Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1507

“Hiện tại cơ bản chúng tôi đã chắc chắn được con chó nguy hiểm đó là thú cưng của chủ nhân đầu tiên ở căn hộ thuộc tầng 11.

Chắc là nó đã chết ở dưới quê của chủ nhà.

Sau đó phát sinh chút biến đổi, hồn ma của nó đã quay lại khu dân cư này.

Tiếng chó sủa mà chị Khâu nghe thấy cho đến cái chết của con chó ở tầng 11, chắc hẳn đều do nó gây ra.

Ở giữa có lẽ vì sự xuất hiện của con chó Pug đã kích động nó, khiến cách thức cư xử của nó biến đổi, làm cho nó có thể rời khỏi căn hộ ở tầng 11, đi lại tự do trong khu, thậm chí là rời khỏi khu dân cư.”

“Thế… ngoại trừ cắn chết con chó khác, có khi nào nó tổn hại con người không?”

“Cũng có khả năng này.”

“…”

“Bây giờ điều chúng ta cần làm là tìm cách bắt được nó.

Chúng tôi đang liên lạc với chủ đầu tiên của căn hộ, chuẩn bị xuống quê của anh ta để điều tra.

Nếu tìm được xác của con chó thì quá tốt.

Còn ở khu dân cư này, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên theo dõi.

Nếu có thể trực tiếp tìm ra hồn ma của nó, giải quyết dứt điểm chuyện này, thì sẽ tiện hơn rất nhiều.”

“Vâng.

Được rồi.

Thế chuyện của con trai chúng tôi…”

“Anh đừng lo.

Tôi sẽ để lại một số bùa hộ thân, có thể bảo vệ con trai anh an toàn.”

“À, thế thì tốt quá.”

Ngày 18 tháng 1 năm 2001, đến huyện Ngọc Hà, quê của Đường Anh Hùng.

File ghi âm 00120010118.wav.

… Rè rè rè… … “Chào ông, bí thư chi bộ Hướng.”

“Ôi chao, không cần khách sáo như vậy.

Cứ gọi tôi một tiếng Lão Hướng là được rồi.

Ở trong thôn, người lớn tuổi thì gọi tôi là Tiểu Hướng, lớp trẻ thì gọi là Lão Hướng.

Bí thư gì mà bí thư chứ, tôi chỉ là người phục vụ cho toàn dân trong thôn thôi.”

“Vâng ạ.

Là như vậy, chúng tôi cũng chỉ thăm dò được thông tin từ nơi khác, nghe nói trong thôn có một số tập tục đặc biệt.

Chắc ông cũng đã biết hiện nay trong thành phố có rất nhiều người nuôi chó, việc nuôi chó làm thú cưng đã khá phổ biến.

Người thành phố còn học theo nước ngoài, xem chó như người trong gia đình mình.”

“Ừ, biết chứ.

Trước đây ở trong thôn tôi cũng có một người.

Học hành giỏi giang, lên thành phố kiếm việc, lấy vợ trên đó.

Cậu ta đã mua một con chó cho vợ của mình.

Đắt lắm.

Đồ ăn, đồ uống cho chó, còn tốn hơn chúng tôi nuôi bọn trẻ nữa.”

“Ồ? Cũng có chuyện như thế sao?”

“Chứ còn gì nữa!”

“Thế người trong thôn nghĩ thế nào?”

“Giàu mà, làm gì chẳng được.

Ha ha.

Thật ngại quá.

Chuyện là vậy, trong thôn chúng tôi nuôi chó là để coi nhà giữ vườn.

Trước còn dùng để đi săn nữa cơ, nhưng giờ thì hết rồi.

Chó chỉ dùng để trông nhà, canh chừng trộm này nọ.

Mà thực ra cũng chẳng có nhiều trộm đâu.

Trái lại trẻ con thì nghịch lắm, đôi khi cũng có phá phách chút chút.

Chó sủa này nọ thì biết ngay là có người vào.

Hằng ngày thường cột trong sân, hoặc ngoài cổng.

Còn những con khôn thì cứ thả cho nó chạy rông.

Cũng có một số chó hoang.

Hầy, phiền lắm.

Còn biết trộm đồ nữa cơ.”

“Vâng.

Vừa rồi chúng tôi có nói, ở đây có phong tục đặc biệt.

Có phải chỗ các ông không để chó chết trong nhà không?”

“Đừng nói là chó, người cũng không được.”

“Hả?”

“Bị bệnh không được để chết trong nhà.

Bằng không bệnh khí sẽ lưu lại trong nhà đó.

Có điều cũng chỉ là tập tục cũ thôi.

Bây giờ thoáng rồi, nếu thấy không khỏe thì đưa đến bệnh viện là được.

Nằm trong bệnh viện, có khi chết luôn trong ấy.

Cũng xem như một biện pháp giải quyết khác rồi.”

“… Mạn phép được hỏi, nếu gặp phải tình huống đó các ông sẽ xử lý thế nào ạ?”

“Hả? À, ý cô là… người bị bệnh ấy hả?”

“Vâng.”

“Chuyện này thì cũng bình thường thôi mà.

Thôi chết! Đồng chí phóng viên hiểu lầm rồi.

Nếu người bị bệnh là cha mẹ ruột của mình, thì đâu thể nào vứt ra ngoài được đúng không? Chỉ là có cái cách nói như thế thôi.

Nếu có người chết trong nhà, lưu lại bệnh khí, thì phải mời thầy đến tụng kinh này nọ.

Chôn xong, còn phải mời mọi người đến làm một bữa rôm rả để xua đuổi bệnh khí đi.

Chỉ vậy thôi.

Không phải mấy chuyện tào lao vô đạo đâu.”

“Thế chó thì sao ạ?”

“Chó thì không rườm rà như thế.

Chỗ chúng tôi, chó không phải thú cưng, không phải nuôi để chơi.

Cho nên ấy hả, một số thì mang ra ngoài.

Sau thôn có cái đồi, vứt ở đó.

Thường thì mang đến đó.

Chết ở trong núi, đó là… Nói sao ta… Hầy, tóm lại là ý như vậy đấy.

Đây là chuyện tốt mà.

Người chết rồi, cũng phải đem đi chôn mới an ổn được.”

“Vâng, cũng có nghĩa là các ông sẽ đem con chó ra ngoài trước.

Nếu có chó chết trong nhà, thì sẽ ứng phó thế nào?”

“Cũng chẳng có gì...

thì đem lên núi vứt, rồi quét dọn nhà cửa là xong.

Đâu thể vì một con súc vật, mà mời người đến uống rượu dùng cơm được, đúng không?”

“Vừa rồi ông có nhắc đến ở đây đã có một người nuôi chó làm thú cưng.

Chuyện đó là thế nào ạ?”

“Thì lúc nãy tôi đã nói rồi đó.

Dọn lên thành phố, cưới vợ trên ấy, vì vợ nên mới phí tiền vô bổ.

Chậc, nếu cho tôi nói… thì thực sự quá phung phí.

Người thì nuôi chả xong.

Mang thai cũng bị hỏng.

Ấy vậy mà còn đòi nuôi chó.

Chậc chậc… Mà nuôi chó họ cũng chả nuôi tốt.

Trong thôn đầy chó cũng đâu có lắm chuyện như vậy.

Họ nuôi một con mà chảnh lắm… Nghe nói ngày nào cũng sủa, không vâng lời.

Không vâng lời thì đánh một trận, lì nữa thì bỏ đói là vâng lời ngay.

Họ cũng vậy nữa, lúc thấy ngoan ngoãn thì chiều chuộng, cho ăn uống ngon lành, còn không dám động đến cái móng tay.

Đến lúc thấy phiền quá rồi, thì vứt trở lại đây.

Con chó đó, lúc xưa mới sinh đẹp lắm.

Một ổ những mấy con, có nó là có màu vàng kim rực rỡ.

Lúc đưa về lại, vừa nhìn đã thấy nhếch nhác lắm rồi, còn nhếch nhác hơn cả chó trong thôn.

Bảo là ít khi được tắm.

Con chó to đến thế, một người là đè không nổi, không tắm rửa gì được, lâu rồi không được tắm.”

“Sau đó thì sao ạ?”

“Sau đó cột ở chỗ cha mẹ cậu ta.

Sủa liên hồi, không chịu ăn uống.

Cơm thừa canh cặn là không chịu ăn, hất đổ cái thau thức ăn ngay.

Bị đánh một trận, đói rồi mới chịu vâng lời.

À, mà con chó ấy có vẻ không lành.

Ánh mắt nó không hiền.

Không phải tôi nói bừa đâu, trong thôn lắm chó mà, tôi có phải thấy ít đâu.

Những con chó khôn, khi sắp chết là tự cắn dây, chạy vào trong núi, không chuốc phiền cho chủ.

Bắt được trộm thì cắn hoài không nhả, đánh cách nào cũng không nhả.

Đó mới là chó khôn.

Còn con đó không phải vậy.

Chẳng khác gì mấy con chó hoang hay ăn trộm đồ.

Trong đám chó hoang, cũng có con ngoan con dữ.

Có những con toàn cụp đuôi, lúc nào cũng lén lén lút lút.

Có con thì cứ như chó điên.

Con chó đó đúng là một con chó điên đấy.”

“Nó đã làm gì?”

“…”

“Bí thư Hướng?”

“À, chuyện này… Vốn dĩ tôi không muốn nói đâu… Chuyện này, tôi cũng không biết có thật hay không nữa.”

“Lúc chúng tôi biên tập bài viết, có rà soát tư liệu.

Một số nội dung cũng sẽ được chỉnh sửa lại, để đảm bảo quyền riêng tư của đương sự và người được phỏng vấn.”

“À, à… Chuyện đó… nói sao nhỉ… thì con chó đó bị đưa trở lại đây, chắc là… nửa năm hay mấy tháng gì đó… Đã qua một thời gian cũng ngoan rồi.

Chịu ăn cơm thừa, cũng không dám sủa bậy nữa.

Nhưng vẫn còn ốm tong, thấy cả xương.

Tôi thì thấy xương con chó đó không tốt.

Nhà họ Đường thì không hề để ý.

Có người đến chơi dẫn con theo, bà vợ lão Đường ngồi trò chuyện với người đó, còn đứa con chạy ra ngoài chơi với chó.

Sau đó không ai rõ chuyện gì.

Đột nhiên đứa bé khóc um lên, hai người phụ nữ mới chạy ra xem.

Thằng bé nằm ngửa trên đất, con súc vật đó thì đang đè bên trên.

Đứa bé bảo con chó xô nó.

Cho tôi nói một câu công bằng nhé.

Cái thằng bé đó cũng nghịch thôi rồi, thường làm mấy cái chuyện vặt lông gà, giật đuôi chó lắm.

Trước đó cũng đã từng bị gà mổ, chó cắn rồi đó chớ.

Chuyện này ấy hả… vợ lão Đường đã đánh con chó đó mấy cái.

Con chó cũng chẳng dám sủa lại.

Nhưng sau đó nữa… chắc hai hôm sau đấy, thì thằng bé đó bị… bị cắn chết đấy…”
Bình Luận (0)
Comment