Đường Xưa Mây Trắng

Chương 50



Mùa an cư năm sau, Bụt cư trú ở Vejanra.

Khóa an cư năm đó có tất cả là năm trăm thầy tham dự.

Hai đại đức lớn là Sariputta và Moggallana làm phụ tá cho Bụt trong khóa an cư này.Vào giữa mùa an cư, trời rất nóng, không muốn ở trong tịnh xá của người nữa, suốt ngày Bụt ra ngồi dưới cây nimba cành lá xanh tốt che mát cả một vùng.

Bụt thọ trai, nói pháp thoại, ngồi thiền và trải chiếu nằm ngủ ngay dưới gốc cây này.

Vào tháng thứ ba của mùa an cư, các vị khất sĩ than thở với nhau là thức ăn xin được mỗi ngày càng lúc càng hiếm.

Có nhiều thầy đi khất thực về với chiếc bát không.Hỏi thăm, Bụt biết rằng năm nay ở đây mất mùa, và kho lúa dự trữ của chính quyền địa phương sắp cạn.

Dân chúng địa phương đói và chính quyền phải phát thẻ cứu trợ thực phẩm.

Dân chúng không có ăn thì làm gì có để cúng dường.

Số lượng năm trăm vị khất sĩ là một số lượng lớn quá, chính Bụt cũng có hôm phải mang bát không về.

Có nhiều hôm người chỉ sống bằng nước trong và hơi thở.

Nhiều vị khất sĩ thiếu ăn ốm đi trông thấy.

Đại đức Moggallana đề nghị với Bụt là giáo đoàn nên di cư về Uttarakuru ở miền Nam để tiếp tục mùa an cư vì ở đó không có nạn đói.Bụt không chấp nhận.

Người nói:– Không nên làm thế, Moggallana.

Có phải chỉ có một mình mình đói mà thôi đâu.

Cả dân chúng đều đói, chỉ trừ những nhà giàu, nếu ta vì đói mà bỏ đi thì ta không chia sẻ được những khó khăn và thông cảm được với dân chúng ở đây.

Moggallana, chúng ta nên ở lại đây cho đến hết mùa an cư.Người thỉnh Bụt về Vejanra an cư là một thí chủ Bà la môn giàu có đã từng được nghe Bụt thuyết pháp, tên là Agnidatta, nhưng ông này bận rộn với việc đi đây đi đó để buôn bán cho nên không thấy được tình trạng của giáo đoàn.

Một hôm đại đức Moggallana chỉ cho Bụt thấy một vùng cây cỏ xanh tươi gần nơi trung tâm tu học và thưa với Bụt:– Lạy thầy, con nghĩ là nếu cây cối xanh tốt như vậy là vì ở dưới đất có nhiều chất dinh dưỡng.

Con xin đề nghị là chúng ta lật đất lên, lấy phần đất mềm và bổ dưỡng ở dưới, hòa tan trong nước và uống lấy nước ấy cho có chất bổ dưỡng.Bụt đáp:– Không nên làm như thế, Moggallana.

Hồi tu ở núi Dangsitri, tôi cũng đã có làm như thế mà không thấy có công hiệu gì.

Với lại có bao nhiêu sinh vật đang sống bình an dưới mặt đất, không bị sức nóng và ánh sáng mặt trời làm khô chết.


Nếu ta lật đất lại thì biết bao nhiêu loài sẽ bị hy sinh, trong đó có cả các loại cây cỏ đang tốt tươi.Nghe Bụt nói thế, thầy Moggallana im lặng không dám nói nữa.Theo thường lệ thì khi đi khất thực về, các thầy chia bớt phần mình xin được vào những chiếc chậu đặt ở giữa trai đường để những vị nào không xin được có thể đến lấy, nhưng cả mươi hôm nay chẳng có hôm nào Svastika thấy được một chiếc bánh chapati hay một hạt cơm trong các chậu đó.

Lý do là nếu thầy nào xin được một ít thức ăn thì thức ăn ấy cũng không đủ cho thầy ấy sử dụng, nói gì đến chuyện chia xẻ.

Rahula có tâm sự với Svastika là khi đi khất thực về, các thầy lớn có cơ hội được cúng dường hơn là các thầy nhỏ.

Svastika cũng đồng ý như vậy.

Svastika nói với bạn:– Không hiểu tại sao độ rày vừa thọ trai xong thì một lát sau đã thấy đói.

Từ trước đến giờ có bao giờ chú thấy như thế không?Rahula công nhận Svastika nói đúng.

Chú nghĩ có lẽ thời buổi đói kém nó sinh ra như vậy.

Rahula đang vào tuổi lớn.

Ăn đủ mà nhiều đêm còn thấy đói, huống hồ bây giờ có ngày chẳng có hạt cơm hay một trái ổi để vào trong bụng.Một hôm, sau khi đi khất thực về, đại đức Ananda đi kiếmmột cái om đất, rồi bắc om lên trên một cái bếp ngoài trời.

Cái bếp được dựng bằng ba cục đá.

Đại đức nhặt các cành củi khô và loay hoay nhóm lửa.Thấy lạ, chú Svastika tới gần.

Chú nói:– Thầy để con nhúm bếp cho.Svastika nhúm bếp tài hơn thầy Ananda nhiều.

Trong chốc lát, lửa đã cháy bùng lên.

Đại đức Ananda trịnh trọng lấy bát ra.

Trong bát có một thứ gì giống như mạt cưa.

Thầy đổ tất cả vào trong chiếc om đất.

Thầy nói với Svastika:Đây là cám.

Chúng ta rang cám này cho thơm rồi đem dâng cho Bụt thay cơm trưa.Trong khi Svastika dùng hai que củi nhỏ để trộn cám trong nồi rang, đại đức Ananda kể cho chú nghe rằng có một người lái buôn ngựa từ miền Bắc xuống đem theo năm trăm con ngựa.

Hiện ông ta đang ở Vejanra.

Ông ta đã có dịp làm quen với các vị khất sĩ áo vàng, ông ta biết về tình trạng đói kém ở đây và biết rằng các vị khất sĩ cũng đang đói.Sáng hôm nay, ông gặp đại đức Ananda ở cổng chuồng ngựa.

Ông ta nhắn với đại đức là hôm nào không xin được thức ăn cúng dường, các vị có thể ghé chuồng ngựa và mỗi vị sẽ nhận lãnh vào bát một vốc cám để ăn cho đỡ đói.

Nghe nói thế, đại đức Ananda liền ngỏ ý là ông có thể cúng dường cho Bụt và cho thầy hai phần cám để ăn cho đỡ đói, bởi vì hôm nay chưa có ai đặt thức ăn vào bát thầy.

Người chủ ngựa đưa thầy vào và vốc hai vốc cám cúng dường, một vốc cho Bụt và một vốc cho thầy.

Thầy hứa sẽ báo tin mừng này cho các vị khất sĩ biết và thầy có ý định đem rang cám này lên cho thơm trước khi dâng Bụt.Cám đã thơm, thầy Ananda trút cám trở lại vào bát.

Thầy rủ Svastika đi với thầy về phía cây nimba.

Thầy dâng cám lên Bụt, Bụt hỏi thầy và Svastika có gì ăn chưa.

Svastika bạch là sáng nay chú đã xin được hai củ khoai nhỏ.

Thầy Ananda nói là thầy đã có phần cám của thầy.

Bụt bảo hai người ngồi xuống bên người.

Cả hai vâng lệnh.

Họ ngồi xuống, trang nghiêm mở nắp bình bát ra.

Svastika cầm củ khoai trên tay, quán niệm, rồi chú ngửng đầu lên, Bụt đang bốc cám trong tay và ăn ngon lành.

Chú nhìn mà muốn ứa nước mắt.Sau buổi pháp thoại chiều hôm đó, đại đức Ananda báo tin cho đại chúng biết về lời nguyện cúng dường cám của người chủ ngựa.

Thầy thêm là chỉ khi nào hoàn toàn không xin được thức ăn, các vị khất sĩ mới nên ghé tới chuồng ngựa.

Thầy nói có cả thảy năm trăm con ngựa, và số lượng cám được cúng dường sẽ được lấy bớt ra từ phần ăn của ngựa.Đêm nay có trăng, đại đức Sariputta đến thăm Bụt dưới cây nimba.

Thầy được Bụt mời ngồi trên một tọa cụ gần đấy, thầy hỏi Bụt:– Thế Tôn, đạo lý tỉnh thức mà Thế Tôn dạy thật là mầu nhiệm.

Đạo lý này chuyển đổi cả sự sống của những ai được có cơ hội nghe, hiểu và làm theo.

Thế Tôn! Làm thế nào để đạo lý này được tiếp nối sau khi người đã trăm tuổi.– Sariputta, nếu các vị khất sĩ thông hiểu kinh kệ thực hành theo những pháp môn được chỉ dẫn trong các kinh kệ đó và nhất là biết chấp hành giới luật cho nghiêm chỉnh thì đạo lý giác ngộ có thể tiếp nối nhiều trăm năm, có thể là cả ngàn năm về sau.– Thế Tôn, con thấy số lượng các huynh đệ thông thuộc kinhđiển rất đông và hầu hết đều chuyên cần ôn tụng kinh kệ.

Con nghĩ rằng nếu các thế hệ người xuất gia tiếp tục học hỏi và trì tụng đều đều như thế thì giáo huấn của Bụt có thể truyền về rất xa trong tương lai.– Nhưng truyền tụng kinh điển chưa đủ.


Cần phải thực tập theo các pháp môn chỉ bày trong kinh điển nữa, và nhất là phải nghiêm trì giới luật.

Này Sariputta, nếu các vị khất sĩ không nghiêm trì giới luật thì chánh pháp sẽ không được trường tồn.

Chánh pháp sẽ mai một rất sớm.– Vậy con xin thỉnh cầu Bụt thiết chế và ban hành giới luật để làm mẫu mực ngàn đời cho nếp sống xuất gia.– Chưa được đâu, Sariputta.

Giới luật không thể được thiết chế đầy đủ trong một ngày và từ một người.

Vào những năm đầu của giáo đoàn, chúng ta chưa có một giới luật nào hết, nhưng từ từ vì những vụng dại và lỗi lầm của các phần tử trong giáo đoàn mà một số các giới điều đã được thiết chế nên.

Số lượng các điều, như thầy biết, hiện đã lên tới trên một trăm hai mươi khoản.

Số lượng này sẽ tăng lên nữa với thời gian.

Những giới chưa thiết chế mình không thể thiết chế trước được.

Bây giờ đây chúng ta biết là các điều khoản giới luật vẫn chưa đầy đủ, và vì vậy chúng ta sẽ phải đợi một thời gian.

Khi thấy các giới điều đã đầy đủ, lúc đó chúng ta sẽ ban hành giới luật cụ túc.

Sariputta, số lượng các giới điều, theo tôi thấy sẽ lên tới ít nhất là hai trăm.Ngày tự tứ đã tới, vị thí chủ giàu có bảo trợ cho mùa an cư đã từ phương xa trở về.

Nghe nói các vị khất sĩ nhiều người bị đói trong mùa an cư, ông ta rất lấy làm hối hận.

Ông tổ chức một buổi trai tăng thật long trọng tại nhà.

Sau khi cúng dường cơm nước, ông còn cúng dường cho Bụt và các vị khất sĩ mỗi người một áo cà sa.

Sau buổi thuyết pháp, Bụt và các vị khất sĩ từ giã ông và đi về miền Nam.Con đường về miền Nam thật đẹp.

Bụt và đoàn khất sĩ đi thành từng chặng.

Ngày đi, đêm nghỉ, buổi sáng thiền tọa trước giờ khất thực.

Trưa thọ trai và nghỉ trong rừng.

Buổi chiều tiếp tục đi.

Gặp những nơi cần giáo hóa, Bụt và các vị khất sĩ ở lại nhiều hôm.

Buổi tối các thầy học hỏi và ôn tụng kinh điển trước giờ tọa thiền.

Sau thiền tọa là nghỉ ngơi.Một buổi chiều nọ, Svastika gặp trên đường đi mấy em bé chăn trâu đang lùa trâu về.

Chú dừng lại để nói chuyện.

Svastika nghĩ đến thời niên thiếu của mình.

Đột nhiên chú nhớ tới các em chú quá.

Chú nhớ thằng Rupak, chú nhớ con Bala, và nhất là chú nhớ con Bhima, em út của chú.

Niềm nhớ quặn lên trong lòng chú.

Chú không biết rõ là đã đi tu thì còn có quyền nghĩ tới gia đình của mình hay không.

Chú định một hôm nào hỏi Bụt hoặc là hỏi thầy Ananda.

Theo chú biết thì chú Rahula có nhiều lúc cũng nhớ mẹ lắm.

Chính Rahula đã tâm sự với chú như vậy.Tuy đã hai mươi tuổi, Svastika vẫn còn cảm thấy gần gũi với bọn trẻ hơn là với người lớn.

Chú ưa quấn quít bên cạnh Rahula.

Rahula cũng cảm thấy thoải mái khi gần gũi chú.

Hai người đã có dịp tâm sự.

Chú đã từng kể cho Rahula nghe về cuộc đời mình như một em bé chăn trâu.

Rahula chưa bao giờ từng được ngồi trên một con trâu.

Nghe nói con trâu hiền lắm, Rahula vẫn chưa tin được.

Chú nói với Rahula rằng con trâu là một con vật thuộc loại hiền nhất trong các loài động vật, dù hình tướng của nó to lớn có thể làm cho nít ở thành phố e ngại.

Chú nói đã nhiều lần chú nằm ngửa thoải mái trên lưng trâu trên con đường từ bên sông về nhà.


Trong khi chú nhìn trời xanh, mây trắng và đàn chim bay lượn, thì con trâu cứ chầm chậm đưa chủ về nhà; các con trâu khác đều đi theo một cách ngoan ngoãn.

Có khi nằm ngửa trên mình trâu, chú còn thổi sáo nữa.

Lưng trâu rất ấm và cũng rất êm.

Chú lại kể về những trò chơi chú từng chơi chung với bọn trẻ giữ trâu trong xóm.

Rahula nghe chú kể rất lấy làm ưa thích.Rahula đã ở trong cung điện trong suốt thời gian ấy, chú đãcó bao giờ được chơi đùa theo cách đó đâu.

Rahula từng ngỏ ý muốn được ngồi trên lưng trâu một phen.

Svastika hứa là sẽ tìm cách giúp cho Rahula toại nguyện.

Chính Svastika mà cũng còn muốn trở về ngồi trên lưng trâu, huống chi là Rahula.

Nhưng tình thế khó khăn lắm, đã làm khất sĩ mà còn muốn chơi đùa ngồi trên lưng trâu như bọn mục đồng, điều này không dễ.

Svastika tính thầm là có dịp đi hành hóa gần quê nhà, chú sẽ xin Bụt cho chú ghé về thăm các em, rồi chú cũng sẽ xin Bụt cho phép Rahula cùng đi với chú.

Rahula đã từng gặp các em của chú rồi.

Về thăm các em, chú sẽ bảo Rupak tập cho Rahula cỡi trâu trên bờ ruộng, gần dòng Neranjara.

Ở đấy vắng vẻ không có ai nhìn đến; chú cũng sẽ cởi áo khất sĩ và cũng cỡi trâu như ngày xưa.

Ít nhất là trong một buổi chiều.Mùa an cư năm tới, Bụt cư trú trên núi đá Calika.

Đây là Hạ thứ mười ba kể từ ngày Bụt thành đạo.

Năm nay thầy Meghiga được làm thị giả cho Bụt.

Một hôm thầy Meghiga thú thật với Bụt là có khi ngồi một mình trong rừng vắng, thầy thấy những tư tưởng tạp loạn và ái dục nổi dậy trong tâm.

Thầy thường nhớ Bụt dạy là vị khất sĩ phải biết sống một mình để có thì giờ và cơ hội mà thực tập thiền quán, nhưng khi ở một mình thầy lại gặp những chướng ngại khác trỗi dậy từ trong tâm.Bụt dạy thầy rằng biết sống một mình không có nghĩa là sống không có bạn đạo.

Gần gũi bạn bè mà chỉ để chuyện trò phù phiếm, điều ấy không có lợi cho sự tu tập và làm mất hết thì giờ, nhưng gần gũi bạn hữu để nâng đỡ và chỉ dẫn nhau trong việc thực tập là một điều cần thiết.

Vị khất sĩ nên sống trong một đoàn thể, để được nâng đỡ và khuyến khích, đó là ý nghĩa của những tiếng “quay về nương tựa Tăng” (Sangham saranam gacchami).Bụt dạy đại đức Meghiga:– Người khất sĩ cần hội đủ năm điều kiện.

Thứ nhất là có thiện hữu trí thức, tức là những bạn đồng tu có trí tuệ và đạo hạnh đủ để hướng dẫn mình.

Thứ hai là phải có giới luật để giúp mình an trú trong chánh niệm.

Thứ ba là phải có cơ hội học hỏi giáo pháp.

Thứ tư là phải chuyên cần.

Thứ năm phải có sự hiểu biết.

Bốn điều kiện sau cũng có liên hệ nhiều tới điều kiện thứ nhất là có thiện hữu trí thức.

Meghiga, muốn điều phục ái dục, sân hận và si mê, thầy phải thường xuyên thực tập cửu tưởng quán, từ bi quán, vô thường quán và tùy tức quán.

Bốn phép quán này có công năng đưa đến giải thoát và giác ngộ.Cửu tưởng quán là quán chiếu về quá trình tàn hoại của cơ thể, thấy được quá trình hủy diệt của một thân thể từ khi tắt thở cho đến khi xương cốt tan thành tro bụi.

Quá trình này có cả thảy là chín giai đoạn, cho nên gọi là cửu tưởng quán.

Cửu tưởng quán có thể giúp ta đối trị ái dục.Từ bi quán là quán chiếu về những nguyên nhân đã đưa tới tâm niệm giận dữ của mình, trong đó có những nguyên nhân thuộc tâm lý của mình, và những nguyên nhân xa gần đã khiến người khác nói năng và hành động thế nào để mình nổi cơn giận dữ.

Từ bi quán giúp ta đối trị sân hận.Vô thường quán là quán chiếu quá trình sinh diệt của vạn pháp; phép quán này có công năng diệt trừ si mê.

Tùy tức quán là theo dõi hơi thở và nuôi dưỡng chánh niệm; phép quán này có công năng đối trị loạn tâm.Nếu thầy thường xuyên thực tập bốn phép quán ấy, thầy sẽ đạt tới trạng thái tự do của tâm ý..


Bình Luận (0)
Comment