Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa

Chương 48


“Tự thủy lưu niên” mở cửa trở lại, phong cách bài trí đặc biệt hơn hẳn các spa bình thường khác.

Vừa bước vào cửa là một bức bình phong bằng kính rực rỡ sắc màu, trên đó vẽ cảnh Moses chỉ huy đoàn người Israel vượt qua biển Đỏ trong Sách Xuất Hành của “Kinh Thánh”, tái hiện hình ảnh vạn cơn sóng dữ giữa biển Đỏ xẻ ra đôi bề như bị dao chém, lộ ra một con đường chật hẹp quanh co.

Bức bình phong rất đặc biệt này chính là món quà Nghiêm Cẩn cho người mang tới nhân dịp khai trương.

Tuy bản thân đang bị mẹ nhốt ở nhà dưỡng thương, nhưng anh vẫn nhờ người ta chuyển lời rằng: Nếu không thích, Quý Hiểu Âu không cần trả lại, cứ đập vỡ ngay tại chỗ cho vui tai.

Song, Quý Hiểu Âu lại rất thích bức bình phong này nên đã lấp lửng nhận lấy.
Đi qua bình phong tiến vào phòng trong, không gian không khác gì xâm nhập vào rừng mưa nhiệt đới, màu xanh của cây cối ở khắp mọi nơi, sắc xanh bạt ngàn đến nỗi dường như nước màu xanh có thể mặc sức chảy ra bất cứ lúc nào.

Quý Hiểu Âu còn bấm bụng dùng khoảng không gian có thể kê được ít nhất bốn ghế thẩm mỹ để bài trí thành một căn phòng nhỏ có ánh nắng là nơi thưởng thức trà bánh, trò chuyện thân mật.

Nếu nhìn vào trong qua cửa lớn mặt đường sẽ thấy các dụng cụ bằng gỗ trắng, cửa khung mái vòm, những thứ đồ nhỏ bằng vải bông trắng, không khác gì một căn phòng mẫu rất có hơi thở gia đình.

Suy nghĩ biến không gian thành một căn nhà miền cao trở nên vô cùng nổi bật giữa chốn thị thành cửa hàng la liệt trong khói bụi đô thị, vì thế chẳng khó hiểu khi đã hấp dẫn được biết bao ánh mắt của người đi đường.
Cửa hàng vừa được khai trương, lượng khách hàng tăng đột biến, ngoài ra spa còn có thêm các dịch vụ mới như spa toàn thân…, Quý Hiểu Âu đành phải thuê thêm hai chuyên viên thẩm mỹ, nếu tính cả cô, hiện tại cửa hàng đã có sáu người, khách vào ra tấp nập, cửa hàng phát triển không ngừng.

Đồng thời, sự nghiệp của cô cũng có một bước tiến mới, trong tháng đã có một vài nhân viên tuyển dụng của các công ty hoặc tổ chức tìm tới, mời cô tới hướng dẫn các thứ về làm đẹp cho nữ nhân viên của họ.

Những thứ như vậy đều là phúc lợi miễn phí của công ty, dĩ nhiên tiền công không đáng là bao nhưng lại mang về cho Quý Hiểu Âu nguồn khách hàng ẩn danh rất lớn, và thế là, cô lại đang bắt đầu suy nghĩ liệu có nên mở thêm một chi nhánh vào cuối năm hay không.
Về phần thẩm mỹ viện “Tuyết phù” đối diện, chẳng biết từ bao giờ biển hiệu đã được đổi tên thành “EverCare”, có lẽ đã sang nhượng mặt bằng rồi.

Thấy bên đó lại treo biển khai trương giảm giá ngoài cửa, thái độ của Quý Hiểu Âu lần này đã bình thản hơn trước đây nhiều.

Sau nửa năm cạnh tranh, hai bên đã có đối tượng khách hàng tương đối ổn định, tuy là cùng ngành nhưng hoàn toàn là hai thế giới khác biệt.

Cô chỉ cố gắng làm thật tốt việc của mình, không muốn hơn thua với ai nữa.
Tuy bận rộn là thế nhưng đầu óc và trái tim cô lại vô cùng hoang vắng.

Cô không cho phép bản thân nhớ đến bất cứ giây phút nào ở bên Nghiêm Cẩn.

Nhưng trí nhớ đâu có nghe theo sự điều khiển, giống như chiếc đầu đĩa DVD dùng đã lâu, đầu đọc đã hỏng, cứ tua đi tua lại không biết bao nhiêu lần các tình tiết trong quá khứ, hoàn toàn phá vỡ thế giới quan và giá trị quan cô vất vả tạo dựng suốt hai mươi năm qua đến không còn một mảnh vụn.

Chính trong sự giày vò nửa nóng nửa lạnh ấy, bà Triệu Á Mẫn gọi điện cho cô.

Bà nói: “Mấy hôm trước con lén lút về nhà ăn hết cả nồi canh là sao hả? Cũng may lão Vương trên lầu thấy con, nếu không mẹ sợ chết khiếp mất, cứ tưởng nhà có trộm đột nhập!”
Quý Hiểu Âu vẫn đang giận dỗi mẹ nào chịu lên tiếng.

Bà Triệu Á Mẫn nói tiếp: “Mẹ vừa nấu canh vịt hầm lê trắng, con về ăn nhé.

Chỗ con chẳng có gì thì ăn uống làm sao? Ở quen không? Về nhà đi.”
Quý Hiểu Âu mạnh miệng đáp lại: “Con ở đây rất tốt, con không về đâu.”
Bà Triệu liền thỏa hiệp: “Vậy từ giờ mẹ sẽ không nói chuyện đó nữa được chưa? Mẹ nói nhiều chẳng phải vì muốn tốt cho con sao? Sau này ba mẹ đều đi trước con, đến lúc ấy con còn chẳng có nhà thì ngày lễ ngày tết sẽ cô đơn lắm đó.

Nếu Hiểu Bằng là con gái còn đỡ, hai chị em chăm sóc nhau nhưng trời sinh nó lại là con trai, con bảo mẹ yên tâm được hay sao?” Nói đến đây, bà xúc động bảo: “Hiểu Âu, ngày trước mẹ đã lơ là con quá nhiều, khi con lớn rồi mẹ luôn muốn bù đắp nhưng lại chẳng làm được gì.

Ba con bảo mẹ với con là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nhưng ông ấy nào biết thời gian tốt nhất để bồi dưỡng tình mẫu tử là lúc mẹ đang ở cùng ông ấy ở Tây Tạng chứ!”
Bà nói làm Quý Hiểu Âu không khỏi mủi lòng, nghẹn ngào bảo: “Mẹ đừng nói nữa, hôm nay hết khách con sẽ về nhà.”
Hai mẹ con hiếm khi đồng lòng như vậy, khóc lóc sụt sùi trong điện thoại.

Để lấy lòng con gái, tình yêu thương chan chứa của bà Triệu Á Mẫn còn lan sang cả bạn bè của cô: “Lúc trước con bảo có cậu em của bạn học muốn đưa về nhà ăn bữa cơm mà, sao vẫn chưa thấy dẫn tới?”
Nhắc tới Trạm Vũ, cổ họng Quý Hiểu Âu như nghẹn lại.

Đã hơn hai tháng, bất kể cô khúm núm, xin lỗi nhiều đến thế nào, Trạm Vũ vẫn không chịu gặp cô, sau đó, thậm chí cậu còn không nghe điện thoại cô gọi tới nữa.

Nhạc chờ điện thoại của cậu chính là ca khúc “Tôi” của Trương Quốc Vinh.

Mỗi khi điện thoại được kết nối, nghe thấy tiếng ca đến từ bên kia thế giới của người ca sĩ quá cố “Tôi chỉ là tôi, một luồng khói lửa khác biệt”, Quý Hiểu Âu đều ôm lòng hy vọng vô hạn nhưng vẫn chẳng nghe được tiếng “chị” mà cô hằng mong ước.
Mặc dù Trạm Vũ không còn liên lạc với cô nhưng cứ cách hai tuần Quý Hiểu Âu vẫn tới thăm bà Lý Mĩ Cầm, nhân thể mang cho bà thuốc và đồ ăn.

Thế nhưng cô chưa lần nào gặp Trạm Vũ ở nhà.

Lần đầu Lý Mĩ Cầm thấy cô thì bảo: Ôi, xui ghê, Tiểu Vũ có việc vừa mới ra ngoài; lần thứ hai lại nói: Tiểu Vũ gọi điện về bảo hôm nay nó làm thêm, không về được.

Quý Hiểu Âu hiểu rằng Trạm Vũ đang cố tình tránh mặt mình.
Trạm Vũ không tha thứ cho cô nhưng thái độ của bà Lý Mĩ Cầm lại vẫn thế, chứng tỏ Trạm Vũ chưa nói gì.

Nhưng bà ngày càng mong mỏi tha thiết vào cuộc phẫu thuật khớp, ngoài con trai, sự chờ đợi này đã trở thành hy vọng sống duy nhất của bà.

Lần nào gặp Quý Hiểu Âu bà cũng hỏi bao giờ các bác sĩ mới đánh giá xong? Quý Hiểu Âu nghĩ nát óc, tìm đủ lý do khác nhau, thấy sự hoài nghi của bà ngày một lớn dần, Quý Hiểu Âu khó lòng chống chế được nữa, cô vẫn muốn tìm một cơ hội nào đó để nói ra sự thật nhưng bệnh tình bà diễn biến quá nhanh làm cô chẳng còn cơ hội.

Chớp mắt đã tới trung tuần tháng mười hai, Quý Hiểu Âu nhận được điện thoại của bà Lý Mĩ Cầm lúc hơn mười một giờ đêm.

Cô nhấn nút nhận cuộc gọi nhưng lại chẳng nghe thấy tiếng nói ở đầu dây bên kia, chỉ có âm thanh mơ hồ truyền tới từ xa, dường như là tiếng ngã, rất lâu, rất lâu sau Quý Hiểu Âu mới nghe thấy tiếng thở gấp gáp vọng ra, một giọng nói mơ hồ bảo rằng: “Cứu tôi với…” Da đầu Quý Hiểu Âu căng lên, cố gắng lắng nghe thì lại chẳng có tiếng động nào nữa.
Quý Hiểu Âu nóng lòng mặc áo khoác đi ngay, thậm chí không kịp chào ba mẹ một câu.

Khi đứng bên vỉa hè bắt taxi, Quý Hiểu Âu mới nhận ra mình còn đi nguyên đôi dép lê.

Vừa lên xe, cô lập tức gọi điện cho Trạm Vũ thì tắt máy, gọi tới trường thì người ta bảo cậu không có ở ký túc xá, sau đó cô gọi tới nhà cậu thì đường dây cứ bận mãi.

Dù nóng ruột lắm nhưng cô cũng hết cách, đành liên tục giục bác tài nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên…
Bị cô giục mãi, bác tài cũng phát cáu: “Này cô gái, Thần Châu 6(1) nhanh đó, sao cô không lên đó mà ngồi?”
(1) Tên một con tàu vũ trụ của TQ.
Đúng lúc này điện thoại đổ chuông, thì ra là ông Quý Triệu Lâm gọi tới, hỏi con gái đi đâu làm gì.

Ông Quý Triệu Lâm trước đây từng làm việc ở phòng cấp cứu nên rất có kinh nghiệm, nghe con gái lộn xộn kể lại tình hình, ông liền chỉ dẫn: “Chắc không có ai ở nhà, bệnh nhân đã ngất rồi, con mau gọi cấp cứu 115 ngay.

Ngoài ra, nếu không có ai ở nhà, con phải gọi cả cảnh sát 113 nữa, cảnh sát tới sẽ nghĩ cách phá cửa xông vào nhà.”
Cuối cùng ý thức lộn xộn của Quý Hiểu Âu cũng được khai sáng phần nào, lập tức vâng lời.

Khi cô tới sân nhà Trạm Vũ, xe cấp cứu 115 đã tới rồi.

Biết khu này không có thang máy, người hộ lý khiêng cáng liền không chịu đi lên.

Quý Hiểu Âu suy nghĩ rồi rút ví lấy ra hai tờ 100 đồng, nhét vào tay mỗi người một tờ hai người hộ lý mới than thở đi theo cô lên lầu.
Đến tầng bảy, quả nhiên gõ cửa mãi vẫn không có ai ra mở, may có lời nhắc nhở của ông Quý Triệu Lâm nên chỉ một lát sau cảnh sát cũng tới, đưa cả thợ mở khóa và dụng cụ tới.

Quý Hiểu Âu nói rõ sự tình, nộp chứng minh thư chứng minh thân phận, còn ký tên vào một biên bản xong xuôi, cảnh sát mới bắt đầu làm việc.
Phương án đầu tiên là sử dụng xà beng.

Đối với cửa chống trộm bình thường, xà beng là công cụ mở khóa rất nhanh và hiệu quả.

Nhưng lần này người ta dùng xà beng cạy đến chục lần, bản lề đã bung cả ra nhưng khóa cửa vẫn trơ trơ ở đó.

Thợ mở khóa tới xem thì bảo cửa chống trộm này chất lượng quá, bản lề dày hơn loại bình thường rất nhiều, khóa cũng chắc, thường chỉ có biệt thự mới dùng tới cửa chống trộm loại này.

Vì vậy, họ đành sử dụng phương pháp thứ hai, đột nhập qua nhà kế bên.

Một cảnh sát xuống dưới khảo sát tình hình rồi lập tức bác bỏ phương án này.

Lý do là vì khu nhà đang được giải tỏa, đa số đã dọn đi, buổi tối phán đoán qua ánh đèn thì chẳng còn mấy hộ sống ở đây, hơn nữa tầng trên, tầng dưới nhà Trạm Vũ đều tối đèn.

Vả lại, nhà tập thể kiểu cũ này đều không có ban công, cửa sổ cũng cách nhau khoảng ba mét, kể cả có thể đi vào nhà hàng xóm thì muốn trèo lên tầng bảy vào nhà Trạm Vũ – nơi cách mặt đất hơn 20m qua cửa sổ cũng chỉ có cảnh sát phòng cháy chữa cháy hay bộ đội đặc công mới làm được.
Đến mức này đành nhờ thợ khóa ra tay.

Không ngờ thợ khóa hí hoáy mấy phút rồi bất đắc dĩ quay lại nói không được, khóa chống trộm là loại B cấu tạo bi tròn hai hàng, là loại khó nhất đối với họ, hơn nữa hành lang lại tối như mực, tuy có đèn nhưng cái sáng cái tắt, muốn sáng phải dùng đèn pin, anh ta cũng không dám đảm bảo bao lâu mới mở được.
Mọi người nhìn nhau một hồi, hai cảnh sát ra một góc nói chuyện, bảo chẳng lẽ phải gọi 119 mang cưa điện tới để phá cửa? Nhưng phá cửa bạo lực như vậy cần được cấp trên cho phép, không đến mức vạn bất đắc dĩ thì không được dùng tới.

Trong khi đó, Quý Hiểu Âu vẫn thử gọi cho Trạm Vũ, cậu vẫn chưa mở máy, làm cô cuống quýt chẳng biết làm gì.

Giữa không gian ồn ào đó, cô chợt nhớ tới một người luôn tự xưng là chuyên gia phá khóa.
Quý Hiểu Âu đi tới một góc vắng vẻ, phân vân vài phút rồi cuối cùng tự nói với mình, đều vì cứu người mà thôi, dù có nuốt lời thì cũng phải mặt dày một phen.

Sau khi bấm nút gọi đi, vừa nghe tiếng tút tút báo đường dây được kết nối, Quý Hiểu Âu vừa tự phỉ báng mình: Hơn nửa tháng trước còn vạch rõ giới hạn với người ta, bây giờ lại chủ động nhờ vả.

Người khác đều “có gì khó gọi cảnh sát”, mình lại trở thành “có gì khó gọi Nghiêm Cẩn”.

Đến bây giờ cô mới nhận ra bản thân nợ Nghiêm Cẩn biết bao ân tình.
Nghiêm Cẩn nghe điện thoại, giọng anh sang sảng, rõ ràng vẫn chưa ngủ.

Nghe Quý Hiểu Âu dè dặt hỏi anh đã khỏe hơn chưa, anh chỉ đáp cũng khỏe rồi, rồi ngỏ ý cho phép cô tiếp tục giãi bày, nói cô sao lại gọi, có cần anh giúp gì không.
Sau câu hỏi của anh là một khoảng không gian tĩnh lặng.

Cảm giác lặng lẽ lọt ra từ điện thoại của Quý Hiểu Âu, khuếch tán ra khắp không gian hành lang rồi ngấm vào gió lạnh.

Sự im lặng đó cũng khiến Quý Hiểu Âu tủi thân một cách khó hiểu, đôi mắt cô bỗng cay cay, cô đưa điện thoại ra xa, chuẩn bị gác máy.
Bỗng dưng Nghiêm Cẩn lên tiếng: “Loại khóa đó nếu dùng kỹ thuật bình thường phải mất 40-60 phút mới mở được, em bảo cảnh sát đừng bỏ cuộc, cố gắng cạy mở xem sao, anh tới ngay.”
Gác máy, chẳng có một câu vô nghĩa, hoàn toàn không giống phong cách xưa nay của Nghiêm Cẩn, trái lại có vẻ giống tác phong của Nghiêm Thận em gái anh hơn.
Thợ khóa vẫn kiên trì dùng dụng cụ chọc vào viên bi, một cảnh sát cầm đèn pin giúp, người cảnh sát còn lại cuối cùng đành gọi cho 119 nhờ tiếp ứng.

Quý Hiểu Âu sốt ruột không đợi được nữa, đành chạy ra góc hành lang vì chỉ ở đó mới có cửa để nhìn xuống dưới sân.
Hơn mười phút sau hai ánh đèn xe sáng trưng xé tan màn đêm tăm tối.

Nhờ luồng sáng tù mù của một cột đèn cao áp, Quý Hiểu Âu nhìn thấy một chiếc taxi đỗ dưới sân.

Một người bước xuống, đi vào khu tập thể.
Trái tim nóng bỏng của cô như được ve vuốt trong giây phút ấy, giữa một buổi đêm lộn xộn, trở thành sự mong mỏi và kiên định không thể nói thành lời.

Cuối cùng Nghiêm Cẩn đã xuất hiện, không như mọi khi đi hai, ba bậc cầu thang một lần, hôm nay anh phải vịn cầu thang đi từng bước một lên.

Anh vẫn phải đeo dụng cụ cố định xương bên hông, thứ này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thường ngày của anh.
Giây phút anh xuất hiện, trái tim Quý Hiểu Âu như bị ai đó véo mạnh một cái, cô nhận ra bản thân thật tệ, giữa đêm khuya gọi một bệnh nhân tới phân ưu giải hạn cho mình.

Cô xấu hổ đón anh, muốn nói một câu xin lỗi nhưng chẳng biết mở lời thế nào, cuối cùng lại mở miệng thốt ra một câu thừa thãi: “Anh đến rồi à?”
Nghiêm Cẩn không để ý đến dáng vẻ xấu hổ và bối rối của cô, anh cũng đáp lại một câu thừa thãi không kém: “Ừ, đến rồi.” Rồi chẳng cần ai mời mọc, anh chủ động bước tới, vịn tường ngồi xổm xuống bên cạnh thợ khóa bằng một tư thế rất không tự nhiên.
Tất nhiên cảnh sát hết sức nghi ngờ trước kỹ thuật của anh, ban đầu không đồng ý cho anh động vào.

Nghiêm Cẩn nói: “Cưa điện đang trên đường tới đúng không? Cho tôi mười phút, cứ để thử xem sao.”

ngôn tình hoàn
Bấy giờ cảnh sát mới chấp thuận, thợ khóa hậm hực nhường chỗ, Nghiêm Cẩn cầm dụng cụ của anh ta ghé sát mặt vào cánh cửa.

Ánh sáng của hai chiếc đèn pin đều tập trung trước mặt anh, tạo ra một đường cong mềm mại trên góc nghiêng của gương mặt đang chú tâm làm việc.
Bảy phút sau cảnh khiến người ta há hốc miệng đã tới, sau tiếng động cạch cạch không ngừng, còng khóa rời ra.

Mọi người có mặt tại đó đều nín thở, sợ mình thở mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến năng lực của Nghiêm Cẩn.

Theo tiếng động cuối cùng, cửa chống trộm đã bật mở.

Chẳng biết mấy người rảnh rỗi đã tụ tập trước cửa từ bao giờ, chắc là những hộ gia đình còn bám trụ khu nhà này nghe thấy ồn ào thì ra xem.

Giây phút cửa nhà bật mở, thậm chí có người còn reo lên rất không đúng lúc.
Cửa chống trộm đã bị hạ gục thì cửa gỗ lại quá đơn giản, xà beng bẩy nhẹ một cái là xong.
Sự việc quả nhiên không nằm ngoài dự đoán của ông Quý Triệu Lâm, bà Lý Mĩ Cầm ngất xỉu giữa nhà, gáy chảy rất nhiều máu.

Phán đoán qua hiện trường thì đầu tiên bà bị ngã dưới bếp, gáy đập vào bệ bếp, sau đó lê lết từ nhà bếp ra góc nhà, kéo điện thoại từ trên tủ xuống mới gọi được cú điện thoại cầu cứu kia.
Lý Mĩ Cầm được đưa ra bằng cáng, mọi người cũng đi ra theo.

Khi lướt qua Nghiêm Cẩn, Quý Hiểu Âu thoáng do dự rồi bất ngờ kiễng chân, hôn thật nhẹ vào má anh.
Đó cũng là bên mặt từng hứng chịu hai cái tát của cô ngày trước, đột nhiên được tiếp xúc với cánh môi mềm như hoa, Nghiêm Cẩn có cảm giác như đang nằm mơ, anh ôm mặt ngẩn ngơ.
“Quý Hiểu Âu, em không uống nhầm thuốc chứ?”
Quý Hiểu Âu cũng rất xấu hổ, đôi môi tự hành động không nghe theo sự chỉ huy của não bộ, làm ra chuyện khiến chính bản thân cô cũng phải thảng thốt.

May mà cô vẫn có thể quay lại, chống chế với Nghiêm Cẩn cũng như tự chống chế chính mình: “Anh thể hiện tốt lắm! Đây chỉ là lời khen thôi, đừng lầm tưởng!”
Cô đi theo xe cấp cứu tới bệnh viện còn Nghiêm Cẩn ở lại bị mời tới xe cảnh sát.

Anh phải phối hợp với cảnh sát, giải thích cho rõ: Tại sao lại có kỹ năng mở khóa điêu luyện thế? Tự học thành tài? Làm ở công ty mở khóa nào? Có tiền án tiền sự gì không? Đã bao giờ dùng kỹ thuật của mình làm chuyện gì phạm pháp chưa?.

Bình Luận (0)
Comment