Hạt Giống Tiến Hóa

Chương 83

Đức bấm nút lựa chọn giao dịch. “Quang Dực thánh mã” hiện ra trong ánh mắt mọi người, nó có màu trắng muốt thanh khiết, cái sừng trên đầu như kim cương trong suốt lấp lánh khiến Lan trầm trồ xuýt xoa, Hân hai mắt cũng tỏa sáng, ánh mắt nó ngước nhìn mọi người rất tinh anh lanh lợi.

Hân bước lại gần nó, đặt tay vào chiếc sừng trên đầu, quang nguyên lực truyền vào theo hướng dẫn của M.T.C khiến chiếc sừng tỏa ra ánh sáng trắng tinh khiết chiếu sáng cả căn phòng, quang nguyên lực của Hân và của Quang Dực thánh mã dần hòa hợp lại với nhau, dần dần cô cảm thấy một mối liên hệ mạc danh kỳ diệu giữa mình và nó, từ phía Quang Dực thánh mã truyền đến một cảm xúc thân thiết, hữu hảo và dựa dẫm.

Nó hý lên một tiếng, đầu dụi vào tay Hân, cơ thể nó cực kỳ sạch sẽ, lông mềm và mượt sờ vào cực kỳ đã tay, Hân nở một nụ cười thật tươi, quay đầu lại nhìn Đức ánh mắt rất nhu hòa.

Nụ cười của cô rực rỡ như trăm hoa đua nở làm Đức có hơi thất thần trong giây lát, định lực của hắn đối với Hân ngày càng kém đi rồi, hắn bước tới vuốt nhẹ vào bờm ngựa, Quang Dực thánh mã khịt mũi một tiếng, bước lùi lại, Hân nhíu mày nhìn nó khiến nó chột dạ cúi đầu, hý khẽ một tiếng rồi rất không tình nguyện bước lại gần cho Đức vuốt ve.

Đức quay lại Hân hỏi nhỏ: “Em nói gì với nó vậy hả?”

Hân cười một tiếng, ranh mãnh trả lời: “Không cho anh biết đâu”

Đức vuốt mũi: “Em nghĩ anh là ai, em nghĩ gì sao qua được mắt anh chứ”

Hân chống tay, hừ một tiếng: “Vậy nói thử xem, em vừa nói gì nào?”

Đức nháy mắt một cái: “Không cho em biết đâu”, nhìn Hân phùng má tức giận khiến hắn không kìm được cất tiếng cười to. Đức cúi đầu sát vào tai Hân nói nhỏ:

“Em cười đẹp lắm”

Nét tức giận trong chớp mắt tan biến đâu không thấy, cô đỏ mặt cúi đầu xuống. Nhìn gương mặt đỏ lựng của Hân, không kìm được, Đức cúi đầu xuống thơm nhẹ vào má của cô.

Hân “Á” một tiếng nhìn qua Lan và Toàn đang cười khúc khích trong góc phòng, khuôn mặt đỏ rực, chạy ra phía bên ngoài, “Quang Dực thánh mã” cũng lững thững chạy theo.

“Cười gì hả, ra đây tập đánh đối luyện thực chiến đi” Đức quay sang Toàn đang ngồi cười, chỉ ra sân, nghiêm mặt nói. Toàn tiu nghỉu bước ra theo.

Đối luyện là việc Đức luôn khuyến khích mọi người trong nhóm làm mỗi khi rảnh rỗi, nó giúp kiểm tra lại cách sử dụng kỹ năng của mỗi người trong thực chiến, giúp mọi người có thể vận dụng kỹ năng thành thục hơn nhiều.

Về phần Lan thì Đức yêu cầu cô bé tìm cách nén ép hỏa cầu. Tức là thay vì tung cùng lúc nhiều quả cầu lửa có uy lực phân tán thì tập trung năng lượng để tạo ra một quả cầu lửa cường lực.

Nghe có vẻ không khác nhau mấy nhưng thực tế uy lực cách nhau rất xa. Ví dụ như vầy cho dễ hiểu, trong chiến tranh Việt Nam, tổng số bom mà Mỹ ném xuống nước ta lên tới 7.85 triệu tấn, tương đương với sức công phá của 250 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật Bản. Cứ thử tưởng tượng, đó không phải rải riêng lẻ 7.85 triệu tấn bom mà chỉ cần rải 3 quả bom nguyên tử thì hiệu quả nó sẽ cách nhau xa như thế nào, đây chính là sự khác biệt cơ bản về chất.

Điều này không phải là đơn giản, lửa rất cuồng bạo mạnh mẽ, muốn nén ép nó để thăng hoa năng lượng rất dễ gây phản ứng nổ mạnh, nhưng dù sao thì Lan cũng đã có “lam thạch thủ hộ” rồi, Đức còn cho Lan mượn “tiểu Dương” để thêm một lớp bảo hiểm khi tập luyện đảm bảo vạn vô nhất thất.

Đây mới chính là điều mà Đức đã nói đến, kỹ năng là chết, người là sống, không phải cứ mua càng nhiều kỹ năng là càng mạnh, thứ nhất là vì, nguồn năng lượng để sử dụng kỹ năng là cố định, càng nhiều kỹ năng sử dụng sẽ càng phí sức, thời gian chiến đấu sẽ càng ngắn, thứ hai là về vấn đề thuần thục, kỹ năng học từ M.T.C giống như một người học sinh xem sẵn bài giải, cứ theo đó mà xài thì nó sẽ cực kỳ máy móc, trong khi các tình huống trong thực tế là muôn hình vạn trạng, thay đổi cực nhanh và phức tạp, nếu không thể thực sự sở hữu kỹ năng đó biến nó thành của mình thì thế nào cũng sẽ có lúc bị bất ngờ lúng túng, và nếu đó là trong trường hợp giao chiến sinh tử thì đó cũng sẽ là lúc sinh mạng của mình bị kết thúc, nên về vấn đề này Đức cực kỳ nghiêm khắc cảnh cáo Lan và Toàn, phải không ngừng rèn luyện, không ngừng vận dụng.

Toàn lúc này đã hóa sói, kỹ năng “thiết bì nham giáp” cũng đã được vận dụng, sử dụng móng vuốt liên tục lao tới tấn công. Nếu nói riêng về vấn đề sức mạnh cơ thể không vận dụng năng lượng từ lõi rise, Toàn còn nhỉnh hơn Đức một phần, đây chính là thế mạnh của biến đổi gen người sói, hoặc các loại hình huyết thống dã thú. Sức mạnh, tốc độ và sự hồi phục chính là điểm mạnh của nó.

Đức đẩy cùi chỏ lên ngay cổ tay của Toàn đỡ đòn, dấn tới một bước, tung tiếp cùi chỏ tay bên kia vào giữa ngực khiến Toàn trúng đòn lùi lại.

“Sơ hở nhiều quá, đòn đánh tung ra phải nắm kỹ được điểm dừng và lúc bộc phát mạnh nhất” Đức vừa nói vừa nhẹ nhàng nhảy lùi lại né một cú vồ tay phải của Toàn.

Dậm chân nhảy lên, Đức tung một cú đấm cực mạnh vào người Toàn, chỉ cách mặt tầm 0.5 cm thì dừng lại, hơi gió thổi qua làm những lọn tóc của Toàn trở nên tán loạn.

Toàn lùi lại phía sau, liên tục ra đòn không trúng đích khiến Toàn cũng hơi bị nổi nóng, nhảy về hướng Đức, hai cánh tay như hai cái kìm sắt nhắm vào hai bên vai của Đức, ý định lợi dụng sức mạnh ghì chặt hắn xuống.

Đức không lùi mà tiến tới, tay nắm lại theo thế “phụng điểm đầu” đấm mạnh vào vị trí xương quai xanh trên vai của Toàn khiến tay Toàn tê dại không đủ sức nắm lại, rồi tung một cước vào giữa cằm khiến Toàn bay ngược ra sau, nằm hẳn dưới đất.

Cú đá này Đức đã ghìm lại lực nếu không đủ để Toàn nằm lại một thời gian, xung chấn từ dưới cằm rất dễ gây choáng.

Lồm cồm bò dậy, Toàn ngồi phệch xuống đất, xoa cái cằm: “Híc, em thua rồi”

“Quan trọng là em học được những gì? Em biết điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu chưa?” Đức nhìn nó hỏi

Toàn thật thà lắc đầu, thực ra mà nói, trước giờ nó đều chiến đấu theo bản năng của cơ thể là chính không có theo một bài bản nhất định nào cả. Ngày xưa nó đã từng học võ cổ truyền Bình Định (*) ở dưới quê, nhưng cũng chỉ mới bập bõm và có tác dụng rèn luyện thân thể là chính thôi.

Đức bất đắc dĩ thở dài: “Được rồi, điểm mạnh của em đó là: sức mạnh, tốc độ và bản năng chiến đấu. Đó chính là thế mạnh của em, là cái mà em nên tập trung vào để rèn luyện nhất, anh chỉ nói cho em một số điểm cơ bản thế này để em cải thiện thêm”

“Thứ nhất là ở cách ra đòn, khi em tung móng vuốt để cào, hoặc đâm, em chỉ sử dụng lực của cánh tay, cái này là sai, đòn đánh sẽ có ít uy lực nhất” Đức nhìn nó giảng giải

Toàn gãi gãi đầu, khó hiểu: “Cào thì phải sử dụng tay chứ ạ?”

Đức ra hiệu cho Toàn đứng dậy, giơ một tay về phía trước. Đức dùng cánh tay đánh thẳng vào đó, lực đánh chấn động, nhưng Toàn dư sức đỡ lại: “Đó là sử dụng lực cánh tay”

Lần thứ hai, Đức đấm tới, cùng nắm đấm đó, nhưng lực đánh cực mạnh khiến bàn tay tê dại, lùi lại. Đức tiếp lời:

“Em hiểu được sự khác nhau chưa, một cú đấm mạnh không chỉ sử dụng lực từ cánh tay mà vận dụng lực từ toàn thân, ba chỗ dụng lực cơ bản là từ chân lên eo, từ eo qua vai và từ vai chuyển lên cánh tay, toàn bộ cơ thể chuyển động cùng một lúc để tập trung lực đánh một cách mạnh nhất (**)”

“Thứ hai, đó là điểm bộc phát lực (***), một đòn đánh cần có điểm bộc phát lực mạnh nhất của nó, sau đó lùi lại lập tức, nếu em tung đòn mà không có điểm dừng lực nó sẽ kéo người của em theo và lộ ra sơ hở, đừng bao giờ để quán tính cú đánh kéo cơ thể em theo sau, tất cả đòn đánh tiếp theo của em đều sẽ bị lộ ra hết” Đức chậm rãi giải thích, thị phạm một số đòn đánh cơ bản để cho Toàn hiểu rõ hơn.

“Chiến đấu thực chiến không cần màu mè hoa lá hẹ gì cả, yếu quyết cơ bản là tung ra đòn đánh nhanh nhất, mạnh nhất vào điểm yếu của kẻ địch thôi, tiếp tục tập luyện đi, thả lỏng cơ thể để bản năng nói cho em biết nên tung đòn như thế nào”

………………………………………………….

(**) Cái này là lý luận cơ bản về võ thuật thực chiến, tham khảo từ MMA, triệt quyền đạo và Systema. Đại khái là một cú đấm nếu muốn có lực mạnh cần vận dụng toàn bộ lực tổng hợp trên cơ thể, như cú đấm “nhất thốn quyền” nổi tiếng của Lý Tiểu Long cũng là nhờ vận dụng lực toàn thân, từ gót chân lên tới eo, eo lên vai, vai qua cánh tay, cánh tay đến cổ tay, chuyển động nửa vòng xoáy trong chớp mắt, mới tạo ra lực đánh lớn như vậy ở trong khoảng cách ngắn.

Mà thực ra cái này hoàn toàn không giống so với nguyên lý đòn đánh của “Vịnh Xuân Quyền”, Vịnh Xuân Quyền là sử dụng đòn đánh tay thẳng và chân trực diện, tay bảy chân ba, các đòn đánh hầu hết đều rất ngắn, sử dụng lực từ tay và vai là chủ yếu, đá chân cũng chỉ xài lực từ hông và bắp chân nên trừ khi có nội lực ảo tung chảo như trong phim miêu tả, không thì cách đánh này là lực yếu nhất, nhưng ưu điểm của nó là đòn đánh ngắn nên tốc độ tung đòn rất nhanh cực kỳ phù hợp khi đánh cận chiến tầm gần trong không gian hẹp, thế thủ cũng rất chắc, để khắc phục lực đánh yếu thì các đòn đánh chuyên nhắm vào yếu huyệt quan trọng như mắt, tai, thái dương, cằm, hầu kết, chấn thủy và khớp tay.

(***) Thứ hai là về vấn đề điểm dừng lực hay là điểm bộc phát lực, giống như người tập đấm bốc hoặc quyền thuật sẽ biết khi đấm ra điều quan trọng là cú đấm không được đi vượt quá khuỷa tay, không được đấm thẳng hết ra vì nó sẽ tạo phản lực rất lớn lên khớp tay nếu bị đánh ngược lại, gãy tay như chơi, và khó thu về, lực đánh tối ưu nhất của cú đấm là khi nó đạt đến góc độ từ 15 đến 25 độ từ cú đấm đến khuỷa tay, đó là điểm phát lực lớn nhất và tối ưu nhất, cũng là an toàn nhất để có thể nhanh chóng thu tay lại đỡ đòn, tương tự với đòn đánh từ chân. Đương nhiên cũng còn tùy từng võ phái khác nhau, cái mình nói chỉ là nghiên cứu khoa học về cú đấm thôi, chứ quyền thuật thì muôn hình vạn trạng, không có thể thức cố định nào cả.

(*) Võ thuật cổ truyền của Bình Định: Đây không phải là tên gọi của một phái võ nào cả, mà võ Bình Định là tập hợp của nhiều dòng võ khác nhau, cực kỳ đa dạng, hấp thu tinh túy của nhiều loại võ thuật khác nhau. Sự đa dạng đó lại đặt trên cơ sở một số đặc điểm chung hầu hết các dòng võ ở Bình Định đều có. Chẳng hạn như một số bài bản được mặc nhiên coi là võ Bình Định như Ngọc trản ngân đài, Siêu Bát Quái, Roi Tấn Nhất, Roi Ngũ Môn. Mặc dù đây chính là các bài bản của Võ Ta hay còn gọi là Võ Kinh, một môn võ của Đàng Trong và từng được dùng cho huấn luyện trong quân đội và thi võ cử trong thời nhà Nguyễn.

Võ cổ truyền của Việt Nam có tính thực dụng rất cao, vì tính chất của nó sinh ra là để phục vụ cho chiến tranh, cho đánh giết trên chiến trường, chứ không mang đậm chất biểu diễn như võ thuật Trung Quốc, nước ta từ thời xưa đến nay phải liên tục xảy ra chiến tranh, liên tục phải bảo vệ đất nước, nên võ thuật cũng mang đậm phong cách thực chiến. Các đòn thế sát thủ rất nhiều, và một đòn đánh chết là đặc trưng của võ thuật Việt Nam thời đó.

Tuy nhiên là càng về sau này, các đòn sát thủ càng ngày càng không được truyền bá nữa, thất truyền khá nhiều. Lý do đơn giản là vì, thời buổi bây giờ dạy đồ đệ mấy món đó rất nguy hiểm, ra đường dễ đánh nhau mất mạng như chơi, nên lưu truyền đến hiện tại cũng mất đi cái chất của nó khá nhiều. Dù vậy thì nếu các bạn chỉ học để phòng thân cũng rất hữu dụng đấy, nhà mình có người quen là võ sư ở Bình Định. ^.^

Võ thuật cổ truyền của nước ta gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Một điều thú vị khiến mình thích thú và tìm hiểu về võ thuật Bình Định là ba anh em nhà Tây Sơn có thể được coi là một trong những tổ sư của võ phái Bình Định, Nguyễn Lữ sáng tạo ra Hùng kê Quyền, Nguyễn Huệ sáng tạo ra Yến Phi quyền (Mình có nói đến ở chương 1). Ba anh em cùng nhau sáng tạo ra Độc lư thương để dạy cho các binh sĩ Tây Sơn khởi nghĩa, ba người được mệnh danh là Tây Sơn tam kiệt. Thế mới thấy ngày xưa các vị vua và võ tướng nước ta hầu hết ai đều cũng giỏi võ cả.

Trong Tây Sơn tam kiệt thì thần tượng của mình là Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đơn giản là vì ông là một con người quá tài giỏi xuất sắc, tài năng quân sự của ông thật không giấy bút nào diễn tả được, ông là người dẫn quân bách chiến bách thắng trên chiến trường (Từ khi ra đánh trận đầu tiên đến khi qua đời chưa từng thua bất kỳ trận chiến nào), tất cả những trận ông đánh đều là những trận đánh có tính chất quyết định sinh tử đối với Nghĩa quân Tây Sơn, nếu không có ông chắc chắn quân Tây Sơn không thể nào nổi lên được trong pháo đài của lịch sử.

Nghệ thuật và chiến lược chiến tranh của vua Quang Trung cũng rất khác biệt, đa số các chiến dịch là tốc chiến, tốc thắng, binh quý thần tốc, tạo sự bất ngờ, nhắm vào điểm yếu của kẻ địch, một trận đánh định càn khôn, khác hẳn với chiến thuật du kích chiến, tiêu hao sinh lực địch hay vườn không nhà trống mà nước ta rất hay phải sử dụng đối với những kẻ địch mạnh hơn. Ông có chủ trương binh sĩ cần tinh nhuệ chứ không cần đông, trong khi có thể nói quân Tây Sơn lúc đầu chỉ là một đám ô hợp: nông dân cũng có, học trò cũng có, nho sĩ cũng có … Ông rất chú trọng vào luyện binh, kỷ luật quân đội và cực kỳ quan tâm đến việc cải tiến vũ khí, súng thần công.

Các chiến dịch của ông đều kết thúc thắng lợi rất chóng vánh trong khi toàn phải đối mặt với những kẻ địch mạnh mẽ và đông hơn gấp nhiều lần: Quân Xiêm La (Vương triều Chakri, một vương triều khá mạnh mẽ của Thái Lan thời đó), quân Pháp, quân Thanh (Trung Quốc) đều là các cường quốc đương thời, chưa kể họ còn được sự giúp sức của Nguyễn Ánh và Lê Chiêu Thống ở trong nước.

Một số trong đó thậm chí là chiến dịch đánh công thành với quân lực ít ỏi hơn, nổi bật là trận đánh tái chiếm Phú Yên giải nguy cho quân đội Tây Sơn, cũng là trận chiến bắt đầu cho những chiến công vang dội của ông về sau và chiến dịch tiêu diệt 29 vạn quân Thanh giành độc lập và lên ngôi hoàng đế, trong khi sách binh pháp của Trung Quốc mà chắc nhiều bạn cũng biết, dựa vào kinh nghiệm công thành trong lịch sử để nói rất rõ là binh lực muốn đánh công thành bắt buộc phải đông hơn quân thủ thành ít nhất gấp ba lần, nói ra điều đó để các bạn thấy được sự dũng mãnh của quân Tây Sơn dưới tay vua Quang Trung là như thế nào …

Các nhà truyền giáo của Tây Ban Nha và Pháp thời đó từng ví ông như là Alexander Đại đế của Việt Nam vì ngưỡng mộ trước tài năng quân sự hiếm có của ông. Đến bây giờ rất nhiều nhà sử học vẫn không thể nào tìm ra được bằng cách nào ông có thể hành quân đến đánh úp quân Thanh ở miền Bắc một cách chớp nhoáng như vậy trong khi chỉ mới vừa đó ông còn đang đánh chiến dịch ở miền Nam.

Ông vừa là một người có võ thuật cao cường, vừa là một thiên tài quân sự và huấn luyện binh sĩ, có tấm lòng khoan dung nhân nghĩa, trọng dụng hiền tài (Từng chiêu hàng và tha chết cho rất nhiều trọng tướng dưới quyền Nguyễn Ánh), ông cũng là một thiên tài về chính trị và kinh tế, có tầm nhìn cực kỳ sâu xa.

Ông chính là người đề ra chính sách thông thương với Trung Quốc và các nước khác ngay sau khi vừa mới đánh bại 29 vạn quân Thanh, trong khi xu thế của các nước phong kiến Á Đông thời đó là bế quan tỏa cảng. Ông chú trọng phát triển công thương nghiệp trong khi đa số các nước khác đều trọng nông khinh thương.

Trong thời gian ngắn ngủi bốn năm mà vua Quang Trung lên ngôi, đó là thời gian huy hoàng duy nhất trong tất cả các vương triều phong kiến của Việt Nam mà chúng ta không phải tiến cống cho Trung Quốc, nước ta xưng đế đứng ngang hàng với họ chứ không phải xưng vương làm chư hầu của họ mà không phải sợ hãi Trung Quốc bất cứ điều gì, (Nói thêm là Trung Quốc thời đó không yếu chút nào, đó là vương triều nhà Thanh trong tay vua Càn Long, một triều đại được đánh giá là cực kỳ giàu mạnh trong hơn 200 năm Mãn Thanh trị vì Trung Quốc). Đây chính là điều mà cả hai triều đại cực kỳ rực rỡ trong lịch sử của chúng ta là thời Trần và thời Lý, cũng không làm được.

Để nói hết về tài năng của ông chắc phải mất cả một quyển sách dày. Dưới trướng của Quang Trung đại đế cũng có rất nhiều người tài năng mến mộ danh tiếng của ông mà đi theo phò tá, nổi tiếng nhất là: Tây Sơn thất hổ tướng và Tây Sơn lục kỳ sĩ, một văn một võ, sự tích về họ cũng rất hào hùng, còn có một chuyện tình đầy giai thoại và bi tráng, đầy trung nghĩa của võ tướng Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân, sau này nếu có cơ hội và các bạn không phiền lòng thì mình sẽ làm một credit cuối chương về những con người đáng được kính trọng này. Nước chúng ta anh kiệt quá nhiều nhưng người biết đến họ thì lại quá ít.

Đáng tiếc trời cao đố kỵ nhân tài, tài năng của Quang Trung – Nguyễn Huệ quá rực rỡ, quá chói mắt nhưng ông lại phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ và còn quá nhiều hoài bão về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, còn quá nhiều điều dang dở mà ông muốn làm: tiễu trừ Nguyễn Ánh, thống nhất đất nước, đòi lại hai tỉnh Lưỡng Quảng, thống nhất quốc ngữ dùng chữ Nôm để tránh bị ảnh hưởng văn hóa từ Trung Quốc, chủ trương phổ cập giáo dục và chữ Quốc Ngữ cho toàn thể dân chúng, nơi nào không có trường thì lấy đình, chùa, miếu, tự làm nơi dạy học, cho phép tự do tôn giáo, bài trừ dị đoan, cải cách thay đổi thể chế thi cử chú trọng vào nhân tài thực dụng chứ không phải kiểu chỉ cần am hiểu thi từ ca phú, Tứ thư, Ngũ kinh (Vốn là một trong những nguồn gốc khiến các vương triều phong kiến trở nên cổ hủ và suy bại, ăn mày vào quá khứ) và còn nhiều dự tính quản lý và phát triển kinh tế đi trước thời đại, điểm nhấn là chính sách quản lý hộ tịch và chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang chú trọng phát triển công thương nghiệp, tầm nhìn của ông thực sự quá vượt trội so với những con người ở thời đại đó, nhưng tiếc rằng cái chết của ông đã khiến tất cả những dự tính lớn lao ấy không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Trong rất nhiều những con người tài giỏi trong lịch sử đầy hào hùng bi tráng của nước ta, Quang Trung – Nguyễn Huệ mãi luôn là người mà mình thần tượng nhất, hâm mộ nhất, ngưỡng mộ nhất. Đối với mình, cái chết của ông chính là một mất mát cực kỳ to lớn đối với Việt Nam và là điều đáng tiếc nhất xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của nước ta.

P/s: Đoạn này mình tính viết ngắn thôi để giải thích một số chi tiết trong truyện. Vô tình viết đến Vua Quang Trung, đột nhiên cảm xúc lại ùa về và cứ thế viết tới, nhìn lại mới thấy dài hẳn ra. Nếu các bạn thấy OK và muốn tiếp tục có một số đoạn credit như vậy thì các bạn có thể để lại cho mình một cmt khuyến khích nhé, còn nếu thấy phiền thì mọi người vui lòng bỏ qua nội dung phần credit cũng được, đằng nào nó cũng không ảnh hưởng đến diễn biến chính của truyện, coi như đây là một cách câu chữ của mình đi ha ^.^ (Nội dung chính của chương mình không có cắt xén phần nào đâu nha, ít nhất lúc nào cũng trên 1500 chữ đó).
Bình Luận (0)
Comment