Dưới Vẻ Bề Ngoài

Chương 17

Một chiều thứ năm giữa tháng Tư, vào tiết học cuối cùng, thầy giáo đi vào lớp cùng với một người phụ nữ ăn vận quần áo giản dị. Người phụ nữ đó Hứa Qua có biết, ấy là cô Jones, đến từ Anh, là một học giả đấu tranh cho nữ quyền. Tầm này hàng năm, cô ấy sẽ đến Jerusalem tuyên truyền những kiến thức, tư tưởng mới cho phụ nữ. Cô Jones là người được rất nhiều nữ sinh lớp trên thần tượng, Hứa Qua nghe nhiều lời khen cô ấy từ các đàn chị.

Trong lúc thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu sơ qua về người phụ nữ đến từ nước Anh này, Hứa Qua thấy ánh mắt của cô ấy đôi lúc sẽ chạm thẳng ánh mắt của mình. Hứa Qua bắt đầu thở dài trong lòng.

Khuôn mặt cô ngày càng giống một trái táo đỏ mà ai cũng thích, đây chính là lời của dì Mai. Thật ra, Hứa Qua cũng thấy mình được mọi người yêu quý mỗi nơi cô xuất hiện. Giống như khi cô đi chợ cùng dì Mai, ai cũng thích sờ, véo nhẹ má cô một cái. Khi cô đi mua đồ ở một cửa hàng, đôi lúc chủ tiệm cũng sẽ cho cô một ít tiền lẻ tiêu vặt.

Thầy chủ nhiệm giới thiệu xong liền đi ra khỏi lớp. Cô Jones thay thế vị trí của thầy, sau đó tất cả học sinh nam trong lớp được yêu cầu đi ra khỏi lớp. Điều này khiến các cô bé trong lớp cực kì tò mò, Hứa Qua cũng không phải ngoại lệ.

Cô Jones đứng trên bục giảng nhìn chăm chú cô bé có khuôn mặt trái táo cực kì mời gọi người ta đến véo một cái, rồi cô xoay người đối diện bảng đen, viết lên cụm từ: "Kẹo trái cây". Viết xong, cô Jones quay lại, khuôn mặt nghiêm nghị: "Ở trên Internet, nó không phải là một loại kẹo. Trên Internet, kẹo trái cây dùng để chỉ những thiếu nữ vị thành niên."

Khi nói những lời này, ánh mắt của cô Jones lại lướt vòng quanh từng khuôn mặt của những cô bé rất lâu. Khi ánh mắt ấy chạm vào Hứa Qua, cô không tự chủ được mà hơi rụt người.

Tiết học của cô Jones là tiết học đặc biệt, buổi đầu tiên có nội dung là: Thiếu nữ vị thành niên làm thế nào để phán đoán ra suy nghĩ, hành động của người khác giới. Hành động, suy nghĩ như thế nào là chấp nhận được, cái gì là không được cho người khác giới làm với mình.

Khi cô Jones bắt đầu giảng, lớp học còn tiếng xì xào khe khẽ. Nhưng dần dần, lớp trở nên yên ắng.

Sau đó cô Jones phát những hình vẽ minh hoạ, những bức hình minh hoạ những hành động sai trái, tờ giấy trên tay Hứa Qua rơi xuống mặt đất. Trên tờ giấy ấy là hình vẽ một người đàn ông trưởng thành đang dùng cơ thể mình đè một người con gái nhỏ dưới thân. Tờ giấy thứ hai rơi xuống, nó có hình vùng kín hoàn toàn phơi bày, sau đó là tờ giấy thứ ba, tờ giấy thứ tư, không biết gió ở đâu thổi chúng bay tung lên rồi rơi xuống đất.

Tay cô vô lực rũ xuống hai bên, Hứa Qua rời khỏi chỗ ngồi, chân bước đến cửa, trong giây phút ấy, lớp học cực kì yên tĩnh.

Cô giáo đang đứng trên bục giảng A--- một tiếng.

Gió bên ngoài thổi cửa phòng học mở toang, Hứa Qua đứng giữa hai cánh cửa. Ánh mặt trời tháng tư chiếu khiến mắt cô loá lên. Cô nheo mắt, cúi đầu trốn tránh, nhìn chằm chằm chân mình. Cô nhìn những hàng gạch lát màu đỏ sậm trên hành lang kéo dài đến tít cuối. Phần lan can cuối hành lang đã hỏng, chủ nhật tuần trước có một em học sinh lớp dưới bị ngã từ lan can đó xuống. Ngày hôm sau, chỗ ngồi trong lớp em học sinh đó đã không còn ai ngồi nữa.

Thử xem, cô có thể hay không cũng không cẩn thận mà ngã xuống từ chỗ đó. Nhanh, nhanh lên, tới đó đi.

"Amanda."

Âm thanh sởn tóc gáy vang lên.

Amanda---


Cô dừng bước chân lại, nhắm mắt, quay đầu mỉm cười với ánh mắt tràn quan tâm của cô giáo: "Thưa cô, đột nhiên con nhớ mình có một việc quan trọng chưa hoàn thành."

Gương mặt cô giáo sát lại gần, đầy vẻ lo lắng.

Người phụ nữ Anh vừa thông minh vừa tốt bụng. Cô ấy đã động viên, giúp đỡ những phụ nữ Ả Rập bị chồng bạo hành, cổ vũ những người phụ nữ ấy dùng những chiếc mũ hiện đại, gọn nhẹ thay vì những chiếc khăn chùm đầu vướng víu, khuyến khích họ đứng lên bảo vệ chính mình và những người cùng cảnh ngộ.

"Cô giáo," cô nhíu mày: "Cô có thể nhờ bạn Mia trông cặp giúp con được không? Nếu bạn ấy không chịu, cô giúp con nói là từ nay về sau Amanda sẽ không giúp bạn ấy trông cặp nữa."

Mia là bạn cùng bàn của Hứa Qua. Cô bạn ấy nổi tiếng hay quên, có mấy lần đi về nhà mà chẳng vác cặp sách theo, chính Hứa Qua luôn giữ hộ cặp cho Mia. Lời Hứa Qua nói khiến mặt cô Jones dãn ra. Có lẽ cô nghĩ hành động đột ngột ra khỏi chỗ của cô gái nhỏ không phải vấn đề gì lớn.

Người ta thường ít để ý những chuyện vụn vặt như thế, Hứa Qua tự rút kinh nghiệm cho mình. Cô vừa đi vừa nhảy chân sáo dọc hành lang, đến chỗ rẽ xuống cầu thang còn không quên quay lại tạm biệt người phụ nữ Anh.

"Tạm biệt, Amanda." Cô Jones vẫy tay với cô.

Xuống hết bậc cầu thang, Hứa Qua bị chính khuôn mặt mình làm hoảng sợ. Gương mặt cô quả thật giống như tượng thạch cao trong bảo tàng, trắng bệch, cứng đờ.

Dì Mai nói cực kỳ đúng, trưởng thành sớm đâu có nghĩa là thông minh. Giờ nhìn xem, cô có bao nhiêu ngốc nghếch. Cô đi dọc theo con đường quen thuộc về nhà.

Hứa Qua cho rằng khi cô về nhà, dì Mai sẽ ôm chặt cô vào ngực. Cô nghĩ rằng cô sẽ khóc đến rối mù trời đất trong lòng dì Mai, dính hết nước mắt nước mũi lên áo của dì. Thế nhưng khi dì Mai hỏi cô: "Sao hôm nay con về sớm vậy? Hứa Qua, có phải con lại đánh nhau với bạn không?"

"Không ạ." Cô vươn tay ra để dì Mai kiểm tra, sau đó lại tự động kéo ống quần. Nếu cô đánh nhau với bạn bị thương, giày cũng sẽ bị bẩn: "Dì Mai, bụng con đau."

Vì thế, dì Mai lại bắt đầu nói dông dài về việc cô hay ăn đồ ăn vặt mất vệ sinh ở gánh hàng rong trước cổng trường. Dì vừa nói vừa đi tìm thuốc trị đau bụng.

Hứa Qua còn tưởng rằng khi ấy cô nhìn thấy ba về, cô sẽ nhào vào nắm tay túm chân ba mà đấm thùi thụi, khóc nấc lên. Nếu ngày đó ba không đứng nói chuyện phiếm với nhà bán tạp hoá, có lẽ cô sẽ không vội vã đi tìm người ấy. Bởi vì cô bối rối, lo lắng, tức giận nên mới không chút suy nghĩ leo lên chiếc xe kia.

Nhưng khi mắt cô nhìn thấy đôi giày đầy bụi của ông, cô lại buông lỏng nắm tay đang cuộn chặt. Cô mở tủ giày, tìm ra chiếc dép đi trong nhà rồi đặt chúng xuống chỉnh tề trước mặt ba. Ông chủ cửa hàng kim khí vốn trọng nam khinh nữ được một phen ngạc nhiên: "Sao hôm nay con ngoan thế?"

Cô đứng lên, hung hăng lườm ông một cái.


Hứa Qua nghĩ rằng, cô không vùi khóc trong lòng dì Mai, cũng không làm mình làm mẩy với ba có lẽ là vì người ấy. Hứa Qua nghĩ rằng, chờ người ấy quay lại, nhất định cô sẽ trút tất cả mọi thứ lên người anh, cắn, đấm, đá, chỉ trích.

"Tất cả đều tại anh. Nếu ngày ấy anh nghe lời, ngoan ngoãn theo em về nhà, sẽ không.... sẽ không có chuyện xảy ra sau đó." Hứa Qua nghĩ, khi nói những lời này, nhất định cô sẽ khóc không ra tiếng.

Nhưng khi anh về, đôi mắt cô không tự chủ đuổi theo bóng dáng anh tháo giày, rồi nhìn anh về phòng cất cặp. Sau đó đôi mắt ấy tựa như xuyên thấu qua cánh cửa phòng:

Anh cởi chiếc áo đồng phục màu xám nhạt, thay một bộ đồ thể thao nhẹ nhàng. Anh sẽ từ trong cặp lấy ra cuốn sách hay đọc, mở ra phần đã đánh dấu, rồi sửa sang lại tập viết anh nhét vội vào cặp lúc sáng. Từ giá nhỏ trên bàn học, anh lấy ra miếng giấy nhớ rồi ghi lên đó những đầu việc cần làm tối nay. Sau đó anh dán miếng giấy nhỏ lên chiếc giá nhỏ, kiểm tra xem tờ giấy có được dán ngay ngắn, có bị bong ra không. Anh nhìn thoáng qua đồng hồ, đã đến giờ ăn tối.

Cửa mở ——

Cô nhắm mắt lại, tất cả như được thu lại trong đầu cô vậy. Cô nghe thấy tiếng mở cửa.

Cô xoay người ra chỗ khác, nhìn anh đi từ phòng mình qua hành lang nhỏ hẹp chỗ cô đứng để đến phòng ăn, bờ vai anh chạm nhẹ bả vai cô. Nếu là lúc trước, nhất định Hứa Qua sẽ chớp cơ hội này để tay cô vô tình chạm vào ngón tay của anh. Nhưng trong nháy mắt khi ngón tay chuẩn bị chạm nhau, Hứa Qua bối rối thu tay ra sau lưng, tránh né.

Cô ngẩn ngơ đứng ở đó mãi đến khi từ phòng bếp truyền đến tiếng gọi của dì Mai: "Tiểu Qua, con không định ăn à?"

Buổi tối, Hứa Qua ngồi trước cửa sổ thẫn thờ suy nghĩ, trong đầu cô lờ mờ đoán ra được chuyện gì xảy ra vào buổi tối kia, chỉ là cô không muốn suy nghĩ kĩ về nó thôi.

**

Chiếc xe bốn chỗ đi đến góc phố, xung quanh ngập tràn ánh nắng ngày mới, Hứa Qua nhắm mắt lại. Tối qua thức tránh nên nên giờ cô rất mệt mỏi, chỉ muốn nhắm mắt nghỉ ngơi.

Không chỉ có tinh thân, cô còn mong chỗ nào đó trên cơ thể mình tê liệt luôn.

Chỉ có Hứa Qua mới biết cô muốn mình bất động đến nhường nào. Dọc theo con đường ở khu phố Tây quen thuộc, xe đi qua những hàng cây ô liu cao thấp, xen kẽ nhau nối dài. Chờ đến khi chân cô mỏi, Hứa Qua sẽ chọn một gốc cây ô liu để nhắm mắt dựa vào. Nếu may mắn thì có lẽ sau vài lần mặt trời mọc, lặn mọi người sẽ phát hiện ra cô. Còn nếu không may mắn thì có lẽ sau vài chục lần mặt trời lên xuống như thế, khi người ta phát hiện ra thì cũng chỉ còn đó một thi thể sưng húp như tổ ong vò vẽ.

Ở nơi này, mọi người tin rằng cây ô liu là biểu tượng cho hòa bình, sự thanh khiết của vạn vật, nó có thể thanh tẩy mọi linh hồn bị vấy bẩn. Ở cuối con dốc hơi cong, Hứa Qua nhìn thấy một đoàn xe cùng thanh chắn đường. Những chiếc xe của quân đội đang dựng những chướng ngại vật chắn đường. Từ chiều dài đoàn xe, cô có thể đoán được họ đang thí điểm nâng cao mức độ kiểm soát an ninh.

Tháng Tư đến, câu chuyện "Israel sẽ xây dựng bức tường để ngăn chặn và đẩy lùi phần tử kh ủng bố từ Palestine đến Israel phát động chiến tranh" trở nên sôi nổi ở Jerusalem, giống như thể quyết định đó đã là chính thức, chỉ đợi đến ngày khởi công.


Thật ra, nếu để ý thì người ta có thể nghe thấy câu chuyện ấy ở bất cứ đâu trong khu thành cổ, từ những người Palestine và Israel nói chuyện phiếm bên đường, hay những người Thổ Nhĩ Kỳ bán trà trong chợ. Trên những bãi đất trống, khi một đứa trẻ Palestine đá bóng truyền cho một đứa trẻ Israel, câu đầu tiên đứa Israel nói với người bạn vừa truyền bóng cho mình là câu chuyện về bức tường. Người này nói người kia, rốt cuộc sau đó rất nhiều thanh niên Palestine đã giương cao quốc kỳ, cầm biểu ngữ đi biểu tình phản đối.

"Bức tường cách ly" cũng là từ khóa được nhắc tới nhiều nhất ở khu thành cổ. Bốn từ trên khiến Hứa Qua bất giác nhớ tới sự lạnh lẽo của dụng cụ giải phẫu. Bốn từ trên cũng đồng nghĩa rằng mỗi tối, tiếng súng, xung đột sẽ gia tăng ở khu thành cổ. Xe thiết giáp, quân dụng sẽ xuất hiện dày đặc trên những con phố.

Rốt cuộc cũng đến lượt chiếc xe bốn chỗ bị kiểm tra. Hôm nay người phụ trách kiểm tra là người quen của ba, họ chỉ mất vài phút ngắn ngủi để hoàn tất. Ba đang định vươn tay qua cửa sổ xe để bắt tay vị thanh tra kia và mời ông ta hôm nào đó làm vài chén. Nhưng ba còn chưa kịp vươn tay ra thì tiếng súng đã vang lên.

Hứa Qua trơ mắt nhìn vị sĩ quan mới vừa rồi còn phàn nàn về những người đàn ông trẻ tuổi dùng súng đánh xạ kích, giờ đã bị đạn bắn vào đầu gối. Trong một giây đó, Hứa Qua như nghe thấy tiếng kim loại va vào xương bánh chè phát ra âm thanh chói tai.

Cô nhắm mắt, xoay người lại, rúc đầu vào vai người ấy.

Chiếc xe đi qua mấy chỗ xóc nảy mới có thể chạy vững vàng trên đường. Đầu cô vẫn tựa lên vai anh, có lẽ chỉ là trong chốc lát, hoặc có lẽ thời gian đã trôi qua rất lâu. Ngón tay anh nhẹ nhàng chạm vào thái dương, vào tóc cô, động tác ấy có chút vụng về.

Cô từ từ nhắm mắt, vài giọt nước mắt rơi ở trên vai anh, trôi theo đó là nỗi phiền muộn không thể nói thành lời. Bờ vai này đến một ngày sẽ rộng như biển Thái Bình Dương, có lẽ ngày nào đó, có một người con gái khác dựa đầu lên đôi vai này. Không biết người con gái đó có tìm ra được ký ức của một cô gái tên Hứa Qua đã rơi lên đây không?

Hứa Qua cảm thấy mình không còn gì để tiếc nuối nữa, bởi vì mọi tâm nguyện của cô đã đạt được. Sáng sớm, Hứa Qua đẩy cửa phòng dì Mai, cô cẩn thận áp mặt mình chôn vào lòng bàn tay dì Mai, thấp giọng gọi người phụ nữ đang ngủ say: "Mẹ ơi".

Ba gọi bà là "A Mai". Trong mắt nhiều người, người phụ nữ này là nữ tướng của ông chủ tiệm kim khí, giúp ông chăm nuôi hai đứa nhỏ, thu xếp chuyện gia đình như lẽ thường tình.

Nhưng Hứa Qua biết con mắt dì Mai tuyệt đối không giống những người khác, dì Mai là người yêu trong lòng mà không thể hiện ra, hơn nữa, dì còn vô cùng bản lĩnh. Hứa Qua từng nghe dì Mai dùng tiếng nước ngoài mắng mỏ người khác qua điện thoại, dù bình thường dì giao thiệp cũng vô cùng khéo léo.

Hứa Qua còn từng thấy khi dì Mai khiến lũ cướp ở tiệm cầm đồ sợ chết khiếp. Dì dùng một chiêu gì đó tung vào đầu súng của chúng, khiến mấy viên đạn nổ ra không khác gì pháo bông là bao. Xong việc, dì còn nói với cô: "Hồi trước dì làm ảo thuật. Mấy kẻ kia chỉ là tay mơ nên dì nghĩ mình có thể thử một chút."

Sau khi rời phòng dì Mai, Hứa Qua mở cửa phòng ba. Cô lau chùi sạch sẽ chiếc tẩu quý giá của ông rồi đi đến trước giường. Hứa Qua nhìn ba mình chăm chú, càng nhìn, cô càng thấy người đàn ông trung niên tên Hứa Thiệu Dân một chút cũng không giống ông chủ tiệm kim khí chút nào, mà giống một sĩ quan quân đội đã về hưu hơn.

Lúc còn nhỏ, khi còn ở cái thôn bốn phía xung quanh là núi đồi, ba từng dùng chiếc súng săn bắn một lúc rơi hai con chim rừng. Ở Jerusalem, vào một ngày nọ, Hứa Qua vô tình phát hiện trong phòng ba có một thứ đồ mới lạ. Cô đem thứ đồ đó đeo trước ngực chưa đến năm phút đã bị ba lấy xuống và mắng một trận. Sau đó cô dựa vào trí nhớ mà miêu tả cho mấy anh chị lớp trên. Lúc đó cô mới biết được hóa ra thứ cô từng đeo chính là huân chương của đội đặc nhiệm đột kích SEAL*.

(*) SEAL là viết tắt của Sea, Air and Lands - 3 từ chỉ phạm vi hoạt động của lực lượng này: cả trên biển, trên bộ và trên không (tóm lại là tất cả). Đây là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ trực thuộc Hải quân Hoa Kỳ - lực lượng hải quân lớn và thiện chiến nhất hiện nay.

Mấy anh chị ấy còn cho Hứa Qua biết thêm rằng, đội đặc nhiệm SEAL là những bộ đội chống kh ủng bố tinh nhuệ nhất. Nghe được điều này, thiếu chút nữa Hứa Qua thấy mình như đứa ngốc. Ba cô là thành viên đội đặc nhiệm đó ư? Sau đó ba đã ở trước mặt cô tung bay một tràng nước bọt, dội một chậu nước lạnh vào tưởng tượng của Hứa Qua.

Hoá ra cái huân chương SEAL là của một vị khách làm rơi trong cửa hàng. Lúc ấy ông thấy nó nhất định là một thứ vô cùng quý giá nên giữ lại để người làm rơi có thể quay lại nhận đồ. Một tuần sau, cái huân chương đã trở về với chủ nhân của nó. Hứa Qua lục tung phòng ba cũng không tìm thấy đâu.

Cuối cùng, Hứa Qua mở cửa phòng người ấy, hoàn thành nốt công việc cuối cùng: Đem môi cô dán lên môi anh.


Anh hôn em một lần, em hôn anh một lần. Chúng ta hoà nhau, từ nay về sau không ai nợ ai, còn nữa... Em đồng ý để anh cưới người con gái khác làm vợ.

Phần cáo biệt với người kia dài dòng đến tận giờ phút này, khi mặt trời đã lên cao, bọn họ đã muộn học một lúc lâu. Thông qua trường học có một đoạn đường bí mật, hai bên là lùm cây. Bức tường gạch đỏ và lùm cây đã che khuất nó. Hôm nay có không ít học sinh đi học muộn trong đó có hai người họ. Cả nhóm người đi vội vàng trên đoạn đường bí mật ấy, nhưng dường như cô và anh không nhận ra điều đó.

Bước chân của anh và cô đều nhau trước sau như một, anh đi trước, cô đi ngay sau. Cô cố gắng đi đè lên dấu chân của anh phía trước, từng bước từng bước một, mỗi bước chân dường như đang nói:

Atenza, tạm biệt!

Theo từng dấu bước chân, cuối cùng cũng sắp đến con đường nhánh.

Hôm nay Hứa Qua cố ý mặc chiếc áo mùa thu có túi nhỏ trước ngực, chiếc nhẫn anh đưa cô lúc trước giờ đang ở trong cái túi ấy. Dấu chân cuối cùng trên đường mòn, cô sờ chiếc nhẫn.

Nó ở đây, vẫn luôn ở đây.

Sau đó, anh sẽ rẽ phải, còn cô rẽ trái.

Khi đó, cô từ từ đeo nhẫn vào tay, giẫm lên dấu chân cuối cùng của anh và đứng yên đó, nhìn anh bước ra khỏi lùm cây mùa hạ.

Có gió thổi qua tóc mái cô, phía trước là ánh sáng chói chang. Gạch đỏ, lùm cây, một bóng dáng thiếu niên mặc chiếc áo khoác màu ghi sáng dường như được nhìn qua một ô cửa kính nào đó.

Làn gió mát thổi qua, ánh nắng phản chiếu từ nóc Núi Đền hắt xuống.

Một lần cuối cùng, cô niệm câu thần chú:

"Artenza, quay đầu lại đi!"

Lần này thật sự là lần cuối cùng.

Artenza, quay đầu lại đi!

Sau hơn 1001 lần, rốt cuộc câu thần chú của cô cũng linh nghiệm rồi.

- -

VV: Đây là chương cuối cùng về câu chuyện tuổi thơ của Hứa Qua và Lệ Liệt Nông.

Bình Luận (0)
Comment