Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1394

Cảnh tượng đó chỉ thoáng qua trong chớp mắt, nằm lại đằng sau cánh cửa gỗ đã khép.

Tôi cảm thấy lạnh đến phát run, không ngừng rùng mình. Cảnh tượng vừa nhìn thấy giống như chỉ là ảo ảnh, nhưng nỗi sợ hãi còn lưu lại bởi khoảnh khắc ấy thì lại vô cùng chân thực.

Ngần ngừ trước cổng hồi lâu, tôi vẫn không dám đẩy cửa vào xem. Trong lòng rất muốn đi vào, còn muốn sau khi vào thì phải tóm ngay cái gã ấy. Có điều thân thể không động đậy được, cứ giống như có ai đó đang ngăn tôi lại.

Hồi lâu, tôi mới lê bước chân rũ rượi đi về nhà.

Đoạn đường này cứ giống như mất rất nhiều năm mới đi hết.

Cảnh vật xung quanh đổi thay liên tục, tôi cảm thấy thân thể mình cũng có thay đổi. Tay tôi đang nắm lấy tay của một cô gái trẻ.

Tôi dẫn cô gái ấy vào trong tòa lầu dân cư, nhìn thấy bảng quảng cáo nhỏ đã bị mờ trên vách.

Cô gái mang đôi giày cao gót cất bước trên cầu thang gỗ, phát ra những âm thanh lộp cộp. Khiến cả gian cầu thang cũ kĩ cứ như lắc lư theo.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, mà gian cầu thang này lại trở nên như vậy.

Trước đây, hình như đâu có cũ đến thế này…

Đang suy tư thì mắt tôi đã nhìn thấy cửa nhà.

Tôi rút chìa khóa ra mở cửa, nghe thấy tiếng con nít hoan hô ở trong nhà.

“A… chú!” Một cái bóng bé xíu lao sầm về phía tôi, ôm lấy đùi tôi.

Tôi hơi ngửa người ra phía sau, đụng phải cô gái mà tôi đưa đến.

“Đừng chạy lung tung nữa! Con xem con kìa!” Trong nhà vang ra tiếng quát mắng. Một người phụ nữ đi ra, xấu hổ nhìn ra sau lưng tôi, rồi mở miệng cười đầy nhiệt tình: “Đây là Tiểu Hà đúng không. Vào trong đi! Cái thằng nhóc này, mê chú nó nhất đấy.”

Cô gái họ Hà ở sau lưng tôi khẽ cười mấy tiếng: “A Kiệt luôn được mấy bạn nhỏ yêu mến lắm ạ.”

“Đúng đó. Chú ấy cũng rất thích con nít. Ây da, em đến chơi là được rồi, còn mang quà cáp làm gì.” Người phụ nữ đưa tay đến kéo cô Hà, rồi nhận lấy túi đồ trong tay cô ta: “Không cần thay giày đâu, không sao, cứ đi cả giày vào cũng được. Mẹ ơi! Người ta tới rồi nè!”

Có một người từ trong nhà bếp đi ra, dùng chiếc tạp dề trên người lau tay, ngại ngùng nói: “Sao đến sớm thế? Mẹ còn chưa nấu ăn xong… Hôm nay ăn cá, có mua cả tôm nữa. Cũng không biết cháu thích ăn gì…”

Cả nhà ai nấy cũng nhiệt tình niềm nở, nhưng không được tự nhiên lắm.

Cô Hà thoáng tỏ ra mắc cỡ, nhưng cử chỉ và nói năng rất thoải mái, đáp lời rất lễ phép.

“Chú ơi, đây có phải thím nhỏ của cháu không vậy?” Đứa bé đang đu theo tôi nãy giờ ngẩng đầu lên nhìn cô Hà.

“Thím nhỏ cái gì, con còn có thím lớn à.” Mẹ của cậu bé mắng một câu.

Thằng bé chẳng sợ, cười hì hì, rồi đong đưa tay tôi: “Chú ơi, ngày mai cháu đi chơi xuân. Cháu vẫn chưa mua thức ăn cho ngày mai. Chú dẫn cháu đi mua nhá.”

Sự nũng nịu của đứa bé làm lòng tôi thấy ớn lạnh.

“Chơi xuân” – hình như tôi khá dị ứng với cái từ này.

Tôi đang có một cảm giác rất khó tả.

Nhưng thân thể thì đã nhanh hơn một bước, lập tức đồng ý ngay, còn hỏi cậu bé muốn mua gì.

Mẹ của cậu bé ngại ngùng nhìn cô Hà, rồi mắt chợt sáng lên: “Còn lâu lắm mới đến giờ cơm. Hay là tụi em đưa nó đi dạo một vòng đi? A Kiệt từ nhỏ lớn lên ở đây. Để chú ấy đưa em đi dạo một vòng. Chỗ này đi tới còn có công viên…”

“Chị dâu.” Tôi lúng túng kêu lên.

Cô Hà mỉm cười.

Ba người chúng tôi bị đẩy ra ngoài, trước lúc đi còn bắt phải nhận tiền nữa.

Chỉ có đứa bé là reo hò khoái chí.

Tôi liếc mắt nhìn cô gái.

“Anh trai của anh chắc vẫn chưa tan ca, lát nữa mới về. Gia đình chỉ có ngần đó người thôi.” Tôi tìm bừa một lý do để nói chuyện.

Còn tâm tư vẫn đang luẩn quẩn chuyện chơi xuân.

“Chú ơi, khi nào chú kết hôn với thím vậy?” Đứa bé một tay nắm tay tôi, tay kia nắm tay cô Hà, mặt cười rạng rỡ hỏi, giống như đang nói đến một chuyện gì đó mà mình rất thích thú.

“Thằng bé này.” Tôi cốc nhẹ lên đầu nó, mặt chợt nóng ran.

Cô Hà cũng đang đỏ mặt.

“Mẹ cháu nói, gặp mặt thím rồi, thì chú sẽ sửa soạn kết hôn. Sau khi kết hôn, chú sẽ có em, thế có còn thương cháu nữa không?” Đứa bé lại hỏi, chợt há miệng ra, hình như vừa nhớ ra chuyện gì đó, quay qua nhìn cô Hà: “Cháu cũng sẽ thương em lắm, thương hơn cả chú nữa cơ.”

Cô gái phì cười, xoa đầu cậu bé: “Ừ, dì cũng sẽ thương cháu, thương chú của cháu nữa.”

Đúa bé lập tức tỏ ra phấn khởi hẳn.

Đưa nó đi siêu thị, mua một đống đồ linh tinh, rồi đi mua thêm bánh mì, ba chúng tôi mới quay trở về.

Kế đó thì bữa cơm tối và những lời trò chuyện đều rất mơ hồ.

Tôi tiễn cô Hà về, khi trở lại thì mẹ kéo lấy tay tôi nói về chuyện của cô ta.

Tôi nằm trên giường trăn trở, hồi lâu mà vẫn không ngủ được.

Những cảm xúc lâng lâng và ngọt ngào của tình yêu hình như cách tôi rất xa. Chúng thực sự hiện hữu, nhưng lại có một bức màn ngăn cách nào đó khiến thôi chẳng thể thấy vui sướng trọn vẹn.

Tôi cảm giác có chuyện sắp xảy ra.

Đến lúc tôi thiếp đi, thân thể tuy chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng tinh thần vẫn đang thấp thỏm.

Tôi cảm thấy có ánh mắt ai đó đang nhìn mình.

Xét về vị trí, thì ánh mắt ấy xuất phát từ ngay phía trước của chiếc giường. Nhưng chiếc giường mà tôi đã chiếm toàn bộ mặt vách, đầu giường và thân giường đều kê sát vách. Chỗ đó không thể nào có người được. Cũng không thấy có ai đang đứng ở cuối giường của tôi.

Tôi cảm thấy nổi da gà, muốn mở mắt ra xem, nhưng không tài nào mở ra được.

Trong tiếng lật sổ sột soạt, tôi nghe thấy tiếng hơi thở của một người khác.

Lát sau, tiếng lật sổ mới dừng lại.

“Đồ Tử Dương, 5 giờ 30 phút ngày 19 tháng 4 năm 1992, gặp tai nạn giao thông.”

Tôi nghe thấy giọng đọc khô cứng không chút tình cảm đọc ra đoạn thông tin ấy, thì sống lưng liền vã mồ hôi lạnh.

Đồ Tử Dương chính là tên của cậu bé đó. Còn ngày 19 tháng 4 năm 1992 chính là ngày mai, ngày cậu bé đi chơi xuân.

Hoang mang và sợ hãi xen nhau trào dâng trong lòng tôi, khiến tôi càng muốn mở mắt ra hơn.

Giọng nói đó vẫn tiếp tục: “Cậu Triệu cứ yên tâm. Tôi sẽ hoàn thành giao dịch của chúng ta.”

Lần này, trong giọng điệu mang theo tiếng cười vui sướng kì dị. Tiếng cười ấy không phải xuất phát từ niềm vui, mà nó ẩn chứa ác ý.

Tôi giống như đang gặp phải ác mộng.

Không tả được nội dung của ác mộng, mà chỉ cảm thấy vô cùng sợ hãi. Tôi rất muốn tỉnh giấc nhưng không thể nào làm được.

Mãi đến lúc tiếng chuông báo thức “reng reng…” vang lên, tôi mới mở bừng mắt ra.

Mồ hôi lạnh từ trên trán chảy dài xuống.

Tôi thở hồng hộc, tiếng chuông báo thức kêu chát chúa bên tai, đầu óc đau nhói.

Tôi còn nhớ những lời nghe thấy trong giấc mộng, nhưng tư duy của tôi lại mất tự chủ, chỉ mải nghĩ đến chuyện dẹp bỏ nỗi sợ hãi trong lòng.

Tôi tắt chuông báo thức, ngồi dậy trên giường, phải mất một hồi lâu đầu óc mới tỉnh táo trở lại.

Tôi nhảy xuống giường, chạy ra phòng khách, nhấc điện thoại lên gọi đi ngay.

Cánh cửa phòng bên cạnh cũng đã mở, mẹ tôi lo lắng đi ra, đôi mắt đỏ hoe giống như vừa khóc xong.

Đầu tôi giống như vừa lóe lên ánh chớp, lập tức hiểu ra chuyện gì đó.

Cuộc gọi vẫn chưa thực hiện được, đầu dây bên kia đang bận. Tôi đành gác máy, đợi một lát rồi gọi lại.

Tôi và mẹ đưa mắt nhìn nhau.

“A Kiệt à… Dương Dương… Dương Dương nó…” Mẹ tôi vừa nói vừa ứa nước mắt.

Tim tôi giống như bị ai đó đấm cho một đấm.

“Mẹ, hình như mẹ cũng… có phải mẹ cũng đã gặp cái người đó không? Ký tên…”

Mẹ tôi trợn to mắt lên.

Đã mấy năm trôi qua, tôi vẫn con nhớ cái người ngoại quốc kì lạ đó, còn nhớ cái tên mà mình đã ký bằng bút lông ngỗng.

“Mẹ gọi ngay cho anh chị đi!” Tôi đang định phóng ra khỏi nhà, thì bị mẹ ngăn lại.

“Đừng vội, đừng vội. Con thay đồ đàng hoàng, rồi chạy qua chỗ đó xem thử. Dương Dương đã đến trường từ lúc 4, 5 giờ sáng. Bây giờ chắc chắn đã xuất phát rồi. Không kịp đâu…” Lúc này, vẻ mặt mẹ tôi vô cùng cứng rắn, bình tĩnh hơn hẳn một người trẻ tuổi như tôi.

Tôi đồng ý, trở lại phòng thay đồ thật nhanh, rồi phóng ra khỏi nhà.
Bình Luận (0)
Comment