Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 65

Sau khi Quách Ngọc Khiết nghe xong câu chuyện cảm thấy rất bi phẫn, lại tuôn ra thao thao bất tuyệt những câu chửi thề tục tĩu.

Hồi còn học đại học cô ấy nổi tiếng bởi sức mạnh phi thường và khả năng chửi thề dữ dội. Có một lần khi cô ấy và người bạn trở về phòng ngủ lúc nửa đêm, trên đường đi bị một tên biến thái tấn công, cô ấy vừa đánh vừa chửi làm cả ký túc xá đều giật mình thức giấc, suýt chút nữa còn thủ tiêu luôn người kia.

Sắc mặt của Tí Còi và Gã Béo cũng cực kỳ khó coi.

Ai cũng không ngờ rằng ở nơi rất gần với mình như vậy lại có hai tên tội phạm sát nhân liên hoàn đang ẩn mình.

Tôi vẫn chưa kể cho họ nghe thứ mà tôi phát hiện, sợ rằng sẽ càng khiến mọi người thêm hoảng loạn. Bây giờ tôi rất hoảng, cũng không còn hứng thú xem mấy tập hồ sơ của Thanh Diệp để trên bàn.

Cũng may buổi tối chính là buổi họp phụ huynh của em gái, điều này giúp chuyển hướng sự chú ý của tôi.

“Hôm nay tôi về sớm.” Tôi nói với bốn người họ, “Tối nay em gái tôi có buổi họp phụ huynh.”

“Vâng. Vậy em cũng về sớm, đi thăm ông Vương và Vương Tuệ.” Quách Ngọc Khiết không mắng nhiếc nữa mà nói với một sự cảm thương.

“Em cũng đừng tới làm phiền nhà người ta nữa.” Tôi nói, “Em rảnh thì nói việc này với Hà Quyên, Trịnh Hân Hân nhé.”

Quách Ngọc Khiết gật đầu.

Tí Còi và Gã Béo hôm nay cũng không đến thôn Sáu Công Nông nữa.

Văn phòng hôm nay cực kỳ ngột ngạt, mọi người đều mải miết làm việc, cố gắng tìm Diệp Thanh và Lưu Miểu.

Buổi chiều tôi về nhà trước để ăn cơm sớm. Cha mẹ ở bên cạnh than thở, nói rằng bản thân già rồi bị cho sang rìa. Tôi dở khóc dở cười, cúi đầu ăn cơm không nói gì. Chuyện này để em gái lo liệu. Quả nhiên, cái miệng ngọt hơn đường của em gái làm nũng với cha mẹ khiến họ đã vui vẻ trở lại.

“Con còn không mau đi? Đừng tới trễ đó.”

“Cô giáo nói gì con phải ghi nhớ kỹ, chăm chú nghe vào.”

Cha mẹ tống tôi đi.

Mây mù trong lòng tôi cũng đã tan đi không ít.

Nơi em gái tôi học là một ngôi trường cấp ba trọng điểm trong thành phố, tuy không nằm trong top 10 trường trọng điểm của cả thành phố nhưng cũng là một ngôi trường rất tốt, tỷ lệ lên lớp vô cùng xuất sắc. Dựa vào thành tích của em gái thì cơ bản không có vấn đề gì, chỉ cần xem chọn trường nào thôi.

Họp phụ huynh 8 giờ, tôi tới sớm nửa tiếng nhưng trong phòng học đã có không ít người tới ngồi. Chủ nhiệm lớp bị vài phụ huynh vây quanh để trả lời nhiều vấn đề.

Trong nhóm phụ huynh hơn bốn mươi người này trông tôi là trẻ tuổi nhất. Lúc này mọi người đều đặt sự chú ý vào Chủ nhiệm lớp, chứ không ai để mắt tới tôi.

Tôi đứng bên ngoài đám đông đang vây quanh Chủ nhiệm lớp để nghe cô nói.

“… Nội dung trên lớp rất căng nhưng cũng không thể lơ là tiết ngoại khoá. Giáo trình môn học trên lớp là chính, cần phải cân nhắc đến trình độ của tất cả học sinh. Nếu như có điều kiện, vẫn nên phải có một lớp nhỏ hoặc phụ đạo một kèm một với những bài huấn luyện, tập trung như vậy càng có thể nâng cao thành tích. Cái này thuộc về phạm vi bù khuyết, chứ giáo trình trên lớp là ôn tập tổng thể, không thể bé xé ra to…”

Tôi nghe cả buổi giống như có cảm giác được trở về thời đi học.

“Được rồi, thời gian cũng tương đối rồi, các vị phụ huynh xin mời ngồi, buổi họp phụ huynh sắp sửa bắt đầu.” Cô Chủ nhiệm nhìn vào chiếc đồng hồ trên tay, rồi ngẩng đầu lên chú ý vào gương mặt lạ lẫm có phần đặc biệt trẻ trung như tôi, “Anh là…”

“Tôi là anh của Lâm Vân.” Tôi nói với cô Chủ nhiệm.

“Ơ. Cha mẹ cô bé có việc bận gì sao?” Cô Chủ nhiệm khẽ nhíu mày.

“Vâng, có một chút chuyện.” Tôi không giải thích quyết định của gia đình.

Nếp nhăn giữa đôi hàng lông mày chứng tỏ cô ấy đang không hài lòng. Cô ấy chỉ cho tôi chỗ ngồi của em gái, còn đặc biệt hỏi một câu: “Buổi họp phụ huynh lần này rất quan trọng, có nhiều việc cần phải ghi chép lại.”

Tôi gật đầu, mỉm cười tỏ ý cảm ơn lời nhắc đầy thiện ý của cô giáo. “Tôi có đem điện thoại.” Ghi âm, ghi chú gì đều được.

Vừa nhìn đã thấy phụ huynh các nhà khác đều chuẩn bị rất nhiều dụng cụ: chiếc laptop siêu mỏng, máy tính bảng, bút ghi âm… toàn là những thứ chuyên nghiệp và hợp mốt. Tôi còn nhìn thấy chiếc Macbook mới nhất, lại thấy người dùng chiếc laptop đó là một người cha râu ria xồm xoàm. Tôi cảm nhận được hàng vạn sự tổn thương. Rốt cuộc ai mới trẻ hơn ai?

Chủ nhiệm lớp không nói thêm lời nào.

Buổi họp phụ huynh bắt đầu, trước tiên cô giới thiệu qua nội dung của buổi họp lần này, giải thích các kỹ xảo để báo danh tuyển sinh đại học, tỷ lệ chọi, chọn chuyên ngành. Sau đó giáo viên môn chính sẽ giới thiệu cho mọi người kế hoạch ôn tập của lớp 12.

Tôi và mấy phụ huynh khác đều tập trung ghi âm, ghi ghi chép chép đến đổ cả mồ hôi.

Học sinh lớp 12 không thoải mái, phụ huynh lớp 12 cũng không thoải mái. Tôi như đang nghe thấy những sự việc đã từng diễn ra trong quá khứ, có chút phập phồng bồi hồi.

“Thưa cô,” Một phụ huynh ở trước mặt giơ tay, “Nóng quá rồi, có thể mở cửa sổ được không?”

Cô Chủ nhiệm đang phát biểu cũng vừa lấy tay lau mồ hôi trên cổ, gật gật đầu nói, “Được, mở hết cửa ra đi.”

Vị phụ huynh ngồi gần cửa sổ cũng toàn thân nhễ nhại mồ hôi. Trước đó đại khái là do sợ mở cửa sẽ làm ồn ảnh hưởng đến cô Chủ nhiệm nên mới cố gắng nhịn. Bây giờ nhân lúc cô dừng phát biểu mới không thể chờ đợi thêm mà kéo mở ngay cửa sổ.

Tôi và mấy người khác cũng vô thức nhìn về hướng cửa sổ.

Trong phòng học đèn sáng rực rỡ, bên ngoài một mảng đen kịt, vì vậy tấm kính cửa sổ như trở thành gương soi, có thể phản chiếu hình dáng của cả lớp học.

Bất chợt tôi nhìn thấy một người đang đứng ngay cửa phòng học, làm giật thót cả tim. Sau khi nhìn kỹ mới thầm oán trong lòng: Các thầy cô đúng là ngàn năm vẫn không thay đổi thói quen, khi học sinh lên lớp họ cứ thích len lén đứng bên ngoài quan sát. Bây giờ họp phụ huynh cũng có lãnh đạo nhà trường tới giám thị. Lúc còn học cấp ba tôi đã bị thầy hiệu trưởng tóm thế này đây, lúc đó bị tịch thu điện thoại, còn mời cả phụ huynh nữa. May quá, những kỷ niệm đau lòng đó đã đi qua rồi!

Cô gái đứng ngay cửa trông giống như dáng vẻ tiêu chuẩn của một hiệu trưởng. Toàn thân mặc một bộ com-lê, tóc búi cao, đeo chiếc kính gọng đen, cẩn thận tỉ mỉ, rất ư nghiêm túc.

Cô Chủ nhiệm đi ra ngoài chào hỏi cô gái đó, “Cô Tần.”

“Ừm, đang làm gì vậy?”

Nghe giọng thì cô Tần này tuổi cũng đã cao.

“Phòng học quá nóng nên mấy phụ huynh muốn mở cửa sổ.”

“Đừng để lỡ quá nhiều thời gian.” Cô Tần dặn dò một câu rồi tiếp tục công việc giám thị của mình.

“Cửa sổ này hình như bị kẹt rồi.” Một ông bố đã dùng mọi cách để mở cửa sổ nhưng không được lên tiếng.

“Sao bị kẹt rồi?” Cô Chủ nhiệm đi tới xem thử.

“Bên chỗ tôi cũng bị kẹt rồi. Như vầy là sao? Một phụ huynh khác cũng lên tiếng.

“Hay các anh chưa mở khoá?”

Phụ huynh đang ngồi bên cạnh cửa sổ bắt đầu láo nháo, tiếng ồn ào dần dần to hẳn.

Xoảng!

Một cánh cửa sổ đã được mở ra. Vì người mở cửa dùng lực quá đà nên phát ra tiếng động lớn, sau khi chạm vào khung cửa sổ còn dội ngược lại một cái.

Khoảnh khắc đó, một luồng gió thổi vào trong lớp học.

Rầm!

Cánh cửa lớp học bị gió đẩy đóng sầm một tiếng, phát ra âm thanh cực lớn.

Tim tôi giật thót mấy cái.

Tất cả cửa sổ đều đã được mở, căn phòng trở về như trước.

“Cô Lưu, phòng học này không ổn rồi. Lớp 12 nên dời qua một phòng khác tốt hơn đúng không?” Một vị phụ huynh nêu ý kiến.

“Tôi nhớ lớp 12 có một dãy lầu riêng mà? Chính là dãy phía sau trường.” Một phụ huynh khác nói.

Cô Chủ nhiệm gật đầu. “Trong thời gian nghỉ hè chỗ đó đang được tu sửa, tuần sau học sinh lớp 12 đều sẽ được chuyển tới đó.”

Chủ đề này tới đây kết thúc, cô Chủ nhiệm tiếp tục nói về kỹ năng đánh giá tỷ lệ chọi.

Buổi họp phụ huynh tổng cộng đã diễn ra hơn hai tiếng, lúc ra về Chủ nhiệm lớp còn đến xem tôi ghi chú thế nào rồi. Tôi đành phải làm như một học sinh ngoan đưa sổ ghi chú và ghi âm cho cô ấy kiểm tra. Lúc này cô ấy mới bẽn lẽn mỉm cười.

“Xin lỗi, tôi thấy anh trẻ như vậy nên có chút lo lắng.”

“Không sao. Việc em gái thi đại học cả gia đình tôi đều rất coi trọng.” Tôi cười cười.

Cô Chủ nhiệm còn muốn nói mấy câu xã giao nhưng có vị phụ huynh tới hỏi vài vấn đề nên cô ấy cáo lỗi cùng tôi.

Tôi tạm biệt rồi về.

Về đến nhà, thấy em gái và cha đều đang chờ.

Tôi đem tất cả nội dung trong buổi họp ra nói cho cả nhà. Tối đó, cả nhà tôi đều ngủ rất muộn. Tôi có một đêm ngủ ngon, không biết là do mệt mỏi hay do cảm giác ấm cúng trong gia đình làm đẩy lùi đi sự bất an.

Sáng sớm hôm sau, tôi không thể không nhớ lại sự việc của bà Vương, bởi vì Quách Ngọc Khiết gọi điện thoại đến.

“Ông Vương qua đời rồi.”
Bình Luận (0)
Comment