện cùng tôi.

Người duy nhất tôi có thể dựa vào là Tứ Nguyệt. Em ấy rất tháo vát, làm việc tỉ mỉ.

Mọi việc vặt trong nhà đều do em ấy sắp xếp gọn gàng, ba bữa cơm không thiếu. Trái cây và điểm tâm thì tùy duyên, có thì tôi ăn, không có tôi cũng chẳng thèm.

Chỉ là quá nhàm chán.

Ở quê, tôi có thể chăm sóc hoa cỏ trong sân. Về nhà họ Vương thì chẳng thể làm gì.

Tôi từng nghĩ đến việc giao lưu với các chị em, nhưng khi thấy tôi, họ nhanh chóng tránh đi, thậm chí đóng cửa ngay trước mặt.

Tôi biết, họ ghét bỏ, cũng sợ tôi “khắc” họ.

Tôi hiểu mình không được yêu thích nên cũng chẳng bước ra ngoài. Mỗi ngày chỉ nhìn ngắm chậu sơn trà, trò chuyện cùng nó, lau lá cho nó. Nhìn nó ngày càng xanh tốt, cành lá sum suê, lòng tôi cũng vui.

Khi Đan Họa mang quần áo và trang sức đến, tôi biết, lý do cha mẹ đón tôi về đã tới.

“Phu nhân dạo này bận rộn, nhất thời chưa nhớ đến tiểu thư…”

Đan Họa nói rất nhiều, tôi chỉ gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu.

Im lặng một lúc, Đan Họa tiếp lời: “Tiểu thư ngày mai nhớ dậy sớm trang điểm, đến giờ nô tỳ sẽ qua đón ngài.”

“Ừ.”

Nhìn bộ quần áo gấm lụa, tôi ngẩn người.

Tứ Nguyệt ngập ngừng một hồi rồi mới nói: “Nô tỳ nghe ngóng được, phu nhân đón ngài về, là để ngài thay đại tiểu thư gả vào nhà họ Cố.”

“…”

Tôi nhìn Tứ Nguyệt.

Em ấy tiếp tục: “Người có hôn ước với đại tiểu thư là tam công tử nhà họ Cố. Hồi trẻ, đó từng là người phong thái xuất chúng, đỗ Trạng nguyên được vua ban thưởng. Nhưng hai năm trước, trong một cuộc săn ở ngoại ô phía Đông, vì cứu vua mà bị thương trúng độc, tổn thương bộ quận quan trọng, đi lại không tốt, bây giờ rất ít khi ra ngoài, dù đi ra ngoài thì cũng ngồi xe lăn.”
Bình Luận (0)
Comment