Hoàng Hà Quỷ Quan

Chương 16

Lúc tôi tỉnh lại đã thấy đang nằm trong bệnh viện rồi, đầu óc trống rỗng, không nhớ một cái gì.

Mãi đến ba ngày sau, một chút trí nhớ mới trở lại trong óc tôi, tôi nhớ lại cái động sâu dưới đáy nước Hoàng Hà, nhớ lại người đất bị vỡ mặt kia, cảm giác thật giống mới trải qua một cơn ác mộng vậy.

Mấy ngày đó tôi còn không thể mở miệng nói được gì, sau đó Thiếu Gia tới thăm tôi, tôi thấy gã bình an vô sự, trong lòng cũng an tâm hơn một chút. Đến khi đầu óc tôi đã cơ bản trở lại bình thường, tôi mới hỏi, chuyện gì xảy ra sau đó.



Thiếu Gia thở dài, thì ra trước khi tôi hôn mê mấy giây, bóng người tôi nhìn thấy chính là Thiếu Gia, gã phát hiện tôi không đi theo, lại lộn trở lại tìm tôi, phát hiện tôi đã cắt đứt ống dẫn khí, đã uống mấy ngụm nước lớn rồi, vẻ mặt nhìn vô cùng kinh khủng. Thời điểm đó phía bên trong đường lát gạch bùn đất cuộn lên đục ngàu, chắc chắn là đang có vật gì xông ra, trong tình thế cấp bách liền giật mũ sắt của tôi ra, bám vào thắt lưng của tôi kéo tôi cùng ngoi lên mặt nước.

Sau khi lên tới nơi, chúng tôi leo lên thuyền, lại phát hiện hai nam ba tử kia không thấy đâu nữa, gã không quan tâm được nhiều chuyện như vậy, đầu tiên liền cập thuyền vào bến, sau đó cõng tôi chạy về phía bờ Hoàng Hà.

Lòng sông bây giờ đều là lân hỏa, gã vừa chạy vừa nghe được rất nhiều tiếng cùm sắt va chạm. Thiếu Gia đã bị vật trong nước kia dọa đến mất hồn, lúc này không chịu nổi kích động, cũng không dám nhìn lại xem thứ gì đang phát ra những tiếng xiềng xích va chạm kia, cắm đầu chạy lên bờ, dựa vào trí nhớ, cõng tôi chạy thẳng một mạch về cái thôn trang nhỏ đó.

Chạy về đến thôn trang, bọn Vương Nhã Nam vẫn còn ở đó, vừa nhìn thấy dáng vẻ này của tôi đã bị dọa khiếp, cháu ngoại lão Thái lại vội vội vàng vàng đi gọi lão đầu ngồi thi, lão đầu kia nhìn tôi một cái, liền nói vẫn còn có thể cứu, liền lấy một cái lòng đỏ trứng gà đập vào trong lỗ mũi tôi, tôi lập tức bị sặc, hô hấp khôi phục bình thường trở lại

Vì không có máy cày nên họ phải dùng xe bò kéo tôi suốt đêm về trên trấn, tôi vẫn hoàn toàn hôn mê. Về đến trấn, tìm một thầy thuốc châm cho tôi một kim rồi chuyển tôi trở về huyện thành. Phiêu dạt qua mấy bệnh viện, sau đó người khách ở Thượng Hải kia nhận được hàng, cảm thấy rất hứng thú liền tới tìm tôi, lại thấy bộ dạng này của tôi liền chủ động đưa tôi tới điều trị tại bệnh viện lớn trên tỉnh lị.

Thiếu Gia nói: “Người khách hàng kia ném cho anh một trăm ngàn đồng rồi liền đi, nói bao giờ anh tỉnh lại thì báo hắn một tiếng, hôm qua tôi vừa mới gọi điện thoại cho hắn, có thể mấy ngày tới hắn sẽ tới tìm anh”

Tôi gật đầu hỏi: “Động kia thế nào?”

Thiếu Gia lắc đầu nói: “Tôi nào còn thời gian quan tâm những thứ đó, cửa hàng kia cũng chẳng màng nữa, nghĩ lại có khi cứ mở tiệm cơm lại thoải mái, không thì cứ như chuyến đi này có khi phải bồi cả cái mạng”

Tôi cười khổ một tiếng.

Mấy ngày sau, khách hàng kia đến tìm tôi, tôi lựa lời kể cho hắn một lượt những chuyện đã xảy ra, hắn liền hỏi tôi có thể lấy được thêm loại hàng này không, tôi chỉ lắc đầu nói với hắn, đừng hi vọng xa vời.

Nửa tháng sau tôi xuất viện, chia phần kiếm được cho Thiếu Gia, gã cũng rất vất vả rồi. Hai người ở lại Thái Nguyên chơi, định thư giãn cho quên những chuyện khủng khiếp. Khi đầu óc chưa kịp thư thái trở lại thì tiền đã xài hết rồi, tôi về lại Thượng Hải, tiếp tục làm ăn.

Bẵng đi một thời gian đã nửa năm trôi qua, chuyện này mặc dù vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi, nhưng cái loại cảm giác khủng khiếp đó đã dần dần biến mất, cuộc sống của tôi dường như đã quay trở lại nề nếp.

Sau chuyện này ở nhà tôi đều nghe theo hai tấm thiệp giấy, một tờ viết: Giới tham, một tấm viết: Giới đủ. Nhất nhất làm theo như vậy, làm ăn cũng ngày một khấm khá, một trăm ngàn tiền vốn chẳng mấy chốc đã biến thành bốn trăm ngàn.

Tôi vốn cứ cho rằng chuyện như vậy là xong rồi, không ngờ tới vào nguyên đán một năm kia, có hai người tới Thượng Hải tìm tôi.

Hai người đó, một là Thiếu Gia, người kia là Vương Nhã Nam.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, nửa tháng trước tôi vẫn còn nói chuyện với Thiếu Gia qua điện thoại, căn bản cũng chỉ tán dóc vài ba câu, không thấy gã nhắc chuyện qua thăm tôi, hơn nữa Vương Nhã Nam cũng tới, tôi lại càng cảm thấy ngạc nhiên hơn.

Chúng tôi tìm một tiệm ăn cơm, trò chuyện qua loa chuyện năm đó, tôi liền đi vào chủ đề chính, hỏi bọn họ đến tìm tôi có việc gì?

Thiếu Gia sắc mặt u ám, im lặng hồi lâu mới lên tiếng: "Có một tin xấu, giáo sư chết rồi."

Tôi giật mình sửng sốt, "A" một tiếng cảm thán, có thể là do lần đó bị kích động quá lớn, khi đó tôi thấy trạng thái tinh thần của giáo sư đã rất không ổn định, người cao tuổi, cũng khó tránh khỏi dễ bị đột quỵ.

Có điều dường như Thiếu Gia còn chưa nói xong, lấy từ trong túi ra một tấm hình, nói: "Anh xem thử một chút đi."

Tôi nhận lấy nhìn qua, chợt da đầu tê rần, liền úp tấm hình trở lại.

Trong hình là di ảnh của giáo sư, có lẽ là vào thời điểm bệnh viện khám nghiệm tử thi, giáo sư tóc rối tung, khóe miệng tràn ngập nét quỷ dị, giống hệt biểu cảm của Vương Toàn Thắng, Đan Quân lúc tử vong vậy.

Toàn thân tôi lạnh như băng, hỏi: "Chuyện gì xảy ra?"

Thiếu Gia thở dài nhìn sang Vương Nhã Nam, lúc này hai vành mắt cô bé đã đỏ hoe, run rẩy kể lại tình hình lúc đó một lượt.

Thì ra mấy tháng sau khi chúng tôi đi rồi, cấp trên liền tổ chức đoàn khảo sát xuống tiến hành khảo sát động nước đó. Sau đó bọn họ tiến hành khai quật với quy mô lớn, đào toàn bộ đồ dưới cổ mộ lên, sau đó dùng máy bơm rút sạch nước. Cô bé không tham dự trực tiếp công tác khai quật, chỉ hỗ trợ giáo sư điều khiển hoạt động từ xa. Sau đó văn vật được chuyển đến Thái Nguyên, quan tài đá lớn cũng được chuyển đến kho lưu trữ của Bộ văn hóa.

Theo các chuyên gia phán đoán, đồ đạc trong cổ mộ có niên đại thuộc về thời Tây Hán, kích thước cổ mộ rất lớn, trình độ thiết kế tương đối cao, có điều không tìm được văn bia, không thể làm rõ thân phận chủ mộ.

Khảo cổ học không thừa nhận kiến giải về mộ trấn sông.

Có điểm kỳ quái là quan tài đá trong mộ huyệt kia vô cùng đặc biệt, hình vẽ điêu khắc phía trên vô cùng cổ xưa, dường như niên đại còn trước thời Tây Chu.

Đây chính là điểm không thể lý giải, thời kỳ xây dựng cổ mộ chậm hơn rất nhiều năm so với quan tài khiến cho đoạn lịch sử kia trở nên rất mơ hồ, chênh lệch có thể tới hơn một ngàn năm.

Phần đáy quan tài có một đoạn minh văn, viết bằng loại chữ vết mà cho tới bây giờ bọn họ chưa từng thấy qua, các giáo sư định phiên dịch đoạn minh văn có tổng cộng 172 chữ kia. Có điều dường như cuối cùng không có kết quả.

Phương thức làm việc của mấy lão già đó cũng rất đặc biệt, cho dù bọn họ dịch ra được mấy chữ kia, bọn họ cũng không dễ dàng công bố, thứ nhất là sợ cướp công, hơn nữa sau thời kỳ cách mạng văn hóa bọn họ rút ra được 1 câu rằng "chuyện không nên nói thì đừng nói", nên cuối cùng họ dứt khoát không hé răng.

Giáo sư già là chuyên gia trên lĩnh vực này, cuối cùng tài liệu đều được tập hợp về tay. Giáo sư già liền dốc lòng nghiên cứu, lúc ấy bọn họ chất đống di vật văn hóa ở bênh cạnh kho lưu trữ, giáo sư già kêu Vương Nhã Nam và những người khác không nên quấy rầy ông.

Vương Nhã Nam đã quen với phương thức làm việc của giáo sư đương nhiên không thể cãi lời, có điều quá nhiều người cùng chờ ở ngoài cửa cũng không cần thiết, liền để lại mấy người, những người khác cùng trở về làm công việc của mình. Vương Nhã Nam còn có rất nhiều báo cáo chưa viết xong, cho nên cũng muốn về đơn vị sớm.

Đến khoảng hơn sáu giờ tối, cô cảm giác đã xong hết việc rồi, có thể công việc của giáo sư ở bên kia cũng đã hoàn thành nên cô trở lại kho hàng nhưng phát hiện thấy cửa vẫn đang đóng.

Thể trạng của giáo sư không tốt, Vương Nhã Nam sợ ông không chịu nổi áp lực công việc liền đi lại gõ cửa, gõ hồi lâu vẫn không phản ứng cô đẩy cửa đi vào, kết quả mới vào phòng nhìn qua chỉ thấy giáo sư nằm trên đất, bất động.

Cô bé khiếp đảm lật giáo sư lại nhìn thử, hoảng sợ đến mất hồn. Toàn thân giáo sư đã cứng ngắc, trên người toàn là nước, mà biểu cảm trên mặt hệt như đang muốn sờ thử một cái gì đó, hoàn toàn giống với Vương Toàn Thắng trước khi từ giã cõi đời.       
Bình Luận (0)
Comment