Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 36

Kể từ khi tiên đế tuyên bố chí nguyện vĩ đại muốn Bắc phạt công phá Lạc Dương, trải qua gần ba năm, đại quân Nam triều liên tục bại lui, dần trở thành nỏ mạnh hết đà – Hoàng đế từng nghênh ngang đắc ý biết bao nhiêu, hiện giờ đối mặt với quốc khố trống không, dân loạn phát sinh liên tiếp, cũng nhức đầu không ngớt.

Có thêm nhiều chiến báo hơn nữa trình lên ngự án, hoàng đế cũng chẳng buồn xem. Tuổi ngày một tăng thì cũng ngày một quyến luyến tình nghĩa cha con, mấy hoàng tử dưới gối đều chưa trưởng thành, chưa gánh nổi trọng dụng, hoàng đế khó tránh khỏi nhớ đến con trưởng, hỏi nội thị: “Hồng Nhi ở chùa có khỏe không?”

Nội thị đã quen trông mặt nghe lời mà đoán ý, nghe giọng hoàng đế là hiểu ngay, cười đáp: “Khỏe lắm ạ, nghe nói ngày ngày đều cầu xin Phật tổ phù hộ cho bệ hạ an khang, quốc triều an bình.”

“Khi ấy ta hành xử có hơi cảm tính.” Ngón tay hoàng đế day thái dương, “Ta muốn tới chùa cầu phúc, thuận tiện đi thăm Hồng Nhi.”

Triều thần nghe phong thanh hoàng đế muốn giá lâm chùa Thiên Bảo sau hai năm không đến, bèn chuẩn bị cơm chay bố thí gửi vào chùa ngay trong đêm, trang hoàng cho ngôi chùa hoàng gia ngày một hoang tàn này đến là phấp phới cát tường, trăm hoa đua nở, nom vô cùng thịnh thế hoàng kim. Lúc ngự liễn của hoàng đế tới chùa, triều thần đã chờ sẵn từ lâu. Huyền Tố đích thân ra đón, dẫn hoàng đế vào Phật đường, xoay người thấy Tiết Hoàn cũng có mặt trong hàng ngũ thị vệ, cách đám đông, Huyền Tố cung kính khom người với Tiết Hoàn, “Tướng quân cũng tới ạ.”

Mọi người đều ở đây, ông ta lại đặc biệt nhiệt tình với Tiết Hoàn, hoàng đế hơi ngạc nhiên, cười hỏi Tiết Hoàn: “Ngươi thân với Huyền Tố từ bao giờ vậy?”

Tiết Hoàn trỏ tượng Phật vàng ròng như ẩn như hiện sau rèm trướng, nhỏ giọng đáp: “Người ta nể mặt của quyên tặng của thần đấy ạ.”

Bức tượng Phật vàng ròng kia, dẫu là Tiết Hoàn chỉ e cũng phải dốc hết gia tài, hoàng đế líu lưỡi cảm thán: “Ra tay hào phóng quá… Sao trẫm nhớ là ngươi không tín Phật nhỉ?”

Tiết Hoàn mỉm cười, nói: “Thần… là để lễ tạ.”

“Kể cũng không cần.” Hoàng đế thân với Tiết Hoàn nên nói chuyện cũng rất tùy ý, “Ngươi cũng nên tích cóp tiền của mà cưới vợ thành gia đi.”

“Chuyện này, thần không vội.” Tiết Hoàn mới hăm mấy, trong mắt lấp lánh hào quang tuổi trẻ, “Cường địch chưa diệt, sao dám lập thân?”

“Lòng trung nghĩa của ngươi quả là hiếm có.” Hoàng đế gật đầu, bị câu nói của hắn thổi bùng nhiệt huyết, tự mình lấy hương, khom người vái lạy trước Phật, cất cao giọng: “Phật tổ phù hộ cho quân ta sớm ngày diệt trừ quân giặc, khôi phục non sông!”

“Diệt trừ quân giặc, khôi phục non sông!” Cả đám đại thần văn võ tiếp lời hoàng đế, cùng hô vang.

Pháp hội bắt đầu, tăng nhân thành đoàn khoác áo cà sa, tay cầm trống nhỏ và chuông lắc, vây quanh bồn lan cực đại trước điện, chậm rãi đi vào. Một tăng nhân nâng bình bát băng qua đám đông, lầm rầm tụng kinh trước bồn, giả trang Mục Liên tôn giả độ hóa ngạ quỷ, “Nguyện cho cha mẹ hiện tại sống lâu trăm tuổi không bệnh không tật, không gặp mọi hoạn nạn sầu bi, nguyện cho đến bảy kiếp sau cha mẹ tránh xa khổ ách ác quỷ, sinh trong Thiên Nhân, phúc lạc vô cực.”

“Sao Hồng Nhi không ra đây bái kiến?” Hoàng đế nghe kinh văn, trong lòng xúc động, không khỏi hỏi.

Nguyên Hồng mặc trường bào áo vải, đi lên điện, khấu đầu hành lễ với hoàng đế, “Tội nô chưa được truyền triệu, không dám lỗ mãng, bệ hạ thứ tội.”

Cậu mười hai tuổi, giơ tay nhấc chân đã cực kì trầm ổn, chỉ có giọng nói hơi run rẩy, tựa hồ kích động khôn xiết.

Hoàng đế trầm mặc một hồi, nói: “Nịnh thần làm loạn, con đâu có lỗi lầm gì mà phải tự xưng là tội nô? Tuy con đang ở tạm trong chùa nhưng vẫn là cốt nhục của cha, sao phải xa lạ như thế?”

Hoàng đế nói lời này là có ý muốn đặc xá cho cậu. Nguyên Hồng cảm động rơi lệ, hai mắt lấp loáng nước mắt nhìn hoàng đế, nghẹn ngào gọi “Cha” rồi được nội thị cơ trí đỡ dậy, dẫn tới bên cạnh hoàng đế.

Phụ tử gạt bỏ hiềm khích, tâm trạng hoàng đế rất tốt, nắm tay Nguyên Hồng đến trước bồn lan, vốc một nắm gạo cúng, vung tay rắc về phía đám đông. Pháp hội Vu Lan lần này được tổ chức hết sức xa hoa lãng phí, trong gạo lương trái cây còn xen lẫn vô số tiền vàng, châu ngọc nhỏ xíu, lấp lánh chói mắt dưới hoàng hôn. Hoàng đế thấy Nguyên Hồng cũng nắm một vốc gạo trong tay song lại do dự bất động thì cười hỏi: “Đây là cúng cô hồn, bố thí lương gạo cho vong hồn, sao con lại ngẩn ra thế?”

Nguyên Hồng còn nhỏ tuổi, thấy hoàng đế cười nói ôn hòa, dũng khí dâng lên trong cậu, nói: “Vong hồn đúng là cần siêu độ thật, nhưng con nghĩ, những tướng sĩ chống địch ở Bành Thành, Trần Quận chỉ e đến miếng gạo lứt, bát canh nóng cũng chẳng được ăn. Nếu bệ hạ đổi những món bố thí cho chùa này thành quân nhu lương thảo cho quân, các tướng sĩ nhất định có thể…”

“Im miệng!” Hoàng đế nổi giận đùng đùng, “Ngươi không thể cho trẫm một ngày vui vẻ sao?”

Nguyên Hồng lấy làm hoảng sợ, vội vàng ngậm miệng, thấy hoàng đế phất tay áo bỏ đi, cậu lo lắng bất an theo vào điện, vì tự biết mình lại nói sai nên trong lòng vô cùng ảo não. Quả nhiên sau đó, tâm trạng hoàng đế chẳng mấy thoải mái, cũng không buồn phản ứng Nguyên Hồng, chưa đợi pháp hội kết thúc đã định khởi giá hồi cung.

Hoàng hôn buông xuống, hoàng đế lên ngự liễn, vừa ra đến sơn môn thì thấy rất nhiều sa di bưng những ngọn đèn đỏ ấm trong tay, đang cẩn thận đi tới. Hoàng đế ngạc nhiên hỏi: “Đây là đi làm gì?”

Nguyên Hồng vực lại tinh thần, đáp: “Đó là đèn sông con tự tay làm, để tưởng niệm vong hồn, lát nữa sẽ xuống sông thả đèn.”

Hoàng đế vẫy tay gọi, lệnh một sa di đi vào, cầm một chiếc đèn sông lên nhìn, quả nhiên bên trên viết tên người nào đó, con ai hoặc chồng ai. Hoàng đế nói: “Đây đều là những người chết trận à?”

Nguyên Hồng thưa: “Vâng, mỗi khi gặp người tới chùa quyên lễ cầu phúc, con đều hỏi tính danh, nếu là hi sinh vì quốc triều thì ghi lại, làm một chiếc đèn sông.”

Hoàng đế nhất thời im lặng, y ngồi trên ngự liễn ngước mắt trông sang, quả nhiên thấy đằng xa nổi lềnh bềnh vô số ngọn đèn, nối thành một đường uốn lượn như ngân hà. “Thì ra chỉ tính Kiến Khang thôi, một trận đã chết nhiều người như thế.” Hoàng đế lẩm bẩm, dời mắt về phía Nguyên Hồng, đã ôn hòa hơn nhiều, “Con không cần phải lo sợ như vậy, con là hoàng tử, trong lòng thường xuyên nhớ tới bách tính, trẫm vô cùng vui mừng.”

Mắt Nguyên Hồng lập tức sáng ngời vui sướng, “Vâng, bệ hạ!”

“Có điều,” Hoàng đế đổi giọng, “Con mới bao lớn mà đã biết nói lời như vậy, làm việc như vậy? Là ai dạy con?”

Nguyên Hồng sững người, lập tức giải thích: “Không ai dạy ạ, con tự nghĩ ra.”

“Ồ?” Hoàng đế gật đầu, “Sao không thấy Đạo Nhất đâu? Nghe nói con thường xuyên ở cạnh nó?”

Nguyên Hồng đáp: “Hôm nay là ngày giỗ của mẫu thân thầy, thầy cũng ra bờ sông thả đèn ạ.”

“Đi thôi.” Hoàng đế cười gật đầu, “Chúng ta cũng đi nhìn xem.”

Nhân trời tối, hàng ngũ của hoàng đế đi tới bờ Tần Hoài. Vũ Lâm giám đã sớm đến trước giải tán bách tính ở bờ sông, chỉ còn lại hoa đăng đầy sông bồng bềnh leo lắt theo sóng biếc dập dờn, nhất thời sáng rực tỏ trời, tinh hà xuôi tây. Hoàng đế thưởng thức cảnh đèn hoa một lúc, xoay mắt sang thì thấy thị vệ dẫn một tăng nhân từ đằng xa lại, còn chưa kịp bẩm báo, y đã nhận ra là ai từ bóng dáng ấy, “Đạo Nhất.”

Đạo Nhất hành lễ với hoàng đế, lúc ngẩng đầu lên, trên mặt còn hơi bất ngờ, “Nhãn lực của bệ hạ tốt quá ạ.”

Hoàng đế quan sát chàng, cười ha hả, “Bất kể ngươi ăn mặc thế nào, dáng đi vẫn khác hẳn người khác, ta vẫn nhớ xưa nay.”

Đạo Nhất cúi đầu, cười khen: “Bệ hạ anh minh.”

Cũng có cái thay đổi. Trước kia chàng tuy miệng xưng tội nhưng cổ vẫn cứng đơ thẳng tắp, hiện giờ kính cẩn hơn nhiều, giọng điệu cũng rất bình thản – hoàng đế cảm thấy tuy chàng cạo đầu nhưng lại thuận mắt hơn trước kia. Y cười, bảo: “Lâu rồi không gặp, cùng ta lên thuyền dạo sông đi.”

Đạo Nhất đáp vâng, đi theo sau hoàng đế, leo lên thuyền hoa tráng lệ. Thân thuyền đông đưa, cắt ngang ngân hà, khuấy vỡ ánh trăng, chậm rãi ngược dòng. Hoàng đế ngồi xếp bằng ở mũi thuyền, hỏi Đạo Nhất: “Ngươi xem bây giờ ánh sao đầy trời như thế này là điềm lành hay điềm dữ?”

Đạo Nhất trả lời rất tự nhiên: “Ngân hà xán lạn, mây tía đùn lên, đương nhiên là điềm lành.”

Hoàng đế đang phiền lòng vì chiến huống, nghe xong câu này cũng lấy làm khấp khởi, “Thật ư?”

Đạo Nhất gật đầu.

Tối nay hoàng đế cảm khái rất nhiều, “Ta nhớ hai năm trước, ngươi ở Thái bốc ti, nói trên trời có dị tượng, Huỳnh hoặc thủ tâm, trẫm chỉ cho là ngươi hù dọa hú họa. Nào ngờ sau khi Vương Phu chết, quả nhiên Xích Tinh quy vị, sau này nghĩ lại, là ta đã trách lầm ngươi.”

Đạo Nhất lắc đầu nói: “Hành trung thứ thì vượng nhân đức, vượng nhân đức thì thiên địa hòa – đây đều là nhờ bệ hạ nhân đức ạ.”

Hoàng đế được khai thông nỗi lòng, “Nếu đã tiêu tai giải ách, ngươi cũng không cần phải sống trong chùa uổng phí thời gian nữa, vào Vũ Lâm giám đi, bên cạnh ta đang cần thanh niên văn võ toàn tài như ngươi.”

Nguyên Hồng yên lặng nghe bên cạnh, tức thì mừng rỡ nhìn Đạo Nhất, tưởng rằng chàng sẽ lập tức dập đầu tạ ơn, ai ngờ chàng chỉ sửng sốt rồi nói: “Bệ hạ thứ tội,” Chàng chìa hai bàn tay ra, “Thần ở trong chùa hai năm nay, chỉ cầm bút, không cầm kiếm, trên ngón tay đều là vết chai do cán bút mài ra, võ nghệ đã hoang phế.”

Hoàng đế không tin, gọi Tiết Hoàn đến, chỉ vào hắn nói với Đạo Nhất: “Ngươi tỷ thí với hắn một trận, thắng hắn, ta phong ngươi làm vệ soái Vũ Lâm giám.”

Tiết Hoàn hóng gió đêm ở đuôi thuyền, đang lên cơn lười nhác. Hắn thẳng thắn trình lệnh bài vệ soái Vũ Lâm giám lên, cười nói: “Khỏi cần tỷ thí, trước đây thần đã là bại tướng dưới tay Đạo Nhất sư phụ rồi ạ.”

Hoàng đế ồ một tiếng, “Trước đây các ngươi từng đấu với nhau rồi à?”

“Bệ hạ quên rồi ư,” Đạo Nhất bình tâm tĩnh khí, “Thần từng thoát được một mạng dưới kiếm Tiết tướng quân, còn nằm trên giường một tháng.” Đuôi mắt chàng liếc qua Tiết Hoàn, “Tiết tướng quân cũng không nhớ nữa à?”

Hai người này thi nhau khiêm tốn, nhưng lời lẽ lại toát ra sắc bén như đao kiếm. Hoàng đế nghe thấy thú vị, hỏi Đạo Nhất: “Một thanh niên mới hai mươi tuổi như ngươi, có ngồi yên nổi không? Ngươi nói xem, ở trong chùa đã sao mấy rương kinh thư rồi?”

Đạo Nhất từ tốn liệt kê cho hoàng đế: “Dịch ‘Lập thế A tì đàm luận’, ‘Ý nghiệp luận’, ‘Thành tựu tam thừa luận’, ‘Tăng sáp đa luật’, ‘Phá ngã luận sơ’… Cũng khoảng mười bảy, mười tám cuốn rồi ạ.”

Hoàng đế hồ nghi nhìn chàng, “Ngươi thật sự tĩnh tâm làm hòa thượng rồi sao?”

Đạo Nhất cười, “Không phải tiểu tăng đã đang làm hòa thượng đây sao?”

“Được,” Hoàng đế nghe chàng khăng khăng, cũng chẳng cưỡng ép, khen một câu: “Học cùng Tam Tạng, luyện thông Ngũ Bộ, thành tựu ngươi sau này chỉ e còn vượt xa Huyền Tố.”

“Cảm tạ lời chúc của bệ hạ.” Đạo Nhất không để lỡ cơ hội, đứng dậy nói, “Tiểu tăng cần trở về tu hành buổi tối rồi.”

Hoàng đế không giữ chàng, “Ngươi đi đi.”

Thuyền hoa cập bờ, Nguyên Hồng bám theo Đạo Nhất, vừa lên bờ đã vội vàng kéo tay áo chàng, “Vì sao thầy không chịu vào Vũ Lâm giám?”

Vào Vũ Lâm giám? Đạo Nhất cười lạnh trong lòng, Đàn Tế còn đang thống lĩnh thiên quân vạn mã ở Bành Thành, chàng vào cấm quân có khác nào trở thành một Vương Huyền Hạc thứ hai? Chàng nhìn gương mặt giống hoàng đế như đúc của Nguyên Hồng – Dẫu thiếu niên chân thành ngay thật, khi cậu nhìn về phía hoàng đế vẫn đầy mặt quấn quít ngưỡng mộ. Đạo Nhất không nói thẳng, chỉ khẽ mỉm cười: “Không phải đã nói rồi sao – Ta không hợp với vị trí đó.”

Hoàng đế thử Đạo Nhất xong bèn yên lòng, đứng dậy phân phó nội thị: “Hồi cung.”

Trong tiếng kêu chói tai “Khởi giá hồi loan” của nội thị, dưới thuyền sóng biếc phun trào, tiến vào Chu Tước Hàng. Mọi người vây quanh hoàng đế đi về phía đuôi thuyền, chợt thấy thân thuyền khẽ chấn động, tựa hồ đụng phải cái gì, chúng thị vệ cảnh giác, lập tức rút kiếm kiểm tra, có người chỉ vào mạn thuyền đen thui, “Có thuyền dân va chạm thánh giá.”

Vũ Lâm giám đã niêm phong trọn con sông từ lâu, đáng lí là sẽ không xuất hiện thuyền bè khác – Hoàng đế hồ nghi nhìn sang, thấy con thuyền lá kia nhẹ nhàng va vào rồi lại tách ra, trên thuyền có một bóng người thướt tha, bị ánh sáng đỏ hồng khắp sông bao bọc. Tóc nàng hơi quái dị, chỉ dài ngang vai, gió đêm thổi dây lưng tung bay, hiển lộ tư thái yểu điệu, rõ ràng là một nữ nhân. Nàng giơ cao đèn, cũng nhìn lên thuyền hoa, trong mắt như đậu ánh sao dập dờn giữa sóng nước.

Người chèo thuyền đã sớm sợ đến liều mạng xin tha, thiếu nữ xinh đẹp ấy lại ngây ngô mơ màng, còn nghi hoặc nhìn đám thị vệ giương cung bạt kiếm.

Hoàng đế thầm lấy làm lạ, ngăn cản bọn thị vệ, đi lên trước hỏi: “Nàng là thần nữ hay vong hồn?”

Nàng bước lên mũi thuyền, hoa đăng dưới chân xoay tròn như sen hồng nở rộ. Không có mệnh lệnh của hoàng đế, mọi người đều im lặng, nàng cất tiếng, giọng trong trẻo vén von đặc biệt, “Bệ hạ, thiếp là A Tùng mà.”

“A Tùng?” Hoàng đế hãy còn mất hồn mất vía, “A Tùng nào?”

Thuyền nhỏ tới gần hơn, hoàng đế không thể chờ lâu hơn nữa, lập tức vươn tay ra, nắm lấy bàn tay mềm nhỏ, dắt nàng lên thuyền hoa. Tóc nàng tỏa hương thơm ngây ngất, hoàng đế hít một hơi thật sâu.

“Bệ hạ, thiếp là A Tùng đây.” Nàng nở nụ cười xán lạn, nhẹ phất tóc xanh như mây trôi trên vai.

Tóc này… Hoàng đế chợt hiểu ra, “Là nàng?” Y không thể tin nổi nhìn A Tùng, “Nàng…” Mĩ nhân trong lòng, tâm trí y nhất thời bay bổng, giọng cũng dịu dàng, “Vừa rồi trẫm không nhận ra nàng.”

A Tùng bĩu môi đỏ, “Thiếp không đẹp bằng chiêu dung, thế nên bệ hạ không nhớ thiếp.”

“Ai nói?” Hoàng đế đắm chìm trong hương thơm ngọt ngào nồng nàn kia, toàn thân như nhũn ra, “Chiêu dung chẳng bằng một phần vạn của nàng.”

A Tùng bật một tiếng cười lanh lảnh, vừa trắng trợn bộc trực, vừa hồn nhiên ngây thơ, ngón tay nàng vân vê tóc xanh, sóng mắt lúng liếng, “Vậy thì chẳng phải chiêu dung xấu như quỷ ư?”

Hoàng đế nhéo cằm nàng, cười nói: “Ban nãy tưởng nàng là thần nữ, hóa ra là yêu quái.” Biết Tiết Hoàn không thể thoát khỏi liên can với việc A Tùng phạm vào cấm địa, hoàng đế không nhịn được muốn nhiều lời thêm mấy câu với nàng, “Nàng ở đây làm gì?”

“Thiếp đến cầu phúc, cầu Phật Tổ phù hộ cho Đàn thị trung thắng trận.”

Nàng là con gái nuôi của Đàn Tế, hoàng đế gật gù, “Đèn của nàng là ngọn nào?”

A Tùng mờ mịt nhìn muôn vàn đốm sao trong sông, “Thiếp không nhớ.” Nàng ngả vào lòng hoàng đế, lại nhoẻn miệng cười, “Bệ hạ nhìn xem, có giống hoa sen nở đầy sông không nào?”

“Nàng thích hoa sen à?”

“Thích chứ.” A Tùng vươn bàn tay trắng như tuyết, khuấy ánh trăng trong sông, một chiếc đèn giản dị trôi đến cạnh tay, nàng nhặt lên, “Bệ hạ, ngài xem trên này còn viết chữ này,” môi nàng mấp máy, “Đàn…” Mới thốt lên một chữ, nàng kinh ngạc sững lại.

Hoàng đế cũng nhìn tháy, “Đàn môn Lý thị, tiên phu nhân của Đàn Tế hình như họ Lý,” Hoàng đế tấm tắc bảo lạ, “Cái này chắc là của Đạo Nhất thả, khéo thay. Bà ấy cũng xem như là vong mẫu của nàng đó.”

A Tùng bỏ lại đèn xuống nước, ma xui quỷ khiến liếc lên bờ, trông thấy một tăng nhân trẻ tuổi ở đầu cầu, đang hơi cúi đầu, chẳng biết là xem ánh trăng hay xem bóng người. Chàng đứng dậy, phủi tay áo, rảo bước về phía chùa Thiên Bảo.

“Theo trẫm đi.” Hoàng đế bỗng mở miệng, cắt ngang suy nghĩ của A Tùng.

Trong một chớp mắt, nàng bối rối.

Hoàng đế mỉm cười với nàng, “Trẫm ban Hoa Lâm Bồ cho nàng, hồ Thiên Uyên có hoa sen mười dặm, đến mùa nở hoa, đẹp không tả xiết, rất hợp với nàng.” Hoàng đế mang một gương mặt có phần anh tuấn đoan chính, khi ôn nhu cũng chẳng xấu.

A Túng há miệng, nghe thấy giọng mình vang lên: “Vâng.”

Hoàng đế cất cao giọng cười, nắm tay nàng cùng lên ngự liễn. Cờ xí che trăng, tua rua trên lọng hoa gõ nhẹ vào cánh tay. A Tùng cúi đầu, tâm phiền ý loạn, hoàng đế chỉ cho là nàng thẹn thùng, nâng khuôn mặt hây hây của nàng lên thưởng thức hồi lâu, phấn khởi nói: “Khuôn mặt nhỏ này của nàng đích thị là một cánh sen, trẫm muốn nghĩ cho nàng một phong hiệu thích đáng… Ừ, nàng tới từ Hoa Nùng biệt viện, gọi là Hoa Nùng phu nhân đi, thế nào?”

A Tùng ủ rũ thẫn thờ, “Cảm ơn bệ hạ.”

Tiết Hoàn theo sau hộ tống, lọt tai trọn vẹn đối thoại giữa hoàng đế và A Tùng. Hắn ngồi trên ngựa nghiêng đầu lại, nở một nụ cười với A Tùng, nửa chế nhạo, nửa là đồng cảm.
Bình Luận (0)
Comment