Mãi cho đến khi lên xe ngựa, Tạ Thất vung roi và lái xe rời khỏi phố xá sầm uất kia, Triệu đại nương mới thở phào nhẹ nhõm.
Phàn Trường Ngọc không hiểu vì sao, hỏi: "Đại nương, cuối cùng có chuyện gì xảy ra vậy?"
Triệu đại nương có chút áy náy nói: “Trường Ngọc, là đại nương hồ đồ, có lẽ đã dẫn đến phiền phức cho cháu rồi.”
Bà kể về cuộc tranh chấp giữa mình và người ta trước gian hàng bán vải, xấu hổ đến mức không dám ngẩng đầu lên: “Đại nương cũng chỉ là nghe mấy phụ nhân kia nói những thứ vứt đi, nói dây cột tóc mà Ngôn Chính tiếp lấy là của tiểu thư Lý phủ gì đó, lúc ấy mới không nhịn được mà lanh mồm lanh miệng, nào ngờ lại khiến mọi chuyện lại thành ra thế này..."
Bà siết chặt đôi bàn tay chai sần của mình trong ống tay áo, sau đó nhìn Phàn Trường Ngọc nói: “Ta nghe người ta nói, làm quan rất dễ bị người luận tội, cái này… này sẽ không khiến người ta luận tội cháu và Ngôn Chính chứ hả?"
Triệu thợ mộc cũng sợ hành vi này của thê tử mình gây rắc rối cho Phàn Trường Ngọc, vì vậy liền chỉ chỉ vào Triệu đại nương, quở trách: "Bà a bà a, đã già như vậy rồi, còn lanh mồm lanh miệng tranh cãi cái gì?"
Triệu đại nương cảm thấy có lỗi, bị trượng phu quở trách cũng không lên tiếng.
Vẫn là Phàn Trường Ngọc nói: "Không có gì to tát cả, đại nương chớ có tự trách, chỉ là khó tránh khỏi có chút phức tạp mà thôi, sau này cũng không nên cùng người khác tranh cãi những chuyện như vậy."
Hoàng đế, Ngụy Nghiêm và thậm chí cả Lý gia đã sớm biết mối quan hệ của nàng và Tạ Chinh, khi tin tức Tạ Chinh tiếp lấy dây cột tóc của nữ tử truyền đi, bọn người kia đều có thể đoán được đó là nàng.
Về phần những người khác, nàng và Tạ Chinh sớm muộn gì cũng sẽ thành thân, để bách tính biết cũng không sao cả.
Có điều phiền toái đại khái chính là thân phận “góa phụ” của nàng, sẽ có người cảm thấy nàng không xứng với Tạ Chinh.
Nhưng những người cảm thấy nàng không xứng kia, cho dù biết người nàng từng bái đường chính là Tạ Chinh, vẫn cũng sẽ thấy nàng không xứng.
Đổi lại là lúc trước, có lẽ Phàn Trường Ngọc sẽ để tâm một chút.
Nhưng trên chiến trường rèn luyện lâu như vậy, nàng còn có thể coi nhẹ sinh tử, nếu như sợ lời nói của người khác, kia thật sự mới là càng sống càng thụt lùi.
Được lời này của Phàn Trường Ngọc, Triệu đại nương triệt để thả tim lại vào bụng, bà liên tục nói: "Không, không, về sau sẽ không thế nữa."
Xe ngựa thuận buồm xuôi gió trở về Tiến tấu viện, Trường Ninh thấy Triệu đại thúc cùng Triệu đại nương không chịu nói chuyện, bé ngồi trong lòng Phàn Trường Ngọc hỏi: “A tỷ, có phải tỷ phu vào hoàng cung nhận phong thưởng của hoàng đế không?"
Bé nhớ ngày đó a tỷ vào thành đã đi cùng với các tướng quân vào đó.
Phàn Trường Ngọc nhẹ gật đầu, đáp: "Tất nhiên rồi."
Những người ngày ngày đều phải lên triều yết kiến hoàng đế, chính là quan kinh thành từ ngũ phẩm trở lên.
Thần tử bên ngoài được triệu hồi tới, ngoại trừ nhận trước được chiếu chỉ của hoàng đế, chỉ cần đợi ở tại Tiến tấu viện hoặc đến quan phủ xử lý công vụ.
Phàn Trường Ngọc và Đường Bồi Nghĩa là cùng một nhóm tướng quân vừa mới từ chiến trường Tây Bắc bước ra, trước mắt vẫn còn nhàn rỗi, xem chừng năm sau hoàng đế mới có thể nghĩ xong các chỗ cho bọn nàng.
Nhưng bây giờ tình hình bên trong triều đình đang kỳ dị, vị trên long ỷ kia từ khi đăng cơ đến nay vẫn không có thực quyền gì, sự tôn trọng của triều thần đối với thiên gia cũng không có gì ngoài những vẻ bề ngoài, sau lưng đều phải phụ thuộc Ngụy Nghiêm hoặc Lý gia, mỗi người đều chia phe phái.
Chiến tích của vị tiểu hoàng đế kia thường thường nhưng dã tâm không nhỏ, trước đó vì muốn lôi kéo Lý gia để lật đổ Ngụy Nghiêm, sao liệu rằng đã hành động quá vội vàng, ngược lại Ngụy Nghiêm còn chưa bị ngã, trước đã khiến Lý gia thấy được thanh đao tiểu hoàng đế gác lên cổ bọn họ và đã quay sang hợp tác với Hoàng trưởng tôn Tề Mân.
Hiện tại tiểu hoàng đế chỉ có thể quay về cầu xin Ngụy Nghiêm che chở, kết cục trận chiến giữa Ngụy đảng và Lý đảng, ước chừng chỉ nằm trong tam tư hội thẩm* án Ngụy Nghiêm cấu kết với phản tặc.
*tam tư hội thẩm: vụ án lớn do Hình bộ, Ngự Sử đài và Đại Lý tự xét xử.
Những ngày này, Phàn Trường Ngọc vì để điều tra đến tột cùng trong vụ án Cẩm châu năm đó Tùy gia đã làm những gì, cho nên thường xuyên ra vào Đại Lý Tự để dự thính thẩm vấn, ý đồ muốn tìm ra trong án Ngụy Nghiêm cấu kết phản tặc này có manh mối liên quan đến việc thiết kế thảm án Cẩm châu năm đó hay không.
Tuy nhiên, tiến độ của tam tư hội thẩm cực kỳ chậm chạp, chờ đến khi kết án chỉ sợ phải kéo dài đến một hoặc hai tháng.
Những biến số của thanh long ỷ kia, mấy tháng sau vẫn chưa thể biết được.
Trường Ninh nghe được lời này của Phàn Trường Ngọc thì hai mắt sáng óng ánh: "Vậy hoàng đế bệ hạ kia sẽ ban thưởng gì cho tỷ phu?"
Câu hỏi này khiến Phàn Trường Ngọc lâm vào một thoáng suy nghĩ.
Tạ Chinh ở tuổi đời đôi mươi đã được phong hầu, luận về chiến công ở toàn bộ triều đình không có người thứ hai, lần trước khi nàng đi theo Đường Bồi Nghĩa đến lên điện Kim Loan yết kiến, trong lời nói của hoàng đế có hàm ý phải ban cửu tích cho Tạ Chinh.
Các triều thần lại câm như hến.
Lúc đó nàng đã cảm thấy kỳ lạ, sau khi trở về Tiến Tấu viện cũng đã hỏi Đường Bồi Nghĩa cửu tích kia là gì.
Đường Bồi Nghĩa lại bí mật thâm thúy trả lời: "Từ xưa đến nay, chỉ khi nào thiên tử không thể thụ phong nữa mới có thể ban thưởng cửu tích cho hạ thần, trong đó bao gồm như xe, ngựa, vương miện, nhạc khí, nạp bệ*, búa rìu, cung tiễn và mấy vật phẩm cửu tích biểu tượng hoàng quyền vô thượng. Nhưng trong các triều đại người được ban cho cửu tích, đều là thần tử gian nịnh không được chết tử tế."
*nạp bệ: bậc thềm, tức là được phép xây bậc thềm lên xuống ở trong nhà
Triều đình hiện tại , Lý đảng và Ngụy đảng có địa vị ngang nhau.
Ngày đó hoàng đế nói thế, chẳng lẽ là muốn đẩy Tạ Chinh lên đầu sóng ngọn gió, để cho Ngụy Nghiêm và Lý Thái cùng phó đối phó Tạ Chinh sao?
Phàn Trường Ngọc khó tránh khỏi có chút lo lắng, nàng giúp Trường Ninh chỉnh lại cổ áo, chỉ nói: “Hoàng thượng muốn ban thưởng cái gì, làm sao a tỷ biết được chứ?”
Trường Ninh hiển nhiên không hài lòng lắm với câu trả lời này, vùi đầu vào trong ngực Phàn Trường Ngọc bĩu bĩu môi.
Trường phong thỉnh thoảng vén một góc rèm xe lên, Phàn Trường Ngọc vỗ vỗ lưng bé, ánh mắt nhìn qua cửa xe xuyên đến vị trí hoàng cung, khẽ nhíu mày.
-
Hoàng cung.
“Tuyên, Vũ An hầu Tạ Chinh yết kiến—“
Âm thanh triệu hồi phát ra từ hành lang cung điện kéo dài, vô số tiếng vang vang vọng giữa các thành đài cao chừng mười trượng ở hai bên ngoài đông tây lầu cánh nhạn, hùng hậu uy nghiêm.
Các Kim Ngô vệ trong một thân áo giáp mang bội đao đứng thành hai hàng trước Ngọ môn, thần sắc đều lạnh lùng cứng rắn trang nghiêm.
Mặt trời đã lên cao, những viên ngói lưu ly trên mái hiên được ánh nắng dát một lớp viền vàng.
Tạ Chinh mặc một thân nhung giáp, chậm rãi đi vào cửa cung mở rộng như miệng thú, áo choàng màu đen ở sau lưng nhấc lên, tựa như kéo theo một luồng khí nhuốm đầy máu khắp nơi.
Lông mày và đôi mắt của hắn rũ xuống giữ lấy một tia lạnh buốt, kỳ lân trên đầu vai hắn chìm trong ánh mặt trời thiêu đốt tròn mắt dữ tợn, vốn là một thụy thú*, phảng phát mang theo lệ khí và tà tính sau khi uống qua nhiều máu người lâu dài trên chiến trường, khiến người không dám nhìn thẳng.
*thụy thú: những con thú mang lại điều phúc lành
Giờ khắc này, những bức tường đỏ ngói vàng hai bên đường cung điện dường như đã mất đi sự trang nghiêm và lộng lẫy thường ngày, khiêm tốn cúi mình trước mặt hắn.
Khi Tạ Chinh đi đến điện Kim Loan, các văn võ đường triều đều nhao nhao ghé mắt nhìn hắn tiến vào trong điện.
Vị trí người đứng đầu quan võ vẫn còn bỏ trống cho hắn, Lý thái phó ở vị trí người đứng đầu quan văn khẽ liếc nhìn Tạ Chinh, sau đó đầu mày già nua âm thầm nhíu lại.
Con sói con mà Ngụy Nghiêm nuôi dưỡng bên người chung quy cũng đã trưởng thành, xét về độ điên cuồng và thủ đoạn của hắn, thật sự không thua gì Ngụy Nghiêm khi tuổi còn trẻ.
Sau khi thu hồi ánh mắt, ông ta nâng tấm hốt bản, tiếp tục nhìn thẳng về phía trước.
Tạ Chinh làm ngơ trước tất cả những ánh mắt đang dò xét, ngước mắt nhìn vị hoàng đế trẻ tuổi đang ngồi phía trên điện Kim Loan, khi Tề Thăng bắt gặp ánh mắt của hắn, ý cười có mấy phần gượng ép.
Khóe môi Tạ Chinh nhếch tựa như giễu cợt mà không phải giễu cợt, hắn cũng không làm lễ quỳ xuống, chỉ hơi cuối người về phía trước, ôm quyền nói: "Vi thần tham kiến bệ hạ."
Hắn đã được phong hầu, khi lên triều yết kiến thiên tử không cần tự xưng nữa.
Tề Thăng một mặt sợ hắn, mặt khác lại âm thầm nghiến răng nghiến lợi, trên mặt miễn cưỡng duy trì nụ cười nói: "Tạ ái khanh mau mau bình thân."
Lập tức nhìn về phía văn võ bá quan: "Tạ ái khanh chính là trụ cột Đại Dận, trẫm đã đặc cách lên điện được mang theo kiếm, vào chầu không cần xu*, tán tấu bất danh.”
*xu: đi nhanh. Theo lễ xưa khi đi đứng, muốn tỏ lòng tôn kính thì phải đi những bước ngắn và nhanh.
Đây là đặc ân mà hắn ta đã ban cho Tạ Chinh kể từ khi Tạ Chinh được phong hầu, có thể nói, từ đó trở đi, hắn ta đã lập mưu làm sao có thể ly gián đôi cữu sanh* Ngụy Nghiêm và Tạ Chinh.
*cữu sanh: cậu và cháu
Đám văn võ đại thần ở hai bên, đối với lời này của Tề Thăng cũng không dám nhiều lời.
Tề Thăng nhìn triều đình yên tĩnh, trong lòng càng thêm oán hận vì hoàng quyền suy tàn, nhưng lại không có cách nào khác, chỉ có thể ngoài cười trong không cười mà nhìn Tạ Chinh nói: “Lần này vì dẹp yên phản tặc Sùng châu, Tạ ái khanh phải cửu tử nhất sinh, chính là lập công đầu, phương bắc cũng may được Tạ ái khanh trấn thủ mới có thể an ổn cho tới nay, nay đặc biệt ban thưởng cho ái khanh cửu tích."
Nói xong, hắn ta khẽ vuốt ve lòng bàn tay, liền có thái giám đem phần thưởng sớm đã chuẩn bị đặt lên khay trải lụa vàng, đưa tới trước mặt Tạ Chinh.
Tạ Chinh nhìn thoáng qua các loại đồ vật tinh xảo do mấy nội giám bưng tới, đáy mắt lạnh lẽo càng sâu, vẫn hơi nghiêng người tạ ơn: “Vi thần tạ long ân bệ hạ.”
-
Một trận hội triều cuối cùng không có bất kỳ rủi ro nào kết thúc, bởi vì Ngụy Nghiêm cáo bệnh nhiều ngày không vào triều, lại biết rõ tính khí thủ đoạn của Tạ Chinh, cho nên phía Ngụy đảng toàn bộ quá trình cũng không dám nhiều lời, Lý đảng ngược lại càng kiêng kỵ Tạ Chinh hơn.
Bất quá Lý Thái phó vẫn luôn giữ im lặng, người phía dưới cũng không dám tùy tiện khiêu khích Tạ Chinh.
Chỉ có những thái giám tay bưng khay đồ vật vua ban đến trước mặt Tạ Chinh, sau khi lui xuống chân vẫn không ngừng run rẩy.
Lý thái phó và trưởng tử của mình, còn có mấy môn sinh tâm phúc sau khi bãi triều coi như phải sớm rời đi.
Trưởng tử Lý Viễn Đình của ông ta nhìn thấy xung quanh đều là người mình, lại còn đang ở cầu Kim Thủy, không nhịn được hỏi Lý Thái phó: “Phụ thân, khí thế của Vũ An hầu hiện tại nghiễm nhiên đã vượt qua Ngụy Nghiêm, một ngày hắn không rời kinh, kế hoạch của chúng ta…”
Dù là cảm thấy phẫn uất, Lý Viễn Đình không dám tiếp tục nói những lời kế tiếp.
Quan bào hoa văn tiên hạc trên người Lý Thái phó tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời, so với sự nóng nảy của trưởng tử, bước chân của ông ta vẫn không vội vã, sắc mặt không có chút rung động nào: “Vội cái gì, thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng."
Ông ta vừa dứt lời, phía sau xa xa đột nhiên truyền đến một đạo trầm thấp áp bức: "Thái phó dừng bước."
Lý Thái phó dừng chân lại, quay người nhìn vị Vũ hầu trẻ tuổi đang chậm rãi bước trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch trắng đi về phía mình, không sâu không cạn hỏi một câu: "Không biết Hầu gia có gì chỉ giáo?"
Khóe môi Tạ Chinh khẽ nhếch: "Không thể nói là chỉ giáo, chỉ là có một vật muốn giao cho Thái phó."
Khi hắn hững hờ đến gần, một đám văn thần vây quanh Lý thái phó liền khẩn trương lên, vô thức nuốt ngụm nước bọt.
Có thể là do tâm lý gợi ý quá mạnh, đến mức bọn họ thấy Tạ Chinh vừa tới gần, liền phảng phất cảm thấy có một mùi máu tanh nhàn nhạt bao phủ lấy bọn họ, những kẻ nhát gan thậm chí mặt mũi còn có chút tái nhợt.
Lý Thái phó ngược lại thần sắc vẫn như thường, dùng một đôi mắt già nua có thần nhìn Tạ Chinh, nói: "Lão phu rất ít có quan hệ riêng tư cùng Hầu gia, không biết Hầu gia có vật gì muốn giao cho lão phu?"
Tạ Chinh dừng lại cách Lý Thái phó chừng hơn ba bước, khi hắn giơ tay lên, một mặt dây chuyền ngọc bội được buộc bằng một sợi dây màu đỏ rơi ra khỏi tay hắn, nhẹ nhàng đung đưa giữa không trung, phía trên ngọc bội còn khắc chữ "An".
Khi Lý Viễn Đình nhìn thấy ngọc bội kia, sắc mặt đại biến: "Cái này... Đây là ngọc bội của Hoài An!"
Tạ Chinh vừa buông đầu ngón tay, ngọc bội suýt chút nữa rơi xuống đất, may mà Lý Viễn Đình nhanh tay, kịp thời bắt được nút thắt.
Tạ Chinh thản nhiên nói: "Trả về chủ cũ."
Lý Viễn Đình lo lắng đến độ lớn tiếng quở trách hỏi Tạ Chinh: "Ngươi đã làm gì con của ta?"
Tạ Chinh hờ hững nhướng mắt, nhìn về phía vị Hộ bộ thượng thư này, chậm rãi nói: “Bản hầu không phải đã nói, của về chủ cũ sao.”
Lý Viễn Đình lo lắng cho đứa con đến đỏ mặt tía tai, Tạ Chinh cũng không thèm phản ứng đối phương, quay đầu nhìn về phía Lý Thái phó, đôi mắt dài như xuyên thấu ánh mặt trời, càng thêm khiến người khác khó nhìn rõ đáy mắt: "Đồ vật đã trả lại, bản hầu đi trước một bước."
Tạ Chinh vừa đi, Lý Viễn Đình không nhịn được nói với Lý Thái phó: "Phụ thân, Hoài An đã rơi vào trong tay Tạ Chinh, hắn có ý tứ gì?"
Lý Thái phó nhìn bóng lưng của vị Vũ hầu trẻ tuổi đi xa, trong đôi mắt già nua lóe lên vài tia sáng, nói: "Hắn đang uy hiếp ta."