From Hanoi

Chương 1.1

Tôi sống trong tình trạng lâng lâng bay bổng đến hôm nay đã được ba ngày, lâu lắm rồi tôi mới phải uống rượu bia nhiều đến mức ấy, đủ các loại rượu tây rượu ta, chán rượu rồi thì chuyển qua bia, uống bia đầy bụng quá lại quay về uống rượu. Từ tối qua đến giờ đầu óc tôi lúc nào cũng quay cuồng như chong chóng, cơ thể thì hôi rinh vì mấy ngày chưa tắm, còn đi lại thì lảo đảo chân nam đá chân chiêu suýt ngã trên đường đến mấy lần.

Tôi là một người không có địa vị xã hội cũng chẳng có nhiều tiền bạc, điểm mạnh lớn nhất tôi nhận thấy ở mình đó là được nhiều anh em bạn bè quý mến, trên 64 tỉnh thành đất nước gần như nơi nào tôi cũng có may mắn được kết giao với những người bạn sống rất chân thành và hết mình.

Cách đây mấy hôm, khi tôi vừa nói sẽ ra miền Bắc chơi vài ngày là đám bạn trong Sài Gòn lập tức tổ chức tiễn tôi ở quán nhậu từ buổi sáng đến đêm khuya, tôi đi mấy hôm mà chúng cứ làm như thể tôi sắp ra Bắc định cư luôn vậy, hai giờ sáng khi tôi xin về ngủ thì cả bọn nhao nhao lên kiên quyết không cho, thậm chí còn mắng tôi là sáng mai mày lên máy bay thiếu gì thời gian để ngủ?!

Tôi chẳng biết phải cãi lại đám người nhiệt tình ấy thế nào nữa.

Về đến miền Bắc thì mọi chuyện cũng lặp lại y chang như thế, vừa có mặt ở quê nhà là đám bạn cấp ba lôi tôi đi ăn nhậu ngay lập tức, bọn chúng mời tôi thưởng thức đủ những loại rượu ngon đã ủ trong nhà được gần chục năm nay, chúng giới thiệu về những loại rượu ấy hay và chi tiết lắm, tiếc là say sưa quá nên đến giờ tôi chẳng còn nhớ được gì nhiều, có chăng chỉ đọng lại được trong đầu mấy cái tên rượu mà thôi.

Đến tầm chín rưỡi sáng hôm nay, khi kết thúc buổi nhậu cuối cùng, tôi phải nhờ một cậu bạn cấp ba dìu mới lết lên nổi chiếc xe khách 45 chỗ từ Thái Bình đi Hà Nội.

May cho tôi, vừa trèo lên xe thì trời bắt đầu đổ mưa.

Cuối cùng cũng yên tâm mà ngủ rồi, tôi thầm nghĩ khi thả mình xuống hàng ghế ở giữa xe ngay cạnh ô cửa sổ. Sau đó tôi nhanh chóng cởi chiếc áo khoác gió ra để chùm lên người thay chăn và nhắm mắt ngủ ngon lành.

Nằm mơ màng được một lúc thì tiếng nói ồn ào của một vài vị khách mới lên xe làm tôi chợt tỉnh giấc, một ông khách lớn tuổi nào đó đang kêu ca với nhà xe về cơn mưa bất chợt giữa lúc trời đang nắng đẹp, nghe loáng thoáng nội dung câu chuyện của hai bên thì có lẽ chiếc xe vừa đi sang đất Nam Định.

Có ai đó trong nhóm khách mới lên ấy ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh tôi, nhưng đang mê mệt nên tôi cũng chẳng buồn mở mắt xem đó là ai.

Vài phút sau thì nhà xe bắt đầu đi một vòng thu tiền của mấy vị khách vừa lên, cậu phụ xe dừng lại ở hàng ghế của tôi lâu nhất, cuộc nói chuyện của cậu ta với vị khách đang ngồi cạnh làm tôi không thể ngủ được nữa, đại khái câu chuyện xoay quanh việc vị khách này không trả đủ tiền vé, tôi không quay sang nhìn nhưng nghe giọng nói thì đoán đấy là một thanh niên ngoài hai mươi.

“Anh thông cảm giúp em với!” Cậu ta nói khẩn khoản. “Anh nhìn này, cả ví em chỉ còn từng đấy tiền, có gì các anh thông cảm giúp!”

“Không được đâu em ơi, giá vé của nhà xe đã niêm yết như vậy rồi!” Giọng anh phụ xe nghe rất khó chịu.

“Không phải em lừa anh hay gì đâu ạ, vì em không có đủ tiền thật, mà trời mưa quá em không nhờ được ai ra giúp cả.”

“Không phải anh không tin em, nhưng giá vé là do nhà xe niêm yết, anh thu ít hơn thì anh phải tự bỏ tiền túi ra bù em ạ!”

Tôi uể oải quay sang liếc nhìn vị khách ngồi cạnh, đúng như tôi đoán, đó là một thanh niên khá thư sinh, chắc chỉ khoảng ngoài hai mươi, cậu ta hơi gầy, gương mặt hốc hác, đôi mắt thì thâm quầng, đính trên đó là một cặp kính dày cộp, nhìn phong cách này tôi lại mạnh dạn suy đoán thêm lần nữa, anh chàng này chắc hẳn là một sinh viên.

“Thôi, anh không có nhiều thời gian cho em đâu!” Anh phụ xe chép miệng ngao ngán. “Bây giờ thế này nhé, em trả bao nhiêu tiền thì bọn anh chở em đi quãng đường đúng với số tiền ấy được không!?”

“Anh thông cảm.” Vị hành khách trẻ nói giọng khổ sở. “Người nhà em vừa đi mổ cắt u trong người, hôm qua em chăm họ trên viện nên tiêu hơi nhiều tiền…”

“Ai chẳng có hoàn cảnh hả em, nhưng anh cũng chỉ là thằng làm thuê thôi…”

“Anh phụ xe này!” Tôi cắt ngang lời anh ta, trực giác nói với tôi rằng vị khách ngồi cạnh mình là một người có thể tin cậy được. “Cậu này còn thiếu bao nhiêu vậy? Để mình trả thay cho.”

“À… vâng, vậy cũng được!” Anh phụ xe hồ hởi nói. “Còn thiếu ba mươi nghìn thôi anh ạ!”

“Ừ. Cậu chờ mình tí.” Tôi nói.

Sau đó tôi lấy tiền trong ví ra trả.

Anh chàng phụ xe vui vẻ nhận tiền và luôn miệng giải thích rằng mình không muốn gây khó dễ cho ai cả, nhưng anh cũng chỉ là người làm thuê thôi, không tự ý giảm giá vé được.

“Có ai trách gì anh đâu.” Tôi nói. “Anh chỉ làm đúng trách nhiệm của mình thôi mà.”

“Vâng.” Anh ta nói. “Anh hiểu thì tốt quá. Công việc của em như làm dâu trăm họ anh ạ, có rất nhiều cái khó…”

Khi anh chàng phụ xe với cánh tay trái đầy hình xăm trổ ấy quay lên phía đầu xe, vị khách trẻ quay sang nhìn tôi, vừa gãi đầu gãi tai cậu ta vừa nói lí nhí: “Em… cám ơn anh, phiền anh trả hộ em ngại quá.”

“Có gì đâu, giúp nhau lúc khó khăn là chuyện bình thường mà.” Tôi nói. “Hơn nữa, anh cảm thấy em là người có tự trọng, chắc phải cùng đường lắm em mới hạ giọng xin xỏ như vậy.”

“Ôi! Anh nói đúng rồi đấy ạ!” Cậu ta gật đầu lia lịa. “Em không nói dối một lời nào cả, đến hôm qua em vẫn còn mấy trăm nghìn, nhưng tối lên chăm người nhà ở viện em lỡ tiêu hơi nhiều tiền một chút, sáng nay khi đứng đón xe em mới nhớ ra, nhưng trời mưa to quá, không gọi ai ra giúp được. Thế là em mới liều nhảy lên xe rồi tính tiếp.”

“Cứ liều nhảy lên rồi tính tiếp!?” Tôi bật cười, Vũ, thằng bạn thân của tôi cũng từng nói một câu y như cậu em này vậy.

Hồi ấy tôi và Vũ mới bước chân vào đại học, một hôm cuối tháng cả hai thằng đều hết nhẵn tiền, hắn bèn rủ tôi đi xe buýt xuống phòng trọ của bạn hắn ở tận dưới khu Nhổn chơi, thăm bạn rồi tiện vay tiền luôn. Không biết bây giờ khu vực ấy thế nào chứ hồi ấy đường xá hoang vu lắm, hai bên đường chỉ toàn là những cánh đồng rộng lớn, vì đi lúc trời tối quá nên Vũ nhận nhầm đường, kết quả là hắn đã cho tôi xuống một điểm buýt cách nhà bạn hắn đến tận hai cây số.

Hai thằng đành phải đi bộ nốt quãng đường còn lại vì không còn một xu dính túi, mà ở giữa chốn đồng không mông quạnh này cũng chẳng nhờ được ai giúp đỡ cả.

Đi được một lúc thấy mỏi chân quá Vũ bèn quay sang bàn với tôi: “Đi bộ thế này không ổn đâu mày ạ, tí có xe buýt qua cứ nhảy lên đi, cả ngày làm thêm đủ mệt lắm rồi!”

Tôi hỏi tiền đâu mà đi, hắn nói cứ liều nhảy lên rồi tính.

Sau đó, khi gặp một chiếc xe buýt Vũ bèn vẫy xe rồi nhảy lên trước, lúc đầu tôi cũng do dự, nhưng rồi nghĩ chẳng còn cách nào khác nên tôi cũng đành nhảy theo hắn.

Rồi cửa xe buýt đóng lại, anh phụ xe đang đứng ở phía dưới, thấy có hai khách lên cửa trên anh ta bèn lách qua đám khách để đi tới thu tiền bọn tôi.

Khi ấy Vũ bắt đầu chiêu xin xỏ, tôi nhớ mãi giọng thằng bạn mình lúc ấy, bình thường giọng nó oang oang mà lúc ấy nghe rất mềm mại và nhỏ nhẹ: “Anh ơi, bọn em sinh viên hết tiền, anh cho bọn em đi nhờ một đoạn…”

Rất tiếc, ông phụ xe hôm ấy còn nóng tính hơn ông phụ xe hôm nay. “Thôi thôi! Tôi cũng xin các ông đấy. Xuống ngay! Xuống ngay cho tôi nhờ!!” Ông ta vừa quát vừa đẩy lưng bọn tôi xuống đường luôn. Tôi và Vũ thì cứ ú ớ không nói nên lời, chúng tôi không nghĩ nhà xe sẽ phản ứng mạnh đến vậy.

Kết cục là vẫn phải đi bộ, cả ngày hôm đấy đi làm đã mệt rã rời rồi mà vẫn phải cuốc bộ đến hai cây số, xuống đến nơi thì phòng trọ đóng cửa, thằng bạn chờ lâu quá không thấy hai đứa đâu nên bỏ ra ngoài quán điện tử gần nhà ngồi chơi. Tôi và Vũ không biết đi đâu tìm đành ngồi chờ trước cửa, hai thằng vừa đói, vừa mệt, lại vừa buồn ngủ.

Đến nửa đêm thì thằng bạn chết tiệt ấy mới về, vừa nhìn thấy nó là Vũ nổi cơn tam bành, hắn chửi bới um tỏi cả lên, giọng hắn vốn đã to, trong đêm tĩnh mịch nghe lại càng vang, rồi lại được mấy con chó quanh đấy nữa, thấy tiếng động nên bọn nó sủa inh ỏi phụ họa vào với hắn, thế là cả xóm trọ đêm ấy được một phen mất ngủ.

“Câu chuyện của bọn anh….” Vị khách trẻ nói sau khi nghe xong. “Câu chuyện của bọn anh nghe vừa buồn cười… lại vừa có điều gì đó rất ngậm ngùi!”

“Ừ, người ta gọi là tình huống dở khóc dở cười đấy!” Tôi nói. “Cũng từ trải nghiệm ấy mà bây giờ thỉnh thoảng đi xe gặp ai thật sự khó khăn là anh cũng giúp như vừa giúp em vậy.”

“Nhưng làm sao anh biết họ thật sự khó khăn ạ?”

“Dựa vào vốn sống và trực giác của mình thôi em ạ!”

“Vâng. Thật ra thì… em cũng đang tính là nếu họ cứ kiên quyết cho xuống giữa đường thì em xuống cũng được, rồi em sẽ nhờ bạn bè ra đón sau.” Cậu ta nói. “Nhưng thật may mắn quá, lại gặp được anh.”

Sau một hồi hỏi thăm, tôi được biết anh chàng này tên là Tú, đang học khoa báo chí năm cuối ở trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, gia cảnh cậu ta cũng khá khó khăn, dưới Tú còn một cô em gái đang học lớp mười.

“Xã hội nhân văn à? Thú vị thật đấy!” Tôi cười tủm tỉm và nói. “Vậy anh em mình là đồng môn rồi, anh là cựu sinh viên của ngôi trường quay lưng lại với đời ấy đây!”

“Thật hả anh??” Tú tỏ ra vừa ngạc nhiên vừa thích thú. “Mà sao anh lại nói là trường mình quay lưng lại với đời ạ?”

“Ơ.” Tôi nói. “Em học ở đấy mấy năm mà không biết trường mình được gọi là ngôi trường quay lưng lại với đời à?”

“Vâng.” Tú khẽ gật đầu. “Đây là lần đầu em nghe đấy ạ!”

“Thế à!?” Tôi nói. “Chắc bây giờ người ta ít nói câu ấy, hồi trước bọn anh hay gọi vui trường mình là ngôi trường quay lưng lại với đời, bởi vì trường mình có dãy nhà A rất dài được xây quay lưng lại với mặt đường chính, khi đứng từ ngoài nhìn vào cảm giác giống như một người đang quay lưng lại với thế giới xô bồ ồn ã bên ngoài để mà học hành nghiên cứu, để mà trầm tư mặc tưởng.”

“À, hóa ra là vậy.” Tú nói. “Thật ra em học hành cũng hơi chểnh mảng anh ạ, nhiều khi em cũng không để ý chuyện trường lớp lắm.”

“Vậy à?! Trường mình còn nhiều điều thú vị lắm, nếu em bỏ sót là điều rất đáng tiếc đấy!”

“Vâng. Hôm nay nhờ anh nói em mới nhận ra điều ấy đấy!” Tú nói. “Mà anh Kiên là học khóa bao nhiêu trường mình thế ạ?”

“Anh học trước em nhiều khóa lắm, anh học khoa lịch sử, ra trường từ năm 2010 cơ.”

“Lâu rồi anh có về thăm trường mình không?”

“Thật ra… vì anh định cư ở trong Nam nên rất ít dịp đi ra miền Bắc, nhưng anh vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về trường mình, so với thời anh học thì có nhiều thay đổi rồi, hồi ấy vẫn còn hàng cây xà cừ cổ thụ ở dọc đường đi trước cổng trường cơ, đấy cũng là những năm đầu tiên áp dụng học chế tín chỉ trong các trường đại học.”

“À, vậy ạ!?”

“Mà nghĩ cũng lạ nhé!” Tôi nói. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn, có những thay đổi rất bình thường của trường cũ thôi mà cũng làm anh thấy rất bâng khuâng, như hồi bọn anh học còn có cái bồn nước trước cửa nhà E ấy, trong đó có một hòn bi đá to rất đặc trưng, ngày xưa ngồi chơi ở đấy suốt chẳng thấy gì, nhưng đến năm 2013, khi người ta bỏ nó đi thì mình lại cảm thấy trống vắng ở trong lòng, như kiểu bị mất đi một thứ gì đó rất thân thuộc ấy…”

“Vâng, em hiểu.” Tú cười thích thú khi nghe những tâm sự lan man của tôi.

Đang nói dở thì có tiếng chuông điện thoại cắt ngang câu chuyện của hai anh em.

Tôi lấy máy trong túi ra xem thì thấy số của cơ quan gọi đến.

Là một anh đồng nghiệp tìm tôi, anh ta nhắc tôi về việc chưa gửi mấy bài báo theo như kế hoạch đã đăng ký trước với cơ quan.

Tôi nhờ Tú với hộ chiếc túi đựng laptop trong hộc chứa đồ ở ngay trên đầu chúng tôi, cậu ta nhanh nhẹn đứng dậy lấy giúp. Sau đó tôi lấy chiếc laptop hiệu Vaio ra đặt lên trên đùi và mở máy xem lại mấy bài báo đang viết dở.

“Chẳng là anh đang phụ trách mảng tấm lòng nhân ái của cơ quan.” Tôi vừa gõ máy vừa nói với Tú. “Hiểu đơn giản là bọn anh kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn đọc cho những người không may gặp hoàn cảnh khó khăn ấy. Có mấy trường hợp này phải hoàn thiện sớm mà hai hôm nay say sưa quá nên anh quên khuấy mất.”

“À vâng.” Tú nói. “Vậy anh cứ làm cho xong đi ạ!”

“Ừ. Em thông cảm tí nhé!” Tôi nói và bắt đầu dồn hết sự tập trung cho bài báo.

Tôi đang viết về trường hợp một em học sinh lớp năm rất đáng thương, bố mẹ em bị bạo bệnh qua đời từ khi em còn rất nhỏ, em phải sống dựa vào người bác nhưng đến gần đây thì bác lại mất vì bệnh tim, hiện tại em ở với ông nội đã ngoài chín mươi tuổi, cuộc sống hai ông cháu họ có thể nói là khó khăn trăm bề.

Lần nào tôi đến thăm cũng thấy em ấy ngồi thui thủi một mình hý hoáy vẽ tranh, chẳng đi ra ngoài xóm chơi với ai cả. Cách đây hai tuần khi đến lấy tư liệu về viết bài, vô tình nhìn thấy trên bàn học những bức tranh em ấy vẽ về một gia đình có đủ bố đủ mẹ, tôi đã xúc động đến mức không cầm được nước mắt.

Tôi cũng là người đã mất hết cha mẹ nên rất đồng cảm với em ấy, tôi viết cho em ấy mà cảm thấy như đang viết tâm sự của mình ra vậy, những cảm xúc cứ thế ào ào tuôn chảy ra, chỉ trong mười lăm phút đã hoàn thiện được một bài báo tương đối dài.

Sau khi bấm nút gửi bài viết qua email về cho cơ quan, tôi thở phào và ngả người về phía sau thư giãn. Vẫn còn một bài nữa nhưng người mệt quá nên trong email tôi đã xin nợ để tối về viết nốt.

“Ok rồi, anh em mình nói tiếp nhé!” Tôi quay sang Tú thì thấy anh chàng sắp ngủ gật rồi.

Nghe tiếng tôi Tú giật mình tỉnh giấc: “À… à, vâng anh.”

“Nhìn em có vẻ hơi mệt mỏi đấy!?” Tôi hỏi. Bây giờ tôi mới để ý kỹ, có một sắc thái gì đó rất buồn trong đôi mắt của chàng trai này.

“Vâng.” Tú ngại ngùng gãi đầu gãi tai và nói. “Tại cả đêm qua em thức trên viện nên hơi thiếu ngủ một tí anh ạ!”

“Hay em chợp mắt một chút đi đã.”

“Dạ thôi. Ngủ thì lúc nào chả được hả anh.” Tú nói. “Chẳng mấy khi được nghe các tiền bối nói chuyện thế này, những kinh nghiệm của anh chắc chắn sẽ là những bài học rất giá trị với sinh viên sắp ra trường như em.”

Tôi quan sát gương mặt cầu thị của cậu ta và khẽ mỉm cười, tôi cũng từng là sinh viên nên thấu hiểu được ít nhiều tâm trạng của Tú trong thời gian này, năm cuối đại học, với ai cũng vậy, đều là một giai đoạn bước ngoặt quan trọng với rất nhiều dự định, rất nhiều suy tư và trăn trở.

“Ừm.” Tôi gật đầu và nói với Tú. “Vậy anh em mình tiếp tục nhé!”

Sau đó chúng tôi tiếp tục câu chuyện đang nói dở về ngôi trường xã hội nhân văn yêu quý và về quãng đời sinh viên, tôi và Tú đều là người vui vẻ cởi mở, tính cách hai anh em có nhiều điểm giống nhau nên không khí càng lúc càng trở nên sôi nổi.

Khi nói đến chủ đề định hướng tương lai, Tú chậm rãi chia sẻ: “Không giấu gì anh… Mong muốn lớn nhất bây giờ của em là được sớm ra trường đi làm, để có tiền phụ giúp bố mẹ và lo cho em gái em nữa.”

“Ừ. Còn một năm thì cũng nhanh thôi.” Tôi nói. “Được cái em học báo chí thì ra làm báo cũng thuận, như anh làm trái ngành học, lúc đầu ra cũng phải loạng choạng mất mấy tháng đấy.”

“Vâng, em thì học viết báo lâu rồi, mấy năm nay em cũng cộng tác với một tờ báo điện tử chuyên về lĩnh vực kinh tế tiêu dùng.”

“Vậy hả?” Tôi nói. “Thế em thấy nghề này thế nào? Có hợp với mình không?”

“Em cũng chưa biết nữa. Tại em mới chỉ tiếp xúc bước đầu.” Tú nói với gương mặt đăm chiêu. “Mỗi khi thấy bài viết của mình được đăng lên mạng là trong lòng em lại dâng lên một niềm hạnh phúc khó tả, tuy nhiên, bên cạnh đấy, em cũng thấy nghề này có rất nhiều khó khăn, nhiều khi người ta không đồng ý cho mình phỏng vấn hoặc họ hẹn mình nhiều lần rồi sau đó lại cố tình tránh mặt để làm mình nản chí ấy, hồi trước anh có gặp tình huống ấy không ạ?”

“Ôi, thế đã là gì!?” Tôi bật cười. “Em có biết hồi mới vào nghề anh đã bị người ta giật máy ảnh đến ba bốn lần rồi không, tin nhắn dọa dẫm thì đến giờ vẫn nhận đều đều, em thích thì anh mở điện thoại cho xem luôn này.”

“Chắc là liên quan đến những phóng sự điều tra hả anh?”

“Ừ, cũng như đi học ấy mà, thỉnh thoảng lại gặp phải những bài toán khó.” Tôi tặc lưỡi. “Nói chung thì nghề báo là một nghề hấp dẫn nhưng cũng nhiều thách thức, hào quang cũng có mà chông gai cũng nhiều. Nói thật với em, thỉnh thoảng đôi lúc anh cũng muốn buông xuôi tất cả, có giai đoạn anh đã bỏ viết hẳn một thời gian, rồi anh đi du lịch bụi, đi làm việc nọ việc kia kiếm tiền, nhưng có lẽ tình yêu nghề nó đã ăn vào máu mình rồi, mình phải sống với nó và chết với nó, không thể nào mà bỏ được.”

“Anh nói hay quá!”

“Ừ thì…” Tôi cười ngượng ngùng. “Đấy là một chút đúc kết của anh sau nhiều năm gắn bó với nghề này.”

“Em có ông bác là nhà báo trên Hà Nội, ông ấy nói về nghề báo cũng rất giống anh.”

“À, em có người nhà làm trong nghề à?” Tôi nói.

“Vâng, là họ hàng xa anh ạ.”

“Có người dẫn dắt như thế thì yên tâm quá rồi.”

“Vâng, có người đi trước chỉ bảo nên đầu ra em không ngại lắm, vấn đề chỉ là em muốn thời gian qua nhanh một chút thôi.”

“Cần gì vội vàng thế?!” Tôi nói. “Nhiều khi… lúc đi học thì muốn đi làm, nhưng đến khi đi làm rồi lại tiếc thời đi học đấy.”

“Anh thật sự thấy thế ạ?” Tú nhìn tôi với ánh mắt đầy hoài nghi.

“Anh hiểu ý em.” Tôi nói. “Thật ra… lúc bằng tuổi em anh cũng chỉ mong được ra trường càng nhanh càng tốt, nhưng đến giờ thỉnh thoảng anh lại thấy tiếc những ngày tuổi trẻ của mình lắm, hồi ấy có nhiều thời gian để đọc sách, để đi du lịch bụi, để mơ mộng, cuộc sống sinh viên tuy đơn giản, nghèo nàn nhưng rất chân thành, không nhiều mưu toan dối trá như khi ra đời.”

“Em hiểu ý anh.” Cậu sinh viên chưa va chạm cuộc sống nhiều chăm chú lắng nghe.

“Những ngày ấy…” Tôi nói tiếp. “Anh chưa phải quay cuồng với đồng tiền, chưa phải để ý giá vàng, không phải suốt ngày nghe ngóng dự án này dự án nọ. Không biết em thế nào, chứ tính anh không thích dây vào tiền bạc lắm, cũng chỉ vì mưu sinh mà buộc phải yêu lấy đồng tiền thôi.”

“Vâng, em cũng giống anh, với tiền bạc thì em cũng bình thường...” Tú ngập ngừng một chút rồi nói tiếp. “Nhưng sắp tới chắc sẽ phải đau đầu với chuyện ấy. Chẳng là em có cô bạn gái, em cũng muốn tính chuyện tương lai nhưng thỉnh thoảng cô ấy chê em vẫn còn trẻ con, chưa biết lo toan.”

“Người yêu em đang học ở đâu?”

“Cũng sinh viên trường mình đấy anh, cùng khóa với em luôn.”

“À, bằng tuổi à. Bằng tuổi thì suy nghĩ của con gái thường già dặn hơn con trai đấy.”

“Vâng. Thời gian này quan hệ hai đứa em cũng hay trục trặc, người nhà cô ấy cũng không quý em cho lắm, họ không thích con mình yêu người bằng tuổi, sợ sau này vợ chồng về sẽ cãi nhau suốt ngày như trẻ con.”

“Em có chơi điện tử không?”

“Em có. Sao anh lại hỏi chuyện ấy?”

“Từ kinh nghiệm của mình anh đoán ra thôi, nhiều khi những thứ ấy tạo cho người ta cảm giác em chưa trưởng thành.”

“Anh nói đúng đấy, cô ấy cũng hay chê em lớn rồi mà còn thích chơi điện tử, em cũng đang tính bỏ dần anh ạ!”

“Ừ. Để thời gian mà làm việc khác em ạ!” Tôi lựa lời động viên. “Chuyện tình cảm là một chủ đề rất khó đưa ra lời khuyên, anh không biết phải nói thế nào nữa, chỉ khuyên em hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định làm bất cứ điều gì.”

“Vâng. Em hiểu.” Tú nói. “Em rất cám ơn góp ý của anh.”

Chưa biết nói về chủ đề gì nữa nên hai anh em cùng im lặng ngồi nhìn cơn mưa rào qua ô cửa kính.

Khoảng chừng mười phút sau thì Tú chủ động hỏi chuyện tôi: “Đợt này chắc anh Kiên ra Hà Nội công tác ạ?”

“À… không, anh ra chơi thôi, tiện thăm lại bạn bè cũ.” Tôi nói. “Cũng không giấu gì em, lý do chính lần này anh ra Hà Nội là vì lời hứa với một cô gái, khi ra trường hai đứa anh đã hứa đến năm ba mươi tuổi sẽ gặp lại nhau ở hồ Gươm vào một ngày mùa thu.”

“Chà, một lời hứa rất lãng mạn!” Tú cười tủm tỉm. “Chắc chị ấy là người yêu cũ của anh ạ?”

“Người yêu cũ?!” Tôi lẩm bẩm. “Cái này… cái này thì anh không chắc chắn lắm, nhưng đó là một người con gái rất đặc biệt trong cuộc đời anh.”

“Rất đặc biệt… mà lại không phải là người yêu?!” Tú nheo nheo mắt nhìn tôi. “Anh làm em tò mò quá! Hay anh kể cho em nghe một chút về chị ấy được không ạ?”

Câu hỏi của Tú làm tôi ngớ người ra, tôi và Lan đã có rất nhiều kỷ niệm với nhau, nhưng từ ngày ra trường quá bận rộn với việc mưu sinh nên tôi chưa bao giờ thử sắp xếp lại tất cả những ký ức của chúng tôi thành một câu chuyện có đầu có cuối cả.

Thấy tôi tỏ ra do dự Tú bèn nói: “À, thôi… nếu anh thấy không tiện thì thôi, mình nói chuyện khác đi ạ!”

“Không, không có gì bất tiện cả.” Tôi xua tay. “Chỉ là câu hỏi của em làm anh hơi rối trí một chút, anh chưa biết phải kể về cô ấy như thế nào.”

“Hay anh kể từ lần gặp đầu tiên đi.” Tú gợi ý. “Em đoán hai người đã gặp nhau trong một hoàn cảnh rất lãng mạn?!”

“Không, nói lãng mạn thì không phải em ạ.” Tôi nói, rồi tôi bắt đầu lục lọi tìm kiếm trong tâm trí mình những mảnh ghép kỷ niệm của tôi và Lan, những lời chúng tôi đã nói, những nơi chúng tôi đã đi qua, những ngọt ngào và tuyệt vọng hai đứa đã cùng trải qua trong năm cuối cùng của thời đại học ấy.

“Lần đầu tiên bọn anh gặp nhau…” Tôi nói chậm rãi, vừa nói vừa bắt đầu dò dẫm xếp đặt từng mảnh ghép vào đúng vị trí của nó. “Biết nói thế nào nhỉ… Lần đầu tiên gặp nhau ấy rất đời thường thôi em ạ! Một cuộc gặp gỡ nhẹ nhàng và dung dị, tuy nhiên, cuộc gặp ấy đã để lại cho anh một ấn tượng rất sâu đậm, sâu đậm đến mức suốt cuộc đời này không bao giờ anh có thể quên được…”
Bình Luận (0)
Comment