Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 10

Ông Thiên nghĩ, ai cũng qua một thời tuổi trẻ rung động, bồng bột. Tình yêu thời trẻ phần lớn là phản ứng tình dục. Bây giờ thanh niên đều muốn thể hiện mọi bồng bột, xung động. Đấy là thời đại không bị gò bó, câu thúc, là một quan niệm, mọi đạo đức, qui phạm đều phục tùng cảm giác và tình cảm. Là hiện tượng của thời đại, ông Thiên hoàn toàn hiểu được. Nhưng khi hiện tượng này phát sinh ở con trai mình, tiếp nhận có phần khó khăn. Ông không yêu cầu con mình phải như người của thời đại ông, trong bầu không khí của chủ nghĩa cấm dục trai gái tiếp xúc rụt rè, xấu hổ, có cảm giác tội lỗi. Ông chỉ yêu cầu con khi quyết định chuyện cả cuộc đời phải bàn bạc với ông, một người làm cha, được sự đồng ý của ông, bởi Ngô Hiểu là người thân yêu duy nhất của ông và cũng là người thừa kế hợp pháp duy nhất. Nếu ông Thiên có thể xác định được quan hệ sở hữu tài sản hợp pháp - cho dù chỉ một phần - giữa ông và doanh nghiệp Trường Thiên theo ý mình, vậy con ông sẽ là người thừa kế mấy tỉ, thậm chí mấy chục tỉ. Nó có chọn bạn tình như thế nào vào cái nhà họ Ngô này, ông cũng không có quyền can thiệp. Hiển nhiên đấy không còn là vấn đề tình cảm cá nhân thuần túy nữa.

Ông nghĩ, phải nói với con thật nghiêm túc, nói rõ nỗi lòng người cha, nói rõ đạo lý, nói rõ các mối quan hệ lợi hại. Thậm chí ông nghĩ cần thiết cũng phải buộc con trai có sự lựa chọn: lấy khối tài sản mấy chục tỉ hay chạy theo hứng thú nhất thời. Ông muốn con có lý trí tối thiểu, muốn giữa cha và con không phải nói với nhau đến mức ấy.

Từ rất lâu ông Thiên đã nghĩ đến một dịp nói chuyện sâu sắc với con trai. Ông có cảm giác thích hợp nhất là sau bữa ăn với gia đình ông Lương. Nếu không khí bữa ăn vui vẻ, ông sẽ dẫn câu chuyện lựa chọn tình cảm của con trai vào chủ đề kéo dài sự nghiệp gia đình họ Ngô, như vậy sẽ có lý hơn. Vậy là ông Thiên chuẩn bị cho buổi gặp mặt này thật kỹ, thời gian, địa điểm, thực đơn đều tính đến. Ông muốn chọn một khách sạn hoặc nhà hàng cao cấp, xem ra lúc này cũng không ít chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại ông thấy tốt nhất vẫn là diễn ra ở biệt thự Kinh Tây, như vậy thân tình hơn, phạm vi hoạt động rộng rãi mà cũng tự do, có không khí gia đình. Ông nghĩ, trong không khí thân tình, cha mẹ con cái cùng vui vẻ cũng rất thích hợp để ông cùng với ông Lương bàn bạc thăm dò chuyện sở hữu doanh nghiệp Trường Thiên.

Ông chọn một ngày cuối tuần. Trước đấy, ông dặn ông Công mua hoa về trang trí phòng ốc, lại cố tình làm cho các căn phòng lộn xộn nhưng lý thú để làm nổi bật không khí gia đình. Trước đấy mấy hôm, ông triệu mấy đầu bếp giỏi ở nhà hàng Kinh Thiên đến chuẩn bị thực đơn, chuẩn bị đồ nấu, gia vị, đồng thời để làm quen với bếp biệt thự. Theo yêu cầu của ông, các món ăn không cần thiết phải quá cao cấp, cần nhất là hợp khẩu vị, không cần nhiều, nhưng phải lạ miệng. Ông Lương đã từng ăn đủ món ngon ở đời, nhà hàng, khách sạn lớn nào cũng đã đến. Bữa cuối tuần phải thể hiện rõ sự đặc sắc của bữa tiệc gia đình, phải thật tinh tế, khéo léo.

Ngày cuối tuần trời không đẹp lắm, buổi trưa nhiều mây, buổi chiều mưa gió sấm chớp ầm ầm. Đây là trận mưa xuân đầu tiên, mưa lúc to lúc nhỏ, đến tối vẫn chưa có dấu hiệu tạnh ráo, nhưng ba người gia đình ông Lương vẫn đến đúng hẹn. Biệt thự nơi ông Thiên ở thật ra là nhà khách của tập đoàn Trường Thiên ở Bắc Kinh, một ngôi nhà nhỏ ba tầng, phía trước có vườn hoa, bể bơi. Vợ chồng ông Lương lên Bắc Kinh đã đến ở đây nhiều lần. Tầng trên, tầng dưới, lối ra ngõ vào, ông ta đều thông thuộc. Chỗ nào có thêm đồ vật gì, chỗ nào có sự thay đổi, ông ta đều biết như ở nhà mình. Kiều nữ Mai San của ông cũng đã đến mấy lần. Cô thích nhất là bể bơi hình quả bầu ở phía sau. Nhưng mấy lần cô đến, thời tiết đều không đẹp, đem theo đồ bơi nhưng chưa được bơi lần nào.

Ông Thiên và gia đình ông Lương ngồi nói chuyện ở phòng khách. Lúc này đã sáu giờ rưỡi, rượu ngon và tiệc đã bày sẵn nhưng không ai nhắc phải ngồi vào bàn tiệc. Ông Thiên vẻ mặt như đang say sưa câu chuyện nhưng lại đang sốt ruột, mọi người chờ Ngô Hiểu. Cũng may, Mai San phát hiện kiểu tóc của mình bị nước mưa làm ướt. Cô kéo mẹ vào phòng trang điểm, sửa sang lại mái tóc, làm cho thời gian chờ đợi bớt đi sự khó xử.

Khi phòng khách chỉ còn lại hai người đàn ông, ông Thiên không bỏ lỡ thời cơ, bắt ngay sang chuyện đàn ông quan tâm.

“Anh Lương, việc anh vào Thường vụ tỉnh ủy bao giờ thì chính thức công bố?”

Ông cố tình nói đến thông tin ấy như sự việc đã thành, vẻ mặt, khẩu khí tỏ ra bạn bè quen biết và niềm vui của “con dân”. Ông Lương cười cười coi như không có chuyện gì, nhưng trong thâm tâm lại rất đắc ý. Ông ta trả lời bằng giọng thân mật “người nhà”, nhưng vẫn quan cách:

“Lên tỉnh làm gì, tôi chỉ thích ở Cát Hải, không muốn đi.”

Ông Thiên mỉm cười: “Nghe nói không rời Cát Hải, mà là Thường vụ kiêm Bí thư Cát Hải. Lúc này anh không thể rời Cát Hải được.”

“Hừm!” Ông Lương xua tay: “Do cấp trên quyết định, trung ương đặt đâu mình phải ngồi đấy. Nếu hỏi ý kiến tôi, tôi muốn ở lại Cát Hải thêm hai năm nữa rồi xin về hưu sớm.”

Ông Thiên tỏ ra nghiêm túc: “Về hưu cũng phải vào Thường vụ đã, lên đến cấp tỉnh tất cả đều khác. Cát Hải là thành phố lớn, lẽ ra anh phải vào Thường vụ tỉnh ủy lâu rồi.”

Ông Lương nói: “Anh nói đúng đấy, Cát Hải là thành phố lớn, có một Thường vụ mọi chuyện cũng sẽ ổn hơn. Nếu không nghĩ đến vị trí Cát Hải trong tỉnh, cá nhân tôi cũng chẳng muốn ngồi lên càng xe làm gì.”

Ông Thiên phụ họa: “Đối với Cát Hải rất tốt, đối với cá nhân anh, có lợi mà cũng không có lợi.”

Ông Lương chuyển sang chuyện khác: “Ba hôm nữa tôi sẽ về. Ngày mai và ngày kia, tôi muốn lần lượt chiêu đãi một vài ông bạn cùng học ở trường Đảng, anh thu xếp giúp tôi nhé. Tốt nhất đừng đến nơi ồn ào, chỗ nào cho khá một chút.”

Ông Thiên gọi ngay ông Công đến, ngay trước mặt ông Lương bàn bạc và quyết định hai nơi, rồi ông dặn kỹ thêm, chứng tỏ ông rất trọng thị và quan tâm. Ông Công nhận lệnh rồi lui ra, ông Thiên chuyển chủ đề vào chuyện của mình.

“Anh Lương, tập đoàn Trường Thiên bước vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Lúc nào rỗi rãi tôi bàn với anh, sẽ báo cáo thật chi tiết. Hiện tại, bước phát triển tiếp theo của doanh nghiệp cũng tương đối hạn chế, suy cho cùng là vấn đề quyền sở hữu. Quyền sở hữu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tính tích cực chung. Chuyện này lần trước tôi đã báo cáo với anh. Gần đây tôi tìm được ở Bắc Kinh mấy công ty kiểm toán đánh giá lại toàn bộ tài sản của tập đoàn, tình hình thế nào sẽ nói kỹ lại với anh. Tóm lại, tôi nghĩ...”

Chừng như ông Lương biết trước thể nào ông Thiên cũng nói đến chuyện này, ông ta cười, xua tay cắt ngang: “Anh Thiên, chuyện này anh không cần sốt ruột, tôi cũng đang suy nghĩ. Tập đoàn Trường Thiên là doanh nghiệp lớn của Cát Hải, bước phát triển tiếp theo, tất nhiên Thành ủy rất coi trọng. Nhưng chuyện này không những đụng đến nguồn gốc quyền sở hữu tài sản của anh mà còn đụng đến mọi phương diện của chính sách. Sốt ruột cũng không được, chậm mà chắc. Chờ tôi về Cát Hải, chúng ta sẽ bàn trong phạm vị hẹp. Nói đùa một câu với nhau, nếu thằng con anh với con nhỏ nhà tôi thành đôi thành lứa, hai gia đình chúng ta sẽ thân thiết hơn. Chả nhẽ tôi muốn cháu San nhà tôi sang nhà anh lại không có bát ăn hay sao?”

Hai người nói đến đây thì bà Lương và cô con gái bước vào, Mai San nũng nịu: “Bố với bác Thiên nói xấu gì con đấy?” Ông bố cười khà khà: “Chúng tôi đang bàn làm thế nào để cô sớm có nơi có chốn.” Con gái cứ nắm lấy bố. Tiếng cười của ông Lương làm cho ông Thiên cảm thấy tương lai vô cùng xán lạn. Nhưng tiếng cười cũng làm ông căng thẳng, vì ông nghĩ đến cái tính ương bướng và bộ mặt trầm mặc của con trai.

Bảy giờ, cuối cùng Ngô Hiểu cũng về. Ông Công vào, vẻ không vui, ghé tai ông Thiên nói gì đấy. Nét mặt ông Thiên biến sắc, giọng nói cố giữ bình thường, xin lỗi gia đình ông Lương rồi vội đứng dậy, cùng với ông Công sang phòng con trai. Đúng như ông Công nói, không những ông trông thấy con trai mà trông thấy cả cô phóng viên xinh đẹp cùng về.

Ông nén giận, tỏ ra lịch sự chào hỏi cô phóng viên, sau đấy nói rõ ràng: “Xin lỗi, hôm nay không may, gia đình chúng tôi có cuộc họp măt...”

Ngô Hiểu cắt ngang: “Bố, cô ấy là bạn gái của con, cũng coi như người nhà.”

Ông Thiên không muốn nổi cáu với con trước mặt người ngoài, thậm chí ông nhìn xoáy vào mặt cô phóng viên.

“Cô là phóng viên, một người có thừa bình tĩnh và lý trí. Cô nên nhận ra, nó không nhằm làm bạn với cô, mà cố tình chống lại tôi.”

“Bố!” Ngô Hiểu đi tới, lớn tiếng: “Con nói với bố, con yêu cô ấy!” Nói xong, anh kéo cô gái vào lòng, ôm nhau hồi lâu, như để trả thù, hôn lên môi cô.

Ông Thiên kinh ngạc. Ông nhận ra cô gái kia cũng kinh ngạc trước hành động mạnh mẽ và bất ngờ của Ngô Hiểu.

Ngoài hành lang có tiếng nói vui mừng của Mai San: “Bác Thiên, anh Hiểu về rồi đấy à?” Không ai kịp ngăn lại, cô ta đã đẩy cánh cửa khép hờ bước vào, trông thấy Ngô Hiểu không chút e dè ôm hôn một cô gái lạ ngay trước mặt bố, hôn xong anh nhìn bố bằng cặp mắt thị uy. Hai bố con hết sức căng thẳng đứng đối mặt nhau. Người đầu tiên không chịu đựng nổi là cô gái vừa được hôn, cô sợ hãi bỏ chạy ra ngoài. Lúc này ông Thiên mới nổi cơn thịnh nộ, tát con trai một cái thật đau.

“Mày cút đi!”

Ngô Hiểu cũng bỏ ra ngoài, đuổi theo cô bạn gái. Hai người tay nắm tay, bi phẫn lao nhanh ra ngoài trời mưa to gió lớn. Ông Lương và vợ vẻ mặt nghi ngờ đứng ở cửa phòng khách, nhìn cô gái và Ngô Hiểu một trước một sau chạy đi, nhìn con gái đầm đìa nước mắt chạy về. Ông Lương như đã hiểu, không nói gì. Vợ ông đưa ánh mắt kinh ngạc nhìn ông Thiên từ phòng Ngô Hiểu đi ra, bà hỏi:

“Cậu Hiểu lại đi rồi à? Cô gái kia là ai thế?”

Chỉ có tiếng sấm nơi xa trả lời bà.
Bình Luận (0)
Comment