Khuynh Tẫn Thiên Hạ – Loạn Thế Phồn Hoa

Chương 67

Tiết xuân ba tháng, xuân đáo hoa khai, đất trời căng tràn nhựa sống.

Xí quốc hoa đô, yên vân rợp trời, như sương như khói, bồng bềnh, lãng đãng hòa quyện cùng lạc hoa hồng rực. Nhìn mây, ngỡ hoa mãn khai, nhìn hoa, ngỡ mây phiêu bồng…

Ở trong Bách hoa truyền thuyết, cứ mỗi tháng âm lịch lại cử một loài hoa làm đại biểu, tương ứng cũng có mười hai truyền thuyết về thần hoa khiến cho nhân gian trầm trồ ngưỡng mộ, truyền kỳ từ đời này sang đời khác.

Thời gian hoa đào bừng nở rực rỡ nhất, lộng lẫy nhất tương ứng vào tháng ba hàng năm, nên tháng này còn được gọi là Đào nguyệt.

Truyền thuyết về Thần đào hoa là truyền thuyết được biết đến sớm nhất, tương truyền xuất phát từ nước Sở thời Xuân Thu chiến quốc: Phu nhân của Tức hầu (một nước chư hầu) – Tức phu nhân nổi tiếng xinh đẹp tuyệt trần, đôi má lúc nào cũng phơn phớt hồng như đào hoa đương sắc. Trong một cơn chính biến, nước Tức bị Sở Văn Vương tiêu diệt. Sở Văn Vương mê mẩn sắc đẹp của Tức phu nhân, bắt nàng về chiếm đoạt, Tức phu nhân một mực cự tuyệt, thừa lúc Sở vương không để ý lẻn trốn ra ngoài tìm Tức hầu thì được tin Tức hầu đã tự sát, nàng đau khổ tuẫn tiết theo chồng. Lúc ấy cũng vào tháng ba, đào hoa khai mãn, tuyệt diễm thê lương, người nước Sở xúc động cùng cảm phục sự kiên trinh oanh liệt của Tức phu nhân bèn lập bài vị, đền miếu để thờ tự, cúng bái, đồng thời xưng tụng nàng là ‘Đào hoa phu nhân’, ‘Đào hoa thần nữ’, truyền tụng mãi đến ngày nay. (1)

Ngày hôm nay, cũng chính là ngày mỗi năm một lần, dân Xí quốc tổ chức lễ hội hoa đào, tế tự ‘Đào hoa thần nữ’ Tức phu nhân.

Ven sông Xí Thủy, nam thanh nữ tú tụ tập hò hẹn tâm tình, tặng nhau những cành đào mơn mởn rực hồng, rúc rích cười cười nói nói, rồi lại chuyên tâm thành kính bái tế Tức phu nhân, khẩn cầu Đào hoa thần nữ ban cho mình một mối lương duyên hoàn mỹ.

Mấy chục nữ nhân xinh đẹp trẻ trung nắm tay nhau xếp thành vòng tròn vừa ca hát vừa nhảy múa, làn điệu dân ca Xí quốc hiện ra trong vắt tươi vui với tiếng hát mềm dịu, mượt mà, ngọt ngào đến mê mẩn (2). Dung nhan quyến rũ mị hoặc hòa với sắc thắm rực rỡ của đào hoa làm lòng người càng bừng thêm phấn khởi, hứng thú.

“Thật là náo nhiệt!”

Thanh âm vang vang ấm áp của nam tử tựa như thỏi nam châm đầy sức cám dỗ mị hoặc lập tức thu hút mọi sự chú ý, khiến cho không ai tự chủ được bản thân phải ngoái đầu lại xem.

Vừa nhìn thấy, liền thất hồn lạc phách…

Cả rừng người bỗng đình chỉ mọi âm thanh, câm lặng đến kỳ dị.

Đào hoa bừng nở như muôn vạn đốm lửa rực hồng tuyệt diễm long lanh, hệt như một bức họa Bồng Lai tiên cảnh.

Giữa cảnh tiên thế ngoại hư hư ảo ảo, nửa thực nửa mộng khiến người ta đắm say ngây ngất ấy, hai nam tử không biết từ đâu xuất hiện điềm nhiên chậm rãi tiến đến.

Xuân phong xào xạc, mát rượi, từng tảng mây đào hoa mỏng manh không chịu nổi sức gió, lả tả trút một cơn mưa màu hồng rực rỡ, thấp thoáng giữa trời lạc anh, tà áo trắng muốt tiêm trần bất nhiễm của bạch y công tử thanh cao thoát tục cùng hồng cân đỏ rực cuồng ngạo của thiếu niên vương hầu anh tuấn tà mị đón gió phiêu diêu, phơ phất.

Bạch y công tử xòe bàn tay, lạc hoa thơ thẩn phiêu phiêu nhẹ nhàng đáp xuống. Bàn tay trắng nõn tao nhã nhón lấy, chu sa long lanh phi diễm nghiêng ngả hồng trần, ảm đạm phồn hoa: “Năm nay đào hoa dường như lung linh tươi đẹp khác thường!”

Vương hầu thiếu niên bên cạnh nhẹ phủi đầu, khẽ khàng hất đi những cánh hoa mong manh tuyệt sắc vô tình đậu lên mái tóc đen nhánh của mình, mỉm cười tà mị: “Có lẽ là biết Khuynh Vũ sẽ đến nên cả mạn sơn đào hoa này mới khẩn cấp thúc giục hoa bừng nở như thế này để chào đón… Xem ra, hoa nơi này cũng có tranh diễm chi tâm (3) đó!”

Bốn bề lặng phắc như tờ, châm rơi cũng có thể nghe được. Cả đám người đứng như trời trồng chỉ biết ngây ngốc mà nhìn, làm như chỉ trong tích tắc đã mất đi năng lực kiểm soát hành vi, chăm chăm không rời mắt bóng dáng hai người rời đi mỗi lúc một xa rồi dần dần mất hút …

Có thể giải thích là, do chấn động thần hồn đến cực điểm, toàn bộ trí óc cùng kỹ năng suy nghĩ nhất thời trở nên tê liệt, trong đầu lúc đó không còn ý niệm gì, không còn hành động gì, chỉ còn trống rỗng hư vô.

Mãi đến khi hai người đã khuất thật xa, hết thảy mới định thần, bình tâm lại, đưa mắt nhìn nhau.

Vừa rồi… là mộng hay là mơ? Là ảo hay là thực?

Trong lòng bỗng nhiên một phen sững sờ: chẳng lẽ… chẳng lẽ vì năm nay đào hoa kiều mị diễm lệ khác thường, đến nỗi cả thần tiên trên trời cũng không thể kềm lòng, phải hạ phàm thưởng thức hay sao?

Trên sông Xí Thủy, đào hoa rụng đầy mặt nước chậm chạp xuôi dòng, xa xa trông như một tấm thảm hoa bàng bạc lấp lánh, dưới ánh mặt trời, cánh hoa màu hồng soi bóng nước, sắc hoa lúc ửng lên rực lửa, lúc lại nhàn nhạt mềm mại màu cỏ lau; nhìn gần, phảng phất như chỉ cần một hơi thổi nhẹ, cánh hoa sẽ lập tức tan ra thành nước, mong manh, uyển chuyển giống hệt thiếu nữ khuê trung vừa tô son điểm phấn, e lệ thướt tha.

Dưới gốc đào, rất đông người tụ họp, cười cười nói nói huyên thuyên náo nhiệt, hoa tay múa chân làm lạc hoa tung bay tán loạn, không khí tưng bừng hồ hởi sôi nổi cuồn cuộn như sóng tràn bờ.

Phương Quân Càn không kềm nổi phấn khích, nói: “Đào hoa thực sự là loại hoa ưa thích ồn ào náo nhiệt!”

Nghe vậy, luân y thiếu niên Tiếu Khuynh Vũ thản nhiên điềm đạm đáp lời: “Không đâu, kỳ thực, hoa đào là loài hoa vô cùng tịch mịch…”

Đào hoa, vì động lòng thế gian mà sinh ra, và cũng vì thiên hạ đau thương mà nở rộ.

Nhưng mà, ngay lúc đó Phương Quân Càn không mấy để tâm tới hàm ý ẩn sau câu nói ấy…

Bởi vì đang mải… Kìa trước mặt, một thiếu niên có lẽ vừa chớm yêu đang với tay bẻ xuống một cành đào, đem trao tặng người mình để ý, thiếu nữ e thẹn xấu hổ, rụt rè nửa muốn cự tuyệt, nửa không.

Thiếu niên lại càng kiên trì.

Cuối cùng, đôi má cô gái đỏ bừng lên, run run ngượng ngùng tiếp nhận cành đào từ tay thiếu niên nọ.

Tiếu Khuynh Vũ quay lưng về phía hai người nên không thấy, chỉ có Phương tiểu hầu gia mục kích tường tận mọi việc từ đầu đến cuối.

Liền nhếch môi cười đầy tà khí: “Khuynh Vũ chờ ta một lát!”

Tiếu Khuynh Vũ bày ra vẻ mặt không hiểu lắm sự việc diễn ra, chỉ còn biết chăm chú nhìn theo bóng hắn vọt đến nơi có gốc đào cổ thụ cao nhất ven Xí Thủy.

Đó là một gốc đào đã trăm năm, thân cao mười thước, tráng kiện sum suê, ba người ôm không hết. Đối với người dân Xí quốc, đào thụ này chính là hóa thân của Đào hoa thần nữ tại nhân gian.

Mọi người nhất loạt kinh hô khiếp hãi khi thấy Phương Quân Càn nhẹ nhàng phi thân, hệt như hồng nhạn tung cánh vút bay lên ngọn cây!

Ở trên ngọn cây đào, hắn phóng mắt về hướng nam tử kia mỉm cười, nụ cười đầy mê lực trên khuôn mặt tuấn mỹ phi phàm, khiến cho biết bao thiếu nữ hoài xuân phải điên đảo thần hồn.

Hắn thản nhiên đưa tay bẻ một cành đào ở trên tán cao nhất, rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất.

Sắc đỏ chan hòa phiêu vũ trong không trung, hồng cân phơ phất tung bay quyện cùng lạc anh lả tả vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp. Tay hắn nắm chặt cành đào, môi cười tà mị, giữa trời hoa rơi, phảng phất nét quyến rũ mà cũng nghiêm nghị đường hoàng.

Rồi, hắn sải bước đến bên cạnh luân y thiếu niên, đào chi trong tay dịu dàng đưa trước mặt y.

Xuân phong mơn man lay động, đóa đào hoa e ấp rung rinh, lung linh như khóe thu ba lúng liếng thẹn thùa, kiều mị, diễm tuyệt.

Hắn nói: “Tặng cho huynh!”

Tiếu Khuynh Vũ ngạc nhiên, sóng mắt bỗng trở nên trầm lặng mênh mang như biển rộng. Một thoáng chần chờ do dự, rồi y chậm rãi vén tay áo, đưa bàn tay ra tiếp nhận cành đào trong tay hắn.

Hồng cân rực lửa, y phục phiêu vân, bàn tay trắng nõn, đào hoa mơ màng.

Ngay tại lúc này, thời gian như đông cứng lại, khắc sâu cảnh tượng trước mặt thành một kiệt tác vĩnh cửu, bất khả phục dựng…

Rõ ràng bội luân bại lý, rõ ràng hậu thế bất dung, mà cũng rõ ràng minh bạch bày ra trước mắt, khiến cho hết thảy người có mặt đều nín thở câm lặng, không nói được lời nào…

Mọi người rõ ràng đều nhìn thấy, hồng cân thiếu niên anh tuấn tà mị tung người lên ngọn cây, hái cành đào cao nhất, đẹp nhất đưa đến trước mặt bạch y nam tử thanh khiết không chút tỳ vết nọ.

Rồi nam tử ấy… đưa tay nhận.

Chỉ đơn giản vậy thôi.

Nhưng mà… từ bây giờ cho đến khi lão nhược, tất cả những người có mặt đều tạc sâu trong lòng, vĩnh viễn không thể quên: năm đó, giữa một trời lạc anh rực hồng diễm lệ, hai thiếu niên tuyệt thế vô song cùng nhau đào chi ước hẹn…

Phương Quân Càn chợt cười to sảng khoái.

Giọng cười vô cùng đắc chí vì đã lừa được Tiếu Khuynh Vũ: “Khuynh Vũ mắc mưu rồi! Theo phong tục địa phương của Xí quốc, vào ngày hội hoa đào hằng năm, nam thanh nữ tú trèo lên cây đào cao nhất này hái xuống một cành, đem tặng ý trung nhân của mình, nếu đối phương tiếp nhận, tức là ước định chung thân, cả đời sẽ ở bên nhau, không bao giờ lìa bỏ, không bao giờ rời xa!”

Sợ Vô Song công tử thẹn quá hóa giận hạ thủ bất lưu tình, Phương tiểu hầu gia co chân chạy biến, vọng lại tiếng cười khanh khách cùng lời trêu ghẹo: “Khuynh Vũ nhận hoa rồi, từ nay về sau sẽ là người của bổn hầu nha!”

Tự nhiên, thoảng nghe văng vẳng lời thề son sắt, khắc cốt ghi tâm của Phương Quân Càn một ngày nào đó: “Đào chi hẹn ước, thượng thiên chứng giám! Tình này – Thượng cùng Bích Lạc, hạ Hoàng Tuyền!”

—oOo—

(1):Ở đây, xin nói rõ một chút về truyền thuyết ‘Đào hoa thần nữ’ trong truyện. Đoạn đầu thì bạn Mặc nói đúng rồi, nhưng đoạn sau thì nàng ấy ‘chế’ để cho nó thêm phần kịch tính thôi.

Đầu đuôi là như thế này:

Sái hầu và Tức hầu (là vua của 2 nước chư hầu thuộc Sở) đều lấy vợ người nước Trần, nhưng phu nhân của Tức hầu là nàng Tức Vĩ (có tài liệu viết là Tức Quỳ) rất đẹp, đôi má lúc nào cũng phơn phớt ửng hồng như hoa đào khoe sắc. Sái hầu cợt nhả với Tức phu nhân nên bị Tức hầu xui Sở Văn Vương xua quân bình định, bắt Sái hầu làm tù binh, mãi mới tha cho. Sái hầu ôm hận trong lòng, thẽ thọt với Sở Văn Vương về sắc đẹp của Tức phu nhân để khơi lòng ham muốn. Quả nhiên Sở Văn Vương ngay lần đầu gặp mặt đã không thể cưỡng lại sự quyến rũ của nàng. Lấy cớ Tức phu nhân vô phép không dâng rượu tận tay mà nhờ thị nữ, Sở Văn Vương cả giận đưa quân đánh Tức hầu, an trí Tức hầu ở Nhữ Thủy, bắt Tức Vĩ về cung cưỡng đoạt, Tức hầu biết tin giận quá mà chết. Tức phu nhân từ ngày vào cung không hề hé môi nói với Sở Văn Vương nửa câu, dù Vương vô cùng yêu chiều nàng, nhưng cũng hạ sinh cho Sở vương hai người con, một người sau này lên ngôi làm vua nước Sở. Mãi đến khi nàng chết, cũng không mở miệng nói với Sở Văn Vương một lời nào.

Sở dĩ gọi nàng là ‘Đào hoa phu nhân’ là bởi vì đôi má nàng lúc nào cũng phơn phớt ửng hồng như hoa đào khoe sắc. Ngoài ra còn có một thuyết khác cho rằng, sắc đẹp của hoa đào không cần phải mở miệng khoa trương, nên chuyện Tức Vĩ im lặng không nói cũng được ví như đào hoa tuyệt sắc vô ngôn vô ngữ vậy!

Ngày sau Đỗ Mục – một nhà thơ thời vãn Đường – một lần đi ngang qua Miếu thờ Đào hoa phu nhân đã cảm tác một bài thơ, ‘Đề Đào hoa phu nhân miếu’, xin đưa nguyên văn chữ Hán, Hán Việt, dịch nghĩa cùng bản dịch bừa của tôi ở đây.

Nguyên văn

題桃花夫人廟

細腰宮裡露桃新

脈脈無言幾度春。 

至竟息亡緣底事?

可憐金谷墜樓人

Hán Việt:

Đề Đào Hoa phu nhân miếu

Tế yêu cung lý lộ đào tân, 

Mạch mạch vô ngôn kỷ độ xuân. 

Chí cánh Tức vong duyên để sự?

Khả liên Kim Cốc truỵ lâu nhân.

Dịch nghĩa:

Thơ viết ở miếu Đào Hoa phu nhân

Trong cung eo nhỏ, đào tơ mơn mởn ngậm sương. 

Lặng lẽ không nói đã biết bao mùa xuân. 

Rốt cuộc vì sao mà nước Tức bị mất? 

Đáng thương cho người gieo lầu ở vườn Kim Cốc.

Dịch thơ:

Đề Đào Hoa phu nhân miếu

Lưng ong cung khuyết đào hoa khai

Tịch mịch vô ngôn mấy năm dài

Tức quốc diệt vong vì duyên cớ?

Tích xưa Kim Cốc xót xa hoài.

• Tích xưa Kim Cốc: Đỗ Mục liên tưởng đến chuyện nàng Lục Châu (thiếp yêu của đại hào phú Thạch Sùng) rất xinh đẹp, Tôn Tú mê mẩn nàng nên đòi Thạch Sùng dâng tặng, Thạch Sùng một mực cự tuyệt. Tôn Tú cả giận giả chiếu chỉ đến bắt người, Thạch Sùng cùng nàng đang ngồi trên lầu cao ở vườn Kim Cốc, thấy vậy họ Thạch nói với nàng: “Ta vì nàng mà phải tội!” Lục Châu khóc mà thưa rằng: “Vậy thiếp xin chết trước mặt chàng!” Dứt lời nhảy xuống lầu cao tự vẫn.

Đỗ Mục có ý chê Tức phu nhân tại sao không có can đảm như nàng Lục Châu, thà chết để giữ trọn tiết hạnh chứ không chịu nhục nhã. Dẫu Tức Vĩ có cam nguyện câm lặng cả đời, thì việc lấy hai chồng của nàng cũng khiến cho hậu thế phải phán xét.

(2): nguyên văn ‘ngô nông khang điều’ là chỉ giọng nói của người vùng Tô Châu ngọt ngào thánh thót, uyển chuyển mềm mại, ngây ngất lòng người.

(3): tranh xem ai đẹp hơn
Bình Luận (0)
Comment