Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 128

Tạ Trạch Ích và cô đi hết con hẻm Parker, đến tiệm chụp ảnh Bảo Đức lấy ảnh đã sửa xong, lại đúng giờ đưa cô quay về biệt thự, không nhiều không ít vừa tròn mười phút. Anh cũng không làm chuyện gì quá trớn, nếu không tính nụ hôn che giấu việc bàn bí mật quan hệ trọng đại kia.

Có liên quan đến mấy quốc gia, và cũng liên quan tới hai người họ.

Bác quản gia kéo cửa sắt ra. Anh vẫn đút tay vào túi, đưa mắt nhìn cô bước qua cổng.

Cô vừa đi vừa ngoái đầu nhìn, nhưng rồi không kìm được lòng, xoay người vòng về lại: “Anh đi về thế nào?”

Anh cười nói: “Đi bộ.”

“Anh…” Tầm mắt cô rơi lên cấp bậc của anh – đó là thân phận cực kỳ quan trọng, chí ít là vào lúc này. Cô mỉm cười, “Sĩ quan phụ tá và xe đâu?”

“Ở tòa án hội thẩm cả rồi.” Anh nghĩ ngợi, “Tranh thủ kinh tế Mỹ chưa quá khởi sắc nên ra sức vơ vét triệt để.”

“Còn anh?”

Anh cúi người, hôn nhẹ lên tay cô, “Cần phải gặp vợ anh một lần thì mới có thể khiến anh quyết định được.”

Cô nhìn đỉnh đầu anh, nói, “Anh và Tạ huân tước vẫn có một vài điểm tương đồng.”

“Thế sao?” Anh ngẩng đầu, “Nhưng ông ấy chưa bao giờ dạy dỗ anh nghiêm túc.”

Cô nhìn vào mắt anh, bỗng cảm thấy bùi ngùi.

“Em phải đi rồi.” Tuy nói vậy nhưng cô vẫn đứng yên, không nhúc nhích.

Cô không dám trì hoãn thời gian của anh, quay đầu rảo bước đi vào cổng, nhưng khi nhớ đến cà vạt màu đen ẩn dưới lớp quân trang mềm mại của anh, bỗng con tim chợt động, rất muốn được thắt cho anh một lần.

Khi quản gia khép cửa lại, cô vịn hàng rào hét lớn: “Anh Tạ!”

Quản gia vội đỡ cô lại, “Ôi ôi cô chủ ơi, nguy hiểm lắm!”

Tạ Trạch Ích ngoái đầu, thấy cô vợ chưa đủ mười sáu tuổi của anh ăn mặc xinh xắn, ánh mắt xuyên qua hàng rào, là một cô gái gia giáo nghiêm ngặt nhưng không kìm hãm được tính cách hoạt bát, vô cùng xinh đẹp và thanh lịch.

Anh không hình dung nổi nếu có một ngày “khuê tú” khắp Trung Quốc cũng giống vợ anh, thì liệu thiên hạ có đại loạn không.

Cô dùng sức vẫy tay: “Sáng mai gặp lại nhé!”

Anh nhớ mình đã nói với cô cuộc đàm phán lần này là một quy trình hoàn toàn khép kín. Chỉ có một vài quốc gia có quyền phát biểu được mời tham gia, là quá trình tối đa hóa lợi ích tương đương của mỗi bên, rồi sau đó hợp thức hóa toàn bộ quá trình với truyền thông mỗi nước. Chắc chắn cô sẽ không được dự thính trong buổi đàm phán, nên anh cũng không xin cho cô một ghế ngồi tham gia.

Tạ Trạch Ích thở dài, sau đó lại mỉm cười.

Nhưng anh không biết cô đâu có hứng thú với quá trình đàm phán. Cô chỉ muốn tự tay thắt cà vạt cho anh một lần mà thôi.

Cô nhờ Tuệ Tế dạy cô cách thắt cà vạt cả đêm, ôm gối ngủ trên ghế sofa chưa được bốn tiếng thì đồng hồ buổi sáng đã điểm, cô đứng dậy, lim dim con mắt há miệng ăn sáng.

Bà Cát ít khi thấy cô dậy sớm như thế, có ý muốn bàn bạc với cô về chuyện hôn lễ: “Chọn trong số mấy món đồ cưới xem thứ nào thích thì cứ lấy, phần còn dư thì để cô gửi vào két sắt ở ngân hàng cho cháu. Về áo cưới thì…”

Tuệ Tế: “Không phải thời gian trước có ngài Luca gửi thư đến hỏi về số đo để may áo cưới cho cô ba sao? Còn đưa một số mẫu thiết kế đến, chẳng qua cô ba vẫn chưa xem.”

Bà Cát đang ăn bưởi vàng, nghe thế thì đập đầu cái bộp, gần đây trí nhớ ngày một kém đi. Hồi trước vì kiếm tiền nên cháu gái bà phải làm công cho người ta, cứ tưởng nó yêu tiền, về sau mới biết chỉ là nổi hứng nhất thời, đến khi hết hứng thì lại thôi.

Có lẽ bây giờ Tạ Hồng đang ầm ĩ ở nhà, cho người mời thợ đến chế tạo bát đĩa ly rượu dùng trong hôn lễ bằng thủy ngân hoặc thủy tinh; mà con nha đầu này lại chẳng hề đếm xỉa.

Bà sai Tuệ Tế đem bản thiết kế đến để xem.

Sở Vọng mặc đồ bó dùng trong bữa sáng, cổ áo không khoét trễ nhưng đủ khiến ngực nhô lên, tạo ra rãnh sâu kéo xuống.

Bà Cát thấp giọng nói vài chỗ về kiểu áo cưới, Tuệ Tế cầm bút ghi chép.

Rồi bà hỏi, “Còn đồ trang trí thì sao?”

Tuệ Tế đáp, “Vị tiên sinh ấy có gửi điện báo đến hỏi, dùng Kutchinsky có được không?”

Bà Cát giật mình, gật đầu nói, “Gửi điện báo giúp ta, nói với ông ấy là ông ấy có thể toàn quyền tự quyết về phần áo cưới.”

Sở Vọng chẳng hề nghe lọt một câu nào, bà Cát cũng quen rồi, nếu không cũng không quán xuyến hết mọi việc thay cô.

Ăn sáng xong, vừa thay áo sơ mi quần dài và khoác thêm áo vào là cô lập tức gọi điện thoại kêu tài xế đến.

Bà Cát hỏi, “Đi đâu đấy?”

Cô đọc địa chỉ.

“Tòa án hội thẩm?”

Cô gật đầu, gấp tới mức không thấy bóng dáng đâu.

“Bao giờ thì về?”

Cô sờ đầu, “Có lẽ là giữa trưa hoặc chiều tối, cháu cũng chưa chắc lắm.”

Bà Cát đành khoát tay, “Đi đi đi.”

Cô vừa xỏ giày vào là chạy như bay ra ngoài, nhưng bà Cát đã gọi lại, “Có thể ngày mai không được ra ngoài đâu đấy.”

“Vâng.” Cô gật đầu.

“Mãi cô mới tìm được bác sĩ cho cháu.”

“Bác sĩ gì?”

Bà Cát khó mở miệng, ngoảnh mặt đi chỗ khác, ấp úng nói, “Sắp đến ngày rồi, cũng là thời điểm nên bồi bổ cơ thể.”

Cô ngước đầu suy nghĩ hồi lâu, sau đó chạy thẳng ra ngoài.

Tuy đã dặn tài xế lái xe nhanh lên, nhưng vẫn không kịp gặp Tạ Trạch Ích trước phiên tòa.

Đối diện tòa án là nhà hàng Tkachenko. Lúc cô vào, có bảy tám nhân viên nam đang dọn dẹp bàn ghế, có thể thấy là có đám đông vừa kết thúc bữa sáng không lâu, lại gần như đồng thời rời đi, chắc chắn là vào tòa án rồi.

Cô không cảm thấy đói bụng. Sau khi rầu rĩ vì mình tới trễ, cô ngồi xuống chỗ ở gần cửa sổ trên tầng hai, gọi một phần phô mai Parmesan và một ổ bánh mì lúa mạch, định bụng dùng thay bữa trưa hoặc thậm chí là bữa tối.

Nhưng xem ra cô đã đánh giá thấp mức độ coi trọng của giới chính trị Thượng Hải với phiên tòa lần này rồi.

Đây là thành phố giàu nhất Trung Quốc và toàn lục địa Viễn Đông, một nửa giao dịch ngoại thương phải đi qua đây. Tiền gửi trong các ngân hàng ở đây đều trên một trăm triệu, và tiền giấy được phát hành trên cả nước.

Hải quan thu thuế và tiền gửi HSBC mỗi ngày. Sau khi bỏ đi tiền gốc và lãi của khoản vay, toàn bộ được phân bổ cho chính phủ quốc gia, mà hầu như tất cả các khoản dự trữ tiền mặt của chính phủ Trung Quốc đều ở Thượng Hải, hơn một nửa kinh phí của chính phủ cũng được Thượng Hải cung cấp.

Thành phố vĩ đại này là huyết mạch của gần một nửa đất nước. Kể từ khi thành phố cảng bị ép mở cửa cách đây 80 năm, thuế quan phải trả đã dần dần trở thành một miếng thịt béo bở khổng lồ. Vào đầu thời kỳ khủng hoảng của xã hội tư bản lúc này, chỉ sợ sẽ không ai dễ dàng bỏ qua.

Phiên điều trần công khai đã được thiết lập là hội bàn tròn, với không quá ba trăm ghế dự thính, mỗi ghế ngồi đều được xác định trước, bên trên đặt tấm thẻ ghi tên, khác hoàn toàn với phiên điều trần công khai chỉ đơn giản tranh thủ lợi ích Trung Quốc của sáu nước lúc trước.

Ba trăm ghế này bao gồm các chức sắc của bảy quốc gia, mỗi người trong số họ đều có quyền hành với đất nước. Có người muốn tìm kiếm chỗ dựa, có người lại lăm le miếng thịt béo này.

Cuộc đàm phán bắt đầu từ lúc tám giờ, nhưng hầu hết mọi người đều đến sớm một tiếng đồng hồ, vì nghe nói đàm luận trên đất Trung Quốc thì luôn làm thân với nhau —— ngày trước ở hội đồng chưa bao giờ nghe nói đến điều này.

Có người chỉ mong được mời nhưng lại không thể, có người lại được mời nhưng không biết vì cớ gì mà vắng mặt

Không ít người yêu nước đã nhắm vào chỗ ngồi ghi “huân tước Tạ Hồng” mà chỉ trích:

“Mấy chục năm trước nhân lúc quốc gia đại nạn mà phát tài, bây giờ giàu rồi lại thành ra biết liêm sỉ, không có mặt mũi nào tham dự?”

“Sợ là đến chính ông ta cũng không biết nên đại diện bên “Trung” hay “Anh” để tham dự.”

“Nếu đến lúc đó hai nước cùng đưa ra quyết định có lợi cho mình, anh đoán xem ông ta sẽ giúp bên nào?”



Đương lúc hăng say nói chuyện, mọi người nghe thấy một giọng nam trung niên trầm thấp nhưng đầy uy nghiêm lên tiếng, “Hôm qua Tạ huân tước đã đến Penang để mua dây chuyền Comtesse du Barry giá ngàn vàng cho con dâu, e lúc này còn đang trên du thuyền tư nhân về Thượng Hải.”

Mọi người ngoái đầu nhìn lại, cung kính gọi một tiếng, “Ngài Tư.”

Đã lâu rồi ông không can thiệp vào chính trị, nhưng nay ông không chỉ có mặt trong nhóm được mời tham gia, mà còn giữ một ghế cho con trai trưởng mới tròn 20, thế lực trong tay không thể xem nhẹ, nên không ai dám tùy tiện đáp lời.

Tư Ưng dẫn Ngôn Tang băng qua đám đông ngồi xuống.

Chỉ một người chậm rãi đuổi theo.

Ngài Hoàng nói, “Lão tặc Tạ Hồng quá vô sỉ, rõ ràng ngày trước ông ta rất rành tiếng Thượng Hải và Oxford, thế mà bây giờ lại giả điên giả ngu, lừa mọi người chỉ biết nói tiếng Quảng Đông.”

Tư Ưng chỉ cười không đáp.

Ngài Hoàng ngồi xuống ngay cạnh ông, nói, “Quen ông ta nhiều năm như vậy, chúng ta cũng không biết rốt cuộc ông ta kinh doanh gì mà lại giàu có đến thế. Ở Trung Quốc rất ít người biết, sợ là ở Anh càng không ai biết.”

“Sợi dây chuyền đá quý đó có giá trị của một tòa lâu đài.” Bỗng Tư Ưng lên tiếng, “Bốn mươi năm trước là nha phiến, hai mươi năm trước là xà bông, cao su, tất vớ và Celluloid, bây giờ thì chuyển sang kinh doanh kim cương vàng bạc đóng thuyền và tiệm bạc. Chắc chắn ông ấy không chỉ có một tòa pháo đài ở Anh và Scotland, không cần phải xót cho ông ấy.”

Ngài Hoàng cười: “Ông ta chịu chi bao nhiêu tiền cho con trai và con dâu thì liên quan gì tới chúng ta?” Rồi lại nói, “Còn anh Tư đây đúng là bảo đao không hoen gỉ. Hơn nữa, tôi không biết trong phái du học Nhật có người chịu mở miệng nói tiếng Anh, còn nghiên cứu am hiểu về người Anh.”

“Dĩ nhiên chuyện này cũng không liên quan đến anh Hoàng. Có điều, ông ấy chịu bỏ tiền cũng chỉ là vì muốn mua về thoải mái yên tâm, mưu cầu phúc lợi cho nhà họ Tạ.” Tư Ưng đáp thẳng thừng hơn, “Thế còn ba thế lực của anh Hoàng thì sao? Có sẵn sàng làm gì rửa nhục cho hành động của mình hai năm trước không?”

Hai người cùng nhìn về phía sĩ quan quốc dân có cấp bậc rất cao đang ngồi hàng đầu.

Ngài Hoàng chắp tay nói, “Ba người chúng tôi đã bàn bạc ổn thỏa, xin anh Tư chỉ điểm cho.”

Tư Ưng lên tiếng, “Thượng Hải là miếng thịt béo bở, mà Tây Bắc cũng thế. Hôm nay bổn ý của một trong bảy nước là ở Tây Bắc, muốn tham lam ôm cả hai bên; một miếng thịt mà bảy bên cùng tranh đoạt, một miếng khác vẫn nằm yên trong túi Giang Tây và Anh thuộc. Nếu các anh chịu nhượng bộ, tôi và cả thế lực của tôi sẽ dốc sức vì Nam Kinh, như vậy có đủ đối đầu không? Nếu hai phe chịu chung sống hòa bình mười năm, tôi sẽ tranh thủ lợi ích Tây Bắc, như vậy có đủ để sống chung hòa bình không?”

Ngài Hoàng đã có tính toán từ sớm, nay nghe chính miệng ông nói ra thì không khỏi vui mừng: “Đủ.”

“Vậy xin anh thôi ủng hộ những bên liên quan đến Nhật Bản, cũng thu hồi mọi lợi ích của bọn họ ở Trung Quốc.”

Những gì Nhật Bản đã làm hiện tại đã kích thích lòng dân căm phẫn, và ngay từ khi xảy ra sự kiện tắm máu ở Thượng Hải hai năm trước, Nam Kinh đã mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Nếu còn tiếp tục mặc kệ Nhật Bản, thì dù có dùng văn chương tẩy não tuyên truyền nhiều đến đâu thì cũng không nên trò trống gì.

Từ bỏ sự hỗ trợ của Nhật Bản, ai sẽ hỗ trợ Nam Kinh trong cuộc đọ sức đây?

Tư Ưng vừa đến, vô số thế lực còn lại trong nước cũng sẽ ủng hộ ông, thậm chí còn có thể thắng được một trận chiến tranh dư luận, thế thì việc gì không làm?

Huống hồ, Nhật Bản ỷ có Nam Kinh là chỗ dựa nên thế lực ở tô giới ngày một không coi ai ra gì, năm nước ở hội đồng khu đã phẫn nộ từ lâu, nay bọn họ bị Nhật Bản làm liên lụy, chỉ hận không thể lập tức từ bỏ lợi ích Nhật Bản để đổi lấy lợi ích của bản thân.

Ông ta lập tức quay về muốn khuyên ngài Đỗ rõ ràng.

Đến chín giờ đúng, hơn hai mươi người đại diện cho bảy nước từ ngoài hành lang đi vào tòa án.

Nói là buổi đàm phán công khai, thì chi bằng nói là năm nước có địa vị và tiếng nói quốc tế công bố kết quả thảo luận của họ với các nước yếu hơn và các nước đang bị xét xử. Đây là quá trình các cường quốc xâu xé lợi ích, có lẽ trong quá trình đó sẽ phát hiện được chút xíu lương tâm, chia cho nước yếu một mẩu bánh mì là đủ lấp đầy dạ dày của những chính trị gia yếu đuối.

Nhưng kết quả có thể truy nguyên, những người sáng suốt cũng có thể nhận thấy được lỗ hổng lợi ích giữa Anh và Mỹ từ kết quả đàm phán.

Lỗ hổng này được lấp đầy từ đâu?

Hầu hết mọi người không biết, hoặc không có quyền can thiệp vào một miếng thịt béo khác.

Có rất ít người biết sĩ quan quân đội hai nước Anh Mỹ đã không ngủ không nghỉ, đấu đá kịch liệt gần một tuần.

Trong số đó có trung tá Hart – người đã giữ chức giám đốc thuế của Hải quan Thượng Hải trong 48 năm, có Nhu Nhĩ Tra bị cách chức xuống làm phó lãnh sự, miễn cưỡng giữ được hàm thiếu tá, còn có đại tá Boulon là lãnh sự trú ở Thượng Hải và Mỹ, phụ trách mọi thông tin cốt lõi… ngoài ra còn có thiếu tá Zoe Tse vừa được tiến cử của quân đội Anh, người đột nhiên phải gánh trách nhiệm nặng nề.

Vị thiếu tá sinh ra trong gia đình thương nhân xảo quyệt nhất, tựa như một con sói đang ngủ, lặng lẽ lắng nghe tất cả những người có quân hàm cao hơn anh đang bàn bạc về tình hình ở Trung Quốc và thế giới, đàm luận về Tây Bắc, tỏ rõ sự thèm muốn với lợi ích tô giới Nhật, đàm luận về thuế hải quan Thượng Hải, Nam Kinh và Giang Tây.

Họ không chắc sẽ chiếm được bao nhiêu ngoài từ Trung Quốc và ba nước khác khi đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Nhất định phải hy sinh lợi ích của Nhật Bản, và ba nước khác phải hy sinh bao nhiêu lợi ích cá nhân mới có thể đổi lấy được lợi ích Tây Bắc và làm dịu đi cơn giận dữ của Trung Quốc, bọn họ cũng không chắc chắn.

Khi hai nước Anh Mỹ đang cãi vã kịch liệt trong lúc đưa ra điều kiện để đổi lấy lợi ích Tây Bắc, thì đột nhiên vị thiếu tá người Anh chợt mở miệng.

Anh đưa ra một khoản tiền vốn – là số tiền mà anh đã hỏi ý kiến của Bohr và cũng được ông ấy viết cho.

“Đây là số tiền vốn mà các ngài đây nói là ‘Tây Bắc’ thiếu hụt.” Anh nói. Nhưng số tiền này gần như không là gì so với kho bạc nước Mỹ hiện tại. “Khoản bồi thường năm Canh Tý được hoàn trả đầy đủ sau mười năm, mà trong mười một nước được bồi thường bởi “hòa ước Tân Sửu” đã bao gồm sáu nước thuộc hồi đồng khu.” Anh đột nhiên nhắc đến khoản bồi thường Canh Tý. Khoản bồi thường được trả lại này rơi vào tay Bắc Dương hủ bại và chính phủ hôm nay thì lập tức trở thành miếng mỡ béo bở, gần như dùng toàn bộ để làm kinh phí cho quỹ du học Mỹ của Thanh Hoa, cũng là để lấy lòng con cái của các quan chức cấp cao đi du học. “Trong quá trình sửa đổi ‘điều ước Tân Sửu’, có thể đề xuất chính phủ Nam Kinh chỉ định đường tắt sử dụng khoản bồi thường, ví dụ như, thay nước Anh trả lại khoản bồi thường Trung Anh, còn toàn bộ số tiền bồi thường Trung Mỹ thì rót vào Tây Bắc?”

“Vẫn chưa đủ. Còn cần vốn nữa.” Hart nhìn chằm chằm số tiền kia.

“Nhà cửa và ranh giới ở tô giới Nhật.”

Các đại tá của hai nước nhìn anh chằm chằm.

“Đừng quên, Nhật Bản phải chuyển nhà máy về nước, nhưng nhà cửa và ranh giới thì vẫn ở lại. Đến lúc đó ta chỉ việc mua lại từ trong tay Nam Kinh. Cuộc đại suy thoái cũng không ảnh hưởng gì đến Thượng Hải, tôi nghĩ không ai ngu tới nỗi chịu từ bỏ lợi ích trước mắt.”

Boulon nói, “Cậu quyết định như vậy thì chính phủ Trung Quốc được gì?”

“Năm năm, hoặc mười năm sau đại suy thoái, chúng ta trả đất lại cho bọn họ.”

Mọi người cười phá lên. Chu Nhĩ Tra nói, “Zoe, cậu điên rồi!”

Tạ Trạch Ích nheo mắt nhìn Boulon, “Tiết học đầu tiên thầy đã nói: ‘Tôi không có ý định hướng dẫn các cậu trở thành chiến sĩ ưu tú nhất, nhưng tôi hy vọng suốt đời này các cậu sẽ không thật sự áp dụng môn học tôi dạy’.”

Boulon thôi cười, “Đúng là năm nào khai giảng tôi cũng nói thế.”

“Cách tốt nhất giải quyết nguy cơ là chiến tranh. Thầy cũng đã nói như vậy.” Anh nói.

Ông ta hừ lạnh, “Cậu nhớ rõ đấy.”

“Năm nước liên quan đến ‘điều ước hải quân Washington” đều có mặt tại hội đồng khu. Thầy không biết đại suy thoái sẽ kéo dài bao năm, liệu bên nào sẽ là bên xé bỏ điều ước, dẫn đầu phát động chiến tranh đây? Anh, Nhật Bản, hay là Mỹ…”

Sắc mặt Boulon ngày càng tái nhợt.

Ông lạnh lùng nhìn chàng trai trẻ trước mắt, nhìn người quân nhân sinh ra từ gia đình thương nhân. Quả nhiên ông không nhìn nhầm anh, hơn nữa còn đã đánh giá thấp anh. Ông tính dùng anh làm vũ khí, nhưng anh đã biết phải tranh thủ lợi ích thế nào. Anh quá lợi hại! Anh muốn chia một bát canh từ trong tay Anh Quốc, có ý muốn thu trọn Tây Bắc vào trong tay; cũng không muốn kéo dài mãi, để phần lớn lợi ích Tây Bắc vẫn thuộc về Anh; anh chu đáo cân nhắc đến lợi ích Tây Bắc cho quốc gia của mình, lại còn có thời gian nghĩ ra điều kiện năm năm, hoặc mười năm sau trả lại tô giới.

Anh không sợ người Anh chỉ vào mũi anh mắng mình là kẻ bán nước!

Nhưng những người Anh đang ngồi ở đây, không ai tức giận hơn Boulon cả.

Vì chính ông đã cứu anh từ trong tay người Anh, nâng đỡ anh ngồi lên vị trí này. Hôm nay ở THượng Hải, ngoài lãnh sự trú tại Thượng Hải không có quân quyền và uy tín ra thì không ai có quyền thế lớn hơn anh.

À, ông ta đã quên, anh là Tạ Trạch Ích, là con trai của gian thương Tạ Hồng luôn giành tài phú giữa hai nước Trung – Anh.

Kết quả đàm phán gần như không khác gì với điều kiện Tạ Trạch Ích đưa ra.

Thẩm phán Hà Lan mặt không biểu cảm đọc kết quả của năm nước.

Mọi người cùng nhìn về phía người Trung cao lớn đại diện cho lợi ích nước Anh, bỗng ngài Hoàng hỏi: “Anh chàng thiếu tá này không giống cha cậu ta chút nào, đúng không?”

Cậu Tư nãy giờ vẫn im lặng lại thay mặt cha bình thản đáp: “Đương nhiên rồi.”

Ngài Hoàng nói, “Bên ngoài nói cậu Tư đang khốn khổ vì tình, đến nay vẫn chưa gượng dậy nổi. Xem ra bọn họ nói bừa rồi. Nam nhi chí ở bốn phương, cớ gì lại sa chân vì một cô gái?”

Ngôn Tang nheo mắt, “Không có chuyện khổ hay không khổ. Cô ba là cô gái không hề tầm thường, nếu không cũng không xứng kết đôi với anh Tạ. Chẳng qua tôi chỉ thua tâm phục khẩu phục.”

Tư Ưng cười nói, “Con trai tôi cũng dần bất tài như tôi rồi.”

Ngài Hoàng mỉm cười rồi hỏi, “Nghe nói ông Lâm đã dốc hết gia sản vì cô ba đi lấy chồng, nên gần đây đang trong tình trạng khó khăn. Gả con gái thôi mà, sao lại đến mức ấy?”

Hai người bọn họ đều hiểu điều ông ta muốn hỏi không phải là Lâm Du “dốc hết tất cả”, mà muốn hỏi quan hệ hai nhà Tư – Lâm: vì sao bạn cũ lại khó khăn vì tài chính như vậy, ông là bạn thân chí cốt của ông ta, vì sao không giơ tay giúp đỡ vào lúc này?

Tư Ưng đáp: “Cô bé ấy không cần nhiều tiền, con trai ông ấy cũng không cần. Nếu không thì số tài sản kếch xù đó sẽ  phá hủy hai đứa nó. Tạ huân tước biết rõ điểm này, nhưng vung tiền nhiều như thế không phải là vì cô ba và cậu Tạ cần, mà là bản thân ông ấy cần. Của bất chính, tham nhiều cũng vô nghĩa. Nếu tiếc tiền thật thì sẽ gieo gió gặp bão thôi.”

Ngài Hoàng thầm kính nể. Ngày trước người ta hay nói Tư Ưng là người bảo thủ không biết biến báo, nay mới hay ông rất biết lý lẽ, thị phi đúng sai rõ hơn ai hết, dù đặt ở đâu cũng sẽ là một ngọn đèn sáng.

Nếu đặt đúng nơi, chí ít ngọn đèn này có thể soi sáng ba mươi bốn mươi năm.

Ngài Hoàng dỏng tai lắng nghe, rồi lại hỏi tiếp: “Nếu khoản bồi thường năm Canh Tý không dùng để giúp đỡ du học, thì học trò nghèo Trung Quốc ta theo học thế nào?”

Tư Ưng nói, “Theo tình hình hiện này, anh Hoàng cho rằng muốn theo học thì cứ phải xuất ngoại sao?”

Bỗng Ngôn Tang nói, “Nhưng cả quá trình đàm phán chưa hề trưng cầu ý kiến nào của người Trung, đúng không?”

“Đúng thế.”

“Đến các chú cũng cho rằng nên như vậy sao?”

“Điều kiện bọn họ đưa ra cũng không quá đáng.”

“Như vậy là bình thường ư?”

Tư Ưng lên tiếng, “Cha con không có quyền ngoại giao. Chỉ có thể mạo hiểm gửi cho chính phủ một bức thư ngôn từ đanh thép, hoặc là xuống phố gia nhập biểu tình của đội ngũ học sinh, muốn cứu học trò mình đang bị giam thì cũng chỉ có thể bỏ ra 500 đồng đến hội đồng khu chuộc người. Cha con không giống con, viết liền hai bài văn cũng không có mấy ai thực sự xem.”

Ngôn Tang ngửa đầu thở dài, “Con ra ngoài đã.”

Ngài Hoàng ngạc nhiên, “Vì sao anh lại dẫn cậu ấy cùng đến đây?”

Tư Ưng nói, “Mấy năm trước nó từng viết thư tuyên bố muốn ‘trở thành một nhân vật giống như Cố Duy Quân’. Tuy rằng năm nay có vận động Ngũ Tứ, dù học sinh có đình công hay ra đầu phố nhiều đến mấy, thì hội nghị Paris vẫn sẽ tiếp diễn, dù là trên lãnh thổ Trung Quốc đây. Nếu không đưa nó đến xem thì nó sẽ không biết mình thua kém ở điểm nào. Còn cậu Tạ kia, sợ rằng ngay cả Cố Duy Quân là ai cũng không biết.”

***

Sở Vọng nhìn chằm chằm cánh cửa tòa án, không ngờ người đi ra đầu tiên lại là Ngôn Tang.

Anh đứng ngẩn ngơ ngoài cửa một lúc như không biết đi đâu, cuối cùng bước vào quán cà phê Tkachenko.

Một lúc sau, cô nghe thấy nhân viên nói: “Thưa anh, tầm nhìn trên lầu thoáng hơn, mời đi bên này.”

Anh mặc một chiếc áo sơ mi trắng và quần flannel phù hợp với áo nỉ, phủ thêm một chiếc áo khoác lông cừu màu be dệt bằng tay. Vừa lên lầu anh đã nhìn thấy cô, bước chân khựng lại, rồi anh lập tức đi về phía cô, ngồi xuống đối diện.

Nhân viên thấy sắc mặt lạnh nhạt của cô, đi tới hỏi anh muốn ăn gì.

Anh gọi bánh Soufflé chanh xong, Sở Vọng bỗng cười nói: “Em không biết là anh thích ăn đồ ngọt.”

Ngôn tang nhìn chai rượu Chambertin nằm dưới giỏ bánh mì, nói: “Anh cũng không biết là em biết uống rượu.”

Cô cứng họng, “Giờ có muốn giấu chai rượu to như vậy cũng không kịp nữa rồi.”

Ngôn Tang chợt bật cười.

Cười nhiều trông đẹp trai biết mấy. Cô thở dài bảo, “Xem ra kết quả hôm nay cũng không tệ.”

Anh lắc đầu, “Ít nhất sau này vẫn còn một chặng đường dài.”

Cô nhìn anh, hỏi: “Thế anh cười cái gì?”

Bỗng anh nói: “Lúc em còn nằm viện, anh từng gặp anh Tạ một lần. Cha vừa mới về đã đột ngột tuyên bố hôn ước của hai chúng ta bị hủy bỏ, cũng không cho anh biết em đang ở đâu, ngoại trừ anh Tạ.” Anh dừng lại, “Hôm đó anh ta nói cho anh biết, em rất lười, ăn gì cũng chỉ muốn tiện lợi, mấy thứ có da, có hạt, có xương, có vỏ, xương thịt lẫn lộn… nói chung là những món phải nhọc công tốn thì em sẽ không đụng đến. Còn nói nếu có người lột vỏ nho, lóc xương cá, hầm xương thật mềm, tách thịt tôm cua, thì em sẽ hài lòng ăn uống hơn bất cứ ai. Không phải là không ưa mà chỉ là lười; không phải là không thích ăn, mà lười động tay để ăn. Anh ta còn nói không phải em không biết tận hưởng tình yêu, mà tự biết tinh lực có hạn, không thể dốc sức vì cuộc tình phức tạp khó dò, mập mờ không rõ. Một người như em, trời sinh đã có mệnh quần áo cơm nước đưa tận tay, bản thân chỉ muốn dốc lòng vào sự nghiệp của riêng mình, thì dựa vào đâu lại yêu cầu em phải bớt thì giờ đi tìm hiểu người khác?”

Cô chợt ngẩn người. Không biết thì ra mình lại có hình tượng như vậy.

Ngôn Tang nói tiếp: “Anh cứ tưởng đó không phải là Sở Vọng anh biết, chẳng qua anh ta chỉ tìm lý do để khuyên anh từ bỏ, mà đâu ngờ chỉ là anh ta không có cơ hội chăm sóc em nữa, nên mới dặn dò anh tất cả những gì liên quan về em.”
Bình Luận (0)
Comment