Duyên Trời Định

Chương 10

“Nhậm Vạn Ngân, ngài có thể gọi mấy a hoàn giúp đại sư giặt áo cà sa không?”

“Không được, đại sư đã giao phó rồi, chuyện này chỉ có thể để nàng làm, nếu để người khác giúp sẽ có họa máu chảy.”

“…”

Đúng như Ngộ Sắc đã nói – Lời của ta nàng cũng tin?

Y nói phét như sáo, còn hơn cả bói toán dự báo của vị chưởng môn Mao Sơn, nhưng vẫn khiến người ta phải tin tưởng một cách mù quáng. Thậm chí nàng chẳng cần hỏi nguyên do, cùng y chạy khắp nơi, giờ đến mức phải giặt áo cho y. Y cũng thật đúng là được voi đòi tiên, như được thể, cho người đi lấy lại hết các áo cà sa trước đã mang cho tiệm giặt về đưa hết cho nàng.

Máu chảy cái con khỉ! Làm gì có nhiều máu thế? Khiến nàng đang thời kỳ “mỗi tháng chỉ có vài ngày” phải ngâm nước lạnh giặt áo cà sa, dù không có họa máu chảy thì nàng đây cũng đang chảy máu rồi!

Hình Hoan cũng muốn mặc kệ sự uy hiếp của y, tự bỏ về Quần Anh lầu. Dù Triệu Vĩnh An thỉnh thoảng có vụng trộm, có đối xử lạnh nhạt với nàng thì ở đó nàng vẫn được ăn ngon ngủ yên.

Nhưng nàng không thể đi, còn rất nhiều việc nàng chưa làm được, không được buông xuôi dễ dàng thế.

“Tên hòa thượng đáng ghét này! Đi lang thang giang hồ làm gì phải thay nhiều áo cà sa đến thế?” Nghĩ thầm trong bụng, nàng đành cam chịu nhấc lưng lên, nhìn đôi tay ngâm trong nước lâu nhăn nhúm hết lại, lại nhìn những chiếc áo cà sa đang bay trong gió phơi giữa sân, nàng bất giác cất tiếng kêu than ai oán.

Từ sau bữa tối nàng bắt đầu mải miết giặt, áo cà sa đã phơi khắp sân, thế mà vẫn còn nửa thùng nữa.

“Để duy trì hình tượng của mình, cứ khi nào rảnh là phải đi đó đi đây, lại thường xuất hiện trên xà ngang nhà, trên cây, trên nóc nhà… nếu không thay trang phục, liệu còn mặt mũi gặp ai nữa không? Nàng tưởng hình tượng một hòa thượng lẫm liệt thế này dễ có lắm sao?” Giọng nói quen thuộc cùng tiếng guốc gỗ từ đằng sau vọng tới.

Hình Hoan đưa mắt ra sau, nhìn vào đôi guốc gỗ tạo ra tiếng động làm phiền người khác. Không còn tất sạch, y đi chân đất xỏ lên đôi guốc gỗ lượn khắp nơi. Người đàn ông này lúc nào cũng có một chút gì đó ngang tàng, nhưng chính kiểu cách ấy khiến nàng dù không muốn nhưng vẫn không thể không nhủ thầm – Ngươi dù có không mặc gì thì vẫn vô cùng phong độ.

“Ngươi đến thật đúng lúc, ta muốn phản kháng, ta không giặt nữa!” Đáng tiếc là câu nói cuối cùng rít ra khóe miệng lại trở thành tiếng kêu uất ức. Nàng đứng phắt dậy, hai tay ướt sũng lau lên người vài cái, giận dỗi bước nhanh bỏ đi, lúc giáp mặt cũng không quên lườm y một cái.

Y mỉm cười, đưa tay tóm lấy khuỷu tay nàng.

“Bỏ tay ra, ta đang tức đây!” Nàng nghiêm túc thể hiện tâm trạng của mình, định dùng hết sức cạy tay Ngộ Sắc ra, nhưng y vẫn không động đậy, vẫn mỉm cười đê tiện như thế.

“Chỉ là đùa thôi mà, vui vẻ một chút chứ, ngoan, cầm lấy.”

Ngoài giọng ấm áp của y còn một cái gì đó ấm ấm. Nàng hồ nghi cúi mặt nhìn thứ y nhét vào tay mình. Đó là một lò sưởi ấm nhỏ, trông rất độc đáo, giống… củ mã thầy, vỏ ngoài là những đường điêu khắc tinh tế, hoa văn rất đáng kinh ngạc, nàng nhìn mà không biết là gì, chỉ to bằng lòng bàn tay, vừa đủ để sưởi ấm tay, đường cong cũng rất phù hợp cầm nắm.

Hình Hoan xoay qua xoay lại nhìn ngắm, rất thích sự ấm áp của nó. Nàng nghiêng mắt nhìn y “Tặng ta sao?”

“Căn bản ngoài nàng ra mùa hè không ai cần đến thứ này.” Y tiến lên vào bước, kéo nàng ngồi xuống một bậc thềm.

“Lấy ở đâu ra vậy?” Hình Hoan thích thú ngắm một hồi, định cảm ơn y, nhưng kinh nghiệm nói cho nàng biết, trước khi cảm ơn cần làm rõ thứ đồ đó từ đâu ra, để khỏi bị phiền vì chiêu của y, có khi không biết thế nào lại thành đồng phạm với y.

Sự thật thì những gì Hình Hoan lo lắng không phải là thừa. Y hơi ngửa người về đằng sau, hai tay chống lên bậc thang, trả lời như không: “Trộm từ nhà kho của Nhậm Vạn Ngân, ở đó có rất nhiều bảo bối, khi nào rảnh sẽ đưa nàng đến đó xem!”

Đáng lý nàng cần nghiêm túc nói rằng y làm như vậy là không được, nhưng hai từ “nhà kho” khiến nàng rất chú ý. Một lúc sau, nàng cố để như không có chuyện gì hỏi “Của người phúc ta, coi như ngươi có chút lương tâm. Vậy khi nào chúng ta có thể đột nhập vào nhà kho của hắn thì thông báo trước để ta còn chuẩn bị.”

“Chuẩn bị cái gì?” Thứ dự cảm không lành trào dâng khiến y bắt đầu cảm thấy hối hận vì mình đã nhiều lời.

“Chuẩn bị một cái túi to, nếu không mang vác nhiều sẽ không tiện.”

“Hoan Hoan muội muội…” Y nhắm mắt, gọi kéo dài tên nàng, “Đàn bà phải ngoan ngoãn để đàn ông nuôi, an phận một chút, đừng có nghĩ đến chuyện ăn cắp ăn trộm, không đến lúc xã hội yên hòa cũng không cứu nổi nàng.”

Nàng lườm ngang y một cái, bắt chước tư thế ngồi của y, vừa hay trước mắt là bầu trời đầy sao và vầng trăng khuyết, thêm vào đó tay vẫn đang cầm lò sưởi, tâm trạng thoải mái hơn, nói cũng nhiều hơn, “Ngươi thì biết gì, ta đã bị ép nhận bao nhiêu là thư từ hôn rồi, ai biết được giới hạn chịu đựng của tướng công đạt đến mức nào? Nếu như một ngày nào đó chàng định cưới người con gái đó thì ta biết làm sao? Về quê chăn dê tiếp sao? Vậy tất cả những gì ta bỏ ra suốt hai năm còn coi là gì chứ? Ta không thể đợi để bị trả về nguyên như cũ, mẫu thân vẫn thường nói, phụ nữ phải biết suy nghĩ cho riêng mình một chút.”

“Tướng công của nàng biết điều đó không?”

“Biết cái gì cơ?” Hình Hoan không hiểu quay lại hỏi.

“Biết nàng vẫn đang tìm cách để giải thoát cho mình?”

Nàng lắc đầu, bộ dạng có vẻ rất căng thẳng, “Tất nhiên là không được để cho chàng biết, tướng công nào lại thích nương tử nhà mình lúc nào cũng nghĩ đến việc sau khi rời bỏ mình sẽ sống thế nào…”

“Không biết chừng tướng công nàng lại thích vậy, chả phải anh ta thích người tương phản hoàn toàn với nàng sao? Chả phải là người con gái có chí hướng cao xa, không thích dựa dẫm vào đàn ông sao? Tốt nhất là mặc kệ tình yêu của anh ta, về bản chất, tướng công của nàng còn tồi hơn nàng.” Y ngắt lời nàng, nói.

Lời nói đúng phóc với hiện thực khiến Hình Hoan kinh hoàng “Sao ngươi biết?”

“Vì ta là bần tăng đắc đạo, không chuyện gì không biết!”

“Vậy… bần tăng đắc đạo có biết ta phải làm thế nào để chàng quên đi người con gái đó, ý thức được rằng mình là người đã có gia đình?” Sự thực đã chứng minh, nàng lại một lần nữa mù quáng tin lời của y.

“Bần tăng đắc đạo không quan tâm đến những chuyện của nữ nhi thường tình.” Với tư cách là bạn bè, đáng lẽ y nên khuyên răn nàng nhiều hơn để nàng biết sở thích, tâm tư của người đàn ông thực sự, để nàng đi chinh phục tướng công của mình, đảm bảo cho cuộc hôn nhân này đến bách niên giai lão, ngày càng nồng thắm…

Nhưng giây phút đó y chẳng muốn nói gì, thấy nàng mong mà không được, y lại cảm thấy vui vẻ vô cùng.

“Vậy ngươi quan tâm đến điều gì? Đến vị hôn thê sắp cưới đã mất của ngươi sao?” Giả bộ giả tịch, chuyện nữ nhi thường tình của y chưa bao giờ ngớt, làm gì có tư cách tỏ ra như đã tiệt diệt được cả sáu căn nguyên tội ác [1].

[1] Phật pháp chỉ ra sáu nguồn gốc của tội ác là: mắt, tai, lưỡi, mũi, thân, dục vọng.

“Nhiều quá, quan tâm không xuể.” Y thản nhiên trả lời, mắt trầm tư suy nghĩ, “Bần tăng lo cho nước cho dân, chỉ quan tâm đến nhân sinh chốn giang hồ thôi.”

“Vậy sao người còn hứng ở đây lừa gạt người ta?”

“Lừa để quyên góp.”

“Hừm?” Câu này có ý gì?

“Nhậm công tử là kẻ giàu có, khiến hắn chi ra chút bạc cứu tế cho nam nữ trong chốn giang hồ, cũng coi như bần tăng lấy của giàu chia cho người nghèo.”

“Ý ngươi là gì? Chiều nay ngươi đã nói gì với Nhậm công tử?” Sau khi xâu chuỗi các vấn đề với nhau, cuối cùng Hình Hoan quan sát thấy Ngộ Sắc nhiền lần đưa nàng ra vào phủ của Nhậm Vạn Ngân dường như không đơn giản chỉ là lừa chút cơm gạo cho qua chuyện.

“Nàng muốn biết không?” Y quay sang phía nàng, đẩy người lên, nhìn nàng chớp chớp mắt, “Nàng thừa nhận ta đẹp trai hơn Nhậm Vạn Ngân thì ta sẽ nói cho nàng biết.”

Ánh mắt mê hoặc khiến người ta xao xuyến, nàng bối rối trong giây lát, đầu óc trống rỗng chẳng nghĩ được gì. Im lặng một lúc lâu, nhờ gió đêm lạnh tạt vào mặt, nàng mới tỉnh lại, ngượng ngùng giấu đi sự xấu hổ, nàng cố húng hắng vài tiếng, “… Ừm, ừm, ngươi đẹp trai, ngươi đẹp trai nhất!”

“Nàng không nói ta cũng tự biết. Đừng có yêu bần tăng, bị nhiều con gái yêu quá rồi, bần tăng cũng rất phiền.” Lời khen của nàng không hề thật lòng, y thấy rõ sự miễn cưỡng trong câu nói, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến y mãn nguyện. Chỉ vài chữ đơn giản mà hơn tất thẩy những lời tỏ tình quyến luyến trước kia y từng được nghe. Phải chăng đọc kinh quá nhiều nên ngày càng dễ tự hài lòng?

Ngộ Sắc ngượng ngùng quay mặt đi, thấy nàng xấu hổ mà còn cố ý nói tức, y mỉm cười tinh quái, che giấu thứ tâm trạng không thể hiểu nổi, cho nàng biết đáp án nàng cần “Bần tăng chỉ nói với hắn rằng, vận chuyển hàng hóa gần đây không được đi đường núi, nếu không sẽ phá sản.”

“Sắp tới hắn sẽ có hàng cần vận chuyển sao?”

“Ừm.”

“Vậy hắn còn dám vận chuyển không?”

“Có.”

“Tại sao?”

Vì Nhậm Vạn Ngân tham lam tiền bạc, không thấy quan tài thì còn chưa chịu nhỏ lệ. Trên thực tế, chuyến hàng đó phải đến Dư Châu, cũng chỉ có một con đường qua núi mới đi được. Rõ ràng là y cố ý muốn trêu nàng, “Vì bần tăng quan sát thiên tượng ban đêm, nạn này hắn khó tránh. Ta dám phán nhưng ta quyết không chịu trách nhiệm.”

“… Ngươi rảnh rỗi lắm sao, ngày nào cũng ngắm thiên tượng ban đêm?” Nàng không giống như Nhậm Vạn Ngân, nghe thấy từ “phá sản” là coi lời của y như thánh chỉ.

“Chẳng phải lúc này chúng ta cũng đang ngắm sao?”

“Vậy ngoài chuyện của Nhậm Vạn Ngân ra ngươi có còn nhìn ra chuyện gì khác không? Ví dụ như sao nhân duyên của ta chẳng hạn?”

“Có, đang lên kia kìa.”

“Thật vậy sao?”

“Muốn nghe chi tiết? Vậy nàng hãy thừa nhận ta đẹp trai hơn tướng công của nàng.”

“…” Cao tăng đắc đạo! Ngươi còn vô vị đến mức nào nữa! Đã là người xuất gia rồi mà vẫn còn thích được khen ngợi và so sánh đến thế.

“Hắt xì!”

Cùng với lúc đó, một tiếng hắt xì vang lên từ trong miệng nhị thiếu gia của Triệu gia trang.

Chàng dụi dụi mũi, chắc chắn có kẻ đang nói xấu sau lưng mình, kẻ to gan đó không thể là nương tử đang tự sám hối nhà chàng. Nàng chỉ biết hầu hạ chàng như một vị thần, dù cho nàng mười cái gan nàng cũng không dám hoài nghi bất cứ quyết định nào của chàng.

Bởi vậy, Triệu Vĩnh An nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ nghĩ có một khả năng. Chàng nheo mắt nhìn chằm chằm tên nô gia đang đứng trước mắt, “Ngươi đang chửi thầm ta hả?”

“Nhị thiếu gia, nô tài, nô tài… làm sao nô tài phải chửi thiếu gia chứ?” Nô tài bị hỏi oan vô cớ.

Cũng phải, không có động cơ gây án. Vĩnh An như hiểu ra vấn đề, gật gật đầu, quyết định tạm thời không truy cứu chuyện này, “Những nhân sĩ giang hồ dạo này không còn xì xào gì nữa chứ?”

“Bẩm thiếu gia…”

“Không cần phải chuyện gì cũng bắt đầu bằng từ “Bẩm”! Bỗng chàng cắt ngang lời bẩm báo. Đã không bắt chước được kiểu nói nơm nớp lo sợ của nàng sao dám học đòi nói bắt chước nàng. Chàng không cần chuyện gì cũng nghe báo cáo, không nên để người trong phủ này học theo nàng, tà khí không chính thống đó cần phải chỉnh sửa ngay.

“Vậy, nhị thiếu gia, nhân sĩ giang hồ lâu rồi không đến phủ ta. Theo như nô tài nghe ngóng được thì hàng ngày trưa họ mới ngủ dậy, đi ăn trưa cùng nhau, đi chợ đổi vàng bạc, sau đó đi uống trà, xem kịch, thỉnh thoảng lại tụ tập đánh nhau. Ăn tối xong, tranh thủ trời tối đi ra ruộng ăn trộm dưa hấu, rồi lại đi ăn đêm, về ngủ.”

“Không còn chuyện gì hay ho hơn sao?” Chàng không cần phải quan tâm đến cuộc sống của những con người đó.

“Ồ, có, hôm nay họ dậy rất sớm, hoạt động cũng có chút thay đổi. Thần y còn mang hòm cứu thương đi mua rất nhiều lương khô. Nhị thiếu gia, hay là họ định kết thúc đại hội đại biểu võ lâm, ai về nhà nấy?”

“Vậy cứ để họ đi. Đến lúc đó bảo người đến đó đòi tiền, ta không tin là không đòi được!” Bạc của nhà họ Triệu không dễ bị ăn không như thế.

“Vâng…”

“Đợi một lát!” Sau khi nghe lệnh, nô gia định đi thì bị nhị thiếu gia gọi lại. Triệu Vĩnh An ác khẩu hỏi: “Đồ con lợn dạo này có động tĩnh gì không?”

Đồ con lợn? Cách xưng hô này khiến nô gia suy ngẫm một lúc lâu, bỗng mắt sáng lên, có đáp án rồi. “Thiếu gia muốn hỏi Hình Hoan sao? Phu nhân đang sám hối ở Quần Anh lầu, nếu không có chuyện gì cũng chẳng ra khỏi cửa. Chứ không như người khác, đóng cửa sám hối còn gào thét ầm ĩ, không khéo còn mang thiếu gia đi trình quan…”

Chàng liếc mắt lườm tên nô gia đang thao thao bất tuyệt.

Chàng biết rõ ai là người động tý là bắt người đi giải quan. Vĩnh An tin chắc rằng thế mới là con gái, biết giận dỗi, thích quấn lấy chàng kể chuyện này chuyện kia, thỉnh thoảng để đạt được mục đích nũng nịu vòi vĩnh, và cũng không gửi gắm chí lớn của mình cho đàn ông.

Thế mà người ấy nhà chàng thì lại ngược lại hoàn toàn. Bị chàng vô tình mặc kệ ở Quần Anh lầu bấy lâu mà nàng vẫn coi như không có chuyện gì, không hề ca thán ngồi gặm đống lương khô kia. Chuyện bên ngoài chẳng bao giờ thấy nàng hỏi han, cho chàng toàn quyền lo liệu, nàng cũng không hiểu những lo lắng của chàng, chỉ biết rót trà đun nước, hỏi nóng hỏi lạnh, ngoan ngoãn dính lấy chàng như cây tầm gửi.

Đó là cái hố ngăn cách mà mệnh lệnh phụ mẫu đã tạo ra, chàng không đủ kiên nhẫn để vượt qua.

“…” Hai năm rồi, sự nhẫn nại của chàng gần như là con số không, nhưng khi Vĩnh An định thần lại, nhìn tòa kiến trúc trước mắt, chàng lặng người đi lúc lâu. Không muốn vượt qua hố ngăn cách đó nhưng chẳng hiểu thế nào giờ chàng đã đi đến Quần Anh lầu, dừng lại trước cửa phòng nàng.

Im lặng một lúc, chàng ngượng ngùng quay lại định đi về.

“Ơ, nhị thiếu gia, thiếu gia đến thăm Hình Hoan cô nương sao?” Bỗng từ đâu xuất hiện một a hoàn, đây là a hoàn từ nơi chàng ở được chàng cử đến để hầu hạ thiếu phu nhân. Ả a hoàn nghĩ rằng mình rất hiểu tình cảnh nên chặn đường chàng hỏi thăm.

Bị kẹp trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, chàng định cáu kỉnh phủ nhận. Nhưng nghĩ lại, tại sao không được đến thăm nàng? Trong gia đình, là một người đàn ông chàng cần phải có trách nhiệm, khi rảnh rỗi phải đến thăm tình hình của vợ cũ, đó là chuyện hoàn toàn hợp tình hợp lý; đối với bên ngoài, chủ nhân quan tâm người hầu là điều nên làm.

Nghĩ rồi, chàng ngẩng đầu, không ngại ngùng thừa nhận: “Ừm, có chìa khóa không? Mở cửa!”

“Ồ ồ, vâng, chắc là Hình Hoan cũng mong thiếu gia đến thăm lắm, ngóng thiếu gia mãi, chắc phu nhân sẽ vui lắm đây. Thường ngày phu nhân cứ nhắc đến thiếu gia suốt, nhưng lại lo làm phiền thiếu gia…” A hoàn cứ thao thao bất tuyệt, hứng khởi lấy chìa khóa trong túi ra, toan định mở cửa chợt dừng phắt lại, kinh ngạc thì thầm “Sao cửa không khóa? Mấy hôm trước rõ ràng nô tì đã khóa rồi mà.”

Nghe vậy, Vĩnh An thất sắc, bắt đầu nhận ra trong phòng yên tĩnh lạ thường.

Chàng đẩy nô tì sang một bên, nhanh như cắt đẩy cánh cửa ra, cửa kêu kẽo kẹt.

Cảnh tượng trước mắt khiến Vĩnh An đờ đẫn hồi lâu.

Phòng không người ở được quét dọn khá sạch sẽ, trên đầu giường vẫn còn chiếc áo bông hoa được gấp gọn gàng; trên bàn trang điểm không có hộp đồ nữ trang người phụ nữ trong nhà cần có, phủ một lớp bụi mờ; cửa sổ đóng chặt có khóa. Trên bàn, lộn xộn một đống bánh màn thầu đã mọc nấm mốc xanh nhạt, cùng với chiếc áo cà sa gói lương khô, cả hai đều trông khó coi.

Nàng đã đi bao lâu? Đi đâu?

Một dự cảm không lành quanh quẩn trong đầu chàng, Vĩnh An tóm lấy a hoàn đang sợ hãi định tẩu thoát, “Thư từ hôn của nàng để ở đâu?”

“Tủ, tủ quần áo…” A hoàn run rẩy đưa tay chỉ về phía cái tủ. Ả a hoàn nhìn lén nét mặt của nhị thiếu gia, sợ giây tiếp theo chàng sẽ giáng tội vì ả ta không trông coi tốt.

Nhưng thực tế, Vĩnh An không còn tâm trí để lo chuyện chuốc giận lên đầu ai đó. Chàng chỉ lo vén áo bước vào trong phòng, muốn lập tức mở tủ quần áo ra, nhìn rõ những lá thư từ hôn có còn yên vị tại đó. Nhưng vừa mới bước vào, động tác chàng cứng đơ lại, dưới chân có cảm giác lạ khiến chàng cúi xuống, di chân sang một bên.

“Đây là cái gì?” Chàng cúi xuống nhặt thứ mình vừa giẫm chân lên, lật qua lật lại xem xét.

“Cái gậy làm bằng gỗ.” A hoàn đứng bên cạnh trả lời.

“Ta biết!” Chàng không phải thằng ngốc, biết chất liệu, hình dạng của nó là gì! Chàng không cần một đáp án hời hợt như vậy. “Ý ta cái này dùng để làm gì?”

“… Có lẽ là trâm cài đầu.” A hoàn rụt rè đưa ra câu trả lời không chắc chắn. A hoàn cũng không phải là bách khoa toàn thư, đến chủ nhân còn không biết làm sao có thể hy vọng là ả biết.

“Của phu nhân sao?” Vĩnh An cố nhớ xem nàng có dùng thứ trâm đó không, nhưng chợt chàng nhận ra từ trước đến giờ chàng chưa hề quan tâm đến điều đó. Nàng đeo khuyên tai thế nào, chàng không biết; Nàng dùng đồ trang sức cài tóc ra sao, chàng không quan tâm; Thứ duy nhất chàng nhớ là mái tóc rối bù, chiếc áo bông hoa màu sắc lòe loẹt cũ kỹ của nàng.

“Chắc là không, nhị thiếu phu nhân thích dùng dây buộc màu bạc.”

“Vậy là của gian phu!” Chàng kết luận.

Với thẩm mỹ tồi tệ của nàng, giống như thích những chiếc áo bông quê mùa, đàn ông mà nàng chọn cũng tồi tệ như nàng! Chỉ những gian phu hoàn toàn không biết đâu vào đâu mới dùng loại trâm cài đầu xấu thế này, vừa thô vừa xấu xí, lấy cái này đi quấn tóc, thì thà rằng đem đi cán bột làm vỏ bánh sủi cảo còn hơn!

Có thể thấy thẩm mỹ của gian phu cũng rất có vấn đề. Áo bông quê mùa phối với trâm cài xấu xí, tốt, rất hợp, không còn chuyện gì của chàng ở đây nữa rồi, phải không?
Bình Luận (0)
Comment