*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Tôi nhờ đầu bếp làm vài món ăn nhẹ cho bữa trưa, nhớ đến món dưa chua lần trước của mẹ, tôi lục tủ lạnh để tìm một ít ăn cùng với cháo. Tôi mới bỏ vào tủ lạnh một ngày, ngày hôm sau chúng đã biến mất. Tôi hỏi người giúp việc thì được biết rằng chúng đã bị vứt đi. Mặc dù tôi cảm thấy tiếc cho công sức của mẹ, nhưng tôi hiểu cách làm của quản gia. May mắn thay, đầu bếp đã để lại một chiếc lọ nhỏ ở góc tủ lạnh với lý do dùng để nấu ăn.
Hai ngày trước đầu bếp vừa mua được hai con gà ta ở vườn ngoại ô, hiện tại đang hầm canh gà trong niêu đất ở trong bếp.
Tôi nghe thấy bên ngoài có tiếng xe chạy tới, một lúc sau thì thấy Phó Dư Dã đẩy cửa đi vào, bên ngoài mưa không biết từ lúc nào đã nặng hạt, bộ âu phục trên người cậu ấy có màu sẫm, không biết có bị ướt hay không, chỉ có thể nhìn vào tóc để phán đoán.
Người hầu chuẩn bị sẵn khăn cho cậu ấy, cậu ấy cầm lấy lau vài lần, tôi đi tới sờ vào áo của cậu, quả nhiên là bị ướt, hỏi: "Em bị mắc mưa sao? Đồ bên trong có bị ướt không?"
Cậu ấy nắm lấy tay tôi, hôn lên đầu ngón tayi, nói: "Dạ không ướt, em đi thay quần áo, lát nữa còn phải quay lại công ty."
Quản gia bảo phía phòng bếp chuẩn bị thức ăn.
Tôi theo cậu ấy lên lầu, giúp cậu lấy quần áo.
"Mấy giờ phải quay lại công ty? Trong bếp có canh gà hầm, em ăn cơm chưa?"
Cậu ấy cởi khuy áo sơ mi, nói, "Hai giờ."
Cậu ấy lấy quần áo từ tay tôi, khi tôi đang cài khuy cho cậu ấy thì người hầu bưng một cái khay lên, đặt nó lên chiếc bàn thấp gần cửa, rồi cúi đầu lui ra ngoài.
Tôi đã ăn rồi, nhưng người hầu vẫn rất chu đáo mà chuẩn bị hai phần. Tôi thấy cậu ấy vội ăn nhưng vẫn rất lịch sự, tôi cũng cảm giác có chút thèm ăn, cầm phần của mình lên ăn vài ngụm súp.
Sau khi ăn xong thì cũng sắp đến giờ, cậu ấy vội vã quay lại công ty. Tôi đứng trước hiên nhà một lúc, Tiểu Sư cầm một đoạn đường ray đi tới hỏi tôi: "Ba, ba có muốn lái tàu hông?"
Tôi gạt bỏ những suy nghĩ miên man không đầu không cuối, sang chơi với thằng bé, lại định đi gọi điện cho mẹ.
Ba mẹ tôi đã đến tuổi nghỉ hưu, nếu tôi kết hôn và sinh con như bình thường thì có lẽ giờ này họ đang ở nhà vui đùa với cháu nội.
Tôi nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ về nhà vào tuần tới, nghe thấy vậy, mẹ tôi lật xem lịch rồi hỏi tôi ngày cụ thể tôi sẽ về. Tôi cũng chưa biết rõ, khi nào xếp được lịch tôi sẽ báo lại với mẹ sau.
Mẹ nói mẹ đã biết, còn hỏi tôi có muốn nói chuyện điện thoại với ba không.
Tôi hỏi mẹ ba đang làm gì.
Mẹ nói ông ấy đang đọc sách trong phòng làm việc.
Tôi ngập ngừng, rồi lại nói với mẹ, Mẹ, con có chuyện muốn nói với mẹ.
Một lúc sau, mẹ tôi mới trả lời lại, bây giờ mẹ đang ở trong phòng, ba con không nghe thấy đâu
Tôi thật khâm phục trực giác của phụ nữ.
Lại cảm thấy hơi khó xử.
"Con... tuần sau cơn dẫn theo một người bạn trở về."
Giọng nói của tôi giống như một bánh răng không được dầu bôi trơn, trục trặc tạo ra tiếng lạch cạch mỗi khi di chuyển.
Mẹ tôi là một người rất nhạy bén, từ giọng điệu của tôi bà đã có linh cảm, hỏi: "Có phải...là bạn đó đó không?"
Tôi gật đầu, chợt nhận ra mẹ không nhìn thấy nên nói "Dạ."
Giọng điệu của mẹ cũng trở nên hơi lo lắng, mẹ nói: "Người đó là người như thế nào?"
Tôi cảm thấy dường như mẹ vừa nuốt nước bọt, rồi nói: "Bao nhiêu tuổi, gia đình thế nào?"
Tôi nói: "Cậu ấy đã dẫn con đi gặp người nhà rồi, họ đều ổn và ủng hộ bọn con ở bên nhau."
So với tuổi tác, mẹ tôi có vẻ lo lắng cho vế sau hơn.
"...Như vậy, như vậy là tốt rồi, tốt rồi, mẹ, mẹ sẽ nói chuyện với ba con, con đừng lo lắng, ba con chỉ nói năng khắc nghiệt thôi, thật ra ba con cũng... Aiz, không có sao đâu, à đúng rồi, hai đứa thích ăn gì để mẹ đi mua..."
"Cậu ấy thích ăn những món thanh đạm, còn lại cũng không kén ăn..."
"Được, món thanh đạm, mẹ làm món tam tiên viên (*) nhé, món thịt viên mà ngày bé con thích nhất..."
Mẹ nói xong, không khí bỗng rơi vào một khoảng lặng ngắn ngủi. Tôi muốn nói gì đó, nhưng lại cảm thấy có quá nhiều điều để nói, lại không biết bắt đầu từ đâu.
"Mẹ, thật ra người đó, mẹ đã từng gặp rồi... chính là người bạn đã về cùng còn lúc trước."
"Là cậu trai đã điều bác sĩ đến giúp ba con? Khoan đã, không phải cậu ấy đã có con rồi sao?"
Tôi đột nhiên cảm thấy xấu hổ không nói nên lời, bèn giải thích: "Đứa nhỏ đó, là do cậu ấy tìm người mang thai hộ."
"Mang thai hộ?" Mẹ tôi cũng là người làm công tác văn hóa nên cũng biết thuật ngữ này, nhưng bà cũng không khỏi kinh ngạc mà giọng có hơi cao, "Nhưng... nhưng không phải cậu ấy đã kết hôn rồi sao? Mẹ nhớ lần trước, cậu ấy nói với mẹ rằng cậu ấy gặp bạn đời của mình lúc đi học mà? Sao giờ... Lăng Lăng, con có chắc là không bị cậu ấy lừa không... Hơn nữa, cậu trai đó rất đẹp trai, hơn nữa còn có vẻ là con nhà gia thế..."
"Mẹ, lần trước cậu ấy..."
Tôi chưa kịp nói hết thì đã nghe mẹ tôi lớn tiếng đáp lại ba tôi.
"Ba con kiếm mẹ."
Ba tôi hỏi mẹ tôi về cái gì đó đang ở đâu, mẹ tôi nói nó ở trên tủ, ba tôi nói không có, mẹ tôi lại nói, nó ở ngay đó mà, ba tôi tìm lại thử xem.
Sau đó ba tôi đi tìm, một lúc sau quay lại gõ cửa hỏi: "Bà mở cửa ra đi, tôi tìm không thấy, bà tìm giùm tôi đi."
Mẹ tôi bảo: "Sao ông vụng về thế."
Ba tôi hỏi: "Sao bà lại khoá cửa?"
"Cửa nào khoá? Tôi có khoá cửa gì đâu."
Mẹ tôi đi ra mở cửa, trước khi mở cửa thì thầm với tôi: "Mẹ cúp máy nhé Lăng Lăng."
Nghe tiếng mẹ ở bên kia cứ như là gián điệp, trong lòng có chút buồn cười, tuổi hai người cộng lại cũng phải hơn trăm, vậy mà vẫn có thể nói chuyện với như học sinh tiểu học, cũng thật đáng yêu.
Vào ngày cuối cùng của tháng năm, tôi chính thức từ chức. Ngày hôm sau là ngày 1 tháng 6, trường mẫu giáo của Tiểu Sư tổ chức liên hoan, đầu bếp làm cho cậu bé một ít đồ ăn vặt bỏ vào cặp sách. Nếu tôi không thuyết phục thì có lẽ đầu bếp sẽ nấu hẳn một bàn cho thằng bé. Có lúc tôi cảm thấy tài nấu nướng của đầu bếp thật lãng phí khi chỉ là một đầu bếp nhỏ trong nhà họ Phó.
Sau một bữa ăn uống no nê, khi tôi hỏi anh ấy cách nấu một món ăn nào đó, tôi tùy tiện hỏi anh về thắc mắc của mình, anh nói ý nghĩ của tôi thật có nhiều thiếu sót. Cho dù có làm trong nhà hàng năm sao thì cũng phả đối mặt với đủ loại yêu cầu của khách hàng, còn có những đòi hỏi của cấp trên, như là làm dâu trăm họ, ở một nơi như thế, khả năng sáng tạo cũng sẽ bị hạn chế.
Nhưng khi ở nhà họ Phó, anh cũng chỉ cần nắm rõ khẩu vị của vài người, thời gian còn lại anh ấy có thể tùy ý làm gì thì làm, lương cao nên có thể đi học hỏi thêm mỗi khi được nghỉ.
Nghe anh nói xong, tôi cảm thấy cái nhìn của mình cũng thật nông cạn
Anh không để ý mà nở nụ cười, tiện tay tỉa một bông hoa đặt lên đ ĩa trang trí.
"Con người đôi khi lại quá để ý đến ánh mắt của người khác dành cho mình. Cách người ngoài nghề nhìn cuộc sống của mình như thế nào không có nghĩa là mình phải thực sự sống như thế đó. Chúng ta đều sống vì bản thân mình, điều chúng ta quan tâm nhất phải là suy nghĩ của chính mình."
Tôi lắng nghe, nói: "Anh thật hiểu cách sống của mình."
Tôi cũng hiểu rằng anh ấy thực sự không quan tâm đ ến mối quan hệ của tôi và Phó Dư Dã, anh ấy cũng có thể nhận ra tôi thường có hành động nơm nớp lo sợ trong nhà họ Phó, giống như khi quản gia đem bò nước sốt thịt bò và đồ ăn kèm mà mẹ tôi tự làm, tôi lại chẳng có lấy một câu bất mãn.
Không phải vì tôi không coi đó là vấn đề cần phải nói qua nói lại, mà đôi khi tôi cảm thấy mình đang ăn nhờ ở đậu ở nhà người khác, đương nhiên không thể so được với lão quản gia đã tận tụy ở nhà họ Phó mấy chục năm qua.
Dù cố gắng thuyết phục bản thân thế nào, tôi vẫn không thể thay đổi cảm giác lạ lẫm khi mỗi sáng thức dậy phải đối mặt với quản gia và người hầu.
Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm quen với nó, cố gắng sử dụng cách của riêng mình để khiến mọi người thoải mái. Bởi vì Phó Dư Dã yêu tôi, tôi cũng yêu cậu ấy, từng phút từng giây tôi ở bên cạnh cậu ấy là điều tôi luôn mong mỏi trong những năm tháng không có cậu ở bên. Con người không thể tham lam mà phải học cách trân trọng.
____
Chú thích
(*) Tam tiên viên: là tên gọi chung của ba món cá viên, thịt viên và thịt miếng xay nhuyễn (giống như giò sống của Việt Nam), trong đó từ "tiên" nghĩa là tươi, cá và thịt phải là đồ tươi sống.