๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Mùa xuân ở Bắc Tề đến hơi muộn một chút, nhưng chung quy cũng đã đến. Từ Thượng Kinh thành quốc đô Bắc Tề đi ra không xa lắm, vòng qua ngọn núi hoang vu tựa như hoàng ngọc ở phía tây, lại đi về phía bắc thêm vài canh giờ là tới trong một ngọn núi cảnh sắc thanh tịnh. Ngọn núi này không quá cao lớn, nhưng cây cối trên núi lại rậm rạp chằng chịt, có vẻ hoang sơ yên bình, từng tán cây xanh xen kẽ, cảnh sắc mỹ lệ.
Cũng như địa vị của Kiếm Lư trong lòng các kiếm khách khắp thiên hạ, trong mắt con dân Bắc Tề hoặc là những khổ tu sĩ hành tẩu khắp thiên hạ, ngọn núi xanh này cũng là nơi linh thiêng không thể xâm phạm, một Thánh địa cao quý. Bởi vì ngọn núi xanh vô danh này, chính là nơi tọa lạc của Thiên Nhất đạo Bắc Tề, là chốn quốc sư Khổ Hà tu luyện.
Từ con đường núi gập ghềnh đi vào trong sơn cốc thanh tĩnh, loáng thoáng thấy được nơi vạn gốc tùng tụ tập.
Vạn cây tùng, thân cây to lớn dáng lá đa dạng, có những lá tùng mềm mại giống như sợi tóc rủ xuống, một số lá tùng như nổi giận cứng cỏi đâm lên trời, có lá tùng giống như từng cái ống tròn nhỏ, cực kỳ thú vị. Lúc này là sáng sớm, giọt sương đang trải rộng trên cây cỏ trong núi, đại đa số giọt sương sau khi làm ướt lá tùng sẽ trượt xuống đất. Chỉ có những cây tùng có lá cây dày đặc mới giữ được giọt sương trong cành lá mình, phản chiếu ánh nắng sớm, trong suốt như bảo thạch.
Nhìn theo những giọt sương mờ này vào trong núi, có thể thấy quần thể kiến trúc của Thiên Nhất đạo, những kiến trúc này thừa hưởng phong cách học thuật tuyệt đẹp của Đại Ngụy, Bắc Tề, lấy hai màu xanh đen làm chủ đạo. Màu đen nghiêm túc, màu xanh lam gần gũi với tự nhiên, hòa mình vào thiên địa, uy thế ẩn giấu trong vẻ đẹp tinh tế.
Đạo môn của Thiên Đạo tuy không giống Kiếm Lư ở Đông Di thành, không rộng mở cửa đón đệ tử, nhưng nhờ Khổ Hà đại sư thanh tu tại đây, đã thu hút vô số khách hành hương tới đây cúng bái. Mười người đến thì một người ở, tuy quốc sư thu ít đồ đệ, nhưng những đồ đệ đã trưởng thành như Lang Đào đều phải thu đồ đệ. Trong vài chục năm qua, số người trong Đạo môn càng ngày càng tăng, đến bây giờ đã có hơn trăm người tu hành trong Thanh Sơn.
Trong lòng các đệ tử này, đương nhiên họ hy vọng có thể ở trong núi thanh tu nhiều năm, ra ngoài giúp đỡ thế gian và triều đình, cũng giống như vị tiên tử trong lòng bọn họ.
Năm đó, thánh nữ Bắc Tề Hải Đường Đóa Đóa đã thanh tu không biết bao nhiêu năm dưới những gốc tùng này, trong ngọn núi này. Trước khi Hải Đường rời núi, đã trồng rau trong một khu vườn ở phía ngoài những kiến trúc màu xanh đen kia. Rau được cô trồng, ngoài phần tiêu thụ hàng ngày, còn đều được đưa đến học đường. Cho đến hôm nay, còn có rất nhiều đệ tử tự hào vì đã từng được ăn rau do Hải Đường trồng.
Trong một năm qua, đại bộ phận thời gian Hải Đường đã ở xa xôi tại Giang Nam Khánh Quốc, sống chung một chỗ với Tiểu Phạm đại nhân nổi danh ngang hàng với cô. Sự thật này khiến cho lòng người Bắc Tề cực kỳ không cam lòng, đặc biệt là đám đệ tử trong ngọn núi xanh Thiên Nhất đạo, ngoại trừ những cảm xúc tiêu cực như ghen tị và phẫn nộ, điều khiến cho đám đệ tử này khó chịu nhất là mình khó lòng được thấy cô gái mặc áo hoa ở trong khu vườn kia. Trong những năm tháng trước đây, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng cô gái đó, cõi lòng mọi người sẽ ổn định lại.
Mà không bao lâu sau khi Hải Đường rời khỏi, lại có một cô nương khác chuyển đến ở tại vườn rau kia kia, đồng thời biến rau xanh trong vườn thành một số dược liệu có thể trồng được.
Thân phận của cô gái này rất đặc biệt, người này là đệ tử quan môn mà sư tổ Khổ Hà vừa thu nhận, thay thế vị trí của tiểu sư cô Hải Đường. Cô nương này vào ở trong khu vườn của Hải Đường, cẩn thận thu dọn hạt giống của Hải Đường... Cô chính là muội tử của Phạm Nhàn.
Các đệ tử thanh tu trong núi vô cùng kinh ngạc, bọn họ không hiểu vì sao sư tổ lại tới tận Nam Khánh xa xôi nhận nữ đồ đệ, càng không hiểu vì sao lại muốn nhận chính muội muội của Phạm Nhàn làm đồ đệ. Phạm Nhàn là ai? Hắn chính là quyền thần trẻ tuổi hàng đầu trong Nam Khánh.
Nhưng chuyện đã xảy ra, các đệ tử trong núi không cách nào thay đổi, đành phải học cách tiếp nhận, tốn thời gian rất dài, mới quen với sự tồn tại của tiểu thư nhà họ Phạm.
Nam Khánh và Bắc Tề là kẻ thù truyền kiếp, tuy nói hai năm nay vẫn luôn trong mối quan hệ hữu hảo chưa từng có, thế nhưng căn nguyên tình cảm đã cắm sâu trong nội tâm mọi người lại rất khó tiêu trừ. Cho nên lúc đầu Nhược Nhược sống trong những ngọn núi này không được thuận lợi, bất kể cô đi đến nơi nào, đều được đón chào bằng ánh mắt căm thù và lời bán tán sau lưng.