Hội Hè Miên Man

Chương 16

James Henry (1834-1916) tác giả và là nhà phê bình văn học Mĩ. Ông chủ yếu sống ở châu Âu và trở thành công dân Anh không lâu trước khi chết. James cho rằng các nhà văn Anh và Mĩ cần được tự do tuyệt đối trong việc thể hiện cái nhìn của mình về thế giới, như các tác giả Pháp. Khả năng khai thác phong phú điểm nhìn của nhân vật, độc thoại nội tâm và vai trò người kể chuyện đã đem đến cho tiểu thuyết hiện thực của ông một chiều sâu và sự hấp dẫn mới, báo trước sự xuất hiện của văn học hiện đại thế kỉ hai mươi. Các kiệt tác của ông có Daisy Miller (1879) trong đó cô gái trẻ người Mĩ Daisy Miller tìm thấy giá trị của mình khi va chạm sự tinh tế của châu Âu. Hay The Bostonians (1886) lấy bối cảnh của phong trào nữ quyền đang lên cao, cùng nhiều tác phẩm khác như The wings of the Dove (1902)... Ngoài ra ông còn viết báo, du kí, tiểu sử, tự thuật, phê bình, kịch. Và dù tiểu thuyết đem lại danh tiếng nhưng các tiểu luận mới hấp dẫn độc giả tìm đến với Henry James cho đến tận ngày nay.

Jolson Al (1886-1950) diễn viên, ca sĩ nổi tiếng của Mĩ. Ông là ngôi sao giải trí Do Thái đầu tiên thành công tại Mĩ. Sự nghiệp của Al kéo dài từ 1911 đến 1950 hết sức lẫy lừng và ông được xem là “nghệ sĩ giải trí vĩ đại nhất thế giới”. Nhiều thế hệ nghệ sĩ về sau chịu ảnh hưởng âm nhạc của ông. Vào những năm 1920, thời điểm Hemingway kể lại trong Hội hè miên man rằng Zelda nghiêng người nói với ông điều bí mật lớn nhất của cô, “Ernest, anh có nghĩ là Al Jolson vĩ đại hơn Jesus không?” là lúc Al đang ở đỉnh cao danh vọng. Ông là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng nhất được trả tiền cao nhất với hàng loạt buổi diễn hết vé, với hơn 80 bản thu âm đứng đầu bản xếp hạng và hàng chục chuyến lưu diễn trong và ngoài nước. Ông còn đóng nhiều phim như Ca sĩ nhạc Jazz (The Jazz singer, 1927), hay phim tự truyện Câu chuyện Jolson (The Jolson Story) đạt giải Oscar năm 1946. Từ điểm Bách khoa St-James về văn hóa đại chúng nhận xét, “nếu Elvis Presley là ông vua của rock ‘n’roll thì vị trí đó ở thể loại jazz, blues và ragtime là của Al Jolson.

Joyce James (1882-1941) nhà văn, nhà thơ biệt xứ người Ailen, được đánh giá là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỉ hai mươi. Ông nổi tiếng nhất với tiểu thuyết bước ngoặt Ulysses (1922). Các tác phẩm chính khác của ông là tập truyện ngắn Người Dublin (Dubliners, 1914), các tiểu thuyết Chân dung người nghệ sĩ là thanh niên (A poitrait of the Artist as a Young man, 1916). Ngoài ra James Joyce còn là tác giả của các tập thơ Nhạc thính phòng (Chamber Music, 1907), Poems Pennyeach (1927). Dù số lượng không nhiều nhưng thơ của ông có sự ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ Anh phái Hình tượng. Mặc dù sống phần lớn thời gian ở nước ngoài nhưng chất Ailen vẫn rất tinh tế trong các trang viết của ông. Ông vừa là nhà văn theo chủ nghĩa toàn cầu nhất nhưng cũng là một trong số những người vẫn giữ được chất địa phương nhất trong văn chương tiếng Anh hiện đại.

Kipling Rudyard (1865-1936) nhà văn nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907. Sinh tại Mumbai, Ấn Độ. Lên sáu tuổi, ông được gửi sang Anh học. Năm 1882, ông trở về Ấn Độ, viết truyện ngắn và làm trợ lí tổng biên tập cho tờ Civil and Military Gazette ở Lahore. Tại đây ông khiến cả xã hội Ấn ngạc nhiên về những hiểu biết sâu sắc của mình về đất nước này. Năm 1896 ông quay về Anh sau một thời gian sống ở Mĩ. Tác phẩm của ông thường phản ánh cuộc sống của người lính và nghĩa vụ của họ đối với Đế quốc Anh. Ông nổi tiếng với khả năng quan sát, trí tưởng tượng rực rỡ, độ chín muồi tư tưởng và tài thuật truyện xuất sắc. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có The Jungle Book (Sách rừng) về sự sống khởi nguyên có tầng bậc giá trị rõ ràng và đơn giản mà nền văn minh không chạm đến được; Kim - được coi là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất về Ấn Độ và là một trong những quyển tiểu thuyết Anh hay nhất, trong đó nhân vật chính do dự giữa những giá trị văn hóa Đông - Tây và cuối cùng đã chọn phương Tây nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn nhớ phương Đông. Ngoài ra, Kipling còn là nhà thơ xuất chúng. Thơ ông gần gũi với những bài ballad dân gian về ngôn ngữ, nhịp điệu và tính hài hước. Năm 1907, Kipling trở thành người trẻ nhất trong lịch sử nhận giải Nobel Văn học (khi đó ông mới 42 tuổi). Tuy nhiên, ngay khi còn đang ở trên đỉnh vinh quang và tiền bạc, ông đã tránh xa công chúng, bỏ qua những bài phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Kể từ năm 1907, ông lui về làng quê hẻo lánh ở Sussex (Anh) và sống ở đó cho đến cuối đời.

Lawrence D. H (1885-1930), nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà viết kịch người Anh. Tác phẩm của ông đề cập đến sự phi nhân tính của xã hội hiện đại và sự công nghiệp hóa. Ông đặt ra những vấn đề về tình dục, bản năng, tính tự nhiên, sức sống và cảm xúc như trong các tiểu thuyết Những đứa con và người tình (Sons and Lovers), Cầu vồng (The Rainbow), Người đàn bà đang yêu (Woman in love), và đặc biệt là Người tình của phu nhân Chatterley (Lady Chatterley’s lover). Tư tưởng của ông khiến ông chuốc nhiều thù oán, và ông phải chịu rất nhiều sự kiểm duyệt và ngược đãi từ nhà cầm quyền, cuối đời, tác phẩm của ông vẫn bị hiểu sai và tài năng của ông bị xóa nhòa vì nhãn hiệu khiêu dâm. E. M. Forster, trong cáo phó viết cho ông, đã can đảm vượt qua dư luận mà công nhận ông chính là “tiểu thuyết gia sáng tạo nhất trong thế hệ của mình”. Ngày nay, ông được xem như nhà tư tưởng có tầm nhìn xa và là đại diện ưu tú của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Anh, bất chấp vẫn còn một số nhà hoạt động nữ quyền phản đối thái độ của ông về tình dục và phụ nữ thể hiện trong tác phẩm.

Lewis Wyndham (1882-1957), họa sĩ và tác giả người Anh. Ông là người đồng sáng lập ra trường phái Vị lai trong hội họa, và làm biên tập viên của tạp chí văn học của những người theo trường phái Vị lai, Blast. Các tiểu thuyết của ông có Tarr (lấy bối cảnh Paris), và Kỉ nguyên con người (The human age). Trong những năm 1930, mối quan hệ và các hoạt động của ông đều dành cho chính trị. Bất chấp bệnh tật với nhiều lần phẫu thuật, ông vẫn là họa sĩ và là nhà phê bình có rất nhiều tác phẩm. Trong đó đáng chú ý là tuyển tập phê bình The Apes of God, được biết đến nhiều nhất với một trong những bài phê bình đầu tiên dành cho William Faulkner và tiểu luận nổi tiếng về Hemingway.

Lowndes Marie Belloc (1868-1947), nữ tiểu thuyết gia người Anh gốc Pháp. Lowndes nổi tiếng với tài kể chuyện kết hợp với các biến cố hấp dẫn với tâm lí học. Tiểu thuyết đầu tiên của bà The Heart of Penelope in năm 1904. Từ đây cho đến năm 1946, bà cho xuất bản đều đặn hàng năm một tác phẩm mới, hoặc tiểu thuyết, hoặc kịch hay hồi kí. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà The Lodger xuất bản năm 1913 được dựng thành phim rất nhiều lần. Năm 1947, bà qua đời ở Anh nhưng được mai táng ở gần Paris, nơi bà đã trải qua tuổi trẻ của mình.

Manners Diana (1892-1986), nữ diễn viên Anh, nổi tiếng với tên Lady Diana. Vào thời xuân sắc, bà được xem là người phụ nữ đẹp nhất nước Anh, xuất hiện trong vô số tư liệu, ảnh chụp, trên các báo và tạp chí. Sau thời gian làm y tá trong Thế chiến thứ nhất và làm biên tập viên cho tạp chí Femina, bà giữ một mục viết thường xuyên cho tờ Beaverbrook trước khi quay sang sân khấu với vai diễn Madonna trong vở The Miracle. Vở diễn thành công vượt bậc ở tầm quốc tế và bà đi lưu diễn khắp nơi hai năm sau đó. Ngoài ra, bà đóng vai chính trong nhiều phim câm, và những phim màu đầu tiên của Anh. Năm 1986, bà qua đời ở tuổi 93.

Miró Joan (1893-1983) họa sĩ người Tây Ban Nha. Trước năm 1920, ông sáng tác tranh màu nước theo phong cách Dã thú và Lập thể. Năm 1920, Miró chuyển đến Paris. Tại đây, dưới sự thăng hoa của dòng văn học siêu thực, họa sĩ bắt đầu phát triển phong cách siêu thực của mình. Những hình ảnh như trong mơ của Harlequin’s Carnival hay Dutch Interior thường chứa đựng nét quái dị và pha chút hài hước. Các tác phẩm của ông có xu hướng chống lại sự bằng phẳng đơn điệu và được thể hiện bằng các gam màu sáng như xanh và vàng. Không chỉ là họa sĩ, ông còn là nhà điêu khắc nổi tiếng và tác giả của nhiều bức phấn màu. Ngoài ra, các tác phẩm đồ gốm của ông cũng vô cùng giá trị. Miró qua đời vào ngày 25/12/1983 và trở thành một trong những tên tuổi sáng giá nhất trong làng hội họa thế kỉ hai mươi.

Pascin Jules (1885-1930), họa sĩ người Bulgaria có bố là người Do Thái Tây Ban Nha và mẹ là người Serbia gốc Ý. Năm 1905, ông đến Paris và trở thành một phần không thể thiếu của giới nghệ sĩ vô cùng tài năng tìm đến với Paris thời bấy giờ. Ngày tháng ở Paris với Pascin là chuỗi tiệc tùng bất tận, nhưng ông vẫn vẽ hàng ngàn bức màu nước và kí họa với người mẫu là vô số bạn bè và những người xung quanh, đặc biệt là những cô gái điếm đợi khách hay những cô người mẫu chờ thời. Ông kiếm được nhiều tiền nhờ bán tranh, nhưng tiêu xài vô củng hoang phí và lẫy lừng với những tiệc tùng đầy ắp rượu. Ông được đặt biệt danh là “Ông hoàng của Montparnasse”. Trong Hội hè miên man, Hemingway đã viết trọn một chương về Pascin như là hình ảnh đặc trưng của Montparnasse thời bấy giờ.

Perkins Maxwell (1884-1947), nhà văn, nhà biên tập người Mĩ. Sau thời gian làm phóng viên cho tờ The New York Times, năm 1910 ông về nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons. Ở vị trí này, ông đã tìm in các nhà văn trẻ xuất sắc thời bấy giờ, mà trước tiên phải kể đến phát hiện lớn nhất, F. Scott Fitzgerald. Đây là công việc không hề đơn giản vì không ai trong nhà xuất bản đặt niềm tin vào Fitzgerald với cuốn The Romantic Egotist, trừ ông. Tuy nhiên sau đó, ông tiếp tục phát hiện của mình qua Bên này thiên đường và có những đóng góp cụ thể trong Gatsby vĩ đại. Cũng qua Fitzgerald, ông gặp Hemingway và in cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của ông, Mặt trời vẫn mọc (The Sun also rises) vào năm 1926. Ngoài ra, ông còn là người phát hiện nhiều tác giả quan trọng khác như Thomas Wolfe, J. P. Marquand, Erskine Cadwell và James Jones.

Pound Ezra (1885-1972) nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mĩ, đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh - Mĩ hiện đại nửa đầu thế kỉ hai mươi. Nhà thơ đoạt giải Nobel T. S. Eliot dùng lời của Dante để nói về Ezra, il miglior fabbro (bậc thầy cao hơn tôi). Còn nhà thơ Carl Sandburg viết: “Trong số những người còn sống, ông là người đã làm nhiều nhất để thức dậy những khao khát mới mẻ trong thơ ca.” Năm 1908, Pound từ Mĩ sang London, làm quen và làm thư kí một thời gian cho William Butler Yeats. Thời gian này, ông bắt đầu in thơ và dịch sách từ tiếng Ý, tiếng Hoa, tiếng Nhật. Từ năm 1920, ông sang sống ở Paris, từ đây ông vừa sáng tác vừa dịch thơ đồng thời viết phê bình các tác phẩm của T. S. Eliot, James Joyce, Robert Frost, Ernest Hemingway. Năm 1921, ông hiệu đính trường ca Đất Hoang của T. S. Eliot, rút ngắn và nhuận sắc cho trường ca nổi tiếng này. Những năm cuối đời, ông sống trong im lặng cho đến khi mất vào năm 1972 ở Ý. Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông có thể kể đến Mặt nạ (Personae, 1949), Cantos 1-84 (1948), Vương miện (Thrones, 1959)...

Shipman Evan (1904-1957) nhà văn, nhà thơ Mĩ. Nếu so với các nhà văn như Scott Fitzgerald, Gertrude Stein, Ernest Walsh, và ngay cả một Dos Passos lịch lãm ít nhiều phải nhận những nhận xét khá xù xì từ Hemingway trong Hội hè miên man thì Evan Shipman có vẻ như rất được ưu ái. Điều này có thể giải thích được bằng tình bạn khăng khít của hai người trải dài từ lúc gặp nhau năm 1924 cho đến khi Shipman qua đời. Dù có rất nhiều sở thích chung, nhưng sự khăng khít đó lại nằm ở sự khác biệt của hai nhà văn. Cùng yêu sách, viết lách, cá cược ngựa đua, câu cá nhưng họ rất khác nhau về ngoại hình cho đến tính cách. Trong khi Hemingway không ngần ngại trấn áp đối thủ bằng mọi hình thức, từ sự vâm váp của cơ bắp cho đến các kĩ năng khác như săn bắn, câu cá, đấm bốc thì Evan Shipman như không đe dọa được ai bao giờ. Ông sinh năm 1904 tại Mĩ, cuối năm 1924 ông đến Paris và tình cờ gặp vợ chồng Hemingway. Năm 1925, Shipman bắt đầu in thơ trên tạp chí Transatlantic Review, tiếp theo đó là xuất hiện hàng loạt trên những tạp chí khác nhau. Tác phẩm thơ quan trọng nhất của Shipman là thiên trường ca Mazeppa. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 1930, trong khi Hemingway tiếp tục sự nghiệp văn học một cách mạnh mẽ thì Shipman quay trở về Mĩ, làm báo làm thơ và chuyên chú vào phát triển kĩ năng cá cược ngựa đua, được xem như là một trong những nhà báo viết bình luận ngựa đua hay nhất trong những năm 1940.

Stein Gertrude (1874-1946) nhà văn đồng tính người Mĩ, sống chủ yếu ở Pháp. Năm 1903, bà đến Paris lúc không khí nghệ thuật sáng tạo lên đến đỉnh điểm ở Montparnasse. Từ 1903 đến 1914, bà sống cùng anh trai là nhà phê bình mĩ thuật Leo Stein và sở hữu rất nhiều tranh thuộc thời kì đầu của Picasso, Henri Matisse, André Derain, Georges Braque, Juan Gris và các họa sĩ trẻ khác. Họ đã tổ chức nhà 27 rue de Fleurus thành phòng khách văn nghệ thu hút rất nhiều người nổi tiếng và tiên phong trong thế giới nghệ thuật và văn học. Năm 1907, bà gặp người phụ nữ bạn đời Alice B. Toklas sau này sẽ là người thu thập bản thảo, đánh máy và thay bà đàm phán với các nhà xuất bản. Bà viết nhiều thể loại, tiểu thuyết, kịch, truyện, kịch bản nhạc kịch và thơ. Tác phẩm quan trọng nhất của bà có thể kể đến The Making of Americans: The Hersland Family hay The Autobiography of Alice B. Toklas cùng nhiều tác phẩm được các nhạc sĩ như Virgil Thomson chuyển thể opera.

Walsh Ernest (1859-1926), nhà thơ người Mĩ, biên tập viên tờ This Quarter, tạp chí xuất sắc nhất của Paris giữa những năm 1920. Mặc dù bản thân là nhà thơ và là người nghiên cứu ngôn ngữ, nhưng chính chủ trương biên tập không can thiệp nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn thể hiện sáng tạo và việc tiến hành in những tác phẩm của các nhà văn xuất sắc trên This Quarter mới khiến ông được biết đến nhiều nhất. Tài năng thơ của ông là vấn đề được nhiều người tranh luận nhưng chất lượng biên tập và làm báo của ông thì không nghi ngờ gì, đã đảm bảo cho ông một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học.

Zelda (1900-1948) nhà văn viết tiểu thuyết người Mĩ xuất thân trong một gia đình giàu có. Tốt nghiệp trung học, Zelda gặp và trở thành vợ của F. Scott Fitzgerald. Sau thành công của cuốn tiểu thuyết Bên này thiên đường của Scott, hai vợ chồng trở nên nổi tiếng. Họ được xem như là biểu tượng của Thời đại nhạc Jazz: trẻ trung, giàu có, đẹp đẽ và đầy sức sống. Và những năm 1920, họ chuyển đến châu Âu và trở thành những nhân vật nổi tiếng của Thế hệ mất mát. Khi Scott Fitzgerald lẫy lừng với tiểu thuyết Gatsby vĩ đại cùng những truyện ngắn của mình thì cũng là lúc hai vợ chồng sa vào thế giới hào nhoáng của tiệc tùng ở Paris. Cuộc hôn nhân của họ đầy ắp những ghen tuông mà Scott đã dùng như chất liệu cho các tiểu thuyết của mình. Để khẳng định bản thân, Zelda cũng viết bài cho các tạp chí và viết truyện ngắn. Ở tuổi 27, Zelda bị ám ảnh được trở thành diễn viên múa và luyện tập đến kiệt sức. Sự căng thẳng của cuộc hôn nhân đã khiến Scott trở nên nghiện rượu và Zelda được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt. Trong bệnh viện, Zelda viết cuốn tiểu thuyết - nửa tự truyện Save me the Waltz, xuất bản năm 1932. Cuốn sách làm Scott tức giận vì trong đó sử dụng khá nhiều câu chuyện thật của hai người, dù chính bản thân ông cũng từng làm thế trong tác phẩm Tender is the night. Năm 1936, Zelda phải vào bệnh viện Tâm thần Bắc Carolina và ở đây, bà tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết thứ hai nhưng không bao giờ hoàn thành. Tám năm sau ngày Scott Fitzgerald qua đời, Zelda chết trong một đám cháy ở bệnh viện vào năm 1948. Sau khi chết, Zelda Fitzgerald tìm thấy được vinh quang của mình, bà trở thành biểu tượng của nữ quyền sau khi được mô tả như một nạn nhân của người chồng độc đoán trong một cuốn tiểu sử được phát hành rộng rãi vào năm 1970.

HẾT
Bình Luận (0)
Comment