Đừng Nói Chuyện Với Cô Ấy

Chương 36

Nhưng thời gian Lưu Hướng Đông trò chuyện với con trai là bốn giờ chiều, thời gian xuất hiện tư duy cưỡng chế là bảy giờ tối, cách nhau những ba tiếng đồng hồ, điều này có sự mâu thuẫn rõ ràng với những điều phân tích ở trên. Do đó, lời của Lưu Trí Phổ tối đa chỉ có thể khơi dậy sợ hãi của Lưu Hướng Đông chứ không cách nào khiến nó bùng phát, giống như một đống thuốc nổ chất sẵn ra đó nhưng không nổ. Người điều tra kia vẫn luôn ngấm ngầm quan sát, tất nhiên cũng đã phát hiện ra điều này. Vì thế anh ta (cô ta) cần phải đốt cháy ngòi nổ, cũng tức là tiến hành ám thị Lưu Hướng Đông một lần nữa vào lúc gần bảy giờ tối. Hôm đó, chỉ có Lưu Trí Phổ và Lưu Hướng Đông ở nhà, do đó sự ám thị kia có lẽ cũng được tiến hành thông qua Lưu Trí Phổ.

Nhưng vấn đề cũng theo đó mà xuất hiện, theo như lời của Lưu Trí Phổ thì bắt đầu từ lúc sáu rưỡi hôm đó, Lưu Hướng Đông một mực ở trong phòng đọc sách, giữa hai người chẳng có cuộc trao đổi nào. Nếu quả thực là như vậy, Lưu Hướng Đông rốt cuộc đã bị ám thị như thế nào đây?

Phân tích tới đây, tôi bèn hỏi Lưu Hướng Đông: “Tối đó sau khi vào trong phòng đọc sách, ông liền lập tức cảm thấy không thoải mái ư?”

”Không.” Ông ta nói bằng giọng chắc nịch: “Ban đầu tôi rất ổn. Cảm giác đó xuất hiện đột ngột vô cùng, có lẽ là vào khoảng quá bảy giờ một chút.”

Tôi lại hỏi tiếp: “Khi đó Trí Phổ có nói gì với ông không?”

“Không.” Ông ta vẫn nói giọng chắc nịch: “Thường ngày khi ở nhà nó vốn đã không thích nói chuyện với tôi, khi tôi vào phòng đọc sách nó đương nhiên lại càng chẳng có gì để nói với tôi cả.”

Tôi lại hỏi tiếp: “Ông có nhớ vào khoảng bảy giờ đã xảy ra chuyện gì không? Khi đó ông đã nhìn thấy gì, nghe thấy gì hoặc là đã làm gì?”

Ông ta suy nghĩ suốt một hồi lâu, cuối cùng lắc đầu vẻ hết cách.

“Tôi hiểu rồi.” Tôi ngồi thẳng người dậy, ngó mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. “Tối đó Trí Phổ không về nhà phải không?”

”Hình như là vậy.” Lưu Hướng Đông nói “Nó đã dọn ra ngoài ở với cô gái kia rồi.”

Tôi đứng dậy, chìa tay ra nói: “Đưa chìa khóa nhà ông cho tôi, manh mối quan trọng nhất có lẽ nằm trong phòng đọc sách của ông đấy.”

Lưu Hướng Đông lấy chìa khóa ra, trên mặt ngợp đầy vẻ ngạc nhiên và mong chờ.

Đúng mười hai giờ, tôi vào trong nhà họ Lưu, mở của phòng đọc sách của Lưu Hướng Đông ra. Đèn bàn và một chiếc đèn áp tường vẫn còn đang sáng, sách vở tài liệu được bày bừa bộn trên bàn đọc sách, có một số trang giấy hình như còn bị dính nước. Tôi đi tới bên cạnh bàn đọc sách, nhìn thấy có một chiếc ghế đổ chỏng gọng dưới đất, lưng ghế đang đè lên thứ gì đó, trên sàn nhà ờ một góc của bàn đọc sách thì có mấy vũng máu lớn nhỏ khác nhau đã đông cứng lại.

Tôi nâng chiếc ghế lên, thấy thứ bị đè bên dưới đó hóa ra là một chiếc kìm nhổ răng chuyên dụng. Tôi đặt chiếc kìm đó sang một bên, dựng chiếc ghế dậy rồi lại nhìn thấy hai chiếc lọ đựng dung dịch gì đó để trên bàn đọc sách. Một trong hai chiếc lọ đã được mở nắp, còn đổ nghiêng vào một cuốn sách ở ngay bên cạnh, làm ướt mất mấy trang sách. Tôi cầm chiếc lọ đã mở nắp lên, thấy trên nhãn có đề là “Dung dịch tetracaine hydrochloride”, đây dường như là dùng. Chiếc lọ còn lại thì chưa mở, trên nhãn đề là “Dung dịch adrenalin hydroclorid”, nó có lẽ được dùng phối hợp với loại dung dịch kể trên nhằm kéo dài thời gian gây tê.

Răng là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể người, chỉ sử dụng thuốc gây tê bề mặt có lẽ chẳng giảm được bao nhiêu sự đau đớn khi nhổ răng. Xem ra đúng như Lưu Hướng Đông đã nói, khi đó lòng cố chấp của ông ta quá ư mãnh liệt, thế nên chẳng còn dư tâm trí mà để ý đến sự đau đớn nữa.

Ông ta rốt cuộc đã phải chịu một sự kích thích như thế nào?

Sau khi vào trong phòng đọc sách, Lưu Hướng Đông một mực cắm cúi làm việc, tâm trạng rất bình tĩnh, nhưng lúc gần bảy giờ ông ta lại đột ngột nhìn thấy thứ gì đó, thế là sự sợ hãi trong nội tâm sau nháy mắt đã bị thổi bùng lên. Ông ta rốt cuộc đã nhìn thấy thứ gì? Muốn làm rõ vấn đề này thì trước tiên cần phải suy nghĩ xem khi đó ông ta đã nhìn thấy thứ đó như thế nào.

Tôi ngồi trước bàn đọc sách, thầm nghĩ về các cử chỉ cũng như cảm nhận của Lưu Hướng Đông khi đó.

Có lẽ, lúc gần bảy giờ ông ta cảm thấy hơi mỏi mệt, thế là không kìm được vươn vai một cái, và rồi vô ý ngẩng đầu lên, nhìn thấy nguồn cơn của sự kích thích trong tâm lý mà mình phải chịu. Tôi ngẩng đầu nhìn về phía trước, thấy ngoài hai chiếc đèn áp tường và một bức thư pháp viết “Nan đắc hồ đồ1” ra, trên tường không có vật gì khác nữa cả.

1. Một câu danh ngôn nổi tiếng của danh sĩ Trịnh Bản Kiều thời nhà Thanh, nghĩa là khó mà có được sự hồ đồ - ND.

Cũng có thể khi đó Lưu Hướng Đông đã đứng dậy đi lại mấy bước cho bớt mỏi mệt. Tôi đứng dậy, buông lỏng tâm trí, cố hết sức đi lại trong phòng theo sự chỉ dẫn tiềm thức, đồng thời ghi nhớ những vị trí mà mình đã đi qua. Sau đó, tôi đi lại một lượt nữa theo con đường cũ, nhưng chỉ nhìn thấy vô số sách vở tài liệu cùng với những chiếc chai lọ được bày đầy trong tủ đựng đồ, căn bản không phát hiện ra thứ gì khác lạ.

Tôi ngồi trở lại ghế, ánh mắt tập trung vào bàn đọc sách - chẳng lẽ nguồn cơn của sự kích thích được ẩn giấu trong đống sách vở tài liệu này? Tôi vừa sắp xếp vừa mở chúng ra xem qua một chút, thấy trên giấy toàn là những con chữ và công thức mà tôi không hiểu lắm, thế nên chẳng thể phát hiện ra thứ gì có thể gây ra sự kích thích cả.

Tôi sắp xếp lại đống sách vở tài liệu đó cẩn thận, sau đó cúi đầu, đột nhiên để ý tới một chiếc ngăn kéo nằm ở chính giữa bàn đọc sách. Các ngăn kéo khác đều được đóng kín, chỉ có một mình chiếc ngăn kéo đó là được kéo ra ngoài khoảng một xen ti mét. Tôi kéo hẳn nó ra, thấy bên trong có đặt một xấp giấy trắng, một hộp ghim, một hộp mực đóng dấu, một hộp sô cô la đã ăn hết một nửa, ngoài ra còn có một tờ báo đã bị vò nhàu thành một nắm.

Tôi trải phẳng tờ báo ra trên mặt bàn, thấy đó là một tờ báo tổng hợp của tỉnh nhà, hai mặt trước sau đều là các thông tin thời sự trong ngày. Trên tờ báo có những nếp gấp khá rõ ràng, tôi tìm lấy mấy cuốn sách ép phẳng nó ra, sau đó dựa theo những nếp gấp kia mà cố gắng gấp nó lại sao cho đúng: với tình trạng trước khi bị vò nhàu. Sau khi gấp xong, tôi thấy một mặt của nó là một phần của bức tranh quảng cáo, mặt còn lại thì là một bài báo hoàn chỉnh. Dựa vào cách thức gấp tờ báo lại mà xét, mục đích của việc làm này chính là làm nổi bật bài báo kia lên.

Bài báo kể lại một chuyện như thế này: Tiểu Triệu dẫn theo bạn gái của mình từ quê lên thành phố xây dựng sự nghiệp phải vào ở nhờ tại nhà của cậu ruột mình trong hơn một năm. Vì lý do công việc, Tiểu Triệu thường xuyên phải làm tăng ca đến tận nửa đêm, có lúc thậm chí còn ngủ lại luôn ở nơi làm việc. Cậu anh ta dùng đủ các biện pháp cả cứng lẫn mềm, ép bạn gái của cháu mình phát sinh quan hệ với mình trong một thời gian dài. Điểm mấu chốt của tin tức này nằm ở chỗ sau khi biết tin, không ngờ Tiểu Triệu lại không có đủ dũng khí để trở mặt với cậu mình, cuối cùng lựa chọn nín nhịn. Mãi đến khi mợ anh ta phát giác ra điều khác thường thì sự việc mới bại lộ. Phóng viên đã đi sâu vào điều tra và phát hiện, không ngờ cậu của Tiểu Triệu lại là một “Tư lệnh đỏ1” nổi tiếng trong vùng hồi những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi đó từng làm ra không ít chuyện xấu, vậy nhưng không hề bị trừng phạt. Hơn nữa, ông ta cũng không hề có ý hối cải, vào đầu những năm tám mươi thậm chí còn đổi tên thành “Văn Cácstrong”, thản nhiên thể hiện ra sự tiếc nuối đối với một thời hỗn loạn.

Hóa ra đây chính là nguồn gốc của sự kích thích mà Lưu Hướng Đông phải chịu.

1.Tức kẻ cầm đầu một toán Hồng vệ binh, lực lượng chính tạo thành sự phá hoại to lớn trong Cách mạng văn hóa diễn ra ở Trung Quốc - ND.

2. Tên viết tắt của Cách mạng văn hóa - ND.

Bất kể câu chuyện trong bài báo đó là thật hay giả thì cũng đều có thể mang tới cho người đọc sự ám thị ở hai phương diện: Thứ nhất, trong những năm tháng hỗn loạn có người mượn danh cách mạng để làm đủ mọi chuyện xấu bức hại người vô tội; thứ hai, đám lưu manh năm xưa không hề bị trừng phạt, đến bây giờ vẫn ung dung tự tại, thậm chí còn tiếp tục đi làm hại người khác. Người bình thường khi đọc được một bài báo thế này thì cùng lắm cũng chỉ cảm thấy căm phẫn mà thôi, nhưng với một người từng phải trải qua những năm tháng hỗn loạn ấy như Lưu Hướng Đông thì sức mạnh ám thị của bài báo ấy trực tiếp và mãnh liệt vô cùng. Ông ta không chỉ nhớ lại sự nhục nhã và sợ hãi năm xưa, thậm chí dưới sự ám thị của thông tin “đám lưu manh còn chưa bị trừng phạt”, trong tiềm thức của ông ta còn nảy sinh một tâm trạng tuyệt vọng triệt để, mà tâm trạng tuyệt vọng ấy lại càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi.

Đây chính là ngòi nổ làm bùng lên vấn đề trong tâm lý của ông ta.

Tôi cầm tờ báo đó trong tay, nghĩ thầm tối đó chỉ có hai cha con bọn họ ở nhà, người gấp tờ báo lại rồi đặt vào trong phòng đọc sách không thể nào là bản thân Lưu Hướng Đông, cho nên chỉ có thể là Lưu Trí Phổ mà thôi. Quá trình có lẽ là như thế này: Lưu Trí Phổ biết cha mình khi mệt mỏi sẽ mở ngăn kéo ra ăn một thanh sô cô la, do đó đã gấp sẵn tờ báo lại từ trước rồi để vào bên dưới phong sô cô la. Trong lúc mỏi mệt, Lưu Hướng Đông theo bản năng sẽ nảy sinh suy nghĩ chuyển dời sự tập trung, do đó khi phát hiện ra tờ báo đó nhất định sẽ cầm lên đọc, mà thứ đầu tiên ông ta đọc được chính là bài báo được làm nổi bật lên kia.

Người điều tra thần bí kia lẽ nào thực sự chính là Lưu Trí Phổ?

Tôi lập tức quay trở lại bệnh viện. Lưu Hướng Đông thấy tiếng động liền tỉnh lại ngay, hỏi tôi là có phải phát hiện ra điều gì rồi không. Để tránh tạo thành ám thị tiêu cực đối với ông ta một lần nữa, tôi chỉ để tờ báo đó trước mặt ông ta khoảng hai giây, đồng thời cất tiếng hỏi:“Ông có ấn tượng gì về tờ báo này không?”

Dưới sự nhắc nhở của tôi, ông ta suy nghĩ một chút rồi nói: “Ồ... Đây là... là tờ báo ở trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi phải không?”

Tôi nhanh chóng cất tờ báo đó đi. “Ông còn nhớ nội dung trong đó không?”

Ông ta suy nghĩ một lát rồi bèn lắc đầu, nói: “Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng chắc chỉ toàn là những việc vụn vặt chứ gì...” Dứt lời, ông ta đột nhiên cứng đờ người ra trong khoảng nửa giây, sau đó xoa đầu, nói: “Hình như trong đó có một bài báo khiến tôi cảm thấy rất khó chịu... Tôi cũng chẳng rõ chuyện rốt cuộc là như thế nào nữa, tóm lại sau khi đọc xong tôi đã vò nát nó rồi vứt vào trong ngăn kéo.” Nói tới đây, ông ta đột nhiên đưa mắt nhìn tôi vẻ hết sức sợ hãi. “Lẽ nào tờ báo này...”

Tôi lẳng lặng gật đầu với ông ta.

Cái gọi là ám thị kỳ thực chính là thông qua các phương thức như ngôn ngữ, văn tự, hành vi để tạo thành ảnh hưởng đối với tiềm thức của người khác. Bởi vì các thông tin mà ngôn ngữ, văn tự, hành vi truyền đạt thông thường đều phải qua ý thức rồi mới đi vào trong tiềm thức, do đó phần lớn các hành vi ám thị đều lưu lại dấu tích ở trong khu vực tiềm thức, khiến người bị ám thị có thể phát giác ra điều gì đó. Nhưng cũng có lúc ám thị xảy ra trong tình huống ý thức chẳng hề phát hiện. Lưu Hướng Đông làm việc mệt, đọc báo thực ra chỉ là để thả lỏng đầu óc chứ không phải vì thực sự quan tâm đến nội dung bên trong. Ngoài ra, đại não của ông ta khi đó có lẽ còn đang bận suy nghĩ rất nhiều vấn đề có liên quan tới công việc. Trong trạng thái như vậy sẽ rất dễ xuất hiện hiện tượng “đọc trong vô thức” tức là sau khi đọc xong một đoạn văn tự, người đọc chẳng hề có chút ấn tượng nào - việc này chắc hẳn rất nhiều người đã từng trải qua. Tuy ý thức không hề có ấn tượng nhưng sự ám thị ẩn trong văn tự lại rất có khả năng đã trực tiếp đi vào trong tiềm thức, qua đó tạo thành ảnh hưởng đối với tâm lý. Dưới sự ám thị của bài báo đó, nỗi sợ hãi trong lòng Lưu Hướng Đông đã hoàn toàn bùng nổ, nhưng ông ta lại hoàn toàn không nhớ được nội dung của bài báo, điều này chính là do hiện tượng “đọc trong vô thức” tạo thành.

Rất hiển nhiên, người điều tra thần bí kia hiểu rất rõ về tính cách, thói quen làm việc cũng như quy luật sinh hoạt của Lưu Hướng Đông, tôi cũng vì thế mà càng thêm nghi ngờ Lưu Trí Phổ.

Tôi hỏi: “Ông thường ngày có thói quen để báo vào trong ngăn bàn không?”

Lưu Hướng Đông hơi sững người ra một chút, ngay sau đó liền lắc đầu, nói:“Không, tuy ở nhà và ở công ty đều có đặt báo, nhưng tôi về cơ bản chẳng mấy khi đọc…” Dừng một chút, ông ta lầm bầm nói tiếp: “Hầy, nói thế nào nhỉ, tôi cũng không dám khẳng định, nhưng sáng nay khi tới Đại học C giảng bài, hình như là tôi có đọc báo ở đó, nhưng rốt cuộc có vô tình mang báo về nhà hay không thì tôi…tôi thực sự không nhớ được.”

Tôi khẽ gật đầu, sau đó lại hỏi tiếp: “Có khi nào là Trí Phổ đặt báo vào trong ngăn bàn của ông không?”

“Không thể nào.” Lưu Hướng Đông trả lời rất nhanh. “Tối qua tôi ở trong phòng đọc sách tới hơn mười hai giờ, còn từng mở ngăn kéo ra một lần. Khi đó trong ngăn kéo rất sạch, không hề có tờ báo nào cả. Sáng hôm nay tôi và Trí Phổ cùng nhau ra ngoài, đến chiều cũng về cùng nhau. Khi tôi nấu cơm, nó vẫn luôn ở trong bếp phụ giúp, chưa từng rời đi lần nào. Sau đó, tôi ăn xong bữa tối thì liền vào trong phòng đọc sách ngay, nó căn bản không có thời gian để làm việc đó. Hơn nữa, trong phòng đọc sách có không ít tài liệu quan trọng và vật phẩm hóa học đang trong giai đoạn thí nghiệm, bình thường tôi đều khóa trái cửa phòng, mà căn phòng đó chỉ một mình tôi có chìa khóa mà thôi.”

Nhìn thần sắc cùng với giọng điệu của Lưu Hướng Đông, ông ta tuy rất lo con trai mình bị hoài nghi nhưng lại không hề vì thế mà nói dối. Có điều, nếu người đặt tờ báo đó vào trong ngăn kéo bàn ở phòng đọc sách không phải là Lưu Trí Phổ, vậy thì có thể là ai đây? Là bản thân Lưu Hướng Đông ư? Tuyệt đối không thể nào... Hành vi gấp tờ báo đó lại rồi giấu vào trong ngăn bàn thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng lại đã lợi dụng thói quen làm việc, thói quen sinh hoạt và đặc điểm tâm lý của Lưu Hướng Đông, đồng thời còn dự đoán trước được sự xuất hiện của hành vi “đọc trong vô thức”, có thể nói là một lần ám thị cao minh vô cùng, ắt là do một cao thủ tâm lý làm ra.

Người đó không phải là Lưu Trí Phổ, nhưng cũng không phải là Lưu Hướng Đông, lẽ nào hồi ban ngày còn có người nào khác đã từng lén lút tới nhà họ Lưu?

Những mảnh thông tin hỗn loạn nhanh chóng được ráp nối, thế rồi một tia sáng rực bỗng lóe lên trong đầu tôi.

”Giáo sư Lưu.” Tôi cau mày hỏi: “Gần đây ông và Trí Phổ có từng làm mất chìa khóa không?”

Lưu Hướng Đông bất giác sững người. “Anh làm sao mà biết được việc này vậy? Buổi trưa hôm nay Trí Phổ nói làm mất chìa khóa, thế nên buổi chiều nó mới chịu về nhà cùng tôi. Nếu là thường ngày, nó ắt chẳng chịu ngồi xe của tôi đâu.”

Tôi hỏi: “Buổi trưa ư? Cụ thể là khi nào vậy?”

”Hình như là lúc ăn cơm trưa.” Lưu Hướng Đông suy nghĩ một chút rồi nói:“Phải rồi, nó đã kể với tôi như thế này, buổi trưa khi rời khỏi văn phòng và khóa cửa thì chùm chìa khóa vẫn còn ở trên người, sau đó nó đã cùng mấy người bạn đến một nhà hàng ở gần trường để ăn cơm, trên đường từ nhà hàng quay về thì phát hiện chùm chìa khóa đã bị mất. Nó đã quay trở lại nhà hàng để tìm, nhưng người ở đó nói là không thấy gì cả.”

Có người thứ ba từng tới nhà họ Lưu vào lúc ban ngày là một suy đoán hợp lý, thêm vào đó việc Lưu Trí Phổ bị mất chìa khóa vào lúc dùng bữa trưa cũng hết sức có vấn đề, cho nên nguồn cơn mọi sự đã rất rõ: Người điều tra thần bí kia đã lấy trộm chìa khóa của Lưu Trí Phổ, chờ đến chiều thì lẻn vào nhà họ Lưu, sau đó không biết đã dùng cách gì để mở cửa phòng đọc sách và đặt tờ báo được gấp sẵn vào bên dưới hộp sô cô la trong ngăn bàn.

Tôi không kìm được thầm thở phào một hơi, trong lòng hết sức bất ngờ khi người điều tra thần bí kia lại dùng một biện pháp tầm thường và kém cỏi như là lấy trộm chìa khóa. Có lẽ, tôi thực sự đã đánh giá người này quá cao rồi.

Tôi lập tức rời khỏi phòng bệnh của Lưu Hướng Đông và gọi điện thoại cho Chủ nhiệm Viên, nhờ ông ta tìm cách kiểm tra băng hình giám sát của khu chung cư mà Lưu Hướng Đông đang sinh sống trong quãng thời gian từ mười hai giờ trưa đến sáu giờ tối. Đến hai giờ sáng, Chủ nhiệm Viên gọi điện thoại tới cho tôi, nói là ông ta đã kiểm tra rất kĩ băng hình giám sát, có thể khẳng định là từ mười một rưỡi cho đến khi cha con nhà họ Lưu về nhà là năm rưỡi, không có bất kỳ ai từng mở cửa căn hộ của nhà họ Lưu. Cùng với đó, nhà họ Lưu nằm ở tầng mười bảy của khu chung cư, cửa sổ ngoài hai bên đều nằm ở mặt đường. Chủ nhiệm Viên cũng đã tìm cách kiểm tra băng hình giám sát của mấy công ty gần đó, kết quả nhận được là trong suốt buổi chiều, ngoài cửa sổ nhà họ Lưu không hề có bóng dáng của người nào cả.

”Tôi đã mời rất nhiều chuyên gia tới kiểm tra các băng hình đó.” Cuối cùng Chủ nhiệm Viên nói: “Bọn họ đều khẳng định, cả buổi chiều không hề có người nào đi vào nhà họ Lưu.”

Hai giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 2009, lời của Chủ nhiệm Viên đã mang tới cho tôi - hoặc có thể nói là mang tới cho X - một cảm giác thất bại đến mức gần như tuyệt vọng. Tôi không kìm được thở dài một hơi, nhanh chóng quay trở về thực tại từ trong ký ức của X. Tôi cầm chiếc điện thoại trên bàn trà lên, thấy thời gian là một giờ sáng ngày 23 tháng 7 năm 2012, cách lần gặp mặt thứ tám giữa tôi và Diệp Thu Vi chỉ chưa đầy mười sáu tiếng đồng hồ.

Tôi ngẩn ngơ đưa mắt nhìn về phía cửa nhà vệ sinh. Mãi đến lúc này tôi vẫn không sao hiểu nổi: Năm đó Diệp Thu Vi rốt cuộc đã giấu tờ báo kia vào trong nhà họ Lưu bằng cách nào?

Vẫn là câu nói đó, việc này có lẽ chỉ có một mình cô ta là có thể nói cho tôi biết đáp án mà thôi.

Nghĩ đến đây, một cảm giác mỏi mệt mãnh liệt bỗng nhiên ập tới. Tôi tựa người vào xô pha, ngẩng đầu nhắm mắt dưỡng thần. Bốn phía xung quanh đều hoàn toàn tĩnh lặng, tôi chỉ có thể nghe thấy những tiếng tích tắc khe khẽ phát ra từ chỗ chiếc đồng hồ treo tường. Tôi tập trung sự chú ý của mình vào những tiếng tích tắc ấy, hơi thở đều đặn và dần trở nên chậm rãi, ý thức cũng càng lúc càng buông lỏng. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, bên tai tôi lại một lần nữa vang lên tiếng rít quái dị kia. Khác với những lần trước, tiếng rít lần này không hề đột ngột, cũng chẳng chói tai, còn mang theo một sự mềm mại khiến người ta khó lòng kháng cự. Tiếng rít dần trở nên rõ ràng và biến thành tiếng nỉ non của một cô gái, sau đó lại biến thành tiếng cười trong trẻo như tiếng chuông bạc. Tiếng cười ấy tựa như những nốt nhạc du dương, nhẹ nhàng lay động một cánh cửa nào đó nằm ở nơi sâu trong lòng tôi.

Tôi đắm chìm trong tiếng cười, thân thể càng lúc càng buông lỏng. Đúng vào khoảnh khắc giấc ngủ của tôi sắp từ nông biến thành sâu, tiếng cười đó đột nhiên trở nên thê lương thảm thiết, sau đó thì nhanh chóng biến thành tiếng gào khóc thảm thương tột độ. Tiếng gào khóc ấy chân thực quá, cứ như thể có một cô gái trẻ tuổi đang ngồi ngay gần chỗ tôi, bị giày vò bởi một nỗi đau khổ khó lòng chịu đựng. Trong cơn ngơ ngẩn, tôi mở mắt ra, nhìn thấy ở phía trước bên phải có một cô gái đang nằm trên xô pha. Cô gái ấy quần áo xộc xệch tả tơi, hai tay ôm mặt, trên hai cánh tay có vô số vết dao cắt ngang dọc đan xen nhau...

Lòng tôi như thắt lại, sau nháy mắt đã giật mình bừng tỉnh. Theo bản năng, tôi ngó nhìn về phía trước bên phải, thấy trên xô pha chỉ có một chiếc gối ôm trẻ con cùng với một món đồ chơi, không hề có cô gái nào cả. Tôi thở phào một hơi, tới lúc này mới ý thức được là mình đã lại một lần nữa nằm mơ...

Tôi, tôi tại sao lại hay nằm mơ thấy cô gái đó như thế chứ? Tại sao cô ta lại thường xuyên đeo bám lấy tôi trong mơ? Trong tiềm thức của tôi, cô ta rốt cuộc tượng trưng cho điều gì?

Tôi nhớ lại một chi tiết nhỏ trong lúc mộng du: Tôi nhìn thấy X đi vào trong nhà vệ sinh, thế là muốn đuổi anh ta đi. Nhưng vừa đứng dậy đi được hai bước thì tôi đã bị thứ gì đó chặn mất đường đi. Thứ này là bàn trà trong hiện thực, nhưng trong giấc mộng thì lại được biểu hiện là cô gái kia. Tại sao lại là cô ta? Tiềm thức tại sao lai để cô người ngăn cản tôi đi vào nhà vệ sinh? Phải chăng tiềm thức muốn thông qua phương thức này để truyền đạt cho tôi một số thông tin gì đó khác?

Tôi đưa tay mân mê cằm, lờ mờ hiểu ra điều gì đó.

Giấc mơ là sự ngụy trang và biểu đạt của ham muốn sau khi bị kìm nén, dựa vào cơn mộng du trước đó mà xét: Tiềm thức biết tôi chính là X, đồng thời muốn khiến tôi hiểu được điều này, qua đó nhận thức chính xác và khống chế được bản thân, đây là ham muốn cơ bản nhất của một cá thể sinh vật. Nhưng X lại tồn tại như là một nhân cách độc lập, anh ta có điều kiêng dè đối với tôi, thế nên vẫn luôn tiến hành quấy nhiễu và ngăn cản tiềm thức, ham muốn vì thế mà bị kìm nén. Sức mạnh tinh thần của X vô cùng ghê gớm, vẫn luôn kìm nén ham muốn tự nhận thức của tiềm thức, tiềm thức tuy cực lực phản kháng nhưng rốt cuộc vẫn không cách nào truyền đạt cho tôi biết các thông tin có liên quan tới X.

Sự xuất hiện của Diệp Thu Vi đã làm thay đổi tất cả. Cô ta đã bày ra một mưu kế tinh vi, sự ám thị được kéo dài trong mấy ngày liền, qua đó giúp tiềm thức của tôi vượt qua sự ngăn cản của X, từ đó thành công truyền đạt thông tin qua giấc mơ, ham muốn tự nhận thức cũng vì thế mà được giải tỏa. Kết quả trực tiếp của sự giải tỏa này chính là thúc giục tôi đi vào nhà vệ sinh, lại thông qua gương và đèn sưởi nhà tắm để phát hiện ra rằng mình và X kỳ thực chính là một.

Đối với tiềm thức, mộng du là một phương thức, đi vào nhà vệ sinh, hoàn thành sự tự nhận thức là mục đích cuối cùng. Vậy thì, cô gái ngăn cản tôi đi vào nhà vệ sinh trong giấc mơ đương nhiên chính là hình ảnh tượng trưng cho sự trở ngại trong việc tôi hoàn thành sự tự nhận thức. Tiềm thức không chỉ biết rằng tôi là X, hơn nữa còn biết có thứ gì đang ngăn cản tôi tự nhận thức được điều này. Thật trùng hợp, trong quá trình mộng du đi vào nhà vệ sinh, tôi vừa hay gặp phải sự ngăn cản của bàn trà, thế là tiềm thức liền nắm lấy cơ hội, thể hiện ra nhân tố ngăn cản sự tự nhận thức của tôi trong giấc mơ. Đây chính là ẩn ý của việc cô gái bí ẩn kia cản đường đi của tôi.

Tóm lại, có một số nhân tố đã ngăn cản tôi trong việc tiến hành nhận thức bản thân, mà cô gái kia chính là sự tượng trưng cho những nhân tố này. Nếu những nhân tố này biến mất, sự nhận thức của tôi về X sẽ không bị thứ gì ngăn cản nữa, nói cách khác, tôi cũng sẽ thoát khỏi tình trạng rối loạn tự nhận thức. Đứng từ góc độ này mà xét, nhân tố mà cô gái kia ám chỉ có lẽ chính là nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng rối loạn đa nhân cách ở tôi.

Rốt cuộc vì nguyên cớ gì mà tôi lại bị mắc hội chứng phân ly nghiêm trọng đến vậy? Cô gái trong giấc mơ rốt ám chỉ điều gì? Là một sự ám thị kín đáo hay là hình ảnh đại diện cho một con người nào đó thực sự tồn tại? Trong cuộc gặp mặt hồi ban ngày, Diệp Thu Vi đã từng cố nhắc đến “cô bé học trung học phổ thông dùng dao cứa vào cánh tay mình”, đây phải chăng cũng là một sự ám thị có mục đích riêng? Liệu có khi nào Diệp Thu Vi sớm đã biết nguyên nhân khiến tôi bị rối loạn đa nhân cách? Cô ta rốt cuộc muốn làm gì?

Vô số sự nghi hoặc không ngớt dâng trào, tôi để mặc cho tư duy lan tỏa, vậy nhưng mãi vẫn chẳng thể lần được chút manh mối nào. Mười mấy giây sau, tôi ép mình bình tĩnh trở lại, tạm thời từ bỏ việc suy nghĩ về cô gái trong giấc mơ. Tôi quyết định tiếp tục đào sâu vào ký ức của X, muốn thông qua anh ta để nhận thức rõ hơn về bản thân.

Dòng suy nghĩ quay trở lại thời điểm sáng sớm ngày 9 tháng 11 năm 2009. Lời của Chủ nhiệm Viên mang tới cho tôi cảm giác thất bại vô cùng to lớn. Sau khi gác máy, tôi đi vào nhà vệ sinh, nhưng hình như không làm gì cả, ngay sau đó đã quay trở lại phòng bệnh. Khi tôi quay trở lại phòng bệnh thì Lưu Hướng Đông đã ngủ rồi, nhưng cũng có khả năng là chưa ngủ, tôi lờ mờ nhớ là khi đó ông ta đã nhìn tôi bằng ánh mắt chứa chan niềm hy vọng, vồn vã hỏi: Anh Trương, anh đã tìm được người đó chưa?”

Tôi không nói một lời, ngồi trở lại chiếc ghế bên cạnh giường, sau đó... sau đó...

Ký ức đột nhiên trở nên hơi mơ hồ, rất nhiều chi tiết vốn sôi động ở bên rìa của ý thức dường như đột nhiên bị một thứ sức mạnh tinh thần nào đó nuốt chửng, chỉ lưu lại một chút dấu tích của việc đã từng tồn tại. Tôi hiểu, X đang cố gắng thoát khỏi sự nhòm ngó và khống chế của tôi, anh ta càng lúc càng rời xa tôi, hơn nữa còn muốn hoàn toàn thoát ly khỏi tôi. Tôi nhất định phải tranh thủ thời gian lưu giữ kí ức anh ta lại, không thể để anh ta tiếp tục ẩn nấp trong thân thể tôi nữa.

Tôi nín thở, không để tâm tới quá trình và các chi tiết cụ thể nữa mà tăng nhanh tốc độ, xem lướt qua các ký ức sau ngày 9 tháng 11 năm 2009.

Tôi ở trong phòng bệnh đến tận bốn giờ sáng, sau đó đã lại tiếp xúc với Lưu Hướng Đông rất nhiều lần, vậy nhưng ông ta vẫn không thể cung cấp cho tôi manh mối nào có giá trị hơn. Tôi cũng từng lén lút điều tra Lưu Trí Phổ, nhưng ngoài chứng mặc cảm Oedipus bệnh hoạn của anh ta ra thì không có thu hoạch nào khác nữa. Tôi lựa chọn kiên nhẫn chờ đợi, vậy nhưng người điều tra thần bí đó không hề tiến hành tiếp xúc với tôi như trong dự liệu - anh ta (cô ta) dường như đã từ bỏ việc điều tra rồi. Mấy tháng sau đó, mọi thứ trôi qua trong yên ả, người điều tra thần bí kia không còn để lộ tung tích thêm lần nào nữa.

Tháng 5 năm 2010, nhận sự ủy thác của Chủ nhiệm Viên, tôi giết chết một người tên là Tưởng Việt Dương. Anh ta là quan chức thuộc hệ thống công an của tỉnh, từng có quan hệ lợi ích với Tập đoàn A, về sau muốn thoát khỏi sự khống chế của tập đoàn. Người này tính tình u uất, bị mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng khá nghiêm trọng ở dạ dày và ruột. Dưới sự ám thị và sắp đặt của tôi, anh ta đã bị mất nước mà chết trong nhà vệ sinh ở tầng cao nhất của Sở Công an tỉnh.

Tháng 7 năm 2010, vẫn theo sự ủy thác của Chủ nhiệm Viên, tôi giết chết một người phụ nữ tên là Khúc Na. Cô ta nhân viên kỹ thuật của cục Giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, dường như còn có một thân phận bí mật khác nữa, có thể tạo thành uy hiếp cực lớn đối với Công ty E. Người này tuy không có vấn đề gì rõ rệt về tâm lý, nhưng cách lại rất nhạy cảm và yếu đuối, thích lo lắng vu vơ. Tôi đã theo dõi cô ta gần nửa tháng, cuối cùng cũng tìm được cơ hội, qua đó khiến cho cô ta lỡ chân đi vào đường ray tàu hỏa và mất mạng.

Dịp Tết năm 2011, tôi nhận sự ủy thác của Chủ nhiệm Viên nhờ giết chết Chu Vân. Chủ nhiệm Viên từng vô tình kể lại rằng trong tay Chu Vân có một tập tài liệu quan trọng, còn muốn giao nó cho một cơ quan nào đó của nhà nước, điều này đã tạo thành một mối uy hiếp nghiêm trọng đối với Tập đoàn A. Chu Vân tâm tư tinh tế, tính cách kiên định, chín chắn, đối phó với cô ta thực không phải là việc dễ dàng. Mãi đến cuối tháng Ba, tôi mới tìm được một tài xế taxi thích hợp, sau đó lại tính trước hành trình của Chu Vân, đồng thời tiến hành ám thị tài xế taxi kia để khiến Chu Vân mất mạng trên vạch sang đường.

Tháng 4 năm 2011, một đôi nam nữ qua đời trong nhà riêng, nguyên nhân dẫn đến cái chết là trúng độc tetrame thylenedisulifotetramine1. Bác sĩ pháp y phát hiện ra dấu tích của chất độc trong đường tiêu hóa, thận cùng với bữa cơm trưa của hai người bọn họ hôm đó, từ đó xác định được nguyên nhân tử vong. Hai người này người đàn ông tên là Giả Phụng Hiến, quan chức ở ủy ban Sinh đẻ có hoạch của tỉnh, người phụ nữ tên là Quách Nguyệt Linh, nhân viên trong biên chế của Cục Vệ sinh thành phố.

1. Một hợp chất hóa học có công thức phân tử C4H8N4O4S2 là thành phần chủ yếu tạo nên thuốc chuột – ND.

Qua điều tra, Giả Phụng Hiến có gia đình hoàn chỉnh nhưng lại từng quan hệ nam nữ bất chính với Quách Nguyệt Linh trong một thời gian dài. Có người biết chuyện từng kể là một tuần trước khi chết hai người bọn họ từng cãi nhau mấy lần. Cuối cùng cảnh sát nhận định Quách Nguyệt Linh chính là người đã bỏ thuốc độc, động cơ gây án là mâu thuẫn trong vấn đề tình cảm và gia đình.

Giả Phụng Hiến không chỉ đảm nhiệm một chức vụ quan trọng ở ủy ban Sinh đẻ có kế hoạch của tỉnh, đồng thời còn là cổ đông ngầm lớn của Tập đoàn A. Xuất phát từ tâm lý cẩn trọng, Chủ nhiệm Viên ủy thác tôi tiến hành đi sâu vào điều tra vụ án này. Trong quá trình điều tra, tôi phát hiện ra rất nhiều điểm đáng ngờ, đồng thời còn chú ý thấy tung tích của người điều tra thần bí đã mất tích một năm rưỡi kia.

Chính bởi vì chuyện này nên người điều tra thần bí kia mới lại một lần nữa nhận được sự coi trọng của Chủ nhiệm Viên. Dưới sự ủy thác của ông ta, tôi chính thức tiến hành điều tra thân phận của đối phương, bắt đầu từ Quách Nguyệt Linh.

Theo ý của Chủ nhiệm Viên, tôi nhờ Lưu Hướng Đông giúp đỡ tiến hành phân tích chi tiết chất độc xuất hiện trong vụ án mạng kia. Dựa vào độ tinh khiết của chất độc, Lưu Hưóng Đông phán đoán người chế tạo ra nó ắt hẳn có kiến thức khá vững chắc về hóa học, ngoài ra còn có kinh nghiệm chế tạo hợp chất hóa học rất chuyên nghiệp nữa. Tôi cũng vì thế mà nắm bắt được điểm đặc trưng đầu tiên của người điều tra thần bí kia.

Tháng 5 năm 2011, tôi tiến hành điều tra Thư Tình thông qua điện thoại, còn lấy lý do phỏng vấn để tới gặp vợ của Đinh Tuấn Văn là Lã Thần ở khu ba của Bệnh viện Tâm thần thành phố, cuối cùng đã xác định được người điều tra thần bí đó hiện đang làm việc tại Học viện Hóa học và Phân tử trực thuộc Đại học Z. Tôi liệt kê ra một danh sách những người mà trước đó đã bị tôi dùng phương pháp ám thị khiến cho mất mạng hoặc là trở thành tàn phế, sau đó dùng thời gian một tháng để điều tra về tình hình gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội của bọn họ, để rồi từ đó liệt kê ra danh sách mười người đáng nghi ngờ nhất, trong số đó có Diệp Thu Vi. Mãi đến khi đó tôi vẫn vô thức cho rằng người điều tra là đàn ông, do đó trọng điểm điều tra của tôi tất nhiên cũng tập trung vào những người đàn ông trong danh sách.

Cuối tháng Tám, sau khi bảy người đàn ông trong danh sách tình nghi lần lượt bị loại trừ, tôi rốt cuộc đã ý thức được rằng người điều tra rất có thể là phụ nữ. Đầu tháng Chín, hai người phụ nữ khác trong danh sách tình nghi cũng đã bị loại trừ, thế là danh sách mười người chỉ còn lại duy nhất cái tên Diệp Thu Vi mà thôi.

Tôi nhớ tới bộ dạng của Diệp Thu Vi, đầu óc bất giác có chút mơ màng, thế là liền thoát ra khỏi dòng ký ức mà quay trở về thực tại. Đúng vậy, đầu tháng 9 năm 2011, tôi đã bắt đầu hoài nghi Diệp Thu Vi rồi.

Tôi nhớ là đêm ngày 10 tháng 9, tôi và Chủ nhiệm Viên đã gặp nhau giữa một bãi chôn rác thải xây dựng ở ngoại ô thành phố. Ông ta đưa cho tôi một xấp tài liệu, tôi xem ngay trước mặt ông ta, thế rồi giật mình phát hiện không ngờ Diệp Thu Vi lại có những điểm đặc trưng toàn trùng khớp với người điều tra thần bí kia, chẳng hạn như cô ta am hiểu về hóa học và tâm lý học, khi mang thai từng bị hiếp dâm đến nỗi sẩy thai, chồng thì uống thuốc độc biến thành người thực vật, có qua lại với cả Thư Tình và Lã Thần... Còn chưa xem xong tư liệu, tôi đã ngẩng đầu lên nói với Chủ nhiệm Viên: “Rất có thể chính là cô ta.”

”Chỉ dựa vào tài liệu đã có thể khẳng định được ư?” Chủ nhiệm Viên nheo mắt lại nhìn tôi. “Anh có cần đích thân đi điều tra không?”

Tôi liếc nhìn Chủ nhiệm Viên một chút, trong đoạn ký ức này, tôi đã có ấn tượng rõ ràng hơn về khuôn mặt của ông ta: ông ta bị hói gần như trụi hết tóc ở đỉnh đầu, mũi thì to và hơi khoằm, môi dày và rộng, hai mắt có thần, tại nơi tiếp nối giữa cổ và tai trái dường như còn có một vết sẹo mờ.

Mười mấy giây sau, tôi xem xong chữ cuối cùng trong tập tài liệu, bèn đưa trả cho Chủ nhiệm Viên, sau khi suy nghĩ một lát bèn nói:“Để cho chắc chắn, tốt nhất là hãy cho tôi thêm ba ngày nữa. Tuy tài liệu này đã khá đầy đủ, thông tin cũng rất trùng khớp, nhưng lỡ như có sai sót thì chắc chắn sẽ rút dây động rừng.”

”Ừm.” Chủ nhiệm Viên châm một điếu thuốc, rít một hơi, sau đó liền đốt cháy tập tài liệu về Diệp Thu Vi và vứt sang đống đá vụn ở bên cạnh, nhả ra một hơi thuốc.“Việc này rất quan trọng, nhất định đừng để xảy ra chút sơ suất nào “

Phía đằng xa, tiếng động cơ rền vang ầm ĩ của những chiếc xe tải cỡ lớn không ngừng vọng lại.

** *

Bước đầu tiên trong việc điều tra Diệp Thu Vi chính là xác định mối liên quan giữa cô ta và mấy vụ chết người kia.

Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2011, tôi gọi điện cho Thư Tình trước tiên. Dưới sự dẫn dắt của tôi, cô ta nhớ ra rất nhiều chi tiết có liên quan tới Diệp Thu Vi trong quãng thời gian trước và sau khi cô ta gặp tai nạn. Cô ta nói cho tôi biết, trước khi xảy ra tai nạn cô ta thường xuyên đến bệnh viện thăm Tần Quan, cũng thường xuyên tâm sự với Diệp Thu Vi - cô ta có vẻ rất thông cảm với Diệp Thu Vi, đồng thời còn vô cùng tin tưởng cô ta nữa, đây chính là điều kiện tiền đề để Diệp Thu Vi lợi dụng cô ta.

Cô ta còn nhắc đến một việc, đó là dịp cuối năm Âm lịch, cô ta từng dẫn Diệp Thu Vi đến thành phố D cầu phúc, hai người vốn đã bàn sẵn với nhau là ngày Rằm tháng Giêng sẽ tới đó thêm lần nữa, nhưng khi đến ngày thì Diệp Thu Vi lại đổi ý, còn đề nghị cô ta dẫn Tạ Bác Văn theo. Đối với một người phụ nữ bình thường mà nói, cầu phúc cho người chồng đang bệnh nặng của mình lẽ ra phải là việc quan trọng hàng đầu, điều này khiến Diệp Thu Vi lại càng đáng ngờ hơn. Cùng với đó, đề nghị “dẫn Tạ Bác Văn theo'' cũng phù hợp với sự an bài của người điều tra trong việc gây tai nạn.
Bình Luận (0)
Comment