Rời ánh mắt khỏi tảng thạch bia cao sừng sững với hàng chữ “Đinh Tiên Hoàng chi bút”, gã thanh niên bước đến tấm thạch bia cuối cùng, cũng chính nơi lưu bút tích của người đầu tiên đến nơi này.
Ánh sáng trong thiên địa thì mờ nhạt, một màu ảm đạm, giống như tử khí âm u phát ra từ những đám mây đen khi hoàng hôn, nhưng vẫn không thể nào ngăn được đôi mắt đã quá quen với bóng tối của hắn.
Bề mặt rêu phong cổ kính, không biết đã tồn tại tự bao giờ, nhưng giữa phong ba bão táp vẫn không hề có dấu hiệu nứt vỡ.
Gã thanh niên ngẩng đầu nhìn lên, khắc ghi trên mặt đá là hai chữ Hán khổng lồ cứng cáp như cầu long, tràn ngập khí tức hỗn loạn thuở thiên địa sơ khai.
Xung quanh bỗng xuất hiện những tiếng thét gào đầy thương tâm nhưng không thể nào khiến gã thanh niên giật mình, bởi vì mỗi lần nhìn vào một tấm bia hắn đều nảy sinh những ảo giác kỳ ảo mà chân thật.
Chẳng hạn như tấm bia đề “Lý Công Uẩn”, ba chữ này khiến hắn quay cuồng trong những tiếng long ngâm, cảnh tượng rồng bay lên trời mang theo đế vương thụy khí, tiếp đó thiên địa biến sắc, vật đổi sao dời, chỉ thấy khí vận đại thế dịch chuyển khiến chúng sinh vạn vật đều khiếp sợ.
Hay dòng chữ “Đinh Tiên Hoàng chi bút” lại mang đến hình ảnh thiên địa tăm tối, khí tức hỗn loạn bao trùm chúng sinh, khắp nơi tràn ngập chém giết, các thế lực không ngừng tranh đấu. . .
Còn lúc này đây, xung quanh hắn là những âm thanh ai oán, những tiếng van xin thấu tận trời cao. Cảnh tượng một dân tộc bị biến thành nô lệ, những con người phải còng lưng gánh vác, trở thành công cụ khai thác tài nguyên cho đại quốc. Rồi những cuộc bạo động, những cuộc khởi nghĩa, đều không thể thành công, máu nhuộm đỏ cả trời xanh.
Nếu như là một người bình thường, chứng kiến cảnh tượng như vậy, e là đã khóc hết nước mắt rồi, có ai không thấy đồng cảm trước cảnh tượng những người đồng bào bị đối xử không khác gì súc sinh như vậy?
- Ngô Vương. . .
Trên tấm bia đã chỉ khắc hai chữ đơn giản nhưng lại tỏa ra sự uy nghiêm không thể làm trái!
Hắn không hề cảm thấy bất ngờ, hoàn toàn trùng với suy đoán của bản thân. Người đầu tiên đến nơi này, lưu lại bút tích trước cả Đinh Tiên Hoàng, chỉ có thể là người được coi là vua của các vị vua – Ngô Vương Ngô Quyền.
Ngô Vương được xưng tụng là vị “Tổ trung hưng” của Đại Việt, là người đã kết thúc nghìn năm Bắc thuộc tủi nhục và mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại phong kiến rực rỡ cho Đại Việt.
Theo những gì được ghi lại, Ngô Vương sau khi đánh đuổi quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử thì xưng vương, bước lên ngôi cửu ngũ. Nhưng khi sự nghiệp đang rực rỡ nhất thì ngài bất ngờ bị ám sát, dẫn đến thiên hạ quần long vô thủ, hình thành nên một thời kỳ hỗn loạn nhất lịch sử, mà người thống nhất cục diện đó chính là chủ nhân của dòng chữ "Đinh Tiên Hoàng chi bút" trên tảng thạch bia kế bên.
Vậy tại sao Ngô Vương còn có thể xuất hiện ở nơi này?
Phải biết rằng danh xưng Ngô Vương không phải bừa bãi, sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền mới chính thức xưng vương. Từ khi danh xưng Ngô Vương xuất hiện đến khi qua đời, chỉ có ba năm mà thôi, mà một quốc gia mới thành lập sau một nghìn năm bị đô hộ, có biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết, hắn không tin trong quãng thời gian ngắn ngủi đó Ngô Vương có thể đi đến nơi này rồi trở về.
Hơn nữa, hắn có một cảm giác mơ hồ nhưng rất đáng sợ, đến nơi này e là không thể trờ về được nữa.
Lẽ nào lịch sử cũng có thể sai sót? Sự thật là Ngô Vương không hề bị ám sát mà cũng rơi vào hoàn cảnh như hắn, không biết trời xui đất khiến thế nào mà đến được nơi này? Hay thậm chí. . .Ngô Vương chủ động rời bỏ vương vị để tới đây.
- Khoan đã, nói đến ám sát thì. . . hình như Đinh Tiên Hoàng. . . cũng bị ám sát thì phải!
Là một một người yêu lịch sử, hắn đương nhiên biết rất rõ về cuộc đời Đinh Tiên Hoàng.
Giết Đỗ Cảnh Thạc, đánh hạ ba huynh đệ Nguyễn Siêu, nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, chém đôi huynh đệ Kiều Thuận, Kiều Công Hãn, trảm Lý Khuê, Lã Đường, có thể nói hoàn toàn là giẫm lên đống xương của 12 sứ quân mà bước lên ngôi Cửu ngũ.
Chỉ có điều, ngồi trên bảo tọa được hơn một thập niên, Đinh Tiên Hoàng bất ngờ bị một viên quan ám sát, khiến cho nhà Đinh rơi vào rối ren, cuối cùng quyền lực rơi vào tay người phụ nữ gây tranh cãi nhất lịch sử - thái hậu Dương Vân Nga. Đương nhiên, chủ mưu thực sự là ai thì đã hoàn toàn bị lịch sử chôn vùi, nhưng hầu như mọi người đều tin rằng, cái chết của Tiên Hoàng có liên quan rất lớn đến cặp tình nhân Lê Hoàn - Dương Vân Nga.
- Nếu nói về kết cục, thì mỗi vị lưu tên ở nơi này, trừ Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, dường như đều có một quãng thời gian cuối đời đầy mơ hồ!
Gã thanh niên quét ánh mắt lần lượt nhìn từng tảng thạch bia, miệng vô thức lẩm bẩm kết cục lịch sử của từng cái tên trên đó.
- Hưng Đạo Vương sau khi mất không ai biết được vị trí chôn cất. . .
- Phật Hoàng thì cuối đời lại quy ẩn nơi Trúc Lâm Thiền Viện, sau khi viên tịch thì hóa thành xá lợi. . .
- Thái Tổ Lê Lợi chỉ tại vị được năm năm thì cũng đột ngột qua đời. . .
- Nguyễn Trãi vướng oan án Lệ Chi Viên, tru di tam tộc. . .
- Hoàng Đế Quang Trung đang lúc danh chấn thiên hạ uy hiếp phương Bắc thì bất ngờ bị hạ độc. . .
Những vị anh hùng dân tộc này, không ai là không hùng tài đại lược, uy hiếp tứ phương, anh hùng cổ kim đều phải kính nể, làm sao có thể dễ dàng bị ám sát, càng không thể chết bất đắc kỳ tử hay bạo bệnh, thế nhưng lịch sử lại có thể sai sao? Hay là những ghi chép lịch sử đó đều là do người ở lại tự nghĩ ra để an thiên hạ, dối hậu nhân?
Nếu thực sự những Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung Hoàng Đế. . .không hề bị ám sát hay chết do bạo bệnh, vậy tại sao lại đột ngột biến mất trong dòng lịch sử? Lẽ nào nơi này có thứ so với ngôi cửu ngũ còn hấp dẫn hơn?
Trong đầu gã thanh niên bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng lưu truyền cả trăm năm nay:
"Ngô Vương mở ra đại kỷ nguyên; Đinh Tiên Hoàng nhất thống thiên hạ; Lý Thái Tổ anh minh thần võ; Lý Thường Kiệt anh hùng cái thế; Hưng Đạo Vương binh pháp vô địch; Trần Nhân Tông phật quang phổ chiếu; Thái Tổ Lê Lợi hùng tài đại lược; Nguyễn Ức Trai tài hoa quán tuyệt; Quang Trung Hoàng Đế chấn nhiếp bát phương. . ."
Những nhân vật nổi tiếng bậc nhất lịch sử, công tích bao trùm cổ kim, ngàn đời sau vẫn còn lưu truyền trong miệng người đời, vậy mà đều đã đến nơi này và lưu lại bút tích.
Rốt cuộc tòa tế đàn ở trong lòng Tổ Sơn do ai xây dựng, và đích đến của nó là một nơi như thế nào?
Cơn gió nhẹ thổi qua khiến những lọn tóc ngắn phất phơ như râu ngô, càng làm tôn thên gương mặt đang đăm chiêu suy nghĩ. Dù sao thì hắn cũng là đại mỹ nam nức tiếng thế giới ngầm, khiến cảnh tượng lúc này thật xuất trần.
Lịch sử không hề khô khan, mà luôn luôn tồn tại những câu đố không lời giải, đó chính là thứ hấp dẫn nhân loại lào vào công cuộc khai quật những dấu tích cổ đại. Một khi đã dính vào, thì khó lòng mà dứt ra. Trước mặt gã thanh niên, có lẽ là một câu đố lớn nhất trong dòng lịch sử, mà hắn thực sự muốn kiếm tìm lời giải.
Một tòa tế đàn cất giấu trong lòng tỏa Tổ Sơn-nơi được coi là trung tâm đất trời thời đại Hồng Bàng, với mười tám cỗ quan tài trấn giữ xung quanh, tồn tại không biết bao nhiêu năm tháng. Nằm trong những cỗ quan tài là thi thể của ai? Lẽ nào là mười tám vị vua Hùng? Hay thậm chí là những sinh vật ở thời đại càng cổ xưa hơn?
Còn nơi này, không thấy đồ hình, cũng không có đồng quan, chỉ là một tòa tế đàn nhỏ cùng với mười tám tấm bia đá khổng lồ, thế nhưng lại mang đến cho hắn cảm giác vô cùng nguyên thủy. Kinh hãi hơn, trên mỗi tầm bia đá lại có bút tích của những nhân vật hiển nhiên đã tọa họa trong dòng lịch sử dài dằng dặc.
Gã thanh niên xoay người nhìn về phía xa xôi, trời đất bao la tăm tối như chốn cửu u hoàng tuyền, trong đầu bỗng nhiên nghĩ đến một khả năng, một khả năng có lẽ là hợp lý nhất nhưng một người sống sờ sờ như hắn vô pháp nghĩ đến: đây là đường xuống suối vàng.
Bất quá ý nghĩ này bị phủ định ngay lập tức, hắn không nghĩ rằng mình đã chết. Có điều nơi này âm u hắc ám như vậy, e rằng cũng không phải là nơi tốt đẹp gì.
Trực giác bao năm của một kẻ từng vào sống ra chết tồn tại giữa lằn ranh sinh tử cảnh báo rằng, bước ra khỏi tòa tế đàn này, hiểm nguy sẽ lập tức ùa đến, thậm chí có thể bỏ mạng. Thế nhưng nếu cứ đợi ở đây trong vô vọng, hắn cuối cùng cũng chết vì đói khát.
Hơn nữa, hắn muốn biết nơi này rốt cuộc có gì mà khiến những vị danh nhân uy chấn vạn cổ phải bỏ công tìm đến.
Bước qua tấm bia đá, gã thanh niên rời khỏi khu vực tế đàn khổng lồ này, tìm kiếm chút dấu tích của bậc tiền nhân, trong đầu vẫn văng vẳng câu nói lưu truyền trăm năm qua.
Ngô Vương khai sáng đại kỷ nguyên. . .