Khang Kiều

Chương 9

Chu Tùng An đã đặt chuyến bay lúc tám rưỡi tối, từ Thượng Hải tới Singapore mất gần năm tiếng đồng hồ, vì tính nghiêm trọng của sự việc và tình trạng của Khang Kiều, Chu Tùng An đã đặt hai vé.

Hành trình đã đi được nửa đường, Khang Kiều ngồi trên cao hơn mười ngàn mét hỏi người vẫn luôn ngồi bên cạnh cô, giúp cô giải quyết chuyện vé máy bay, hành lý và thủ tục một câu: “Chu Tùng An, vì sao anh lại ở đây?”.

Câu nói này khiến cõi lòng Chu Tùng An dấy lên một cảm giác đắng chát. Giây phút đó, anh tựa hồ nhìn thấy thời thiếu nữ của cô. Hồi còn nhỏ, Khang Kiều là một cô gái rất ít nói, hiền lành như khúc gỗ, có lúc ăn nói còn thiếu suy nghĩ, nói theo cách của mẹ Khang Kiều thì: Rồi một ngày mẹ sẽ tức chết vì con.

Còn Khang Kiều thì sao, thứ đã xấu không bao giờ khen đẹp, cho dù thứ xấu xí ấy thuộc về một vị chủ nhân cao quý, quyền thế.

Cũng vì nguyên nhân này, Khang Kiều không được lòng mọi người. Mỗi lần Khang Kiều chọc cho ai tức giận, cô lại bị mẹ rầy la một trận, mắng những lời rất khó nghe. Lâu dần, Khang Kiều dùng sự im lặng đối đáp lại thế giới này, đa số thời gian cô gái đó chỉ ngồi yên, không nói không rằng...

Chẳng khác gì một khúc gỗ cả.

Thi thoảng, Chu Tùng An còn nghe thấy Hoắc Liên Ngao kiên quyết gọi Khang Kiều là “Đầu gỗ”.

Người vừa nói xong có lẽ cũng ý thức được sự thiếu thỏa đáng của mình, cô cúi đầu nói một câu: “Tùng An, xin lỗi anh”.

“Không sao.” Xoa đầu cô là việc Chu Tùng An thích làm nhất khi Khang Kiều còn nhỏ, ý nghĩa ban đầu của động tác này là truyền đạt rằng chúng ta là những người bạn rất thân thiết. Lâu dần, động tác ấy trở thành một thói quen ăn sâu vào cốt tủy, còn tình cảm thương hại dành cho cô gái hiền lành kia cũng dần dần chuyển hóa thành yêu.

Khang Kiều bây giờ thì sao?

Khang Kiều của hiện tại đã không còn sự ngây ngô của hồi nhỏ, cũng chỉ có đôi lúc cực kỳ thả lỏng hoặc tâm hồn treo ngược cành cây cô mới vô tình để lộ ra bản chất đầu gỗ của mình.

Sự trưởng thành của Khang Kiều chỉ qua một mùa hè, mà dường như cũng chỉ trong khoảnh khắc. Chu Tùng An còn nhớ mùa hè năm nào anh đang ở Úc thì nhận được một cuộc điện thoại của Khang Kiều. Trong điện thoại, Khang Kiều nói với anh: Chu Tùng An, em kết hôn rồi.

Lúc đó là nửa đêm, đúng vào thời điểm Chu Tùng An ngủ say nhất, anh chỉ “ừm” một tiếng rồi tiếp tục lăn ra ngủ. Hôm sau tỉnh dậy, Chu Tùng An mới phát hiện mọi thứ không phải là mơ, cũng chẳng phải là một màn đùa dai, Khang Kiều đã thật sự kết hôn!

Khang Kiều lấy Hàn Tông, một người hơn cô bảy tuổi. Nhà họ Hoắc và nhà họ Hàn có quan hệ nhiều đời, Hàn Tông chính là đứa con trai thứ hai của nhà họ.

Sau khi xác nhận tin động trời này, Chu Tùng An từ Úc bay về, vừa vặn đúng vào ngày cưới của Khang Kiều. Dưới cái nắng mùa hạ oi ả, giữa khoảng không gian nho nhỏ mà hồi xưa họ thường cùng nhau chia sẻ âm nhạc, anh hỏi cô: “Vì sao?”.

Mọi thứ tới không có điềm báo trước, Chu Tùng An chỉ vừa ra đi vào đầu mùa hạ, cả một mùa hạ dài đằng đẵng còn chưa kịp chấm dứt, cô gái anh thề sẽ lấy làm vợ giờ đã là vợ người ta.

“Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng.” Câu trả lời của cô, thanh âm của cô và cả nét mặt cô khi đó đều không thể hiện một chút đùa cợt nào.

Đứng trước mặt cô, anh lần đầu tiên tỏ tình theo đúng tính chất tình cảm yêu đương nam nữ.

“Khang Kiều, anh thích em.”

“Em biết.”

Anh khó nhọc bật ra khỏi cổ họng một câu: “Biết mà còn...”.

“Anh thích em không có nghĩa em sẽ lấy anh. Chu Tùng An, thật ra anh cũng hiểu rõ rằng anh không xứng với em, chí ít khi so sánh về tài sản. Thế nên, anh ngập ngừng rất lâu vẫn không dám nói anh thích em. Em hiểu anh, cũng cảm ơn tình cảm của anh. Dù sao thì có được tình yêu của một người đàn ông đối với con gái mà nói là chuyện thêu gấm trên hoa.” Khang Kiều của giây phút đó lại rất lanh lợi: “Còn về phần tình cảm của anh, em chỉ khuyên anh chân thành một lần thôi: Hãy quên em đi, hãy đi tìm một cô gái thích hợp với anh, có thể cùng anh góp tiền mua nhà, mua xe”.

Khoảng thời gian rời xa, Chu Tùng An đã thề sẽ ghi nhớ lời khuyên chân thành của Khang Kiều, tìm một cô gái thích hợp cho mình.

Vậy mà, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, Chu Tùng An đã biết những chuyện xảy đến với Khang Kiều mùa hè này.

Sợi dây thun thuộc về Khang Kiều cứ căng mãi rồi cuối cùng không chịu nổi nữa phải đứt phựt, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu chèn ép thì sẽ có từng ấy tự do và gươm súng.

Về sau, Chu Tùng An xin thôi việc bên Úc, gọi điện thoại cho Khang Kiều vào một buổi tối trăng đẹp, dịu dàng nói với cô: “Khang Kiều, nếu cảm thấy số phận hắt hủi em, muốn tìm một người để cằn nhằn thì anh luôn có mặt”.

Cô không nói năng gì đã ngắt máy.

Chu Tùng An tìm một công việc ở Brunei. Vài tháng trôi qua, vào một buổi tối Chủ Nhật, cuối cùng Chu Tùng An cũng nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc xuất hiện trên hành lang ký túc xá và dừng lại trước cửa phòng mình.

Thời gian như sóng vỗ bờ cuốn cát trôi xa, và thế là cô gái khờ khạo ngày nào đã trở thành người con gái đang nhắm mắt ngồi bên cạnh anh lúc này đây.

Khang Kiều khi nhắm mắt có đôi mi thanh mảnh, đôi mày đẹp và làn da trắng, kết hợp với sự nhẹ nhàng toát ra từ gương mặt cô khiến cô giống như một tiên nữ trong lòng đám đàn ông, vừa xa lại vừa gần, ở ngay bên bờ sông mà không sao chạm tới được.

Nhưng Khang Kiều thì mở mắt lại mang một dáng vẻ khác. Nhìn kỹ vào đôi mắt cô, nhìn qua con ngươi của cô, ừm, đó là một đôi mắt viết đầy những câu chuyện.

Bây giờ, đôi mắt ấy vừa viết thêm một trang truyện mới: Chồng tôi không còn nữa.

Khi tới Singapore đã gần hai giờ sáng, họ gọi một chiếc taxi rồi anh cùng Khang Kiều về nhà họ Hàn.

Khang Kiều rất ít tâm sự với Chu Tùng An về chuyện nhà họ Hàn, nhưng anh cũng mơ hồ đoán được. Sự thật đã chứng minh mọi suy đoán của Chu Tùng An, Khang Kiều không được gia đình này đón nhận. Khi cô tới, tất cả mọi người trong nhà, bà con thân thích, thậm chí là người làm đều tỏ thái độ lạnh nhạt.

Còn người phụ nữ mà Khang Kiều gọi là “chị dâu” thì dường như còn có hứng thú với anh hơn.

Mấy chuyện gia tộc lớn tranh giành nhau miếng lợi đã chẳng còn gì mới mẻ, đối diện với ánh mắt tọc mạch của cô ta, Chu Tùng An cười khổ trong lòng.

Còn Khang Kiều, có vẻ cô đã quá quen. Ánh mắt cô một lần nữa dừng trên bức ảnh trắng đen được phóng to ấy, sắc mặt nhợt nhạt như ma. Đó là ảnh của Hàn Tông, gọng kính gắn trên sống mũi khiến anh ấy mang theo mùi học thức đầy mình, chẳng giống một thương nhân chút nào.

Lại gần bức ảnh đó, cô chầm chậm giơ tay, gần chạm được vào người trên ảnh thì bức ảnh bị lấy đi rất nhanh. Người giật bức ảnh đi là em gái của Hàn Tông, đã ngoài ba mươi tuổi, quắc mắt, lạnh lùng nói: “Khang Kiều, cô nên đi nghỉ một lát đi, bọn tôi còn phải tới Nhật đón anh trai về”.

Một tiếng sau, Khang Kiều lên đường tới Tokyo.

Chu Tùng An ở tạm trong căn phòng do quản gia nhà họ Hàn sắp xếp. Trước đó Chu Tùng An đã nói mình có nhờ bạn đặt phòng khách sạn nhưng bị chị dâu của Khang Kiều đáp lại bằng một câu khách sáo hiếm hoi: “Anh Chu, anh cứ ở lại đây đi. Anh là bạn của Khang Kiều, bây giờ con bé cần một người ở bên chăm sóc”.

Trưa hôm sau, thi thể của Hàn Tông được chuyển về Singapore. Nhà họ Hàn là một trong những danh gia vọng tộc ở đây nên có cả đài truyền hình tới đưa tin phóng sự từ sân bay: Người ra khỏi máy bay đầu tiên là Hàn Hựu. Sau khi bố của Hàn Tông qua đời, Hàn Hựu với tư cách con trưởng đã trở thành người cai quản nhà họ Hàn. Từ lúc nhận được tin Hàn Tông gặp nạn, Hàn Hựu đã tới ngay Tokyo.

Đi sau Hàn Hựu là vợ của Hàn Tông, Khang Kiều. Khang Kiều mặc áo tang, phía tóc mai bên trái có gài một bông hoa trắng, khuôn mặt hiện trên ti vi trông rất đờ đẫn.

Nhìn thấy những hình ảnh này, Chu Tùng An nghe được hai giọng nói thì thầm bên cạnh mình. Đó là hai phụ nữ trung niên tới tham gia tang lễ từ sớm, họ đang xì xào thảo luận xem Khang Kiều có khóc không?

Từ thái độ của Khang Kiều, em gái cùng chị dâu của Hàn Tông, họ có thể đưa ra kết luận: Khang Kiều không khóc, ngược lại hai người kia mắt đỏ như gấc, lồ lộ hiện ra trước mặt khán giả truyền hình.

Tiếp sau đó là một buổi chiều bận rộn, tất cả mọi người nhà họ Hàn đều rục rịch chuẩn bị cho tang lễ ngày mai của Hàn Tông: Đã thông báo cho phía hội trưởng XX chưa? Đã thông báo cho bộ trưởng XX chưa? Đã gọi điện cho Chủ tịch XX chưa? Người quản lý nhà họ Hàn đích thân gọi điện thoại tới văn phòng của thủ tướng XX, đối phương đã cho câu trả lời chắc chắn rằng ngày mai sẽ cử đại diện tham gia nghi thức truy điệu.

...

Cuối cùng, chỉ còn lại một câu hỏi: Ngày mai, Hoắc Chính Khải có xuất hiện hay không?

Khi bệnh viện tuyên bố không thể cấp cứu cho Hàn Tông được nữa, người đầu tiên Hàn Hựu thông báo không phải Khang Kiều mà là Hoắc Chính Khải. Sau mười giây im lặng, ông chỉ đưa ra một câu trả lời: “Tôi biết rồi”, sau đó không thể hiện thái độ gì thêm.

Hoắc Chính Khải cả đời vẻ vang, điểm nhơ duy nhất của ông chính là người đàn bà tên Nghê Hải Đường từng vác cái bụng to đùng tới nhà họ Hoắc.

Người đàn bà ấy còn mang tới nhà họ Hoắc một đứa con của chồng trước, chính là Khang Kiều.

Về Khang Kiều, mọi người đồn thổi hai phiên bản: Một phiên bản nói rằng thực chất Hoắc Chính Khải đã tòm tem với Nghê Hải Đường từ lâu, Khang Kiều chính là con của họ. Một phiên bản khác lại cho rằng Khang Kiều là con của Nghê Hải Đường và một người đàn ông khác, Nghê Hải Đường vì cùng đường lỡ bước đành đưa Khang Kiều tới nhà họ Hoắc.

Vào lúc mọi người đang tranh luận không ngừng nghỉ xem phiên bản nào đúng thì Hoắc Chính Khải tuyên bố nhượng toàn bộ phần bất động sản cùng 5% cổ phần trong công ty cho Khang Kiều, như vậy chẳng khác gì ông dùng một cách thức khác để thừa nhận Khang Kiều là con mình.

Sau đó, cuộc tranh luận mới dần dần dịu bớt.

Nhưng rõ ràng, Hoắc Chính Khải vẫn bứt rứt không yên vì vết nhơ của mình, việc Khang Kiều không được Hoắc Chính Khải để mắt đến là việc ai ai cũng biết.

Nhà họ Hàn sau vào lần cân nhắc đã nghiêng về hướng Hoắc Chính Khải không ra mặt trong nghi thức truy điệu, nhưng chắc chắn sẽ cử người đại diện.

Sau hai mươi tiếng đồng hồ thi thể Hàn Tông được chuyển về Singapore, lễ truy điệu chính thức bắt đầu. Hiện trường buổi lễ vô cùng trang nghiêm, rất đông người tới dự. Trước cửa nhà họ Hàn là cả một hàng xe nối đuôi nhau dài tít tắp và hai bên đường bày vô số những vòng hoa tang cùng câu đối phúng viếng.

Nghi thức truy điệu được cử hành khoảng hai tiếng đồng hồ. Với tư cách là bạn của Khang Kiều, Chu Tùng An bước vào hội trường cùng lác đác vài ba người khác. Chắc hẳn cảnh tượng xót xa này trong mắt mọi người sẽ trở thành: Người thân của vợ người đã mất chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chắc hẳn thường ngày cũng là một người sống cô độc.

Giây phút đó, Chu Tùng An cảm thấy rất chua xót, đáng lẽ anh phải gọi cả Chu Tùng Ngọc tới, bảo chị dẫn theo cả đám bạn của chị. Bạn bè của Chu Tùng Ngọc cứ gọi là giăng đầy trời, ai nấy đều rất chân thành, nhiệt tình.

Hành lễ xong, Chu Tùng An đi tới trước mặt Khang Kiều đang đứng ở chỗ người thân. Từ lúc tới nhà họ Hàn, câu duy nhất Khang Kiều nói với anh là: “Em đón anh ấy về nhà rồi”, còn là nói trước mặt quản gia.

Từ đó đến giờ, anh và cô không có bất kỳ sự tiếp xúc nào, anh chỉ thi thoảng nghe thấy mấy lời từ miệng đám bà con họ hàng: “Đứa con gái đúng là lòng dạ sắt đá, chồng chết mà không rơi giọt nước mắt nào”.

Lúc này đây, câu duy nhất Chu Tùng An có thể nói với Khang Kiều chỉ là: “Đừng quá đau buồn”.

Cô cúi đầu đáp lễ, lúc ấy, Chu Tùng An bắt gặp đóa hoa trắng gài trên tóc cô.

Sau khi rời khỏi buổi lễ, Chu Tùng An được sắp xếp tới phòng nghỉ của khách, thật may là từ đây có thể nhìn thấy một góc của buổi lễ, vị trí đứng của Khang Kiều vừa hay nằm trong tầm nhìn của anh.

Khi buổi lễ gần kết thúc thì Chu Tùng An nhìn thấy Hoắc Liên Ngao.

Trong rừng sâu u ám, sau khi đứa trẻ nước đi rất lâu, hoàn thành lần cầu nguyện thành kính thứ một nghìn của mình, người kỵ sỹ trẻ cưỡi ngựa từ trên trời bước xuống, dùng thanh bảo kiếm trong tay mình rạch một đường giữa mây mù và bình minh, ánh sáng từ vết nứt tràn ra ngoài.

Anh đứng ngược sáng, ánh sáng cắt anh thành một cái bóng đen xì, dáng người thẳng tắp, giọng nói ấm áp.

Khi mặt trời lên cao, kỵ sỹ đen của tôi cũng đã rời xa.

Giây phút đó, sự xuất hiện của Hoắc Liên Ngao giống như kỵ sỹ đen mà Khang Kiều miêu tả rất lâu trước đây.

Qua lớp kính cửa sổ, anh nhìn thấy Hoắc Liên Ngao bước từng bước về phía Khang Kiều, bỗng dưng, trái tim của Chu Tùng An lỡ nhịp...
Bình Luận (0)
Comment