Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 5

Khi cô đồng nghiệp Tiểu Dao sinh con, tôi thu xếp đến bệnh viện thăm cô cùng vài chị em cùng phòng. Mạnh Tinh rất phấn khích, vì cô chưa bao giờ đến phòng phụ sản. Giám đốc Trương ở bộ phận Đối Ngoại khuyên cô không nên đi: ở Trung Quốc, phụ nữ chưa sinh con bị cho là nặng vía đối với trẻ mới sinh. Mạnh Tinh bỏ ngoài tai lời cảnh báo, coi đó là chuyện mê tín của mấy bà già, và dẫn đầu đoàn chúng tôi đi vào bệnh viện.

Chúng tôi đến bệnh viện mang theo cơ man đồ ăn cho Tiểu Dao: đường đỏ và nhân sâm để cô uống bổ máu, chân giò lợn và cá để giúp sữa xuống nhiều, gà và hoa quả để phục hồi thể chất. Khi chúng tôi bước vào phòng, chúng tôi thấy Mạnh Tinh đã ríu rít trò chuyện với Tiểu Dao rồi. Cô đang ăn trứng luộc nhuộm đỏ tượng trưng cho hạnh phúc khi sinh được một đứa con.

Bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng của Tiểu Dao cũng có mặt ở đó, căn phòng đầy ắp những món quà. Tiểu Dao trông hạnh phúc với vẻ tươi tắn đáng ngạc nhiên sau cơn vượt cạn. Tôi đoán rằng việc sinh được con trai cũng là một lý do khiến cô rạng ngời đến thế.

Qua bao thế hệ người Trung Quốc, câu nói này vẫn luôn luôn đúng: Dù có đủ cả ba mươi sáu phẩm chất, nhưng tội không sinh được người nối dõi đủ quét sạch trơn mọi phẩm chất đó. Một người phụ nữ sinh được con trai thì không thể chê trách vào đâu được.

Khi Tiểu Dao đang đau đẻ, cô ở trong phòng sinh cùng với bảy người phụ nữ khác. Tiểu Dao đã mấy lần bảo chồng chuyển cô đến một phòng riêng, nhưng anh ta không chịu. Khi nhận được tin cô sinh con trai, anh chồng ngay lập tức thu xếp để chuyển cô đến một phòng đơn.

Căn phòng chật chội nhưng sáng sủa. Chúng tôi mỗi người tự tìm lấy một chỗ mà ngồi, và mọi người bắt đầu chuyện trò như pháo rang. Tôi không giỏi tán chuyện lắm vì tôi không thích nói chuyện về đời tư của mình, câu chuyện về những gia đình không đầy đủ. Khi còn bé, tôi bị tách khỏi bố mẹ; khi trưởng thành, tôi không có gia đình thực sự của mình - chỉ có con trai tôi. Lặng lẽ ngồi nghe, tôi gấp một tờ giấy gói đồ thành hình một con thỏ theo kiểu gấp giấy Nhật Bản.

Ngoài tiếng trò chuyện của đồng nghiệp, tôi còn nghe thấy những giọng nói ngoài hành lang. Một người đàn ông nói bằng giọng nhỏ nhưng dứt khoát. “Em nghĩ lại đi. Chuyện này quá nguy hiểm.”

“Em không sợ. Em muốn biết cảm giác sinh con ra như thế nào,” người đàn bà đáp.

“Có thể em không sợ, nhưng anh thì sợ. Anh không muốn con anh mồ côi mẹ.”

“Nếu em không sinh nở tự nhiên, làm sao em có thể tự gọi mình là một người mẹ được?” Giọng người đàn bà có vẻ mất kiên nhẫn.

“Nhưng em biết rõ là trong tình trạng của em, em không thể...”

“Bác sĩ không bảo là 100% không thể!” người đàn bà ngắt lời, “em chỉ muốn tự mình thực hiện điều đó...” Tiếng của họ nhỏ dần khi họ đi xa.

Khi tôi chuẩn bị về, mẹ chồng của Tiểu Dao lén dúi một mảnh vải đỏ cho tôi và bảo đốt nó để “xua đuổi ma quỷ mà Mạnh Tinh dẫn tới”. Tôi không dám trái lời. Khi ra khỏi bệnh viện, tôi quẳng mảnh vải vào cái bếp lò trong một quầy hàng ăn ven đường, nhưng không kể gì với Mạnh Tinh, vì cô nàng rất ghét phải thừa nhận thất bại.

Ba tháng sau, tôi được mời đến dự bữa tối trong đám tang của một gia đình mà tôi không biết. Thính giả thường mời tôi đến tham dự các sự kiện gia đình, nhưng thường là đám cưới. Người lạ hiếm khi được mời đến dự các bữa cơm tối trong đám tang, nên tôi lấy làm bối rối. Bữa ăn được tổ chức ở một nhà hàng chứ không phải là phòng tiếp khách tang lễ hay đài hóa thân, và trên tấm thiệp mời đề nghị khách đến mang theo một cái tên bé trai. Tôi chưa từng gặp nghi lễ nào như vậy cả.

Tôi quyết định đi, và mang theo tên “Thiên Thi” (chìa khóa của trời). Chủ nhà bế một đứa bé vừa đầy tháng trên tay ra đón khách; vợ anh ta đã chết khi sinh con. Khi biết tôi là ai, ông ta bật khóc và hỏi tôi tại sao vợ ông ta lại không chịu mổ đẻ dù biết khi làm vậy sẽ cô sẽ phải mạo hiểm tính mạng của mình. Chẳng lẽ trải nghiệm sinh nở tự nhiên lại quan trọng hơn cả mạng sống?

Tôi tự hỏi mình không biết đây có phải là cặp vợ chồng mà tôi đã nghe thấy họ nói chuyện trong bệnh viện không. Tôi thấy sốc trước quyết định của người phụ nữ không quen này, nhưng từ nơi sâu thẳm, tôi hiểu niềm khao khát có được nếm trải độc nhất vô nhị ấy. Người chồng góa vợ của cô không thể hiểu và cũng không hiểu vậy. Anh ta hỏi tôi liệu tôi có thể cho anh ta biết làm thế nào để hiểu được phụ nữ không.

Tôi không biết con trai anh ta có lấy cái tên Thiên Thi không, nhưng khi rời khỏi đám tang ấy tôi hy vọng nó sẽ là chiếc chìa khóa trời ban cho cha nó để mở cánh cửa dẫn vào tâm hồn phụ nữ.

Tuy nhiên, tôi chỉ thực sự hiểu được làm mẹ có nghĩa là thế nào khi tới thăm thành phố công nghiệp Đường Sơn năm 1992, được xây lại sau khi bị phá hủy hoàn toàn trong trận động đất khủng khiếp làm 300.000 người thiệt mạng ngày 28 tháng Bảy năm 1976.

Vì đài phát thanh Nam Kinh là một trong những đài quan trọng của Trung Quốc, nên tôi thường phải đi khắp đất nước để tham dự những cuộc hội nghị ở địa phương về vấn đề phát triển công tác phát thanh và truyền hình. Mục đích duy nhất của những cuộc hội nghị này là nhắc lại như vẹt chính sách của Đảng chứ không phải tham gia vào một cuộc tranh luận đích thực nào. Để khỏa lấp sự thiếu hụt nhân tố kích thích mang tính tri thức, ban tổ chức thường bố trí cho những người tham dự đi tham quan vùng nông thôn xung quanh đó trong thời gian diễn ra hội nghị. Việc này giúp tôi có nhiều cơ hội để phỏng vấn những người phụ nữ các vùng khác nhau của Trung Quốc.

Trong một cuộc hội nghị như thế ở Thiên Tân, tôi có cơ hội đến thăm thành phố Đường Sơn ở kế cận. Trận động đất ở Đường Sơn năm 1976 là một ví dụ thảm khốc về việc thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn ở Trung Quốc vào thời bấy giờ. Năm 1976, chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với cái chết của ba nhân vật rường cột: Mao Trạch Đông, thủ tướng Chu Ân Lai và nguyên soái Chu Đức. Mối bận tâm về cuộc khủng hoảng này, cộng thêm sự yếu kém về kỹ thuật của Trung Quốc lúc đó, có nghĩa là họ hoàn toàn không hề nhận thức được rằng trận động đất đã xảy ra. Chỉ đến khi một người đàn ông từ Đường Sơn khăn gói đến tận Bắc Kinh thì tin tức mới lan ra khắp nơi. Nhưng ngay cả vậy, người ta vẫn cứ nghĩ ông này bị điên. Văn phòng Tân Hoa Xã ở vùng có thành phố Đường Sơn biết được thông tin về trận động đất không phải từ văn phòng trung ương mà từ báo chí nước ngoài, các báo này nhận được tin từ các trung tâm giám sát động đất tân tiến hơn của các nước khác.

Khi ở Đường Sơn tôi được nghe kể về một trại trẻ mồ côi khác thường được xây dựng và điều hành bởi những người mẹ mất con trong trận động đất. Tôi nghe kể rằng họ đã gom góp tiền cho trại trẻ bằng những khoản đền bù nhận được. Tôi gọi điện để sắp xếp một chuyến thăm. Trại trẻ được xây dựng với sự giúp đỡ của đơn vị quân đội đồn trú tại địa phương, nằm ở ngoại ô, bên cạnh viện điều dưỡng quân đội. Tôi nghe thấy tiếng trẻ con khi đi tới hàng rào gỗ và những bụi cây thấp bao quanh trại. Đây là một trại trẻ không có nhân viên hành chính; một số người gọi đó là một gia đình không có đàn ông. Vài bà mẹ và mấy chục đứa trẻ sống ở đó.

Tôi thấy bọn trẻ đang tập thể dục ở sân, còn các bà mẹ đang làm màn thầu trong bếp. Những người phụ nữ chào đón tôi với những bàn tay dính đầy bột mì, bảo rằng họ thích chương trình của tôi lắm. Vẫn mặc nguyên tạp dề, họ đưa tôi đi tham quan một vòng quanh trại trẻ.

Mỗi bà mẹ sống cùng năm hay sáu đứa trẻ trong một căn phòng rộng, bài trí sơ sài, nhưng thoải mái ấm cúng. Nhà kiểu này khá phổ biến ở miền Bắc Trung Quốc: choán lấy một nửa căn phòng là chiếc kháng, một loại giường kiêm lò sưởi xây bằng gạch hay đất sét. Vào mùa đông người ta có thể đốt lửa dưới gầm kháng để làm cho nó ấm và vào ban đêm mọi người trong gia đình cùng ngủ trên đó. Chăn của từng người đóng vai trò ranh giới phân chia chỗ ngủ. Ban ngày, những tấm chăn được cuộn sang một bên lấy chỗ đặt một chiếc bàn nhỏ làm nơi sinh hoạt và ăn uống cho cả phòng. Nửa còn lại của căn phòng để tủ tường, một cái tràng kỷ và mấy cái ghế đẩu cho khách ngồi.

Khác với những ngôi nhà bình thường, các căn phòng trong trại trẻ được trang trí màu sắc lộn xộn đủ loại, theo sở thích của lũ trẻ. Mỗi căn phòng đều có phong cách trang trí riêng, nhưng có ba vật luôn hiện diện ở tất cả các phòng. Thứ nhất là một khung treo ảnh của tất cả những đứa trẻ từng sống trong trại. Thứ hai là một bức phác họa đôi mắt trào lệ, với hai từ viết trên con ngươi: Tương Lai. Thứ ba là một cuốn sách trong đó ghi lại tiểu sử của từng đứa trẻ.

Những người phụ nữ ở đây rất tự hào về lũ trẻ, và họ làm tôi thích thú với chuyện kể về thành tích của chúng, nhưng chính những câu chuyện về những người phụ nữ đó mới là điều tôi muốn nghe nhất.

Trong lần đến thăm đầu tiên, tôi chỉ phỏng vấn được một bà mẹ, bà Trần. Bà từng sống nhờ trợ cấp quân đội, và có ba đứa con. Tôi trò chuyện với bà trong khi giúp bà hấp màn thầu cho lũ trẻ, tôi gọi bà là “dì” vì bà đáng tuổi mẹ tôi.

“Dì Trần, cháu có thể hỏi dì về chuyện đã xảy ra hôm động đất không? Cháu xin lỗi, cháu biết những ký ức đó hẳn là rất đau xót...”

"Không sao đâu - chưa một ngày nào qua đi mà tôi lại không nhớ cái ngày hôm ấy. Tôi không nghĩ có người sống sót nào quên nổi sự kiện ấy. Mọi chuyện đều quá đỗi không thực vậy... Sáng hôm đó, trời chưa sáng, một âm thanh kỳ lạ đánh thức tôi, tiếng ầm ầm và gầm rú, như tiếng đoàn tàu đang lao thẳng về phía nhà tôi vậy. Tôi ngỡ mình đang mơ - những giấc mơ thường lạ kỳ như vậy - nhưng tôi vừa sắp sửa hét lên thì một nửa phòng ngủ, cùng với chồng tôi đang ngủ trên giường đã bẹp rúm. Phòng ngủ của lũ trẻ ở phía bên kia nhà đột nhiên hiện ra trước mắt tôi, như là một sân khấu vậy. Con trai lớn của tôi mắt trợn tròn, miệng há hốc; con gái tôi khóc và gọi to, vươn hai tay về phía tôi; còn thằng út thì vẫn ngủ ngon lành.

Mọi thứ xảy ra quá nhanh... cảnh tượng trước mắt tôi đột nhiên sụp xuống như tấm rèm cửa rơi. Tôi hoảng loạn, nhưng tôi vẫn nghĩ mình đang gặp ác mộng. Tôi véo mình thật đau, nhưng vẫn không tỉnh khỏi cơn mộng. Trong cơn tuyệt vọng, tôi lấy kéo đâm vào chân mình. Cảm thấy cơn đau và nhìn máu chảy ra, tôi mới nhận thức được rằng không phải mình đang mơ. Chồng và các con tôi đều đã rơi xuống vực thẳm. Tôi hét lên như một người điên, nhưng không ai nghe tiếng tôi cả. Tiếng những bức tường sụp đổ và đồ đạc va đập vỡ tan vang dội khắp bầu không khí. Tôi đứng đó, lê cái chân chảy máu, đối diện với cái hố há hoác từng là một phần mái nhà của mình. Chồng và những đứa con xinh đẹp của tôi đã biến mất ngay trước mắt. Tôi muốn khóc, nhưng không còn nước mắt. Tôi không còn thiết sống chút nào nữa."

Nước mắt dâng ngập trong mắt bà.

“Cháu xin lỗi, dì Trần à...” tôi mất tự chủ lắp bắp.

Bà lắc đầu. “Đã gần hai mươi năm rồi, nhưng gần như ngày nào cũng vậy, mỗi sáng sớm, tôi lại nghe thấy tiếng ầm ầm và gầm rú như tàu lao tới đó cùng với tiếng khóc của các con tôi. Đôi lúc, tôi rất sợ những âm thanh đó, tôi đi ngủ rất sớm cùng với lũ trẻ và đặt đồng hồ báo thức dưới gối để đánh thức mình dậy trước ba giờ. Khi đồng hồ kêu, tôi dậy và ngồi cho đến khi trời sáng, thỉnh thoảng tôi ngủ lại sau bốn giờ. Nhưng sau vài ngày như vậy, tôi lại thèm được nghe thấy những âm thanh khủng khiếp đó, vì trong ấy có cả tiếng của các con tôi nữa.”

“Giờ có cả bầy trẻ con vây quanh thế này dì có thấy đỡ buồn hơn không?”

“Đỡ hơn nhiều chứ, nhất là vào ban đêm. Tôi nhìn chúng ngủ và cảm thấy được an ủi theo một cách mà tôi không thể giải thích. Tôi cầm tay chúng áp vào mặt mình khi ngồi cạnh chúng. Tôi thơm chúng và cảm ơn chúng vì đã giúp tôi tiếp tục sống.”

“Lũ trẻ cũng sẽ cảm ơn dì khi chúng lớn lên - đó là vòng quay của tình yêu”.

“Đúng vậy, từ già tới trẻ rồi vòng trở lại. Nào, màn thầu chín rồi đấy, tôi phải gọi lũ trẻ vào. Cô có muốn dùng một chút không?”

Tôi cáo lỗi rồi nói sẽ trở lại vào ngày hôm sau. Tim tôi ứ lên đến mức chẳng thể nói chuyện với bất kỳ ai khác nữa. Tôi ra về mà cảm thấy kiệt quệ cả về tính thần lẫn thể xác.

Đêm đó, trong mơ, tôi nghe thấy tiếng động ầm ầm và tiếng trẻ con khóc mà dì Trần miêu tả, rồi choàng tỉnh dậy mồ hôi lạnh vã ra như tắm. Ánh nắng đổ vào qua chiếc rèm lưới, và tiếng lũ trẻ đang trên đường tới trường ríu rít khắp nơi. Tôi thấy nhẹ cả người.

Buổi họp hôm đó kết thúc sớm. Tôi lịch sự từ chối lời mời đi ăn tối của vài người bạn ở Thiên Tân và vội vã bắt tàu đến Đường Sơn. Đến trại trẻ, tôi được dịp nói chuyện với bà Dương, người phụ trách bữa ăn cho lũ trẻ. Khi tôi tới bà đang trông lũ trẻ ăn tối.

“Nhìn tụi trẻ con ăn ngon lành chưa kìa,” bà nói.

“Chắc là tại dì nấu ăn ngon đấy.”

“Không hẳn thế. Trẻ con thích một số thứ nhất định, chẳng hạn như thức ăn mang những hình thù đặc biệt. Có thể chỉ là bánh mì hấp được nặn thành hình con thỏ hay con cún, nhưng làm thế chúng sẽ ăn nhiều hơn. Chúng cũng thích những thứ ngọt, thế nên chúng thích ăn những món chua ngọt hay thịt lợn quay Quảng Đông lắm. Chúng thích thức ăn dễ nhai, như thịt băm viên hay rau quả viên. Trẻ con luôn nghỉ rằng cái gì của tụi bạn cũng tốt hơn, nên tôi để chúng lựa chọn thức ăn và trao đổi tùy thích. Điều ấy làm tăng hứng thú của chúng với thức ăn. Con gái tôi cũng y như vậy đấy; nếu cô đưa nó một phần của cùng một món ăn để trong mấy cái đĩa khác nhau, nó sẽ rất thích thú.” Bà lắc đầu trìu mến.

Tôi rụt rè gợi mở, “Cháu nghe nói con gái dì...”

“Tôi sẽ kể cho cô chuyện về con gái tôi, nếu cô muốn, nhưng tôi sẽ không kể ở đây. Tôi không muốn lũ trẻ nhìn thấy tôi khóc. Nhìn chúng ăn uống và cười đùa vui vẻ thế kia thật dễ chịu biết mấy, chúng thực sự khiến tôi...” Bà ngừng nói, giọng nghẹn ngào vì nước mắt.

Tôi nhẹ nhàng nhắc bà. “Dì Dương?”

“Không phải ở đây, vào phòng tôi đã.”

“Phòng dì?”

“Phải, ở đây tôi là người duy nhất có phòng riêng, vì tôi còn đảm trách một việc nữa là quản lý các ghi chép về sức khỏe và đồ dùng cá nhân của lũ trẻ. Chúng ta không thể để lũ trẻ tới gần những thứ đó được.”

Phòng bà Dương rất nhỏ; một bức tường hầu như được phủ kín bằng một bức ảnh phóng to đến mức trông như một bức họa bằng những điểm và màu sắc. Trên ảnh là một cô bé có đôi mắt rất sống động, đôi môi hé mở như sắp nói điều gì.

Nhìn đăm đăm vào tấm ảnh, bà Dương nói, “Con gái tôi đấy. Ảnh chụp khi nó tốt nghiệp tiểu học. Đó là bức ảnh duy nhất của nó mà tôi có.”

“Cô bé xinh quá đi mất.”

“Vâng. Từ hồi học mẫu giáo nó đã nghịch ngợm và nói chuyện liên mồm rồi.”

“Hẳn là cô bé rất thông minh.”

“Tôi nghĩ thế - nó chưa từng đứng đầu lớp, nhưng tôi chưa bao giờ phải lo lắng gì về nó cả.” Bà Dương vừa nói vừa vuốt ve tấm ảnh. “Nó bỏ tôi đi đã gần hai mươi năm nay rồi. Tôi biết là nó chẳng muốn đi đâu. Nó đã mười bốn tuổi. Nó đã biết thế nào là sống và chết: nó không muốn chết.”

“Cháu nghe nói cô bé đã sống sót qua trận động đất?”

“Phải, nhưng thà nó bị đè chết ngay lúc đó còn hơn. Nó cầm cự được mười bốn ngày - mười bốn ngày hai giờ, biết rằng cái chết đang tới. Mà nó chỉ mới mười bốn tuổi đầu...” Bà Dương bật khóc.

Không kim nổi dòng nước mắt tuôn rơi, tôi nói, “Dì Dương à, cháu xin lỗi,” và đặt tay lên vai bà.

Bà nức nở trong khoảng vài phút. “Tôi... tôi không sao. Hân Nhiên, cô không thể tưởng tượng nổi cảnh tượng lúc đó tồi tệ đến mức nào đâu. Tôi sẽ không bao giờ quên nổi vẻ mặt của nó lúc ấy.” Bà lại nhìn đăm đăm vào bức ảnh một lần nữa với ánh mắt đầy yêu thương. "Miệng nó hé ra, như trong ảnh này vậy...

Những giọt nước mắt của bà khiến tôi đau xót, tôi đề nghị, “Dì Dương à, dì đã bận rộn cả ngày rồi, chắc dì đã mệt, để lần khác kể tiếp vậy nhé?”

Bà Dương trấn tĩnh lại. “Không, tôi nghe nói cô rất bận. Cô đã lặn lội xa xôi tới đây chỉ để nghe chuyện của chúng tôi; tôi không thể để cô về không được.”

“Không sao đâu, cháu có thời gian mà,” tôi vỗ về bà lần nữa.

Bà vẫn cương quyết. “Không, không được. Tôi sẽ kể cho cô ngay bây giờ.” Bà hít một hơi sâu. "Chồng tôi mất một năm trước đó, để lại tôi và con gái sống trong căn hộ trên tầng năm được đơn vị cấp cho. Nhà tôi chỉ có một phòng, phải dùng chung bếp và nhà tắm. Căn phòng đó cũng không lớn, nhưng hai mẹ con tôi cũng không thấy chật. Vì tôi rất ghét nóng quá hay lạnh quá, nên nửa phòng của tôi nằm cạnh tường trong, nửa phòng của con gái tôi nằm cạnh tường ngoài. Sáng hôm đó, tôi đột ngột thức giấc vì một cơn chấn động ầm ầm, cùng tiếng nổ vang dữ dội. Con gái tôi gọi to, và cố gắng ra khỏi giường đến chỗ tôi. Tôi cố đứng lên, nhưng không thể đứng thẳng được. Mọi thứ nghiêng ngả, bức tường nghiêng về phía tôi. Đột nhiên, bức tường phía con gái tôi biến mất, và chúng tôi đứng trơ ra ngay bên mép tầng năm. Trời hôm đó rất ấm, nên chúng tôi chỉ mặc độc bộ quần áo lót. Con gái tôi thét lên và hai tay ôm lấy ngực, nhưng trước khi kịp phản ứng gì hơn, nó đã bị một bức tường đổ hất văng khỏi mép tầng năm.

Tôi hét lên gọi tên con khi bám tay vào mấy cái quần áo treo trên tường. Mãi tận sau khi cơn rung lắc kết thúc và tôi có thể đứng yên trên sàn nhà nghiêng tôi mới nhận ra đó là một trận động đất. Tôi điên cuồng tìm cách xuống dưới, và loạng choạng đi xuống, gào thét gọi tên con.

Tôi không nhận ra là mình chưa mặc quần áo. Tất cả những người sống sót khác cũng mặc rất ít. Một số thậm chí còn ở trần, nhưng không ai còn tâm trí đâu mà nghĩ về chuyện đó cả. Chúng tôi hoảng hốt túa ra xung quanh trong ánh sáng lờ mờ, khóc gọi tên người thân.

Trong mớ tạp âm hỗn loạn đó, tôi hét khản cả tiếng hỏi tất cả những ai tôi gặp xem có thấy con gái tôi đâu không. Một số người hỏi lại tôi có nhìn thấy người thân của họ không. Mọi người tìm kiếm và gào thét như điên cuồng, không ai hiểu gì hết. Khi mọi người dần dần nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp của sự việc xảy ra, một sự im lặng nhức nhối bao trùm lên tất cả. Có thể nghe thấy cả tiếng kim rơi. Tôi sợ di chuyển, chỉ sợ lại làm cho mặt đất rung chuyển lần nữa. Chúng tôi đứng đó quan sát cảnh tượng trước mắt; những tòa nhà đổ sập, ống nước gãy tan, những cái hố há hoác dưới đất, xác người ngổn ngang khắp nơi, trên mặt đất, treo lơ lửng trên những thanh xà nhà và bên ngoài các ngôi nhà. Một màn khói bụi dâng lên. Không thấy mặt trăng hay mặt trời, không ai biết lúc ấy là mấy giờ. Chúng tôi đã tự hỏi liệu mình có còn ở vùng đất của người sống hay không nữa".

Tôi nhắc bà Dương uống chút nước.

“Nước ư? À, đúng rồi... Tôi chẳng rõ là mất bao lâu, nhưng tôi bắt đầu thấy khát vì đã hét khản cả cổ. Ai đó nói ra ý nghĩ của tôi bằng một giọng yếu ớt, ”Nước“, nhắc mọi người quay trở lại với vấn đề cấp bách của sự sống còn. Một người đàn ông trung niên bước ra khỏi đám đông và nói, ”Nếu muốn sống, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau và tổ chức lại." Chúng tôi thì thào đồng tình.

Trời bắt đầu rạng, và mọi thứ xung quanh trở nên rõ ràng hơn, và kinh khủng hơn. Đột nhiên có ai đó hét lên, “Nhìn đằng kia kìa, có ai đó còn sống!“ Trong ánh sáng nhàn nhạt, chúng tôi nhìn thấy một cô bé lơ lửng trong không trung, bị kẹt giữa những bức tường bị đổ của hai tòa nhà. Mặc dù tóc cô bé trùm khuất cả mặt, lại thêm phần dưới cơ thể bị mắc kẹt và khuất tầm nhìn, nhưng tôi nhận ra màu sắc và kiểu áo nịt ngực, nhận ra cử động oằn oại của thân mình ấy, đó là con gái tôi. ”Tiểu Bình!“ tôi hét lên. Tôi gọi tên nó mãi, điên dại vì mừng vui lẫn đau khổ. Con bé vẫn tiếp tục quằn quại một cách tuyệt vọng, và tôi nhận ra rằng nó không thể nhìn thấy hay nghe thấy tôi nói. Tôi đẩy mọi người ra để lách lên, huơ chân múa tay về phía con bé và nức nở đến khản giọng rằng đó là con gái tôi. Gạch vụn đổ nát ngăn tôi lại. Mọi người bắt đầu xúm vào giúp, cố gắng trèo lên bức tường đang kẹp cứng con gái tôi, nhưng nó phải cao tới ít ra là hai tầng, và họ không có dụng cụ gì cả. Tôi hét gọi tên Tiểu Bình không biết bao nhiêu lần. Nhưng nó vẫn không nghe thấy tôi. Có mấy bà, rồi mấy ông nữa cũng hỗ trợ tôi gọi nó. Lát sau hầu như tất cả mọi người đều gọi, “Tiểu Bình! Tiểu Bình!”

Cuối cùng thì Tiểu Bình cũng nghe thấy. Nó ngẩng đầu lên, và dùng bàn tay không bị mắc kẹt - tay trái - hất tóc ra khỏi mặt. Tôi biết nó đang tìm tôi. Trông nó rất hoang mang; nó không tìm thấy tôi trong đám đông trần truồng hay gần như trần truồng bên dưới. Một ông đứng cạnh tôi bắt đầu đẩy mọi người xung quanh dạt sang hai bên. Lúc đầu không ai trong chúng tôi hiểu ông ta làm gì, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra ông đang cố dẹp lấy một khoảng trống để Tiểu Bình nhìn thấy tôi. Việc này đem lại kết quả; Tiểu Bình hét lên, “Mẹ!“ và vẫy bàn tay không bị kẹt về phía tôi. Tôi hét lên đáp lại, nhưng giọng tôi đã khàn đặc và yếu ớt. Thay vì gọi, tôi giơ tay lên vẫy về phía nó. Tôi không biết chúng tôi vẫy gọi nhau trong bao lâu nữa. Cuối cùng, ai đó bắt tôi ngồi xuống. Người ta vẫn giãn ra một khoảng trống rộng, để Tiểu Bình có thể nhìn thấy tôi. Con bé cũng đã mệt, đầu gục xuống và phải há miệng thở hổn hển. Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thắc mắc tại sao nó chẳng gọi tôi cứu nó một tiếng. Nó chẳng nói điều gì tựa như, “Mẹ ơi, cứu con”, không một lời nào."

“Từ khi nào dì bắt đầu đếm mười bốn ngày và hai giờ như dì nói lúc nãy?“

“Có ai đó hét lên với Tiểu Bình, “Năm rưỡi sáng rồi, người ta sẽ đến cứu cháu sớm thôi!“ Ông ta muốn trấn an Tiểu Bình, để giúp nó cầm cự. Nhưng từng giây, từng phút, rồi từng giờ trôi qua, vẫn không có ai tới cứu con tôi cả.”

“Đó là bởi vì người ta còn tốn thời gian tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra," tôi nói, và nhớ lại phải mất bao lâu mới có một bản tin xuất hiện.

Bà Dương gật đầu. “Năm 1976 ấy đất nước này là cái kiểu gì không biết? Một thành phố lớn nằm trong đổ nát và ba trăm nghìn người chết, thế mà chẳng ai biết gì. Trung Quốc mới lạc hậu làm sao! Tôi nghĩ nếu lúc đó chúng ta tiến bộ hơn, chắc nhiều người đã không phải chết. Tiểu Bình có lẽ đã sống sót.”

“Thế lúc nào đội cứu hộ mới đến?”

“Tôi không rõ. Tôi chỉ nhớ rằng quân đội đến trước. Binh lính đều chạy toát cả mồ hôi, nhưng không ai dừng lại để thở trước khi họ tách ra và bắt tay vào việc cứu hộ. Được trang bị dây thừng và móc leo, hai người lính đã leo lên bức tường mà Tiểu Bình bị kẹt. Có vẻ như chúng có thể sập bất kỳ lúc nào và nghiền nát cả mấy người. Tôi gần như nín thở khi nhìn họ lần từng bước tới chỗ con bé...” Bà chìm vào im lặng trong mấy phút.

“Khi Tiểu Bình thấy có người đang tới cứu, nó khóc òa lên. Người lính đầu tiên đến được chỗ con bé đã cởi chiếc áo quân phục ra choàng lên người nó. Nó bị kẹt một tay, nên anh ta phải quấn nửa chiếc áo khoác quanh người nó trông như cái váy Tây Tạng. Người kia đưa một chai nước đến miệng nó. Rồi hai người lính bắt đầu gỡ đám gạch đá chèn vào Tiểu Bình, và nhanh chóng gỡ được cánh tay phải của nó ra, cánh tay đã tím bầm và chảy máu ròng ròng. Vì lý do nào đó, đột nhiên họ dừng việc đào bới lại. Tôi hét lên hỏi họ có chuyện gì xảy ra vậy, nhưng hẳn là họ không thề nghe thấy tiếng tôi. Một lát sau, họ tụt xuống và đi tới chỗ tôi. Vung vẩy bàn tay đầm đìa máu, họ bảo tôi rằng phần thân dưới của Tiểu Bình bị kẹt giữa hai tấm bê tông cốt sắt của bức tường, mà họ thì không thể đào bới ra bằng tay được. Tôi hỏi tại sao tay họ chảy máu như vậy. Họ đưa hai bàn tay ra sau lưng và giải thích rằng không được phép sử dụng dụng cụ để đào bới cứu người, vì sợ sẽ làm người gặp nạn bị thương. Sau khi mọi chuyện qua đi tôi mới biết rằng móng tay và đầu ngón tay một số người lính đã bị nát nhừ vì đào bới, nhưng họ đã tự lấy vải băng tay lại và tiếp tục làm việc. Vài người lính hét lên điên cuồng trong khi đào bới, vì họ nghe thấy những tiếng rên rỉ và tiếng kêu cứu từ sâu bên trong đống đổ nát. Họ làm bằng tay thì được bao nhiêu chứ? Những thiết bị cứu hộ hạng nặng không thể vào trong thành phố vì đường sá đã hư hỏng nặng. Bao nhiêu người đã chết vì phải chờ cứu hộ?” Bà Dương thở dài và gạt nước mắt.

“Tiểu Bình hẳn là phải rất mạnh mẽ?”

“Đúng thế. Trước đó, nó thường rú lên chỉ vì một vết xước trên tay, và sợ đến trắng bệch khi thấy máu. Nhưng suốt mười bốn ngày cuối cùng ấy, nó mạnh mẽ lắm, thậm chí nó còn trấn an tôi, nó bảo, “Mẹ à, con tê liệt rồi, nên chẳng đau tẹo nào đâu!” Khi thân thể của nó cuối cùng cũng được giải thoát, tôi nhận ra hai chân nó đã bị nghiền nát. Người liệm thi thể nó trước lễ tang bảo rằng xương chậu của nó đã bị ép vỡ. Tôi hy vọng nó thực sự đã mất cảm giác ở phần dưới của cơ thể trong suốt mười bốn ngày đó, khi nó bị phơi giữa trời đất. Tôi đếm từng giây từng phút. Trong suốt thời gian ấy, người ta cố thử đủ mọi cách khác nhau để cứu con bé ra, họ làm việc suốt ngày đêm, nhưng đều vô hiệu.

Cuối cùng, những người lính đã giúp tôi trèo lên bức tường tới chỗ Tiểu Bình và dồn lại tạo thành một chỗ ngồi tạm để tôi có thể ngồi ôm con bé vào lòng một lúc lâu. Thân hình bé bỏng, yếu ớt của con bé lạnh buốt, dù lúc đó đang là mùa hè.

Những ngày đầu, Tiểu Bình vẫn còn có thể nói chuyện với tôi, và vung vẩy tay khi kể chuyện. Sau ngày thứ tư, nó càng lúc càng đuổi sức, cho đến lúc nó chỉ còn đủ sức để ngẩng đầu lên. Dù thức ăn và thuốc được đưa đến hàng ngày, và có người tới để chăm sóc nó, nhưng phần dưới cơ thể nó chắc vẫn không ngừng chảy máu, thịt bắt đầu bị hoại tử. Càng lúc càng nhiều người quan tâm đến số phận của con bé, nhưng chẳng ai làm được gì cả. Cả Đường Sơn đang chìm trong đổ nát: còn chẳng đủ nhân viên cứu hộ và thiết bị để xử lý các khu vực thiệt hại, mà đường vào thành phố thì không lưu thông được. Tội nghiệp con gái tôi..."

“Dì Dương,” tôi thì thầm. Cả hai chúng tôi cùng khóc.

“Trong những ngày cuối cùng, tôi nghĩ Tiểu Bình hẳn cũng đã nhận ra rằng không còn hy vọng gì nữa, dù mọi người đưa ra đủ lý do để nâng đỡ tinh thần nó. Nó nằm bất lực trong vòng tay tôi, không thể nhúc nhích. Vào buổi sáng ngày thứ mười bốn, nó gắng gượng nhấc người dậy và bảo với tôi: “Mẹ, con cảm giác như thuốc mẹ cho con uống đang có tác dụng. Nhìn này, con có chút sức lực rồi!” Khi họ nhìn thấy nó ngồi thẳng dậy, những người xung quanh đã dõi theo nó suốt mười bốn ngày qua đều nhất loạt vỗ tay và cổ vũ. Tôi cũng cứ ngỡ là phép màu đã xảy ra. Khi Tiểu Bình thấy mọi người phấn khởi thế nào, nó dường như được tiếp thêm sức mạnh. Khuôn mặt nó, vốn trắng nhợt chết chóc, đã ửng hồng rạng rỡ và nó nói với những con người hảo tâm với mình bằng một giọng mạch lạc, vang vang, cảm ơn họ và trả lời các câu hỏi. Ai đó đề nghị nó hát, và đám đông vỗ tay hưởng ứng. Đầu tiên, Tiểu Bình xấu hổ, nhưng mọi người cổ vũ nó nhiệt tình: “Hát đi, Tiểu Bình ơi! Tiểu Bình ơi, hát đi!"

Cuối cùng, nó gật đầu yếu ớt, và bắt đầu hát: Ngôi sao màu đỏ đang chiếu ánh sáng diệu kỳ, và ngôi sao màu đỏ đang chiếu trong tim tôi...

“Hồi ấy ai cũng biết bài hát này, và nhiều người hát họa theo Tiểu Bình. Tiếng hát giữa cảnh hoang tàn đổ nát giống như đóa hoa hy vọng bừng nở. Lần đầu tiên sau bao ngày, người ta lại mỉm cười. Hát được vài đoạn, giọng Tiểu Bình lụi dần, và nó từ từ trĩu xuống vòng tay tôi.”

Bà Dương im lặng hồi lâu. Cuối cùng, bà cũng tĩnh trí lại và tiếp tục kể, “Tiểu Bình không bao giờ tỉnh lại nữa. Tôi cứ ngỡ nó ngủ, nhưng khi tôi nhận ra mình lầm thì đã quá muộn. Nó không trăng trối một lời nào; trải nghiệm cuối cùng của nó trên cõi đời này là tiếng hát và nụ cười của mọi người xung quanh. Khi bác sĩ bảo tôi nó đã qua đời, tôi bình thản - mười bốn ngày và hai giờ đó đã vắt kiệt tôi. Mãi bốn ngày sau, khi cuối cùng người ta cũng đưa được thi thể đã bốc mùi của Tiểu Bình ra thì tôi mới bắt đầu khóc được. Thân thể của nó lúc ấy... máu thịt của chính tôi... Tôi đau, tôi đau lắm!”

Tôi nức nở theo bà, “Cháu rất tiếc, dì Dương, cháu rất tiếc.”

“Tội nghiệp con bé, mười bốn năm sống trên đời, nó mới được xem có ba bộ phim, Chiến Tranh Trong Đường Hầm, Cuộc Chiến Vùng Mỏ Và Trận Chiến Nam Bắc, và Tám Vở Nhạc Kịch Hiện đại[4]. Nó chưa từng thấy một bộ váy đẹp hay một đôi giày cao gót... Đó là một nỗi đau lớn trong lịch sử Trung Quốc. Cháu cũng sinh ra trong thời đại đó, và cũng hầu như không được nếm trải tuổi thanh xuân và cái đẹp.”

Bà Dương thở dài. “Một số người bảo trận động đất là sự trừng phạt của thần thánh đối với cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhưng thần thánh trừng phạt ai cơ chứ? Tôi chưa bao giờ làm gì vô đạo đức hay bất kính với họ cả. Tại sao họ lại hủy hoại con gái tôi?”

“Đừng nói thế, dì Dương! Cái chết của Tiểu Bình không phải là quả báo. Đừng nghĩ vậy, dù dì có làm gì đi chăng nữa. Nếu như Tiểu Bình ở chốn xa nào đó biết dì đang đau khổ như vậy, hẳn cô ấy sẽ lo lắng lắm. Dì phải gắng sống tốt nhất và vui vẻ nhất, đó mới là phần thưởng tuyệt vời nhất cho sự hy sinh của Tiểu Bình, dì đồng ý với cháu chứ?”

“Vâng, đúng là thế... nhưng tôi... thôi, đừng nói về chuyện đó nữa. Cô đang bận mà, đi đi, đi làm việc của mình đi, đừng để ý đến những lời ngốc nghếch của tôi.”

“Cảm ơn dì, dì Dương.” Tôi siết chặt tay bà. “Cháu nghĩ dì đã nhìn thấy nhiều niềm vui và tiếng cười ở lũ trẻ. Cháu chắc rằng khi lớn lên, chúng sẽ là sự tiếp nối của linh hồn Tiểu Bình, và những điều kỳ diệu cô ấy để lại cho cuộc đời này.” Tôi nhìn lên bức ảnh của Tiểu Bình và cảm thấy dường như cô đang khẩn nài tôi đừng bỏ lại mẹ cô bơ vơ. Như thể cô đang nói với tôi bằng giọng của Phan Phan con trai tôi.

Vài ngày sau, tôi trở lại Đường Sơn để phỏng vấn người đứng đầu trại trẻ mồ côi, trại trưởng Đinh.

Trại trưởng Đinh từng làm cán bộ hành chính trong quân đội hơn mười năm. Chồng bà rời quân ngũ vì lý do sức khỏe, và bà đã cùng gia đình rời vùng Tây Nam trở về Đường Sơn khoảng một năm trước trận động đất. Bà mất con gái trong thảm họa đó, còn con thứ hai bà bị cụt cả hai chân. Sau đó, chồng bà qua đời trong một cơn đau tim. Bà đã nuôi nấng người con thứ hai tật nguyền với sự hỗ trợ của nhà nước. Anh tự học nghề kế toán, và tình nguyện làm việc kế toán sổ sách khi mấy bà mẹ bàn nhau xây dựng trại trẻ này. Không lâu sau chuyến viếng thăm của tôi, anh qua đời vì nhiễm trùng vết thương.

Để tránh khơi lại những ký ức đau thương cho trại trưởng Đinh, tôi thử phỏng vấn người con trai thay vì phỏng vấn bà. Thế nhưng anh bảo lúc đó anh còn quá nhỏ, nên không thể nhớ nổi trận động đất ấy. Anh kể với tôi rằng mẹ anh không bao giờ nói ra lý do thực sự gây ra cái chết của chị gái anh. Anh chỉ loáng thoáng nghe nói rằng chị ấy không chết trong trận động đất, mà tự sát sau đó. Anh rất muốn hỏi mẹ về chuyện này, nhưng mỗi lần đả động đến chủ đề đó là mẹ anh lại bảo anh im lặng.

Chẳng còn cách nào khác là phải hỏi trại trưởng Đinh xem bà có đồng ý cho tôi phỏng vấn không. Bà đồng ý thật, nhưng đề nghị tôi để đến Ngày Quốc Khánh hãy quay lại để phỏng vấn. Khi tôi hỏi tại sao, bà đáp, “Chuyện tôi kể cho cô cũng không mất nhiều thì giờ lắm, nhưng nó sẽ làm tôi mất cân bằng vài ngày sau đó. Tôi sẽ cần thời gian để hồi tâm trở lại.” Quốc Khánh năm đó đúng vào trước kỳ nghỉ cuối tuần, nên chúng tôi có ba ngày nghỉ liên tiếp. Đó là một kỳ nghỉ dài ở Trung Quốc, ở nước này những dịp nghỉ ngơi không đều đặn lắm.

Buổi tối trước kỳ nghỉ, khi tôi vừa tới Đường Sơn, trại trưởng Đinh gọi điện mời tôi đến gặp. Tôi tới ngay trại trẻ, và cố tìm cách đảm bảo với bà một lần nữa rằng mình có thể dừng cuộc phỏng vấn lại bất cứ lúc nào bà cảm thấy quá khó khăn.

Bà mỉm cười yếu ớt. “Hân Nhiên, cảm ơn cô vì đã suy nghĩ chu đáo, nhưng đừng quên tôi từng là một người lính tham gia cuộc chiến ở Triều Tiên.”

Tôi gật đầu. “Cháu nghe nói dì không mất người thân nào trong trận động đất đó?”

“Đúng thế, nhưng sống sót là thảm họa với tất cả chúng tôi.”

“Không biết cháu có đoán đúng không khi nghĩ rằng chồng dì đã qua đời vì quá đau đớn trước nỗi bất hạnh của con gái dì?”

“Đúng vậy, và tôi cũng suýt chết theo ông ấy. Chính vì nghĩ tới đứa con trai tàn tật tôi mới trụ lại. Tôi xem mình như là một phần thiết yếu đối với nó, chỉ nhờ thế tôi mới có thể sống tiếp được.”

Tôi ngập ngừng khơi gợi, “Con gái dì tự sát vì...”

“Tới ngày hôm nay, chỉ có ba người biết được lý do: chồng tôi, con gái tôi, và tôi.”

“Vậy sao?”

"Vâng. Hẳn cô đã nhiều lần nghe nói về mức độ hủy diệt của trận động đất rồi, tôi không cần phải nhắc lại nữa. Thực ra, không thể dùng lời để miêu tả được đầy đủ cảnh tượng đó. Cô chỉ được biết cảm giác ngày tận thế ra sao khi chính cô trải qua. Trong tình cảnh ấy, cô sẽ nghĩ tới gia đình mình trước tiên.

Đợt dư chấn vẫn chưa dứt khi vợ chồng tôi rời khỏi tòa nhà chúng tôi từng sống, lúc đó tòa nhà đã sắp sụp xuống. Chúng tôi nhận ra căn phòng nơi các con ngủ bị xé rời khỏi tòa nhà, nhưng chẳng thấy chúng đâu. Tim tôi thắt lại vì sợ. Vì gần đó có một sân bay quân sự, nên chúng tôi nhanh chóng được đơn vị đồn trú giải cứu. Họ nhanh chóng đào bới cứu con trai tôi ra, nhưng hai chân nó đã nát bấy, nên người ta phải cắt đến tận trên gối như cô thấy bây giờ đấy. May mắn là nó được giải cứu kịp thời, nếu không vào một ngày nóng như hôm đó, vết thương sẽ chuyển thành hoại tử và gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó hai ngày, vẫn không tìm thấy con gái tôi đâu, tôi gần như mất trí. Tôi thấy những người bị thương, người tàn phế và những người chết được đưa ra khỏi đống đổ nát và chở đi hàng ngày; hầu như không một ai còn lành lặn nguyên vẹn.

Khi tôi đã gần như mất hết hy vọng, ai đó bảo tôi rằng rất nhiều người bị thương đã được đưa đến đường băng ở sân bay. Chỉ cần còn một tia hy vọng, tôi cũng phải đi tới đó để tìm xem. Nhưng khi tới được sân bay, tôi đã lặng người đi vì sốc: cả một đường băng dài nghìn nghịt những thân thể đang rên rỉ, được đặt thành bốn hay năm hàng. Lúc đó tôi mới dần hiểu ra là trận động đất không chỉ làm rung chuyển tòa nhà của chúng tôi mà còn hủy diệt cả một thành phố hàng trăm nghìn dân. Lòng tràn ngập nỗi kinh hoàng, tôi bắt đầu tìm kiếm để xác định xem con gái tôi đâu giữa những hàng người chết và bị thương; hẳn là họ đều còn sống khi được đưa tới đây, nhưng một số đã chết trước khi được sơ cứu. Rất khó phân biệt ai với ai, hầu như chẳng mấy người mặc quần áo; một số phụ nữ bị tóc che lấp mặt; một số người phủ đầy bùn. Nửa ngày trời, tôi mới chỉ đi được chưa đến một nửa đường băng. Chạng vạng tối, tôi trở về khu lều trại đơn vị đồn trú cung cấp cho chúng tôi, định sáng hôm sau sẽ tiếp tục tìm kiếm. Nhiều người đang ngủ trong lều tôi ở. Không còn phân biệt nam nữ nữa, cũng chẳng phân biệt giàu nghèo. Mọi người sụp xuống bất kỳ chỗ trống nào tìm được, họ đều đã kiệt sức vì chạy quanh một cách tuyệt vọng, tìm kiếm không ăn uống, và chỉ sống bằng hy vọng.

Tôi vừa thiếp đi thì giọng nói của hai người đàn ông gần đó vọng đến:

“Còn thức làm gì? Vẫn chưa ngủ à?”

“Đang nghĩ tới con bé đó...”

“Vẫn muốn nữa à?”

“Không phải chuyện đó. Tao chỉ lo không biết sau khi mình bỏ ở đây nó có chết không thôi”.

“Mẹ kiếp, tao không còn nghĩ đến chuyện đó!”

“Điều chúng ta làm đã xấu xa lắm rồi, nếu nó chết thì sao?”

“Mày có ý gì? Muốn quay lại kiểm tra à? Thế thì tốt nhất là nên đi nhanh thôi. Rồi lúc quay lại mới còn chỗ chứ, bằng không nếu phải ngủ ngoài trời, chúng ta sẽ ướt sũng nước mưa đấy.”

Tôi nhìn quanh xem ai đang nói, và cảm thấy choáng váng khi nhìn thấy một đoạn dây nhiều màu thò ra chỗ quần soóc của một gã đàn ông. Trông nó giống y như sợi dây buộc tóc của con gái tôi. Tôi không muốn tin là bọn chúng đang nói về con gái mình, nhưng nếu đúng là thế thì sao? Tôi lao đến chỗ hai gã đó và hỏi chúng lấy sợi dây đó ở đâu ra. Chúng không đưa ra câu trả lời chính xác, khiến tôi càng nghi ngờ. Tôi hét lên một cách dữ tợn, tra vấn cô bé mà chúng nói tới đang ở đâu; chúng sợ hãi lầm bầm gì đó về một cái mương cạnh đường băng ở đằng xa, rồi bỏ chạy. Tôi còn chẳng thể hỏi chúng thêm điều gì nữa, chứ đừng nói đến chuyện tóm cổ chúng; tất cả những gì tôi muốn là biết liệu cô bé đó có phải là con gái tôi không.

Tôi chạy theo hướng hai tên đó nhắc đến. Khi chạy tới bờ mương, tôi nghe thấy tiếng rên yếu ớt, nhưng không thể nhận ra ai trong bóng tối. Vừa lúc đó, có hai người lính đang đi tuần tiến lại chỗ tôi; họ có đèn pin và đang gác cho những người bị thương nằm trên đường băng. Tôi nhờ họ chiếu đèn pin xuống mương. Trong ánh sáng đèn pin yếu ớt, chúng tôi thấy một cô bé trần truồng. Trong khoảnh khắc ấy, lòng dạ tôi rối bời; tôi vừa mong lại vừa không mong đó là con gái tôi. Khi hai người lính giúp tôi đưa cô bé lên đường băng, tôi nhận ra đó chính là con gái tôi.

“Tiểu Anh, Tiểu Anh!” Tôi hét gọi tên con bé, nhưng nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt hoang mang, không phản ứng lại dù chỉ một chút. “Tiểu Anh, mẹ đây mà!" Đột nhiên, tôi nhận thấy phần dưới cơ thể con bé dính và ướt, nhưng tôi không có thì giờ đâu mà nghĩ gì thêm khi vội vã mặc cho nó bộ quần áo mà hai người lính gác cho mượn. Kỳ lạ thay, Tiểu Anh lại tụt chiếc quần dài xuống.

Khi tôi hỏi nó sao lại làm vậy, nó chỉ nhắm mắt lại ậm ừ. Nó quá mệt và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Tôi nằm cạnh, mê mụ người một lúc lâu rồi mới ngủ. Khi ngày rạng, tiếng động cơ máy bay làm tôi thức giấc. Khi nhìn sang Tiểu Anh đang nằm bên cạnh, tôi chết lặng cả người: nó đang cởi quần dài ra với nụ cười nhăn nhở ngớ ngẩn trên mặt, chân và háng nó đều bê bết máu. Ngay lúc ấy, tôi nhớ lại những lời hai gã kia đã nói. Có phải chúng đã lợi dụng thảm họa này để cưỡng hiếp Tiểu Anh? Tôi không dám tin vào điều đó. Và con gái tôi, một cô bé rạng rỡ, hoạt bát, đã trở nên mất trí.

Bác sĩ nói Tiểu Anh đã phải chịu đựng cú sốc quá lớn, và bảo vợ chồng tôi rằng chắc chắn Tiểu Anh đã bị hiếp dâm tập thể. Đó là tất cả những gì tôi nghe được trước khi xỉu đi. Khi tỉnh lại, chồng tôi đang cầm tay tôi, mặt ông ấy đẫm nước mắt. Chúng tôi nhìn nhau không nói và khóc: con gái chúng tôi đã bị bạo hành đến mức mất trí, còn còn trai bị cưa cụt chân..."

Trại trưởng Đinh im lặng.

“Cháu muốn hỏi cô có đưa Tiểu Anh đi điều trị không?” tôi khẽ khàng hỏi.

"Có chứ, nhưng chúng tôi không hiểu được rằng nó sẽ vẫn cảm thấy nỗi kinh hoàng đó ngay cả khi đã khỏi bệnh. Hai năm rưỡi sau đó, khi trí nhớ của nó bắt đầu trở lại bình thường, trước cái ngày chúng tôi định đưa nó trở về nhà để bắt đầu một cuộc sống mới, Tiểu Anh đã treo cổ trong phòng bệnh.

Trong lá thư tuyệt mệnh, nó viết:

Bố mẹ thân yêu!

Con xin lỗi, con không thể tiếp tục sống được nữa. Lẽ ra bố mẹ không nên cứu con.

Chẳng có gì trong ký ức đang trở lại của con ngoại trừ mọi thứ sụp đổ, cùng sự tàn bạo và hung ác của những kẻ đó. Đó là tất cả những gì còn lại với con trên cõi đời này, và con không thể sống với những ký ức đó hàng ngày được. Nhớ lại chuyện ấy quá đau đớn, con đi đây.

Con gái của bố mẹ, Tiểu Anh.

“Lúc ấy Tiểu Anh bao nhiêu tuổi?” tôi hỏi.

“Nó mười sáu, em trai nó mười một.” Trại trưởng Đinh ngừng lời. “Chồng tôi dứt tóc vì quá đau khổ, bảo rằng chính mình đã làm con bé tổn thương, nhưng tất nhiên đó không phải lỗi của ông ấy. Đêm đó, mãi tới khuya ông ấy mới lên giường đi ngủ. Tôi kiệt sức, và đã ngủ trước rồi, nhưng khi tôi tỉnh dậy, thân thể ông ấy đã lạnh ngắt, và mặt ông ấy đóng băng trong nỗi buồn. Giấy chứng tử do bác sĩ cấp viết rằng ông ấy chết vì đau tim do quá suy kiệt.”

Tôi thấy khó thở. “Trại trưởng Đinh, thật khó tưởng tượng là dì có thể chịu đựng nổi chuyện đó.” Bà gật đầu vẻ cam chịu.

“Và dì không muốn con trai biết chuyện?”

“Nó đã phải chịu đựng một cơ thể bị tàn phá rồi; làm sao nó có thể chịu thêm sự tàn phá về tinh thần và tình cảm nữa?”

“Nhưng dì đã dũng cảm sống tiếp.”

“Tôi đã vượt qua được, nhưng tôi không thực sự dũng cảm. Tôi là loại người mạnh mẽ trước mắt người khác, là loại đàn bà được gọi là người đàn bà thép, nhưng khi ở một mình tôi khóc suốt đêm: cho con gái tôi, chồng tôi, con trai tôi, và cho chính tôi. Đôi khi, tôi không thở nổi vì nhớ họ. Có người bảo rằng thời gian sẽ chữa lành mọi thứ, nhưng nó chưa chữa lành được cho tôi.”

Trên chuyến tàu trở về nhà, tôi khóc suốt. Tôi lại khóc nữa khi cầm bút lên viết về trải nghiệm mà những người mẹ đó phải trải qua. Tôi thấy thật khó tưởng tượng nổi sự dũng cảm của họ. Họ vẫn tiếp tục sống. Thời gian đã đưa họ đến với hiện tại, nhưng trong từng phút, từng giây trôi qua, họ vẫn phải vật lộn với cảnh tượng mà những người đã khuất để lại trong họ; từng ngày từng đêm họ phải chịu đựng những ký ức mất con đau đớn. Đó không phải nỗi đau có thể bị xóa nhòa bằng ý chí của một cá nhân: những đồ gia dụng nhỏ bé nhất - cây kim sợi chỉ, cái đũa cái bát - có thể mang họ trở về với gương mặt tươi cười và giọng nói của những linh hồn đã chết. Nhưng họ vẫn phải sống; họ phải đi ra khỏi ký ức của mình và trở về với thực tại. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu tại sao lại có bức tranh vẽ một con mắt trong tất cả các phòng ở trại trẻ - con mắt to, trào nước mắt đó, con mắt có ghi hai chữ Tương Lai trên con ngươi đó. Họ đã không cất giữ tình mẹ trong những ký ức về các con mình; họ không đắm chìm trong những giọt nước mắt đau khổ và chờ đợi lòng thương hại. Với sự vĩ đại của người mẹ, họ đã tạo dựng gia đình mới cho lũ trẻ đã mất cha mất mẹ. Đối với tôi, những người đàn bà đó đã chứng tỏ được sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của người phụ nữ Trung Quốc. Là một người mẹ, tôi có thể hình dung nỗi mất mát của họ, nhưng tôi thực sự không biết liệu tôi có thể vị tha đến thế khi phải gánh chịu nỗi đau của họ hay không.

Khi phát đi chương trình dựa trên những cuộc phỏng vấn này, tôi nhận được hơn bảy trăm lá thư trong vòng năm ngày. Một số người đề nghị tôi chuyển đến những người mẹ ở trại trẻ mồ côi lòng tôn kính của họ, và cảm ơn các bà mẹ. Một số người gửi tiền nhờ tôi mua quà cho lũ trẻ. Họ cùng chia sẻ những cảm xúc mà chương trình đã khơi lên: một phụ nữ nói bà cảm thấy biết ơn các con mình; một cô bé nói lần đầu tiên cô muốn ôm mẹ mình; một cậu trai bỏ nhà ra đi từ vài tháng trước nói cậu đã quyết định trở về với bố mẹ và cầu xin họ tha thứ. Tất cả bàn trong văn phòng đều tràn ngập những lá thư như thế, và một thùng các tông to lù lù đặt cạnh cửa ra vào chứa đầy những món quà tặng cho lũ trẻ và các bà mẹ. Trong đó có những món đồ của ông Trần, Lý Đại, Mạnh Tinh, Tiểu Dao, ông Trương... và nhiều đồng nghiệp khác.
Bình Luận (0)
Comment