Hình Như Tôi Đã Uống Một Tách Trà Giả

Chương 17

Cùng trò chuyện với bạn, hơn hẳn uống mười tấn chicken soup. Sau một cuộc điện thoại với Diệp Thanh Hữu, tôi lập tức từ một ỉn lười buông thả trở thành một học sinh gương mẫu chăm chỉ học hành, thề rằng sẽ thức đêm làm đề thi thử. Vương Đại Chúc và đàn chị bị tôi dọa sợ đến không thốt nên lời, bọn họ không thể chấp nhận nổi kéo cô gái vừa tập thể dục xong với Văn Bạch Hoa đi đánh bài. Để cô lập tôi – kẻ lập dị ra cắm trại mà vẫn làm đề thi thử, thậm chí họ còn chấp nhận quy tắc “ba lá bài với hai lá bài đơn” kỳ lạ của Văn Bạch Hoa khi chơi bài.

Tôi vừa nằm trong lều thều thào mắng f**k vừa rút điện thoại ra. Tôi không mang theo đề thi thử mà Diệp Thanh Hữu đã chuẩn bị sẵn, chỉ có thể lên mạng tìm kiếm tại chỗ. Nhưng tín hiệu trong công viên đất ngập nước thì tệ kinh khủng, mỗi lần lật trang mất mười phút, làm xong một bộ đề khiến tôi trằn trọc cả đêm không thể chợp mắt.

Sáng sớm hôm sau tôi mang cặp mắt thâm quầng như gấu trúc lảo đảo về trường, bay vào trà thất. Diệp Thanh Hữu có lẽ bị dáng vẻ u ám ma mị của tôi làm giật mình: “… Tối qua em không nghỉ ngơi tốt à? Em như vậy thi được không?”

Tôi thều thào trả lời: “Em cảm thấy mình… vẫn… còn cứu… được…”

Diệp Thanh Hữu: “Nếu không được thì nói, đừng cố quá.”

Tôi: “Vẫn còn… cứu thêm… một chút nữa…”

Thấy tôi kiên quyết như vậy, có lẽ Diệp Thanh Hữu đã cảm động thấu tim, thật sự đi lấy đề thi cho tôi.

Trong lúc anh ấy đi lấy đề tôi tự pha cho mình một tách trà Phổ Nhĩ đậm để tỉnh táo. Uống một ngụm đắng ngắt làm tôi tỉnh táo ngay tức thì, tưởng chừng như sinh mạng mới rực rõ. Tôi vừa uống trà Phổ Nhĩ vừa làm bài, không ngờ rằng đề thử trên mạng lại khá sát với đề thi thực tế, khoảng tám mươi phần trăm câu hỏi có thể khớp. Trừ câu cuối cùng “Hãy chia sẻ nhận thức và cảm nhận của bạn về hiện trạng ngành trà” không có đáp án chuẩn và tôi cũng chẳng biết phải viết gì, thì cơ bản các câu khác tôi đều làm được bảy tám phần.

Tôi nộp bài ngay tại chỗ, Diệp Thanh Hữu chấm ngay tại đó. Điểm số của tôi dao động khoảng 91-92, đúng như dự đoán của tôi. Để đậu kỳ thi chứng chỉ nghệ nhân trà, điểm tối thiểu là 60, nhưng yêu cầu của trường Hòa Quang vô cùng khắt khe, không được 90 điểm trở lên thì không coi là đạt. Trước đây tôi đã từng than phiền với Diệp Thanh Hữu rằng yêu cầu này quá nghiêm ngặt, nhưng anh ấy rất nghiêm túc trả lời: “Nội dung thi phần lớn là kiến thức cơ bản của ngành trà, nếu ngay cả những câu hỏi đơn giản này cũng không trả lời được thì tốt nhất đừng ra ngoài làm mất mặt nữa.”

Tôi nhìn qua các câu hỏi trên bài thi: “Dụng cụ thích hợp nhất để pha trà xanh là gì?”, “Cuốn sách về trà đầu tiên trên thế giới tên là gì và do ai viết?”, “Hãy liệt kê sáu loại trà chính và mỗi loại kể tên một loại trà cụ thể.”

Tôi lặng lẽ đồng ý với lời của Diệp Thanh Hữu.

“Bài thi viết của em đã đạt yêu cầu,” Diệp Thanh Hữu nói, trả lại bài thi cho tôi. “Nhưng lần sau đừng nước đến chân mới nhảy nữa, trạng thái tinh thần không tốt thì dễ trả lời sai lắm.”

“Cảm ơn đàn anh, em yêu đàn anh!” Tôi đón lấy bài thi chắp tay vái như các đại hiệp trong phim, khiến anh ấy phì cười. Tôi cũng ha ha cười ngây ngô theo, nói: “Đàn anh, nếu không có gì khác thì em đi đến đài Minh Tư để tiếp tục pha trà uống,” nhưng Diệp Thanh Hữu lại khoát tay áo: “Em đừng vội, thi vẫn chưa xong đâu.”

Tôi: “Hả? Anh vừa nói em đã qua trót lọt mà?”

“Là bài thi viết thôi,” Diệp Thanh Hữu cười một tiếng. “Đừng nói với anh là em quên thi chứng chỉ nghệ nhân trà trung cấp còn có phần thi thực hành nữa, phần biểu diễn nghệ thuật pha trà xanh.”

Tôi lại bị bất ngờ không kịp trở tay.

Tôi đờ đẫn mất một lúc, mãi đến khi Diệp Thanh Hữu gọi “Gia Gia” đầy thân thiện thì tôi mới tỉnh lại, niềm vui khi qua bài thi viết quá rõ ràng khiến tôi quên mất còn phần thi thực hành. Thấy tôi vẫn chưa hoàn hồn, Diệp Thanh Hữu bất lực nói: “Không nhất thiết phải thi cả hai phần cùng một lúc, nếu hôm nay em mệt thì có thể thi thực hành vào hôm khác.”

Đây là lần thứ ba hôm nay anh ấy nói câu này. Nếu không nói thì có lẽ tôi đã thật sự bảo là mình chưa sẵn sàng, xin hoãn lại hai ngày để chuẩn bị kỹ hơn. Nhưng một khi anh ấy đã nói thế, tính bướng bỉnh của tôi lại trỗi dậy, tôi bảo: “Không sao, không sao, hôm nay em thi được. Nhân lúc còn hứng sau khi qua bài thi viết, em sẽ làm luôn phần thực hành để qua nốt.”

Diệp Thanh Hữu: “… Em chắc chưa?”

Tôi vung tay: “Chết sớm siêu sinh sớm, chết sớm siêu sinh sớm.”

Ánh mắt Diệp Thanh Hữu nhìn tôi bán tín bán nghi, rồi lấy ba chiếc ly thủy tinh thẳng đứng từ tủ ra đặt trên bàn trà, vừa sắp xếp vừa khuyên tôi lần cuối: “Chỉ khi nào sẵn sàng thì hẵng bắt đầu, anh không bắt buộc em phải thi hết hôm nay đâu.”

Thực ra, khi nhìn ba chiếc ly thủy tinh được xếp ngay ngắn trên bàn, trong lòng tôi cũng chột dạ, có chút muốn bỏ dỡ giữa chừng, nhưng lời nghi ngờ đó đã vô tình tổn thương đến lòng tự trọng mỏng manh của tôi. Dựa vào điểm thực hành 99/100 ở kỳ thi sơ cấp trước, tôi ưỡn ngực lên đầy tự tin: “Em làm được!”

Diệp Thanh Hữu: “Vậy bắt đầu đi.”

Thế là tôi ngồi vào bàn trà, Diệp Thanh Hữu ngồi đối diện cầm bảng chấm điểm. Mười giây trước, tôi còn hùng hồn nói “Em làm được”, mười giây sau đầu tôi lại trống rỗng, sợ co quắp.

Bước đầu tiên làm gì ta…?

Diệp Thanh Hữu cầm bút giấy, dù bận vẫn ung dung nhìn tôi, khiến tôi đổ mồ hôi lạnh, lau mặt, đột nhiên linh cảm lóe lên: Đúng rồi, đầu tiên phải đốt hương. Tôi rút một cây hương từ ống cắm vào lư hương, nhưng lại ngơ ngác một lúc rồi mới nhỏ giọng hỏi Diệp Thanh Hữu: “Bật lửa…?”

Diệp Thanh Hữu đưa cho tôi một chiếc bật lửa.

Tôi đốt hương, sau đó luống cuống tay chân chuẩn bị cân trà. Đặt lá trà vào khay thưởng trà, tôi cầm khay muỗng trà xoay một vòng để trình bày, rồi chuẩn bị chia trà vào ly thủy tinh.

Diệp Thanh Hữu gọi tôi lại: “Em định pha trà bằng nước lạnh à?”

Tôi: “…”

Đậu, quên đun nước.

Tôi bị ngốc à, sao lại phạm phải một lỗi ngớ ngẩn thế này aaaa. Vừa thầm hét lên trong lòng, tôi vừa vội vàng đun nước.

Thời gian đun nước trôi qua dài đằng đẵng lại yên ắng, tôi và Diệp Thanh Hữu nhìn nhau, bầu không khí trở nên cực kỳ ngượng ngập.

Khi tôi gần như bị cơn ngượng ngùng làm cho chết đứng, nước cuối cùng cũng sôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cầm ấm nước lên để tráng chén và dụng cụ, rồi cho trà vào, đổ một ít nước để làm ướt trà.

Khi làm ướt trà, tôi phải nhấc ly thủy tinh lên và nhẹ nhàng lắc để đảm bảo lá trà tiếp xúc đầy đủ với nước. Bình thường, bước này không có gì khó khăn, nhưng hôm nay tôi suýt làm rơi ly — ly thủy tinh quá nóng, nóng đến mức ngón tay tôi đỏ bừng lên, làm tôi nghi ngờ sau khi thi xong, da tôi sẽ bị phồng rộp.

… Trong ly là nước vừa đun sôi ở 100 độ C. Lúc này, tôi mới nhớ ra mình quên để nước nguội.

Tôi hoàn toàn suy sụp: “Đàn anh Diệp, em sai rồi, em ngốc thật. Anh cứ coi như chưa thấy gì, cho em làm lại từ đầu được không?”

Diệp Thanh Hữu cúi xuống, viết viết vẽ vẽ trên bảng chấm điểm, không thèm ngẩng đầu lên.

“Tiếp tục đi.” Anh nói. “Anh đã nói với em từ trước rồi, trong quá trình biểu diễn nghệ thuật pha trà, bất kỳ tình huống bất ngờ nào cũng có thể xảy ra. Một khi buổi biểu diễn đã bắt đầu, không thể dừng lại hay làm lại. Bất kể có chuyện gì xảy ra, em phải tiếp tục biểu diễn đến cùng.”

Bình Luận (0)
Comment