Hình Đế 15 Tuổi - Thanh Luật

Chương 71

Dường như đêm Trùng Quang chẳng hề giống một lời ban phước đơn thuần.

Đạt được ánh sáng may mắn, thì buộc phải tổn thất một phần bóng tối tiếc nuối.

Chỉ trong một đêm Ứng Thính Nguyệt có thể sở hữu tầm nhìn của tất cả những ai từng gặp, cái giá là cả đời không được rời khỏi nước.

Quanh năm ngực áo và tay áo cô phải giấu một chiếc khăn tay thấm ướt, ngày nghỉ thì ngâm mình luôn trong bể nước không ra ngoài nữa, lúc ngủ cũng chìm dưới nước như cá, không thể hít thở tự do trong không khí.

Nương nương Tuyết có được sự che chở ủng hộ của toàn thể bộ tộc thậm chí là cả đất nước, cái giá phải trả là không tài nào lại gần nguồn lửa được nữa.

Cô vốn là con gái gia đình chài lưới nông thôn, dầm mình trong nước lao động đêm ngày, chỉ lúc ngơi tay mới được sưởi lửa chốc lát.

Nhưng bây giờ càng đến gần lửa thì càng gây ra tuyết bay không kiểm soát nổi.

Kể cả lúc hành quân các tướng sĩ giết cừu mổ trâu, ca hát tưng bừng bên lửa trại thì cô cũng chỉ có thể ngồi trong lều ăn chỗ đồ ăn đã nguội lạnh mà thôi.

Còn kết quả Nguyên Cẩm phải chấp nhận chính là từ ấy không thể ngủ say ngon lành quên hết tất thảy được nữa.

Mỗi lần chợp mắt lại là khởi đầu cho đường dài bôn ba.

Dường như cậu đang nghỉ ngơi, mà dường như lại còn gian khổ hơn thế.

Đối với linh hồn phiêu bạt lửng lơ của cậu thì tất cả tường thành, cửa nẻo, khóa sắt đều vô nghĩa, trong giấc mơ cậu muốn đi đâu cũng được.

Chính vì vậy, cậu có thể dễ dàng tìm ra những bí mật sâu kín mà thám tử cao cấp nhất cũng không tài nào nhòm ngó, đồng thời chứng kiến xuân hạ thu đông ở bất kì xó xỉnh nào trên thế giới.

Cảm giác thần bí của các châu lục tan biến sạch trơn, thứ duy nhất chưa thể lí giải mở khóa chỉ còn mỗi cánh cửa hổ phách máu.

Đoàn phim quay xong phần lớn các diễn biến giai đoạn giữa và sau ở thành phố Đông Bắc, trái lại chi tiết bỏ lửng để lại từ đoạn cuối bộ hai thì mãi chưa động vào.

Mở cánh cửa đầu tiên ra là mưa rền biển rộng, phải lặn xuống đến đáy sâu nhất mới nhìn thấy rõ cánh cửa, dốc hết sức lực mới chậm chạp đẩy được nó ra để rơi vào dị giới phía sau cửa ải thứ hai.

Vốn dĩ Nguyên Cẩm không hề biết bơi lội, lúc này sự ngang ngạnh đến cùng trong tính cách mới bộc lộ ra hết, cậu bí mật gọi đặc sứ vào cung dạy mình cách nín thở lặn dưới nước, ban ngày xử lý chính vụ xong xuôi là nằm ngay xuống long sàng chìm vào mặt nước, nỗ lực khống chế hơi thở nhưng lại cứ bị sóng biển cuốn đi hết lần này đến lần khác, vô số bận chết ngạt trong ảo ảnh rồi bừng tỉnh thức dậy.

Phải quay mười kiểu hiệu ứng choàng tỉnh khác nhau, tương tự với đó thì chết đuối cũng phải quay ít nhất mười loại.

Cái dạng đề tập làm văn mở bỏ lửng một nửa thế này cực kì thử thách trí tưởng tượng, giữa mùa đông còn kiểm tra luôn cả xem số có sống dai không.

Có người đề xuất dựng một khu đun nước quanh đó, đun sôi nước bằng nồi hơi rồi nối ống truyền liên tục sang bể, nhưng điều kiện chỗ studio có hạn, cuối cùng vẫn phải chia ra nửa thủ công nửa ống dẫn, cố gắng hết sức để duy trì nhiệt độ phòng và nhiệt độ nước trong trường quay.

Tô Trầm đóng máy bộ cũ từ hơn nửa năm trước, bây giờ người cao vọt lên, khung xương cũng phát triển hẳn, long bào mới đổi còn chưa mặc được mấy tháng.

Nhà thiết kế trang phục tự tay chỉnh trang khuy cài ẩn trên áo cho bé, ánh mắt đau xót: "Lên thôi lên thôi, sớm muộn gì cũng phải nhúng nước."

"Nào, cảnh rơi xuống nước lần thứ nhất! Chuẩn bị!"

Nguyên Cẩm ngã thẳng vào nước tõm một cái, tay chân mất khống chế vùng vẫy ngoi lên, đầu ngón tay đã nhô khỏi mặt nước mấy lần liền nhưng lại chỉ tóm được mỗi mưa rào tầm tã giữa đêm đen tối mịt.

Bỗng cậu bị sặc cả ngụm nước to rõ mạnh, rồi rơi xuống chốn sâu như vừa trúng tên.

"Cảnh rơi xuống nước lần hai! Chuẩn bị!"

Nguyên Cẩm gắng sức bơi vào chỗ vực sâu, có một khoảnh khắc nào đó cậu đã chạm sát sạt tới cánh cửa hổ phách máu, mái tóc bạc tựa chòm sao vỡ tan đang trôi dạt trên nền đen đặc.

Cậu vẫn muốn bơi gần xuống đáy hơn nữa nhưng dòng chảy xối xả đột ngột ập tới, cậu không kiểm soát được cơn ho sù sụ rồi lại bị hàng thốc nước biển ộc vào cổ họng.

"Lần ba!"

"Lần thứ năm!"

Từ đầu đến cuối Tùy Hồng bưng thanh năng lượng trà gừng nóng canh chừng ngay tại mép bể, nhíu mày thật chặt nhìn chằm chằm cái bể nước xanh đậm nửa trong suốt.

Quá khó.

Mỗi đợt nghỉ ngơi giữa giờ chị sẽ nhúng tay vào nước xác định nhiệt độ tái hồi không biết bao nhiêu lần, kiểm soát đồng bộ cả mấy cái nhiệt kế lắp ở bên cạnh.

Nhưng thể lực có dồi dào đến đâu đi nữa thì khi vẫy vùng trong nước cũng mất sức gấp bội.

Chưa kể trong nước còn có dòng chảy siết nhân tạo bằng máy bơm điều khiển thủ công...

Sau khi cảnh thứ tám kết thúc, Tô Trầm trèo lên bờ, mái tóc bạc đã tã tượi không ra hình thù gì.

Bé ướt rườn rượt, hơi thở cũng yếu hẳn đi, trông vừa nhếch nhác vừa bất lực.

Mọi người xúm lại hỗ trợ bọc chăn dúi túi sưởi, đã đút cho bé đến mấy cốc trà gừng.

Sợ quấn một cái chăn chưa đủ, phải bọc cả trong lẫn ngoài những ba cái, tóc giả cũng tháo ra ngay để lau sấy tạm thời cho khô tóc thật.

Thời gian nghỉ ngơi nửa tiếng vừa kết thúc là Tô Trầm không hề đùn đẩy, cố định cho chắc bộ tóc giả mới xong dặm lớp trang điểm rồi lại bước lên.

Giờ phút này trong hoàng cung đang quay cảnh văn thần khẩu chiến, Ngự Lâm uyển đang quay cảnh Tưởng Lộc cưỡi ngựa bắn cung, mấy phó đạo diễn đều đã ra ngoài làm việc, chỉ còn mỗi ông Bặc ở lại giám sát bên cạnh.

Tô Trầm chỉ hỏi ông cần làm gì để quay được tốt hơn chứ không hỏi còn phải quay bao nhiêu lần nữa mới tính là đủ, ho ra toàn nước màu xanh đậm, môi cũng nhợt nhạt dần.

Bặc Nguyện là người trân trọng tài năng, diễn viên bình thường thê thảm như này vẫn phải quay đủ 50 cảnh mới xem như xong xuôi, nhưng ông hiểu rõ Tô Trầm hãy còn là trẻ con.

Mười ba tuổi, xương cốt còn chưa phát triển hết kia, đừng để bị bệnh tật gì.

Quay đến cảnh thứ 20 đạo diễn đã dừng ống kính, dặn dò ngắn gọn một câu.

"Cho bé nó tan làm, bọc kín sấy khô hết rồi hẵng về."

Tùy Hồng vâng dạ lia lịa, dựng cả phòng thay đồ di động lên luôn, mình thì đứng ngoài chuẩn bị khăn bông để anh Triều giúp đỡ bé cởi hoàng bào tháo tóc giả ra.

Hình như phải chờ Nguyên Cẩm thê thảm yếu ớt được xử lý xong quay về thành Tô Trầm tóc ướt nhèm nhẹp mọi người cũng mới tỉnh hồn lại theo, xót xa cảm thán.

Tô Trầm khoác áo bông kín kẽ về khách sạn xong ngả đầu ngủ luôn, Tùy Hồng nóng ruột bồn chồn ở lại trong phòng trông nom, quả nhiên nửa đêm lên cơn sốt cao.

Đến bệnh viện kiểm tra, nguyên nhân không phải nhiễm lạnh mà là viêm phổi hít.

Hít phải vật chất lạ vào phổi, sốt là phản ứng không thể tránh khỏi.

Ban đầu chị chỉ là một trong số các trợ lý được tuyển, giờ thì đã chẳng khác gì chị gái ruột của bé, hối hận không thôi.

"Hối hận cũng vô ích." Bác sĩ kiểm tra nhiệt độ xong gọi y tá sang truyền nước nhanh nhất có thể, dặn dò: "Chắc là cái bể nước không đủ sạch, lẫn nhiều tạp chất với vi khuẩn, chỉ hơi sặc nước một hai lần thôi đã có nguy cơ nhiễm bệnh rồi, nói gì đến việc cứ lặn xuống lặp đi lặp lại bao nhiêu đợt thế."

Bây giờ hình như chưa ai chưa xem "Đêm Trùng Quang", càng vậy thì bác sĩ càng không nỡ chứng kiến em bé ốm đến nỗi này.

"Gì thì gì thằng bé cũng là trẻ vị thành niên mà," Bác sĩ hạ thấp giọng nói: "các cô bắt đóng phim kiểu này không ốm mà được chắc? Không chọn người đóng thế hay làm kĩ xảo được à?"

Tùy Hồng không ngừng xin lỗi, luôn chân luôn tay cùng các trợ lý khác đút thuốc lau mặt cho Tô Trầm.

Tô Trầm nằm trên giường bệnh miễn cưỡng duy trì ý thức, khàn giọng lên tiếng.

"Đừng nói với ba mẹ em."

"Không được đâu," Tùy Hồng nói, mắt đỏ hoe: "tại bọn chị không chăm em cho tốt..."

Bé giơ bên tay không cắm ống truyền lên với tới tay chị, khẽ lắc đầu.

Đừng nói với ba mẹ.

Bệnh vặt thôi mà.

Hôm sau Tưởng Lộc mới đến bệnh viện.

Hôm qua cậu quay cảnh đêm đến tận 2 giờ khuya, 8 giờ sáng sang gõ cửa phòng Tô Trầm theo thói quen thì phát hiện ra chẳng có ai trong phòng, biết ngay cảnh này hãy cứ xảy ra vấn đề.

May là các phần chính cũng đã đến giai đoạn kết thúc, cậu dứt khoát xin nghỉ phép đến bệnh viện, hỗ trợ chăm nom cùng Tùy Hồng.

Một mình chị phải phân thân đi lấy kết quả xét nghiệm thu dọn đồ dùng mang vào, cậu thuê luôn một giường khác trong phòng, dặn chị tối về nghỉ ngơi, mình sẽ trông đêm cho.

Tùy Hồng nhìn lại Tưởng Lộc, không hề cảm thấy thằng bé là con trai doanh nhân máu mặt nào như trong tin đồn bí mật, cũng chẳng giống cháu trai nhà đạo diễn trứ danh, mà chỉ là anh trai của Tô Trầm.

"Tối chị nghỉ ngơi hẳn hoi thì sáng mới thay ca với em được." Tưởng Lộc cầm lấy hộp thuốc từ tay chị: "Cái này 2 viên sau ăn sáng trưa tối, cái này 1 viên sáng tối, thuốc giảm đau thì tùy tình hình mới uống, em biết rồi, chị về đi."

Tùy Hồng ngơ ngẩn nhìn cậu mấy giây, ừm một tiếng thật mạnh.

Tô Trầm được đưa vào bệnh viện rất kịp thời, viêm phổi không tiến triển thêm nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn cứ sốt liên miên không lùi.

Cứ giảm sốt một giai đoạn xong lại sốt cao trở lại, hệ miễn dịch trong cơ thể chiến đấu hỗn loạn suốt mấy chục tiếng đồng hồ.

Hình như bé tỉnh táo mà hình như lại lờ mờ, thi thoảng nói mớ mấy câu, gọi ba gọi mẹ.

Tưởng Lộc không phải người kiểu cách rách việc, cũng không lo toan nhiều thứ như Tùy Hông, quay sang gọi điện cho ba mẹ nhà họ Tô luôn.

Ba mẹ áy náy trong lòng, gửi cả em bé còn chưa dứt sữa cho ông bà trông hộ, vội vàng bay đến chăm nom ngay trong ngày.

Trong thời gian hai người chưa đến thì Tưởng Lộc trông cạnh Tô Trầm cả đêm, 1 tiếng cặp nhiệt độ một lần, môi Tô Trầm chưa từng bị khô.

Sau khi hai người đến thì Tưởng Lộc lẳng lặng nhường chỗ, còn kê giúp một chiếc giường xếp, ban ngày đến giờ xếp hàng đưa cơm thì ghé thăm một lần, không quấy rầy nhiều.

Song rốt cuộc gia đình vẫn cứ vắng mặt mất 3 4 hôm, bị các y tá âm thầm bàn tán.

"Bố mẹ nhà bé này vô trách nhiệm quá đi, nghe nói chỉ mỗi lễ tết mới đến thăm mấy lần —— con mình ở đây kiếm một đống tiền cho họ mua nhà, thế mà bị ốm xong còn chẳng buồn lo?"

"Suỵt, nói bé cái mồm thôi." Một người khác thì thầm khe khẽ: "Trên báo đăng đầy đấy, nhà này sinh đứa thứ hai, còn bận làm ăn kia kìa. Có một núi vàng, giờ chả phải bồi đắp thêm núi nữa còn gì, phải tôi thì tôi dặn chồng sang trông, mình ở nhà chăm con là được!"

"Ê tôi bảo với bà này, nhà Trầm Trầm là còn đỡ đấy, thỉnh thoảng xin nghỉ phép sang thăm, bố mẹ nhà Tưởng Lộc còn tệ hơn cơ ——"

"Hình như bố Tưởng Lộc là minh tinh à? Hay là MC? Rốt cuộc bố cậu ý là ai thế?"

"Nói bí mật với bà thôi, hình như là ông già..."

Đến ngày thứ 8 Tô Trầm đã hạ sốt hẳn, bé như tự dưng bừng tỉnh khỏi cơn mơ, cả người nhễ nhại mồ hôi.

"Trầm Trầm, Trầm Trầm..." Lương Cốc Vân rưng rưng nước mắt nắm lấy tay bé, lúc lên tiếng giọng cũng run theo: "Mẹ nghỉ việc sang chăm con được không? Là lỗi của mẹ, tại mẹ không ở bên con."

Tô Trầm khẽ khàng lắc đầu, ánh mắt lướt qua nhìn ra phía sau hai người.

Trong phòng bệnh chỉ có mỗi ba mẹ, không còn ai khác.

Anh Lộc không ở đây ư?

Tầm mắt bé tìm kiếm khắp xung quanh, không xác định được là những kí ức lúc ngủ mơ ấy đã nhòe mờ nhầm lẫn hay vốn dĩ chẳng tồn tại.

Hình như bé có nhớ, mấy hôm đầu tiên Tưởng Lộc nằm nhoài cạnh giường bé suốt, ngái ngủ cặp nhiệt độ cho bé.

Không biết có phải tại đóng phim váng cả đầu, hay là ngày nào cũng trông thấy anh Lộc thật.

Tô Trầm vẫn nhớ hình ảnh cậu đút cháo cho mình, cẩn thận bẻ vụn thuốc ra giúp bé uống rất tỉ mỉ, lúc đầu ngón tay sượt qua môi có vết chai mỏng khẽ quệt một cái, hương vị bạc hà việt quất lan ra theo.

Lâu lắm rồi anh Lộc không hút thuốc, bé luôn nhớ rõ.

Lương Cốc Vân ăn năn vô cùng, thậm chí đã nảy ra ý nghĩ xin bỏ việc vì Tô Trầm.

Cô hiểu rõ mình đang mất kiểm soát nhất thời, nhưng lại lo về sau Tô Trầm sẽ còn gặp nhiều nguy hiểm hay phiền toái hơn nữa.

Bên ngoài phòng bệnh, cô từng hỏi Tưởng Lộc là rốt cuộc nghề này nguy hiểm đến mức nào.

Tưởng Lộc cầm hộp cơm, nghĩ ngợi rồi đáp thế này.

"Kiếm được nhiều, mạng thì phải xem số ạ."

"Mạng phải xem số là sao?"

"May mắn thì bệnh nhẹ tai nạn đơn giản, va đập các thứ xong cũng khỏi thôi."

"Nếu xui thì ban đầu không vào được ngành này, kể cả nhất quyết cố chấp tham gia cũng có không ít người mất mạng."

Hỏa hoạn, đuối nước. Dây cáp đứt, giá đỡ máy móc đổ sập gây tử vong.

Gãy xương rất nhiều, bị bỏng bị giật bị trật khớp bị ngã các thứ càng lắm hơn.

Vậy nên ai cũng sẽ bỏ một đống tiền ra mua sẵn bảo hiểm tai nạn sự cố, nhưng thường ít kêu ca với người ngoài.

Hễ là ngành nghề thu nhập cao thì kể khổ có khác gì thổi phồng khoe khoang đâu, chẳng nghĩa lí gì.

Lương Cốc Vân nghe mà khiếp hãi, lại hỏi thêm thế liệu có phải nhiều người trong ngành tin thần tin Phật lắm không.

Nhưng đáp án là nửa nọ nửa kia, cũng đầy người chẳng tin ai hết.

"Nhưng cô Lương, cô không cần phải đặc biệt từ chức để đi theo em nó đâu ạ." Tưởng Lộc đưa bản photo lịch quay theo giai đoạn cho cô, giải thích: "Nửa tháng nữa là Tô Trầm đóng máy rồi ạ, bộ thứ tư chỉ cần diễn khoảng 3 tháng là được về, tính ra có thể nghỉ ngơi 1 năm rưỡi."

Hai năm nay Tô Tuấn Phong cũng giở đi giở lại đọc "Đêm Trùng Quang" đến tập mới nhất tận hai lần rồi, sửng sốt nói: "Bộ thứ tư không có thằng bé nữa thật sao?"

"Không có nữa ạ," Tưởng Lộc khẽ bóp sống mũi: "Chờ đến bộ thứ năm có cảnh sống lại rồi bắt đầu đóng tiếp, đến lúc ấy áp lực lớn hơn, cảnh quan trọng cần phụ trách cũng nhiều hơn."

Hiện giờ là tháng 3 năm 2008, sau khi đóng máy Tô Trầm chỉ diễn tạm thêm khoảng 2 3 tháng nữa tầm cuối năm, sau đó có thể ở lại Thời Đô đến cuối năm 2009 mới phải quay về đoàn.

Đợt này ở bệnh viện Tưởng Lộc đã quen ngửi mùi thuốc khử trùng gây mũi, ban đầu cảm giác 3 tháng ngắn quá, giờ lại thấy 3 tháng quá dài.

Trầm Trầm và cậu không phải người chung đường.

Cậu lông bông ở đoàn phim như chốn đồng hoang đã thành quen, sống tạm bợ được, tính tình xuề xòa được, hỗn độn cũng vẫn trưởng thành được thôi.

Nhưng Tô Trầm thì khác.

Hình như Tô Trầm bẩm sinh đã nên ở lại trong trường học, cùng hòa giọng với dương cầm, nghiêm túc lên lớp nghe giảng, giơ tay trả lời câu hỏi xong còn cười với giáo viên.

Đã đến lúc nhóc nên về nghỉ ngơi.

Tưởng Lộc nhìn cửa sổ phòng bệnh, lẳng lặng nghĩ.

Ở nhà cho hẳn hoi, cách xa nguy hiểm với hỗn loạn ra tí.

Cuối cùng vợ chồng nhà họ Tô nhất trí, giai đoạn này hai vợ chồng đều sẽ ở lại đoàn phim cho đến lúc con đóng máy về nhà, sau đó nếu có cảnh gì nguy hiểm cũng cần đạo diễn thông báo trước, ba mẹ nhất định sẽ tới phim trường đồng hành, kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn.

Tô Trầm vẫn còn 7 8 cảnh nữa, nhưng đúng là phần lớn nội dung quan trọng đều đã quay gần xong hết ở phim trường thành phố Bắc Đông, sau khi xuất viện vẫn được nghỉ thêm một tuần rồi hẵng tiếp tục.

Nói là dưỡng bệnh nhưng thực ra cũng chẳng có việc gì ra hồn phải làm cả.

Ăn uống ngủ nghỉ, không thì đọc tạp chí xem phim các thứ.

Điểm tốt là ba mẹ đều đã tới, ở ngay bên cạnh không rời một tấc, thậm chí về khách sạn xong còn tự tay nấu cơm cho bé ăn.

Tô Trầm không quen với việc được chăm nom như em bé thế này lắm, hạ sốt khỏi hẳn xác nhận là không có di chứng gì nữa, bèn thử đọc kịch bản chuẩn bị quay lại đóng phim.

...Xong rồi bị tất cả mọi người khuyên là nghỉ ngơi đàng hoàng thêm vài hôm nữa đã.

Ngay cả phó đạo diễn ghé cũng bảo là không phải đọc đâu không phải nỗ lực đâu, ngủ thêm lúc nữa đi nè đừng vội xuống tầng làm gì.

Tô Trầm được chăm bẵm lấy lại cặp má phính luôn, dở khóc dở cười húp canh gặm sườn hết bát này sang bát khác.

Bé rảnh đến độ rỗi hơi, phải nhờ chị Tùy mua hộ giấy thư pháp với tuyển tập tranh vẽ mực, ngồi vào bàn tập trung vẽ theo từng nét một.

Nếu người nhà lo lắng thì bé sẽ lên giường mở bàn gấp di động ra vẽ tiếp, không ngồi yên phút nào.

Đây cũng là một phần thuộc về Nguyên Cẩm trong truyện gốc.

Quay phim cổ trang hay có những cảnh nghĩ chỉ ý viết thư từ, Nguyên Cẩm thường tập viết chữ theo lối bia Ngụy, nét chữ cổ thẳng thớm giản dị, trông thì quy củ tuần tự nhưng lại có vẻ phóng túng ngỗ ngược toát ra nơi ngòi bút, cực kì thích hợp với tính cách tưởng như nhẫn nhịn của nhân vật.

Hồi đóng bộ đầu tiên bé chưa chuẩn bị sẵn sàng, cũng không có nền thư pháp bút lông, thường đều phải có người viết thay.

Mỗi lần quay đến cảnh cần viết chữ thì bé sẽ cầm bút theo đúng tư thế tương ứng rồi cắt cảnh, chuyển sang quay riêng hình ảnh nét chữ đang dang dở thành hình của diễn viên viết thay, nối cảnh trước sau sẽ tạo hiệu ứng giống như bé đang tự tay viết dòng chữ này.

Hồi ấy Tô Trầm đứng sang cạnh nhường chỗ, theo dõi diễn viên viết thay văn cổ cho mình, không tránh được cảm giác xấu hổ.

Sau ấy không chờ bất cứ ai dặn dò đề xuất bé đã tự mình tìm các mẫu bia thời Ngụy, từ "Bia Cao Trinh" đến "Tảng đá khắc núi Vân Phong", bắt đầu tập luyện phỏng theo tới tận giờ, kiên trì nhẫn nại, tìm tòi từng tí một ý nghĩa của chúng.

Điều thần kì là những đợt bình thường về trường bé lại có thể tìm về nét chữ thanh tú bản thân hay dùng, hai khía cạnh không hề ảnh hưởng tới nhau.

Cuộc sống nuôi bệnh chán ngán tẻ nhạt, xem phim đọc truyện nhiều quá rồi quanh đi quẩn lại có mỗi thế, Tô Trầm không tìm được quá nhiều vui thú từ thư pháp, quay sang bừng bừng khí thế dành thời gian vào việc vẽ tranh chim chóc hoa cỏ.

Trùng hợp đúng vào lúc này ông bác Bặc tới thăm nom, trông thấy mặt bé dính đầy mực y như con mèo mướp.

Ông Bặc tưởng là bé đang học bù bài tập ở trường, xáp lại gần mới phát hiện bé đang vẽ hoa hòe chim chóc theo kiểu truyền thống, bèn đeo kính lão luôn mang bên minh lên quan sát kĩ lưỡng.

Tô Trầm nhận ra hình như ông gầy đi nên hỏi thăm một câu rất chân thành, chờ đối phương trả lời là không sao xong mới giải thích tiếp là mình đang vẽ gì.

"Lần này đang vẽ hoa mai của Lâm Lương ạ, bên cạnh là chép theo chim ưng của Lý Khổ Thiền ạ." Giờ bé mới cảm nhận được là mực quẹt phải chóp mũi, vội giơ mu bàn tay lên quệt đi: "Ông xem xem thần thái có ổn không ạ?"

Ông bác hơi khó hiểu: "Cháu không nghỉ ngơi đi à?"

Chẳng phải trẻ con khác giờ này đang ngủ nướng chơi game hả??

"Nghỉ ngơi đó ạ." Tô Trầm vẫn đang cọ cọ vết mực trên mũi, giở bức tranh ra nói: "Bộ thứ năm có đoạn quay "tranh Mặc điểu rời rừng" mà ạ, cháu tự tay cầm bút vẽ thì mọi người đỡ phải tìm ai vẽ thay."

Vốn dĩ Bặc Nguyện đang tập trung tinh thần ngắm tranh, nghe bé nhắc vậy thì ánh mắt lại trở nên âu lo.

Ông thực sự bắt đầu lo lắng cho cháu bé này.

Yêu một công việc quá đà chưa chắc đã là hay.

Mọi người thường nói có những khi buộc phải tách bạch cuộc sống và công việc, tốt nhất là rành rọt hoàn toàn công việc với tình cảm nữa.

Nếu tất cả ba thứ này lẫn lộn vào với nhau, một khi bên nào sụp đổ, hai bên còn lại cũng sẽ chìm theo hết.

Ông bác mở miệng muốn khuyên nhủ gì đó nhưng mãi lâu sau vẫn chẳng nói thành lời.

Bé con cần cù ham học là chuyện tốt, lúc này nói ra thì lại thành phá hoại cảm hứng của bé.

Huống chi muốn cân bằng công việc cuộc sống tình cảm... Cơ bản bao nhiêu người trưởng thành còn chưa làm được, tại sao phải làm khó cháu bé từ sớm thế?

"Lần này bác ghé để trao đổi với cháu về chuyện xếp lịch quay." Bặc Nguyện đưa mắt về, ôn tồn nói: "Cuối tháng này cháu đóng máy xong thì cuối năm vào đoàn thêm hai tháng, tháng 11 12 nữa là nghỉ ngơi, vừa khéo về đón Tết với chuẩn bị thi cuối cấp, đỗ lên cấp 3 xong rồi hẵng về diễn tiếp."

Nãy Tô Trầm còn đang tươi cười hớn hở cầm bút vẽ vời, thấy bảo từ giờ đến tận cuối năm sau mình chỉ quay có 2 tháng thôi, nét mặt hơi hơi hoang mang.

Bé đã biết từ trước là sẽ sắp xếp thế.

Nhưng... nhưng sao nghe cứ như kiểu mình phải đi đày một mình vậy.

Sao lại thế chứ?

"Sao nghe được nghỉ mà còn kém vui này," Ông bác an ủi: "anh Lộc của cháu chỉ mong được về Thời Đô lượn lờ khắp nơi kia kìa, cháu không cần đi làm vẫn được nhận lương, quá tốt luôn mà."

Tô Trầm ơ một tiếng thật dài, ý thức được một việc còn tệ nữa.

"Thế bộ thứ tư anh Lộc phải đóng cả bộ luôn ạ?"

"Ừm, đúng." Bặc Nguyện nhớ lại: "Tháng 9 năm nay thằng bé phải vào đoàn, ở lại đến cuối tháng 3 sang năm."

Vậy cũng có nghĩa mình không chỉ phải ở lại Thời Đô gần 2 năm, mà còn không gặp được anh Lộc ở trường nữa...

Tô Trầm tủi thân ấm ức dạ một tiếng, vẫn chưa chịu từ bỏ.

"Thế cháu đến đoàn phim theo dõi học hỏi được không ạ."

Ông bác duỗi tay ra vò tóc bé.

"Làm sao từ sáng đến tối suốt ngày chỉ tơ tưởng mỗi vụ học hành thế hả."

"Ngày nào ông cũng nhắc cháu mà, cái tuổi này của cháu phải tươi sáng thoải mái lên tí, về mà có thời gian thì đến nhà riêng của ông ở Thời Đô, ông cho cháu xem mấy lồng họa mi ông nuôi."

"Ồ, vâng!"

Chốt xong việc này là mọi thứ như thể được ấn nút tăng tốc.

Tháng 3 Tô Trầm quay xong bộ thứ ba, đóng máy, về nhà với em trai bà ngoại, mấy tháng nữa lại tới đoàn phim điểm danh tạm một giai đoạn ngắn, vội vàng diễn xong mấy cảnh mình bị ám sát là Nguyên Cẩm của bộ thứ tư sẽ đóng máy ngay và luôn.

Tiếp đến, bé sẽ phải ở lại Thời Đô một mình gần một năm trời.

Cứ như kiểu thình lình bị đá văng khỏi đoàn phim, chưa kịp đề phòng, chưa chuẩn bị tâm lý tí nào.

Hôm bé đóng máy bộ thứ tư, mọi người vẫn còn ở đầy chật ních trong khách sạn, thư ký trường quay diễn viên quần chúng đều luôn chân luôn tay, vẫn có vài phóng viên đang chầu chực bên ngoài săn ảnh.

Ngay cả Tưởng Lộc cũng có cảnh phát sinh sát giờ cần hoàn thành, giữa chừng xin ra ngoài tiễn bé rời đoàn, lại còn chỉ tiễn được tới cổng đoàn phim thôi.

Lúc lên xe Tô Trầm cứ ngoái đầu lại trông mãi, như một người đã nằm mơ giấc mơ 3 năm, đang vui sướng giữa vô số cảnh mộng thì tự dưng bị ấn nút tạm dừng, phải quay về làm quen lại với cuộc sống của học sinh cấp 2 bình thường, hàng ngày đến trường rồi tan học.

Cả năm tiếp theo đây không phải học thuộc lời thoại, không phải nghênh đón các loại thử thách đất diễn phức tạp, cũng không thể gặp được bất kì đạo diễn diễn viên nào và cả anh Lộc nữa.

Bé tạm thời rời khỏi đoàn phim, tạm thời mất đi công việc này.

"Không muốn đi à?" Tưởng Lộc đang xách vali cho bé trêu: "Không thì đổi sang cho anh về, anh về cắm rễ quán net thông đêm còn cày level lên rank, nhóc ở lại đóng hộ anh."

Tô Trầm còn đang ngắm mái ngói cung điện căn cứ phim trường ở đằng xa, rồi lại nhìn sang Tưởng Lộc mặc trang phục diễn ra ngoài tiễn mình, xoa mặt mấy cái: "Liệu có nhanh quá không ạ?"

Sao mới đóng có 2 tháng đã kết thúc thế?

Bộ thứ tư không liên quan tí nào đến bé hết ư??

"Cũng phải đến hè sang năm đi quảng bá tuyên truyền mình mới gặp lại nhau."

Tưởng Lộc cười rất cà lơ phất phơ: "Chuẩn bị thi lên cấp cho hẳn hoi vào, có khi còn gặp giám thị muốn nhờ nhóc kí tên nữa đó."

"Tạm biệt đi nào, sang năm gặp lại ha."

Tô Trầm nhìn cậu, hãy cứ quyến luyến.

"Em nghi là có phải đất diễn của em bị cắt rồi không." Bé bắt đầu oán trách đầy hiếm thấy: "Từ lúc viêm phổi xong các chú đạo diễn cẩn thận với em lắm luôn ấy."

"Anh nghi là nhóc đang kéo dài thời gian, vẫn không chịu ra sân bay thì có." Tưởng Lộc hào phóng thoải mái giang hai tay ra ôm bé một cái, nói nửa đùa nửa thật: "Không quen cũng phải quen, không thì sau này "Đêm Trùng Quang" kết thúc xong nhóc chả đau lòng thành bé ngốc mất à."

Tô Trầm hứ một tiếng, ngượng nghịu vùng vằng ôm lại một lần.

Thế thì anh cũng là bé ngốc lớn.
Bình Luận (0)
Comment