Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1586

“Thân Minh Tu và Thân Minh Nghĩa đúng không?”

“Hình như là hai cái tên ấy. Tôi không nhớ rõ lắm… Hai người con trai, con cả là Thân Minh Tu, là tổ tiên của một nhánh bên họ ngoại tôi, còn người em Thân Minh Nghĩa là tổ tiên của nhánh còn lại. Mẹ tôi bảo, có lẽ do chết quá nhiều con gái, nên bên phía Thân Minh Nghĩa không được tốt lắm. Có một chuyện này, không biết mẹ tôi được nghe các cụ kể lại hay nghe từ đâu đó… Đấy là lần mang thai ấy, thực ra là thai song sinh, ngoài Thân Minh Nghĩa còn có một bé gái nữa. Đứa bé gái ấy vừa ra đời, thì người ông nội của ông nội đó của bà ấy vô cùng tức giận, người đỡ đẻ vừa ôm bé gái ra cho ông ấy xem, thì ông ấy lập tức vứt đứa bé xuống đất, rồi đứa bé tắt thở.”

“Đứa bé đã chết?”

“Đúng, chắc là chết như thế đấy. Câu chuyện này được lưu truyền rất lâu.”

“Thế, Thân Minh Nghĩa thì sao?”

“Thân Minh Nghĩa lúc đó vẫn còn trong bụng mẹ. Bà đỡ sợ quá, hơi… chắc chuyện này là người đời sau đã thêm mắm dặm muối. Lúc kể lại chuyện này, mẹ tôi cũng kể bằng giọng điệu ấy. Một số người trong nhà chắc hẳn đều cho rằng, vị tổ tiên đó cực kỳ trọng nam khinh nữ, thai đôi mà lại sinh ra đứa bé gái trước, ông ấy không biết trong bụng vẫn còn một đứa nữa, sau khi xảy ra chuyện kinh hoàng ấy, thì cả bà đỡ lẫn sản phụ đều đã phát hoảng. Thân Minh Nghĩa bị kẹt lại trong bụng khá lâu. Lúc mẹ tôi kể cho tôi nghe chuyện này, còn nói sản phụ khi ấy muốn khóc mà không dám, sợ đến mức toàn thân run như cầy sấy. Bà đỡ thì ghét dính vận đen, nên cũng chẳng khách sáo nữa. Có thể nghe thấy tiếng vị tổ tiên đó chửi bới vợ mình từ ngoài sân vọng vào, cũng có thể không phải đang chửi người vợ đang đẻ, điểm này tôi cũng không rõ lắm. Trong phòng, bà đỡ cũng không ngừng quát tháo. Giày vò cả buổi trời, Thân Minh Nghĩa mới ra đời, sức khỏe rất yếu. Vị tổ tiên ấy lại nghĩ đứa bé gái ấy đã bắt nạt Thân Minh Nghĩa lúc ở trong bụng, nên càng tức giận hơn và cũng đau lòng Thân Minh Nghĩa, yêu quý Thân Minh Nghĩa hơn. Thân Minh Tu, tổ tiên bên nhánh chúng tôi cũng vì thái độ ấy của cha, mà đã được giáo dục từ nhỏ là phải chăm lo cho em trai, vì chỉ có mỗi mình đứa em trai này. Vì thế ông ấy cũng rất cưng chiều Thân Minh Nghĩa.”

“Vâng.”

“Sau đó Thân Minh Nghĩa sinh được một đứa con trai, trong nhà vô cùng mừng. Nhưng đứa con ấy đến tuổi kết hôn, lại lâm bệnh rất nặng, hình như là lao phổi, rất ốm yếu, muốn kết hôn này nọ đều không được. Lúc ấy trong nhà lại một phen lo sốt vó.”

“Người đó tên là Thân Trường Thọ?”

“Đúng, đúng là cái tên ấy đấy. Mẹ tôi bảo rõ là oan nghiệt. Đứa bé gái trong thai song sinh ấy đã chết như vậy, còn sức khỏe Thân Minh Nghĩa lại rất kém, chỉ kịp để lại đứa con trai rồi chết ngay. Vợ ông ấy ở lại trong nhà họ Thân, chắc phải thủ tiết thờ chồng… Trong nhà lớn bé cũng đều vô cùng cưng chiều Thân Trường Thọ. Chuyện này cũng không phải không có ai oán trách. Thân Minh Tu… nói như vậy thì khá là bất kính, nhưng đúng là ông ấy có hơi “ngu hiếu”, từ nhỏ đã được dạy là phải chăm lo cho em trai, để nối dõi tông đường. Khổ nỗi vợ ông ấy không nghĩ vậy, cả con ông ấy cũng không phải mẫu người như thế. Một người đàn ông trong gia đình, lại thương cháu hơn cả con ruột, thì bảo ai mà không trách.”

“Vâng. Nói vậy nghĩa là thực ra hai gia đình cũng không được thuận hòa lắm ư?”

“Cũng không đến nỗi. Nhưng xích mích, mâu thuẫn lặt vặt diễn ra không dừng. Theo mẹ tôi được biết thì ngày xưa bà nội của bà ấy vẫn thường xuyên oán trách gia đình nhánh bên kia, bảo là họ đã nuốt hết tài sản gia tộc, còn thốt lên những lời độc ác, kiểu như tại nhà đó tạo nghiệt, nên mới đoản mệnh, tuyệt mất nòi giống.”

“Vâng. Vừa rồi ông có nói trước khi kết hôn Thân Trường Thọ đã lâm bệnh nặng.”

“Đúng. Thời đó còn mê tín lắm, đi mời thầy bói, nhảy đồng, uống nước bùa… Đây là thuật lại lời của mẹ tôi thôi, chứ cụ thể đã làm gì, thực ra chắc bà ấy cũng không rõ đâu. Gia đình cũng đã nghĩ đến chuyện xung hỉ rồi. Lúc đó bà cố của tôi cũng được gọi qua để lo liệu việc cưới hỏi. Theo lời của mẹ tôi, thì đây cũng là đề tài để bà cố oán trách cho con cháu sau này nghe. Lúc đó bận bịu tối tăm mặt mũi, chuẩn bị đâu vào đó cả rồi, thì cậu của Thân Trường Thọ nhảy ra bảo không được, ông thầy bói mà họ mời bảo không được. Thế là hôn sự bị đình trệ, chuyện khám bệnh cho Thân Trường Thọ cũng bị đình trệ. Đến khi mọi chuyện được định đoạt êm xuôi, thì bắt Thân Trường Thọ nhận thân trước đã, nghĩa là nhận một người cậu có họ hàng rất xa làm cha nuôi. Mà người cậu ấy chỉ là một đứa bé mới ra đời thôi… Phía bà cố ngoại của tôi vô cùng bất bình vì chuyện này. Vì chuyện nhận cha con nuôi này vụng trộm đó, vị tổ tiên kia chắc hẳn đã dành cho phía ngoại của Thân Trường Thọ không ít lợi lộc, chắc chắn đã bỏ tiền ra và cả những món lợi khác nữa. Phương diện này…”

“Có gì thì ông cứ nói thẳng đi.”

“Chỉ là một suy đoán thôi. Tôi cũng có nghe được chuyện sau đó, nên mới có suy đoán này. Lúc đó là thời chiến loạn mà, đang điều binh trưng lương. Phía bên này của gia đình tôi ắt hẳn có quan hệ gì đó, còn cụ thể thế nào thì tôi không rõ. Nhưng bên phía ngoại của Thân Trường Thọ, cậu ruột của ông ấy đã nhập ngũ, vừa vào đã lên ngay chức tiểu sĩ quan. Điều này có thể khẳng định. Đây có lẽ là điều khiến gia đình tôi bất mãn nhất. Đúng lý ra con đường tiến thân này là của ông cố tôi chứ, tuổi tác thích hợp, tố chất sức khỏe thích hợp. Nhưng cuối cùng lại rơi vào tay bên thông gia vốn chẳng xứng đáng gì cả… Những chuyện tương tự như vậy, có lẽ vẫn còn rất nhiều. Mâu thuẫn cứ thế tích lũy dần. Cái kiểu bất công này… vẫn thường thấy trong những gia đình đông con.”

“Vâng.”

“Đại khái là vậy đấy. Thân Trường Thọ nhận cha nuôi, sau đó kết hôn, sinh được một trai một gái. Sức khỏe có tốt hơn cha của ông ấy, nên sống thọ hơn một chút. Nhưng giai đoạn ấy cụ tổ tiên lớn nhất đã qua đời và hai nhà đã tách ra. Mà chuyện phân chia tài sản chắc cũng khá bất công. Cụ thể bên trong như thế nào thì tôi không rõ, mẹ tôi cũng thế. Chỉ nghe nói là cụ tổ tiên ấy đã lén nhét cho Thân Trường Thọ không ít đồ, Thân Minh Tu cũng có trợ cấp thêm. Sau khi tách ra, Thân Minh Tu vẫn rất quan tâm chăm sóc đứa cháu này.”

“Vâng.”

“Sau đó nữa, là chuyện hôn sự của con trai Thân Trường Thọ. Ông ấy chắc tên là Thân An Khang. Có lẽ do lúc Thân Trường Thọ sinh ông ấy ra, thì cũng là lúc phát bệnh nặng, cho nên sức khỏe của Thân An Khang có vấn đề. Ba đời vợ, chưa kể những người vô danh vô phận đi theo ông ấy, nhưng đều không có được đứa con nào. Vì chuyện này mà cũng đã phát sinh xung đột gia đình. Người bên nhánh của chúng tôi bị gọi qua bên ấy để làm chứng, giúp cha con Thân An Khang cãi vã, đánh nhau với người ta. Nhưng thực ra chuyện này đâu có liên quan gì đến gia đình bên phía tôi đâu. Sau đó cũng đã lòi ra, đích xác là do thân thể Thân An Khang. Bà ngoại tôi hay họ hàng nào đó còn có lòng tốt khuyên can, bảo hai vợ chồng Thân Trường Thọ đưa hai vợ chồng son kia đi khám bệnh thử, không sinh được con cũng đừng có vội. Ấy vậy mà họ chẳng những không biết ơn, còn quay lại chửi. Chuyện này thực sự cũng rất là đáng trách.”

“Lúc đó họ có từng làm chuyện gì đó để cầu tự không?”

“Thắp hương lễ Phật đều có đủ, vốn dĩ thời ấy rất mê tín mà. Đời vợ đầu tiên của ông ấy bị giày vò hành hạ dữ lắm, phải bỏ về nhà mẹ. Hai gia đình sau đó mới xảy ra xung đột. Mấy đời vợ sau đó thì đã không còn là dạng dễ ăn hiếp nữa. Em gái của Thân An Khang cũng coi như là hoán thân*, nên mới tìm một người vợ mới dễ sinh đẻ cho ông ấy, nhưng rốt cuộc vẫn không có thai. Tóm lại, nghe mẹ tôi kể thì khi các họ hàng thân thích nhắc đến chuyện gia đình họ, đều bảo do giống nòi không tốt. Nhắc đến Thân Minh Nghĩa, Thân Trường Thọ thì đều bảo do tạo ác quá nhiều. Phía nhánh bên này của chúng tôi thực ra cũng không thể xem như con đàn cháu đống gì. Tuổi thọ bình quân thời ấy còn khá thấp, trình độ trị liệu chưa đủ, lại gặp phải chiến tranh. Gia đình tôi kể ra cũng còn khá, chưa có ai chết đói, nhưng vẫn có không ít trẻ con chết yểu, người thân bệnh chết.”

*Hoán thân: hai họ cưới con gái nhau làm dâu.

“Vâng. Theo chúng tôi được biết, thì cuối cùng Thân An Khang đành phải nhận một người con trai để nối dõi.”

“Đúng là vậy. Đứa con được nhận thừa tự ấy… Chuyện này cũng là cái gai trong lòng bà cố tôi, bà ngoại tôi và cả mẹ tôi nữa… haizz…”
Bình Luận (0)
Comment