Hệ Thống Livestream Của Nữ Đế

Chương 144

Cứ nghĩ đến tất cả những gì mà vợ và con gái ông gặp phải trước khi chết, ông lại cảm thấy lục phủ ngũ tạng mình bỏng rát, đôi mắt vằn lên những tia máu, hốc mắt như sắp nứt ra đến nơi.

Sự giận dữ đang thiêu đốt ông cũng dần dần lan ra những người khác, miếng canh nóng hổi cũng thành vô vị.

“Đô úy, chúng ta có rất nhiều cơ hội báo thù, đợi đến khi bắt được tên súc sinh đó rồi nhất định phải chém hắn để tế linh hồn của chị dâu và cháu gái.” Người đàn ông đứng bên cạnh vỗ vai Mạnh Hồn.

“Đúng thế, chị dâu và cháu gái trên trời có linh thiên nhất định sẽ phù hộ cho chúng ta thuận lợi bắt được tên súc sinh đó, người tốt sẽ được đền đáp.” Một người khác ồm ồm nói, anh ta không biết ăn nói, nên có gì nói đấy.

Vẻ mặt Mạnh Lượng vẫn tối tăm nhưng cũng không tiếp tục chìm đắm trong đau thương nữa.

Những người khác nhìn thấy Mạnh Hồn như vậy thì không khỏi lo lắng.

Người dẫn dắt bọn họ vào sinh ra tử là ông, người cứu mạng bọn họ trong lúc nguy cấp nhất cũng là ông, cuộc sống của ông chẳng khá giả gì nhưng vẫn chăm lo tiếp tế cho bọn họ. Người tốt như thế mà nhà họ Mạnh đã làm cái gì?

Bởi thế, khi Mạnh Lượng nói ra câu “Ta muốn làm phản”, bọn họ đều chẳng chút do dự mà đi theo ông. So với nhà họ Mạnh chỉ dựa vào phúc đức của tổ tiên để lại thì bọn họ tin tưởng vào Mạnh Hồn hơn.

“Người tốt sẽ được đền đáp?” Mạnh Hồn lẩm bầm lặp lại câu này, vẻ mặt như người mất hồn, ông vùi gương mặt đầy những vệt máu khô vào lòng bàn tay.

Nếu như người tốt được đền đáp thì tại sao người vợ hiền huệ của ông, đứa con gái đáng yêu của ông lại rơi vào kết cục thê thảm như thế?

Bên trong hang động ấy những người đàn ông im lặng nhìn nhau, không một ai quấy rầy Mạnh Hồn.

***

Nông trang chìm trong ánh trăng đêm, tĩnh lặng vô cùng.

Từ Kha bây giờ cũng được coi là tâm phúc của chủ nhân, một tay quản lý nông trang từ trên xuống dưới. Bình thường tối đến, cậu hay chỉnh sửa lại những ghi chép về những gì huấn luyện ban sáng cùng với các khoản chi tiêu của nông trang. Nếu như còn thời gian thì cậu sẽ tranh thủ đọc một chút Kinh Sử Tử Tập*.

*Kinh Sử Tử Tập: cách phân loại sách vở thời xưa, gồm Kinh điển, Lịch sử, Chư tử, Văn tập.

Hôm nay, sau khi tính toán sổ sách xong, Từ Kha khoác áo cầm đèn đi ra ngoài.

Két!!!

Khum tay chắn gió cho chiếc đèn dầu, cậu vòng vào kho chứa đồ bên cạnh phòng bếp, cầm đèn nhìn lướt qua một vòng. Đống đồ sắp sẵn ở góc kho đã biến mất, thậm chí đến dấu chân cũng bị xóa sạch.

“Lễ nhẹ mà tình sâu, món quà này… có thể khiến bọn họ khắc cốt ghi tâm thì tốt.” Từ Kha nhìn một lượt trong kho, gương mặt tươi cười lập tức hiện lên vẻ buồn rầu, “Chậc, nói thế nhưng lần này tốn tận sáu lượng bảy văn tiền đấy…”

Một lần mà tiêu hết phân nửa số tiền, biết thế xin lang quân chi nhiều hơn một chút.

Từ Kha cau mày, đóng cửa kho lại, cầm đèn đi về phòng.

Đóng cửa lại, Từ Kha kéo chậu than gần lại sưởi ấm, cái lạnh nhanh chóng được xua tan.

“Để mai xem phản ứng của bọn họ như thế nào đã… đến lúc đó là biết thôi…” Từ Kha lầm bầm, cầm quyển sách mượn được của Khương Bồng Cơ lên đọc một cách say mê.

***

Rạng sáng ngày hôm sau, người gác cổng của Liễu phủ vừa ngáp vừa bước ra cửa ngách thì đúng lúc gặp được một chiếc xe ngựa giản dị đang rẽ vào.

Chiếc xe ngựa đỗ lại trước cổng Liễu phủ, người gác cổng dụi dụi đôi mắt lèm nhèm, nhìn hoa văn vẽ trên thân xe, lập tức nhớ ra là nhà nào.

Đây chẳng phải là xe ngựa của phủ Ngụy tiên sinh – thầy của Nhị lang quân nhà mình sao?

Ngụy tiên sinh đúng là yêu nghề, vừa khỏi bệnh liền đến dạy lang quân nhà mình luôn. Người gác cổng đoán thầm trong đầu, gọi người đi mời quản gia, rồi bước lên nghênh đón.

Nhưng mà, người bước xuống xe không phải là Ngụy Công Tào mà là một thanh niên có dáng dấp cao lớn, ước chừng mới nhược quán. Anh ta mặc một bộ nho sam* mới, khoác áo choàng, mái tóc đen được búi gọn gàng.

*Nho sam: quần áo chỉ dành cho những người đọc sách thánh hiền mới được mặc. Dân chúng không được phép mặc.

Nhìn quần áo thì đây chắc hẳn là một vị thư sinh, nhưng khí thế của anh lại khiến cho những người khác có cảm giác áp lực. Nhìn kỹ thì những đường nét trên gương mặt của anh ta cũng rõ nét hơn người bình thường, trông giống như là người ở vùng Bắc Cương.

Anh ta xuống xe trước rồi vén rèm xe cho Ngụy Công Tào tiên sinh xuống.

“Công Tào tiên sinh, đã đến nơi rồi ạ.”

Ngụy Công Tào ngẩng đầu nhìn trời, sau đó quay sang nhìn cánh cổng chính của Liễu phủ vẫn đang đóng chặt, chỉ có cửa ngách đang mở hé.

Người hầu nhìn thấy Ngụy Uyên thì đều nghĩ rằng ông đến dạy học, nhưng không ngờ hôm nay ông đến là để xin từ chức.

Nghe thấy lý do tại sao Ngụy Uyên đến, cơn ngái ngủ của Liễu Xa lập tức bay sạch, vẻ mặt trở nên nghiêm túc.

“Con trai ta gàn bướng, mạo phạm đến Công Tào huynh sao?”

Cho dù ông đã ngầm đồng ý cho phép Khương Bồng Cơ đến Lang Nha xin học, nhưng không ngờ được Ngụy Uyên lại sẽ đích thân đến tận nhà để xin nghỉ dạy.

Nghĩ tới nghĩ lui, trong bụng ông bỗng giật thót một cái, chẳng nhẽ con gái không biết nặng nhẹ, ngầm nói gì đó với Ngụy Uyên rồi.

Đắc tội với người ta là chuyện nhỏ, cái quan trọng là địa vị và danh tiếng của Ngụy Uyên trong giới nho sĩ của Đông Khánh không hề thấp! Nếu như chuyện này không có một lời giải thích hợp lý e rằng con gái mình sẽ bị dư luận chỉ trích.

“Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” - đây là đạo lý của người làm thầy cũng là đạo hiếu của người làm học trò.

Ngụy Uyên cười nói: “Trọng Khanh đừng như vậy, đây là kết quả sau khi ta suy nghĩ kỹ càng, không phải là do lỗi của Lan Đình.”

Cho dù là thân phận, địa vị hay là tuổi tác, Kỳ Quan Nhượng đều không đủ tư cách để tham gia vào câu chuyện của hai người. Anh ta đành ngồi đằng sau Ngụy Uyên làm cảnh.

Kỳ Quan Nhượng cũng rất ngạc nhiên khi Ngụy Uyên bảo anh ta cùng đi đến Liễu phủ. Dù biết Ngụy Uyên coi mình như con rể tương lai, nhưng trong tình huống hôn sự vẫn chưa đâu vào đâu thế này mà ông ấy đối xử với mình tốt như vậy, thực sự là đã vượt ra ngoài dự đoán của Kỳ Quan Nhượng.

“Nếu như không phải vì Lan Đình gàn bướng, tại sao Công Tào huynh lại muốn từ chức?”
Bình Luận (0)
Comment