Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 75

Thân gửi Sở Vọng,

Thư đến tay, thấy chữ như thấy người.

Mong em thứ lỗi cho anh vì đã lâu không viết thưgửi về. Từ tháng 6 khi tạm biệt ở Thượng Hải, anh vẫn luôn nghĩ về câu nói cuối cùng em nói với anh —— “anh phải suy nghĩ, bản thân mình muốn trở thành người như thế nào.” Mới nghe qua, lời này thật sự khiến người ta tức giận. Chỉ vì anh cảm thấy, nếu không có hôn ước trước đó, có lẽ với em anh cũng chỉ hơn một người xa lạ, em cũng chỉ đối xử khách khí. Cũng như những người họ hàng không hay lui tới lại cố ra vẻ thân mật xoa đầu hỏi “sau này lớn lên cháu muốn làm gì”; cũng giống như khách khứa nịnh nọt cha anh “sau này cậu nhà tất sẽ thành công”.

Xin em đừng tức giận. Anh muốn nói cho em vài chuyện em không biết —— nếu anh không nói với em, có lẽ em sẽ mãi mãi hiểu nhầm anh.

Trên đoạn đường từ viễn Đông đến châu Âu lần này, thuyền đi qua Việt Nam và Singapore ở Đông Nam Á, đi qua Ấn Độ và Sri Lanka ở Nam Á, đi qua bến tàu ở bờ đông châu Phi, qua biển Đỏ, Địa Trung Hải, cuối cùng mới đến bến tàu Marseilles ở Pháp, cuối cùng đổi đường thủy hoặc đường bộ để đến các nước châu Âu. Một quãng đường dài đằng đẵng, mỗi một lần dừng thuyền là một phong cảnh đơn điệu như nhau. Chuyến này đi, tuy có chú nhà và chị em đi cùng, những gì trên đường đi là mới mẻ với họ, nhưng với anh là thứ cực kỳ nhàm chán, không khác gì ngày thường. Nhưng không ngờ, điều này đã khiến anh có cách hiểu khác về em —— ví dụ như, lần này chú Lâm đến Pháp, một vài nguyên nhân là vì muốn gặp lại người mình yêu; có lẽ chính vì nguyên nhân này nên chú Lâm mới thương cô con gái do mình và người kia sinh ra hơn, thậm chí còn hao tâm tốn sức tạo cơ hội cho con gái đi chơi riêng với anh. Một người suốt ngày chơi bời, không ôm chí lớn như anh quả thực ngạc nhiên, không biết rốt cuộc mình đã có tài đức gì.

Anh nghĩ hẳn em phải chịu thiệt nhiều lắm; nếu sau này có một ngày anh châm chọc hành động lời nói của chú và chị gái em, em sẽ không trách anh chứ?

Năm mười lăm tuổi cùng cha đi đến Thiệu Hưng, ông ấy từng nói với anh rằng: “Tuy hôn ước của con và em ba là do cha và chú Lâm hứa hôn, nhưng chú Lâm từng nói, ‘từ nhỏ vì thân thể yếu đuối nên con bé thường cần người khác chăm sóc, chỉ sợ sau này không thể trở thành một cô vợ tốt; tôi muốn giữ con bé lại nuôi thêm ít năm, như vậy thì sẽ yên tâm hơn. Trong nhà có con hai lớn hơn con ba hai tuổi, từ nhỏ đã thông minh biết tự lập, tôi thấy, có lẽ nó xứng đôi với cậu nhà hơn con ba. Có điều tôi nói thế thôi, mọi sự vẫn dựa vào ý của cậu nhà.’ Nhà họ Tư không thể phản bội nhà họ Lâm. Đợi gặp em hai và em ba rồi, con nhớ phải suy nghĩ rõ ràng.” Giờ nhớ lại những lời này, anh chỉ thấy rùng mình sợ hãi: nếu ngày hôm đó anh không gặp em, lại ngơ ngác nghe theo ý của chú Lâm, vậy thì em sẽ ở đâu, sẽ sống như thế nào?

Anh chưa bao giờ nghe em nói những chuyện này, nhưng chỉ dựa vào suy đoán, cũng có thể đoán được những vất vả em phải chịu trong nhiều năm qua. Anh chưa từng nghiêm túc hiểu em, chỉ toàn dùng suy nghĩ của mình ép buộc em; anh chỉ từng nghĩ “sẽ không làm liên lụy đến em”, nhưng chưa bao giờ nghĩ “em muốn làm gì”. Dùng đạo đức của mình để trói buộc em, lại đưa em vào cảnh lưỡng nan.

Nay quyền tự do bình đẳng trong nước ngày càng phát triển, rất nhiều nam sinh được giáo dục sẽ bị điều đó tác động, muốn thoát khỏi ràng buộc, thoát khỏi hôn ước cũ của mình; mà nữ sinh cũng thế. Ở nước ngoài anh nghe tin tức nhưvậy rất nhiều, thường cảm thấy rất bất ngờ với giáo dục thâm căn cố đế của cha, vô hình trung đã sống như một di lão ở thời xã hội phong kiến. Anh cũng muốn hỏi em một câu, rốt cuộc em có suy nghĩ gì về hôn ước này. Đạo đức đã trói buộc anh nhiều năm, muốn anh trở thành người trong miệng kẻ khác, nhưng chưa bao giờ thật sự nghĩ xem mình muốn làm gì. Mới đầu giận em ích kỷ, về sau mới hiểu ra, người ích kỷ thực chất là anh —— người chưa từng hiểu rõ mình nhưng lại muốn để người ngoài phải hiểu mình trước, đúng là nực cười.

“Anh phải suy nghĩ xem anh muốn trở thành người như thế nào”, lời tâm huyết cuối cùng là như vậy. Cha theo Nhật phái, sau khi về nước thì theo việc chính trị, nhưng chưa bao giờ ủng hộ anh làm chuyện liên quan tới chính trị. Cẩn thận suy nghĩ, anh đã quyết định vì cá nhân mình mà làm một vài chuyện trái với đạo hiếu ——đầu tiên phải trở thành một người tự do độc lập, thì mới có thể yêu cầu người khác hiểu và tôn trọng. Lúc này Trung Quốc vẫn chưa yên, mà trên đại lục châu Âu cũng thế. Hơn hai năm sau cuộc đảo chính quán bia*, một chính đảng vô nhân đạo đã khơi đống tro tàn. Sau khi sửa lại công pháp quốc tế, anh và bạn cùng trường rất căm phẫn về các cương lĩnh của bọn họ, thường xuyên biểu tình để phản đối chính đảng đó. Tuy biết rõ hành động này sẽ tạo trở ngại cho việc thư từ giữa hai ta, nhưng anh vẫn quyết định làm như thế —— hy vọng sau khi em biết có thể tha thứ cho sự ích kỷ của anh.

(*Đảo chính quán bia hay Đảo chính Hitler-Ludendorff là cụm từ mà sử gia gọi biến cố xảy ra ngày 8 tháng 11 năm 1923 do Adolf Hitler điều động Đảng Đức Quốc xã gây ra, nhằm lật đổ chính quyền bang Bayern, từ đó dự định tiếp tục lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar.)

Cũng bởi vì các lý do trên nên anh đã gửi riêng bản dịch tiếng Anh và lá thư này, chỉ mong có thể đúng lúc đến Hương Cảng, có thể giúp ích nhiều cho em.

Chúc em những điều tốt lành

Ngôn Tang kính bút

1928, 29 tháng 1.

Đúng là đã gửi được một năm.

Sở Vọng tựa lưng ra ghế sofa, mỉm cười đọc hết thư rồi cầm bút viết mấy chữ:

“Anh Ngôn Tang, lúc viết bức thư này, có lẽ em đã mất đi lý do duy nhất để gửi thư cho anh; nhưng trước đó, xin anh tha thứ cho sự mạo muội của em mà viết lá thư này cho anh. Đồng thời, cũng xin anh nhất định phải đọc hết bức thư. Nếu em nói với anh thì có lẽ anh sẽ không tin lắm: nhưng có rất nhiều chuyện của anh, quả thật em đã biết rồi. Ví dụ như những lời cha anh nói với anh trước khi đến Thiệu Hưng, hay ví dụ như anh và bạn bè biểu tình chống đối chính đảng ở châu Âu…”

Cô suy nghĩ một hồi, lại cảm thấy không thỏa đáng lắm, thế là vo tròn tờ giấy ném đi, ôm chú gấu bông vùi đầu ngủ.

***

Hôm sau tỉnh dậy, cô nghe thấy bà Cát đang cảnh cáo người hầu ở dưới nhà, nói là —— “Tối hôm nay trước khi ta về nhà, cất hết báo đi không được cho cô ba thấy”, rồi còn nói, “cũng không được để con bé nghe điện thoại”, trước khi ra cửa lại dặn thêm, “Đợi nó dậy thì nói với nó: trong trường gọi điện cho nó ở nhà nghỉ mấy ngày. Mấy ngày nay đừng để nó đi ra ngoài —— nhất là trước khi ta về.”

Đối với những chuyện này, Sở Vọng chỉ nghiêng đầu cười: “Có phải mọi người nghĩ mình yếu đuối lắm không?”

Dùng chân nghĩ cũng biết, có lẽ người cha “hờ” kia đã noi theo người cha của cô vợ lẽ của người ở Đông Bắc kia*, đăng báo gạch tên cô ra khỏi gia phả. Cô chẳng có chút cảm nhận gì về chuyện này cả, khó khăn lắm muốn đọc thơ văn hoa mỹ của người cha “hờ”, chỉ tiếc báo đã bị giấu nhẹm đi mất rồi.

(*Tác giả muốn nói đến chuyện Triệu Nhất Địch vì bỏ nhà theo Trương Học Lương mà khiến cha tức giận, công khai đăng báo đoạn tuyệt quan hệ cha con.)

Ở nhà rảnh rỗi đâm nhàm chán, chỉ có điện thoại ở Du Ma Địa gọi đến mời cô ra nhà.

Hai người ở cửa tiệm may mặc vẫn như trước, không có gì thay đổi, chỉ là trong tiệm thiếu đi vào thứ đồ, khiến nhìn vào trông như lầu không nhà trống.

“Tôi sắp về lại Pháp rồi, dùng tên ‘Luca’ đăng ký công ty phục sức ở Paris. Nếu như mọi chuyện thuận lợi, sau này tôi muốn cháu ủng hộ nước hoa và đồ trang điểm của nhãn hiệu Luca, mong cháu đừng từ chối.” Ngài Saumur nói.

“Đương nhiên là sẽ ủng hộ hết mình ạ.”

Ngài Saumur phải về Pháp, hợp đồng của bà Nguyễn với ông cũng đã đến kỳ, cũng phải theo chồng về Việt Nam một thời gian. Bà ấy biết ít tiếng Trung, có lẽ vì đọc báo hai hôm nay nên mới báo lại cho ngài Saumur. Sau khi nói lời tạm biệt, ông như muốn trấn an Sở Vọng, dịu dàng nói, “Nếu cháu cảm thấy ở Trung Quốc mệt quá, thì tôi và ngài Dupont hoan nghênh cháu đến Paris bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ, với khả năng kinh tế của hai người chúng tôi, có thể đủ để một cô gái thục nữ phương Đông sống an nhàn ở Paris.”

Bà Nguyễn cũng cười nói, “Dì và chồng cũng hoan nghênh cháu đến Sài Gòn bất cứ lúc nào.”

Sở Vọng lần lượt ôm hai người, “Nhất định sẽ đến ạ.”

Họ đều là những người rất tốt. Nếu như xảy ra chiến tranh thật, ở Paris không hẳn là xấu.

Nhưng tốt nhất là chiến tranh đừng xảy ra.

Xuống xe trước biệt thự họ Cát, cầm lấy tờ báo ở thùng thư trước cổng, cô vừa đi vừa đọc.

Nhưng còn chưa tìm được tin tức liên quan tới mình thì đã đến dưới bậc thềm trong nhà. Có một chiếc xe đang đậu ở đấy. Bước lên bậc thềm, đi mấy bước vào vườn hoa, chợt thấy một bóng người cao ráo đứng dựa vào cột cẩm thạch, đang nói chuyện với Tuệ Tế.

Tuệ Tế nhìn thấy cô, “Anh Từ mới đến, tôi muốn mời anh ấy vào nhưng anh ấy lại nói sẽ ở đây chờ cô.”

Sở Vọng kéo cửa ra, đứng ở cửa nói, “Mời thầy vào nhà nói chuyện.”

“Chỉ mấy câu thôi, nhưng gọi điện thì không tiện lắm. Không lâu đâu, không cần vào.”

“Vâng ạ.”

Sau khi cho phép, Tuệ Tế cũng đáp lời rồi đi ra ngoài.

Đợi Tuệ Tế đi rồi, hai người im lặng không nói gì, bầu không khí chưa bao giờ lúng túng như lúc này.

“Lương Chương…”

“Đi đứng không tiện lắm,” Rồi anh bổ sung thêm, “Dù gì cũng là chuyện sớm muộn. Sớm hơn thì có Lise chăm sóc, em không cần lo lắng.”

“Thế thì tốt rồi.”

“Có muốn nghe tin tốt không?”

“Là gì ạ?”

Từ Thiếu Khiêm cười nói, “Bọn họ đã nhượng bộ rời. Mới chúng ta cử một nhóm người đến tô giới công cộng. Dù gì Hương Cảng cũng là nơi của người Anh, nếu đến nơi tay có thể vươn tới thì dĩ nhiên cũng sẽ yên tâm hơn.”

Cô gật đầu, “Đúng là một bước tiến lớn.”

“Ừ. Nên tôi đến đây là muốn hỏi em, có muốn đi Thượng Hải không?”

“Em…”

“Trước đây tôi vẫn cho rằng, chỉ cần che chắn em sau lưng thì nhất định sẽ không có chuyện gì. Nhưng mấy ngày qua tôi vẫn nghĩ, rốt cuộc làm như vậy có đúng không, tôi giấu đi tài năng của em, không ngờ vẫn khiến em gặp chuyện bất công ấy. Suy cho cùng vẫn là tôi sai. Em còn mạnh mẽ kiên cường hơn tôi nghĩ nhiều.” Từ Thiếu Khiêm mỉm cười, ngẩng đầu nhìn cô, “Có đi Thượng Hải không? Đi xa một chút, sớm ngày để tôi thấy được ánh sáng của em.”

“Thầy không sai… Em nghĩ em cũng không sai. Là do em đắc ý quá, quên đây là năm nào, quên đây là thời đại nào.”

“Nên sau này, em nhớ phải cẩn thận.” Suy nghĩ một lúc, lại cảm thấy vẫn không yên tâm, “Nhất định phải thận trọng.”

“Em biết rồi ạ.”

“Bài phát biểu về sao đặc, rất nhiều người em muốn gặp đều gửi lời mời đến Thượng Hải,” Từ Thiếu Khiêm nghĩ ngợi rồi nói tiếp, “Có điều ở đó không có Lương Chương, cũng không có tôi, nhưng đổi lại em sẽ có nhiều tự do hơn ở đây.”

“Thầy…” Sở Vọng ngẩng đầu lên, “Không đi Thượng Hải sao?”

“Ở Hương Cảng vẫn còn rất nhiều chuyện cần giải quyết. Bạn của Lương Chương đã liên lạc với phía Giang Tây rồi —— tuy khả năng không lớn nhưng nếu cần thiết, thân là nhân viên duy nhất trong dự án giỏi tiếng Trung, xuất phát từ thành ý, tôi cũng đành phải đi một chuyến.”

“Giang Tây sau này…” Sở Vọng suy nghĩ rồi nuốt lời vào bụng, nhắm mắt nói lạc đề, “Đến Giang Tây thì nên ăn mặc giản dị thôi, cũng đừng nói trong nhà làm gì. Người ta đang đấu nhau với địa chủ, dù gì cũng nên thể hiện thành ý.”

Tuy biết cô đang nói đùa, nhưng anh vẫn gật đầu cười, “Được.”

Nghĩ một lúc, cô lại gãi đầu hỏi, “Em đã qua kỳ thi rồi chứ ạ?”

Từ Thiếu Khiêm cười, “Sẽ gửi cho em sớm thôi, không cần phải lo.”

“Vâng ạ.”

Những gì cần dặn gì cũng dặn rồi, cần đùa cũng đùa rồi, giờ đột nhiên im lặng, bầu không khí trở nên lúng túng dị thường.

Từ Thiếu Khiêm nói khẽ, “Tôi thay mặt vợ mình xin lỗi em.”

“Không sao, em cũng không giận lắm.”

“Ừm.” Suy nghĩ một lúc, không biết vì sao lời nói lại dần ngắt quãng, “Nếu như, giả sử… Tôi nói là, nếu như, em không có lựa chọn tốt hơn, thì ở chỗ tôi, chắc chắn em sẽ được sống ổn.”

“Hả?”

“Không có gì, sẽ không có chuyện như vậy đâu.” Từ Thiếu Khiêm cười giễu, “Em có thể sống tốt hơn so với tôi nghĩ nhiều.”

Không đợi Sở Vọng hoàn hồn, anh đã nhẹ nhàng khép cửa lại. Cách một cánh cửa, Sở Vọng chỉ nghe thấy giọng của Từ Thiếu Khiêm: “Yên tâm đến Thượng Hải đi. Em không cần lo những chuyện khác ngoài Thượng Hải, mọi sự đã có tôi rồi.”

Và một câu nữa, “Tạm biệt.”
Bình Luận (0)
Comment