Giết Con Chim Nhại (To Kill A Mockingbird)

Chương 5

Trò càm ràm của tôi cuối cùng đã đánh bại Jem, như tôi đã tiên đoán, và tôi thấy nhẹ nhõm khi chúng tôi bớt chơi trò này trong một thời gian. Tuy nhiên anh vẫn cho rằng bố Atticus không cấm chúng tôi chơi, vì vậy chúng tôi có thể chơi; và nếu bố Atticus có nói chúng tôi không được chơi thì Jem đã nghĩ ra một cách luồn lách nào đó: đơn giản là anh sẽ đổi tên nhân vật và sau đó chúng tôi không thể bị buộc tội đang chơi bất cứ thứ gì.

Dill hăng hái đồng tình với kế hoạch hành động này. Dù sao thì Dill cũng đang trở thành một thứ gì đó của một cuộc thử nghiệm, luẩn quẩn theo sau Jem. Hồi đầu hè nó đã yêu cầu tôi cưới nó, rồi nó nhanh chóng quên mất chuyện đó. Nó bám sát tôi, xem tôi như một thứ tài sản của nó, nói tôi là đứa con gái duy nhất nó từng yêu, sau đó nó bỏ mặc tôi. Tôi đập nó hai lần nhưng không ăn thua gì, nó càng thân thiện với Jem hơn. Hai đứa ở suốt nhiều ngày với nhau trong căn nhà trên cây để lập mưu và lên kế hoạch, chỉ gọi tôi khi chúng cần đứa thứ ba. Tôi tránh xa những âm mưu ngu ngốc của chúng một thời gian, và với nỗi đau bị gọi là con gái, tôi dành hầu hết những buổi hoàng hôn còn lại của mùa hè năm ấy để ngồi với cô Maudie Atkinson ở hàng hiên trước nhà cô.

Jem và tôi được tự do chạy chơi trong sân của cô Maudie nếu chúng tôi tránh xa những cây đỗ quyên của cô, nhưng mối liên hệ của chúng tôi với cô không được định rõ. Cho đến khi Dill và Jem gạt tôi ra khỏi kế hoạch của chúng, cô vẫn là phụ nữ khác duy nhất trong khu đó, nhưng là một người tương đối hiền lành.

Hiệp ước ngầm của chúng tôi với cô Maudie là bọn tôi có thể chơi trên bãi cỏ của cô, ăn nho của cô nếu chúng tôi không nhảy lên giàn cây, hay mò vào khu đất rộng phía sau, những điều khoản quá hào phóng mà chúng tôi hiếm khi nói với cô, vì thế chúng tôi thận trọng giữ gìn cân bằng tế nhị trong mối quan hệ của chúng tôi, nhưng lối cư xử của Dill và Jem đã đẩy tôi đến gần cô hơn.

Cô Maudie ghét ngôi nhà của cô: thời gian ở trong nhà là thời gian bị lãng phí. Cô là một quả phụ, một phụ nữ với bề ngoài thường xuyên thay đổi, người chăm sóc những luống hoa trong chiếc mũ rơm cũ và bộ đồ lao động của đàn ông, nhưng sau buổi tắm lúc năm giờ cô sẽ xuất hiện ở cổng và thống trị cả con phố trong vẻ đẹp đầy uy quyền.

Cô yêu mọi thứ mọc trên đất của Chúa, cả cỏ dại. Với một ngoại lệ. Nếu cô thấy một lá cỏ cú trong sân nhà cô, thì mọi chuyện sẽ giống như là Trận Marna thứ nhì 1: cô sà xuống bên bó với một chậu thiếc và bắt nó phải cháy lá từ bên dưới bằng một chất độc mà cô nói là cực mạnh, có thể giết tất cả chúng tôi nếu chúng tôi không đứng ra xa.

"Sao cô không đơn giản là nhổ nó lên?" Tôi hỏi, sau khi chứng kiến một chiến dịch bền bỉ chống lại một lá cỏ cao chưa tới một tấc.

"Nhổ nó lên, bé con, nhổ nó lên hả?" Cô nhặt lên cái chồi yếu ớt và ép chặt ngón cái vào thân cuống bé xíu của nó. Những hạt li ti rớt ra. "Ồ, một nhánh cỏ có thể làm hư cả cái sân. Nhìn nè. Khi mùa thu đến cái này khô đi và gió thổi nó bay khắp hạt Maycomb!" Khuôn mặt của cô Maudie ví sự cố này như một bệnh dịch trong kinh Cựu ước.

Cách ăn nói của cô thật cả quyết so với một cư dân Maycomb. Cô gọi chúng tôi bằng cả tên lẫn họ của chúng tôi. Và khi cười, cô để lộ hai thanh nẹp vàng nhỏ xíu kẹp vào răng hàm trên. Khi tôi ngắm nghía chúng và mong rốt cuộc tôi cũng sẽ được vài cái như vậy, cô nói, "Nhìn nè." Bằng một cái búng lưỡi cô làm cái cầu răng giả thò ra, một cử chỉ chân tình có tác dụng thắt chặt tình bạn của chúng tôi.

Lòng tốt của cô Maudie mở rộng tới Jem và Dill, bất cứ khi nào tụi nó tạm nghỉ trong những cuộc rượt đuổi của chúng: chúng tôi được lợi từ một tài năng mà cho đến nay cô Maudie vẫn giấu chúng tôi. Cô làm những chiếc bánh ngon nhất trong vùng này. Khi cô được chúng tôi tin cậy, mỗi lần nướng bánh cô lại làm một cái bánh to và ba cái bánh nhỏ, và cô sẽ gọi vọng qua đường, "Jem Finch, Scout Finch, Charles Baker Harris, sang đây!" Sự mau mắn của chúng tôi luôn được tưởng thưởng.

Trong mùa hè, những buổi hoàng hôn thường dài và thanh bình. Nhiều khi cô Maudie và tôi vẫn ngồi im lặng ở hàng hiên nhà cô, nhìn bầu trời chuyển từ vàng sang hồng khi mặt trời lặn, dõi theo những đàn chim nhạn bay sà thấp trên khu phố này và biến mất đằng sau mái trường học.

"Cô Maudie," một tối tôi nói, "cô có nghĩ Boo Radley còn sống không?"

"Tên anh ta là Arthur và anh ta còn sống," cô nói. Cô đang đu đưa trên chiếc ghế gỗ sồi to. "Cháu có ngửi thấy mùi hoa Mimosa của cô không? Tối nay nó giống như hơi thở của thiên thần vậy."

"Vâng, có. Làm sao cô biết?"

"Biết cái gì, bé con?"

"Rằng B.. ông Arthur vẫn còn sống?"

"Một câu hỏi kinh khủng. Nhưng cô cho rằng đó là một đề tài kinh khủng. Cô biết anh ta còn sông, Jean Louise, bởi vì cô không thấy anh ta bị đưa ra."

"Có lẽ ông ta chết rồi và họ nhét ông ta vào ống khói."

"Cháu lấy đâu ra cái ý tưởng đó vậy?"

"Jem nói anh ấy nghĩ họ đã làm vậy."

"Ôi xì. Càng ngày nó càng giống Jack Finch hơn."

Cô Maudie đã biết chú Jack Finch, em trai của bố Atticus, từ khi họ còn nhỏ. Gần như cùng tuổi, họ cùng nhau lớn lên ở Finchs Landing. Cô Maudie là con gái một chủ đất lân cận, bác sĩ Fank Buford. Nghề của bác sĩ Buford là nghề y và nỗi ám ảnh của ông là bất cứ thứ gì lớn lên trong đất, vì vậy ông vẫn nghèo. Chú Jack Finch giới hạn niềm đam mê đào xới với những bồn hoa cửa sổ của chú ở Nashville và vẫn giàu có. Chúng tôi gặp chú Jack vào mỗi Giáng sinh, và mỗi Giáng sinh chú đều gọi um qua đường kêu cô Maudie sang cưới chú. Cô Maudie thường gào lại, "Kêu lớn chút nữa đi, Jack Finch, và ở bưu điện họ sẽ nghe anh, tôi chưa nghe anh!" Jem và tôi nghĩ đây là một cách kỳ lạ để xin cưới một phụ nữ, nhưng hồi đó chú Jack cũng hơi kỳ lạ. Chú nói chú đang chọc tức cô Maudie, rằng chú đã cố gắng mà không thành công suốt bốn mươi năm, rằng chú là người cuối cùng trên trái đất này cô Maudie nghĩ đến khi muốn kết hôn nhưng là người đầu tiên cô nghĩ đến để chọc ghẹo và cách phòng thủ tốt nhất của cô là sự xúc phạm mạnh mẽ, tất cả điều này chúng tôi hiểu rõ.

"Arthur Radley chỉ ở trong nhà, vậy thôi," cô Maudie nói. "Cháu có ở trong nhà không nếu cháu không muốn ra ngoài?"

"Phải, nhưng cháu muốn ra ngoài. Sao ông ta không muốn nhỉ?"

Cô Maudie nheo mắt. "Cô cũng biết như cháu thôi."

"Cháu chưa từng nghe giải thích tại sao. Chẳng ai nói cho cháu biết tại sao?"

Cô Maudie gắn lại cái cầu răng giả. "Cháu biết ông già Radley là một tín hữu Baptist rửa chân... 2"

"Như cô vậy, phải không?"

"Vỏ ngoài của cô không cứng đến thế, bé con. Cô chỉ là một Baptist."

"Tất cả những người như cô đều không tin vào việc rửa chân chứ?"

"Tin chứ. Ở nhà, trong bồn tắm."

"Nhưng chúng cháu không thể rước lễ chung với những người như cô..."

Rõ ràng, cô Maudie cho rằng định nghĩa phái Baptist nguyên thủy là dễ hơn định nghĩa họ đạo khép kín 3, nên cô nói, "Người Baptist rửa chân tin rằng những gì đem đến niềm vui đều là tội lỗi. Cháu có biết có bữa thứ Bảy nọ, một số họ ra khỏi rừng và đi ngang qua chỗ này và nói với cô rằng cả cô và những bông hoa của cô sẽ xuống địa ngục không?"

"Hoa của cô cũng xuống hả?"

"Phải, cưng. Chúng cũng bị thiêu cháy với cô. Họ nghĩ cô đã dành quá nhiều thời gian sinh hoạt ngoài trời và không đủ thời gian ở trong nhà để đọc Kinh thánh."

Niềm tin của tôi vào sách Phúc âm trên bục giảng đạo đã bớt dần trước cảnh tượng cô Maudie bị nung mãi mãi trong đủ loại hỏa ngục của người Tin lành. Quả là cô có giọng lưỡi cay độc, và cô không đi khắp xóm làm điều tốt, như cô Stephanie Crawford đã làm. Nhưng trong khi không ai có chút xíu hiểu biết lại tin cậy cô Stephanie, thì Jem và tôi tin cô Maudie hết mực. Cô không bao giờ mách tội chúng tôi, không hề chơi trò mèo vờn chuột với bọn tôi, cô hoàn toàn không quan tâm đến đời sống riêng tư của chúng tôi. Cô là bạn của chúng tôi. Làm sao mà một sinh vật hiểu biết như thế có thể sống trong nguy cơ bị tra tấn mãi mãi thì thật không thể nào hiểu được.

"Điều đó không đúng, cô Maudie. Cô là người phụ nữ tuyệt vời nhất cháu biết."

Cô Maudie cười tươi. "Cám ơn cô bé. Vấn đề là, những người rửa chân nghĩ phụ nữ là một tội lỗi nào đó theo định nghĩa. Họ hiểu Kinh thánh hoàn toàn theo nghĩa đen, cháu biết đấy."

"Đó có phải là lý do ông Arthur ở trong nhà, để tránh xa phụ nữ không?"

"Cô không rõ."

"Cháu chẳng hiểu gì cả. Giống như nếu ông Arthur thèm khát nước trời ít nhất ông ấy phải bước ra cổng. Bố Atticus nói Chúa yêu thuong loài người giống như mình yêu chính mình....."

Cô Maudie ngừng đu đưa, và giọng cô đanh lại. "Cháu còn quá nhỏ không hiểu điều đó đâu," cô nói, "nhưng đôi khi Kinh Thánh trong tay người nào đó còn tệ hại hơn một chai rượu mạnh trong tay của... ồ, của ba cháu chẳng hạn."

Tôi bị sốc. "Bố Atticus không uống rượu," tôi nói. "Bố cả đời chưa hề uống một giọt nào... à không, bố có uống chứ. Bố nói có lần bố uống chút ít và không thấy thích."

Cô Maudie cười lớn. "Ta không nói về ba cháu," cô nói. "Ý cô là, nếu Atticus Finch uống cho đến khi say khướt thì ông cũng không khó chịu như một số người ở trạng thái tốt nhất của họ. Có những loại người .... họ quá bận lo về thế giới bên kia đến độ không hề biết cách sống trong thế giới này, và cháu có thể nhìn xuống phố và thấy những kết quả đó."

"Cô có nghĩ chúng có thật, tất cả chuyện mà người ta nói về B... ông Arthur không?"

"Những chuyện gì?"

Tôi kể ra với cô.

"Ba phần tư là chuyện do người da màu kể và một phần tư là của Stephanie Crawford," cô Maudie nói một cách cả quyết. "Stephanie Crawford nói với cô rằng có lần cô ấy thức dậy lúc nửa đêm và thấy anh ta nhìn cô ấy qua cửa sổ. Cô hỏi rồi chị làm gì, Stephanie, nằm xích qua một bên và dành chỗ cho anh ta hả? Câu đó làm cô ta im họng được một thời gian."

Tôi tin chuyện đó. Giọng điệu của cô Maudie đủ sức làm bất cứ ai im miệng.

"Không, cô bé ạ," cô nói, "đó là một ngôi nhà buồn. Cô nhớ lại Arthur Radley hồi anh ta còn nhỏ. Anh ta luôn nói chuyện với cô một cách dễ thương, cho dù ai nói gì anh ta cũng vẫn dễ thương. Ăn nói dễ thương hết mức hiểu biết của anh ta."

"Cô có cho là ông ta khùng không?"

Cô Maudie lắc đầu. "Nếu anh ta không điên thì vào lúc này hẳn anh ta phải điên. Chúng ta không bao giờ thực sự biết những gì xảy ra với người ta. Những gì xảy ra trong các ngôi nhà đóng kín cửa, những bí mật gì...."

"Bố Atticus không bao giờ làm bất cứ điều gì với Jem và cháu trong nhà mà ông không làm ngoài sân," tôi nói, cảm thấy nhiệm vụ là phải bênh vực bố mình.

"Cô bé ngoan, cô đang gỡ rối một sợi chỉ, thậm chí không hề nghĩ tới ba cháu nữa, nhưng bây giờ cô nói điều này: Atticus Finch ở trong nhà cũng giống như ông ấy ở nơi công cộng. Cháu có muốn mang ít bánh nướng về nhà không?"

Tôi thích quá đi chứ.

Sáng hôm sau khi thức dậy tôi thấy Dill và Jem đang ở sân sau say sưa nói chuyện. Khi tôi nhập bọn với chúng thì như thường lệ, chúng bảo tôi đi chỗ khác chơi.

"Không. Sân này đâu phải của riêng anh, Jem Finch. Em có quyền chơi ở đây cũng như anh vậy."

Dill và Jem bàn bạc riêng một lát với nhau rồi quay sang tôi, "Nếu ở đây mày phải làm theo lời tụi tao," Dill cảnh báo.

"Ái chà," tôi nói, "ai mà bất ngờ cao cấp và quyền hành dữ vậy ta?"

"Nếu mày không chịu làm theo lời tụi tao, tụi tao sẽ không cho mày biết bất cứ điều gì hết," Dill tiếp tục.

"Mày cứ làm như đêm rồi mày cao vọt lên cả tấc vậy! Được rồi, cái gì thế hả?"

Jem nói một cách bình thản, "Tụi tao sẽ gửi một lá thư cho Boo Radley."

"Bằng cách nào?" Tôi cố dằn nỗi khiếp hãi tự động dâng lên trong tôi. Cô Maudie nói gì thì cũng không sao... cô đã già và yên lành ở hàng hiên nhà cô. Còn tụi tôi lại khác.

Jem chỉ đặt lá thư lên đầu cần câu và nhét nó qua chớp cửa sổ. Nếu có ai xuất hiện Dill sẽ rung chuông.

Dill giơ tay phải lên. Nó cầm cái chuông bạc báo hiệu giờ ăn của mẹ tôi.

"Tao sẽ đi vòng qua hông nhà," Jem nói. "Hôm qua tụi tao đứng bên kia đường nhìn sang thấy có một ô cửa bị long ra. Tao nghĩ ít ra tao có thể nhét nó vào bệ cửa sổ."

"Jem..."

"Bây giờ mày đã dính vào chuyện này, mày không thể rút lui, mày sẽ phải tham gia, cô Priss!"

"Được rồi, được rồi, nhưng em không muốn canh chừng. Jem, có ai đó..."

"Mày sẽ phải canh chừng phía sau còn Dill canh chừng phía trước ngôi nhà và trên đường, nếu có ai đến nó sẽ rung chuông. Rõ chưa?"

"Vậy được rồi. Anh viết gì cho hắn vậy?"

Dill nói, "Tụi tao mời hắn hết sức lịch sự là thỉnh thoảng hãy ra ngoài và cho tụi mình biết hắn làm gì trong đó.. tụi tao nói tụi mình sẽ không làm hắn đau và sẽ mua cho hắn một cây kem."

"Mấy người điên hết rồi, hắn sẽ giết tụi mình!"

Dill nói, "Đây là ý của tao. Tao nghĩ nếu bước ra và ngồi một lát với tụi mình có thể hắn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn."

"Sao mày biết hắn không cảm thấy dễ chịu?"

"Vậy mày cảm thấy thế nào nếu mày bị nhốt một trăm năm mà chẳng có gì để ăn ngoài mèo? Tao cá là râu hắn dài đến tận đây...."

"Giống râu ba mày hả?"

"Ba tao không có râu, ông ấy..." Dill nín bặt, như thể cố nhớ lại.

"Xì, xạo," tôi nói. "Mày nói trước khi xuống xe là ba mày có râu đen..."

"Nếu đúng như vậy thì hồi mùa hè ba tao cạo rồi! Ờ phải, tao còn một lá thư để chứng minh điều đó... ông cũng gửi cho tao hai đô nữa!"

"Tiếp đi.... tao chắc là ổng còn gửi cho mày một bộ đồng phục cảnh sát kỵ binh nữa kìa! Và không bao giờ đến, đúng không? Mày cứ kể hoài những chuyện đó, đồ con...."

Dill Harris có thể bịa những chuyện lớn lao nhất mà tôi từng nghe. Chẳng hạn như, nó đã lên máy bay chở thư mười bảy lần, nó đã đến Nova Scotia, nó đã thấy một con voi và ông nội nó là thiếu tướng Joe Wheeler và để lại cho nó thanh gươm của ông.

"Tụi bây im hết coi," Jem nói. Anh mò dưới lớp ván sàn nhà và lấy ra một cây sào tre vàng. "Cái này có đủ dài để đứng trên vỉa hè thò vô không?"

"Bất cứ ai có đủ can đảm bước vô ngôi nhà đều không cần dùng một cây cần câu," tôi nói. "Sao anh không đến gõ ngay cửa trước?"

"Chuyện-này-khác," Jem nói, "tao phải nói với mày câu này bao nhiêu lần?"

Dill rút một miếng giấy ra khỏi túi và đưa cho Jem. Ba đứa chúng tôi thận trọng đi về phía ngôi nhà cổ. Dill dừng lại ngay cột đèn ở góc phía trước ngôi nhà, còn Jem với tôi dè dặt đi theo vỉa hè song song với hông nhà. Tôi vượt qua Jem và đứng ở nơi có thể thấy chỗ rẽ.

"Vắng tanh," tôi nói. "Không thấy ai hết."

Jem nhìn lên lề đường chỗ Dill, nó gật đầu.

Jem gắn lá thư vào đầu cần câu, thò nó ngang qua sân và đẩy về phía cửa sổ anh đã chọn. Cần câu thiếu vài phân nữa mới tới nơi, và Jem chồm tới trước hết sức mình. Tôi theo dõi anh làm những động tác thọc này hồi lâu, tôi bỏ vị trí đến chỗ anh.

"Không hất nó ra khỏi cần câu được," anh lầm bầm, "còn nếu hất ra được thì không để nó vào đúng chỗ được. Quay ra đường đi, Scout."

Tôi trở lại và nhìn quanh cung đường vắng ngắt. Thỉnh thoảng tôi nhìn về phía Jem, đang kiên nhẫn tìm cách đặt lá thứ lên bệ cửa sổ. Nó cứ rớt xuống đất và Jem cứ lo vít nó lên, cho đến khi tôi nghĩ nếu Boo Radley nhận được thì hắn cũng không thể đọc lá thư đó. Tôi đang nhìn dọc theo đường thì chuông rung lên.

Hãy chấp nhận, tôi lảo đảo quay sang, nghĩ rằng mình sẽ đối mặt với Boo Radley và những chiếc răng nanh dễ sợ của hắn; thay vào đó tôi thấy Dill đứng trước mặt bố Atticus và đang lắc chuông cật lực.

Jem trông có vẻ quá khốn khổ đến độ tôi không nỡ lòng nói với anh rằng tôi đã bảo anh trước rồi mà. Anh lê bước, kéo theo chiếc cần câu dài trên lề đường.

Bố Atticus nói, "Thôi lắc cái chuông đó đi."

Dill nắm lấy con lắc của chuông, trong khoảng im lặng tiếp theo, tôi ước gì nó lại lắc chuông tiếp. Bố Atticus hất mũ về phía sau và đứng chống nạnh. "Jem," ông nói, "tụi con đang làm gì vậy?"

"Không có gì, thưa bố."

"Bố không muốn nghe câu trả lời đó nữa. Nói bố nghe."

"Con chỉ... tụi con chỉ cố đưa một thứ cho ông Radley."

"Tụi con cố đưa cho ông ta cái gì?"

"Chỉ một lá thư."

"Đưa bố coi."

Jem chìa ra một mẩu giấy bẩn thỉu. Bố Atticus cầm lấy và cố đọc. "Sao tụi con lại muốn ông Radley ra ngoài?"

Dill nói, "Tụi cháu nghĩ ông ấy sẽ thích tụi cháu.." và im bặt khi bố Atticus nhìn nó.

"Con trai," ông nói với Jem, "bố nói với con một điều và chỉ nói một lần thôi: chấm dứt ngay trò quấy rầy ông ấy. Điều đó áp dụng với cả hai đứa."

Những gì ông Radley làm là việc riêng của ông ta. Nếu ông ta muốn ra ngoài, ông ta sẽ ra. Nếu ông ta muốn ở trong nhà của ông ta thì ông ta có quyền ở lại trong đó để thoát khỏi sự chú ý của bọn trẻ tò mò, vốn đó là một thuật ngữ nhẹ nhàng dành cho những kẻ như chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghĩ thế nào nếu bố Atticus xông vào mà không gõ cửa, khi chúng tôi ở trong phòng mình vào ban đêm? Chúng tôi, thực tế, đang làm chính điều như thế với ông Radley. Điều ông Radley làm có thể có vẻ kỳ quặc với chúng tôi, nhưng nó không kỳ quặc với ông ta. Hơn nữa, có phải chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng cung cách lịch thiệp để giao tiếp với người khác là qua cửa trước thay vì qua cửa sổ không? Cuối cùng, chúng tôi phải tránh xa ngôi nhà đó cho đến khi được mời vào, chúng tôi không được chơi một trò ngu ngốc nào mà ông đã thấy chúng tôi chơi hoặc chọc ghẹo bất cứ ai tren con phố này hoặc trong thị trấn này...

"Bọn con không chọc ghẹo ông ta, bọn con không cười nhạo ông ta," Jem nói, "bọn con chỉ...."

"Vậy đó là chuyện con đang làm, phải không?"

"Chọc ghẹo ông ta hả?"

"Không," bố Atticus nói, "phơi bày lịch sử đời ông ta cho cả khu phố này biết hết."

Jem có vẻ hơi sưng lên. "Con không nói tụi con đang làm chuyện đó, con không nói vậy!"

Bố Atticus cười khan. "Con vừa nói với bố xong," ông nói. "Tụi con ngưng ngay trò nhảm nhí này lại, cả ba đứa."

Jem há hốc nhìn ông.

"Con muốn trở thành một luật sư, đúng không?" Miệng bố tôi mím lại một cách đầy nghi ngờ, như thể ông đang cố giữ cho nó mím chặt.

Jem quyết định rằng có đôi co về chi tiết thì cũng chẳng ích gì, và im lặng. Khi bố Atticus vào trong nhà để tìm hồ sơ mà ông quên mang theo đến sở sáng nay, thì Jem mới nhận ra rằng anh đã bị hạ gục bằng cái mánh lới cổ xưa nhất từng được ghi nhận của giới luật sư. Anh đứng chờ ở một khoảng cách hợp lý tính từ bậc thềm, dõi theo bố Atticus rời khỏi nhà đi về phía thị trấn. Khi bố Atticus đi xa khỏi tầm nghe thấy, Jem mới gào lên sau lưng ông, "Con đã nghĩ muốn trở thành luật sư, nhưng bây giờ con không chắc nữa rồi!"

--- ------ ------ ------ -------

1 Trận Marne thứ nhì, hoặc trận Reims: trận đánh mang tính bước ngoặt trong Thế chiến thứ nhất, diễn ra từ thứ tháng Bảy đến tháng Tám năm 1918, trong đó Đức đại bại trước Đồng minh. Trận này cũng mở đầu một loạt chiến thắng khác của Đồng minh và dẫn đến kết thúc chiến tranh.

2 Tín đồ Baptist (Tẩy lễ) sùng đạo đến mức cho rằng mọi thứ đều tội lỗi, nhất là những gì đem lại niềm vui.

3 Nguyên văn: Closed communion: giáo xứ có chủ trương chỉ làm nghi thức thánh thể (rước lễ) cho những người trong giáo xứ, chứ không cho những tín hữu vãng lai.
Bình Luận (0)
Comment