Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307

Chương 9

ĐỨC CƠ KHUNG TRỜI BÌNH YÊN.

Ngày thứ hai sau khi về lại hậu cứ, đơn vị tổ chức họp Hội đồng quân nhân tổng kết cả một đợt đi chiến dịch… nhận xét... tuyên dương… khen thưởng… đề nghị phong quân hàm… và điều quan trọng triển khai kế hoạch huấn luyện binh chủng, điều mà anh em chúng tôi chưa biết gì... và theo lệnh của F chúng tôi phải thực tập sử dụng bản đồ trên mọi địa hình: rùng núi nguyên sinh (vùng Đắc Tô Tân Cảnh), rừng thưa độ che phủ dưới 25% (Đắc Pơ – Hà Tam), xác định bản đồ trong thành phố (Pleiku – Kontum), địa hình đồi núi phức tạp (Chư Nghé, điểm cao 421) thời gian quá gấp, nên đơn vị yêu cầu không nên báo về gia đình, tránh tình trạng gia đình lên thăm, dễ gây hiệu ứng mất lính như những đợt trước... cũng như nghe tiếng ùng oàng từ phía bên kia biên giới…

Ngày thứ ba, chúng tôi có một ngày để chuẩn bị quân tư trang, nghỉ ngơi lấy lại sức, và cả bọn đều nghĩ rằng: cách hồi sức tốt nhất là qua giao lưu với chị em e746 đang trồng cao su ở khu vực này. Có lẽ không có gì dễ hơn việc bộ đội làm quen với bộ đội… chóng vánh nhưng mang rất nhiều màu sắc... chúng tôi qua c3 e746, khi chị em nhà mình đang làm cỏ cao su được vài tháng tuổi, những hàng cao su thẳng tắp mơn mởn trong nắng trời Tây Nguyên, màu xanh của sự sống đang phát triển, mặc cho tiếng súng chỉ nổ cách đó chưa đầy 10 km…

“Đồng hương ơi! Đồng hương quê ở đâu vậy?” Hàng trăm câu hỏi như nhau, được phát ra từ những cái miệng nhỏ nhắn ngọt ngào, mang âm hưởng nhẹ nhàng của xứ Huế, trọ trẹ khó nghe của Quảng Bình, Đồng Hới…

“Đồng hương ợ Huệ” chúng tôi đáp lại…

Những tiếng cười thánh thót vang lên nghe xao xuyến cực kì…

Chúng tôi ghé chơi và chị em cũng thân tình đón khách… ngồi ở dưới những gốc cây bằng lăng to rợp mát… một thiên sử mở ra với không biết bao nhiêu chủ đề... Biết mục đích của chúng tôi là đi kiếm rau về cải thiện, chị em không ngần ngại cho người về trại, nhổ luôn một luống cải củ cho chúng tôi mang về… với bao lời dặn dò tối nay chị em sẽ sang chơi (chúng tôi không được ra khỏi doanh trại vào ban đêm, nhưng chị em đến chơi thì được, và phải về lúc chín giờ), không phải chỉ có c3 mà cả c2 cũng kéo qua doanh trại chúng tôi (tỉ lệ một nam/ ba nữ) đêm ấy chúng tôi chung vui văn nghệ với nhau, và đến hơn mười một giờ đêm mới giải tán, khi nghe tiếng kẻng của đơn vị gõ liên hồi báo động… là phải về… Tôi vốn không ưa ca hát, nên mời vài chị em về lán uống nước trà, và còn mấy phong lương khô bỏ ra để đãi chị em… rồi chia lẻ một lần nữa, ra trước lán, ngồi ở cái bàn ăn cơm để chuyện nhỏ chuyện to, tôi có lợi thế là đã biết cô nàng từ hồi sáng, nên có những thuận lợi hơn những anh em khác, đang trong thời kì quá độ của sự tiếp cận… E thẹn trong bước đầu gặp gỡ đã mất, và giờ đây chỉ còn lại sự thân tình (limited), của những con người cùng trang lứa, với những hoàn cảnh như nhau, nên rất dễ hòa đồng trong phút chốc. Thước phim của mỗi cuộc đời được quay một cách chậm rãi trong lời kể đầy cảm xúc… và hai cuộc đời ấy đã có hiện tượng đập cùng một nhịp lúc nào không biết…

Chia tay, chúng tôi tiễn chị em ra khỏi doanh trại, có anh còn hào phóng cho mượn đèn pin để chị em đi về, rồi hẹn hò... rồi hò hẹn... ngày mai... tối mai… nhưng đâu ai hiểu rằng đây là lần đầu, cũng là lần cuối gặp mặt nhau, vì sau hơn mười lăm ngày huấn luyện chúng tôi đi thẳng từ Đắc Tô lên căn cứ Xa - Xb, lúc này là căn cứ hậu cần và kĩ thuật của F và SCH Tiền phương Quân khu 5, chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công vào chiều ngày 22/ 12/ 1978.

Về lại lán, tôi viết lá thư về thăm nhà, báo cho gia đình biết tôi vẫn khỏe và công tác bình thường trong quân ngũ, cả mấy anh em cùng quê không ai nói gì về cuộc chiến tranh đang xảy ra từng ngày trước mặt chúng tôi. Nhưng…

“Chỉ tội cho em… tình yêu đầu tiên của em, đã bị ngăn cách vì không gian xa vời vợi, ngày gặp lại là điều khó nói… nơi quê nhà em vẫn vật lộn với những cánh đồng muối, của nhà anh và cả của nhà em, ánh nắng chói chang của vùng biển miền Trung sẽ làm da em sậm thêm, gió biển quê mình sẽ làm tóc em xỏa xuống, tung bay trong gió, lộ rõ khuôn mặt buồn, man mác chờ một bóng hình ai… Không còn ai cùng em tát nước những đêm trăng, không còn ai cào muối để em gánh lên nền…

Nơi hướng tây, đồi núi điệp trùng, vẫn có một người luôn nghĩ về em, và luôn dành cho em những hương vị ngọt ngào nhất của tình yêu đầu đời…

Giấc ngủ đến lúc nào cắt đứt dòng miên man của anh… cả tiếng súng nổ bên kia biên giới anh cũng không còn nghe thấy… chỉ nghe trong tiềm thức tiếng nói của em ngày xưa và hình bóng cô thôn nữ dịu dàng, đang đi trên những con đường đồng muối quê mình...”
Bình Luận (0)
Comment