Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 75

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 75: Công cuộc phát triển

- Theo thống kê chi tiết, ta mất đi một nửa số ngôi nhà tái xây dựng, mất đi khoảng 1/5 tổng số tiền mặt và đồ giá trị, 2/7 kho lương thực thực phẩm, đàn gia súc mất 1/7, đàn gia cầm mất 1/5.- Một vị chức sắc trong làng bắt đầu đọc số liệu thống kê hai ngày qua về thiệt hại của ngôi làng.

- Ta sẽ cần nhanh chóng tái thiết lại làng như khi trước. May mắn cho ta là kinh nghiệm để làm việc này đã có!- Bá hộ Đào tặc lưỡi

- Không chắc đâu ngài bá hộ, ta đã mất một số thanh niên, có cả những người bị thương, sức lao động đã mất mát nhiều!

- Hơn thế nữa ta cũng đã bị tàn phá lần thứ hai, tích lũy mà làng có để cho việc tái thiết không sung túc như lần trước.

- Mẹ cha nó chứ!- Bá hộ Đào buột miếng chửi

- Ta vẫn nên thấy may, vì từ giờ gần như có thể chắc chắn là ta không phải tái thiết làng kiểu này nữa rồi!- Đỗ Bá Xuyên cười, vì ông ta nhìn ra được điểm tích cực trong toàn cảnh. Giờ bọn cướp biển đã bị đánh đuổi, làng Hồng Bàng có cái danh lớn này thì làm gì còn kẻ nào dám tới gây sự, như thế mấy năm tới chuyên tâm làm kinh tế thôi.

- Cũng phải ha!

Bá hộ Đào vừa nói xong, toan cười cười vỗ vai Kiệt, nhưng nhìn qua thấy thằng nhóc không cười hưởng ứng, liền không dám cười nữa.

- Có gì sai sao nhóc Kiệt!

- Cháu thấy mọi người lại quên bài học cũ rồi, làng ta trước khi quá tập trung phát triển kinh tế, không huấn luyện quân sự nên khi cướp tới thì tiền của tiêu tán cực nhiều.

- Nhưng bọn cướp biển này đã bị...

- Chỉ cần làng ta còn phát triển, còn giàu lên, nhất định sẽ phải đối mặt cường địch, có lẽ mọi người không biết lần trước bọn cướp biển tới làng ta không phải để ăn cướp không đâu, chúng được thuê đấy. Từ Văn Đồng đã thuê chúng tới phá làng ta, vì làng ta nhảy vào thị trường lúa gạo mà bấy lâu nay do hắn quản.

- Cái quái gì thế?

- Cháu có chắc không?

- Ai nói tin này thế!

- Thằng cướp có tên Ebisu, thằng khốn chỉ huy vụ cướp phá đầu tiên đó. Cũng là thằng chúng ta bắt được trong trận chiến vào cái buổi bình minh.

- Liệu nó có nói dối để thoát tội. Hoặc là...

- Nó nói ra sau khi cháu có ý thả nó đi, để nó dẫn lũ cướp biển chạy thoát đó. Thông tin này chưa chắc có thể tin, nhưng ngẫm thử xem, rất hợp lý, đúng không?

Không ai nói gì cả, chỉ cần nghĩ một tí, là họ thấy được việc Từ Văn Đồng phá hoại làng Hồng Bàng là đủ hợp lý. Quan trọng hơn, tên cướp đó nói cho Kiệt khi hắn đã được thả, nên cũng chả có lý do gì để dối trá nữa, coi như là trả ơn Kiệt thì phải.

- Nghĩa là từ giờ làng ta vẫn phải tiếp tục huấn luyện quân sự hay sao?

- Đúng vậy!- Kiệt gật đầu- Vì làng ta chắc chắn sẽ gặp phải nhiều kẻ thù nữa khi mà cứ giàu lên như thế này.

- Ha ha ha!- Tất cả mọi người cùng cười vang khi nghe Kiệt nói.

- À, có mấy lời cháu hi vọng chú Xuyên truyền đạt tới cho những người đang đi làm ăn xa. Cháu biết việc họ phải liên tục gửi phần nhiều tiền bạc mà mình kiếm được về là khó chịu, nhưng mong họ nhớ rằng, nếu làng Hồng Bàng không vực lại được, họ sẽ phải đi làm dân ngụ cư. Hơn nữa, có làng Hồng Bàng đứng ra đàm phán, quyền lợi của họ được đảm bảo hơn là tự mình gặp mặt nói chuyện với các ông chủ của họ. Cháu thì chỉ biết nói sự thật, hơi khó nghe, chú Xuyên truyền đạt lại cho họ hiểu giùm, cả hai ông chú của cháu nữa.- Kiệt nói thêm. Hiện tại hai ông chú Hoàng Văn Đinh và Hoàng Văn Đĩnh là những người lãnh trách nhiệm buôn bán ở xa. Họ kiếm được một khoản khá, và cũng biển thủ tiêu riêng một khoản không nhỏ. Kiệt không muốn bất lịch sự và quá mức thực dụng với các bề trên, nhưng nếu họ không thể làm đúng trách nhiệm, thì họ sẽ mất hậu thuẫn từ cậu.

- Được rồi Kiệt, đảm bảo nói đủ ý mà không cộc lốc như cháu!- Đỗ Bá Xuyên đáp ứng. Ông ta không quá ưa hai cha họ Hoàng kia, thiển cận, khôn vặt, đám này để làm kẻ bị moi tiền thì tốt, chứ làm đối tác với mình thì quá tệ.

- Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải mở rộng làng.

- Mở rộng làng làm gì vậy?

- Trong lần di chuyển này, cháu thấy phần đồi núi phía sau làng có thể tận dụng cực nhiều không gian mà ta chưa tận dụng. Đất ở làng ta quá ít, nhiễm mặn, không màu mỡ, có muốn cũng không thể nâng cao năng suất. Ngược lại đất ở trên núi tuy xa, nhưng được bồi đắp đã lâu, màu mỡ đủ để ta làm nông nghiệp tốt hơn. Dù thế nào đi nữa, dân lấy ăn làm gốc mà.

- Mở thêm đất thì thu hoạch sẽ tăng, nhưng đầu tư dài hạn, vốn phải lớn.

- Đúng, thế nên cháu nghĩ ta nên làm tuần tự và khoa học. Hơn nữa, ta đang có một lợi thế rất lớn: một nguồn nhân lực dồi dào!

- Làm quái gì có, làng ta vừa mất nhiều thanh niên, nhiều người khác đang ra ngoài làm việc thì dồi dào thế nào….

- Làng Thụi đúng không?

- Vâng, sau cuộc tàn phà của bọn cướp biển, không ai trong số họ còn cái gì cả.

- Bọn nó cậy làm ăn với lũ cướp biển, nên có bao giờ ngờ có ngày này đâu chứ?

- Lần đó nếu không có Kiệt, làng Hồng Bàng có khi cũng thế rồi.

- Dân làng Thụi vốn là dân làm muối, có sức khỏe, sức chịu đựng, nên họ cũng sẽ dễ dàng làm tốt việc nông nghiệp nặng nhọc.

- Còn đám cao cấp, bọn nó sẽ cố ý kỳ kèo.

- Bọn nó mất trắng rồi, còn con mẹ gì mà dám nói chuyện ngang hàng với ta nữa chứ!

- Hãy nhẹ nhàng với họ, khi muốn mở rộng nền kinh tế, ta sẽ cần nhiều người làm cho mình. Trong vòng 5 năm tới, công việc sẽ bộn bề, mà dân ta cũng không nhiều người có năng lực quản lý. Đào tạo thì cần thời gian.

- Vậy cho bọn nó làm gì?

- Quản lý tầm trung. Kẻ nào muốn trèo lên cao hơn, vậy thì phải tỏ ra đủ bản lĩnh, nhất là bản lĩnh làm giàu cho làng Hồng Bàng.

Theo kế hoạch mà Kiệt vạch ra, họ sẽ tiến hành xây dựng một đại nông trường ở những ngọn núi sau lưng làng Hồng Bàng. Do làng Thụi bị tàn phá, quá dễ để chiêu mộ nhân công từ những người dân đã mất hết tất cả, và một lượng không nhỏ những trung nông, địa chủ vừa làm quản lý.

Kiệt không muốn phá quá nhiều rừng để làm nông nghiệp. Những ngọn núi sau làng tuy không hẳn là rừng đầu nguồn, nhưng có nó giữ gìn để tránh lũ lụt cũng tốt, mà lại dù muốn làm nhiều thì hiện tại sức người cũng chỉ có hạn, và do Kiệt đã xác định nông nghiệp cậu ta theo đuổi phải là nên nông nghiệp tiên tiến, đượ cđầu tư mạnh về kỹ thuật, chứ không phải kiểu đồn điền hiện tại khi cứ dùng sức người là chính, nên họ tập trung vào một khu vừa phải.

Kế hoạch của Kiệt trước tiên là đốn hạ cây cối ở lưng núi trở xuống để làm nhà ở, rào đất, làm củi đun. Sau đó, họ dựng nhà cho người tới làm việc, các tốp tới thay ca nhau trong 1 tháng, để tránh việc sống quá lâu trong rừng rậm khiến họ mệt mỏi. Dù gì thời này vẫn có câu rừng thiên nước độc mà. Công việc của họ trước hết là phải đào một hệ thống thủy lợi. Nhờ hệ thống thủy lợi này, việc tưới tiêu được đảm bảo, mà nguồn nước sinh hoạt của người làm ở đây cũng không lo thiếu hay bị mất vệ sinh. Có sức khỏe tốt, họ mới làm khỏe được.

Do đây là đồi núi, thích hợp nhất là là ruộng bậc thang. Một phần ruộng được dùng để trồng lúa, nhưng phần lớn, hơn 6/10 là dùng để trồng một số loại cây công nghiệp: mía, sắn, dong rềng, cây thuốc,,. Một phần nguyên nhân là do thị trường lúa gạo ở 2 huyện Sơn Hải và Thanh Sơn hiện đang bão hòa, còn nếu làm bia thì có thể mua gạo từ địa phương cần làm rồi chế biến tại chỗ, tiện hơn là làm ở làng Hồng Bàng rồi đưa đi. Mà nếu định bán gạo đi xa thì hiện tại làng Hồng Bàng chưa đủ năng lực đó, thuê thuyền thì quá lỗ do thường bị những thuyền này bắt nạt, mà muốn lập đội thuyền thì chi phí ban đầu khá lớn. Do lẽ đó, chế biến các loại cây công nghiệp khác là hơn cả.

Mía có thể làm đường, đường trắng thì có lẽ còn chưa đạt tới, nhưng đường vàng đã tạm ổn. Cây sắn dùng để làm rượu, làm các loại bột làm bánh ở nhà hàng của làng Hồng Bàng mở thay cho bột gạo, mà đây là thứ bột cực hay để làm bánh tráng- một món ăn chắc chắn sẽ được ưu thích khi ra thị trường. Hơn thế nữa, sắn dùng làm mì ăn liền, thứ có thể coi là cuộc đại nhảy vọt trong công nghiệp thực phẩm ở thời hiện tại. Dong riềng thì làm miến đi bán, miến dong riềng không khô như miến gạo, dai hơn, ăn thích hơn. Riêng phần cây thuốc thì do Kiệt nhận thấy là trong cuộc chiến vừa qua, rất nhiều người bị thương nặng mà thuốc không có, nên cậu muốn đầu tư vào trước một chút, hơn nữa kiến thức về thuốc Kiệt không sâu nhưng được cái là nhiều, một trong số chúng là cách làm Cao Sao Vàng, thuốc Berberin, thuốc kí ninh chống sốt rét,… Thời này, những thứ thuốc đó chắc chắn không có, làm trước chỉ có lợi.

Lấy lý do cần nông cụ để phục vụ sản xuất, làng Hồng Bàng bắt đầu xây thêm các lò luyện kim ở trong làng. Tại những lò luyện này, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp như cuốc, cày, các phần của máy móc nông nghiệp được làm ra nhiều và càng ngày càng tốt. Nguyên nhân là bởi làng Hồng Bàng áp dụng thêm những kỹ thuật tiên tiến cho việc luyện kim như máy thổi gió, lò cao luyện thép, phương bổ sung các loại khí như Oxi, Cacbonnic,… Đây là những phương pháp Kiệt từng nghe qua, giờ thì cứ thông qua thử nghiệm để thấy được hiệu quả của chúng. Nhờ thế mà trình độ luyện kim trong làng cũng tăng đáng kể, không khác gì những tay thợ của quan lại các châu, thợ rèn của của quân đội. Quá trình luyện nông cụ, chính là cách thử nghiệm cho phương pháp luyện thép tốt cho việc đúc binh khí về sau.

Cùng với nông và công, thương mại cũng được đẩy mạnh. Nhờ thương mại, hàng hóa được bán đi, tiền được thu về, mang lại lợi nhuận cho người làm ra hàng hóa, thúc đẩy được lợi nhuận. Có thể nói, thương mại là cách tốt nhất để kích thích nền sản xuất, ai nói trọng nông khinh thương là do hiểu chưa thấu đáo và kém tài quản lý mà thôi. Làng Hồng Bàng trước đây muốn giao dịch phải đi đường bộ qua nhiều chỗ, nhưng nay đã tiện hơn nhiều. Do làng Thụi bị phá hủy, dân làng ấy không đủ năng lực và cái tâm để cùng nhau tái thiết làng, nơi đó gần như bị bỏ ngỏ. Làng Hồng Bàng không bỏ không chuyện đó. Họ tận dụng bãi biển của huyện Sơn Hải làm chỗ giao dịch, đồng thời xây luôn ở đó một khu chợ để tiện kinh doanh. Chợ này sẽ là chỗ giao dịch cho ba làng Hồng Bàng, Triêm và Nhâm với những ai muốn tới. Nguyên nhân khiến làng Hồng Bàng không tận dụng bãi biển sâu hơn ở làng mình là để tránh nạn cướp biển: bất cứ thuyền nào xuất hiện sẽ khiến họ biết ngay để tránh bị đánh lén như làng Thụi, thuyền vào giao dịch quá nhiều thành ra khó phòng bị. Tất nhiên, làng Hồng Bàng nhất định không thể bỏ qua lợi thế bản thân, nhưng đó sẽ phải là lúc mà làng có lực lượng chiến đấu trên biển đủ mạnh.
Bình Luận (0)
Comment