๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Trận chiến này, Tây Hồ thảm bại, ảnh hưởng rất sâu xa, được sử sách gọi là đại thắng Thanh Châu.
Nguyên nhân khiến thảo nguyên liên tục rối loạn, ngoài trận Hồng Sơn khẩu còn có một lý do cực kỳ quan trọng khác, đó là bốn ngàn khinh kỵ mà diều hâu phát hiện. Một vị tướng trẻ tuổi đã lên kế hoạch tổng thể cho chiến dịch phục kích tinh nhuệ Tây Hồ của Định Châu quân lần này. Vị tướng lĩnh ấy đột ngột rời khỏi chiến trường Hồng Sơn ngay khi trận chiến bùng nổ, mang theo vị trí thống soái, dẫn bốn ngàn khinh kỵ binh ẩn núp phía đông bắc, phát động truy kích liên tục nửa năm vào tàn quân của vương đình.
Cuộc truy kích diễn ra trong tuyết giá, phi ngựa trên thảo nguyên hoang vu. Cả truy binh lẫn đào binh đều sống cuộc sống vô cùng khắc nghiệt. Cuối cùng, cuộc truy kích diệt sạch khí thế của Thiền Vu Tốc Tất Đạt, khiến hắn không thể liên lạc được với bảy ngàn thiết kỵ Bắc Man ở phương tây xa xôi.
Qua mùa đông, qua mùa xuân, qua bão tuyết và cỏ dại, cuộc truy kích khiến người ta kinh ngạc này kéo dài được năm tháng. Khi lực lượng còn lại của vương đình cuối cùng cũng liên lạc được với bảy ngàn thiết kỵ cuối cùng của Hải Đường ở lại thảo nguyên, đội khinh kỵ binh dũng cảm oanh liệt của Khánh Quốc mới rút lui khỏi thảo nguyên.
Trong năm tháng ở thảo nguyên, đội quân chỉ vỏn vẹn bốn ngàn người này đốt phá khắp nơi, không biết đã tiêu diệt bao nhiêu bộ lạc người Hồ, dùng biện pháp tàn nhẫn và kỷ luật để duy trì cuộc truy kích khó khăn trên thảo nguyên. Khi họ lui về Thanh Châu thành vào mùa xuân năm sau, trong số bốn ngàn người ban đầu chỉ còn có tám trăm.
Thay đổi triệt để cục diện phía tây Khánh Quốc, dập tắt hoàn toàn ý định xâm nhập Trung Nguyên của người Hồ trên thảo nguyên. Thống soái của đội thiết kỵ này thực ra chính là chỉ huy trận đại thắng Thanh Châu. Vốn là một tướng lĩnh cấp cao, phải ở trong doanh trại chỉ đạo, nhưng đã tự hạ cấp mình xuống truy kích trên thảo nguyên. Ngoài tính toán không sai sót của Hoàng đế Khánh Quốc, vị tướng trẻ tuổi này mới là nhân vật then chốt. Thiền Vu thất bại dưới tay người này quả không oan uổng.
Vị tướng trẻ tuổi tên là Diệp Hoàn, con trưởng của Chính sứ Khu Mật viện Nam Khánh Diệp Trọng, huynh trưởng của Nhị Vương phi Diệp Linh Nhi. Chính là nhân vật rời Định Châu quân năm mười bảy tuổi, tới tiền tuyến Nam Chiếu, dần dần bị mọi người ở kinh đô quên lãng, cũng bị Phạm Nhàn lãng quên.
o O o
Trong lúc Diệp Hoàn tọa trấn Thanh Châu, chỉ huy bố trí trận Hồng Sơn khẩu khiến người Hồ kêu la rầm trời, Đại tướng quân trên danh nghĩa của khu vực Tây Lương - Lý Hoằng Thành lại bị giam lỏng trong phủ Đại tướng quân ở Định Châu.
Cùng ở trong phủ với ông hắn có Cung Điển, người vừa rời vị trí thống lĩnh cấm quân đến nhậm chức ở Định Châu. Các báo cáo quân sự được chuyển liên tục từ Thanh Châu đến phủ Đại tướng quân, Cung Điển và Lý Hoằng Thành ngồi đối diện nhau, im lặng đọc những tin tức quân sự đó mà không nói lời nào.
Đoàn quân tham chiến ở gần Thanh Châu chủ yếu là quân chính quy Định Châu ở khu vực Tây Lương, toàn là những binh sĩ biên ải sinh ra và lớn lên tại đây. Diệp gia đã gây dựng ở đây hàng chục năm, ngoại trừ Đại hoàng tử chinh phạt phía tây lưu lại ảnh hưởng, thì Diệp gia coi như Hoàng đế của Định Châu quân. Giờ đây Hoàng đế cho gọi con trai trưởng Diệp gia về Định Châu, dẫn quân cựu binh Định Châu hung hãn xuất trận, việc phối hợp tất nhiên không có vấn đề gì.
Đoàn quân biên thùy Nam Chiếu mà Phạm Nhàn lo sợ kia thực ra không tràn vào Định Châu thành như tưởng tượng, mà chỉ đóng ở phía bắc kinh đô hướng về phía Thương Sơn rồi chọn một nhóm vào Định Châu thành, quân số không nhiều nhưng đủ khống chế phủ Đại tướng quân.
Việc giao quyền Định Châu quân lần này thực chất không phải giao quyền binh sĩ, mà chỉ là giao quyền tướng lĩnh. Con trai trưởng Diệp gia vào Định Châu, với sự phối hợp của Cung Điển và cấm quân, đã dễ dàng đoạt lấy quyền tướng quân từ tay Lý Hoằng Thành.
Nếu mọi việc đều theo sắp đặt của Phạm Nhàn, nếu thế gian không đột nhiên xuất hiện một tướng trẻ dùng binh như thần, điều động Định Châu quân như tay chân, có lẽ Hồ Ca mang quân giả bộ tấn công, Lý Hoằng Thành có thể lợi dụng cơ hội này kéo dài thời gian tại nhiệm thêm một hai năm nữa.
Trong phủ Đại tướng quân vô cùng yên tĩnh, sau một hồi im lặng, Lý Hoằng Thành bình tĩnh nói: "Hành quân đánh trận, ta không bằng Diệp Hoàn."
Cung Điển ngẩng đầu lên nhìn hắn, một lúc sau mới trả lời khàn giọng nói: "Diệp Hoàn lớn lên trong Định Châu quân từ nhỏ, ba tuổi đã luyện võ trên lưng ngựa, sắp xếp chiến trận, chỉ vì thiếu niên khí thịnh không cam tâm phụ thân kiềm chế công lao của mình, nên bỏ Định Châu đi sang Nam Chiếu."
๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑