Kiếm Lai

Chương 410

Sau khi lão thiên quân và Chung Khôi rời đi, một đêm lại không có chuyện gì.

Trần Bình An ôm Bùi Tiền mí mắt đã díu lại đặt lên bệ cửa sổ, bảo cô bé trở về phòng ngủ.

Hắn một mình ở lại trong sân, không đi thế cũng không luyện kiếm, ngồi bên cạnh bàn đá suy nghĩ kế hoạch sau này. Có lúc lại thất thần, ngẩng đầu nhìn màn đêm.

Lúc trước từng nghe Chung Khôi nói, trong số thánh nhân phụ tế của Văn miếu Nho gia, ngoại trừ một số người đi mở mang bờ cõi, tìm kiếm động tiên đất lành mới, còn lại những thánh nhân trấn giữ châu lớn của thế giới Hạo Nhiên, sẽ ở phía trên biển hồ nhìn xuống nhân gian.

Trong mắt bọn họ, những đại tu sĩ nhân gian dù là trên núi hay dưới núi, đều giống như những con đom đóm trôi dạt giữa đêm hè, ánh sáng mạnh hay yếu phải xem cảnh giới của những đại tu sĩ kia cao hay thấp.

Trong trận chiến ở núi Thái Bình, lão đạo sĩ núi Thái Bình và vượn trắng ra sức chém giết, cũng không che giấu khí tức. Trong tầm mắt của thánh nhân phía trên Đồng Diệp châu, giống như đột nhiên nổ ra hai chùm ánh sáng. Cho nên thánh nhân mới đáp xuống, phòng ngừa tu sĩ thần thông quảng đại không biết kiềm chế, đánh vỡ núi sông, hại đến muôn dân.

Phần lớn thời gian Trần Bình An chỉ nhắm mắt nghỉ ngơi, trong lòng đọc thầm khẩu quyết tiên gia trên thẻ ngọc của phủ Bích Du.

Đọc sách trăm lần thì sẽ tự lĩnh hội được ý nghĩa, vạn pháp trên thế gian đều không nằm ngoài tôn chỉ này.

Lúc tảng sáng, Trần Bình An mở mắt ra, nghe được tiếng bước chân của lão tướng quân Diêu Trấn ở bên ngoài. Ông ta dừng ở cửa viện, dường như đang do dự có nên gõ cửa hay không.

Trần Bình An đứng dậy đi mở cửa. Diêu Trấn cười nói:

- Không hổ là tông sư võ đạo, có thể nghe tiếng bước chân để phân biệt người.

Trần Bình An hỏi:

- Đến khu vườn trong dịch quán một chút cho khuây khỏa nhé?

Diêu Trấn sánh vai đi cùng Trần Bình An, chậm rãi nói:

- Hôm qua sở dĩ không đi theo các ngươi, tham quan địa phương mà vị tiên nhân thượng cổ kia cưỡi hạc phi thăng, là vì ta đã nhận được tin tức, nói rằng mật sứ thành Thận Cảnh sắp đến dịch quán, cho nên phải ở lại chờ. Vẫn luôn chờ đến canh hai buổi tối, mới nhìn thấy vị khách quý kia. Ngươi đoán xem là ai?

Đã hỏi như vậy, nhất định là nhân vật ở thành Thận Cảnh có dính dáng đến mình. Đầu óc Trần Bình An chợt sáng lên, trả lời:

- Thân quốc công Cao Thích Chân?

Diêu Trấn giơ ngón cái lên, gật đầu nói:

- Chính là vị quốc công gia này.

Người tới không thiện, người thiện không tới.

Trước khi đội ngũ Diêu gia tiến vào thành Thận Cảnh, lại để thân quốc công đảm nhiệm mật sứ, đến thành Kỵ Hạc truyền đạt ý chỉ. Điều này nói lên trong suy nghĩ của hoàng đế bệ hạ, phân lượng của thân quốc công vốn nặng hơn Binh bộ thượng thư Diêu Trấn tương lai.

Còn như trước khi thân quốc công rời khỏi kinh thành, hoàng đế họ Lưu có ân cần dặn dò gì đó hay không, Trần Bình An chưa từng gặp hoàng đế họ Lưu, cho nên không đoán được. Đối với lão tướng quân, thân quốc công bí mật đi vào dịch quán ở thành Kỵ Hạc, không khác nào một đòn ra oai phủ đầu.

Cư ngụ ở kinh thành không dễ, cho dù ngươi là Diêu Trấn, cũng vẫn là một người ngoài ở biên thùy.

Trong chuyến “đi xa” năm tháng dài dằng dặc ở đất lành Ngẫu Hoa, theo lão đạo nhân Đông Hải cùng nhau xem đạo, Trần Bình An đã được ích lợi không nhỏ. Có lẽ đến giây phút rời khỏi đất lành Ngẫu Hoa, gã chân đất ở ngõ Nê Bình mới gạt xuống một chút đất đai cuối cùng dính trên ống quần.

Diêu Trấn chậm rãi nói:

- Vương triều Đại Tuyền, họ Lưu dựng nước hai trăm năm, lên lên xuống xuống. Những quận vương quốc công khác họ, ban đầu tổng cộng có mười người, bây giờ cũng chỉ còn lại một dòng duy nhất là phủ thân quốc công.

- Lão thân quốc công danh tiếng rất tốt, tính tình công chính. Hai lần mạo hiểm có thể bị lấy xuống tấm biển phủ quốc công, phân biệt bảo vệ một nhóm thần tử thanh lưu (1) và một vị võ tướng biên thùy. Cho nên trong triều đình bất kể văn võ, đều niệm hai phần tình nghĩa này của phủ thân quốc công.

- Quốc công gia đương nhiệm Cao Thích Chân là người giấu tài, không thích khoe khoang, có điều lúc còn trẻ thường qua lại mật thiết với thái tử khi đó còn chưa lên ngôi. Bây giờ nhìn lại, vị quốc công gia này quả thật không đơn giản, cho nên Cao Thụ Nghị mới dám hoành hành ở thành Thận Cảnh...

Trần Bình An đột nhiên xen vào:

- Cao Thụ Nghị hoành hành bá đạo, chọc giận quyền quý các phương, chưa chắc không phải là do phủ quốc công muốn tự hạ thấp thanh danh. Hai đời quốc công gia, dựa vào bản lĩnh của mình, chiếm hết chỗ tốt mà triều thần không dám nghĩ tới. Nếu Cao Thụ Nghị không làm gì đó, kết cục của phủ quốc công, không chừng sẽ giống như cảnh ngộ của biên quân Diêu gia lúc trước.

Sắc mặt Diêu Trấn khác thường, lại giơ ngón cái với Trần Bình An, khen ngợi:

- Lời này cũng tương tự với những gì cháu gái Cận Chi của ta đã nói.

Ông ta vỗ vai Trần Bình An, cười nói:

- Có điều những luận điệu này, Cận Chi của chúng ta đã nói khi mới mười bốn mười lăm tuổi.

Trong lòng Trần Bình An buồn cười, lão tướng quân ngài so sánh chuyện này làm gì, nhưng ngoài miệng vẫn phụ họa:

- Cận Chi cô nương xinh đẹp thông minh, tinh thông học vấn các nhà, ta dĩ nhiên là kém xa.

Gương mặt từng trải của Diêu Trấn cười như nở hoa, u ám trong lòng đều bị quét sạch.

Còn như thân quốc công Cao Thích Chân đến dịch quán, cụ thể đã nói chuyện gì, Diêu Trấn là thần tử họ Lưu, đương nhiên sẽ không tiết lộ.

Có điều nếu thành Thận Cảnh và quốc công gia muốn đối phó với tiểu ân công của mình, Diêu Trấn cũng không để ý chết thêm một lần. Dù sao trả lại cái mạng già này cho Trần Bình An, vẫn là họ Diêu được lợi, kỵ binh Diêu gia xem như đã hoàn toàn thoát khỏi cơn sóng gió này.

Đêm qua sau khi tiễn Cao Thích Chân rời khỏi thành, Diêu Trấn đã trở về dịch quán nói chuyện với Diêu Cận Chi, đây là kết luận mà cháu gái đưa ra. Khi ông ta vào kinh, thành Thận Cảnh sẽ tổ chức nghênh đón long trọng, muôn người đổ xô ra đường. Được nhiều tầng lớp quan phủ thúc đẩy, thanh danh của kỵ binh Diêu gia sẽ vang khắp trong ngoài triều đình.

Khu vườn ở dịch quán rất nổi tiếng, được các đời văn nhân thi sĩ và quan viên được điều tới đây ra sức tuyên truyền, lại có danh tiếng “núi ao xinh đẹp, đình đài thanh tú, vua chúa kinh sư cũng không bằng”.

Cây xanh bóng mát, cầu nhỏ nước chảy, hai người đi lên một chiếc cầu vòm gỗ. Hôm nay Trần Bình An đã quen thuộc với cấu trúc của những cây cầu, có lẽ không thua gì một vị quan viên nha môn Công bộ. Hắn đi trên cầu, bước chân lúc nặng lúc nhẹ, còn đưa tay khẽ gõ vào lan can. Diêu Trấn chỉ cho rằng đây là sở thích cá nhân của Trần Bình An, cũng không tò mò hỏi thăm.

Đội ngũ Diêu gia ngày mốt sẽ lên đường, tối nay có một tiệc rượu do thứ sử tổ chức, ngày mai quận chủ lại lén lút mở tiệc chiêu đãi lão tướng quân Diêu Trấn, cho nên có thể du ngoạn thêm hai ngày ở thành Kỵ Hạc.

Trần Bình An ở trong viện đóng cửa tu hành.

Về chuyện võ đạo, tốc độ thăng cấp đã vượt xa mong đợi lúc rời khỏi núi Đảo Huyền, không cần phải gấp, cũng không gấp được. Nhưng chuyện xây dựng lại cầu trường sinh, lại có phần lửa xém lông mày.

Hai lần quán tưởng, một lần ở đất lành Ngẫu Hoa, một lần ở bên bờ sông Mai. Chiếc cầu dài màu vàng kia đã thành công xuất hiện trên sông, lần sau vững chắc hơn lần trước. Nhất là lần thứ hai vắt ngang sông Mai, Trần Bình An đã có lòng tin sẽ đi lên được.

Có điều vừa nghĩ tới sau khi tu thành cầu trường sinh, còn phải luyện hóa pháp bảo ngũ hành làm vật trấn nhà của “thế giới nhỏ thân thể”, Trần Bình An lại cảm thấy nhức đầu. Đã có khẩu quyết trên thẻ ngọc do thủy thần nương nương tặng cho, hắn phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ, luyện hóa đủ năm vật bản mệnh.

Trừ khi bỏ qua một thân tu vi võ đạo, nếu không một khi dựng cầu trường sinh, linh khí sẽ như nước biển chảy ngược, hậu quả không thể tưởng tượng. Còn nếu kinh huyệt bản thân có năm chỗ giống như ao hồ hoặc phủ đệ thần tiên, sẽ có thể tích góp linh khí trời đất, đồng thời không ảnh hưởng quá nhiều đến một hơi chân khí thuần túy tuần tra bốn phương, hai bên có thể nước giếng không phạm nước sông.

Loại trạng thái huyền diệu khó giải thích đó, giống như đồng thời có hai Trần Bình An. Một Trần Bình An dựa vào hai nắm tay, đi lại thiên hạ. Một Trần Bình An ở trong núi sâu rừng thẳm, đóng cửa từ chối tiếp khách, yên lặng tu đạo.

Lúc Trần Bình An đi thế, trong lòng mặc niệm: “Thủy Tự ấn mà Tề tiên sinh tặng cho, nhất định phải luyện hóa thành vật bản mệnh, như vậy nó sẽ liên kết với tính mạng. Cho dù bị người ta phá hoại giống như Sơn Tự ấn, chỉ cần người không chết, vẫn có thể thấp thoáng hiện ra trong kinh huyệt. Mặc dù không còn uy thế, nhưng chung quy vẫn có tưởng niệm, đời này chỉ cần muốn nhìn là có thể nhìn được. Hơn nữa pháp quyết tiên nhân của thủy thần nương nương, đề cập tới chuyện luyện nước là nhiều nhất.”

“Còn thẻ ngọc cổ xưa có thể nuôi dưỡng thân thể và thần hồn, quá nửa là liên quan đến ngũ hành thủy. Nhưng không biết cấp bậc cao thấp, lai lịch bối cảnh thế nào, vẫn phải hỏi Ngụy Bách mới được.”

“Đáng tiếc pháp bào màu vàng không nằm trong ngũ hành. Nếu không cấp bậc của nó đầy đủ, lại thích hợp luyện hóa, không cần lúc nào cũng phải mặc trên người, sẽ bị địa tiên Nguyên Anh nhìn ra lai lịch. Ài, thật là đáng tiếc.”

“Văn mật màu vàng của thành hoàng gia Thẩm Ôn nước Thải Y. Ở phủ Bích Du khi ta nói về học vấn thứ tự, lòng có cảm ứng, dường như có thể luyện hóa thành ngũ hành kim. Hơn nữa chuyện đọc sách cũng giống như quyền pháp kiếm thuật, là chuyện lâu dài cả đời.”

“Ngũ hành thổ, trong lời nói của đạo đồng kia, có nhắc tới đất năm màu sơn hà xã tắc của Ngũ Nhạc Đại Ly. Hôm nay kỵ binh Đại Ly xuôi nam, khói lửa chiến tranh khắp nơi. Chẳng lẽ là nói, họ Tống Đại Ly thật sự có thể chiếm được ít nhất nửa giang sơn của Bảo Bình châu? Nếu quả thật như vậy, đất năm màu Ngũ Nhạc của vương triều Đại Ly sẽ rất đáng giá. Xem ra lần sau trở về Long Tuyền, vẫn phải làm phiền Ngụy Bách đã có thân phận là thần Bắc Nhạc Đại Ly.”

Trần Bình An mặc một bộ áo bào trắng, “quên mình” xuất quyền, giống như nước chảy mây trôi. Không còn là học đồ thợ gốm nặn phôi, cũng không phải phong cách cứng nhắc như chữ Khải, mà là như chữ Hành của đại gia phong lưu.

Bí quyết trong đó, chỉ là chịu được khổ, cầm được phúc mà thôi.

- --------

Bốn người trong tranh cuộn đều có hành vi khác thường.

Ngụy Tiện gần đây thích ăn vặt, hai bên hông đeo hai cái túi nhỏ, bên trong chứa đầy thức ăn mua từ các cửa tiệm.

Lư Bạch Tượng thích tất cả đồ vật trang nhã, hôm nay lại thích nắm chặt mấy quân cờ, lúc tản bộ quân cờ va chạm, trong lòng bàn tay sẽ phát ra tiếng lách cách nhẹ nhàng.

Chu Liễm không thích gò bó, chẳng hạn như cảm thấy mang giày còn phải mang tất rất phiền phức. Lão mua một đôi giày cỏ không biết ở tiệm nào trong thành Kỵ Hạc, lại thay một bộ áo vải màu vàng nhạt. Bất kể nghỉ ngơi ở thành trấn nào, Chu Liễm cũng sẽ đi mua mấy quyển tiểu thuyết thần bí nói về quỷ thần, hoặc là tiểu thuyết tài tử giai nhân trăng hoa, lúc rảnh rỗi lại xem sách để giết thời gian.

Tùy Hữu Biên ngoại trừ mỗi ngày lĩnh ngộ kiếm đạo, dường như không có bất kỳ sở thích nào khác, bản thân chính là chuyện kỳ quái lớn nhất.

Trần Bình An luyện quyền xong, trở vào trong phòng.

Hôm nay Chu Liễm ngồi trong sân dưới cái nắng ấm áp đầu mùa đông, xem một quyển tiểu thuyết tài tử giai nhân khá ướt át.

Thiếu niên Diêu Tiên Chi tới thăm, đang nhờ Ngụy Tiện chỉ bảo quyền pháp.

Diêu Cận Chi cũng tới theo, đang đánh cờ với Lư Bạch Tượng.

Sau khi đến ngọn núi nhỏ kia, tâm tình của Tùy Hữu Biên hơi biến hóa, lại bắt đầu một mình bế quan, đặt ngang kiếm trên đầu gối, thường đẩy kiếm ra khỏi vỏ hơn một tấc rồi lại đẩy vào, nhiều lần như vậy.

Bùi Tiền là một người không chịu ngồi yên, nhìn Lư Bạch Tượng và Diêu Cận Chi đánh cờ một lát, cảm thấy không thú vị. Cô trở về phòng lấy cây gậy leo núi kia, ở bên cạnh Ngụy Tiện và Diêu Tiên Chi múa một trận Phong Ma côn pháp thương hiệu của mình.

Ngụy Tiện bảo Diêu Tiên Chi luyện tập một thế quyền, sau đó nhìn Bùi Tiền một lát, thật lâu không nói gì. Cô bé cầm gậy leo núi múa may lung tung, đôi khi còn không cẩn thận đánh trúng mình. Không hổ là con đường bá đạo giết địch một ngàn tự tổn tám trăm, khiến cho Diêu Tiên Chi ở một bên luyện tập đứng thế phải trợn trắng mắt.

Ngụy Tiện lại giống như không hề cảm thấy nha đầu đem nhẻm kia rất ấu trĩ.

Bùi Tiền thở hồng hộc, khom người, hai tay cầm gậy leo núi, hỏi:

- Lão Ngụy, thiên phú học võ của ta thế nào, có phải là vạn người chọn một hay không? Ngày mai... bỏ đi, sang năm liệu ta có thể trở thành cao thủ tuyệt thế như cha ta, một tay đánh mười người như ngươi không?

Ngụy Tiện hỏi một đằng trả lời một nẻo:

- Trên giang hồ nói luyện kiếm một năm, luyện đao một tháng, luyện thương lâu dài. Nếu ngươi thật sự muốn côn pháp tiến bộ thần tốc, ta có hai đề nghị. Một là ở ruộng hoa cải xuất côn như rồng, lâu ngày sẽ có khí thế vô địch thiên hạ. Hai là đi chọc một tổ ong vò vẽ, người đang ở hiểm cảnh, sẽ có một loại khí thế coi thường cái chết.

Bùi Tiền thấy Ngụy Tiện nói rất chân thành, suy nghĩ một lúc, nửa tin nửa ngờ nói:

- Ngươi không lừa ta chứ?

Ngụy Tiện hờ hững nói:

- Không tin thì thôi.

Lư Bạch Tượng quay lưng về phía bên này khẽ mỉm cười.

Chu Liễm khom người đọc sách, vừa mới dùng ngón tay chấm nước miếng lật qua một trang. Thế nhưng chuyện nam nữ tình ái ở trang trước đó, thật sự viết đến giường chiếu ướt át, không nhịn được lại lật trở về, đọc thêm lần nữa.

Bùi Tiền đột nhiên lắc đầu thở dài, ánh mắt thương hại nói:

- Lão Ngụy à, chẳng lẽ ngươi không nhìn ra, thứ ta luyện vốn không phải côn pháp mà là kiếm thuật?

Ngụy Tiện ra vẻ tỉnh ngộ, nhưng lại chẳng hề thành tâm.

Bùi Tiền thẹn quá hóa giận nói:

- Lão Ngụy ngươi còn nhàm chán như vậy, tình nghĩa xâu kẹo đường của chúng ta sẽ xem như không còn.

Khóe miệng Ngụy Tiện nhếch lên, giống như cười trên nỗi đau của người khác.

Vừa nói ra khỏi miệng, Bùi Tiền liền vứt gậy leo núi, vội vàng che miệng lại.

Quả nhiên, giọng nói của Trần Bình An cất lên:

- Trở về phòng chép sách năm trăm chữ.

Hôm nay ngoại trừ đọc sách thuộc lòng, Bùi Tiền còn bị Trần Bình An yêu cầu chép sách. Mỗi lần nghiến răng nghiến lợi chép sách, cô chỉ muốn tát cho mình mấy cái, ai bảo ngươi đòi giấy bút gì đó của nữ quỷ Huyên Hoa phủ Bích Du kia.

Trần Bình An nói, cô đã có bút của mình, vậy thì mỗi ngày bắt đầu luyện chữ. Không nhiều, chỉ năm trăm chữ, nhưng chữ nào chép qua loa, quá xiêu vẹo, sẽ không tính vào năm trăm chữ kia, phải viết lại. Bùi Tiền thật muốn đi chết, lúc này mới qua được mấy ngày thoải mái như thần tiên chứ?

Cô bé phồng má như bánh bao thịt, nhặt cây gậy leo núi kia lên, ngoan ngoãn trở về phòng chép sách.

- --------

Khi trong viện vui vẻ hòa thuận, cách thành Kỵ Hạc trăm dặm, tại miếu thờ sơn thần trên một ngọn núi nhỏ, khách quý không ngừng kéo đến, rất vinh hạnh vẻ vang. Sơn thần nho nhỏ tự mình làm đầy tớ bưng trà đưa nước, ân cần hầu hạ những quý nhân kia. Bởi vì tiền hương khói hàng năm thật sự quá nhiều, dinh thự của sơn thần vốn không thể gọi là phủ, lại được xây dựng giống như một phủ đệ tiên cảnh.

Người đầu tiên ghé bước đến đây là quán chủ Kim Đỉnh quán Đỗ Hàm Linh, một vị địa tiên Nguyên Anh tiếng tăm lừng lẫy. Ông ta là một vị thần tiên trên núi thật sự, bên cạnh dẫn theo hai nữ tu trẻ tuổi đẹp như thiên tiên.

Kim Đỉnh quán nằm ở phía bắc Đồng Diệp châu, tại một nơi núi sông xinh đẹp.

Lục địa thần tiên lai lịch lớn như vậy, đừng nói là miếu sơn thần cấp thấp, cho dù là hoàng đế bệ hạ vương triều Đại Tuyền cũng chưa chắc mời được.

Ban đầu sơn thần sợ đến mức kim thân miếu thờ cũng lung lay, nhưng sau đó nhận được pháp chỉ của Đỗ Hàm Linh, nói rằng chỉ mượn nơi này để chiêu đãi bằng hữu, xong chuyện nhất định sẽ tặng lễ vật, tâm tình của sơn thần mới ổn định lại. Đỗ lão thần tiên cũng không đến mức phải lừa gạt hắn, một sơn thần nhỏ bé như hắn còn không xứng.

Sau đó là một vị quan lão gia phong thái cao quý, dẫn theo mấy tùy tùng đều là luyện khí sĩ tu đạo có thành tựu.

Tiếp đó là một vị đạo sĩ trẻ tuổi tuấn tú lặng lẽ lên núi, bên cạnh là một đôi thầy trò. Ông lão cảnh giới không cao, đã bị thương nặng. Đệ tử là một thiếu niên cao lớn tướng mạo chất phác.

Cuối cùng là cấp trên trực tiếp của sơn thần hắn, xuất hiện vào đêm khuya. Người này là thành hoàng gia của lầu thành hoàng trong châu thành, chức quan tương tự với thứ sử của dương gian, cai quản tất cả miếu thành hoàng và thần linh núi sông lẻ tẻ trong quận huyện.

Hai miếu văn võ lại là ngoại lệ, trực thuộc Lễ bộ một nước, cùng với miếu thành hoàng trước giờ không xen vào việc của nhau. Còn như hai bên rốt cuộc ai cấp bậc cao hơn, quyền thế lớn hơn, gặp phải tình huống khẩn cấp sẽ do ai chủ trì công việc, mỗi nơi đều có sắp xếp riêng.

Quán chủ Kim Đỉnh quán Đỗ Hàm Linh, thân quốc công Cao Thích Chân của Đại Tuyền, thành hoàng gia của thành Kỵ Hạc, cộng thêm Thiệu Uyên Nhiên vừa là đệ tử Kim Đỉnh quán vừa là cung phụng của họ Lưu Đại Tuyền.

Ngày đông ấm áp, phong cảnh hợp lòng người. Bốn người tụ tập trong một đình ngắm cảnh rộng rãi trên đỉnh núi.

Sơn thần đứng phía xa, tùy thời chờ lệnh. Trong đình trò chuyện rất vui vẻ.

Sau khi thân quốc công Cao Thích Chân xuống núi, trở về thành Thận Cảnh ở kinh sư Đại Tuyền, vẻ mặt không còn buồn bực giống như khi tới.

Thành hoàng gia lặng lẽ trở về lầu thành hoàng, cũng là kiến trúc cao nhất trong thành Kỵ Hạc. Hắn nhìn chằm chằm vào dịch quán kia, ánh mắt lạnh giá, khóe miệng nở một nụ cười chế giễu.

Đỗ Hàm Linh ở lại trên núi thêm một ngày, trước khi đi đã triệu kiến đệ tử Bảo Chân đạo nhân Doãn Diệu Phong đời này không có hi vọng đạt tới Kim Đan, cùng với đồ tôn Thiệu Uyên Nhiên. Hai thầy trò hôm nay đều là cảnh giới Long Môn, cho nên không thể ở lại thành Thận Cảnh làm cung phụng hàng đầu, mà là đồn trú ở biên quan, giúp họ Lưu Đại Tuyền giám sát kỵ binh họ Diêu.

Ngoại trừ ban cho Thiệu Uyên Nhiên một món trọng bảo bản môn, xem như là đưa trước phần thưởng sau khi Thiệu Uyên Nhiên bước vào Kim Đan, địa tiên Đỗ Hàm Linh còn tiết lộ một chuyện bí mật.

Thiệu Uyên Nhiên tính tình trầm ổn cũng không che giấu được sự mừng rỡ. Doãn Diệu Phong càng cười đến không khép miệng được, đứng dậy thay đệ tử cung kính cảm ơn sư tôn.

Đỗ Hàm Linh khen ngợi và khích lệ Thiệu Uyên Nhiên mấy câu, sau đó ngự gió đi về phía bắc, trở lại Kim Đỉnh quán. Trước khi rời đi, ông ta không quên ban cho sơn thần kia một món linh khí thượng hạng cấp bậc không tầm thường.

Sơn thần dĩ nhiên là đội ơn. Sau khi Đỗ lão thần tiên cưỡi mây đạp gió rời đi, sơn thần lại quỳ trên đỉnh núi dập đầu, tạ ơn từ xa. Linh khí tới tay chỉ là phụ, từ nay có thể dựa hơi Kim Đỉnh quán, quen biết một vị địa tiên Nguyên Anh như thần long thấy đầu không thấy đuôi, đây mới là may mắn lớn nhất của miếu sơn thần nhỏ bé này.

Đôi thầy trò đi theo đạo trưởng trẻ tuổi Thiệu Uyên Nhiên thì ở lại trên núi dưỡng thương.

Lão chân nhân Doãn Diệu Phong không vào thành cùng với Thiệu Uyên Nhiên, hai người bọn họ trước sau trở lại dịch quán trong thành.

Trong một ngôi nhà yên tĩnh trên núi, thiếu niên cao lớn lúc trước xông vào võ miếu mượn đao, vẻ mặt phức tạp ngồi trên chiếc ghế gấm vóc bên cạnh giường nhỏ. Hai tay của hắn nắm lại, giống như đang suy nghĩ một vấn đề làm sao cũng nghĩ không thông.

Sư phụ của hắn nằm trên giường nghỉ ngơi, mặc dù bị thương không nhẹ, tạm thời không thể đấu pháp chém giết, trảm yêu trừ ma, nhưng muốn xuống đất đi lại cũng không khó.

Sắc mặt ông lão hơi tái nhưng tinh thần rất tốt, mắt sáng ngời có thần, quay đầu nhìn đệ tử duy nhất của mình, nói:

- Nhận một đệ tử tốt là chuyện khó, muốn đệ tử tu hành thuận lợi lại càng khó hơn, không khác gì chiếu cố con cái trong nhà. Ta không có con nối dõi, đệ tử cũng chỉ có một mình con. Huống hồ thiên tư của con tốt hơn ta quá nhiều, không mưu tính cho tương lai của con, người làm sư phụ như ta chết không nhắm mắt.

Ông ta lại cười nói:

- Lúc trước đã nói rõ đạo lý và quá trình với con. Còn như sư phụ làm thế nào quen biết Kim Đỉnh quán, vì sao lần này vừa lúc gặp phải Thiệu chân nhân, con đừng hỏi nhiều, từ hôm nay trở đi cứ chăm chỉ tu hành.

- Lần này Đỗ lão thần tiên tự mình ra tay, giúp con đột phá cảnh giới, bước vào năm cảnh giới trung, phần ân tình này phải nhớ kỹ trong lòng. Nói một câu khó nghe, Kim Đỉnh quán là một động phủ tiên gia rất lớn, cho dù thằng nhóc con thành tâm muốn báo ân, người ta sẽ cần sao? Nhưng vẫn phải có tấm lòng này, nếu không còn không đủ tư cách làm một con chó của Kim Đỉnh quán.

Vành mắt thiếu niên cao lớn ướt át, cúi đầu nói:

- Đệ tử không có tiền đồ, khiến sư phụ chịu uất ức rồi.

Ông lão thở dài, giơ ngón tay nhấn vào thiếu niên tư tưởng bảo thủ, nói:

- Con đấy, vẫn không hiểu biết gì cả. Mà thôi, mà thôi, nếu không như vậy thì ta cũng sẽ không nhận con làm đồ đệ. Nói thật, nhân vật tư chất xuất chúng như Thiệu chân nhân, ta đã sớm nhìn thấy rồi, nhưng chưa chắc dám nhận vào môn phái. Gặp phải gió mây biến động, một tu sĩ cảnh giới Quan Hải như ta làm sao có thể chống đỡ được.

Thiếu niên cao lớn dù sao cũng đang ở tuổi hiếu thắng, nói:

- Sư phụ, bước vào cảnh giới Long Môn khi còn trẻ, con cũng có một chút hi vọng.

Ông lão cười mắng:

- Đồ ngốc, ra ngoài tu hành đi. Sư phụ còn phải dưỡng thương, không muốn đàn gảy tai trâu nữa.

Thiếu niên cao lớn “dạ” một tiếng, đứng dậy cáo từ rời đi.

Lúc thiếu niên đi tới cửa, ông lão lại nhẹ giọng an ủi:

- Trên đường tu hành khó tránh khỏi một chút uất ức, sợ là sợ cả đời chỉ có thể kìm nén uất ức. Vì vậy con nhất định phải đi cao hơn xa hơn sư phụ, khiến cho mình ít phải chịu uất ức. Miếu sơn thần và đình ngắm cảnh ở đây không tính là cao, từ Đồng Diệp châu đi tới vương triều Đại Tuyền này cũng không tính là xa. Thần tiên và nhân tài của vùng trời đất trời này đều ở nơi cao hơn.

Thiếu niên cao lớn quay lại, gật đầu nói:

- Nhớ rồi.

Ông lão cười cười, nói tiếp:

- Nếu sau này có một ngày cảnh giới cao rồi, có thể ngang hàng với nhân vật như Đỗ lão thần tiên, nhớ đối xử với người thường dưới núi tốt một chút.

Thiếu niên vẫn luôn phiền muộn không vui, tại khoảnh khắc này lại tươi cười rạng rỡ, gật đầu theo bản tâm.

Ông lão cười nói:

- Đúng là một đứa ngốc.

- --------

Một ngày trước khi lên đường tới thành Thận Cảnh, có người đến nhà thăm viếng Trần Bình An.

Đó là một đạo sĩ trẻ tuổi mặc đạo bào, đội mũ hoa sen, đường xa mệt mỏi. Hắn uống một chén trà nguội trong phòng của Trần Bình An, nói rằng vì mình ở gần thành Kỵ Hạc nhất, cho nên may mắn nhận được pháp chỉ của tổ sư gia, muốn đưa cho Trần Bình An một món đồ.

Hắn cẩn thận lấy ra một miếng ngọc bài, sau đó đặt lên bàn, giải thích ngọn nguồn cho Trần Bình An.

Đạo sĩ trẻ tuổi nói thẳng:

- Tổ sư gia muốn ta nói rõ, Trần công tử không cần lo lắng núi Thái Bình động tay động chân vào ngọc bài, sẽ tiết lộ hành tung, bị núi Thái Bình chúng ta thu vào trong mắt. Ngọc bài đã được tổ sư gia loại bỏ cấm chế sơn môn, hiện giờ chỉ là một món đồ chất liệu khá tốt, đương nhiên vẫn có ý nghĩa phi phàm với bên ngoài. Cho nên hi vọng trước khi Trần công tử rời khỏi Đồng Diệp châu, có thể phiền toái một chút, mỗi ngày đeo nó bên hông.

Trần Bình An đứng dậy cảm ơn. Đạo sĩ núi Thái Bình vội vàng đứng lên đáp lễ, liên tục nói không dám.

Trần Bình An cầm ngọc bài, lập tức đeo ở bên hông, cùng với hồ lô nuôi kiếm một trái một phải. Trước khi đi vào dịch quán, vị đạo sĩ trẻ tuổi kia đã quang minh chính đại tự báo danh hiệu, lúc này lại được Trần Bình An tiễn ra cửa lớn.

Hành động này của núi Thái Bình quả là dụng tâm suy nghĩ.

Ngọc bài bên hông Trần Bình An là dành cho đệ tử chính thống của tổ sư đường núi Thái Bình, hai mặt có khắc “núi Thái Bình tu chân ta” và “tổ sư đường nối hương hỏa”.

Địa tiên Kim Đan và Nguyên Anh của núi Thái Bình cũng chưa chắc có thể đeo lên, bởi vì chuyện này không liên quan gì đến tu vi và tuổi tác.

Cả núi Thái Bình chỉ có năm sáu người đeo loại ngọc bội này. Người lớn nhất đã ba trăm tuổi, hiện đang quản lý lầu sách Đạo gia ở núi Thái Bình, chỉ có tu vi cảnh giới Long Môn. Người nhỏ nhất là một đạo đồng chỉ bảy tám tuổi, thiên tư xuất chúng.

Nếu nói đến người nổi tiếng nhất, chắc chắn là nữ đạo sĩ Hoàng Đình một mình cầm kiếm xuống núi vân du.

Cho nên từ giây phút này trở đi, bùa hộ mạng của Trần Bình An ở Đồng Diệp châu là cả núi Thái Bình.

Mà vị tổ sư gia lão thiên quân của núi Thái Bình, vừa mới thi triển thần thông tiên nhân khiến người ta sợ hãi. Kim thân pháp tướng hiện thế, tay cầm Minh Nguyệt kính, điều khiển tiên kiếm giết địch ngoài vạn dặm. Vào lúc này ai dám trêu chọc núi Thái Bình đã lộ ra mũi nhọn?

Trần Bình An cảm khái muôn phần, trở về viện.

Một bộ áo bào trắng, búi tóc cài trâm ngọc, bên hông đeo ngọc bài.

Tư lại của dịch quán nhìn thấy Trần Bình An trên đường, đều xem hắn là một người đọc sách.

- --------

Sáng sớm hôm nay, đội ngũ Diêu gia lên đường đến thành Thận Cảnh.

Càng ngày càng đến gần bến thuyền nổi tiếng ở thành Thận Cảnh, nghĩa là nhóm người Trần Bình An và đội ngũ Diêu gia đã sắp đến lúc chia tay.

Một ngày vào hoàng hôn, Diêu gia trú ngụ ở một dịch quán cuối cùng trong chuyến hành trình lần này. Dịch quán giản dị không trang trí, thậm chí còn có vẻ đơn sơ, hoàn toàn khác so với dịch quán có vườn ở thành Kỵ Hạc.

Dọc theo đường lớn bên ngoài dịch quán, đi hơn mười dặm sẽ tới đỉnh Chiếu Bình. Mặc dù ngọn núi không cao, nhưng giống như kiếm sắc ra khỏi vỏ, rất thích hợp ngắm mặt trời mọc và lặn, là một thắng cảnh nổi tiếng ở kinh sư. Thường có quan to quyền quý và con cháu vương tôn ngủ đêm ở nhà trọ trên đỉnh núi, chờ ngắm mặt trời mọc ở biển đông, chiếu rọi cảnh đẹp thần kỳ trên đỉnh Chiếu Bình.

Diêu Trấn muốn rủ Trần Bình An tới đó.

Cuối cùng chỉ có lão tướng quân, ba người họ Diêu, Trần Bình An và Bùi Tiền đến đỉnh Chiếu Bình, ngủ đêm ở một nhà trọ trên đỉnh núi.

Phía sau nhà trọ là một đài ngắm cảnh bên sườn núi nhìn về phía đông, là nơi ngắm cảnh tốt nhất trong sáu nhà trọ trên đỉnh Chiếu Bình.

Nhóm người đưa rượu ngon và thức ăn khuya của nhà trọ lên bàn, trước tiên ngắm trăng, sau đó sẽ ngắm mặt trời mọc.

Thiếu niên Diêu Tiên Chi chơi đùa với Bùi Tiền cầm gậy leo núi, hai người đang bận “so tài võ nghệ”.

Thiếu nữ Diêu Lĩnh Chi một mình đi đến lan can bên sườn núi, nhìn về phía nam xa xôi, dường như có phần thương cảm.

Lão tướng quân thề thốt muốn thức khuya chờ mặt trời mọc, nhưng sau khi uống hai bầu rượu, chưa kịp chuốc say Trần Bình An thì mình đã say khướt. Diêu Cận Chi và Diêu Lĩnh Chi đành phải dìu ông nội trở về nhà trọ.

Bùi Tiền và Diêu Tiên Chi tinh thần rất tốt, nhất định có thể chờ cảnh tượng mặt trời mọc.

Trần Bình An ngồi một mình bên cạnh bàn, cầm gậy leo núi bị Bùi Tiền vứt sang một bên, rất buồn chán vẽ vòng tròn dưới đất.

Một vòng tròn nhỏ, một vòng tròn lớn, một vòng tròn càng lớn, lại một vòng tròn lớn hơn, nhiều vòng quấn quanh nhau.

Tâm thần Trần Bình An đắm chìm trong đó.

Diêu Cận Chi đã đứng sau lưng hắn nhìn rất lâu, hỏi:

- Cứ vẽ tiếp như vậy sao?

Trần Bình An thu gậy leo núi, dựa nghiêng vào bàn đá, cười nói:

- Chỉ có thể vẽ tới đây thôi.

Diêu Cận Chi ngồi xuống, rót cho mình một chén rượu, lúc uống rượu gương mặt nhăn lại, xem ra chén rượu kia rất khó nuốt xuống. Sau khi uống xong, cô liếc nhìn xuống đất, nói:

- Là rất khó vẽ tiếp. Ta đoán quân tử của Nho gia cũng không vẽ tiếp được.

Trần Bình An lắc đầu, không nói gì, chỉ nhìn lan can bên sườn núi. Diêu Tiên Chi và Bùi Tiền một lớn một nhỏ lén lén lút lút, dường như đang thương lượng chuyện gì.

Diêu Cận Chi cười hỏi:

- Ngài không hỏi là ta thật sự biết ngài vẽ gì, hay là giả vờ biết sao?

Trần Bình An nhẹ giọng nói:

- Có lẽ Diêu cô nương biết.

Diêu Cận Chi do dự một thoáng, vẫn rót cho mình chén rượu, uống một hơi cạn sạch. Sắc mặt cô ửng đỏ, càng sáng ngời rạng rỡ, chậm rãi nói:

- Giữa hai người như ngài và ta, giữa các gia đình, giữa các quốc gia, giữa các châu lục, giữa các văn mạch, giữa tam giáo, giữa các trường phái tư tưởng, giữa các thế giới, giữa nhân tộc và yêu tộc. Ngài đang nghĩ đạo lý mà mình biết, hai chữ “đạo lý” này rốt cuộc có thể bao hàm mấy vòng tròn.

- Sau đó ngài sẽ đi lòng vòng trên quỹ tích của vòng tròn ngoài cùng, cho đến khi xác định ranh giới của một vòng tròn, mới vượt qua đi tiếp. Chỉ có như vậy, mỗi bước của ngài mới sẽ không thẹn với lương tâm. Chính vì như thế, ngài xuất quyền xuất kiếm, có thể thẳng tiến không lùi. Cũng chỉ có Trần Bình An ngài, mới có tư cách ở nhà trọ nói với quân tử thư viện một câu “tự hỏi lương tâm”.

Trần Bình An quay sang nhìn cô gái này, gật đầu nói:

- Diêu cô nương, cô là... một trong số người thông minh nhất mà ta từng thấy.

Đây là lời nói thật.

Nếu không có “một trong”, chính là tâng bốc trái với lương tâm. Không nói tới người khác, chỉ riêng “đệ tử” Thôi Đông Sơn kia của mình, Diêu Cận Chi hiện giờ vẫn không thể sánh bằng.

Diêu Cận Chi đã uống khoảng hai chén rượu, không chịu nổi men rượu, lời nói và nét mặt có một vẻ phong tình đặc biệt. Cô nhìn chăm chú vào Trần Bình An, dịu dàng hỏi:

- Trong mắt công tử, Cận Chi chỉ thông minh thôi sao?

Trần Bình An hơi sững sốt, gãi gãi đầu, nói thẳng:

- Diêu cô nương, ta đã có cô nương yêu thích rồi.

Diêu Cận Chi che miệng cười, không hề tức giận, lại hỏi:

- Cô ấy rất đẹp sao?

Trần Bình An bỗng nhiên mặt mày rạng rỡ, không hề do dự nói:

- Tất cả sông núi xinh đẹp của thế giới Hạo Nhiên cộng lại, cũng không đẹp bằng cô ấy.

Diêu Cận Chi giống như không có khúc mắc trong lòng, mỉm cười uống một hớp rượu. Cô ngồi với Trần Bình An một nén nhang, trò chuyện một chút về phong thổ của thành Thận Cảnh, sau đó mới đứng dậy cáo từ.

Sau khi xoay người, cô gái nghiêng nước nghiêng thành này đi về hướng nhà trọ, ánh mắt buồn bã.

Trần Bình An không quay đầu, khuỷu tay vẫn luôn gác lên bàn, nghiêng người mỉm cười nhìn ánh trăng phía xa. Ánh mắt của hắn dịu dàng, giống như đang nhìn một vị cô nương, cũng không chứa được những mỹ sắc nhân gian khác.

Vị cô nương mà hắn thích, đã là nốt ruồi son, cũng là ánh trăng sáng (2) trong lòng hắn.

- --------

Chú thích:

(1) Thanh lưu: tên một phe phái chính trị trong nội bộ giai cấp thống trị cuối thời nhà Thanh. Bọn họ xem xét tình hình chính trị đương thời, dâng tấu can gián, tố cáo đại thần, chỉ trích hoạn quan, đối ngoại thì phản đối cường quốc xâm chiếm, đối nội thì chủ trương chỉnh đốn kỷ cương. 

(2): Ánh trăng sáng: chỉ người mà bạn ái mộ, nhưng không thể có được.

Nốt ruồi son: chỉ người mà bạn từng có, nhưng vì vô tâm nên đã đánh mất. 
Bình Luận (0)
Comment