Hoa Ven Đường Chưa Nở

Chương 13

Hai anh em ngồi đến khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, sợ em gái ngày mai phải đi làm mà thức khuya sẽ rất mệt nên anh giục Ngân đi ngủ sớm.

- Anh cũng ngủ sớm đi.

- Ừm, lát anh xuống sau.

Ngân mỉm cười, ánh sao đêm chiếu vào gương mặt cô mờ mờ ảo ảo. Ngân trèo xuống nhà, vừa đặt lưng xuống giường một cái đã chìm vào giấc ngủ luôn. Việt ngồi thêm một lúc nữa, mong cơn buồn ngủ kéo tới mà chẳng thấy đâu. Anh xuống nhà, thấy phòng khách có tiếng châm điếu thuốc lào, anh ngó đầu ra nhìn thấy bố đang ngồi im lặng suy tư ở đấy. Ông Hưng nhìn thấy anh thì ngạc nhiên lắm:

- Sao giờ này còn chưa ngủ?

- Con chưa buồn ngủ bố ạ.

- Thế thì ngồi đây hai bố con mình nói chuyện một lát.

- Vâng.

Ông Hưng chỉ vào cái ghế đơn đối diện, uống một ngụm chè rồi im lặng mãi mới nói:

- Bố tính sẽ xây lại nhà.

Việt ngạc nhiên vì quyết định này của bố, nhà anh cũng không phải là quá bé, bốn người trong gia đình anh sống vẫn rất thoải mái. Tự nhiên nghĩ tới câu nói của bạn gái sáng nay có lẽ đã lọt vào tai bố rồi, chắc ông không muốn con cái ông bị mất mặt. Như đọc được suy nghĩ của con, ông Hưng lại nói tiếp:

- Bố cũng định xây lại nhà từ lâu rồi, định để em Linh tốt nghiệp cấp 3 xong thì sẽ bắt đầu, nhưng ngày ngày nhìn các con, bố lại thấy mấy đứa đều lớn cả rồi, biết đâu con gặp được ai phù hợp lại muốn cưới luôn, em Ngân sang năm cũng 27 tuổi rồi, bố không thể để mấy đứa ở ngôi nhà bé tẹo này mãi được.

Việt yên lặng lắng nghe lời bố, thực ra trước đây anh cũng có ý định để một, hai năm nữa kinh tế của anh khá giả hơn anh sẽ xây nhà to hơn cho bố ở, để bố có thể ngẩng cao đầu nhìn hàng xóm xung quanh. Không phải nói gì quá nhưng ngôi nhà của bốn bố con anh lọt thỏm giữa những ngôi nhà hai tầng của hàng xóm xung quanh.

Anh ở nông thôn, trình độ dân trí kém nên cũng khó tránh khỏi lời ra tiếng vào. Với người nông dân, việc lớn lao cả đời duy nhất chỉ có mỗi việc xây nhà mà thôi. Họ dành dụm từng đồng tiền bán nhãn, bán thóc để xây nhà, đứng ngoài nhìn vào thì thấy ngôi nhà to đẹp đấy, nhưng nội thất bên trong thì rỗng tuếch chẳng có gì. Tiền dành xây nhà hết rồi, tiền sắm đồ trong nhà lấy đâu ra nữa, nhưng họ vẫn cứ tự hào vì mục tiêu lớn nhất đời người đã thực hiện được rồi đấy thôi!

- Con ủng hộ quyết định này của bố, bố để con được giúp bố một phần.

Ngân định đi vệ sinh nhưng vừa ra đến cửa thì nghe thấy cuộc nói chuyện của bố và anh trai, cô nhẹ nhàng bước ra ngoài phòng khách:

- Bố ơi, cả con nữa.

- Ơ, sao giờ này còn không ngủ đi, mai không phải đi làm à?

Ngân ngồi xuống cái ghế đơn cạnh ghế của Việt.

- Con có, nhưng chuyện bố với anh vừa nói cho con tham gia cùng với ạ.

- Chuyện này có bố với anh con lo rồi, còn con lo mà kiếm ít vốn, đến khi lấy chồng đỡ vất vả.

- Con còn lâu mới lấy chồng, con muốn ở nhà với bố cơ.

Việt cười, giơ tay xoa đầu em gái:

- Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, em làm sao mà ở cạnh bố mãi được.

- Em biết là như vậy, nhưng bố ơi, con còn trẻ, con cũng là một thành viên trong gia đình nên bố hãy để con được tham gia. Con biết phận là con gái, chuyện lớn trong nhà đều là của đàn ông nhưng bố nuôi con ăn học từ bé đến giờ mà con chưa báo đáp được gì lại cho bố, cũng như chưa đóng góp gì cho gia đình mình, chuyện lớn nhỏ gì cũng đều là bố, đều là anh làm hết nên riêng chuyện này bố hãy để con cùng tham gia, được chuyện nào, hay chuyện đó bố ạ.

Ông Hưng yên lặng suy nghĩ, nhìn đôi mắt tràn ngập hi vọng của cô con gái ông lại thấy thương. Từ bé đến lớn Ngân đều là người ông yên tâm nhất, cô rất hiểu chuyện, biết ông vất vả nuôi ba anh em, chưa bao giờ cô để ông phải to tiếng với mình. Ngày Ngân kiếm được những đồng tiền đầu tiên, cô lấy toàn bộ số tiền đó để mua máy xoa bóp cho ông vì người ông hay bị đau nhức.

- Bố.

Thấy ông cứ im lặng mãi không trả lời, Ngân sốt ruột gọi một tiếng, ông Hưng gật đầu một cái:

- Cảm ơn hai con, nghe được những lời này từ miệng của hai đứa, bố thật sự rất xúc động, bố thấy mình may mắn vì bố được làm bố của các con.

Ngân rơm rớm nước mắt, cô bước tới ôm cổ bố, Việt cũng lại gần, anh đặt tay lên vai Ngân rồi hai anh em ôm bố khóc.

- Chúng con nhất định sẽ kiếm thật nhiều tiền để xây ngôi nhà thật to cho bố ở.

Trung tâm sau khi được tu sửa lại khang trang hẳn lên. Họ thay mới toàn bộ cửa ra vào trước đây bị hỏng chốt, sơn lại tường rồi bắn cả trần bằng thạch cao, nhìn trung tâm như kiểu vừa được mua áo mới.

Các thực tập sinh trong trung tâm từ quê mới lên, đầu tiên bước vào còn tưởng mình vào nhầm nên lại vội vàng chạy ra ngoài đọc lại cái biển treo trước cửa, cho đến khi cái tên của trung tâm to đùng đập vào mắt mới yên tâm đi vào.

Ngân cũng không khác gì các thực tập sinh kia là mấy, nó làm cho cô từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thấy trung tâm vừa được trùng tu lại đẹp hơn, tâm trạng của cô cũng tốt hơn rất nhiều. Một số giáo viên đứng khoanh tay nói chuyện với nhau ở trước cửa trung tâm, câu chuyện của họ chủ yếu xoay quanh việc trùng tu cái trung tâm này.

- Đấy, giám đốc nên bỏ tiền ra sửa lại từ lâu rồi có phải ai cũng có động lực hơn không. Học sinh có động lực học, giáo viên theo đó cũng có động lực dậy, chứ đâu như ngày trước, vào trung tâm lại cứ tưởng bước nhầm vào nhà hoang, u ám thấy sợ.

Ngân được phân làm giáo viên chủ nhiệm riêng của một lớp mới. Lớp này chủ yếu là các bạn vừa mới đỗ đơn hàng, các em còn rất trẻ, đều là những em vừa mới tốt nghiệp cấp 3 xong.

- Tại sao không học đại học mà lại đi Nhật kiếm tiền trong khi trẻ măng thế này?

Ngân dành tiết đầu trò chuyện làm quen với học trò của mình, các bạn có vẻ dành rất nhiều thiện cảm cho cô, cũng cởi mở trò chuyện chứ không rụt rè như lúc mới vào lớp.

- Vì đam mê cô ạ.

- Vậy đam mê mà em vừa nói là gì?

- Là tiền.

Một tràng cười rộ lên, Ngân cũng tủm tỉm cười trước câu trả lời vừa rồi của một học sinh nam cuối lớp.

- Trước đây cô đi tỉnh nào thế ạ?

- Cô đi Shizuoka, tỉnh mà có núi Phú Sĩ đấy.

Một học sinh nữ ngồi bàn đầu tiên hỏi Ngân:

- Ấn tượng đầu tiên của cô khi vừa bước chân tới Nhật là gì ạ?

Cô suy nghĩ một lát, đã lâu lắm rồi nên cô cũng chẳng nhớ khi đó cái gì đầu tiên đập vào mắt mình mà ấn tượng, nhưng không muốn để học sinh phải thất vọng, cô lại trả lời thế này :

- Có lẽ là nhiều ô tô, nhiều đến mức mà cô sống ở đấy gần 4 tháng trời mới được nhìn thấy một cái xe máy.

Thấy học sinh có vẻ khá hứng thú với câu chuyện của mình, cô lại nói tiếp :

- Người lái xe chủ yếu là người già, có những người phụ nữ già ngang bà nội của cô vẫn lái xe bình thường, đã vậy còn đi với tốc độ rất nhanh nữa.

- Con gái Nhật có xinh không hả sensei?

- Xinh chứ, xác xuất ra đường toàn nhìn thấy gái đẹp là 95%. Da họ đẹp lắm, mà chân tay chả thấy có lông đâu. Ai như mình lông lá mọc lởm chởm, đã vậy còn vừa đen vừa dài nữa chứ.

- Thật là không có lông tay luôn?

- Cô nghĩ chắc do họ dùng thuốc đấy, bên này thuốc tẩy lông bán nhiều mà.

- Thế khi nào sang đấy em phải mua dùng thử mấy được, thế tẩy xong lông mọc lại có dày với đen hơn không ạ?

- Cái này thì cô không biết, cô chưa dùng thử bao giờ.

Định dành một tiết đầu nói chuyện làm quen thôi, ai ngờ học sinh lại tò mò về Nhật Bản nhiều đến thế, các em thi nhau đặt bao nhiêu là câu hỏi. Ngân chia sẻ rất thật về cuộc sống 5 năm của mình ở đất nước Mặt Trời mọc. Chuyện vui có, chuyện buồn có, cô tự hỏi 6 tháng sau các bạn sẽ bay sang đó, không biết Nhật Bản có làm các bạn thất vọng hay không. Nhưng với cô mà nói, Nhật Bản vẫn là một nơi đáng đi và trải nghiệm.

12 giờ trưa, trong khi học sinh cùng các giáo viên khác ăn trưa tại nhà ăn của trung tâm thì chỉ có cô và Khoa là ăn tại phòng làm việc. Biết con gái ăn quen cơm bố nấu cho nên ông Hưng dậy từ sớm chuẩn bị cơm hộp cho cô mang đi.

Cô cũng bớt lạnh nhạt hơn với anh so với khi mới gặp lại. Anh hỏi gì, cô sẽ trả lời, nhưng rất ít khi cô bắt chuyện trước với anh.

Nhìn cô vừa ăn vừa viết cái gì đó ra nháp, anh lại nhớ cô của trước đây cũng thế, cứ thích làm nhiều việc cùng một lúc. Cô có một thói quen khó bỏ chính là vừa ăn vừa nói chuyện, vì thế cho nên cô ăn rất lâu dù lấy có một chút cơm trắng. Có một lần cả hai lớp cùng đi ăn với nhau, một mình cô ngồi với mấy anh con trai trong lớp, cô nói rất nhiều, mấy anh con trai còn lại vừa ăn vừa lắng nghe, thỉnh thoảng bình luận vài câu.

Ngân nhìn 2 quả trứng gà, tự nhiên lại nhớ đến khoảng thời gian còn học tiếng ở đây, cứ hôm nào bếp cho ăn trứng luộc kiểu gì cô cũng được mấy anh cho gần chục quả trứng gà. Mấy anh nói không thích ăn trứng luộc, rồi đưa hết cho cô, có hôm nhiều quá không cầm được anh lớp trưởng còn xin cả túi bóng cho cô xách xuống phòng. Vừa nghĩ đến đó Ngân lại tủm tỉm cười, chợt nghĩ đến anh, anh cũng thích ăn trứng luộc. Nghĩ thế nào, Ngân cầm một quả trứng gà đưa về phía anh:

- Có hai quả nên cho cậu một quả, trứng gà nhà tôi nuôi được đấy.

Anh ngạc nhiên lắm, hết nhìn quả trứng lại nhìn cô, thấy anh mãi không phản ứng lại cô lại đưa quả trứng gần về phía anh hơn.

- Sao? Chê à?

- Không có, cảm ơn.

Khoa vội vàng lắc đầu lia lịa, thực ra cô chỉ nói trêu anh vậy thôi chứ biết thừa anh chẳng phụ lòng tốt của người khác bao giờ.

Ngân dọn dẹp sạch sẽ hộp cơm thừa, lau lại cái bàn rồi lại tiếp tục nháp linh tinh vào giấy. Cô đang thử ước tính chi phí xây dựng cơ bản cho việc xây dựng toàn bộ một ngôi nhà, từ phần xây thô, trang trí nội thất, trần thạch cao đến ốp gạch. Đang vướng mắc xem tính thế nào là nhanh nhất, Ngân quay sang hỏi Khoa:

- Theo cậu cách nhanh nhất để tính chi phí xây dựng một ngôi nhà như thế nào?

- Em muốn xây nhà à?

- Ờ thì tôi chỉ đang ví dụ thôi.

- Dựa theo mét vuông xây dựng.

- Là như nào?

- Để tôi chỉ cho em.

Biết cô không muốn nói quá nhiều chuyện riêng tư của mình nên anh cũng không hỏi thêm, anh chỉ trả lời câu hỏi vừa rồi của cô mà thôi. May là vấn đề cô vừa hỏi, anh cũng biết chút chút nên có thể giúp cho cô. Bằng hiểu biết của mình, anh vừa viết vừa nói, cô vừa nghe vừa tiếp thu, lúc hiểu thì gật gật đầu, anh cứ nói hăng say cho tới khi các giáo viên khác đều ăn xong và trở lại văn phòng.

- Nếu em tính thêm cả chi phí mua sắm đồ dùng nội thất thì lưu ý là thiết bị, đồ đạc đó không liên quan đến phần kinh phí xây dựng. Em nên tính dự trù kinh phí, nhỡ đâu chẳng may sau khi xây dựng xong lại thiếu kinh phí trang bị vật liệu cho ngôi nhà hài hòa hơn.

Bình Luận (0)
Comment