Hồ Điệp Cùng Kình Ngư

Chương 14



“Tối nay chúng ta sẽ cắm trại ở bãi biển thật sao?” Hồ Điệp đi theo Kinh Du về nhà anh, sau khi nghe về kế hoạch buổi tối nay, trong nửa tiếng cô đã hỏi vấn đề này tận ba lần.
Kinh Du cầm quần áo mới tắm xong thay ra, đưa tay còn lại chọc vào trán cô đẩy cô ra khỏi tầm mắt mình: “Ừ ừ ừ, em còn hỏi nữa là dẹp nhé.”
“Nhưng đó giờ em chưa từng đi cắm trại, em có cần mang theo gì không? Quần áo? Đồ ăn? Hay là cái gì?”
“Em không cần mang gì hết.” Kinh Du ném quần áo vào trong máy giặt, khom người lấy hộp bột giặt để dưới sàn lên đổ vào bên trong rồi quay đầu nhìn Hồ Điệp, sau đó anh đưa tay chỉ thái dương mình: “Mang theo cái này là được.”
Hồ Điệp nghiến răng, rít ra một tiếng: “Được thôi.”
Kinh Du nhìn bóng lưng tức giận dần đi xa của cô, khi rời mắt đi kìm lòng chẳng đặng cười khẽ.
Anh đóng nắp máy giặt lại, bấm nút bắt đầu, chiếc máy giặt cũ kỹ chậm rãi phát ra những tiếng “lạch cạch lạch cạch”.
Đi đôi với âm thanh này là tiếng Mạc Hải vào nhà nhưng Kinh Du không nghe thấy, vừa ra cửa đã va vào cậu.
Kinh Du không kịp phòng bị, lưng đập thẳng vào tường, anh vươn tay tìm kiếm nơi chống đỡ theo bản năng nhưng bất cẩn làm một ly thủy tinh để trên tủ rơi xuống sàn, tiếng vỡ nát lanh lảnh vang lên.
Hồ Điệp vốn đang ngồi trên thảm mút xốp ở phòng khách, nghe thấy tiếng thì gấp gáp không kịp mang dép, chạy chân trần đến hỏi: “Sao vậy ạ?”
Kinh Du xoa xoa vai đứng dậy: “Không sao, mang dép vào, dưới sàn có miểng thủy tinh.”
“Ồ.” Hồ Điệp quay về mang dép vào, nghe Kinh Du trấn an Mạc Hải không sao cả và hỏi cậu bé đã mang đủ đồ chưa.
Chắc hẳn Mạc Hải đã bị dọa sợ, giọng điệu không còn sức sống như trước: “Mang đủ rồi ạ…”
Kinh Du xoa xoa đầu cậu: “Được rồi, anh không sao, ngồi chơi đi, lát nữa sẽ đi.”
Hồ Điệp mang dép xong, thấy Mạc Hải đến ghế sofa ngồi, cô bèn nhanh chóng đi đến cạnh Kinh Du hỏi nhỏ: “Mạc Hải cũng đến buổi cắm trại tối nay hả?”
“Ừ.” Kinh Du ngẩng đầu nhìn cô: “Sao vậy, em không muốn đưa thằng bé đi cùng à.”
“Sao có thể chứ?” Hồ Điệp phủ nhận liên tục: “Em đâu có nghĩ như vậy.”
Kinh Du thở ra một hơi như đang cười: “Thế à, anh còn tưởng em muốn…”
“Muốn cái gì?” Hồ Điệp nhìn vẻ mặt ranh mãnh của anh, không kìm được “hừ” một tiếng: “Anh Kinh Du, anh trở nên xấu xa rồi.”
“Sao lại trở nên xấu xa? Anh chỉ muốn hỏi có phải em không muốn đón sinh nhật ở nhà không thôi.” Kinh Du cầm miểng thủy tinh đứng dậy: “Em nghĩ anh định nói gì?”
“Em —-” Hồ Điệp tức giận, mắng anh: “Đồ lừa đảo.”
Lần này Kinh Du bật cười thành tiếng: “Không phải chứ, sao bây giờ anh lại là đồ lừa đảo rồi?”
“Chiều hôm nay ai vừa mới nói…” Hồ Điệp tằng hắng, cố gắng trầm giọng xuống: “Sau này anh sẽ không vậy nữa.”
Dứt lời, cô lại nói bằng giọng thật của mình: “Sẽ không cái gì?”
Lại tiếp tục trầm giọng: “Sẽ không làm em tức giận nữa.”
Kinh Du: “…”
Vác đá tự đập chân mình, đúng là đau kinh thật.
Hồ Điệp vất vả lắm mới thắng được anh phần nào, sau đó chạy về phòng khách.


Kinh Du không biết cô đã nói gì với Mạc Hải mà đến khi anh dọn dẹp xong đi ra thì hai người họ đã ngồi dưới sàn chơi cờ quân sự.
Anh nhìn ra bên ngoài, đang độ chiều tối nên trời vẫn còn sáng, họ cũng không cần đi vội.

Thế là anh lên lầu sửa soạn ít đồ rồi xách balo đi xuống.
“Khi nào chúng ta đi vậy?” Trận cờ của Hồ Điệp và Mạc Hải đã kết thúc, cô ngồi dưới sàn dựa lưng ra ghế sofa: “Tối nay chúng ta ăn gì ạ?”
“Bảy giờ đi.” Kinh Du bấm điện thoại: “Em muốn ăn gì?”
“Muốn ăn với có thể ăn là hai khái niệm khác nhau.”
Kinh Du ngẩng đầu lên: “Anh biết mà.”
“Cái gì anh cũng biết… Hửm?” Hồ Điệp nhìn anh: “Mỗi lần nói chuyện với anh đầu em nó chuyển động thành đường núi quanh co ngoằn ngoèo luôn mà vẫn không theo kịp logic suy nghĩ của anh đấy.”
Kinh Du lười biếng dựa ra lưng ghế sofa, cụp mắt nhìn cô: “Ở bên cạnh anh thì suy nghĩ nhiều thế làm gì, anh không gài bẫy hay lừa gì em.”
“Nhưng anh sẽ chọc em giận.”
“…”
Lúc sắp bảy giờ, Kinh Du đưa hai bạn nhỏ ra ngoài.

Hồ Điệp và Mạc Hải cùng chơi trò đạp bóng người, tung tăng đi phía trước.
Anh thì đeo balo của mình, tay xách balo của Mạc Hải chậm rãi đi theo phía sau họ.
Trong gió biển vẫn còn mang theo hơi ấm từ ánh nắng chói chang ban ngày và sự ẩm ướt từ biển.

Dưới bóng cây, những cành lá vỗ vào nhau, tiếng ve kêu râm ran như một khối âm thanh vòm ẩn sau trong những bóng cây.
Đã lâu rồi Hồ Điệp không được ra ngoài chơi nên khó giấu được cảm giác mới mẽ hứng thú, vừa nhảy chân sáo vừa quay đầu mỉm cười nhìn Kinh Du, dáng vẻ tươi tắn và hoạt bát.
“Anh Kinh Du.”
“Hửm?”
“Hôm nay là sinh nhật em, anh có gì muốn tặng em không?”
Kinh Du bước chậm lãi, giữ khoảng cách chừng ba bốn mét với cô, giọng điệu nhẹ nhàng: “Tặng em ba điều ước.”
Hồ Điệp bỗng cười ha ha rất to: “Anh đang diễn Thần điêu hiệp lữ với em đó hả?”
“Cái gì?”
“Dương Quá tặng Quách Tương ba cây kim châm cứu, sẽ thực hiện ba điều ước của cô ấy với điều kiện tiên quyết đó là từ đây không vi phạm đạo nghĩa giang hồ nữa.” Khả năng giữ thăng bằng của Hồ Điệp rất tốt, đi bộ ngược hướng không làm khó được cô: “Anh bảo tặng em ba điều ước, vậy anh cũng phải tặng em ba cây kim châm cứu chứ?”
“Anh không có kim vàng.” Kinh Du đáp: “Nhưng anh nói được làm được.”
“Nói miệng chả tin được.” Hồ Điệp dừng chân, chờ anh đi đến cạnh mình mới đưa tay ra bảo: “Móc nghéo đi.”
Kinh Du cụp mắt nhìn ngón tay cô giơ lên, chốc lát sau mới vươn tay móc lấy ngón út của cô.

Hồ Điệp lên tiếng: “Ngoéo tay treo ngược, một trăm năm không đổi, ai thất hứa sẽ là cún con.”
Hành động ngây thơ của cô khiến Kinh Du buồn cười nhưng anh không buông tay ra, mặc cô móc tay mình.
Nói xong, Hồ Điệp lại giơ ngón cái ấn vào ngón cái của anh: “Được rồi!”
Khoảnh khắc ngón tay rời đi, tại vị trí đó vẫn còn vương hơi ấm từ cô.

Kinh Du vô thức miết ngón cái: “Đi thôi.”
Buổi tối ba người ăn ở một quán pub lộ thiên bên bờ biển, tất cả các bàn ăn đều được sắp xếp trên bãi cát, ở trung tâm còn có một sân khấu nhỏ đơn giản, tối đến sẽ có ca sĩ lên biểu diễn.
Kinh Du đã đặt chỗ từ trước, thời điểm họ đến đó, trong quán khá đông đúc, ở cạnh lan can cửa vào đều có khách đang đứng chờ.
Lúc ngồi xuống, Hồ Điệp thấy Kinh Du đặt balo xuống một vị trí riêng thì tò mò hỏi: “Trong balo của anh có cái gì đó?”
“Đồ cần dùng cho tối nay.” Kinh Du không muốn cô hỏi nhiều bèn đưa thực đơn tới: “Xem thử muốn ăn gì.”
“Ồm.” Hồ Điệp nhận lấy thực đơn, Mạc Hải cũng châu đầu qua xem cùng.

Cô quay sang hỏi: “Em muốn ăn gì?”
Mạc Hải hào hứng đáp: “Tôm! Tôm hùm ạ!”
“Được, để chị xem tôm ở đâu.”
Hồ Điệp còn chưa tìm được thì Mạc Hải đã nói: “Góc phải dưới trang thứ tư và trang thứ năm!”
“Ồ.” Hồ Điệp lật tới trang thứ năm: “Sao em nhớ rõ vậy, xem ra đến đây ăn không ít lần ha?”
Mạc Hải gật mạnh đầu: “Vâng! Anh đưa em đi ăn rồi, ngon lắm lắm!”
Hồ Điệp ngẩng đầu nhìn Kinh Du đang ngồi chơi điện thoại ở đối diện, sau đó lén nhỏ giọng hỏi cậu bé: “Anh ấy chỉ đưa mình em đến thôi à?”
Mạc Hải không hiểu ý cô lắm, lặp lâu câu khi nãy: “Anh em từng đưa em đi.”
“Thế anh em có đưa cô gái nào khác đến không?”
Kinh Du đang lắng tai nghe hai người nói chuyện nheo mắt lại, ngước lên nhìn: “Gọi xong chưa?”
“Em chưa xem thực đơn xong.” Hồ Điệp giơ thực đơn lên chặn ánh nhìn của Kinh Du: “Em xem nha, hôm nay anh em đưa em với chị đến đây ăn, vậy trước đây anh ấy có đưa em với chị khác đến đây ăn không?”
“Anh…” Mạc Hải gãi gãi mặt, đang định nói gì đó nhưng ngẩng đầu thấy Kinh Du đứng lên thì không dám lên tiếng nữa.
Kinh Du kéo ghế tới ngồi cạnh Hồ Điệp: “Nói gì đó?”
Hồ Điệp bị anh dọa sợ hết hồn, cô buông thực đơn xuống rồi cố ý đưa tay che trán hòng ngăn tầm mắt anh, miệng lẩm bẩm: “Có nói gì đâu ạ, em đang hỏi Mạc Hải muốn ăn gì, ngoài tôm hùm ra em còn muốn ăn gì nữa không?”
Mạc Hải khẽ trả lời: “Rượu thanh mai ạ.”

“A, trẻ con không được uống rượu.” Hồ Điệp nhận ra Kinh Du vẫn đang nhìn mình chằm chằm, lòng cô căng thẳng không thôi, thành thử cũng không xem được thực đơn nữa, đành nhanh chóng gọi đại vài món: “Em gọi xong rồi, anh xem thêm đi, em vào phòng vệ sinh rửa tay.”
Dứt lời, cô không chờ Kinh Du nói gì mà lập tức đứng lên chuẩn bị đi.

Nhưng chưa kịp tiến bước nào, cổ tay đã bị người ở phía sau kéo lại.
Nhiệt độ trong lòng bàn tay chàng trai rất cao, chẳng biết vì sợ hay thẹn thùng mà Hồ Điệp bỗng run run: “Sao sao thế ạ?”
Kinh Du buông tay ra: “Ở đây không có phòng vệ sinh.”
“Hả?”
Kinh Du không nhìn cô mà cầm bút lên rồi vừa nhìn thực đơn vừa bảo: “Mạc Hải, đưa chị đến nhà vệ sinh công cộng.”
Mạc Hải ngoan ngoãn đáp: “Vâng.”
Hai người đang định đi thì lại nghe Kinh Du ở phía sau nói: “Em ngoan chút, đừng làm hư trẻ con.”
Cát dưới chân quá mềm khiến bước chân Hồ Điệp lảo đảo, cô không thèm đoái hoài lới anh nói, kéo Mạc Hải đi nhanh ra ngoài.
Đến khi quay về, trên bàn đã có hai đĩa đồ ăn, đều là salad, một mặn một chay.
Hồ Điệp thấy hai chai rượu thanh mai nhỏ để ở chỗ của Mạc Hải bèn hỏi: “Em ấy nhỏ thế có uống rượu được không?”
“Tửu lượng của thằng bé tốt hơn em đấy.” Kinh Du cầm một chai bia lạnh lên đập miệng chai vào mép bàn mấy cái, nắp chai “phốc” một tiếng rồi rơi xuống đất, bọt trắng trào lên miệng chai.
Anh khom người nhặt nắp chai lên, bỗng nghĩ đến gì đó nên lại duỗi tay đưa tới trước mặt Hồ Điệp.
Cô ngó qua, trong nắp chai in năm chữ “cảm ơn đã ủng hộ”.

Cô cầm lấy và hỏi: “Sao thế ạ?”
“Tín vật.” Kinh Du lại nhanh nhẹn mở hai chai bia và đưa hết nắp chai cho cô.
Hồ Điệp bất ngờ phát hiện bên trong của một trong hai nắp chai đó in chữ “Làm thêm một chai”, cô cười hỏi: “Vậy có phải là em được thêm một điều ước nữa không?”
Kinh Du bưng ly bia đưa đến bên môi và nghiêng đầu nhìn cô, ánh đèn vàng ấm áp trên bờ cát rọi đến, nom khuôn mặt anh như được dát lên một lớp filter điện ảnh.
Anh hơi ngửa đầu uống cạn ly bia, sau đó đặt ly xuống, trả lời cô: “Được.”
Hồ Điệp dùng khăn giấy bọc nắp chai lại: “Điều ước gì cũng được ạ?”
“Ừ.” Kinh Du nhớ đến gì đó, lại quay đầu nhìn cô: “Nhưng mà —-”
“Hửm?”
“Anh bán nghệ không bán thân.”
Hồ Điệp: “… … …”
Hồ Điệp: “À à, tôi xin cảm ơn ngài.”
Kinh Du nhướn mày cười, dáng vẻ quyến rũ: “Sao thế, em tò mò anh có đưa cô gái khác đến đây ăn không, vậy anh nghi ngờ em có ý gì với anh thì không quá đáng chứ?”
Hồ Điệp bất đắc dĩ, nhịp tim bỗng đập nhanh, ánh mắt trốn tránh: “Tò mò thì là có ý với anh à?”
“Thế em không có hả?”
Anh chỉ tiếp câu theo lời cô, nói xong mới cảm thấy không thích hợp.
Hai người đều trầm mặc, bầu không khí dần mập mờ và kỳ lạ một cách khó hiểu.
Kinh Du uống một ngụm bia rồi bảo: “Ăn đi.”
Hồ Điệp: “Ồ.”
Đến tám giờ, ban nhạc của quán bắt đầu biểu diễn, giọng hát trầm ấm của chàng trai vang vọng xung quanh.

Sau khi một bài hát kết thúc, mọi người vỗ tay ủng hộ.
Ban nhạc hát khoảng hơn nửa tiếng thì Hồ Điệp phát hiện có khách đang dùng bữa chạy lên chọn bài và cầm micro hát.
Giọng kém xa những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng vào lúc này đây, bài hát có hay hay không cũng chẳng quan trọng.
Quan trọng là tấm lòng của người hát.
Kinh Du thấy cô hăng say nhìn chằm chằm sân khấu, bèn nhỏ giọng hỏi: “Muốn hát à?”
“Đâu có.” Hồ Điệp gắp một đũa rau trộn thịt nghêu sò: “Em hát thì không ai dám vào quán này nữa mất.”
Kinh Du cười cười, uống hết ly bia không còn nhiều rồi ngẩng đầu nhìn người mới hát xong trên sân khấu, anh đột nhiên nói: “Anh hát cho em nghe một bài.”
“Dạ?” Hồ Điệp chưa kịp phản ứng thì anh đã đứng lên.

Cô sợ anh đã uống nhiều, vội vàng đi theo: “Này! Kinh Du!”
Kinh Du quay đầu nhìn cô: “Sao vậy?”
“Anh hát thật sao?” Hồ Điệp hỏi: “Có phải anh uống nhiều bia quá không?”
“Ừ.” Kinh Du đáp: “Nhưng anh rất tỉnh táo.”
Hồ Điệp nói lầm bầm: “Người say thường bảo mình rất tỉnh táo.”
Kinh Du nhìn cô, rồi chợt cúi người ghé tới trước mặt cô.

Khuôn mặt anh tuấn của chàng trai bất thình lình phóng đại trước mắt, cảm giác chấn động vô cùng.
Hồ Điệp giật thót ngửa ra sau: “Anh…”
Nhưng Kinh Du không nói thêm gì nữa, chỉ nhìn cô hai ba giây rồi mới đứng thẳng người lại: “Yên tâm, anh chỉ uống nhiều chứ không say.”
Anh đi về trước mấy bước, bỗng quay đầu lại: “Với cả —-”
Hồ Điệp vẫn còn đang đắm chỉnh trong sự tấn công đột ngột của nhan sắc tuyệt đẹp khi nãy, khi anh nói mới hoàn hồn lại: “Gì cơ ạ?”
Chàng trai đứng dưới ánh đèn màu hoàng hôn, gió biển thổi vào chiếc áo phông trắng rộng rãi của anh tựa như đang giăng buồm đánh thẳng vào trái tim cô.

“Anh không đưa cô gái nào khác đến đây ăn cả.” Anh đứng tại chỗ, nói xong câu này dừng lại một giây rồi anh mới tiếp câu: “Không chỉ ở đây mà chỗ khác cũng không có.”
Chẳng hiểu sao Hồ Điệp lại thấy buồn cười, không phải buồn cười vì hành động của anh mà là nụ cười vui sướng phát ra từ nội tâm: “Em biết rồi.”
“Ừ.”
Hồ Điệp nhìn Kinh Du đi đến bên sân khấu nói chuyện với người của ban nhạc, đến khi anh ôm đàn guitar ngồi vào ghế trên sân khấu, cô mới trở lại chỗ ngồi của mình.
Ca sĩ của ban nhạc điều chỉnh vị trí micro giúp anh, sau đó đặt một chiếc micro ngang tầm với cây đàn guitar anh đang ôm.
Người xung quanh dần trở nên sôi trào lên hệt bình nước sôi khi Kinh Du xuất hiện.
Anh giơ tay đè micro ở trước mặt xuống rồi cong ngón tay gảy dây đàn.
Sau khi thử âm xong, anh ngẩng đầu nhìn về phía Hồ Điệp, không nói gì.

Ngón tay thon dài bắt đầu gảy nhẹ dây đàn, giọng hát trầm trầm vang lên.
“Khi thế giới này đã muốn vứt bỏ anh,
Tựa như một kẻ bệnh tật bị bỏ rơi cô đơn ở nơi hoang vắng.
Anh bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của bản thân chẳng có ý nghĩa,
Trong mắt người đời anh như trở nên vô hình.
Chẳng lẽ thất bại mãi không thể trở mình,
Ai đến cứu rỗi linh hồn đã gục ngã.
Mỗi lần trông thấy em, lòng bình tĩnh khôn tả,
Giống như con bướm bay qua đống hoang tàn.
Anh được sống lại và tìm về sự dũng cảm.”

Giọng hát của anh trầm hơn giọng nói chuyện bình thường, mang theo sự lưu luyến và dịu dàng.

Ánh đèn rực rỡ trên sân khấu chiếu rọi vào anh, làm nổi bật khuôn mặt điển trai của anh.
Xung quanh dần có những tiếng ồn ào.
Trong âm thanh ầm ĩ càng lúc càng lớn, Hồ Điệp cảm nhận được nhịp tim dồn dập của mình, hệt như sóng biển dâng trào kịch liệt, dao động không ngừng.
“Mỗi lần nhớ đến em,
Như nhìn thấy một con bướm bay qua đống hoang tàn trong ngày mưa.
Anh có thể gắng gượng, anh có thể quên đi quá khứ,
Chính em đã giúp anh tìm lại sự sống,
Yeah… Mỗi lần trông thấy em, lòng lại rạo rực niềm biết ơn,
Giờ đây anh đã thản nhiên đối mặt với chính mình,
Anh sẽ luôn quý trọng, sẽ luôn yêu em,
Em trong tim anh chẳng ai thay thế được,
Yeah em chính là người duy nhất…”
Ca khúc đến hồi kết thì nước trong bình cũng đạt điểm sôi, phát ra những tiếng kêu dồn dập, trong tiếng vỗ tay xung quanh xen lẫn những tiếng huýt gió.
Kinh Du không hề bị ảnh hưởng tẹo nào.

Anh dừng tay gảy đàn, ngón tay thon dài nhẹ nhàng đỡ micro, ánh mắt nhìn về vị trí nào đó dưới sân khấu, giọng nói thủ thỉ trầm ấm động lòng người.
“Có một con bướm vượt qua cả bãi bể nương dâu để đi đến một vùng biển, cô ấy muốn cứu chú cá voi bị mắc cạn và hôm nay là sinh nhật của cô ấy.”
“Chú cá voi muốn nói với cô ấy rằng, bướm nhỏ, em đã thành công rồi.”
Cơ thể Kinh Du không lay động, giọng dịu dàng vô bờ bến: “Sinh nhật vui vẻ nhé, Hồ Điệp của anh.”
Dưới sân khấu yên tĩnh vài giây, sau đó là những tiếng hoan hô không ngớt, không khí náo nhiệt vui vẻ.
Hồ Điệp ở cách đó không xa nhìn chàng trai đang ngồi trong ánh sáng ngời ngời.

Cô mỉm cười nhưng mắt dần đỏ hoe.
Cô hối hận rồi.
Không phải hối hận vì đã gặp anh, mà là hối hận vì không thể gặp anh sớm hơn.


Bình Luận (0)
Comment