Hôm sau đó là một ngày nắng. Lưu Phượng từ sáng sớm đã trưng ra bản mặt khó ở, âm dương quái khí mà lầm bà lầm bầm.
Quách Xuân Lan vờ như không nghe không thấy, Lâm Vĩ Kiện cũng lười để ý chị ta.
Chị ta bụng đầy oán khí không có chỗ xả, nghĩ đi nghĩ lại cũng không thể đi tìm cô em hay cậu em chồng được, người để mình trút giận cũng chỉ còn Tưởng Lan, vì thế nhíu ánh mắt như có như không lườm nàng.
Lâm Cẩm Vân nhận ra vẻ khác thường của Lưu Phượng, lại nhớ đến tối hôm qua làm ầm ĩ, cô lo lắng Lưu Phượng sẽ tìm Tưởng Lan gây phiền toái nên từ sáng đã cố ý dính lấy Tưởng Lan. Vô luận là nhóm lửa nấu cơm hay là rửa rau giặt đồ, Tưởng Lan đi đến đâu Lâm Cẩm Vân liền theo tới đó, như bóng với hình.
Lưu Phượng vốn định khi không có ai sẽ nói móc trào phúng Tưởng Lan vài câu, tốt nhất là tìm cớ trách cứ một phen tiết cho hết oán khí, nhưng Lâm Cẩm Vân cứ như hồn ma bóng quế đi theo, làm chị ta chen không lọt chân, mở không nổi miệng.
Cũng không thể ở trước mặt cô Út quang minh chính đại hạ thấp chị em dâu được, vốn định đợi lúc đối phương không dè chừng mới dám hành sự, nhưng thêm một người không liên quan ở đây khiến chị ta lại càng không đủ dũng khí.
Lưu Phượng tối hôm qua đã ở trong lòng nghĩ sẵn kế sách, chuẩn bị tốt lời cần nói, thế mà một câu cũng chưa được nói ra, chẳng những không nguôi giận mà còn tức tối thêm, mãi đến khi bị Lâm Vĩ Kiện gọi đi trại vịt mà bản mặt khó ở của chị ta vẫn không khá hơn chút nào.
Lâm Cẩm Vân thấy chị ta đi một bước lê ba bước ra khỏi cửa không chút tình nguyện, liền trốn ra sau cửa cười trộm. Tưởng Lan thấy bộ dạng hả hê xem kịch vui của cô, có chút bất đắc dĩ đồng thời trong lòng cũng có chút cảm kích.
Sắp tới là Tết Đoan Ngọ, phải đi hái lá dong gói bánh chưng(1).
Mấy năm rồi đều là Lâm Cẩm Vân dẫn theo Lâm Vĩ Khang đi hái, năm nay cũng không ngoại lệ. Lâm Vĩ Khang đã háo hức canh giữ ở cổng lớn thúc giục Lâm Cẩm Vân dẫn hắn ra cửa, bình thường những lúc có thể ra cửa không nhiều, nên mỗi lần được ra ngoài cậu chàng đều mừng như ăn Tết.
Lâm Cẩm Vân bị hắn thúc giục hối hả, vội cầm cái sọt, đội nón rộng vành, phân chia công việc với Tưởng Lan xong là kéo Lâm Vĩ Khang ra cửa ngay.
Lá dong gói bánh thường mọc dại trong rừng, hai anh em phải đi một đoạn đường đến cánh rừng phía Bắc trấn Cao Hồ để hái.
Lâm Vĩ Khang dọc đường luôn vui vẻ huơ chân múa tay, Lâm Cẩm Vân thầm nghĩ anh mình thường ở nhà khó có dịp ra cửa một lần, cũng không ngăn trở mà để mặc hắn tung tăng đi trước dẫn đường.
Hai anh em mới đi một lúc đã gặp phải người quen, anh em hàng xóm Cao Tư Minh và Cao Tư Tuệ.
Hai nhà ở cùng một con phố, hai anh em nhà họ tuổi cũng xấp xỉ, lại cùng nhau lớn lên nên đều quen thuộc lẫn nhau.
Cao Tư Minh từ lúc thiếu niên đã đem lòng đơn phương Lâm Cẩm Vân, lúc này đây vô tình gặp gỡ lại khiến cảm xúc âm thầm trào dâng, ánh mắt nồng cháy nhìn chằm chằm Lâm Cẩm Vân.
Cao Tư Tuệ liếc nhìn ông anh ngập vẻ tương tư si tình, trong lòng tuy khinh thường nhưng cũng cười chào hỏi anh em nhà họ Lâm, nhìn thấy Lâm Cẩm Vân trong tay mang theo cái sọt, liền hỏi xem cô đi đâu.
"Tính cùng anh tôi đi hái ít lá gói bánh chưng ấy mà."
Cao Tư Tuệ nghe vậy, lập tức nói tiếp: "Thế để tôi giúp các người một tay, đúng lúc nhà tôi cũng chưa hái." Không đợi Lâm Cẩm Vân cự tuyệt lại nhanh đẩy đẩy Cao Tư Minh ở bên: "Anh à, anh về nhà trước đi, em theo giúp Cẩm Vân một tay, cũng đã lâu ngày không gặp, hai chúng em tiện thể ôn chuyện một chút."
Cao Tư Minh giật mình, trong lòng tự hỏi đứa em gái này từ khi nào lại thân thiết với Lâm Cẩm Vân như vậy, lúc trước không phải còn mắng thầm người ta là "mọt sách" sao?!
Anh ta là người tính tình thật thà, từ nhỏ suy nghĩ và hành động đều không lanh lợi bằng em gái, nhìn không hiểu cũng đoán không ra ý đồ của em gái, chỉ nghĩ Cao Tư Tuệ thật sự muốn ôn chuyện liền ủ dột rời đi.
Tuy nói cùng nhau lớn lên nhưng Lâm Cẩm Vân cũng không mấy cảm tình với anh em họ Cao, một là vì Cao Tư Tuệ tánh tình lươn lẹo, thích gây chuyện thị phi, sau này lớn lên cũng không làm việc đường hoàng mà suốt ngày lêu lổng, quan hệ xã hội lại càng phức tạp. Thứ hai là vì cô mơ hồ có thể nhìn ra chút tâm tư kia của Cao Tư Minh, nhưng cô không hề có cùng tâm tư với Cao Tư Minh, cho nên lựa chọn tránh được thì nên tránh.
Cao Tư Tuệ quá mức nhiệt tình khiến Lâm Cẩm Vân không quen lắm, nhưng cũng không cách nào mở miệng chối từ, đành miễn cưỡng nói đôi ba câu khách sáo cùng chị ta.
"Cẩm Vân này, bình thường cô em đều ở huyện Nhất Trung sao, nghỉ đông và nghỉ hè mới trở về à?"
"Vâng."
"Khó trách vẫn không thấy bóng dáng cô em đâu."
"Vâng."
"Cẩm Vân, cô em cũng lợi hại thật đấy, mới ở trường công tác chưa đến một năm mà đã được phân phòng rồi."
"Không phải phân phòng gì đâu, chỉ là phòng dành cho công nhân viên chức mà thôi, để dành cho giáo viên xa nhà có chỗ ở tạm đó mà."
"Thế là lợi hại rồi, huyện Nhất Trung nhất định không chỉ có một mình cô em là giáo viên ngoại thành, thế mà phòng lại an bài cho cô em? Còn không phải bởi vì cô em là sinh viên đại học, cho nên lãnh đạo mới xem cô em như bảo bối sao."
Lời này của Cao Tư Tuệ thật ra nói đúng một nửa, huyện Nhất Trung trước đây vừa có đợt thay mới giáo viên, năm trước liên tiếp ba giáo viên già về hưu, đúng lúc thiếu người, thật vất vả mới tìm được giáo viên mới, với cả Lâm Cẩm Vân là sinh viên tốt nghiệp đại học Sư Phạm, nhà trường đương nhiên sẽ tìm mọi cách giữ cô lại, dốc toàn sức mà cung cấp các tiện ích.
Nhưng Lâm Cẩm Vân có ưu tú thế nào cũng không đến mức mới công tác chưa đến một năm lại được đãi ngộ phân phòng.
Trường huyện Nhất Trung là một trường lớn với rất nhiều giáo viên và nhân viên, trong trường ngoại trừ hai ký túc xá dành cho giáo viên còn có một ký túc xá dành cho nhân viên.
Có thể ở lại phòng ký túc xá dành cho giáo viên trường thì mới tính là phân phòng, phòng đó mới là phòng chính thức.
Ký túc xá cho nhân viên là kiểu nhà ống, mỗi tầng có mười cái phòng đơn ngăn cách lẫn nhau, mỗi phòng đơn có một ban công cùng một WC nhỏ độc lập, tùy theo gian phòng mà có thể ở được từ 1-4 người, tựa như ống trúc bổ ra. Phòng đơn này là để cấp tạm thời cho giáo viên trẻ chưa đủ tiêu chuẩn phân phòng như Lâm Cẩm Vân hay các nhân viên hành chính, nhân viên nhà ăn, nhân viên xưởng in do trường học điều hành, bảo vệ gác cổng, v.v...
Dựa theo điều kiện cùng trình độ, Lâm Cẩm Vân có thể hưởng phòng 1 người, nhưng nhà ống này cũng gần như hết phòng, dù chỉ một phòng cũng khó tìm ra. Nhân viên trường tìm hết một vòng mới phát hiện ở lầu ba còn dư ra một gian phòng 2 người, nhưng vấn đề lại tới nữa: Đồng thời có hai người được phân đến, một người là Lâm Cẩm Vân, người còn lại cũng là giáo viên tốt nghiệp đại học Sư Phạm như cô - Hứa Tiểu Phong, một nam sinh.
Sẽ dễ dàng nếu như hai nam cử nhân* ở chung. Nhưng một nam một nữ thì lại thành vấn đề.
Cuối cùng lãnh đạo căn cứ theo nguyên tắc ưu tiên nữ sĩ, an bài gian phòng 2 người cho Lâm Cẩm Vân, còn Hứa Tiểu Phong thì được trợ cấp tiền xe đi lại hàng ngày, xem như cân bằng hai bên, đâu đã vào đó.
Sau này tình cờ nghe đồng nghiệp nói chuyện phiếm, thuận miệng nhắc tới chuyện này, đúng lúc Cẩm Vân đi ngang qua nghe được, cô mới hiểu mình có thể ở lại trường hóa ra là nhờ ưu thế giới tính, sau đó mỗi lần nhìn thấy Hứa Tiểu Phong đều khó tránh khỏi có chút để ý cùng áy náy, suy cho cùng mỗi ngày phải ngồi hai giờ xe đi làm cũng không phải chuyện nhẹ nhàng gì. Cũng may Hứa Tiểu Phong dường như không mấy để tâm, mỗi lần chạm mặt cô ở trường đều thân thiện chào hỏi.
Nhưng những chuyện đó đều là chuyện riêng của cô, Lâm Cẩm Vân không định chia sẻ cùng Cao Tư Tuệ, khi nghe chị ta ra sức khen ngợi lấy lòng, cô vẫn tỏ vẻ thờ ơ lạnh nhạt.
Cao Tư Tuệ thấy Lâm Cẩm Vân hờ hững, trong lòng cũng không mấy thoải mái, nhưng vì lúc này có việc cần nhờ vả nên đành mặt dày tiếp tục nói đông nói tây, toan lân la làm thân với cô.
Chị ta nhìn thấy Lâm Vĩ Khang đi phía trước, ý nghĩ chợt lóe, liền đổi đề tài: "Anh Vĩ Khang ơi, anh chậm đã. Vợ anh đâu rồi? Sao không dẫn chị ấy theo cùng?"
Lâm Cẩm Vân nghe Cao Tư Tuệ đột nhiên đả động đến chuyện anh mình cùng Tưởng Lan, trong lòng giật thót, cau mày liếc Cao Tư Tuệ một cái, tiếp tục bất động thanh sắc mà đi tới.
Lâm Vĩ Khang nghe thấy Cao Tư Tuệ gọi mình, dừng bước quay đầu cười ngây ngô với chị ta, có lẽ là đang rất vui vẻ nên cũng nổi lên hứng thú nói chuyện, đáp: "Cô ấy nấu cơm, tôi cùng A Vân đi hái lá cây."
Cao Tư Tuệ nheo mắt nhìn hắn cười nói: "Anh Vĩ Khang này, vợ anh đối với anh có tốt không?"
"Hở... Không biết."
Cao Tư Tuệ cười trêu ghẹo: "Anh ngủ chung với chị ấy mà chị ấy thế nào anh cũng không biết à?"
Không ngờ Lâm Vĩ Khang lại rất thành thật mà trả lời: "Không có ở chung."
Đáp án này Cao Tư Tuệ trăm triệu lần không nghĩ tới, tức khắc nổi lên lòng hiếu kỳ mãnh liệt, vội truy vấn Lâm Vĩ Khang: "Gì cơ? Anh bất hòa với vợ anh sao? Vậy anh ở với ai?"
Lâm Cẩm Vân thầm cảm thấy không ổn, vội bước nhanh theo sau giữ chặt Lâm Vĩ Khang hô: "Anh à, anh đi chậm một chút, đừng đi nhanh như vậy."
Lâm Vĩ Khang đang định trả lời, bị Lâm Cẩm Vân cắt ngang nên cũng quên trả lời Cao Tư Tuệ, chỉ ngây ngốc nhìn em gái. Lâm Cẩm Vân xám mặt đi đến trước mặt hắn, kéo cánh tay hắn, nhéo nhéo, nghiêm mặt nói: "Anh mà còn chạy lung tung nữa thì em không dẫn anh theo nữa đâu đó."
Lâm Vĩ Khang vừa nghe em gái nói không dẫn mình đi, lập tức sợ hãi, ỉu xìu buồn bã không dám hé răng đi bên cạnh Lâm Cẩm Vân.
Cao Tư Tuệ thấy thế cũng không hỏi thêm nhiều, chỉ như có điều suy tư mà đi theo phía sau hai người.
===
Mấy tuần rồi Sâu dồn toàn lực để Hoàn bộ Tuyết Nguyệt Phong Hoa nên có bỏ bê các bạn đọc của Phi Tẩu Công Lược.
Nay xin cáo lỗi cùng mọi người .
Mọi người đừng ghét bỏ mà quên vote quên cmt cho Sâu nha
===
Chú thích:
(1) Bánh chưng (chú thích: tiếng Hán 裹蒸[guǒ zhēng], âm Hán-Việt "quả chưng", thường gọi là裹蒸粽 "quả chưng tống"), được coi là "Trà điểm vương" (vua món điểm tâm), là đặc sản chính hiệu của thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, một loại bánh nhà nhà đều biết ở khu vực Lĩnh Nam. Triệu Khánh ở phía tây Quảng Đông, tự hào với cố đô Lĩnh Nam. Bánh chưng là đặc sản chính hiệu của Triệu Khánh.
Bánh chưng Triệu Khánh truyền thống có hình gối hoặc hình kim tự tháp Ai Cập. Nguyên liệu chủ yếu của bánh chưng Triệu Khánh truyền thống cũng là gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ (sấn hoặt dọi), theo tỉ lệ 10:6:4, cho thêm một ít muối tinh, dầu lạc, ngũ vị hương, rượu, vừng trắng... Phải dùng loại lá dong chỉ có ở hai bờ sông Tây Giang để gói bánh chưng, thì mới có mùi thơm đặc biệt và có tác dụng chống mốc rất tốt. Bánh được buộc bằng sợi cói riêng có ở vùng này. Chiếc bánh đã gói xong chưa luộc có trọng lượng khoảng 0,5kg. Bánh cũng được cho vào nồi lớn luộc lửa to trong 8 tiếng, vừa luộc vừa đổ thêm nước vào, cho đến khi gạo nếp, đỗ xanh, thịt chín quyện vào với nhau là được, gọi là "bánh chưng thịt khổ".
Bánh chưng Triệu Khánh hương vị thơm ngon, ăn ngon mềm, béo mà không ngấy, thơm ngọt vừa miệng, hương vị độc đáo. Là món ăn truyền thống được dân bản địa ưa thích vào ngày Tết. Trong dân gian Triệu Khánh, xưa nay bánh chưng luôn là món ăn của ngày Tết.
Nguồn: vanviet.info