Ế Quá Rồi, Mau Lấy Chồng Thôi!

Chương 22



- Thế mộng tưởng của cô ở thời điểm hiện tại là gì?
- Là em không giải tán anh xã nữa á.
- Nhưng mộng tưởng của cô ở thời điểm hiện tại không đại diện cho suy nghĩ của cô ở trong tương lai nên sau này cô chán thì cô lại đòi giải tán, phải không?
- Không đâu anh xã ạ.

Em xin tuyên bố dứt điểm là từ giờ cho tới lúc đầu em bạc, răng em long, em sẽ không bao giờ đòi giải tán anh xã nữa.
- Những tuyên bố của cô chỉ mang tính chất thời vụ thôi thì tính chuyện xa vời làm gì?
Anh Kiệt hỏi xoáy.

Chị Khuê bị chính phát ngôn của mình làm khó.

Chị đành bảo:
- Thì là thế, nhưng mà em đòi giải tán thì kệ em chứ, một mình em đâu thể quyết định được chuyện uyên ương đôi lứa, phải có ý kiến của anh xã nữa á.
- Ý kiến của tôi là đồng ý với yêu cầu của cô.
- Thì đó là ý kiến ban nãy, sau này anh xã nghĩ lại, anh xã thay đổi quyết định cũng được mà.
- Xin lỗi cô.

Tôi họ Võ, không phải họ Lươn.
- Vợ chồng với nhau mà sao anh xã cứ xỉa xói em hoài thế? Tội nghiệp em, đã đói thì chớ lại còn bị chồng ghét.
- Sao mà đói?
- Anh xã thử nghĩ coi một người con gái mà cả ngày hôm qua lẫn ngày hôm nay đều chưa tống cái gì vào miệng thì có đói được không ạ?
- Ghê! Một người con gái ở bên nhân tình ngần ấy thời gian mà chưa tống được cái gì vào miệng thì chắc hẳn phải mải mê làm cái chuyện điên cuồng gì đó nên mới quên trời, quên đất, quên mất cả ăn, nhờ?
- Anh xã tò mò lắm hả?
- Tôi thèm vào mà tò mò.
- Thật không? Hay lại kiểu bên ngoài nói cứng nhưng bên trong muốn biết sự tình chớt đi được?
- Tôi đã nói tôi không mang họ Lươn mà.
- Vâng.

Ông anh họ Võ khi nào muốn biết rõ tình tiết của câu chuyện thì van nài em nhé, không chừng em mủi lòng em lại tiết lộ hết ngọn ngành cho anh xã ý chứ.
- Đi ngoại tình về còn vênh váo như cô thì…
- Thì “nàm thao”?
- Thì quả thật từ thuở bé tới giờ tôi chưa từng gặp cái trường hợp nào nó lại oai oách như cái trường hợp này.
- Vậy bây giờ ông anh được gặp em rồi thì có thấy đầu óc mở mang ra chút nào không?
- Có, mở mang ra nhiều.
- Vâng.

Lấy được con vợ oai cũng sướng ra phết ý anh xã nhờ! Kiểu thi thoảng nhỡ mình có hèn thì mình chỉ cần mượn oai của vợ mình để vênh với thiên hạ.
- Thôi khỏi.

Oai của cô, cô giữ lấy mà xài, tôi hèn quen rồi, không cần mượn miếc gì cả.
Chị Khuê bĩu môi.


Không mượn thì thôi, làm gì mà căng? Nom cái mặt anh lạnh lùng phát ghét à.

Chị tiu nghỉu nằm ôm chăn, mắt nhìn bâng quơ.

Anh Kiệt thấy chị không tranh luận thì lại sốt ruột.

Anh hỏi:
- Sao thế? Đói quá không còn sức cãi chồng nữa à?
Chị Khuê phụng phịu gật đầu.

Anh Kiệt thở dài đi ra khỏi phòng.

Chị buồn chán tìm điện thoại gọi cho mẹ Được.

Mẹ vừa bắt máy, chị đã cuống quít nói:
- Chị Được! Chị đừng tin dân làng đồn đại linh tinh, em bị thằng chó Minh hại chứ em không hề lăn lộn trên bờ sông với nó.

Em ấm ức lắm đấy! Chị phải thương em!
Bà Được cáu gắt quát con gái:
- Chị em cái gì? Đang lúc nước sôi lửa bỏng, ngồi đó mà chị em em chị.

Ba mẹ tin chị là người đàng hoàng.

Tụi tôi giận chị không phải vì mấy đồn đại ác ý đó.

Tụi tôi giận chị vì chị bất cẩn, để người ta có cơ hội đồn đại.
- Người ta thích thì đồn, con quản được à?
- Không có lửa làm sao có khói? Nói chung chán chị lắm, ba mẹ dạy rát cổ bỏng họng mà mãi vẫn tồ.
- Thì cũng tại mẹ mà, chính mẹ suốt ngày hỏi sao lúc chửa con mẹ ăn gì mà đẻ ra con tồ thế còn gì? Giờ lại bày đặt giận người ta.
- Thôi đi! Ở đó mà đổ tại.

Giận để lần sau biết mà rút kinh nghiệm, con gái con đứa, có lớn mà không có khôn.

Người bên họ nội đang gây áp lực cho ba chị kia kìa, bắt ông ấy phải từ chị.

Ông Tạm buồn, khóc sướt mướt.
- Ôi dào, con có làm gì sai đâu mà ba mẹ phải sợ bọn họ? Mai mẹ tập hợp nhà họ nội lại cho con, để con về giải thích cho nó tường tận.
- Gớm! Mẹ lạy chị! Chị còn non dại lắm, chị có trăm cái miệng cũng không thể khiến người ta tin chị đâu.

Chị càng giải thích càng to chuyện, càng có cớ cho người ta chửi chị đã sai còn giảo biện.
- Thế giờ con phải làm sao?
- Gặp những tình huống tréo ngoe như này, muốn sóng yên biển lặng chắc phải nhờ chồng đứng ra nói đỡ cho mình thôi.

Thường thì đàn ông bị cắm sừng họ sẽ làm ầm ĩ nên nếu Kiệt tỏ ra tin tưởng chị thì người làng sẽ tự khắc nghi hoặc về những lời đồn đại kia.
- Ôi dào ôi! Mẹ nói vậy khác nào bắt con chịu oan cả đời.

Anh Kiệt còn đang giận con lắm, anh chưa tống cổ con ra khỏi nhà là may lắm rồi, làm gì có chuyện anh nói đỡ hộ con? Với cả con cũng không muốn nhờ vả chồng việc đó đâu, mất cả sĩ diện.
- Lúc nào rồi còn sĩ? Suốt ngày sĩ diện hão!
- Kệ con.
- Ừ.

Kệ.

Kệ vậy thì Tết này đi chỗ khác chứ đừng vác cái mặt về nhà, kẻo người trong họ trông thấy chị người ta lại mạt sát hai cái thân già này.
Bà Được cáu kỉnh dập máy.

Chị Khuê chỉ được cái cứng miệng thôi chứ nội tâm thì không mạnh mẽ như vậy.

Chị bật khóc.

Bị mẹ ruột cấm về nhà ăn Tết, tủi thân chứ! Ức nữa.

Hồi nhỏ, cứ mỗi dịp xuân về, chị vui lắm vì được ba mẹ mua quần áo mới và được ăn nhiều món ngon.

Tuy nhiên, những năm sống ở bên Nhật không được về quê ăn Tết, chị nhận ra hạnh phúc không chỉ dừng lại ở quần áo mới hay thức ăn ngon, hạnh phúc là ở sự sum vầy, là giây phút quay quần bên gia đình cùng đếm ngược đón năm mới.

Ở nước ngoài đi ra đường làm gì có không khí Tết, mấy người hàng xóm chả ai gói bánh chưng cả, cũng không ai treo đèn lồng hay dán câu đối đỏ.

Ở các chợ châu Á, họ có bán vài cây đào và cây quất nho nhỏ, nhưng giá khá đắt, với cả đem về nhà bày cũng chẳng có ai ngắm cùng nên chị không mua.

Ba mẹ hay gọi điện hỏi han chị một thân một mình ở bên đấy có buồn không.

Chị kêu bận bỏ xừ đi được, lấy đâu ra thời gian mà buồn.

Nhưng sau mỗi cuộc trò chuyện, lòng chị lại trĩu nặng.

Chị nhớ nhà, nhớ làng, nhớ quê.

Chị nhớ con sông hiền hoà ôm trong mình làn nước trong veo mát rượi, nhớ cây mạ xanh non mơn mởn lả lướt trong gió, nhớ cái không khí se se lạnh đem theo những cơn mưa phùn phảng phất hương xuân dịu dàng, nhớ hoa ban trắng tinh khôi phủ khắp núi rừng, nhớ cả những nụ cười rạng rỡ của mọi người trong gia đình.

Thế mà bây giờ… gia đình lại không chào đón chị về ăn Tết.

Chị ôm mặt khóc nức nở.
Anh Kiệt đem cơm canh lên phòng nhưng chị Khuê chẳng có tâm trạng để ăn.


Những ngày sau đó, chị lăn ra ốm hại chồng lo sốt vó.

Ông Hời, bà Hợt bận chăm cháu, Khương mải chơi game nên chỉ có Khánh mới phát giác ra chuyện chị Khuê đang ở nhà.

Cô tỏ vẻ sốt sắng kéo anh Kiệt ra góc riêng, thủ thỉ hỏi anh:
- Anh Kiệt! Chị Khuê bị ốm à? Chị đang nằm trong phòng phải không?
- Không phải.
Anh Kiệt phủ nhận.

Khánh nhẹ nhàng phân tích:
- Ba mẹ và chồng em tưởng anh khùng nên dẫu anh làm chuyện khác thường bọn họ cũng chẳng để ý.

Nhưng em thì khác, trong mắt em, anh chưa bao giờ khùng cả.

Nếu không có chuyện gì bất thường, tại sao anh phải gọi bác sĩ đến nhà? Anh còn rất hay nấu cháo đem lên phòng riêng nữa, anh đừng nói với em là anh thích ăn cháo một mình nhé! Anh à! Em rất lo lắng cho chị Khuê… anh tiết lộ tình hình của chị cho em biết được không?
Anh Kiệt chau mày nhìn em dâu.

Khánh quả thật thông minh vượt xa so với chị Khuê.

Cô đã nhìn ra mọi chuyện rồi nên anh không giấu nữa.

Anh ôn tồn bảo:
- Chị Khuê bị ốm.

Em đừng nói với ai chị đang ở nhà, kẻo lại to chuyện.
- Em nhất định sẽ kín mồm kín miệng ạ.

Anh cho em vào thăm chị được không? Em sốt ruột kinh khủng.
- Ừ.
Anh Kiệt dẫn Khánh vào phòng.

Chị Khuê đang nằm trên giường, mắt chị vẫn mở nhưng Khánh gọi hay hỏi chuyện gì chị cũng chẳng trả lời.

Chị nằm một chỗ, thi thoảng chị mấp máy môi, chẳng phát ra tiếng gì cả, cơ mà anh Kiệt vẫn hiểu ý đút nước cho chị uống.

Anh còn cẩn thận dùng khăn bông lau mồ hôi trên trán giúp chị.

Khánh thấy sống mũi mình cay xè.

Lúc Khánh ốm, cô chưa bao giờ được chồng chăm cả.

Khương sợ bị lây bệnh nên thường lớn giọng đuổi cô qua phòng khác nằm chứ đã bao giờ nói năng dịu dàng như anh Kiệt:
- Khuê! Dậy đi lại một lúc cho thoáng nhé!
Chị Khuê lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý.

Già rồi mà còn giở thói con nít.

Hồi nhỏ chị ốm, chị cũng chỉ bám bác Được, ỷ lại vào mẹ, còn những người khác trong nhà chị kệ không thèm nói chuyện luôn.

Ơ… từ đã… như vậy chẳng phải là trong lòng chị Khuê, anh Kiệt rất đặc biệt hay sao? Khánh thoáng rùng mình.

Nếu như vậy thì con đường phía trước của cô khó khăn quá.

Chị Khuê rất hay nhường đồ cho Khánh, nhưng đó là những thứ chị chỉ thích ở mức độ bình thường thôi, còn những thứ chị cực thích, không đời nào có chuyện Khánh giành giật được với chị.

Ví dụ như hồi em chó Ki Ki còn sống, Khánh nhiều lần xin bé về nuôi nhưng chị nhất định không cho.

Có hôm Khánh lén chị ôm Ki Ki về nhà chơi vài tiếng mà bị chị chửi cho một trận lên bờ xuống ruộng, cô vẫn còn hãi tới bây giờ.

Khánh là dân trí thức nên yếu hơn dân lao động như chị Khuê nhiều, đánh nhau tay đôi chắc chắn thua.

Để thắng được chị, cô cần một người cam tâm tình nguyện bảo vệ mình, một người mà chị Khuê yêu rất nhiều và không thể xuống tay với người đó, chính là người đàn ông đang ở trong căn phòng này.

Khánh cố ý thả thính:
- Người đàn bà nào lấy được ông chồng tuyệt vời như anh đúng là phúc phận của cuộc đời họ.
Anh Kiệt cười buồn.

Nếu anh thực sự là người chồng tuyệt vời thì có lẽ đã không bị vợ mình cắm sừng.

Chắc Khánh chỉ an ủi anh vậy thôi.

Anh xoa chân tay cho chị Khuê, đợi chị chìm vào giấc ngủ mới kêu Khánh ra ngoài hỏi chuyện riêng:
- Khánh! Sáng sớm nay anh đi ra chợ mua đồ về nấu cháo cho chị Khuê, tình cờ nghe thấy thím Yến bảo với mọi người là sáng hôm đó em cũng trông thấy chị Khuê và anh Minh, có phải không?
Cái con mụ Yến lắm mồm, thích buôn chuyện thì cứ thế mà buôn, lại còn lôi Khánh vào cuộc làm cái gì không biết? Khánh bực lắm, nhưng cô vẫn nhanh trí đáp:
- Dạ, đúng rồi anh ạ.

Em xin lỗi anh vì đã không nói cho anh biết chuyện đó sớm hơn.

Nhưng em thà bị người khác chửi là đồ gian dối còn hơn là nói những lời làm ảnh hưởng tới danh dự của chị Khuê.

Em đã dặn thím Yến giữ kín mọi chuyện giúp em rồi… ngặt nỗi…
Anh Kiệt tin Khánh nói thật, bởi vì chính miệng bà Yến bô bô khoe với mọi người rằng Khánh van lạy bà, xin bà giữ bí mật về chuyện của chị Khuê và anh Minh giúp Khánh.


Anh từ tốn nói:
- Anh biết em và Khuê là chị em tình thâm, vậy nên anh muốn nhờ em giúp anh một việc… có lẽ em sẽ phải chịu thiệt chút…
- Có gì anh cứ nói đi ạ, chỉ cần giúp được anh, thiệt bao nhiêu em cũng chịu.
- Tối nay, anh mời mọi người trong họ tới nhà mình chơi.

Anh sẽ tuyên bố rằng người đàn ông làm chuyện không phải phép ở trên bờ sông với chị Khuê là anh chứ không phải Minh.

Anh mong em xác nhận chuyện đó là sự thật.

Bởi vì em là người chứng kiến và em cũng được lòng người lớn nên em nói mọi người sẽ tin tưởng.

Tuy nhiên, nếu em lật lọng như vậy thì kiểu gì em và thím Yến cũng sẽ bất hoà.

Em có quyền từ chối lời đề nghị của anh.

Anh hoàn toàn thông cảm.
Khánh khẽ nhíu mày.

Nếu cô đồng ý giúp anh Kiệt thì chẳng khác nào tự phá tan kế hoạch của chính mình.

Nhưng làm sao Khánh có thể từ chối một người đàn ông đẹp trai lồng lộng cùng với ánh mắt tha thiết kia? Khánh đã đồng ý mà không hề do dự.

Buổi tối, anh Kiệt và Khánh người tung kẻ hứng, phối hợp với nhau vùi lấp những tin đồn không hay về chị Khuê và anh Minh.

Người ghét chị Khuê tất nhiên không hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện bịa của anh Kiệt và Khánh.

Cơ mà đã ghét thì dẫu nói gì họ cũng có định kiến thôi, quan trọng ở chỗ những người thương chị Khuê quyết định “quay xe”, không ghét bỏ chị nữa là anh Kiệt thấy ổn rồi.

Mẹ anh tất nhiên tin con trai, bà mếu máo nói:
- Kiệt! Chuyện hệ trọng như thế đáng nhẽ ra con phải nói với mẹ ngay từ đầu chứ, cứ im ỉm đi rồi giờ mới tiết lộ để mẹ hiểu nhầm Khuê, tội nghiệp nó!
Khánh cười gượng.

Trong phút chốc, chị Khuê từ kẻ bị khinh rẻ trở thành người bị hại chịu nhiều oan ức, hầu như mọi người đều cảm thấy áy náy vì đã nghi ngờ chị.

Còn Khánh chỉ vì mê trai nên bị bà Yến lôi ra ngoài vườn vả cho chục phát.

Bà chửi cô xối xả:
- Con khốn nạn! Mày lật mặt nhanh như lật bánh tráng vậy mà được hả? Uổng công thím bao lâu nay ngưỡng mộ mày, yêu quý mày, để rồi mày chơi thím vố đau, để thím bị cả họ khinh rẻ vì tội bịa chuyện.
- Con xin lỗi thím, con có nỗi khổ riêng.
- Khổ sở gì thì cũng mặc kệ mày.

Hôm nay không cho mày ra bã thì tao làm con mày.
Dứt lời, bà Yến đánh Khánh túi bụi.

Bà ra đòn rất mạnh tay.

Cả người Khánh đau ê ẩm, nhưng cô không đánh trả bà, chỉ tỏ vẻ hiền lành cam chịu, phần vì Khánh muốn làm bà Yến nguôi giận, phần vì cô cảm thấy mình càng thảm thương thì anh Kiệt sẽ càng áy náy.

Sau khi đập cho Khánh một trận nhừ tử, bà Yến hạ hoả đi về nhà.

Khánh không vội vào nhà, cô ngồi dưới gốc dừa chờ đợi.

Mọi người có thể quên mất cô, nhưng nhất định anh Kiệt sẽ không quên, bởi vì cô đã giúp anh một chuyện lớn.

Đúng như Khánh dự đoán, đến nửa đêm, không thấy Khánh đâu, anh Kiệt hơi lo.

Anh cầm đèn pin đi loanh quanh tìm cô.

Khoảnh khắc trông thấy cô ngồi tựa người vào gốc dừa, mắt nhắm nghiền, mặt mũi bầm tím, anh đoán cô bị bà Yến hành hạ nên cảm thấy rất có lỗi.

Anh hỏi cô:
- Sao em ngồi ngoài này? Em có sao không?
Khánh không đáp lời anh.

Anh Kiệt sốt ruột đi tới lay lay bả vai Khánh nhưng cũng không thấy cô có phản ứng gì.

Có vẻ như Khánh đã lịm đi rồi.

Anh Kiệt vội vã bế xốc Khánh dậy, đưa cô đi cấp cứu..


Bình Luận (0)
Comment