Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 10

Yến tiệc của Đàn Tế dựng tại biệt viện.

Trong Đàn phủ tường trắng ngói đen, mộc mạc giản dị, nhưng biệt viện lại là một chốn bồng lai khác, có đá Thái Hồ lung linh óng ánh, hải đường thu e ấp nhụy thơm, bước vào sân trong là một sảnh hoa, trên bức hoành ghi hai chữ Hoa Nùng, long lanh rực rỡ trong ánh sáng.

Tòa lầu cao bên cạnh sảnh đường im lặng như tờ.

A Na Côi tô lên môi một lớp son mỏng tang, ngắt một bông sơn trà cánh kép màu vàng nhạt cài lên tóc mai, mắt lúng liếng đưa tình nhìn gương đồng, lại được hình bóng xinh đẹp trong gương hoàn trả y nguyên.

Mèo khen mèo dài đuôi chẳng có gì thú vị, hai hàng mày của nàng chau xuống, xoay người nằm nhoài bên cửa sổ, ngón tay đẩy nhẹ cánh cửa hé ra một cái khe, dõi mắt vào sảnh đường sáng như ban ngày.

Khách khứa nối đuôi nhau đi vào, chắp tay chào hỏi nhau trước sảnh, mười mấy mĩ nhân quấn mình trong gấm lụa đàn hát trên sảnh, không cẩn thận bị khách giẫm phải váy áo, bật những tiếng cười oán trách khi cao khi thấp.

Một bóng trắng đi ra ngoài sảnh, A Na Côi nhận ra là Đàn Đạo Nhất, nhỏ giọng gọi: “Bọ Ngựa!”

Đàn Đạo Nhất chẳng có chút hứng thú nào với bữa tiệc này.

Từ đầu đến cuối chàng chỉ an vị trong góc, hờ hững nhìn mọi người ra ra vào vào. Nguyên Dực chen chúc một chỗ với chàng, vừa nói mấy câu thì thấy đại đức Huyền Tố được nô bộc dẫn lên sảnh, Đàn Tế lập tức nghênh đón, mặt tươi như hoa, một đám quan viên văn võ vây lấy Huyền Tố, hào hứng bàn luận Phật pháp.

“Sư phụ cậu đến rồi kìa.” Nguyên Dực huých cánh tay Đàn Đạo Nhất.

Đàn Đạo Nhất xoay người, đưa lưng về phía đám người Huyền Tố, nghe nhạc kĩ tấu không hầu vô cùng chăm chú.

Nguyên Dực chăm chăm quan sát Huyền Tố, tấm tắc bảo lạ, “Mĩ nhân không ngắm, nhạc khúc không nghe, lại cứ phải quấn lấy một lão hòa thượng xấu xí phun nước miếng lẫn nhau, đám người này bị quỷ ám đó à?” Ngoài miệng thì nói vậy, song rất không do dự bỏ mặc Đàn Đạo Nhất, chen vào đám người, chắp tay thi lễ với Huyền Tố cực kì cung kính, “Gần đây ta có đọc ‘Bát Nhã kinh’, có vài chỗ không rõ, mong được sư phụ giảng giải cho.” Cứ như nước miếng Huyền Tố là quỳnh cam ngọc lộ vậy, không chịu dịch mông đi đâu nữa.

Huyền Tố nhận lời Nguyên Dực, ánh mắt lướt qua đám đông, Đàn Đạo Nhất cuống quít buông đũa ngà, cúi thấp người chuồn ra khỏi sảnh.

Trăng treo ngọn cây, gió hiu hiu thổi, Đàn Đạo Nhất tỉnh cả đầu, tức thì khoan khoái hơn hẳn.

“Bọ Ngựa.” Chàng nghe thấy A Na Côi gọi khẽ, bèn quay đầu, trông thấy bóng dáng thò ra ngoài cửa sổ trên lầu.

Thấy Đàn Đạo Nhất quay đầu lại, A Na Côi mừng rỡ vươn người ra trước, suýt nữa ngã xuống. Đàn Đạo Nhất kinh hãi, chân nhún một cái nhảy lên, duỗi hai tay ra theo phản xạ, không chờ chàng phản ứng lại, A Na Côi đã biến mất khỏi cửa sổ.

“Bọ Ngựa,” Nàng chạy ào từ trên lầu xuống như một cơn gió, thắng lại sát rạt trước mặt Đàn Đạo Nhất.

Đàn Đạo Nhất buông tay, nhất thời không biết nên nói gì cho phải, đành nhặt hoa sơn trà trên đất lên, “Hoa của ngươi rơi rồi.”

A Na Côi nào rảnh mà lo đến hoa sơn trà, nàng nắm tay Đàn Đạo Nhất, gấp gáp đi mấy bước về phía trước, dừng lại ở hiên vòng mông lung đèn đóm, nàng há hốc miệng, nhìn vào trong sảnh.

Ơ, trong sảnh đường bày mấy cây san hô cao bằng người, trên cây còn điểm xuyết dạ minh châu khổng lồ, nàng nhìn mà mê ly, thì thào: “Lang chủ có nhiều bảo bối quá.”

Đàn Đạo Nhất vẫn đang bị nàng nắm tay, chàng thoáng do dự, không cựa ra, chỉ xì khẽ một tiếng, nói: “Thế đã là gì đâu?”

Khách khứa tụ tập trong sảnh đều đeo vàng đeo ngọc, A Na Côi nhìn đến hoa cả mắt. Kể từ khi biết Nguyên Dực sắp ra ngoại châu trấn giữ, trong mắt nàng đã chẳng còn người này, chỉ mải ríu rít hỏi Đàn Đạo Nhất, “Người mặc áo đỏ kia là ai?”

“Đại tướng quân Vương Phu.”

“Người râu dài kia là ai?”

“Lưu tư không.”

“Tư không có phải quan lớn không?”

“Phải, một trong tam công.”

A Na Côi hỏi một lượt mấy người trong sảnh, “Sao quan càng lớn râu càng dài vậy?” Khách ngồi đầy sảnh mà lại chỉ toàn những lão già khú đế gần đất xa trời, nàng chợt cụt hứng, thở dài: “Chẳng được anh lang quân nào trẻ trung đẹp đẽ hết.”

Đàn Đạo Nhất lườm nàng, rút tay ra. A Na Côi đâu biết mình lỡ lời một câu đã lại đắc tội chàng. Tất cả mọi người trong biệt viện tối nay đều đi dự tiệc, nàng còn chưa được ăn cơm, đói đến ngực dán vào lưng, thấy một đám tì nữ bưng bát lưu ly đi ngang qua, A Na Côi long lanh hai mắt thòm thèm nhìn theo cái bát, Đàn Đạo Nhất nói: “Chờ ở đây.” Rồi trở về bàn, nhặt vài miếng giấu trong tay áo, trở lại hiên vòng cho A Na Côi xem.

A Na Côi sáng bừng hai mắt, nhón một miếng thịt tọng vào miệng, nhai nhai, toét miệng cười toe, nói: “Hôm nay anh xông hương, mùi tay áo dính cả vào thịt.”

Đàn Đạo Nhất không ngờ mũi nàng thính như vậy, chỉnh trang tay áo, bình tĩnh nói: “Là đàn hương. Phùng thập trai giới, phải tắm rửa xông hương…” Lời còn chưa dứt thì bị giơ cho một miếng thịt đẫm đượi ngay miệng, chàng muốn nói trai giới không được ăn mặn, miệng lại không tự chủ được mở ra, nuốt vào bụng mà còn chẳng biết vị ra làm sao, mắt nhìn A Na Côi, thấy má nàng phúng phính, mặt lại quay sang một bên, Đàn Đạo Nhất không nhịn được nhẹ giọng giục nàng, “Ngươi mau ăn đi.”

“Kia thì là ai?” Một người cao lớn đội mão cao đeo đai rộng đi vào, sau lưng thị vệ thành đàn. A Na Côi bỏ lại đồ ăn vào tay áo Đàn Đạo Nhất, tò mò nhìn người tới.

Đàn Đạo Nhất chợt đứng bật dậy, kéo A Na Côi ra sau mình.

Là thái tử Nguyên Tu đang khoan thai bước đến. Bên cạnh y là Tiết Hoàn, vẫn mặc trường bào đen ống tay hẹp như mọi lần, khỏe khoắn nhanh nhẹn như một con báo – trực giác của hắn cũng nhạy bén y như động vật, trong chớp mắt Đàn Đạo Nhất đứng lên, Tiết Hoàn cũng bất đồ nhìn sang.

Hắn không nói gì, chỉ mỉm cười với Đàn Đạo Nhất, đi tới trước sảnh đường, hắn quay đầu liếc Đàn Đạo Nhất, nghênh ngang ấn bội kiếm đeo trên eo.

A Na Côi lặng lẽ thò nửa cái đầu ra từ phía sau Đàn Đạo Nhất, lại bị đẩy về.

“Lên lại lầu đi.” Đàn Đạo Nhất gắt gỏng quát, bỏ mặc nàng đi vào sảnh hoa.

Nguyên Dực vui vẻ bắt chuyện được với quần thần nhờ thảo luận kinh Phật, đang trò chuyện say sưa như cá gặp nước thì chợt nghe sảnh đường lặng bặt, mọi người vứt hắn lại nhao nhao đi ra cửa đón khách, “Thái tử điện hạ.” Thái tử cao lớn như hạc giữa bầy gà, Nguyên Dực không khống chế được cứng đờ mặt, tóm chặt lấy cổ tay Đàn Tế.

“Đàn công.” Nguyên Dực hạ thấp giọng, nghiến răng cười nói: “Thái tử cũng tới, hôm nay ông thật sự thiết yến tiễn ta ư?”

Đàn Tế tỏ vẻ ngạc nhiên, “Cớ gì điện hạ phải e ngại thái tử đến vậy?”

Thấy thái tử đi tới, Nguyên Dực vội buông tay, hai người sóng vai tiến lên nghênh tiếp.

Thái tử đứng đầu, đương nhiên được ngồi ghế trên. Nguyên Dực kiềm chế phẫn uất, chuyển sang ngồi ghế dưới. Thái tử đã quen phách lối bá đạo, đâu để chút không cam lòng của Nguyên Dực vào mắt. Y bệ vệ ngồi lên sập quây, nhìn xung quanh, khen: “Hoa Nùng biệt viện, quả là danh bất hư truyền.” Đoạn y chỉ vào Tiết Hoàn, nói với Đàn Tế: “Tên tùy tùng này của ta mấy ngày trước uống say ngã trước cửa Đàn phủ, được Đàn công nhiệt tình đưa về, ta đặc biệt dẫn hắn đến tạ ơn Đàn công đây. Tiết Hoàn!”

Tiết Hoàn không nói hai lời, quỳ phịch xuống trước mặt Đàn Tế, chắp tay hành lễ.

Thịnh tình không thể chối từ, Đàn Tế đợi Tiết Hoàn đứng dậy rồi, lặng lẽ quan sát hắn mấy lượt rồi mới cười nói với thái tử: “Thuận tay mà thôi, điện hạ làm thế tổn thọ thần quá.”

Thái tử cười sang sảng, “Đàn công, nếu trước đây còn chỗ nào đắc tội, hi vọng ông bỏ qua chuyện cũ.”

“Điện hạ khách khí.”

Thái tử gật đầu, đưa mắt trông, thấy Đàn Đạo Nhất đứng một mình dưới cây san hô, mắt nhìn Tiết Hoàn lom lom, y hiểu rõ trong lòng, mỉm cười vẫy tay với Đàn Đạo Nhất, “Đạo Nhất, lâu rồi không gặp.”

Đàn Đạo Nhất tiến lên, lạnh nhạt thi lễ.

Tính tình thái tử hào sảng, trêu ghẹo Đàn Đạo Nhất ngay trước mặt quần thần, “Nghe nói xuân tới là ngươi thành hôn với Tạ nương tử rồi, việc mừng sắp đến mà sao cứ suốt ngày dài cái mặt ra thế? Chẳng lẽ nương tử nhà họ Tạ không vừa ý ngươi?”

“Tại hạ trời sinh mặt đã vậy.”

Thái tử cực kì niềm nở, kéo tay Đàn Đạo Nhất, lệnh chàng ngồi bên cạnh mình. Khách khứa ngồi trong đây hoặc râu tóc bạc phơ, hoặc mập mạp xấu xí, trông thấy Đàn Đạo Nhất thiếu niên thanh khiết như vậy, không khỏi có người không vui. Thái tử cười vỗ cánh tay chàng, “Mười bảy tuổi,” Y cười xấu xa, “Bên người có mĩ thiếp nào không?”

Đàn Đạo Nhất mặt không đổi sắc, “Không.”

Thái tử bất ngờ, trỏ vào chúng mĩ tì qua lại trong sảnh, “Nhiều mĩ nhân như vậy mà không một ai lọt được vào mắt ngươi à? Chẳng lẽ ngươi thích nam nhân?”

Đàn Đạo Nhất nhẫn nhịn cơn phiền chán, “Không thích.”

Thái tử thấy chàng không phải người thích nói đùa, cũng bèn cười xòa, buông tha Đàn Đạo Nhất, quay sang xem các mĩ nhân đàn hát. Đàn Tế khá có phẩm vị, gia kĩ nuôi trong phủ đều có sắc có vóc, tựa như xuân lan thu cúc, mỗi người một vẻ, thái tử xem không chớp mắt cái nào. Đàn Tế thấy thế, đắc ý vê râu, “Điện hạ thấy thế nào?”

Thái tử xem tận hứng, mỉm cười tựa vào bình phong bạch ngọc, “Cũng được.”

Đàn Tế nhíu mày, nháy mắt với người hầu. Không bao lâu sau, một thiếu nữ mười bốn, mười lăm tuổi ăn bận lộng lẫy đi ra, trên tóc mai nàng cài một đóa sơn trà cánh kép màu vàng, mặc tiểu sam tay hẹp, váy lụa biếc quét đất, eo đong đưa, thướt tha đi tới trước mặt thái tử. Nàng cong ngón tay, dâng một chén rượu cho y, “Điện hạ, uống rượu đi ạ.”

Giọng nàng như hoàng oanh, trong veo réo rắt. Bờ môi tô son khẽ nhoẻn, là một cô nàng hay cười.

Thái tử cười đánh giá nàng, nhận lấy chén rượu, uống một hơi cạn sạch.

“A Tùng,” Đàn Tế nói chuyện với nàng vô cùng hiền hòa, “Con hát một bài cho thái tử nghe đi.”

“Vâng,” A Na Côi thu váy thi lễ, váy lụa biếc của nàng như lớp lớp phù vân, đai lưng thật dài bay bổng theo gió. Nàng biết mình nên đưa bước nhẹ nhàng thế nào, mũi chân di chuyển như bước đi trên cánh sen. Nàng biết tất cả mọi người đều đang dừng lại, nín thở, chỉ nhìn mỗi một nụ cười mỗi cái nhướng mày của nàng, chờ nàng mở miệng.

Cổ cầm du dương, tì bà thánh thót, nàng cất giọng hát: “Một tiếng thu thanh, một vầng thu nguyệt, một giấc thu vàng, một hơi thu lạnh, một đàn thu nhạn vỗ cánh thành hàng…” Đại khái là vẫn chưa hiểu hàm ý đìu hiu thê lương của bài hát này, nàng liếc trộm Đàn Đạo Nhất, trên đôi má hồng bung nở lúm đồng tiền, ráng chiều dập dờn, giọng ca tuyệt hảo khiến người ta phải nín thở chăm chú, ý thu liên miên bất tận, trầm trầm bổng bổng, “Một bầu thu tửu, một bài thu thi, một sợi thu hương, một mối thu hận, nhân đây một bức thu cảnh, một màn thu sương, chỉ còn lại một chăn một gối, bầu bạn cùng thu đăng thu trướng…”

Thái tử lắng tai nghe, cầm lòng không đậu vỗ tay gõ nhịp cho nàng, đợi tiếng ca vấn vít tan rồi, y khẽ thở dài một hơi, nói với Đàn Tế: “Nàng này được, ta lấy mười hộc trân châu đổi với Đàn công, chẳng hay Đàn công có chịu bỏ thứ yêu thích?”

Trong lúc thái tử nói chuyện, A Na Côi đã đang lặng lẽ quan sát y, thấy thái tử cũng coi như oai hùng, nhưng tuổi hơi lớn, cũng thoa phấn bôi son như những người khác, nom chẳng ra làm sao – có lẽ người duy nhất không thoa phấn trong điện này chỉ có Đàn Đạo Nhất, nàng không khỏi ngó Đàn Đạo Nhất, thấy chàng chẳng thèm liếc một cái nào về phía mình, chỉ mải nhíu mày nhìn cây san hô đăm chiêu, vẻ mặt lãnh đạm cực kì, A Na Côi hậm hực, hừ nhẹ.

“Điện hạ nói đùa gì vậy?” Đàn Tế cười ha hả, gọi A Na Côi tới đứng cạnh mình rồi mới nói với thái tử: “Đây là con gái thần A Tùng, không phải nô tì trong nhà, sao có thể nhận mười hộc châu tặng lại cho thái tử?”

Thái tử lấy làm tiếc nuối, giễu cợt Đàn Tế: “Đàn công, là con gái thật hay là con gái giả vừa nhận nuôi thế?”

Đàn Tế cười tủm tỉm, giảo hoạt nói: “Con gái là con gái, ở đâu ra thật giả?”

Thái tử cười mỉm, ánh mắt lưu luyến trên người A Na Côi, “Đàn công nuôi con gái mát tay quá.”

Đàn Tế gật đầu, “Đứa con gái này của thần rất ngoan, thần thực sự không nỡ tùy tiện gả nó cho người ta…” Đang cân nhắc ngôn từ thì thấy Đàn Đạo Nhất bất đồ đứng dậy rời ghế, đi ra ngoài sảnh, Đàn Tế cười ruồi, thầm mắng mấy câu cái ngữ không nên thân, mặc kệ chàng. Trông thấy sắc mặt Nguyên Dực cũng khó coi, Đàn Tế đạt được hiệu quả bèn dừng tay, nuốt lại những lời còn sót.
Bình Luận (0)
Comment