Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307

Chương 72

TÌNH HÌNH CHIẾN TRƯỜNG MÙA MƯA 1980.

Khi nhận địa bàn từ anh em e20 CANDVT, đội hình bố trí của e95 có những sự thay đổi như sau (so với trước khi giao lại cho anh em e20).

1. Phía đông chùa Preah Vihear c1 d1 có một chốt tiền tiêu và một đài quan sát ở bình độ 200. (Lực lượng b tăng cường).

2. C11 d3 cũng có một lực lượng chốt giữ cao điểm 300 (lực lượng cũng b tăng cường)

3. Phía tây chùa Preah Vihear có lực lượng c2 d1 đảm nhiệm.

Về tình hình địch:

Sau hơn một năm củng cố lực lượng. Địch bắt đầu tung lực lượng qua biên giới. Trên địa bàn tỉnh Preah Vihear chúng mở các cửa khẩu: Anlongveng qua 547 về núi Cụt, chạy dài đến Phnom Tabeng, đến dãy núi Hồng giáp với địa bàn của MT779 và cả của 479. Trọng điểm là Anlongveng và khu vực cao điểm 428. Thời điểm này, Anlongveng do d9 e29 đảm nhiệm, khu vực 428 do d2 e95 đảm nhiệm. Như vậy đối với e95 chỉ còn lại d3 là lực lượng cơ động, nhưng chủ yếu tập trung bảo vệ hành lang cho Chùa Preah Vihear, cũng như khu vực f bộ 307.

Về tình hình ta:

Suốt mấy tháng mùa khô, địch không hoạt động nên ta cũng án binh bất động, chỉ chăm lo củng cố địa bàn đóng quân như hầm hố chiến hào, hoạt động ngoài biên giới có hạn chế.

Khi mùa mưa đến, cỏ non mọc mơn mởn xanh ngoài rừng, cây đâm chồi xanh tươi trở lại, là lúc chúng hoạt động thích hợp. Ban đầu chúng luồn sâu cài mìn vào các con đường mòn của ta hay sử dụng, gây thương vong cho ta ở những ngày đầu. Khoảng giữa tháng 5 hay 6/ 1980 chúng ta đã bị thương vong do mìn của địch ở hướng d2 e95 (mìn K58 và KP2, chưa có xuất hiện mìn 65 – 2A). Ngày 7/ 9/ 1980 trên hướng d1 e95 liệt sĩ Nguyễn Văn Tư c1 d1 (lính 1977 quê Duy Xuyên – Quảng Nam) là liệt sĩ đầu tiên của năm 1980, trên đường tuần tra từ chốt lên đài quan sát, anh bị vướng mìn KP2 và hi sinh, và cũng con đường này những tháng sau đó trinh sát d1 e95 cũng hi sinh ba 3 và c1 hi sinh hai.

Cũng vào tháng 9/ 1980 trên hướng d2 e95 chúng tăng cường tung quân qua biên giới và đeo bám d2, chúng tập kích vào các đơn vị của ta suốt cả ngày lẫn đêm. Ngày đó, chỉ cần ra khỏi hàng rào của đơn vị, là đã gặp địch hay mìn của chúng. Từ phía bên kia biên giới, chúng nã cối và DK vào các chốt của ta, làm cho d2 bị động không di chuyển được đội hình chi viện lẫn nhau. (c6 c7 chốt hai vị trí, c8 hỏa lực phân tán cho các đơn vị, chỉ còn c5 và d bộ đứng chân dưới các cao điểm). Ngày nào cũng có thương binh tử sĩ từ hướng d2 cáng về phẩu e95, gây những khó khăn về mặt tư tưởng cho bộ đội. Khoảng giữa tháng 10/ 1980 e95 nhận đợt tân binh của tỉnh Nghĩa Bình và Phú Khánh, nhiều anh em tân binh trên đường ra đơn vị, vấp phải mìn hi sinh, càng làm cho tình hình thêm phức tạp. (Thầy Hiệu trưởng trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Đồng Nai hiện nay là tân binh của đợt này).

Trước tình hình ngày càng diễn biến không thuận lợi cho ta. Tham mưu trưởng e95 Đại úy Trần Bá Khánh (người đã chỉ huy d3 đánh chiếm 547 đầu tiên) trực tiếp ra trận địa, cùng với d2 bàn phương án giải quyết tình hình chiến trường. Sau bốn ngày ở ngoài rừng cùng với lực lượng trinh sát hỗn hợp. Quan sát cách đánh của địch. Thủ trưởng đưa ra quyết định: Tăng cường vũ khí hỏa lực cho lực lượng hỗn hợp (bao gồm Ts của f + Ts e95 + c9 d3). Phân thành nhiều nhóm nhỏ trên dưới mười lăm người. Giao nhiệm vụ phục kích chặn đánh từ xa các lực lượng địch, khi chúng vượt qua biên giới (chưa có lệnh đánh qua đất Thái. Tại sao ư? Chuyện vĩ mô…), giảm bớt khó khăn cho d2, và chuyển lực lượng của ta từ thế phòng thủ sang tấn công. Lực lượng trinh sát được trang bị như bộ binh có cả B40 và RPD. Các bộ phận hỗn hợp đều có máy PRC 25 để liên lạc trực tiếp với nhau trong tác chiến. Ban đêm để phía ngoài 1/ 2 lực lượng để giữ địa bàn, hạn chế chúng bò vào gài mìn quanh các đơn vị, các con đường qua lại nội bộ của ta.

Lại phải nằm rừng cơm cục, nước đục… những trận đánh nhỏ lẻ triền miên suốt mùa mưa 1980.
Bình Luận (0)
Comment