Khoảng Trống (The Casual Vacancy)

Chương 54

Parminder không có ca trực vào sáng hôm sau nhưng phải lên Yarvil họp. Lúc mấy đứa con đã đi học hết, bà cẩn thận đảo quanh một vòng trong nhà xem đã mang đủ những thứ cần thiết chưa. Đột nhiên điện thoại reng làm bà giật bắn người đánh rơi cả túi.

- Alố? - Giọng bà the thé, nghe gần như đang hoảng sợ. Tessa ở đầu dây kia giật mình.

- Minda, em đây, chị có sao không?

- À, không sao, điện thoại làm giật mình thôi - Parminder nói, nhìn sàn bếp vương vãi những chìa khóa với giấy tờ, xu lẻ và tampon. - Có chuyện gì?

- Không có gì - Tessa đáp - Em gọi nói chuyện cho vui thôi. Với hỏi thăm chị ấy mà.

Chuyện về bài viết nặc danh lơ lửng trên câu chuyện giữa hai người như con quái vật đùa dai. Parminder hầu như chẳng để Tessa hỏi han gì về chuyện đó trong cuộc gọi ngày hôm qua. Lúc đó bà quát vào máy Dối trá, bẩn thỉu, đừng có bảo tôi là Howard Mollison không làm chuyện này nữa đi.

Tessa chẳng dám nói thêm gì về chuyện đấy nữa.

- Giờ tôi không nói chuyện được - Parminder bảo - tôi phải đi họp ở Yarvil. Đánh giá về trường hợp một bé trai đang trong danh sách nguy cơ cao.

- Thế à, xin lỗi em không biết. Vậy nói sau nhé?

- Ừ - Parminder đáp - Được đấy. Tạm biệt nhé.

Bà gom lại mớ đồ đạc vương vãi rồi vội ra khỏi nhà nhưng lại phải chạy ngược từ cổng vườn vào để xem đã khóa cửa kỹ chưa.

Trên đường đi, cứ lúc lúc bà lại nhãng đi không nhớ mình vừa lái xe qua đoạn vừa rồi thế nào và nghiêm khắc buộc mình phải tập trung. Nhưng những lời lẽ hiểm độc trong bài đăng nặc danh đó cứ trở đi trở lại trong đầu. Bà đã thuộc nó nằm lòng.

Ủy viên hội đồng khu, bác sĩ Parminder Jawanda luôn ra vẻ rất nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo và những người cần tương trợ trong vùng, nhưng thật ra có động cơ bí mật. Cho tới tận khi tôi chết, bà ta vẫn luôn yêu tôi, và chẳng giấu những lúc cứ nhìn tôi đăm đắm, và mỗi lần họp hội đồng khu, tôi nói gì bà ta cũng ủng hộ. Giờ tôi đã chết, bà ta chỉ là một ủy viên hội đồng vô dụng, vì bộ não của bà ta đã mất đi rồi.

Sáng hôm qua, bà đọc bài đăng đó lần đầu tiên khi mở website hội đồng xem lại biên bản cuộc họp vừa rồi. Cú sốc đánh mạnh cả vào thể xác: hơi thở bà vụt gấp gáp và nông, hệt như thời nhỏ lúc bà phải cố nâng mình vượt lên cao hơn nỗi đau để thoát khỏi thực tại khổ sở.

Giờ thì ai cũng đã biết. Không còn chỗ nào để náu mình nữa.

Bà thậm chí còn nảy ra những ý tưởng kỳ quặc nhất. Tỉ như bà nghĩ không biết bà nội sẽ nói gì khi biết Parminder bị cáo buộc trên một diễn đàn công cộng rằng bà yêu chồng của một phụ nữ khác, mà đó lại là một gora (đàn ông da trắng). Bà như thấy cảnh bebe lấy chéo sari che mặt, vừa lắc đầu vừa gập người tới lui như bà vẫn làm thế mỗi khi nhà gặp cơn sóng gió.

- Chắc cũng có những ông chồng muốn biết chuyện này có thật không đấy - Tối qua Vikram nói với kiểu cười mỉa mai khang khác ngày thường.

- Tất nhiên là không đúng - bà run rẩy đưa tay lên che miệng - sao anh có thể hỏi câu như thế? Tất nhiên là không đúng! Anh biết ông ấy mà! Đó là bạn của em, chỉ là bạn thôi!

Bà đã đi qua khỏi cả trung tâm cai nghiện Bellchapel. Sao bà chạy lố xa đến thế mà không nhận ra nhỉ? Giờ bà thành kiểu tài xế ẩu mất rồi.

Bà nhớ đến buổi tối cùng Vikram đến nhà hàng, cách nay cũng gần hai mươi năm rồi, tối đó hai người đồng ý kết hôn với nhau. Bà đã kể cho ông nghe gia đình đã làm ầm lên thế nào khi bà đi bộ về nhà cùng Stephen Hoyle, ông ấy khi đó cũng đồng tình là vụ đó chẳng có gì mà ầm ĩ. Khi đó ông ấy hiểu. Nhưng giờ thì ông không hiểu rằng giờ chính Howard Mollison đang buộc tội bà thay vì đám họ hàng thủ cựu nhà bà khi xưa. Rõ ràng ông ấy không hề thấy bọn gora đó nông cạn, giả dối và hiểm độc nhường nào...

Bà lại chạy lố khúc ngoặt. Phải tập trung, tập trung, tập trung.

- Tôi có bị trễ không? - Bà vừa bước vội qua bãi gửi xe tới chỗ Kay Bawden vừa hỏi với. Bà từng gặp cô nhân viên xã hội này một lần, lúc cô này đến khám để gia hạn đơn thuốc mới.

- Không đâu - Kay đáp - tôi định dẫn chị đi quanh văn phòng một chút, bố trí chỗ này khá là ngoắt ngoéo...

Trung tâm dịch vụ xã hội Yarvil đặt tại tòa nhà văn phòng xấu xí xây từ thập niên 70. Lúc cùng đi lên trong thang máy, Parminder tự hỏi liệu Kay có biết về bài đăng trên website hội đồng hay vụ họ hàng bà Catherine Weedon buộc tội bà hay không. Lát nữa khi cửa thang máy mở ra, có khi nào cả hàng người mặc vest đã chờ sẵn đó để lên án, kết tội bà. Nếu như vụ đánh giá về lợi ích của Robbie Weedon này chỉ là thủ đoạn dẫn bà tới thẳng phiên tòa xử mình thì sao…

Kay dẫn bà đi dọc hành lang tồi tàn tẻ ngắt dẫn tới phòng họp. Ba người phụ nữ khác đã ngồi đợi sẵn ở đó, họ mỉm cười chào Parminder.

- Đây là chị Nina tư vấn cho mẹ Robbie ở trung tâm Bellchapel - Kay nói, ngồi xuống xoay lưng về khung cửa sổ treo mành. - Còn đây là cấp trên của tôi, chị Gillian, đây là chị Louise Harper người phụ trách nhà trẻ Anchor Road. Đây là bác sĩ Parminder Jawanda, bác sĩ của Robbie.

Parminder nhận cốc café. Bốn người phụ nữ bắt đầu thảo luận với nhau, không hỏi gì đến bà.

Ủy viên hội đồng khu, bác sĩ Parminder Jawanda luôn ra vẻ rất nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo và những người cần tương trợ trong vùng...

Giả vờ rất nhiệt tâm. Lão Howard Mollison khốn kiếp. Từ trước đến nay lão luôn nghĩ bà giả nhân giả nghĩa, Barry từng kể thế.

“Ông ta nghĩ tôi sinh ra ở khu Fields nên muốn để dân Yarvil tràn vào Pagford ở là phải thôi. Nhưng cô thì thuộc tầng lớp trí thức có chuyên môn cao nên ông ta nghĩ cô chẳng được lợi lộc gì khi đứng về phe khu Fields. Ông ấy nghĩ cô đạo đức giả hay bới việc làm vui thôi.”

- … hiểu vì sao gia đình lại đăng ký khám bác sĩ ở Pagford? - một trong ba cô nhân viên xã hội kia hỏi, Parminder đã quên bẵng tên cô.

- Nhiều gia đình tại khu Fields đăng ký khám chỗ chúng tôi - Parminder lập tức trả lời - nhưng có phải nhà Weedon khi trước có rắc rối với chỗ khám cũ…?

- Đúng thế, phòng khám ở Cantermill gạt tên họ ra - Kay đáp, chồng hồ sơ trước mặt cô dày hơn cả - Terri hành hung một y tá ở đó. Vậy là nhà đó chuyển sang đăng ký khám chỗ chị, đã được bao lâu rồi?

- Gần năm năm - Parminder đáp, bà đã chuẩn bị sẵn mọi thông tin dữ liệu phòng khám.

(Hồi đám tang của Barry, bà thấy Howard quỳ cạnh nhà Fawley, lão đan đôi tay to tướng trước ngực vờ cầu nguyện. Parminder biết dân Công giáo phải tin vào lời răn. Hãy yêu hàng xóm của mình như yêu chính mình... Howard mà thành thực hơn thì lão đã quay sang bên mà cầu nguyện cho Aubrey rồi…)

Cho tới tận khi tôi chết, bà ta vẫn luôn yêu tôi, và chẳng giấu những lúc cứ nhìn tôi đăm đắm...

Lúc trước bà thật sự không giấu nổi sao?

- ... gặp cậu bé lần gần đây nhất là khi nào, chị Parminder? - Kay hỏi.

- Lúc cô chị đưa nó đến chích kháng sinh vì bị nhiễm trùng tai - Parminder đáp - khoảng tám tuần trước đây.

- Lúc đó tình trạng thể chất của cậu bé thế nào? - một nhân viên xã hội khác hỏi.

- Cậu bé không bị chậm phát triển về thể chất đâu - Parminder đáp, rút ta một xấp tài liệu photo mỏng từ trong túi - Tôi khám cho cháu rất kỹ vì, đấy, tôi cũng có biết tình hình cháu trước nay thế nào. Không thấy có chấy rận. Cân nặng tốt, dù tôi nghĩ chế độ ăn của cháu không lấy gì làm lý tưởng. Phần mông đít hơi bị hăm lở, nhưng cô chị nói thỉnh thoảng cháu vẫn còn bị tè dầm.

- Nhà đó cứ đóng tã lại cho thằng bé mà - Kay nhận xét.

- Nhưng chị nhận thấy cháu không có vấn đề gì đáng lo về mặt sức khỏe chứ? - người hỏi Parminder câu đầu tiên khi nãy lại lên tiếng.

- Không có dấu hiệu bị ngược đãi - Parminder đáp - Tôi nhớ là có cởi áo lót của cháu ra xem kỹ, không có vết thâm tím hay thương tích gì.

- Nhà đó không có ai là đàn ông mà - Kay nói chen.

- Còn vụ nhiễm trùng tai thì sao? - bà quản lý của Kay nhắc.

- Đó là một ca nhiễm khuẩn khá bình thường do virus thôi. Không có gì lạ cả. Trẻ tuổi cháu vẫn thường bị.

- Vậy nói chung là...

- Tôi từng thấy nhiều ca nặng hơn cháu nhiều - Parminder kết luận.

- Chị nói là cô chị đưa cháu đi chứ không phải mẹ sao? Chị có đồng thời là bác sĩ của Terri không?

- Tôi nhớ là năm năm nay không thấy Terri đến phòng khám - Parminder đáp, bà quản lý quay sang hỏi thêm Nina.

- Việc điều trị bằng methadone của chị ta như thế nào rồi?

Parminder lại chìm trong suy nghĩ riêng, “Hồn ma” đó chắc là Shirley hay Maureen chứ không phải Howard, nhiều khả năng là mấy người đó theo dõi mình khi ở cạnh Barry, mấy cái đầu già nua bẩn thỉu đó chắc mong vớ thấy cái gì đó để còn dựng chuyện...

- … tham gia chương trình lâu nhất, cho đến nay - Nina đang báo cáo - chị ta thường nhắc về vụ đánh giá này. Tôi có cảm giác chị ta biết đây là cơ hội cuối, sau này sẽ không còn cơ hội nào khác nữa. Chị ta không muốn mất Robbie. Chị ta từng nói thế vài lần. Phải nói là chị đã điểm đúng huyệt, Kay ạ. Chị ta thực sự tỏ ra có chút trách nhiệm rồi, từ khi biết chị ta tới giờ lần đầu tiên tôi mới thấy chị ta được như vậy.

- Cảm ơn chị, nhưng tôi không dám mừng quá sớm đâu. Tình trạng ca này còn bấp bênh lắm - Nói vậy chứ Kay không kìm được nụ cười hài lòng - Thế bên nhà trẻ thì như thế nào hở chị Louise?

- À, cậu bé đã đi nhà trẻ lại - người nhân viên xã hội thứ tư lên tiếng - Ba tuần rồi đi học đầy đủ, đúng là thay đổi lớn. Cô chị chừng mười mấy tuổi đưa cháu đến. Quần áo của cháu đã chật, thường lấm bẩn, nhưng cháu có nói ở nhà được tắm với ăn.

- Còn hành vi thì sao?

- Cháu hơi chậm so với các bạn cùng tuổi. Ngôn ngữ cử chỉ rất nghèo nàn. Cháu không thích đàn ông tới nhà trẻ. Lúc mấy ông bố đến nhà trẻ là cháu cứ bám lấy các cô giữ trẻ chứ không lại gần, còn tỏ ra căng thẳng nữa. Với lại một đôi lần - chị cúi xuống lật một trang ghi chép - rõ ràng cháu bắt chước hành vi tình dục trên người hay bên cạnh các bé gái.

- Dù ta có quyết định tiếp theo làm thế nào, vẫn chưa thể đặt vấn đề đưa cháu bé ra khỏi danh sách nguy cơ cao được - Kay nói, cả bàn lầm rầm ra dấu đồng ý.

- Có vẻ mọi điều đều phụ thuộc vào chuyện Terri theo đúng chương trình của cô - bà quản lý nói với Nina - và bỏ nghề cũ.

- Tất nhiên, chuyện đó là cốt lõi nhất - Kay đồng ý - Nhưng ngay cả khi không dùng heroin, tôi vẫn lo là chị ta không chăm sóc Robbie được bao nhiêu với vai trò người mẹ. Xem ra chính cô chị Krystal mới là người chăm sóc thằng bé, năm nay em ấy mười sáu tuổi và tự em ấy cũng có vô khối vấn đề riêng rồi...

(Parminder nhớ lại những câu đã nói với Sukhvinder vài hôm trước đây.

Krystal Weedon! Cái con nhỏ ngu ngốc đó. Mày cùng đội với con nhỏ đó riết rồi muốn thành cái hạng như thế luôn hả?

Ngày xưa Barry quý Krystal. Ông nhìn thấy nơi con bé những phẩm chất người khác không thấy.

Có một lần, lâu lắm rồi, Parminder kể cho Barry nghe chuyện về Bhan Kanhaiya, người anh hùng của người Sikh đã giúp đỡ cho những người bị thương trong chiến tranh, bất phân địch ta. Khi có người hỏi ông tại sao lại hành xử như vậy, Bhan Kanhaiya đáp ánh sáng của Thượng Đế chiếu rọi tới mọi linh hồn, vì thế ông không thể nào phân biệt đối xử được.

Ánh sáng của Thượng Đế chiếu rọi tới mọi linh hồn.

Vậy mà bà gọi Krystal Weedon là con bé ngu ngốc và ngầm ý bảo nó thấp kém.

Barry không khi nào nói thế.

Thật đáng xấu hổ.)

- ... bà cố của nhà đó giúp chăm sóc cậu nhỏ khi cần kíp, nhưng...

- Bà ấy đã qua đời - Parminder vội vàng tranh lời. - Bị khí thũng và đột quỵ.

- Phải - Kay vẫn đang đọc mớ ghi chép - Quay lại với Terri nào. Ngày xưa chị ta cũng lớn lên ở trung tâm xã hội. Chị ta có từng tham gia lớp học làm cha mẹ nào chưa?

- Chúng tôi có mời nhưng chị ta chưa khi nào đủ ổn định tỉnh táo để mà dự lớp cả - người phụ nữ từ nhà trẻ đáp.

- Nếu chị ta chịu nhận lời và thực sự đến lớp thì sẽ là bước tiến cực lớn đấy - Kay nói.

- Nếu họ buộc ta phải đóng cửa - Nina, người làm việc ở Bellchapel thở dài nói với Parminder - E là chị ta phải đến chỗ chị nhận tiếp methadone đấy.

- Tôi sợ là chị ta không đến đâu - Kay nói trước khi Parminder kịp đáp.

- Cô nói vậy là ý gì? - Parminder nổi giận.

Tất cả những người khác đều quay lại nhìn bà.

- Thì Terri đâu có giỏi đón tuyến xe buýt và nhớ đúng lịch hẹn - Kay giải thích - Còn muốn đến Bellchapel thì chỉ cần đi vài bước chân thôi.

- Ra thế - Parminder đâm ngượng - Phải rồi, xin lỗi. Vâng, chắc là vậy.

(Bà cứ nghĩ Kay ám chỉ Terri không tin bà vì cái chết của Catherine Weedon.

Phải tập trung nghe họ nói gì chứ. Mình bị làm sao thế này?)

- Vậy nhìn chung, - người quản lý nhìn xuống tập ghi chép - Thằng bé không được mẹ quan tâm, và có phần không được chăm sóc đúng mực - bà thở dài, nhưng giọng lại có phần bực mình hơn là buồn - Trước mắt thì cơn khủng hoảng đã qua, chị ta ngừng dùng thuốc, Robbie đi nhà trẻ, lúc cậu bé mà ở đó thì ta có thể trông chừng được, và hiện tạm thời chưa có gì phải lo ngay về sự an toàn của bé. Như Kay nói, ta sẽ giữ cậu bé trong danh sách nguy cơ cao một thời gian nữa… Tất nhiên ta cần phải họp thêm lần nữa sau bốn tuần tới.

Phải bốn mươi phút sau cuộc họp mới kết thúc. Kay đi cùng Parminder xuống bãi giữ xe.

- Chị thật tốt quá, đích thân đến dự cuộc họp, các bác sĩ khác thường chỉ gửi báo cáo tới thôi.

- Sáng nay tôi nghỉ làm mà - Parminder đáp. Bà định giải thích đến họp vẫn hơn là ngồi nhà không có việc gì làm, nhưng hình như Kay lại hiểu bà muốn được ghi nhận công sức bỏ ra nhiều hơn, thế là cô lại nói thêm vài lời có cánh.

Đến chỗ xe Parminder, Kay hỏi - Chị là ủy viên hội đồng khu phải không? Colin có gửi chị các số liệu về trung tâm Bellchapel mà tôi chuyển cho ông ấy không?

- Vâng, có - Parminder đáp - Lúc nào bàn thêm về vụ này thì tốt quá. Tôi đã đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình cuộc họp kế tiếp.

Nhưng lúc Kay đưa bà số điện thoại, cảm ơn lần nữa rồi rời đi, tâm trí bà lại quay về chuyện Barry, hồn ma, và nhà Mollison. Lúc lái xe xuyên qua khu Fields trở về, một ý nghĩ mà bấy lâu nay bà cố chôn vùi che giấu cuối cùng cũng thoát ra được qua những lớp phòng thủ đã suy yếu của bà.

Có lẽ mình thực sự yêu Barry.
Bình Luận (0)
Comment