Chương 127: Giải Thí yết bảng. (2)
Chương 127: Giải Thí yết bảng. (2)Chương 127: Giải Thí yết bảng. (2)
Quách Bách Tụng có suy tính của lão, dựa vào chất lượng bài thi và danh tiếng của Triệu Ngọc Thư, nằm trong ba người đứng đầu là chuyện rất dễ dàng. Cho dù không đỗ Giải Nguyên, lão cũng có thể lấy cớ cho qua. Ngàn lượng vàng Triệu gia đưa tới mình cũng có thể trả về một ít, là một trong ba người đứng đầu cũng coi như lão không tắc trách rồi.
Nhưng nếu Trịnh Vinh Thái đỗ Giải Nguyên, không những có thể ăn nói với Giả Thông phán, còn có thể lấy được năm trăm lượng vàng của Trịnh gia. Ngoài ra con trai lão cũng có thể dựa vào cái cây to Thái tử này, có thể nói là một mũi tên trúng ba con chim.
Có điều trong lòng Quách Bách Tụng cũng có chút chột dạ, bài thi của Trịnh Vinh Thái quả thực còn cách hai chữ Giải Nguyên một khoảng xa không tưởng, nghe nói người Trịnh gia nhờ làm bài thi hộ cũng chỉ là cử nhân trong họ. Xíu chút nữa là Quách Bách Tụng tức đến thổ huyết, Trịnh gia chi nhiều tiền như vậy mà lại sơ xuất ở khâu quan trọng nhất, sao không đi tìm tiến sĩ hả? ! Không thì cũng phải tìm một học trò Thượng Xá của Thái Học chứ, tìm cử nhân làm gì? !
Thật ra trách thế cũng hơi oan cho Trịnh Thăng, ban đầu Trịnh Thăng tìm tới một học trò Thượng Xá của Thái Học, nhưng ở thời khắc mấu chốt nhất, học trò này chẳng may ngã bệnh trên đường tới huyện An Dương. Chẳng còn cách nào khác, Trịnh Thăng chỉ đành tìm một cử nhân trong họ tới thay.
Âu Dương Tuần đọc bài thi của Trịnh Vinh Thái một cách nghiêm túc, rồi bình tĩnh nói với Quách Bách Tụng:
- Ưu điểm lớn nhất của bài thi này là đã làm xong hết cả bài, có diều đối sách không nổi bật, Tam Kinh Tân Nghĩa lại không ổn lắm, ta thấy ít nhất phải có năm lỗi chính tả trong bài, đã vậy thư pháp cũng chẳng nổi bật dễ nhìn. Quan trọng nhất là, cho dù những thứ ta vừa kể không quan trọng, Quách phó chủ khảo cảm thấy đây là chữ của Giải Nguyên ư? Ngoài ra, theo quy định, bài thi của ba người đứng đầu sẽ phải công khai, phó chủ khảo cảm thấy có thể mang bài thi này dán lên một cách an tâm ư?
Âu Dương Tuần cầm bài thi trong tay lên, nhìn chằm chằm Quách Bách Tụng một cách đầy khinh miệt.
Đương nhiên Quách Bách Tụng biết rõ những điều này, có điều lão đã hám lợi tới mù quáng, từ lâu đã chẳng biết hai chữ “liêm sỉ” viết ra sao; trả lời với vẻ vô sỉ:
- Trước tiên cứ để Trịnh Vinh Thái làm Giải Nguyên đã, sau đó ta sẽ làm lại cho hắn bài thi khác, vậy là chẳng ai dám bàn ra tán vào nữa rồi!
Trong lòng Âu Dương Tuần nổi giận đùng đùng, thế mà lão dám công khai gian lận ngay trước mặt ông? Ông cố kiềm chế sự phẫn nộ đang bùng lên nơi đáy lòng, lạnh lùng nói:
- Ta phải nhắc nhở Phó chủ khảo, lần thi Giải Thí này, Tương Châu là một trong một châu ba phủ Giám Sát Ngự Sử tới đi tuần; Lý Ngự Sử cũng đã tới Tương Châu, Quách phó chủ khảo định đối phó với ngài ấy thế nào? Nếu ngài ấy điều tra ra bài thi của Giải Nguyên là do Quách phó chủ khảo làm thay, phó chủ khảo cảm thấy trách nhiệm này do Thái tử gánh hay là Quách phó chủ khảo tự mình chịu đây? Ta phải nói rõ trước, ta sẽ không kí tên lên bài thi này, cũng sẽ không gánh bất cứ trách nhiệm lên quan nào!
- Chuyện này…
Quách Bách Tụng ngẩn ra, đương nhiên lão biết sự lợi hại của Lý Đầu Đồng, đừng nói tới thứ phi của Thái tử, cho dù là Hoàng Hậu nương nương, Lý Đầu Đồng cũng sẽ không nể tình. Lý Ngự Sử này chính là người dám chống lại Tướng Quốc Thái Tướng công ngay trên triều đình, vậy nên mới có danh hiệu “Lý Đầu Đồng” này.
Quách Bách Tụng ngàn tính vạn tính, lại bỏ qua sự xuất hiện của Giám Sát Ngự Sử. Lần này Lý Cương phụng chỉ tuần sát hai đường khoa cử Hà Bắc, trong số một châu ba phủ Lý Cương tuần sát ấy có cả Tương Châu. Một khi Lý Cương tới Tương Châu, dựa theo lệ cũ, chắc chắn Lý Cương sẽ gọi riêng Giải Nguyên tới nói chuyện.
Sắc mặt Quách Bách Tụng lúc đỏ lúc trắng, lão biết tính nghiêm trọng của hậu quả, Thái tử sẽ không gánh trách nhiệm, cuối cùng bỏ xe giữ tướng, người gánh chịu toàn bộ trách nhiệm chắc chắn là lão, nói không đến cái mạng nhỏ cũng chẳng giữ được chứ đừng nói tới chức quan. Mặc dù tiền quan trọng thật đấy, nhưng mạng sống còn quan trọng hơn nhiều. Do dự hồi lâu, Quách Bách Tụng đành phải từ bỏ suy nghĩ giúp Trịnh gia giành Giải Nguyên. Lão nói với vẻ bất đắc dĩ:
- Vậy thì cho Trịnh Vinh Thái làm cử nhân đi! Cũng coi như cho Thái tử chút mặt mũi!
- Cần ghi gì trong lòng ta tự có tính toán, không cần Phó chủ khảo phải nhắc nhở!
Âu Dương Tuần trả lại hai bài thi cho Quách Bách Tụng, không cho lão thêm bất cứ cơ hội nào nữa:
- Trước tiên cứ dựa theo trình tự đã, bây giờ chưa phải lúc bàn tới việc ai đậu ai trượt.
…
Thời gian chấm thi đã bước sang ngày thứ tư, chỉ còn một ngày nữa thôi, kỳ khoa cử này sẽ chính thức yết bảng, thí sinh nào cũng sốt ruột không thôi, lòng như lửa đốt, dù mình có đậu hay không, chỉ cần yết bảng là coi như trút được gánh nặng trong lòng!
Mà xếp hạng trên bảng Phong Vân càng lúc càng gấp rút, mặc dù bọn họ là những người có hi vọng trúng cử nhất, nhưng dù sao bảng Phong Vân cũng chỉ dựa trên trình độ của bọn họ để xếp hạng mà thôi. Thi cử còn phải xem bọn họ phát huy được tới đâu, nếu phát huy tốt, nằm ngoài bảng vẫn trúng cử như thường, phát huy không tốt, dù là hạng nhất trên bảng Phong Vân cũng không đậu cử nhân.
Triệu Ngọc Thư chính là một trường hợp như vậy, hiện giờ gã lại trở thành người đứng đầu trên bảng Phong Vân, đó là bởi vì người vốn xếp hạng thứ nhất Dương Độ và người thứ hai Võ Xương Bang đều nói bọn họ chưa phát huy hết sức mình trong lần khoa cử này.
Còn Triệu Ngọc Thư vẫn luôn im lặng, cho dù có phải hai người Dương Vũ kia khiêm tốn hay không thì thứ hạng của bọn họ cũng không còn được như cũ, khiến người xếp thứ ba là Triệu Ngọc Thư vươn lên vị trí đầu tiên.
Nhưng trong lòng Triệu Ngọc Thư biết, lần này gã chẳng phát huy được chút gì, xương mũi bị đánh gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạch suy nghĩ của gã, có thể trúng cử là may lắm rồi.
Triệu Ngọc Thư là con cái của Triệu gia – một trong tứ đại gia tộc chốn An Dương, gia đình giàu có, phụ thân lại làm quan trong triều. Vì để gã đậu Giải Nguyên lần này, trong nhà đã bỏ ra cái giá cực lớn vì gã, không tiếc dùng ngàn vàng hối lộ Quách Bách Tụng.
Nhưng tiền đồ tốt đẹp của gã lại bị một đấm ngày đó của Lý Diên Khánh đập nát, Triệu Ngọc Thư hận Lý Diên Khánh thấu xương. Mặc dù gã sợ bị Lý Diên Khánh giết chết như đã nói ngày đó nên không dám kể mọi chuyện với phụ thân, nhưng sự hận thù trong lòng Triệu Ngọc Thư không ngừng tích tụ, ngày một nhiều thêm.
Khoa cử lần này, nếu gã không trả thù Lý Diên Khánh một trận ra trò, gã không cam tâm! Đi đi lại lại trong thư phòng một hồi, cuối cùng Triệu Ngọc Thư hạ quyết tâm, gã viết một tờ giấy, nhất định phải nghĩ cách đưa tờ giấy này tới tay Quách Bách Tụng mới được.
Công cuộc chấm thi đã tới ngày cuối cùng, trước đó, một vị giám sát quan đặc biệt đã được phái tới Viện Thẩm Quyển, người này chính là Lý Cương – Giám Sát Ngự Sử đại nhân. Lần này Lý Cương tuần sát hai đường khoa của của Hà Bắc, trong đó có một châu ba phủ triều đình ra lệnh bắt buộc phải tuần tra; một châu là Tương Châu, ba phủ là phủ Đại Danh, phủ Hà Gian và phủ Chân Định.