Em Chỉ Tiếc Không Ở Bên Anh Đến Già

Chương 13

Trước khi La Duy đi vẫn căn dặn Bùi Lương Vũ phải chăm sóc tốt cho tôi. Bùi Lương Vũ lúc đồng ý có vẻ hờ hững, sau đó lại tuân thủ lời hứa rất nghiêm chỉnh. Dù chúng tôi không cùng khoa nhưng ngày nào anh cũng gọi tôi đi ăn cùng. Có thể đi ăn uống với anh, đương nhiên tôi rất vui vẻ.

Ở trường có vài người là bạn học trước kia của anh ấy, tôi gọi họ là “đàn anh”. Họ biết tôi là bạn gái anh em tốt của Bùi Lương Vũ, đối với tôi thân thiết vô cùng. Bởi vì phần lớn thời gian tôi đều xuất hiện bên cạnh Bùi Lương Vũ, thế nên họ gọi tôi là “cái đuôi nhỏ của Bùi Lương Vũ”, về sau gọi tắt là “cái đuôi”. Tôi có kháng nghị vài lần cũng không có hiệu quả, đành phải tiếp nhận.

Lúc La Duy gọi điện về, Bùi Lương Vũ thường cướp điện thoại kể công.

“Cậu mau trở lại mà xem tôi chăm sóc vợ cậu tốt thế nào! Béo trắng ra rồi đấy.”

Tôi nghe thấy La Duy vừa cười vừa trả lời trong điện thoại, “Được lắm, khi nào về em sẽ làm thịt ăn luôn.”

“Thế thì tôi cũng phải có phần, một nửa công là của tôi đấy nhé.”

Tôi không nhịn nữa, đoạt lại điện thoại, “La Duy, anh có giỏi thì về đây, để xem người bị làm thịt là anh hay là em.”

La Duy lập tức đổi giọng, “Là anh, là anh. Đương nhiên là anh rồi.”

Lúc mới khai giảng, bạn cùng phòng làm gì cũng làm tập thể, quan hệ rất hòa hợp, còn có chút khách khí. Tuy nhiên ở cùng nhau lâu, tình cảm sâu đậm hơn thì cũng xảy ra bất hòa.

Các bạn nữ trong phòng đến từ nhiều nơi khác nhau, thói quen sinh hoạt đương nhiên không giống nhau, tính cách cũng bất đồng, chạm mặt nhiều cũng không thể tránh khỏi mâu thuẫn.

Tuy không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ cãi nhau. Đây chủ yếu là do tính cách khá trái ngược của Phùng Thái và Đàm Yến Thu. Dần dần, trong phòng chia thành hai phe: Phùng Thái, Dương Văn Văn, Hạ Mẫn Chi và tôi một phe, Đàm Yến Thu và Trần Tĩnh ở một phe.

Thực ra tôi chưa quá thân thiết với ai, cũng không xích mích với ai. Phần lớn thời gian tôi sống theo kiểu việc mình mình lo. Nhưng vì Phùng Thái ngủ gần giường tôi, thế nên chúng tôi nói chuyện khá nhiều, tôi dĩ nhiên được xếp vào nhóm của cô ấy. Nếu tôi không về nhà hay đi ăn cùng Bùi Lương Vũ thì chủ yếu là ở cùng với Phùng Thái, Dương Văn Văn và Hạ Mẫn Chi.

Bùi Lương Vũ nghe tôi kể chuyện hục hặc nho nhỏ giữa con gái với nhau thì cho là chuyện vớ vẩn. Anh còn ra vẻ người lớn mà bảo tôi đừng tham gia vào mấy chuyện này. Tôi mặc kệ anh, cúi đầu ăn tiếp. Cũng chỉ lớn hơn có hai tuổi mà cứ thuyết giáo hết lần này đến lần khác, thật chẳng hợp với hình tượng trai đẹp của anh gì cả.

Mùa đông tới, Phùng Thái bắt đầu oán giận tại sao miền Nam mà cũng lạnh như vậy.

Vì trường tôi ở gần hồ, mỗi ngày đều có gió Bắc thổi, phòng ngủ và phòng học đều không ấm. Hôm nào tôi cũng bọc mình thành một cục, khi ra ngoài thì chỉ lộ ra đôi mắt, vừa về tới phòng phủ là lập tức chui vào trong chăn, Bùi Lương Vũ gọi đi ăn cũng rất ít khi đi.

Vị giáo sư già dạy tôi môn Hán Ngữ nói, thanh niên phải rèn luyện, đi học mà bọc kín người như tôi thì còn ra gì nữa. Thầy ấy tuy lớn tuổi nhưng chưa từng đội mũ len, quàng khăn quàng cổ, càng không mặc áo khoác, chỉ cần một cái áo len hoặc áo lông dê là có thể qua mùa đông được rồi.

Tôi không ngừng gật gù, người ta già rồi mà thân thể cường tráng, xương cốt chắc chắn, thật đáng mừng. Nhưng tán thưởng là một chuyện, bảo tôi học tập thầy ấy thì tôi không làm được.

Nhà tôi cách trường khá xa, nếu về sẽ không kịp giờ lên lớp sáng ngày hôm sau. Thím biết tôi chịu lạnh kém, có ý muốn để tài xế đến đón tôi. Tôi suy nghĩ một chút, cuối cùng vẫn cự tuyệt. Tôi không muốn khiến mình trở nên khác thường so với các bạn học.

Thím nói, “Nếu không cháu đến chỗ anh cháu ở đi. Chỗ đó cũng gần trường, để thím nói với giáo viên của cháu.”

Tôi vội lắc đầu nói không cần. Thím vẫn không yên lòng, tôi chỉ còn cách đồng ý với thím sẽ thường xuyên về.

Thực ra tôi chưa từng về đó.

Mặc dù bây giờ tôi không còn sợ phải đối mặt với anh, nhưng nếu có thể thì tôi vẫn muốn tránh. Không cần biết bình thường anh ở đâu, chỉ cần là nơi anh có thể xuất hiện, tôi chắc chắn sẽ không tới gần. Chúng tôi nhất định phải làm một cặp anh em bình thường, cho dù anh em ở chung với nhau cũng không phải chuyện lạ.

Tôi không biết thím có hỏi anh không, nhưng thím không gọi điện bảo tôi về nhà nữa, tôi cũng thả lỏng hơn.

-

Tôi chú trọng việc giữ ấm như thế, vậy mà vẫn bị cảm.

Ban đầu tôi nghĩ chỉ là chuyện nhỏ, uống thuốc xong ngủ một giấc là không sao nữa, vì cơ thể tôi luôn khỏe, rất ít khi ốm.

Thật không ngờ, đến ngày thứ hai bệnh càng nặng thêm, nước mắt nước mũi ròng ròng, trong tay lúc nào cũng phải có khăn. Cả lớp học đều nghe được tiếng xì mũi của tôi, đến tôi cũng tự cảm thấy xấu hổ.

Mọi người khuyên tôi đi tiêm. Nghĩ đến bệnh viện vắng ngắt, thiếu hơi người của trường và mũi tiêm lóe sáng, tôi lập tức lắc đầu, chỉ mặc thêm áo khoác, liên tục tu nước trong bình giữ ấm.

Đến chiều, tôi nhờ Phùng Thái xin nghỉ phép một buổi.

Người đang ốm thực sự rất yếu. Tôi nhớ hồi còn ở nhà chú, chỉ cần hơi ho nhẹ, thím và dì Trần đều sẽ nấu canh gừng cho tôi giải cảm. Còn bây giờ tôi chỉ có thể nằm một mình trên giường.

Tôi không dám về nhà. Thứ nhất là vì không có sức, thứ hai là sợ thím biết sẽ không vui. Tôi cũng không muốn nói cho La Duy, sợ anh lo lắng. Với tính cách bốc đồng của anh, chưa biết chừng lại bay luôn từ Australia về.

Tôi cố gắng móc điện thoại dưới gối ra, gọi cho Gia Hinh.

Đúng lúc cô ấy đang học tiết Thể dục. Ở Thiên Tân vừa có tuyết rơi, chẳng ai muốn tập theo sự chỉ huy của thầy, bắt đầu chơi trò ném tuyết. Tôi nghe giọng hào hứng của cô ấy ở đầu dây bên kia mà cũng muốn cười theo.

“Mới có chút tuyết cậu đã vui đến thế rồi? Phùng Thái cùng phòng tớ còn gặp tuyết dày đến tận đầu gối rồi cơ. Cẩn thận bị bạn học người miền Bắc coi thường đấy nhé.”

“Ôi, hết cách rồi, tớ thực sự ít hiểu biết mà, cứ để họ coi thường đi.” Cô ấy cười trong điện thoại, sau đó lại hỏi, “Giọng cậu hình như hơi khác, bị ốm à?”

Tôi cảm thấy ấm áp trong lòng, tuy nhiên vẫn nói, “Đâu có, tớ đang làm tổ trên giường.”

“Bạn học Lương Mãn Nguyệt ơi, còn đang là ban ngày, cậu phải vận động đi chứ! Nhưng mà trước giờ cậu vẫn sợ lạnh, tổ chức ra lệnh phải chú ý thân thể đấy nhé.”

“Cảm ơn tổ chức đã quan tâm, mong tổ chức cũng giữ gìn sức khỏe cho tốt, sự khỏe mạnh của tổ chức là tài sản quý giá nhất, xin đừng để các đồng chí lo lắng.”

Cô ấy cười nói, “Nể mặt các đồng chí ở quê hương, tổ chức nhất định sẽ giữ gìn sức khỏe.”

Cúp điện thoại xong, tôi quyết định để não nghỉ ngơi, thân thể thư giãn. Quả nhiên chưa bao lâu, tôi đã mơ màng ngủ.

Tôi ngủ không yên, được một lúc cảm thấy thân thể mình nóng như lửa đốt, một lát nữa lại thấy lạnh như bị đóng băng. Tôi lại mặc nhiều áo, cử động rất khó khăn, thế nên càng khó chịu.

Mơ hồ nghe thấy tiếng chuông điện thoại vang lên, tôi nhắm mắt, sờ soạng mãi mới mò được điện thoại, nghĩ là Bùi Lương Vũ gọi đi ăn cơm. Tôi ấn nút nghe, nặng nhọc nói, “Bùi Lương Vũ, em không đi ăn đâu. Em khó chịu quá.”

Bên kia im lặng, sau đó có giọng nam hỏi, “Em làm sao vậy?”

Tôi chẳng có sức mà trả lời, không nói nữa rồi cúp điện thoại, lại mệt mỏi ngủ thiếp đi.

Mơ hồ tôi cảm thấy có người đi đến, có tiếng nói chuyện, sau đó một người đưa tay áp lên trán tôi. Bàn tay lành lạnh khiến tôi rùng mình, ngay sau đó tôi được người ấy bế lên.

Lồng ngực của người ấy khiến tôi thoải mái vô cùng, vừa an tâm lại cực kỳ thân thuộc. Thế nên tôi không tự chủ được mà nhích vào trong, mơ màng nghĩ, “Bùi Lương Vũ anh thật tốt, em khỏi ốm rồi nhất định sẽ mời anh ăn cơm.

Sau đó có người lay tôi dậy. Tôi cố sức mở mắt, nhìn thấy một bóng trắng nhập nhèm trước mặt. Tôi biết trước mặt mình là một y tá của bệnh viện. Dì y tá vừa cầm tay tôi vừa nói, “Cô bé đáng thương quá, sao ốm đến mức này mới được đưa đến đây?”

“Không phải tại anh ấy, anh ấy không biết gì đâu ạ.” Tôi muốn giải thích giúp Bùi Lương Vũ. Anh ấy đã có lòng tốt đưa tôi đến bệnh viện, không thể để anh bị hiểu lầm.

“Đừng nói nửa, ngủ một chút đi, lát nữa là truyền xong nước rồi.” Dì y tá nhẹ nhàng xoa đầu, còn gỡ tóc rối cho tôi. Tay dì ấy hơi lạnh, tôi mỉm cười, dường như thấy dì ấy cũng cười với tôi.

Tôi lại ngủ thiếp đi.

Tôi mơ suốt cả đêm. Trong mơ hình như có người đuổi theo tôi. Tôi không nhìn rõ mặt người đó, thế nên không ngừng chạy về phía trước, nhưng lại không chạy nổi, cứ như là cảnh quay chậm trong phim. Bóng người phía sau cứ đuổi theo. Cuối cùng tôi không chạy được nữa, chỉ có thể dừng lại thở dốc. Vừa quay đầu lại, người kia đã đuổi tới nơi. Tôi hoảng hốt, mồ hôi đầm đìa, lập tức mở mắt ra.

Tôi nằm ngửa, trước mặt cũng không phải trần nhà màu trắng của phòng bệnh, mà là màn màu tím nhạt, còn có viền hoa. Giường rất mềm. Tôi nhìn hai bên trái phải, thấy một bàn trang điểm đan xen hai màu trắng hồng đặt cạnh tường.

Bàn trang điểm! Tôi bật dậy.

Nơi này là nhà của anh.

Bùi Lương Vũ đâu? Bùi Lương Vũ đâu rồi?

Áo khoác bị ném trên sofa, trên người tôi vẫn mặc áo len từ hôm qua. Bên trong có đầy đủ hệ thống sưởi hơi, tôi cảm thấy nóng đến khó chịu. Tôi cởi một chiếc áo len, đứng dậy mặc áo khoác, chân trần đi ra khỏi phòng.

Trong phòng khách không có người. Tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm.

“Em tỉnh rồi?” Đằng sau bỗng nhiên có tiếng nói.

Tôi phát hoảng, quay đầu lại sợ hãi kêu lên: “Anh!”

Anh mặc quần áo ở nhà đi tới, thấy phản ứng của tôi thì cau mày, “Ngạc nhiên cái gì?”

Tôi lắp bắp hỏi: “Em... Sao em lại ở chỗ này?”

Bùi Lương Vũ có quen anh đâu?

Anh dời mắt nhìn xuống chân tôi, lông mày càng nhăn lại.

“Đi dép vào rồi nói tiếp.”

“Vâng.” Tôi nghe lời đi dép vào.

“Đến đây ăn cơm.”

Trên bàn đã bày sẵn hai đĩa thức ăn và một đĩa quẩy, còn có một ly cà phê và một bát cháo hoa. Tôi tự giác đi tới chỗ bát cháo, ngồi xuống, sau đó dùng đũa gắp quẩy.

Anh bỗng đưa đũa cướp lấy quẩy của tôi rồi chỉ vào bát cháo nói, “Em ăn cái này thôi.”

Tôi đỏ mặt, cúi đầu lặng lẽ ăn cháo.

Cháo còn đang nóng, mặc dù chẳng có vị gì nhưng thơm vô cùng, ăn xong cảm thấy bụng rất ấm, hết sức thoải mái.

Chúng tôi không nói chuyện. Tôi nhanh chóng ăn xong bát cháo, ngẩng đầu nhìn anh.

“Nhìn cái gì? Trong bếp vẫn còn, tự đi lấy đi.”

Tôi bưng bát đi vào phòng bếp. Quả nhiên có một nồi cháo nhỏ đặt trên lò vi sóng. Tôi vừa múc vừa nghĩ, chẳng lẽ là anh nấu?

Tôi bưng cháo trở lại, tò mò nhìn anh, nhìn đến mức khiến anh khó chịu, “Nhìn cái gì? Ăn cháo của em đi.”

Ồ, quả nhiên là cháo anh nấu.

Lúc tôi cắm mặt ăn cháo, anh đột nhiên đưa tay sờ lên trán tôi. Tôi hoảng hồn, suýt nữa thì bị sặc cháo, trợn mắt nhìn anh.

Anh mặc kệ, sờ trán tôi rồi lại sờ trán mình, nói, “Tốt rồi, không nóng nữa.”

Bỗng nhiên anh nhìn tóc tôi một cách chán ghét, “Lương Mãn Nguyệt, em có còn là con gái không thế? Để tóc bết như vậy.”

Bị xem thường rồi.

Tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn đào một cái lỗ chui xuống, nhưng vẫn nhỏ giọng biện minh cho mình, “Bình thường em không thế đâu, do em ốm thôi...”

“Giờ hết ốm rồi đấy.” Anh đứng lên ra lệnh. “Dọn bàn ăn đi rồi rửa bát, sau đó đi tắm.”

Em vẫn chưa khỏe hẳn mà – tôi kháng nghị bằng ánh mắt.

Anh làm như không thấy, cầm chìa khóa xe trên bàn nói, “Đợi trưa anh về sẽ đưa em đến trường.”

Tôi khẽ thở dài nhìn anh rời đi, bắt tay vào dọn dẹp bát đũa.

May mà bát đũa cũng không nhiều lắm, còn có nước nóng, rửa cũng không khó khăn gì. Tôi vừa rửa vừa cảm thán, còn có thể dùng nước nóng rửa bát, thật là xa xỉ. Chỉ có người sống ở trong trường mới cảm nhận được sự quý giá của nước nóng.

Cũng may thím cẩn thận, trong tủ có quần áo cho tôi, còn có cả nội y, nên tôi không phải lâm vào cảnh tắm xong mà không có đồ mặc. Tôi vừa khỏi ốm, cơ thể vẫn chưa bình phục hoàn toàn, tắm vẫn hơi khó khăn, nhưng tôi cũng không vội gì nên còn có thời gian để từ từ kỳ cọ.

Tắm rửa xong tôi vốn định nhân tiện giặt luôn quần áo đã mặc, nhưng suy nghĩ một lúc lại bỏ vào một cái túi. Không thể giặt xong phơi ở đây rồi nhờ anh lấy giúp được.

Sấy khô tóc xong tôi nằm cuộn tròn ở sofa, vừa xem TV vừa tự hỏi, rốt cuộc là làm thế nào mà anh biết tôi ốm? Người đưa tôi đi bệnh viện chẳng lẽ không phải Bùi Lương Vũ?

Cũng may, mặc dù đêm trước tôi sốt cao nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Tôi lấy điện thoại ra xem, quả nhiên người gọi cho tôi ngày hôm qua là anh chứ không phải Bùi Lương Vũ. Chỉ là không biết anh bỗng dưng gọi điện cho tôi làm gì? Từ sau chuyện kia anh chưa từng gọi điện cho tôi.

Nghĩ đến chuyện lần trước, tôi không khỏi thở dài. Tại sao người gọi điện hôm qua không phải Bùi Lương Vũ cơ chứ?

Vì sao? Vì sao? Vì sao? Đầu tôi sắp biến thành quyển “Mười vạn câu hỏi vì sao” mất rồi.

Lúc anh trở lại đón tôi, nhìn thấy túi trên tay tôi liền hỏi, “Đây là gì?”

Tôi cứng người, khô khốc mở miệng, “Quần... Quần áo ạ.”

Anh hiểu ra ngay, ho nhẹ một tiếng, nhìn đi nơi khác, “Đi thôi”.

Trên đường về trường, tôi hỏi anh, “Anh ơi, hôm qua anh gọi cho em à?”

Anh “Ừ” một tiếng.

Tôi hỏi tiếp, “Có chuyện gì ạ?”

Anh nói mà mắt vẫn nhìn chăm chú vào đường phía trước, “Anh vốn muốn gọi hỏi xem rốt cuộc em có đến ở không. Mẹ anh gọi hỏi nhiều quá.”

Không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp, “Lương Mãn Nguyệt, em không cần tránh anh. Anh đã nói không như thế nữa thì nhất định sẽ không. Nếu em thấy không tiện, anh chuyển đi nơi khác cũng được.”

Anh đã nói thế, nếu tôi còn cự tuyệt thì đúng là lòng dạ hẹp hòi.

“Không phải, tại em có nhiều tiết học quá, ra ngoài cũng phiền phức.”

Anh đột nhiên lấy một tấm thẻ ngân hàng từ trong túi ra đưa cho tôi, “Sau này em tự gọi xe qua, nếu không đủ tiền thì rút ở đây.”

Thực ra thím đã cho tôi thẻ rồi, đến giờ tôi cũng chưa dùng đến. Nhưng theo kinh nghiệm, anh đã cho cái gì thì tốt nhất đừng từ chối, vậy nên tôi vẫn nhận.

Trở lại ký túc xá, Phùng Thái lập tức bổ nhào đến, kêu lên, “Lương Mãn Nguyệt, cậu khỏe rồi hả?”

Tôi suýt nữa thì không chống đỡ kịp, liên tục gật đầu, “Khỏe rồi khỏe rồi”.

Hai mắt cô ấy lập tức sáng như sao, “Anh chàng siêu đẹp trai đến đón cậu hôm qua là ai thế? Chúng tớ còn đang ở tầng dưới đã nhìn thấy anh ấy bế cậu lên xe rồi. Quá đẹp trai! Quá phong độ!”

Bảo sao cô ấy bỗng dưng nhiệt tình với tôi như vậy, quả nhiên không phải vì sức quyến rũ của tôi.

Tôi chỉ có thể nói, “Đó là anh của tớ.”

“Anh trai!” Phùng Thái kích động kêu lên, “Anh của cậu cũng là anh tớ, hôm nào có thời gian cậu bảo anh ấy mới chúng ta ăn cơm đi... Nếu không thì để tớ mời anh ấy cũng được!”

Tôi nói qua loa, “Để khi nào anh ấy có thời gian đã...”

Phùng Thái nhìn thấy Bùi Lương Vũ không có phản ứng đặc biệt gì, vậy mà trông thấy anh lại kích động như vậy. Đúng là thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác.

Cuộc sống đại học của tôi ban đầu có chút bận rộn, về sau mới dần dần dễ dàng hơn.

Hôm nào có ít tiết tôi đều ngủ thẳng đến khi mặt trời lên cao, sau đó chậm chạp đi rửa mặt, đến giờ thì đi ăn cùng Bùi Lương Vũ.

May mà thỉnh thoảng còn có thể đi chơi cùng Bùi Lương Vũ và bạn của anh, nếu không cuộc sống đại học của tôi thực sự nhạt như nước lã. Lên đại học rồi tôi mới hiểu, đối với tôi, quãng thời gian có thể kết giao bạn bè đơn thuần nhất trong đời người đã qua rồi. Bạn bè ở đại học mặc dù ăn cùng nhau, sống cùng nhau, đùa giỡn rồi kết bạn với nhau, nhưng cũng chỉ là một nhóm người ở cạnh nhau mà thôi.

Cũng có thể do tôi ít khi giao thiệp với người khác nên mới có cảm giác này. Không có La Duy bên cạnh, tôi nói chuyện cũng không lớn tiếng như trước kia. Nói chuyện với người khác được dăm ba câu, tôi đã không biết phải nói gì nữa.

Bùi Lương Vũ thấy tôi như vậy không ổn, thế nên nghĩ cách đưa tôi vào hội học sinh, còn là ở bộ phận ngoại giao. Tuy bình thường anh ấy vẫn nói anh nhờ vào năng lực mới có quyền lớn ở hội học sinh, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy cái này có liên quan đến ngoại hình của anh nhiều hơn. Tôi nói với La Duy điều này, anh ấy cũng thấy đúng.

Bùi Lương Vũ dẫn tôi đi giới thiệu với người khác, cười nói, “Đây là khuê nữ nhà tớ, tính cách rất hướng nội, nhờ mọi người quan tâm nhiều hơn, rèn luyện cô ấy cho tốt.”

Mỹ nữ trưởng bộ phận ngoại giao lúc đó cười gật đầu rất nhiệt tình, thế nhưng lúc Bùi Lương Vũ đi rồi tôi mới phát hiện, cô ấy cũng không thích tôi. Có lẽ nghĩ tôi là loại tầm thường, không có năng lực, ngoại hình cũng không đẹp, làm lãng phí tài nguyên của bộ phận.

Tuy nhiên cô ấy cũng không làm khó tôi, khi có cuộc họp vẫn nhớ gọi tôi đi.

Bộ phận ngoại giao thường đi tìm nhà tài trợ cho trường, thành viên nếu không phải ngoại hình đẹp hơn người thì cũng rất có tài ăn nói. Nữ chiếm đa số trong bộ phận.

Tôi chẳng biết gì, thời gian đầu đi theo bọn họ xin tài trợ đều đứng ngốc nghếch ở một bên. Có hai đàn chị khá quan tâm đến tôi, lúc vắng người họ bảo, “Em cười rất đẹp, nếu không muốn nói, em cứ đứng một bên cười là được.”

Cười là sở trường của tôi. Thế nên về sau lúc ra ngoài, người đi đầu để giao tiếp lịch sự mà khéo léo với đối phương là trưởng bộ phận hoặc một đàn chị có kinh nghiệm, những người khác ở bên cạnh phụ họa và làm ấm bầu không khí, người cười ngốc nghếch đứng làm nền phía sau là tôi.

Là tôi. Chính là tôi đây.

Tuy rằng tôi chỉ đứng phía sau cười ngốc nghếch, thế nhưng tự nhiên cũng to gan hơn một chút. Lúc nói chuyện với người không quen còn có thể nói nhiều thêm mấy câu. Đương nhiên chỉ có chính tôi nhận thấy sự chuyển biến này, chứ Bùi Lương Vũ vẫn luôn cảm thán, nói tôi sao vẫn giữ bộ dạng ngơ ngác ngốc nghếch như vậy.

Tôi bỏ ngoài tai lời của anh, dù sao giờ tôi ở bộ phận ngoại giao cũng không tệ.

Ngoài điểm này ra còn có những lợi ích khác. Bộ phận ngoại giao có phòng làm việc riêng, bên trong có sofa, có điều hòa, có máy vi tính. Tuy không tới phiên tôi dùng vi tính, nhưng phần lớn thời gian sofa là của tôi. Trong trường học hiếm có chỗ mùa đông ấm, mùa hè mát như nơi này, đương nhiên là tôi rất chăm đến. Tôi ôm theo laptop của mình, thường ngồi hết cả buổi chiều.

Laptop là do anh mua cho tôi, có tiếng là hàng cao cấp, nhiều tính năng, linh kiện đều là của công ty anh, còn có mấy phần mềm được họ phát triển và trò chơi do công ty đại diện. Thực ra tôi cùng lắm chỉ dùng nó để đọc tiểu thuyết, xem phim mà thôi. Nếu laptop mà là vật sống, chắc nó sẽ phải tự than mình rơi vào tay người như tôi thật là uổng phí.

Nửa năm sau khi La Duy đi Australia, anh tự chuyển khoa mà không cần sự cho phép của bố. Vốn là anh qua đó học quản trị kinh doanh, cuối cùng tự mình chuyển sang khoa kiến trúc.

Tôi vẫn nhớ lúc trước khi anh trở lại còn hỏi tôi, nếu như anh không học quản lý lại đi học xây nhà thì sao?

Tôi nghĩ, anh vẽ tốt như thế, có lẽ thực sự có tố chất làm kiến trúc sư, vậy nên cười nói, “So với việc làm thương nhân xấu xa, em nghĩ anh làm kiến trúc sư hợp hơn một chút.”

“Sao em biết anh làm kiến trúc sư thì được, làm thương nhân thì sẽ xấu xa?”

Tôi nhìn anh một lượt, “Anh chẳng có khí chất gì cả. Nếu làm thương nhân, nhất định sẽ bị tiền tài mê hoặc mà trở thành nhà tư bản hút máu người. Nhưng nếu anh học kiến trúc, biết đâu sẽ gia tăng được chút khí chất. Mà có nghĩ nhiều cũng vô ích, chắc chắn là anh muốn làm thương nhân xấu xa.”

Anh chỉ cười mà không nói.

Tôi không ngờ anh thực sự tự mình chuyển khoa. Dù sau đó bố anh nổi trận lôi đình, dù mẹ anh còn đích thân sang Australia khuyên anh hồi tâm chuyển ý, nhưng anh nhất định không chịu, không ai khuyên nổi.

La Duy bắt chước giọng của mẹ anh nói với tôi, “Ban đầu vì thấy khoa quản trị kinh doanh của trường này tốt mới cho con sang đây. Bây giờ con chuyển sang học kiến trúc, chẳng phải là phí công bố mẹ rồi à?”

Sau đó anh lại cợt nhả nói, “Vậy con về với mẹ nhé?”

Chuyện đó đương nhiên không được, thế nên mẹ La Duy rốt cuộc phải trắng tay trở về.

Tôi khuyên La Duy, “Bố mẹ làm vậy cũng là muốn tốt cho anh, sao anh cứ đối đầu với họ thế?”

“Anh không phải con rối, có muốn tốt cho anh cũng phải hỏi ý kiến của anh chứ?” La Duy hơi mất hứng, nhưng sau đó lại vui vẻ, “Đừng nói những chuyện này nữa. Vợ ơi, sau này anh sẽ về xây nhà cho em. Em muốn một ngôi nhà thế nào, anh đều có thể cho em.”

“Em muốn một ngôi nhà gỗ nhỏ trong rừng, nhưng gió không được lọt, nước không được vào, càng không thể có sâu.”

“Em lớn thế rồi còn muốn làm công chúa ngủ trong rừng à? Sao giống bé gái thế?”

“La Duy kia, sao anh không hiểu biết gì thế hả? Người ở trong ngôi nhà gỗ là công chúa Bạch Tuyết. Công chúa ngủ trong rừng ở trong lâu đài, anh có xây nổi không? Với lại, em chính là một bé gái, cái gì mà giống với không giống chứ?”

“Được rồi được rồi, em là bé gái, em mãi mãi là bé Viên Viên.”

“Buồn nôn quá.”

“Đấy em xem, đã nói lời em thích nghe mà em còn bảo anh buồn nôn.”

Hết chương 13
Bình Luận (0)
Comment