Hình Như Tôi Đã Uống Một Tách Trà Giả

Chương 7

Đàn anh Trần Quân phát cho mỗi người một chiếc túi rác và một đôi găng tay bảo vệ môi trường, chúng tôi đứng thành hàng trên đồi đất để chụp bức ảnh phiên bản Quan Âm nghìn tay với găng tay bảo vệ môi trường làm kỷ niệm, sau đó tản ra đi thu dọn rác trong vùng đất hoang.

Việc này thực sự không hề đơn giản, cứ cúi xuống rồi đứng dậy, cúi xuống rồi đứng dậy, mới chỉ dọn dẹp được vài mét vuông mà tôi đã thở hổn hển, chỉ ước mình có thể biến thành máy hút bụi, không, phải là cơn lốc xoáy thì đúng hơn, quét một vòng là sạch sẽ cả bốn phía. Sau khi đã thu dọn được nửa túi rác, tôi dựa vào lan can đá thở dốc, Diệp Thanh Hữu đi đến hỏi tôi có mệt không, tôi nói đúng là khá vất vả. Anh ấy tháo găng tay ra lấy trong balo một chai nước đưa cho tôi, tôi ừng ực uống một hơi hết nửa chai, lúc đó mới thấy đỡ hơn đôi chút.

Nhìn quanh một lượt, Vương Đại Chúc và đàn anh Trần Quân đã chạy đi xa. Có vẻ như Vương Đại Chúc đã phát hiện ra một bờ sông phía sau ngọn đồi nhỏ, liền lớn tiếng gọi chúng tôi qua xem, còn hỏi đàn anh Trần Quân có thể câu cá rồi nướng ăn tại đó không. Trong gió văng vẳng tiếng đàn anh Trần Quân cười mắng em có gan thì cứ làm tới đi, dám sát sinh sau lưng Quan Âm? Sao không lên trời luôn đi?

Tôi cũng không nhịn được mà cười ra tiếng. Gió từ bờ sông vượt qua ngọn đồi thổi đến, mát mẻ lại trong lành. Tôi nói đàn anh Diệp, thật kỳ lạ. Chúng ta lặng lẽ làm bao nhiêu việc như thế này, không ai thấy cũng chẳng ai khen ngợi, nhưng em lại thấy rất vui.

Ai bảo không có ai thấy? Anh Diệp chỉ tay lên trời. “Các vị thần đều đang nhìn.”

Chúng tôi đã vất vả làm việc suốt cả buổi sáng ở vùng hoang dã gần chùa Linh Tuyền, đến trưa thì vào nhà ăn của chùa để cọ bữa cơm chay. Nhà ăn nằm trong khu rừng đào nhỏ bên cạnh ngôi chùa, hoa đã gần rụng hết nhưng lá thì vẫn tươi tốt. Những người ăn ở nhà ăn đều là các cư sĩ ẩn cư ở gần đó và những cụ già neo đơn trong làng, trước khi dùng cơm, tiếng chuông Phật vang lên, kinh Phật được tụng cao, sau đó các vị sư mới lần lượt phát đồ ăn cho mọi người.

Trên đường chờ ăn trưa tôi định lấy điện thoại ra chơi, nhưng bị Diệp Thanh Hữu nhẹ nhàng vỗ vào mu bàn tay, đành phải ngượng ngùng cất lại.

Dùng cơm xong, trụ trì dẫn chúng tôi đến nơi ở của các tu sĩ trong chùa để nghỉ trưa. Điều kiện không tệ như tôi tưởng cũng gần giống như ký túc xá, tôi và Diệp Thanh Hữu ở chung một phòng, còn Trần Quân và Vương Đại Chúc nói họ chưa buồn ngủ nên ra sân phơi nắng.

Đàn anh Diệp ngồi lên giường xếp bằng rồi bắt đầu thiền, anh nhắm mắt lại vẻ mặt thanh thản. Anh ấy ngồi thiền lâu đến mức tôi tưởng anh đã ngủ mất, thì đột nhiên bên ngoài vang lên tiếng ồn ào của gà bay chó chạy. Tôi mở cửa sổ nhìn ra ngoài thì thấy con chó vàng đã chạy vào sân, còn Vương Đại Chúc thì đang xúi nó đuổi theo Trần Quân chạy loạn khắp nơi.

Tôi nói: “Mọi người nhỏ tiếng một chút, đàn anh Diệp đang nghỉ ngơi.”

Họ vội vàng đồng ý, đè con chó vàng xuống đất.

Mười giây sau, lại là cảnh gà bay chó chạy.

Tôi xoa thái dương định mở cửa sổ lần nữa thì Diệp Thanh Hữu nói: “Kệ họ đi, hiếm khi ra ngoài chơi một chuyến, vui là được.”

Tôi hỏi: “Đàn anh Diệp, anh chưa ngủ à?”

Diệp Thanh Hữu đáp: “Anh đang thiền.”

Người phàm tục như tôi chẳng thể hiểu nổi hoạt động tư tưởng cao thâm của anh ấy, nên ngẩn người một lát rồi khẽ hỏi: “… Chân anh không bị tê sao?”

Diệp Thanh Hữu: “… Cảm ơn em đã quan tâm. Không tê.”

Tôi thử học theo anh ngồi xếp bằng trên giường, nhưng chưa được hai phút đã chịu không nổi, đành duỗi chân ra bắt đầu xoa bóp. Trong lúc tôi đang nhăn nhó xoa bóp bắp chân, Diệp Thanh Hữu đột nhiên hỏi tôi: “Gia Gia, hôm nay ra ngoài chơi vui không?”

Tôi đáp: “Vui ạ, vui hơn ở trường nhiều. Lâu lắm rồi em mới được thoải mái thế này.”

“Em không vui khi ở trường à?” Diệp Thanh Hữu hỏi. “Anh nghe Đại Chúc nói thành tích của em rất tốt, đứng top trong lớp mà.”

“Không vui, không vui một chút nào.” Tôi ngồi co gối trên giường. “Em ở trường buồn lắm.”

“Từ nhỏ bố mẹ em đã kỳ vọng vào em rất cao, luôn mong em học ngành khoa học tự nhiên, thường xuyên nói nếu không đỗ được vào đại học trọng điểm thì coi như sống vô ích… Lần đầu tiên em không nghe lời họ là khi nói dối cuối tuần lên trường luyện thi, nhưng thực ra lại đi học vẽ.” Tôi móc lấy cái chăn, vừa nghịch vừa kể. “Sau đó vì thành tích học tập sa sút quá nhiều, bố mẹ phát hiện ra rồi mắng em một trận. Nhưng lúc đó em học tệ quá, chẳng còn cách nào khác, để có thể đỗ vào trường trọng điểm, họ đành để em tham gia kỳ thi năng khiếu nghệ thuật.”

“Tài năng hội họa của em cũng tạm được, dù bắt đầu học muộn, nhưng cuối cùng em vẫn đỗ được vào trường trọng điểm, miễn cưỡng coi như gỡ gạc lại chút thể diện cho bố mẹ. Nhưng em luôn nhớ những lời họ mắng trước kia, rằng sinh viên nghệ thuật chỉ là những kẻ học kém, không thi nổi trường nào khác, sau này chắc chắn không có tương lai, không tìm được việc làm. Vì thế sau khi vào đại học, em vẫn cố gắng học tập chăm chỉ, cố gắng vẽ thật nhiều, sợ mình sẽ thua kém người khác. Khi ở trường, ngày nào em cũng nghĩ nếu không nỗ lực bây giờ thì sẽ không có thành tích tốt, không có thành tích tốt thì sau này không có chỗ thực tập nào nhận em, không có chỗ thực tập thì sẽ không tìm được việc làm, không có việc làm thì em sẽ thất nghiệp, phải lang thang đầu đường xó chợ mà ăn xin. Dù bây giờ em mới chỉ là sinh viên năm nhất, nhưng nếu tính qua loa, em cảm thấy mình đã là kẻ ăn xin không nghề không nghiệp ngủ dưới gầm cầu rồi.”

Nói đến đây, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Con chó vàng vẫn đang cố gắng dùng hết sức mạnh để vật ngã Trần Quân còn Trần Quân thì vừa la hét vừa chạy loạn khắp nơi, trong khi Vương Đại Chúc thì hô to một tiếng đàn anh để em cứu anh, rồi túm lấy đuôi con chó vàng kéo lại.

Tôi nói: “Em thật sự rất hâm mộ mọi người. Em hâm mộ Đại Chúc vì gia đình cậu ấy có tiền, không phải lo lắng về chuyện sau này có cơm ăn không; hâm mộ Bách Hoa vì cậu ấy sống vô tư, mỗi ngày chỉ chơi game, chăm hoa và mơ tưởng sẽ tìm được bạn gái; hâm mộ đàn anh Trần Quân vì anh ấy xuất sắc, kỹ năng giao tiếp tốt nên không phải lo lắng về việc tìm việc làm sau này; và em hâm mộ đàn anh Diệp, vì sự tập trung, thuần khiết của anh đối với trà, không bị chi phối bởi những điều trần tục, sự tự tại không gì lay chuyển được của anh. Em thường nghĩ… tại sao dường như mọi người đều sống trong giấc mơ, chỉ có em đang ra sức vật lộn? Em cũng mới mười tám tuổi thôi mà, tại sao đã phải suy nghĩ nhiều như vậy? Đây là độ tuổi đáng ra em được mơ mộng mà.”

Diệp Thanh Hữu mở mắt, nhìn tôi: “Anh cũng không hiểu tại sao em lại nghĩ nhiều như vậy, có lẽ em không biết hồi anh bằng tuổi em, anh đang làm gì đâu.” Anh cười khẽ. “Hồi đó ngày nào anh cũng chơi bóng rổ, buổi tối thì đi hát karaoke với bạn bè, ăn đồ nướng, cuối tuần đạp xe đi cắm trại, chơi bời quậy phá đủ kiểu, mãi đến năm ba đại học, khi tiếp quản trà thất của sư phụ anh, anh mới ổn định lại, từ từ tập trung, chỉ chuyên tâm vào mỗi việc đó.”

Vừa nói anh vừa xuống giường, đi đến chỗ tôi xoa đầu tôi.

“Đừng tạo áp lực cho mình quá, Gia Gia,” Diệp Thanh Hữu nói với tôi. “Em chưa đến lúc phải chọn con đường nào đâu. Em vẫn đang ở độ tuổi thích hợp để mơ mộng, cứ thoải mái mà mơ đi.”

Bình Luận (0)
Comment