Hoa Vỡ Gặp Xuân - Điềm Tửu Nhưỡng Tuyết Lê

Chương 2

Khi uống thuốc, Ngọc Ninh rất ngoan. Nó còn rụt rè hỏi ta: "A tỷ, có phải muội đã làm phiền tỷ lắm không? Tỷ… có ghét muội không?"

"Đang nói vớ vẩn gì đấy? Vẫn chưa tỉnh ngủ sao?" Ta nhéo tai nó một cái.

Từ đó, ta dậy sớm hơn trước, về nhà cũng muộn hơn.

Huệ Phương thẩm ở nhà bên cười nói với ta: "A Sanh, ngươi rơi vào hủ bạc rồi hay sao mà chăm chỉ thế?”

Ta ngồi dưới ánh đèn dầu, vá áo cho Ngọc Ninh, đáp lại gọn lỏn: "Thiếu tiền thôi."

Nhưng tiền kiếm được thì ít, mà tiêu lại nhanh.

Khi thấy sắp không đủ tiền mua thuốc cho Ngọc Ninh, ta đành qua nhà Huệ Phương thẩm gõ cửa.

Bà ấy nghe ta xin vay tiền thì nổi giận, chỉ thẳng vào mặt ta mà mắng: "A Sanh, ngươi bị điên rồi à? Nửa tháng một lượng bạc, một năm hai mươi bốn lượng. Vì một đứa bé chẳng phải ruột thịt, ngươi muốn vứt hết số tiền đó sao?"

Lúc này trời đã trở lạnh, cơn gió thổi qua khiến ta run lên, phải siết c.h.ặ.t ống tay áo.

Bà ấy giữ lấy áo ta, tiếp tục trách mắng: "Ngươi mặc phong phanh thế này, định để bản thân chec rét sao? Nhà ngươi nuôi con bé đó thì tốt thật đấy, nhưng nó đúng là cái hố không đáy. Tiền này ta mà cho vay thì đừng mong đòi lại được!"

Mắng xong, bà quay người định vào nhà.

Những lời bà nói không sai. Ta nào phải vay tiền, mà rõ ràng là đang xin tiền.

Ta tự tát nhẹ vào mặt mình, cảm thấy bản thân thật trơ trẽn.

Đang quay người chuẩn bị về, Huệ Phương thẩm lại bước ra, trên tay ôm một chồng quần áo và một túi vải.

"Nhà ta có ông lão đi làm công xa, gửi về được ít tiền. Đây, mấy đồng bạc này ngươi cầm lấy, chắc đủ cho con bé uống thuốc vài tháng."

"Ta cũng chẳng giúp gì hơn được, mấy bộ áo rét này cho ngươi. Áo của ta ngươi mặc, còn đồ của mấy đứa nhỏ nhà ta thì cho Kiêu nhi và Ngọc Ninh mặc. Trời lạnh rồi, đừng để bọn trẻ chịu rét."

Ta nghe mà mắt ướt nhòe, trong tay nặng trĩu.

"Huệ Phương thẩm, đa tạ bà."

Bà tiễn ta về nhà, vừa đi vừa nói: "Nhà nghèo thì phải giúp đỡ nhau. Ngươi cũng lớn rồi, nên nghĩ đến chuyện hôn sự đi."

Đêm ấy, ta đem về mấy chiếc áo bông dày cộm cho Kiêu nhi và Ngọc Ninh.

Áo của Huệ Phương thẩm giặt rất sạch, phảng phất hương thơm ấm áp của nắng.

Ngọc Ninh chọn một chiếc màu hồng đào, mặc vào mà cười tít mắt, vui không tả xiết.

Buổi tối, con bé nép trong lòng ta, khẽ nói: "A tỷ, được ở với tỷ thật tốt, còn tốt hơn cả trong cung."

Ta mơ màng buồn ngủ, lẩm bẩm hỏi: "Ngày nào cũng nhắc đến hoàng cung, nói cứ như muội từng ở đó thật vậy."

Ngọc Ninh hình như đáp lại, mà cũng hình như không. Ta quá mệt, vừa chạm giường đã ngủ, chẳng nhớ rõ nữa.

Nhưng không bao lâu sau, nhà Huệ Phương thẩm gặp chuyện chẳng lành.

Phu quân bà trong lúc làm việc bị trượt ngã, đầu đập xuống đất, không qua khỏi.

Huệ Phương thẩm đến nhà ta, muốn lấy lại tiền.

Bà đỏ mặt, mở lời cực kỳ khó khăn: "A Sanh, số tiền đó vốn định tặng ngươi. Nhưng… nhưng phu quân ta mất rồi, ta không biết kiếm tiền, tất cả đều trông vào chút tiền tiết kiệm này."

Bà cúi đầu, như thể cảm thấy bản thân rất đáng xấu hổ, nhỏ giọng hỏi: "Ngươi xem, số tiền đó… có thể…"

"Thẩm, ta đã dùng hai lượng." Ta đặt chiếc túi vải vào tay bà, nói tiếp: "Phần còn lại đây, ta chưa động tới."

"Hai lượng bạc ấy, đợi ta dành dụm được, nhất định sẽ trả lại cho thẩm."

Huệ Phương thẩm cầm túi vải, bật khóc.

Bà nghẹn ngào cảm ơn ta không ngừng, nói rằng ta đã giúp bà qua cơn nguy cấp.

Nhưng dường như bà quên mất, chính bà đã giúp ta trước. Rõ ràng là ta được nhờ, vậy mà lại thành ra bà đến cảm ơn ta.

Bà lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, còn ta thì đau đầu vì bệnh của Ngọc Ninh và học phí của Kiêu nhi.

Chỉ dựa vào quán mì nhỏ của ta, chẳng thể nào gánh nổi những khoản tiền ấy.

Suy nghĩ một thời gian, ta cuối cùng cũng tìm được một cách.

Ta đem chính mình bán đi, bán cho nhà họ Trương ở phía đông thành.

Nhà họ Trương thấy ta làm việc nhanh nhẹn, tướng mạo cũng không tệ, liền muốn ta làm nha hoàn thân cận cho đại tiểu thư.

Họ nói, mỗi tháng ta sẽ nhận được một lượng bạc tiền công.

Đại tiểu thư nhà họ Trương rất rộng rãi, thường ban thưởng thêm cho người làm, tính ra đủ để chi trả tiền thuốc cho Ngọc Ninh.

Hơn nữa, nhà họ Trương có tư thục riêng, con cái của hạ nhân cũng được phép ngồi nghe, việc học của Kiêu nhi cũng coi như được giải quyết.

Chỉ là, nhà họ Trương ký khế ước bán thân, một khi vào sẽ không có ngày ra.

Về nhà, ta bảo hai đứa nhỏ: "Sau này sẽ không bán mì nữa."

Kiêu nhi đang múc nước giếng rửa mặt, nghe vậy liền ngẩng đầu hỏi: "A tỷ, có chuyện gì vậy?"

Ta giả vờ như không có gì, đáp: "Mở quán mì mệt mỏi quá, ta tính đổi nghề. Vừa hay nhà họ Trương đang tuyển nha hoàn, ta định đến đó làm." 
Bình Luận (0)
Comment