Giếng Thở Than

Chương 18

Phòng bán đấu giá của một hãng bán đấu giá sách nổi tiếng ở London dĩ nhiên là nơi tập hợp đông đảo các nhà sưu tầm, nhân viên thư viện và những nhà buôn sách, chẳng những trong lúc tiến hành cuộc đấu giá, mà còn cả những khi sách mới tới được trưng bày ra để bán. Từ một phòng như vậy đã bắt đầu loạt sự kiện đáng chú ý sau đây mà tôi được nghe chi tiết cách đây vài tháng, bởi một ông James Denton, cử nhân văn chương, thành viên hội sưu tầm đồ cổ…đôi khi ở toà nhà Trinity, nay thì, hay là gần đây, ở thái ấp Rendcomb, quận Warwick.

Một ngày mùa xuân năm gần đây, ông lên London vài ngày có việc, nhân thể mua ít đồ đạc cho toà nhà mới xây xong ở Rendcomb. Hẳn các bạn thất vọng khi biết rằng Rencomb là toà thái ấp mới, biết làm sao được! Trước kia, nó cổ xưa lắm, nhưng cũng chẳng đẹp gì hoặc có gì đáng quan tâm khiến người ta chú ý. Mà dù đẹp hay đáng quan tâm cũng chẳng thoát được trận hỏa hoạn xảy ra cách đây mấy năm đã thiêu nó trụi sạch. May thay những thứ quý giá đã được chạy kip và ngôi nhà được bảo hiểm hiểu. Chẳng thế mà ông Denton khá nhẹ nhàng khi phải đối mặt với nhiệm vụ xây lại một ngôi nhà vừa mới lại vừa tiện nghi cho ông và bà dì, hai thành viên tạo thành gia đình – ménage – của ông.

Đang ở London, có thời gian, lại không xa phòng bán đấu giá nói trên là mấy, ông Denton tội gì không bỏ ra một giờ đồng hồ mà đến đấy, biết đâu may mắn vớ được bộ sưu tập các bản viết tay nổi tiếng của Thomas mà ông biết đang được trưng bày, trong đó có lịch sử cùng những bản đồ địa hình của khu thái ấp của ông ở Warwickshire.

Ông bèn đến đó, mua một quyển catalog ở phòng bán sách, nơi sách trưng bày được xếp trong hòm, một số trên bàn dài. Bên các giá sách hoặc ngồi quanh bàn là những bộ mặt quen thuộc, ông gật đầu chào hỏi khá nhiều người, sau đó ngồi xuống đọc quyển catalog, ghi chép một số mục. Đọc qua khoảng hai trăm trong số năm trăm lô – thỉnh thoảng ông đứng dậy nhấc một quyển khỏi giá sách và liếc qua một cái – thì có một bàn tay đặt lên vai ông. Ông nhìn lên. Đó là một trong số các trí thức râu nhọn mặt sơ mi flanen, thứ áo mà vào những năm cuối cùng của thế kỷ mười chín người ta sản xuất ra nhiều vô kể.

Tôi không có ý định kể ra đây toàn bộ cuộc trò chuyện trao đổi giữa hai người, chủ yếu nói tới những người quen chung, thí dụ như người cháu của bạn ông Denton mới lấy vợ và định cư ở Chelsea, em dâu của bạn ông Denton bị ốm nay đã khá hơn, rồi đồ sứ mà bạn ông Denton mới mua được với giá hời cách đây vài tháng – qua đây hẳn các bạn hình dung gọi là độc thoại thì đúng hơn là trao đổi. Tuy nhiên, sau một lát thì người bạn nghĩ hẳn ông Denton tới đây phải nhằm mục đích gì chứ, bèn hỏi "Ông có định tìm thứ gì đặc biệt không đấy? Ở lô này theo tôi nghĩ không có gì mấy." "Tôi cứ tưởng ở đây thế nào cũng có bộ sưu tập về Warwickshire cơ, hoá ra trong catalog có vẻ như không có." "Không có đâu" người bạn nói "à, nhưng mà tôi vừa mới thấy một cuốn nhật ký về Warwickshire hay sao ấy. Tên người viết là gì nhỉ…Drayton, Potter, Painter?..Chỉ biết nó bắt đầu bằng chữ P hay dường như, điều này thì tôi chắc."

Ông ta lật nhanh các trang giấy. "À, đây rồi, Poynter. Lô 486. Có thể ông quan tâm đấy. Còn sách thì ở ngay trên bàn đây này. Vừa có người đọc nó mà. Thôi tôi đi nhé."

"Chào ông. Lúc nào ông đến chúng tôi chơi nhé? Chiều nay được không? Bốn giờ có âm nhạc…Thế đành để lần khác vậy." Ông ta đi khỏi. Ông Denton xem giờ, cuống lên, sắp phải lấy hành lý ra ga. Vừa kịp nhìn thấy bốn tập nhật ký khá to – vào năm 1710, trong đó đưa ra đủ thứ chuyện mà cũng đáng để lại hai mươi lăm bảng tiền mua sách và tiền hoa hồng. Đúng lúc người nhân viên quen ông đi vào phòng.

Tối đó ông về với bà dì ở một căn nhà tạm – một cái nhà nhỏ, cách ngôi thái ấp chừng một trăm mét.

Ngày hôm sau hai người tiếp tục bàn luận về vấn đề đã từ nhiều ngày nay chưa ngã ngũ: trang bị cho ngôi nhà mới. Ông Denton kể cho bà dì nghe những việc đã thực hiện ở London, đặc biệt thảm, ghế ngồi, quần áo, đồ sứ trong phòng ngủ.

"Nhưng cháu ạ," bà dì nói "sao không thấy vải làm rèm cửa và bọc ghế nhỉ? Cháu chưa đến…?" Ông Denton bèn giậm chân xuống sàn (còn biết giậm ở đâu?) "Ôi trời ơi! Cháu quên mất việc này, rất tiếc, việc duy nhất cháu quên dì ạ. Đang trên đường đi hiệu vải thì cháu đi qua chỗ Robin!" Bà dì giơ hai tay lên trời "Robin! Thế là lại thêm mấy quyển sách kinh khủng với giá cắt cổ nữa! James, trong khi dì lo cho cháu bao nhiêu thứ thì cháu phải cố nhớ mấy việc dì bảo chứ! Cứ như là mua cho riêng dì không bằng! Chẳng lẽ cháu tưởng dì thích thú! Dì chán những việc đó ghê gớm! Cứ nghĩ, cứ lo về chúng đã đủ mệt. Cháu không hiểu đâu, cháu thì chỉ có việc đến hiệu mà đặt hàng thôi cũng không xong!" Ông Denton rên lên một tiếng hối lỗi "Ồ thưa dì" "Phải, dì không muốn gay gắt làm gì, nhưng cháu phải hiểu là nó làm chậm toàn bộ công việc của chúng ta không biết bao lâu. Hôm nay thứ tư rồi, mai thì nhà Simpson đến chơi, cháu không bỏ họ được. Mà nhà cửa như thế này trông kỳ lắm James ạ. Mà phải lịch sự với hàng xóm chứ. Chúng ta có phải là gấu đâu. Dì biết nói sao? Thôi đã thế này thì phải thứ năm sau cháu mới đi lên London được, chưa xác định được vải làm rèm cửa và bọc ghế thì chưa quyết định thêm được việc gì cả."

Ông Denton đánh liều đưa ý kiến rằng sơn và giấy dán tường đã được tính đến rồi, nhưng như thế thì giản dị quá, bà dì ngay lúc này chưa chịu chấp nhận. Mà bà chưa chịu chấp nhận thì ông Denton không thể đề xuất gì thêm. Tuy nhiên, đến chiều, bà nhượng bộ đôi chút. Chịu xem các mẫu, các bảng giá mà ông cháu trình bày, một đôi trường hợp còn nhiệt liệt tán thành là đàng khác.

Riêng ông Denton hơi lúng túng thấy mình chưa hoàn toàn nhiệm vụ, càng tiêu tan hy vọng về viễn cảnh buổi liên hoan mời bạn bè đến chơi tennis trên cỏ, mặc dù tổ chức vào tháng Tám thì thế nào cũng là tai hoạ nhưng vào tháng Năm thì chẳng sợ gì. Tuy nhiên, ông vui lên ngay khi nhận được giấy báo cho biết đã mua được bốn quyển nhật ký viết tay của ông Poynter với gái mười bảng hai silling, hôm sau còn vui hơn khi chính bộ nhật ký được gửi đến.

Vì phải đưa ông bà Simpson di một cuốc xe vào sáng thứ bảy, lại còn tiếp đãi khách khứa và láng giềng chiều hôm đó nên ông Denton đến tận tối thứ Bảy, lúc lên giường mới kịp mở bộ sách ra. Cho đến lúc ấy ông mới dám chắc (trước đây chỉ nghi ngờ) là quả đã mua được cuốn nhật ký của ông William Poynter, địa chỉ ở Acrington (cách giáo khu của bản thân ông độ bốn dặm). Cũng ông Poynter này có thời đã là thành viên hội sưu tầm đồ cổ ở Oxford, trung tâm của hội này là ông Thomas Hearne, người đã từng cãi nhau với Poynter – một tình tiết không bình thường trong sự nghiệp của con người ưu việc ấy. Về bộ sưu tầm của riêng Hearne thì nhật ký của Poynter có nhiều đoạn ghi chép lấy ra từ sách in, mô tả những đồng tiền và cổ vật khác mà ông ta đã mua. Mô tả trong catalog của phòng bán sách không nói lên hết cái hay của quyển sách này. Ông đọc quyển thứ nhất trong số bốn quyển đến tận khuya.

Sáng chủ nhật, sau khi đi nhà thờ về, bà dì tới phòng làm việc của ông, trông thấy bốn tập sách bọc da, giấy khổ bốn, quên bẵng hẳn đang định nói với ông cháu việc gì. Bà nghi hoặc hỏi "Sách gì vậy? Mới phải không? Thì ra là cái thứ làm anh quên mất cái món vải hoa làm rèm cửa và bọc ghế! Ngán ngẩm quá! Anh trả họ bao nhiêu tiền thế? Trên mười bảng? Thật tội lỗi! Hừ, có tiền ném qua cửa sổ như vậy thà anh đăng ký cho tôi vào hội "Chống mổ xẻ sống" còn hơn – đăng ký đàng hoàng là khác. Chán kinh khủng…À mà anh bảo ai viết quyển này ấy nhỉ? Ông già Poynter ở Acrington à? Kể xem được giấy tờ cũ của láng giềng cũng hay đấy… Những mười bảng!" Bà nhặt lên một quyển, không phải quyển ông cháu đã đọc qua – vô tình mở một trang bà ném ngay xuống sàn vì có một con sâu bò ra. Ông Denton vội nhặt lên than vãn "Tội nghiệp quyển sách! Dì cứng rắn với ông Poynter quá!" "Vậy ư? Xin lỗi ông ta vậy, chứ tôi, tôi khiếp mấy con sâu ấy lắm. Đâu, để xem tôi có làm hư hại gì đến quyển sách không nào?" "Không, cháu nghĩ không sao đâu! Nhưng dì thử xem đã mở đúng vào trang nào kìa!" "Trời ơi, thật vậy! Sao hay quá thể James, đừng có gấp lại, để gì nhìn xem nào!"

Nó là một mảnh vải có mẫu vẽ to bằng trang giấy khổ bốn, đính vào trang giấy bởi một cái đinh ghim. Ông Denton gỡ ra đưa cho bà dì xem, cẩn thận cất lại cái ghim vào trang sách.

Tôi không biết chắc đó là thứ vải gì nhưng trên có in mẫu thiết kế hoàn toàn làm bà Denton mê say. Bà mê mẩn đến nỗi bắt James cầm mảnh vải đứng sát tường, còn bà thì lùi lại ngắm từ xa xa, sau đó lại gần nhìn đăm đăm vào đó, cuối cùng dùng những lời ấm áp nhất ca ngợi ông Poynter đã có ý hay khi giữ lại mẫu vải trong nhật ký của mình. "Một mẫu cực kỳ duyên dáng, lại đáng chú ý. James, nhìn mà xem, những đường nét như nhấp nhô uốn lượn, cứ như làn tóc ấy, giống hệt, phải không nào? Thỉnh thoảng lại có cái nút thắt lại nữa, mà màu sắc mới hợp làm sao! Dì không hiểu…" James chiều ý bà dì, nói "Cháu đang định nói ta theo mẫu này làm vải rèm cửa thì không hiểu có đắt lắm không?" "Theo mẫu, cóp py lại hả, có được không?" "Cháu không rõ, nhưng vì là mẫu in nên người ta sao lên gỗ hoặc kim loại được chứ sao?" "James, ý tưởng tuyệt vời đấy, cháu quên đặt vải hoa hôm thứ ba hoá ra lại hay, dì hoàn toàn tha thứ cho cháu nếu cháu cho sao lại đúng như thứ vải dễ thương này. Không ai có thể có vải giống như thế, và James ạ, ta cấm họ không được bán ra ngoài. Thôi bây giờ dì phải đi đây. Quên biến chuyện định nói với cháu rồi."

Sau khi bà dì đi khỏi, James Denton bỏ ra ít phút ngắm kỹ lại mẫu in và lấy làm lạ không hiểu tại sao nó tác động đến bà dì mạnh thế. Theo ông, chẳng có gì đáng chú ý, cũng chẳng đẹp. Dĩ nhiên làm màn cửa thì cũng được. Nó là hình những sợi dây chạy dọc có xu hướng tập hợp lại ở đỉnh. Bà nói đúng, trông nó rập rờn, uốn lượn, như những lọn tóc. Phải, bây giờ tra sách chỉ dẫn thương nghiệp xem có hãng nào nhận sao lại mẫu in này không. Một đống sách được lập ra, ông Denton định ngày đến các hãng hoặc một số hãng, cầm theo mẫu.

Hai hãng đầu cũng không kết quả. Nhưng hãng có số độc, hãng thứ 3 Bermondsey lại ăn thua, họ chuyên môn sản xuất mặt hàng này. "Ông Cattell" của chúng ta rất chú ý đến mẫu. "Kể cũng lạ" ông ta nói "khi ta hình dung một số lượng lớn các mẫu vải thời trung cổ thực sự dễ thương như thế này rơi vãi trong biết bao ngôi nhà ở nông thôn nước ta chẳng được ai chú ý đến. Một số bị họ vứt vào sọt rác, số còn lại có nguy cơ bị mất hẳn, như lời Shakespeare, hèn mọn bị coi khinh. Tôi vẫn thường nói nhà văn ấy có ngôn từ cho tất cả chúng ta, thưa ông. Nhắc đến Shakespeare, tôi hoàn toàn hiểu mình cũng có giữ lại tất cả đâu. Hôm nọ có một nhà quý tộc vào chỗ tôi, ông tans tôi viết về vấn đề này, tôi vô tình có nhắc đến mấy lời về Hercules và tấm vải vẽ. Ôi giời, ông chưa thấy lắm chuyện lộn như thế bao giờ đâu! Còn mẫu vải của ông đây, ông đã tín nhiệm giao cho, chúng tôi xin nhiệt tình đem hết khả năng mà con người có thể ra để thực hiện. Như tôi vừa mới nói với một khách hàng cách đây mấy tuần, sẽ tốt đẹp cả, hy vọng ông sẽ thấy. Xin ghi lại địa chỉ cho, ông Higgins."

Trên đây là nhận xét của ông Cattlell lần đầu gặp ông Denton. Một tháng sau ông Denton gặp lại ông ta để xem mẫu và quả gần như thật, vải có sợi dọc, nối với nhau trên đỉnh và chỉ cần sao cho màu sắc đúng như mẫu nữa thôi. Quan điểm của ông ta về ý muốn không phổ biến mẫu này thì có hơi khác.

"Thưa, ông nói không muốn vải này được cung cấp cho ai khác ngoài những bạn bè được phép của ông. Xin làm theo ý ông. Ông giữ độc quyền. Tôi hiểu. Ai cũng có tức là không của ai cả."

"Ông có cho rằng nó sẽ trở thành phổ biến nếu ai cũng mua được nó không?" Ông Denton hỏi.

"Tôi không nghĩ vậy, thưa ông" ông Cattell nghĩ ngợi, xoắn râu. "Sẽ không phổ thông, đầu tiên là không phổ thông với người khắc mẫu, đúng không, ông Higgins?"

"Ông ấy thấy khó sao?"

"Ông ấy bảo là không khó, về mặt nghệ thuật mà nói, từng thợ của chúng tôi đều là nghệ sĩ ấy chứ - nghệ sĩ thật sự theo đúng nghĩa của TỪ này – có thể thực hiện những việc dù là thích hay không thích, đây chính là một ví dụ. Mấy lần tôi có đến ông ta xem công việc tiến triển ra sao. Rõ ràng là ông ta thấy không ưa, ông ta khó tính mà, dù tôi không hiểu sự thể sâu xa là thế nào" - Hình như ông Cattell nheo mắt nhìn vào ông Denton – ông ta ngửi thấy có mùi ma quỷ gì đó ở trong cái mẫu vẽ ấy".

"Thật ư? Ông ta có bảo ông thế không? Tôi thì không thấy có gì là u ám thê thảm trong cái hình vẽ ấy cả."

"Tôi cũng vậy. Tôi bảo ông ta, Catwick, sao anh thành kiến thế - bởi tôi chỉ có thể gọi đó là thành kiến thôi. Nhưng ông ấy không giải thích được. Không. Không thể. Tôi đành chỉ nhún vai, và cui bono – kẻ có lợi phải chịu trách nhiệm về việc mình đang làm. Tuy nhiên, nó đây."

Phối màu sắc của nền mẫu vẽ, rèm và các chỗ thắt nút của ru băng là phần khó nhất chàng công việc, cần xem đi xem lại mẫu nguyên thủy để so sánh rất nhiều lần. Cuối tháng Tám và tháng Chín, hai dì cháu Denton có việc đi xa. Tháng Mười thì lượng vải sản xuất ra đã xong, đủ chăng rèm cửa cho cả ba, bốn phòng ngủ cả thảy.

Vào ngày mở tiệc Simon và Jude, hai dì cháu trở về thấy công việc đã hoàn tất, họ mãn nguyện đến cùng cực. Ai ở quanh đấy cũng hết lời khen ngợi những tấm rèm cửa. Khi ông Denton mặc quần áo để xuống ăn tối, phòng ông còn chất đầy thứ vải ấy, ông còn tự chúc mừng vì đã quên nhiệm vụ bà dì giao hôm trước nên mới đạt được kết quả sửa sai mầu nhiệm này. Ngồi ăn cơm, ông bảo màu vải sao mà thanh thản và không buồn tẻ chút nào. Bà Denton rất tán đồng – phòng bà không có thứ vải này.

Trong bữa điểm tâm sáng hôm sau thì những lời khen của ông giảm bớt "Cháu chỉ tiếc một điều" ông nói "là ta để họ cho các sợi dọc gặp nhau ở trên đỉnh. Cứ thả mặc chúng thì hay hơn."

"Ồ, sao lại thế?" bà dì hỏi.

"Đêm qua ngồi đọc sách nó cứ bắt mắt cháu ghê gớm, thỉnh thoảng cháu lại nhìn vào đó, thấy như có người đang ngó vào trong phòng qua các rèm, cháu nghĩ do các sợi nối lại ở trên, mà sao gió quá đi mất!"

"Tối qua làm gì có gió?"

"Hay là gió chỉ ở bên phía phòng của cháu? Đủ làm cái màn cứ rung rinh chao đảo, nó sột soạt làm cháu khó chịu lắm."

Tối đó có một ông bạn độc thân của James Denton đến ngủ lại. Ông khách ngủ trong một phòng cùng tầng với chủ nhà, nhưng ở cuối hành lang. Trên đường vào phòng khách, có một cửa ngăn bọc dạ đỏ để chắn gió lùa và ngăn tiếng động.

Ba người chia tay về phòng riêng. Bà dì trước nhất, rồi tới người bạn lúc mười một giờ. James Denton chưa vào giường ngay, còn ngồi trong ghế bành đọc sách một lát. Thiu thiu ngủ, lúc tỉnh lại ông nhớ ra con chó nâu Spaniel của ông hôm nay không lên phòng ông ngủ như mọi khi. Rồi ông nghĩ mình nhầm, khi vô tình duỗi tay xuống phía sàn nhà, ông cảm thấy bàn tay chạm vào thứ gì mượt như lông tóc, ông đưa bàn tay vuốt ve, một cái gì tròn tròn nhưng không có cảm ứng của một sinh vật, khiến ông phải nhìn xuống tay mình. Vật mà ông vuốt ve đó ở tư thế người nằm ngửa, cái mặt dâng lên gần ông thì không có hình thù gì hết chỉ có bộ tóc! Dù không hình thù nhưng nó đầy vẻ hằn học. Ông lập tức chồm dậy chạy ngay ra khỏi phòng, rên rỉ hoảng hốt và thấy mình chạy đi là phải. Tới cánh cửa bọc dạ đỏ ngăn hành lang – ông quên mất là cửa mở về phía ông – ông cứ ra sức đập vào nó trong khi có một cái gì cứ túm lấy ông ở đằng sau mỗi lúc một chặt hơn, cứ như thể có bàn tay nắm lấy ông – còn kinh hơn cả một bàn tay nữa – là của một kẻ đuổi theo đang căm giận. Sực nhớ ra cách mở cánh cửa, ông mở ra thoát sang phía bên kia rồi sập lại, lao vào phòng người bạn.

Có điều lạ là suốt thời gian tìm thấy mẫu hình ghim trong quyển nhật ký, chưa lúc nào ông Denton tìm lời giải thích về nó. Đọc qua cả quyển không thấy chỗ nào nói đến nó cả. Nhưng sau khi rời khỏi Redcomb (ông tự hỏi hay là rời hẳn?" ông mang theo quyển nhật ký, và bên bờ biển, ông ngồi trong nhà nghỉ xem thật kỹ trang sách mà mẫu vải ghim vào. Hoá ra có hai ba trang giấy dính vào nhau, đúng như ông nghi ngờ, soi lên ánh sáng thấy có chữ viết ở trong. Hơ vào hơi nước nó rời ra ngay và quả là viết về mẫu hình đính vào đó.

Đoạn này viết vào năm 1707.

"Ông già Casbury, ở Acrington, hôm nay kể tôi nghe thật nhiều về ông Everad Charlett trẻ tuổi, theo học Đại học tổng hợp, họ hàng với tiến sĩ Arthur Charlett, giờ là hiệu trưởng trường đại học Y..Anh chàng Charlett này là một nhân vật qúy tộc trẻ tuổi, rất vô thần, một tên phóng túng, họ gọi kẻ say sưa chè chén như vậy. Theo như người ta ghi lại, là đối tượng để mọi người chỉ trích vì thói hoang tàng. Nếu mọi trụy lạc bê tha của anh ta lộ hẳn, anh ta đã bị đuổi khỏi trường đại học Y..Chắc là anh ta phải được chiếu cố gì đó, ông Casbury nghĩ vậy. Anh ta rất đẹp mã và thường xuyên dùng bộ tóc thực của mình, tóc rất dài rậm. Vì bộ tóc ấy và vì lối sống buông thả, anh ta được mệnh danh là Absalom, chính anh ta cũng nói mình làm ngắn đi cuộc sống của cụ David [1] , tức là cha anh ta, ngài Job Charlett, một kỵ sĩ đáng kính".

Ông Casbury không nhớ rõ anh ta chết năm nào, 1692 hay 1693, chỉ biết là chết đột ngột tháng mười (nhiều dòng mô tả thói quen ăn chơi của anh ta bị lược bỏ). Mới thấy tinh thần anh ta phấn chấn trước đó, ông Casbury đột nhiên nghe tin anh ta chết. Nằm trong một cái rãnh ở trên phố, bộ tóc bị cắt sạch nhẵn. Chuông Oxford đã điểm khi anh ta chết – một vị quý tộc mà – và hôm sau anh ta được chôn ở St. Peter mạn Đông. Hai năm sau khi mộ anh ta được người nối nghiệp cho dời về địa sản của anh ta ở quê hương, áo quan vô tình bị bật ra, người ta thấy ở trong chỉ toàn có Tóc . Nghe hoang đường thật đấy, nhưng chuyện này có được ghi lại trong Lịch sử Staffordshire của tiến sĩ Plot."

"Phòng anh ta sau được dọn sạch đồ đạc. Ông Casbury có đến để làm các màn cửa, nghe nói cụ Charlett thiết kế mẫu màn cửa để kỷ niệm bộ tóc của anh ta, đưa cho ông Casbury một lọn tóc để theo đó mà làm theo mẫu. Tôi đính ở đây một mảnh vải ông Casbury cho tôi – ông nói hình vẽ vô cùng tinh tế nhưng ông chưa bao giờ nhìn kỹ và cũng không thích nhìn kỹ vào đó.?

"Tiền chi vào chỗ màn cửa được coi như ném vào lửa. Sau khi nghe chuyện, ông Cattell bình phẩm một câu dưới được trích dẫn Shakespeare, hẳn bạn đoán ra chẳng khó khăn gì, nó bắt đầu bằng những từ sau đây "Còn có nhiều thứ khác nữa".

Chú thích :

[1] Absalom: con trai vua David (thế X. trước Công nguyên) có bộ tóc rất dài
Bình Luận (0)
Comment